Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Lễ trọng Chúa Thăng Thiên Chúa nhật thứ bảy Phục sinh

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Lễ trọng Chúa Thăng Thiên Chúa nhật thứ bảy Phục sinh
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Lễ trọng Chúa Thăng Thiên Chúa nhật thứ bảy Phục sinh

‘Lễ Thăng Thiên nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang ở và luôn luôn ở giữa chúng ta’

24 tháng Năm, 2020 16:52

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ vương trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.


* * *

Trước Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại lễ Chúa lên Trời được cử hành hôm nay ở Ý và nhiều quốc gia khác. Trích đoạn Tin mừng (x. Mt 28:16-20) cho chúng ta thấy các Tông đồ tập trung tại Galilê, và đi “đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến” (c. 16). Tại đây, trên núi này, diễn ra cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ của Ngài. “Núi” là sự tượng trưng vô cùng mạnh mẽ, gợi nhiều suy tư. Chúa Giêsu công bố Tám Mối phúc trên núi (x. Mt 5:1-12); Ngài lên núi để cầu nguyện (x. Mt 14:23); Ngài gặp những đám đông ở đó và chữa lành các bệnh nhân (x. Mt 15:29). Tuy nhiên, lần này không còn là Thầy làm việc và dạy bảo nữa, nhưng chính Ngài là người yêu cầu các môn đệ làm việc và loan báo, trao cho các ông lệnh truyền tiếp tục công việc của Ngài. Ngài trao cho các ông sứ mạng giữa tất cả các dân tộc. Ngài nói: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (cc. 19-20). Nội dung của sứ mạng được trao phó cho các Tông đồ là: loan báo, làm phép rửa, giảng dạy, và bước đi trên con đường đã được Thầy mở lối, tức là sống Tin mừng. Sứ điệp cứu độ này hàm ý trên hết là trách nhiệm làm chứng tá — không làm chứng thì chúng ta không thể rao giảng –, và với cả chúng ta là những môn đệ của ngày hôm nay, được kêu gọi để đưa ra lý do cho niềm tin của mình. Trước trách vụ nặng nề như vậy, và nghĩ đến những yếu đuối của chúng ta, chúng ta cảm thấy bất xứng, cũng như chắc chắn chính các Tông đồng cũng tự cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, chẳng có gì phải ngã lòng, nhớ đến những lời Chúa Giêsu nói với các ngài trước khi lên Trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (c. 20). Lời hứa này bảo đảm sự hiện diện luôn mãi và an ủi của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này được nhận biết theo cách nào? Thông qua Thần Khí của Ngài, là điều làm cho Giáo hội tiến bước trong lịch sử như người bạn đồng hành trên đường của mọi người. Thần Khí đó được Đức Kitô và Chúa Cha sai đến, hoạt động để tha tội và thánh hóa tất cả những ai ăn năn sám hối, mở cửa lòng mình với niềm tin tưởng vào ân huệ của Ngài.

Với lời hứa ở lại cùng chúng ta cho đến tận thế, Chúa Giêsu mở đầu cho cách hiện diện của Ngài trên thế gian như là Đấng Phục sinh. Chúa Giêsu hiện diện trên thế gian nhưng với một hình thức khác, hình thức của Đấng Phục sinh, tức là một sự hiện diện được tỏ lộ trong Lời, trong các Bí tích, và trong hoạt động liên tục trong tâm hồn của Chúa Thánh Thần. Lễ Chúa lên Trời cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, dù đã lên Trời và ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang, vẫn đang ở và luôn luôn ở giữa chúng ta: từ đây sinh ra sức mạnh của chúng ta, sự kiên trì và niềm vui của chúng ta, chính từ sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh đồng hành với chúng ta trên con đường, với sự bảo vệ của tình mẫu tử của Mẹ. Từ Mẹ chúng ta học được sự ngọt ngào và can đảm để trở thành những chứng nhân của Chúa Phục sinh trên trần gian.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cùng hiệp nhất trong tinh thần với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc hôm nay mừng kính Lễ Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc với lòng sùng một đặc biệt, là Đấng Hằng Cứu giúp người Kitô hữu và là Bổn mạng của Trung Quốc, được tôn kính tại Đền thờ Sheshan ở Thượng Hải. Chúng ta phó thác các mục tử và tín hữu của Giáo hội Công giáo trong đất nước rộng lớn đó cho sự dẫn dắt và bảo vệ của Mẹ trên Thiên Đàng, xin cho họ được vững mạnh trong đức tin và vững bước trong tình hiệp nhất huynh đệ, là những chứng nhân hân hoan, và là những người thúc đẩy tình bác ái huynh đệ và hy vọng và là những người công dân tốt.

