Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’

Tại nhà nguyện Marta, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các học sinh và nhà giáo


24 tháng Tư, 2020 12:44

Đúng là Dân Chúa làm cho Mục tử của họ mệt mỏi, nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần với họ …

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này hôm nay, ngày 24 tháng Tư, trong Thánh lễ riêng hàng ngày của Ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta.

Bắt đầu Thánh Lễ, khi tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân Coronavirus, Đức Phanxico cầu nguyện cho các học sinh và nhà giáo trong thời gian này.

Ngài nói, “Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà giáo là những người phải làm việc quá vất vả để cung cấp bài học qua internet và những con đường kỹ thuật số khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các học sinh phải làm các bài kiểm tra theo cách mà các em không quen. Chúng ta hãy đồng hành với họ trong lời cầu nguyện.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về trích đoạn hôm nay trong Tin mừng Thánh Gioan về các ổ bánh và những con cá (Ga 6:1-15), tập trung đặc biệt vào câu: “Người nói thế là để thử Philípphê, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

Đức Giáo hoàng Dòng Tên nói đến việc Chúa thường thử chúng ta như thế nào, và xem chúng ta phản ứng ra sao khi đòi hỏi nhiều về phía chúng ta. Đức Giáo hoàng nói đến những đòi hỏi của người dân đối với các mục tử.

“Đúng là Dân Chúa thường làm cho Mục tử mệt mỏi,” Đức Giáo hoàng người Argentine nhấn mạnh: “họ làm cho người Mục tử mệt mỏi.”

Đức Phanxico công nhận rằng khi có một Mục tử giỏi thì những đòi hỏi đối với ngài nhân gấp lên nhiều lần “vì người ta luôn luôn đến với một Mục tử giỏi vì lý do này hoặc lý do khác.”

Đức Phanxico nhớ lại: “Có một lần, một vị linh mục xứ tuyệt vời của một vùng đơn sơ, khiêm nhường trong giáo phận có nhà ở như một căn nhà bình thường và người ta gõ cửa chính, hoặc gõ cửa sổ, mọi lúc … và có lần cha nói với tôi: ‘Con chỉ muốn xây bít kín cả cửa ra vào và cửa sổ để họ cho con nghỉ ngơi.’

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Tuy nhiên, cha ý thức rằng mình là một Mục tử và cần phải ở với dân chúng. Và Chúa Giêsu đã huấn luyện, Ngài dạy các môn đệ, các Tông đồ thái độ mục vụ này, đó là gần gũi với Dân Chúa.”

Thừa nhận rằng người dân thường làm người Mục tử của họ kiệt sức, qua việc đòi hỏi nhiều thứ cụ thể, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng, cho dù vậy người Mục tử phải đáp ứng cho những điều đó.

Đức Thánh Cha cũng cho các mục tử lời khuyên cụ thể bằng sự nhấn mạnh: “Sức mạnh của người Mục tử là sự phục vụ; người Mục tử không có quyền lực nào khác, và khi người đó phạm sai lầm với quyền lực khác thì ơn gọi bị phá hủy.”

Đức Phanxico kết luận, xin Chúa nói với các mục tử của Giáo hội, trên hết là dạy họ biết gần gũi và không e ngại dân Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Câu này trong trích đoạn khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.” Đó là điều mà Chúa Giêsu đã có trong tâm trí khi Ngài nói: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Nhưng Ngài nói điều đó là để thử Philípphê. Ngài đã biết rõ. Chúng ta thấy ở đây là thái độ của Chúa Giêsu với các Tông đồ. Ngài liên tục đặt các ông vào sự thử thách để dạy bảo các ông, và khi các ông xong mọi công việc và trách nhiệm phải làm, Ngài tụ họp các ông lại và dạy bảo các ông. Tin mừng đầy những hành động này của Chúa Giêsu để làm cho các môn đệ của Ngài phát triển để trở thành các Mục tử của Dân Chúa, trong trường hợp này là các Giám mục, các Mục tử của Dân Chúa. Và một trong những điều Chúa Giêsu yêu thích nhất là ở với đám đông, vì đây cũng là một biểu tượng cho tính phổ quát của Ơn Cứu rỗi. Và một trong những điều mà các Tông đồ không thích nhất là đám đông, vì họ thích được đến gần với Chúa, được nghe tiếng Chúa, được nghe tất cả những gì Chúa nói.

