Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)

Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)

Giáo lý về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu
23 tháng Tám, 2017
Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)
Tiếp Kiến Chung 23/08/2017 © L'Osservatore Romano
“Chúng ta là dân tộc mang mùa xuân hơn là mùa thu,” Đức Thánh Cha Phanxico giải thích trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu.
Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức hôm nay, 23 tháng Tám, 2017, lúc 9:30 trong Đại sảnh Phao-lô VI ở Vatican, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm du khách từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5) và “tính mới lạ của niềm hy vọng của người Ki-tô hữu.”
Đức Thánh Cha nói thêm: “Bây giờ tôi muốn đặt một câu hỏi – mỗi người tự trả lời trong lòng, trong thinh lặng, nhưng hãy trả lời –: Tôi có phải là một người đàn ông, một phụ nữ, một thiếu niên nam, một thiếu niên nữ mang mùa xuân hay mùa thu? Tâm hồn của tôi đang trong mùa xuân hay mùa thu? Mỗi người hãy tự trả lời cho mình.”
“Chúng ta hãy nhìn đến những chồi non của một thế giới mới hơn là nhìn đến những lá vàng trên cành. Chúng ta đừng tự mê hoặc mình trong những sự hoài niệm, nhớ nhung và lời than van: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành những người thừa tự của một giao ước và là những người miệt mài gieo cấy những ước mơ. Đừng quên câu hỏi đó: “Tôi là một con người của mùa xuân hay của mùa thu?” Đức Thánh Cha Phanxico hỏi.
Ngài kết luận: “Mang mùa xuân, tức là chờ đợi hoa nở, chờ đợi sự kết trái, chờ đợi ánh dương là Đức Giê-su, hoặc mang mùa thu, đó là một khuôn mặt luôn cúi nhìn xuống, ngậm ngùi cay đắng, như tôi đã đôi lần nói, với khuôn mặt như vinegar peppers (tạm dịch: món ớt ngâm chua).”
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
AB
***
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật." Người lại phán với tôi: "Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta.”
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta đã nghe Lời Chúa trong Sách Khải Huyền, và có câu: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự” (21:5). Niềm hy vọng của người Ki-tô được dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn tạo ra những điều mới lạ trong đời sống con người, Người tạo ra những điều mới lạ trong lịch sử và Người tạo ra sự mới lạ trong vũ trụ. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa tạo nên những điều mới lại, vì Người là Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên.
Người Ki-tô hữu không bước đi với khuôn mặt cúi xuống — như những con heo: chúng luôn bước đi như vậy — và không ngước mặt nhìn về phía chân trời, coi như hành trình của chúng ta chấm dứt tại đây, chỉ trong quãng đường vài mét; dường như không có mục đích cho cuộc sống và không có bến bờ để tiến đến, và chúng ta phải bước lang thang trong vô định, chẳng còn mục đích gì cho biết bao lao nhọc của chúng ta. Đây không phải là thái độ của người Ki-tô hữu!
Trang cuối của Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy chân trời sau cùng của hành trình của người tín hữu: thành Giê-ru-sa-lem trên Trời, thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Bước đầu chúng ta có thể hình dung đó như một nhà tạm khổng lồ, nơi Thiên Chúa sẽ đón nhận tất cả mọi người vào cư ngụ (Kh 21:3). Và đây là niềm hy vọng của chúng ta. Và Thiên Chúa sẽ làm gì, khi cuối cùng tất cả chúng ta được ở cùng Người? Người sẽ tỏ sự nhân hậu vô bờ bến cho chúng ta, như một người cha đón nhận những đứa con đã phải trải qua lao động nhọc nhằn và đau khổ. Trong Khải Huyền Thánh Gio-an tiên báo: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại! … Người sẽ lau sạch nước mắt họ, và sẽ không còn sự chết, cùng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất … Này đây, Ta đổi mới mọi sự!” (21:3-5) — Thật là Thiên Chúa của sự mới lạ!
Hãy cố gắng suy tư về trích đoạn Sách Thánh hôm nay, không theo cách trừu tượng, nhưng sau khi đã đọc lại dòng sự kiện của chúng ta, sau khi đã xem những bản tin truyền hình hay trang nhất của các báo, trên đó chúng ta tìm được rất nhiều thảm kịch, trên đó những bản tin đau buồn được tường thuật và có nguy cơ làm chúng ta trở thành quen dần. Và tôi đã chào một số anh chị em đến từ Barcelona: bản tin thật buồn đã đến từ đó! Tôi đã gửi lời chào một số anh chị em đến từ Congo, và tin thật buồn cũng đến từ đó! Và còn không biết bao nhiêu người khác! Chỉ nói đến hai quốc gia của một số anh chị em ở đây … Hãy nghĩ đến khuôn mặt của những trẻ em hoảng loạn vì chiến tranh, nghĩ đến tiếng khóc của những người mẹ, nghĩ đến những giấc mơ bị tan vỡ của biết bao bạn trẻ, của những người tị nạn phải đương đầu với những hành trình vô cùng kinh khủng, và đã bị bóc lột không biết bao nhiêu lần … Thật đáng buồn, cuộc sống là vậy, đôi lúc có người nói rằng điều đặc biệt của cuộc sống là như vậy.