Anh chị em Công giáo ở Trung Quốc rất thân mến, cha muốn bảo đảm với anh chị em rằng Giáo hội hoàn vũ, là Giáo hội mà anh chị em là một phần trong đó, chia sẻ những hy vọng của anh chị em và hỗ trợ anh chị em trong những cơn thử thách của cuộc sống. Mẹ đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện cho một sự tuôn trào Thần Khí mới để ánh sáng và vẻ đẹp của Tin mừng có thể chiếu tỏa trong anh chị em, sức mạnh của Thiên Chúa cứu độ bất cứ người nào tin theo.

Một lần nữa cha xin gửi đến tất cả anh chị em tình cảm chân thành, cha ban Phép lành đặc biệt cho anh chị em. Xin Đức mẹ bảo vệ anh chị em luôn mãi!

Cuối cùng, chúng ta cùng phó thác cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria Hằng Cứu giúp người Kitô hữu tất cả những môn đệ của Chúa và những người thiện chí, trong thời gian khó khăn này đã hoạt động ở mọi miền trên thế giới với lòng nhiệt huyết và cam kết cho hòa bình, cho đối thoại giữa các dân tộc, cho việc phục vụ người nghèo và cho việc bảo vệ Tạo vật và sự chiến thắng của nhân loại đối với mọi căn bệnh thể xác, tinh thần và linh hồn.

Hôm nay là Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội, với chủ đề dành riêng cho năm nay là sự tường thuật. Ước mong rằng sự kiện này có thể khuyến khích chúng ta tường thuật và chia sẻ những câu chuyện mang tính xây dựng, là những câu chuyện giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta là một phần của câu chuyện lớn hơn bản thân mình, và rằng chúng ta có thể nhìn về tương lai với hy vọng nếu chúng ta thật sự chăm sóc cho nhau như anh em.

Hôm nay là Ngày kính Mẹ Maria Hằng Cứu giúp người Kitô hữu, xin gửi lời chào thân ái và nồng ấm đến các nam nữ tu sĩ Dòng Salêdiêng. Với lòng tri ân, cha nhớ đến sự đào tạo thiêng liêng mà cha nhận được từ những người con của Thánh Don Bosco.

Hôm nay đáng lẽ cha đã đến Acerra, để củng cố niềm tin cho người dân ở đó và cam kết của tất cả những người làm mọi cách tốt nhất để chống lại thảm kịch ô nhiễm trong vùng đất được gọi là Vùng đất của Lửa. Chuyến đi của cha đã bị hoãn lại; tuy nhiên, cha gửi đến Đức Giám mục, các linh mục, và các gia đình trong toàn thể cộng đoàn giáo phận lời chào, Phép lành và sự động viên, với hy vọng sớm được gặp gỡ anh chị em. Chắc chắn cha sẽ đến!

Và hôm nay cũng là kỷ niệm năm thứ năm Tông huấn Laudato Si’, qua đó kêu gọi sự chú ý đến tiếng khóc của trái đất và của người nghèo. Nhờ sáng kiến của Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện, “Tuần lễ Laudato Si’”, mà chúng ta vừa kỷ niệm, sẽ trổ hoa trong một năm kỷ niệm đặc biệt Năm Laudato Si’, một Năm đặc biệt để suy tư về Tông huấn, từ 24 tháng Năm năm nay đến 24 tháng Năm năm tới. Tôi mời gọi tất cả mọi người thiện chí cùng tham gia, để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho những người anh chị em dễ bị tổn thương hơn. Kinh cầu nguyện cho Năm nay được đăng trên website. Thật tốt lành khi đọc kinh đọc kinh đó.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Kinh Năm đặc biệt kỷ niệm Tông huấn Laudato Si’

(ND: Tạm dịch)

Lạy Thiên Chúa đầy tình thương,

Là Đấng Tạo dựng Thiên đàng, trái đất và mọi loài trong đó.