Ngày này các ông đến đó để có một ngày nghỉ ngơi — các trình thuật trong những Tin mừng khác nói điều đó … có lẽ có hai lần hóa bánh ra nhiều — vì các ông trở về sau một sứ vụ và Chúa nói: “Chúng ta hãy đi nghỉ ngơi đôi chút.” Và các ngài đến đó và người ta để ý nơi mà các ngài sẽ đến bên cạnh biển, họ tạo thành một vòng tròn và chờ Ngài ở đó. Và các môn đệ chẳng vui chút nào vì người ta đã làm hỏng Thứ Hai Phục sinh, và các ông không thể mừng lễ với Chúa. Bất kể điều đó, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy, họ lắng nghe, và rồi họ chuyện trò với nhau, và giờ này sang giờ khác trôi qua, Chúa Giêsu giảng dạy và người ta hạnh phúc. Và các Tông đồ nói: “Ngày Lễ của chúng ta bị phá hỏng rồi; sự nghỉ ngơi của chúng ta đã bị hỏng.”

Tuy nhiên, Chúa tìm sự gần gũi với người dân và Ngài tìm cách để huấn luyện tâm hồn của các Mục tử sự gần gũi với Dân Chúa, để phục vụ họ. Và chúng ta hiểu rằng, các ông được chọn và cảm thấy phần nào đó như nhóm đặc quyền, một tầng lớp đặc quyền, chúng ta cứ gọi là “một tầng lớp quý tộc”, gần bên Chúa và rất nhiều lần Chúa đã làm những hành động để sửa dạy các ông. Chẳng hạn, chúng ta suy nghĩ đến với trẻ em. Các ông bảo vệ Chúa: “Không, không, không, trẻ em không được đến gần vì chúng làm phiền, gây huyên náo … Không, trẻ em với cha mẹ của chúng.” Và Chúa Giêsu thì sao? “Hãy để cho các trẻ đến.” Và các ông không hiểu. Rồi sau đó họ mới hiểu. Và rồi cha nghĩ đến đường về Giêrikhô, người <đàn ông> đó kêu lớn lên: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi.” Và các ông nói: “Im lặng khi Chúa đi ngang qua; đừng làm phiền Ngài.” Và Chúa Giêsu nói: “Nhưng người đó là ai? Hãy đưa anh ta tới.” Một lần nữa Chúa các ông. Và vì thế, Ngài dạy các ông sự gần gũi với Dân Chúa.

Sự thật là Dân Chúa làm cho Mục tử mệt mỏi, họ làm cho người Mục tử mệt mỏi: các việc cứ nhân gấp lên nhiều lần khi có một Mục tử giỏi, vì người ta luôn đến với một Mục tử giỏi vì lý do này hoặc lý do khác. Có một lần, một vị linh mục xứ tuyệt vời của một vùng đơn sơ, khiêm nhường trong giáo phận có nhà ở như một căn nhà bình thường và người ta gõ cửa chính, hoặc gõ cửa sổ, mọi lúc … và có lần cha nói với tôi: “Con chỉ muốn xây bít kín cả cửa ra vào và cửa sổ để họ cho con nghỉ ngơi.” Tuy nhiên, cha ý thức rằng mình là một Mục tử và cần phải ở với dân chúng. Và Chúa Giêsu đã huấn luyện, Ngài dạy các môn đệ, các Tông đồ thái độ mục vụ này, đó là gần gũi với Dân Chúa. Và Dân Chúa là dân tộc làm mệt mỏi, vì họ luôn luôn đòi hỏi những điều cụ thể, họ luôn xin một điều gì đó cụ thể, có thể là sai lầm, nhưng họ xin những điều cụ thể. Và người Mục tử phải đáp ứng cho những điều này. Trình thuật của các Thánh sử khác khi các ông cho Chúa Giêsu thấy rằng giờ đã muộn và mọi người phải giải tán, vì trời đang bắt đầu tối, và các ông nói: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn, khi trời đã muộn, khi trời đang tối dần …” Nhưng các ông đang nghĩ gì trong đầu? Chí ít là nhóm các ông phải được mừng lễ một chút, nó chẳng phải là sự ích kỷ xấu xa, nhưng chúng ta hiểu, ở với vị Mục tử, ở với Chúa Giêsu là vị Mục tử vĩ đại. Và để thử các ông, Chúa Giêsu trả lời: “Anh em hãy cho họ ăn đi.” Và đây chính là điều hôm nay Chúa Giêsu nói với tất cả các Mục tử: “Anh em hãy cho họ ăn đi.” “Họ đau khổ ư? Anh em hãy an ủi họ.” “Họ lạc bước ư? Anh em hãy chỉ cho họ con đường. Họ sai lầm ư? Anh em gợi cho họ điều gì đó để giải quyết các vấn đề … Anh em hãy cho họ … “Và người Tông đồ nghèo khó cảm thấy mình cứ phải cho đi, cho đi, cho đi, nhưng nhận được từ ai? Chúa Giêsu dạy chúng ta, từ cùng cách như Chúa Giêsu đã nhận.