Nó có thể xảy ra như thế, nhưng có một người Cha cùng khóc với chúng ta; có một người Cha tuôn những dòng lệ thương xót cho những đứa con của Người. Chúng ta có một người Cha có thể khóc, khóc cùng với chúng ta, một người Cha chờ đợi chúng ta để an ủi chúng ta, vì Người hiểu những đau khổ của chúng ta và đã chuẩn bị một tương lai khác cho chúng ta. Có một tầm nhìn vĩ đại trong niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, nó mở rộng trong mọi ngày trong cuộc đời của chúng ta, và để nâng chúng ta dậy.
Thiên Chúa không sắp xếp cuộc sống của chúng ta do vô tình, bắt buộc chính Ngài và chúng ta đi vào những đêm đen khó khăn của sự thống khổ. Nhưng Người tạo dựng chúng ta vì Người muốn chúng ta được hạnh phúc. Người là Cha của chúng ta và nếu chúng ta ở đây, ngay bây giờ, trải nghiệm một cuộc sống không như cuộc sống Người đã mong muốn cho chúng ta, Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa chính Người đang hoạt động để cứu chúng ta. Người hoạt động để giải thoát chúng ta.
Chúng ta tin và biết rằng cái chết và lòng thù hận không phải là lời nói cuối cùng cho sự sống của con người. Là người Ki-tô hữu hàm ý một viễn cảnh mới: một cái nhìn tràn đầy hy vọng. Một số người tin rằng cuộc sống cầm giữ tất cả sự hạnh phúc của họ ở tuổi trẻ và trong quá khứ, và cuộc sống như vậy là một sự mòn mỏi dần dần. Người khác thậm chí giữ ý nghĩ rằng niềm vui chỉ là một chút thoáng qua và trôi nhanh, và rằng sự vô nghĩa đã được in dấu vào đời sống của con người, đó là những người đứng trước những tai ương nói rằng: “Cuộc sống là vô nghĩa, hành trình của chúng ta chẳng mang ý nghĩa gì.” Nhưng chúng ta là người Ki-tô hữu, chúng ta không tin điều này. Thay vì vậy, chúng ta tin rằng ở phía chân trời của con người luôn có một vầng dương soi sáng mãi mãi. Chúng ta tin rằng những ngày tươi đẹp nhất của chúng ta rồi sẽ đến. Chúng ta là những con người của mùa xuân hơn là của mùa thu. Bây giờ tôi muốn đặt một câu hỏi – mỗi người tự trả lời trong lòng, trong thinh lặng, nhưng hãy trả lời –: Tôi có phải là một người đàn ông, một phụ nữ, một thiếu niên nam, một thiếu niên nữ mang mùa xuân hay mùa thu? Tâm hồn của tôi đang trong mùa xuân hay mùa thu? Mỗi người hãy tự trả lời cho mình. Chúng ta hãy nhìn đến những chồi non của một thế giới mới hơn là nhìn đến những lá vàng trên cành. Chúng ta đừng tự mê hoặc mình trong những sự hoài niệm, nhớ nhung và lời than van: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành những người thừa tự của một giao ước và là những người miệt mài gieo cấy những ước mơ. Đừng quên câu hỏi đó: “Tôi là một con người của mùa xuân hay của mùa thu?” Mang mùa xuân, tức là chờ đợi hoa nở, chờ đợi sự kết trái, chờ đợi ánh dương là Đức Giê-su, hoặc mang mùa thu, đó là một khuôn mặt luôn cúi nhìn xuống, ngậm ngùi cay đắng, như tôi đã đôi lần nói, với khuôn mặt như vinegar peppers (tạm dịch: món ớt ngâm chua).
Người Ki-tô hữu biết rằng Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quyền tình yêu của người đang lớn lên như một cách đồng lúa mì bao la, cho dù có lẫn trong đó là cỏ lồng vực. Luôn luôn có các vấn đề, có tin đồn thổi, có chiến tranh, có bệnh tật … có những vấn đề! Nhưng lúa mì vẫn lớn lên, và cuối cùng, cái ác sẽ bị loại trừ. Tương lai không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng Đức Giê-su Ki-tô là món quà vĩ đại của sự sống: chính cái ôm của Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình, nhưng cái ôm đó hiện cũng đang đồng hành và an ủi chúng ta trên đường đi. Người dẫn đưa chúng ta về “nhà tạm” khổng lồ của Thiên Chúa với mọi người (x. Kh 21:3), cùng với rất nhiều anh chị em của chúng ta, và chúng ta sẽ mang đến Thiên Chúa kỷ niệm về những ngày chúng ta sống ở dưới thế này. Và sẽ tuyệt đẹp vô cùng vì ngay lập tức chúng ta khám phá ra rằng không điều gì bị bỏ qua, không một nụ cười và không một giọt nước mắt. Dù cuộc sống của chúng ta có thể là dài, nhưng đối với chúng ta nó trôi qua như một cơn gió thoảng. Và sự Tạo dựng không hoàn tất vào ngày thứ sáu của Sáng Thế ký nhưng còn tiếp tục không ngừng, vì Thiên Chúa luôn luôn quan tâm chăm sóc đến chúng ta. Cho đến ngày mọi việc hoàn tất, vào một buổi sáng mọi giọt lệ sẽ được lau khô, ngay trong giây phút Thiên Chúa công bố lời cuối cùng của Người: “Này đây – Thiên Chúa nói – Ta đổi mới mọi sự!” (c. 5) Vâng, Cha của chúng ta là Thiên Chúa của những điều mới lạ và của sự ngạc nhiên. Và vào ngày đó chúng ta thực sự được hạnh phúc, và chúng ta sẽ phải bật khóc. Vâng, chúng ta sẽ bật khóc trong sự hân hoan.