Xin mở rộng tâm trí và chạm đến tâm hồn chúng con,

để chúng con có thể là một phần của công trình Sáng tạo, món quà của Người.

Hiện diện với những người cần đến trong những lúc khó khăn này,

đặc biệt người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Xin giúp chúng con thể hiện tình liên đới sáng tạo trong cách giải quyết

những hậu quả của đại dịch toàn cầu này.

Xin làm cho chúng con can đảm thay đổi để hướng đến việc tìm kiếm ích chung.

Lúc này hơn bao giờ hết, xin cho chúng con có thể cảm nhận rằng tất cả chúng con

đều có mối liên hệ và tương thuộc lẫn nhau.

để bảo đảm rằng chúng con biết lắng nghe và trả lời

cho tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo.

Xin cho những đau khổ hiện tại tạo ra những khát khao

về một thế giới huynh đệ hơn và bền vững hơn.

Chúng con cầu xin Chúa nhờ Đức Kitô Chúa chúng con,

dưới ánh mắt đầy yêu thương của Mẹ Maria Hằng Cứu giúp người Kitô hữu.

Amen.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/5/2020]


Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

23 tháng Năm, 2020

Khó mà hình dung ra được những thập giá phải mang bởi căn bệnh mạn tính. Nhưng những người nam và nữ này đã tìm ra con đường lên thánh trong sự đau đớn của họ.

Khi các nhà thờ và doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại và mọi người quyết định về cách thức tốt nhất để bảo vệ cho bản thân và những người chung quanh, thì vẫn có hàng triệu người với những căn bệnh mạn tính mà với họ những quyết định này thậm chí còn phức tạp hơn. Nhưng Giáo hội luôn tôn vinh những hy sinh của những con người chịu đau khổ vì yêu mến Đức Kitô, và có một số những thánh nhân mang bệnh mãn tính là những vị chuyển cầu đầy hiệu lực cho những ai đang sống trong hoàn cảnh này (và những ai trong chúng ta yêu thương họ thật lòng).

Thánh Lidwina (1380-1433) đang trượt tuyết gần nhà của thánh nhân ở Hà Lan thì bị ngã và gãy một xương sườn. Mới chỉ 15 tuổi, thánh nhân chắc chắn sẽ phục hồi, nhưng vết thương của thánh nhân dường như bị hoại thư và cơ thể của thánh nhân ngày càng trở nên tàn phế. Một số người suy đoán rằng chứng bại liệt xảy ra sau đó thực ra là kết quả của bệnh đa xơ cứng, chính nó là nguyên nhân khiến thánh nhân ngã chứ không phải là kết quả của nó. Lidwina dành phần còn lại của đời mình (gần 40 năm) trên giường, đối phó với cơn đau làm yếu sức và chứng nôn nhưng được an ủi bởi những thị kiến thần bí. Người ta nói rằng thánh nhân đã sống chỉ nhờ Bí tích Thánh Thể trong 19 năm, nhận được các Dấu Thánh, và trở thành khí cụ mà qua đó Thiên Chúa đã làm việc nhiều phép lạ.

Chân phước Miguel Pro (1891-1927) nổi tiếng về những cách ngụy trang và láu lỉnh mà nhờ đó ngài đã thoát được sự săn lùng trong thời chiến tranh Cristero ở Mexico. Người linh mục trẻ này ở trong đất nước bị chiến tranh tàn phá nhưng trên hết vì căn bệnh bao tử kinh niên của ngài. Trong suốt thời gian đào tạo linh mục Dòng Tên ở Châu Âu, Cha Pro chịu những cơn đau bao tử kinh hoàng (cơn đau mà ngài thường che giấu bằng cách kể chuyện tiếu lâm, để ngài có thể kìm lại được bao tử khi ngài bật cười sau đó). Chẳng bao lâu sau khi được truyền chức, Cha Pro trải qua ba cuộc giải phẫu để điều trị viêm loét; trong một lần mổ, các bác sĩ cho rằng gây mê là quá mạo hiểm, vì thế người linh mục trẻ cười xin cho người đọc bộ Giáo luật trong suốt thời gian diễn ra cuộc giải phẫu. Khi sức khỏe của Cha Pro không cải thiện sau lần mổ thứ ba, các bề trên của ngài quyết định gửi ngài trở lại Mexico với hy vọng thời tiết sẽ làm cho ngài trở nên khá hơn. Ở đó, Cha Pro sống giấu mình suốt một năm rưỡi trước khi bị bắt và bị hành quyết.