Tới đây, Ngài cho các Tông đồ nghỉ ngơi và đi cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện. Sự gần gũi hai chiều này của người Mục tử là điều Chúa Giêsu giúp cho các Tông đồ hiểu, để các ngài trở thành những người Mục tử vĩ đại. Tuy nhiên, đám đông mắc sai phạm nhiều lần, và lần này cũng sai lầm. “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’ Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt. Có thể — Tin mừng không nói điều này — một trong các Tông đồ có thể đã nói với Ngài: “Nhưng thưa Thầy, chúng ta hãy tận dụng cơ hội này và nắm lấy quyền lực” — một cám dỗ khác. Và Chúa Giêsu làm cho các ông thấy rằng đó không phải là con đường của Ngài. Sức mạnh của người Mục tử là sự phục vụ; người Mục tử không có quyền lực nào khác, và khi người đó phạm sai lầm với quyền lực khác thì ơn gọi bị phá hủy, và trở thành, cha không biết nữa, người quản lý doanh nghiệp mục vụ chứ không phải là người Mục tử. Cơ cấu không làm nên mục vụ: tâm hồn của người Mục tử mới là điều thi hành mục vụ. Và tâm hồn của người Mục tử là điều Chúa Giêsu đang dạy chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho các Mục tử của Giáo hội; xin Chúa luôn nói với các ngài, vì Người yêu thương các ngài vô cùng; xin Người luôn nói với họ, xin Người nói với họ mọi điều như thế nào, xin Người giải thích cho họ, và đặc biệt dạy cho họ không e sợ Dân Chúa, không ngại gần gũi với Dân Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi các tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020


23 tháng Tư: Có những gia đình vô cùng thiếu thốn không thể đi làm và chẳng có gì để ăn. Rồi lại có những người cho vay nặng lãi lấy hết những gì ít ỏi họ có. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho phẩm giá của các gia đình này. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người cho vay, để Chúa có thể chạm đến tâm hồn họ và hoán cải họ.

23 tháng Tư: Vũ khí bí mật của Thánh Phêrô là lời cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để niềm tin của ông không bị vấp ngã. Những gì Ngài làm cho Thánh Phêrô thì Ngài cũng làm cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, đưa ra những vết thương của Ngài là giá cứu chuộc chúng ta.

23 tháng Tư: Đại dịch này nhắc chúng ta nhớ rằng không có sự khác biệt hoặc ranh giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mong manh, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá. Cầu xin để tất cả chúng ta được thức tỉnh sâu sắc: Bây giờ là thời gian để xóa bỏ những bất bình đẳng và chữa lành sự bất công đang bào mòn sức khỏe của toàn gia đình nhân loại!

24 tháng Tư: Hôm nay chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà giáo đang phải làm việc rất vất vả để dạy học qua internet và những kênh truyền thông khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các học sinh phải làm bài kiểm tra theo cách các em chưa quen. Chúng ta hãy đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện.

24 tháng Tư: Chúa Giêsu huấn luyện tâm hồn các Tông đồ để phục vụ mọi người. Ngài dạy các ông thái độ mục vụ đó là gần gũi với Dân Chúa. Thừa tác vụ mục vụ không hoàn tất với những cơ cấu, nhưng với tâm hồn của người mục tử. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các mục tử của Giáo hội. #HomilySantaMarta

24 tháng Tư: Khi chúng ta hướng tới một sự phục hồi khó khăn và rất chậm sau đại dịch, nguy cơ xảy ra là một con virus thậm chí còn tồi tệ hơn có thể tấn công chúng ta: đó là sự thờ ơ ích kỷ quên đi những người bị bỏ rơi phía sau.

25 tháng Tư: Hôm nay Giáo hội mừng kính Lễ Thánh Máccô, một trong bốn Thánh sử, người đầu tiên viết Tin mừng. Tin mừng của ngài mang một phong cách đơn giản. Hôm nay nếu anh chị em có thời gian, hãy đọc nó. Tính đơn sơ mà ngài tường thuật lại đời sống của Chúa làm cho việc đọc trở nên thú vị.

25 tháng Tư: Cùng chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô với tâm hồn của Mẹ Maria, khi chúng ta đọc #Kinh Mân Côi, sẽ làm cho chúng ta được kết hiệp nhiều hơn như một gia đình thiêng liêng, và sẽ giúp chúng ta vượt qua được thử thách này. Cha sẽ cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt những người đang chịu đau khổ nhiều nhất. Xin hãy cầu nguyện cho cha. #PrayTogether




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/4/2020]