Với các du kháchngười Ý
Tôi xin chào anh chị em hành hương người Ý. Đặc biệt, các Nữ tu dòng Phan-sinh Thánh Clare đang tham dự Tổng Công Hội của Cộng đoàn, và tôi cổ vũ các chị làm chứng tá đích thực cho Tin mừng của sự hy vọng và tình yêu. Nhiều chủng sinh cũng đang hiện diện tại đây: những anh em đang tham dự khóa học hè thứ 25, các em em thuộc Hội Oratory của Thánh Philip Neri và của vùng Verona: anh em thân mến, những người đang chuẩn bị cho thiên chức linh mục, từ hôm nay hãy tự rèn luyện bản thân để sống Tin mừng với tinh thần thừa sai mãnh liệt và với sự tập trung đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo và người thiếu thốn. Và đừng quên đọc Kinh Mân côi mỗi ngày. Ngoài ra, tôi xin chào các thành viên của Hiệp hội “Extended Wings” (Đôi cánh mở rộng) của vùng Vittorio Veneto và các nhóm khác đang hiện diện tại đây, đặc biệt các giáo xứ. Tôi hy vọng mỗi người khi dừng chân tại Mộ của các Thánh Tông đồ sẽ là một cơ hội tốt lành cho việc canh tân tinh thần.
Xin gửi lời chào nồng hậu đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Anh chị em rất thân thương, chúng ta hãy hướng cái nhìn về trời để chiêm ngắm sự huy hoàng của Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta đã mừng kính tuần trước trong ngày Mẹ lên Trời, và là Đấng hôm qua chúng ta khẩn cầu là Đức Nữ vương. Hãy thành thực sùng kính Mẹ để Mẹ luôn đồng hành và ở bên anh chị em mỗi ngày.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ sự gần gũi thân thương tới tất cả những người chịu đau khổ vì trận động đất tối thứ Hai đã xảy ra trên Đảo Ischia. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương, cho gia đình của họ và cho những người đã bị mất nhà cửa.
[Văn bản chính: tiếng Ý]


© Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT, Virginia M. Forrester


[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/08/2017]


Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)Tiếp Kiến Chung: “Chúng ta là dân tộc của mùa Xuân hơn là mùa Thu” (toàn văn)


Đức Hồng y Parolin nói những cuộc gặp gỡ ở Nga thúc đẩy con đường tiến đến hòa bình

Đức Hồng y Parolin nói những cuộc gặp gỡ ở Nga thúc đẩy con đường tiến đến hòa bình