Chân phước Carlos Manuel Rodriguez (1918-1963) là một người Puerto Rico bị chứng viêm loét ruột kết. Mặc dù bệnh của cậu làm chậm lại thời gian tốt nghiệp trung học cho mãi đến năm 21 tuổi và khiến cậu không vào được đại học, nhưng Carlos không cho phép nó cản trở công việc của mình cho Giáo hội ở Puerto Rico. Ngài vô cùng yêu mến phụng vụ, là điều ngài chia sẻ với mọi người qua những bản tin định kỳ ngài tạo ra, những buổi nói chuyện, các nhóm học tập mà ngài tổ chức, và các buổi tĩnh tâm do ngài hướng dẫn. Ngoài tất cả những việc này, ngài có một công việc được trả lương là làm thư ký văn phòng và dành thời gian rảnh rỗi đi bộ và chơi piano và organ. Ngài chết vì bệnh ung thư trực tràng khi mới 44 tuổi.

Chân phước Benedetta Bianchi Porro (1936-1964) bị chứng bại liệt từ nhỏ khiến chân phước phải đi khập khiễng suốt đời và phải đeo nẹp lưng. Chân phước bắt đầu mất thính giác khi còn là sinh viên y khoa, nhưng các bác sĩ tin rằng đó là bệnh căng thẳng thần kinh. Sở hữu một bộ óc y khoa xuất chúng, Porra tự chẩn đoán mình mắc bệnh von Recklinghausen, một tình trạng thần kinh cuối cùng sẽ cướp đi tất cả năm giác quan của chân phước. Trong bảy năm tiếp theo, chân phước bị mất thính giác, sau đó là thị lực, rồi không thể sử dụng đôi chân. Cuối cùng, toàn thân không thể cử động được ngoài tay trái và chỉ nhận được thông tin liên lạc qua những ký tự được viết trên má. Chân phước chiến đấu quyết liệt với bóng tối tâm hồn và sự cám dỗ đi đến tuyệt vọng, nhưng cuối cùng tìm được niềm vui, chị nói, “Tôi không thiếu hy vọng. Tôi biết rằng Chúa Giêsu đang đợi tôi ở cuối con đường … Tôi đã phát hiện ra rằng Thiên Chúa hằng hữu, rằng Ngài là tình yêu, là sự trung tín, niềm vui, sự chắc chắn, cho đến muôn đời. Những ngày của tôi không dễ dàng. Chúng rất nặng nề, nhưng trở nên ngọt ngào vì Chúa Giêsu ở với tôi.”

Tôi tớ Chúa Darwin Ramos (1994-2012) là một cậu bé người Phi Luật tân sinh trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Mặc dù mẹ cậu làm việc vất vả với công việc của một người phụ nữ giặt ủi, người cha nghiện rượu của cậu đã uống gần như hết số tiền lương của bà. Là con cả trong số tám đứa trẻ bị đói, Darwin và em gái dành cả ngày để nhặt ve chai. Nhưng các cơ của cậu bị yếu dần khi lên khoảng năm tuổi và cuối cùng cậu mất khả năng đi lại. Sau đó, cậu được chẩn đoán mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne. Khi đó, cha của Darwin bắt cậu đi ăn xin (dù Darwin rất xấu hổ) cho đến khi một nhóm hoạt động với trẻ em đường phố mời Darwin đến sống cùng họ tại nhà dành cho trẻ em khuyết tật. Ở đó, niềm vui bất tận của Darwin trở nên rõ rệt với mỗi người mà cậu gặp. Cậu không bao giờ than thở về căn bệnh đang dần dần giết chết mình, thay vì vậy còn gọi đó là sứ mệnh của mình, và là con đường để cậu học cách yêu mến và tin cậy vào Chúa. Cậu chết ở tuổi 17. Và những lời cuối cùng của cậu là gì? “Xin cảm ơn rất nhiều. Em rất hạnh phúc."



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/5/2020]