Phỏng vấn của Ria Novosti Hãng Thông tấn Nga
21 tháng Tám, 2017
Đức Hồng y Parolin nói những cuộc gặp gỡ ở Nga thúc đẩy con đường tiến đến hòa bình
ZENIT - HSM
THÀNH VATICAN, 21 tháng Tám, 2017 (Zenit.org).-  Đức Hồng y Parolin nói những cuộc gặp gỡ ở Nga thúc đẩy con đường tiến đến hòa bình.
Dưới đây là bản dịch tổng hợp của Đài Phát thanh Vatican (Marina Tonarro) cuộc phỏng vấn với đức Hồng y Quốc vụ khanh Phê-rô Parolin của Hãng thông tấn Ria Novosti, nhân dịp chuyến thăm của ngài đến Nga (21-14 tháng Tám, 2017).
***
“Tôi đến thăm Nga với mục đích thảo luận, ngoài những chủ điểm về đặc tính song phương và những vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội Công giáo, còn có những câu hỏi liên quan đến các cuộc xung đột làm ảnh hưởng đến rất nhiều người, quá nhiều vùng trên thế giới. Làm sao để mọi nỗ lực sẽ được đưa ra để tái xây dựng công bằng và hòa bình, trong sự tôn trọng phẩm giá và giá trị không thể xâm phạm của nhân vị,” Đức Hồng y Quốc vụ khanh Phê-rô Parolin nói trong một phỏng vấn với hãng Thông tấn Nga Ria Novosti, giải thích lý do của chuyến viếng thăm quan trọng của ngài đến nước này, bắt đầu từ hôm nay và kết thúc vào thứ Năm.
Theo lịch trình ngày đầu tiên là buổi gặp gỡ của Đức Hồng y với các Giám mục Công giáo của đất nước, một cuộc đối thoại với Giám mục Tông tòa Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Phòng Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moscow, và buổi tối, một Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Moscow. Và trong số những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất được lên lịch cho những ngày sắp tới là cuộc gặp gỡ với Tổng thống của Liên bang Nga, Vladimir Putin, và Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov. Trong các cuộc nói chuyện, sự tập trung chính sẽ được xoáy vào Trung Đông và tình hình thảm kịch của Syria và Iraq, và cuộc chiến ở Ukraine và những tình hình chưa được giải quyết dứt khoát ở nam Caucasus.
“Có nhiều vấn đề quốc tế đang gây lo ngại,” Đức Hồng y giải thích trong cuộc phỏng vấn với hãng Thông tấn Novosti, “và tôi nghĩ có thể dành sự chú ý đặc biệt cho những vấn đề này trong suốt chuyến thăm, đặc biệt những tình hình nơi Nga có liên quan trực tiếp. Thực tế, danh sách có thể dài và nó không phải là chủ đề thảo luận duy nhất trong lần này, vì những liên lạc ngoại giao còn liên tục. Tuy nhiên, thảm kịch mà nhiều người dân đang phải gánh chịu, đặc biệt một số những tình hình vừa được đề cập ở trên, kêu gọi thật nhiều sự chú của mọi cấp độ.”
Liên quan đến những mối quan hệ quốc tế, ngài Quốc vụ khanh Vatican nhấn mạnh rằng thông điệp của Tòa Thánh luôn luôn là đặt sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại chân thành lên trên ích lợi của một nhà nước nào đó, “thậm chí khi thái độ như vậy có thể khá lạ lẫm đối với số đông giai tầng xã hội, vì nhiều lý do khác nhau.”
Ngày mai Đức Hồng y sẽ gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill của Moscow. “Sau lần gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Thượng phụ tại Cuba, rõ ràng những mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga đang bước qua giai đoạn lạc quan,” Đức Hồng y Parolin nhận định. Tuy nhiên mục tiêu này lại bắt đầu cho một lối đi mới, một lối đi thậm chí cần thêm rất nhiều đối thoại, trong nỗ lực hiểu biết lẫn nhau tốt đẹp hơn, vượt qua được những hiểu lầm và những khác biệt có thể tồn tại.”
Cuối cùng, trả lời cho câu hỏi về khả năng mở ra cho một chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxico đến Nga, ngài nói rằng hiện tại “chủ đề về một chuyến thăm của giáo hoàng chưa nằm trong chương trình của những cuộc đối thoại,” nhưng hy vọng rằng mọi cuộc gặp gỡ, đặc biệt cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill, “có thể góp phần cho sự chuẩn bị con đường phát triển những quan hệ ngày một mở rộng và lạc quan hơn.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/08/2017]