Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Những Bài Học Mẹ (Teresa) Đã Dạy Tôi

Những Bài Học Mẹ (Teresa) Đã Dạy Tôi

Cha Leo Maasburg, một người đồng hành thân cận với Mẹ Teresa Calcutta trong nhiều năm, nhớ lại sức ảnh hưởng của tính thánh thiện của mẹ lên cha và nhiều người khác.

EDWARD PENTIN
07/09/2016
Những Bài Học Mẹ (Teresa) Đã Dạy Tôi
Cha Leo Maasburg nói chuyện với Mẹ Teresa trong một tấm ảnh không ghi ngày chụp tại sân bay quốc tế Vienna.
– Maasburg/Missio
VATICAN CITY — Cha Leo Maasburg là một người đồng hành thân cận với Thánh Teresa Calcutta trong nhiều năm, theo Mẹ trong các chuyến đi và có một cái nhìn sâu sắc về giá trị trong sự thánh thiện của thánh nhân mới được tuyên phong.
Trong buổi phỏng vấn ngày 3 tháng 9 với Register ở Roma, linh mục người Áo thuật lại chi tiết cách “Thiên sứ của Người Nghèo” đối phó với những sự khen tặng liên tục mẹ nhận được, cách mẹ nhận thức rõ về ý định của Thiên Chúa cho sứ mạng của mẹ, và những suy tiên đoán của nhà sáng lập dòng Thừa sai Bác ái về Đức Thánh Cha Phanxico.
Thưa cha Maasburg, sự liên đới của cha với Thánh Teresa như thế nào? Sự thân cận của cha với thánh nhân không như thế nào?
Tôi làm việc với mẹ và tháp tùng mẹ trên các chuyến đi của mẹ. Khi chúng tôi sang Liên bang Xô-viết, mẹ cần một linh mục. Mẹ muốn có Thánh lễ mỗi ngày; mẹ muốn được xưng tội; ngoài ra mẹ muốn có ai đó xách hành lý cho mẹ và tổ chức các chuyến đi cho mẹ.
Cha có những kỷ niệm sâu sắc nhất gì về mẹ?
Mẹ cũng là người bình thường thôi, giống như bà của tôi vậy — rất tốt lành, rất dịu dàng, yêu thương, nhưng đồng thời, mẹ là người đặc biệt nhất tôi từng gặp. Như vậy làm sao hai giá trị này lại có thể dung hòa nhau? Mẹ là một người bình thường đồng thời lại rất đặc biệt. Và trong tính bình thường đặc biệt đó tôi luôn cảm nhận rằng mẹ là đại diện cho Đức Ki-tô, cho những điều Người muốn nói với chúng ta. Mẹ là một phát ngôn viên rất tuyệt vời [cho Chúa Giê-su].
Mẹ là hiện thân, theo định nghĩa, là một vị thánh, một con người  bình thường sống một cuộc sống vô cùng đặc biệt.
Vâng; và đời sống đó, thực tế bằng nhiều cách khác nhau, rất đặc biệt: chiều sâu tu đức, nét đẹp của tâm hồn, sự tốt lành của tâm hồn và niềm vui của mẹ. Quyển sách ban đầu tôi muốn viết riêng về tính dí dỏm của mẹ. Mẹ có một tính hài hước rất rất nhẹ nhàng, thâm trầm và hóm hỉnh. Và đó là điều tôi muốn viết, vì nó rất đặc biệt; nhưng rồi phải có cái gì đó lớn hơn vì mẹ là chứng nhân của Đức Ki-tô … (it got a little larger because she was a witness to Christ). Anh thấy có một số điểm tương đồng, một số điểm giống nhau với Chúa Giê-su, bước qua con đường, ngập tràn niềm vui, sức mạnh, sự tinh tuyền và quyền uy vĩ đại. Mẹ có một quyền uy rất lớn, và tôi tin mẹ là người tiên báo về Đức Thánh Cha Phanxico. Dĩ nhiên, mẹ có sự ảnh hưởng của dòng Tên: mẹ hấp thụ nền giáo dục của dòng Tên; linh mục xứ của mẹ là linh mục dòng Tên; vị linh hướng tu đức của mẹ là một linh mục dòng Tên; vị giám mục đầu tiên của mẹ là dòng Tên. Quả thật, mẹ có sự tập trung rất nhiều vào dòng Tên. Và Đức Thánh Cha Phanxico thuộc dòng Tên, như vậy các vị đều có gốc giống nhau. Mấy ngày gần đây tôi suy nghĩ rằng các vị quả thực có một sự tương đồng: cố gắng xây dựng tại các điểm nóng [đang rất khẩn cấp]. Nếu có bất kỳ tai ương gì, bất kỳ vấn đề gì, các ngài đều muốn đến đó: Mẹ Teresa ở Ethiopia, trong suốt thời kỳ có nạn đói — mẹ ngay lập tức tới đó; ở Armenia, động đất — mẹ đi ngay. Đức Thánh Cha Phanxico, những người tị nạn ở Lampedusa — ngài đến đó ngay lập tức. Ở Lesbos, ngài đã muốn đến đó. Có thể đây cũng là cách Thiên Chúa muốn hiện diện ở những điểm nóng trên thế giới, và các ngài là cánh tay và trái tim của Người. Ngài là hiện thân cho khả năng và phẩm chất của Thiên Chúa ở những điểm khó khăn nhất.
Chúng ta cố gắng hiểu biết Chúa Giê-su theo khả năng chúng ta có thể, nhưng mẹ thực sự hiểu và biết sâu sắc về Người, đúng không ạ?
Đúng vậy. Nhưng theo cách hài hước, trên đường đi nhận honoris causa (tiến sĩ danh dự) thứ 30 của mẹ, mẹ nói: “Cha biết không, Mẹ chả biết gì về luật. Mẹ chả bao giờ học một chữ. Mẹ chẳng có cái văn bằng nào. Mẹ chỉ biết một chút về Giê-su thôi, và thế là, ngay lập tức, người ta tặng cho mẹ mấy cái văn bằng này đây!”
Mẹ luôn luôn rất khiêm nhường.
Mẹ luôn luôn rất khiêm nhường, và tôi tin rằng lòng khiêm nhường của mẹ là chân thật, ngay cả trong những lúc phải đi cả hàng giờ hàng giờ đồng hồ và các đường phố người ta đứng xếp hàng chen chúc để reo hò khi mẹ đi ngang. Có một lần một đức giám mục ngồi cạnh bác tài xế ở phía trước, và người ta reo hò hoan hô, và mẹ nói: “Thưa Đức giám mục, ngài chúc lành cho mọi người đi! Ngài không nhìn thấy họ đang hoan hô ngài kìa?” Ở Vienna, chúng tôi có một vị thánh lớn trong thành phố, Thánh Clement Maria Hofbauer, và mẹ đang đi xe đến tu viện Heilegenkreuz, rất nổi tiếng ở đó. Một thầy dòng lái xe chở mẹ, và khi đến Heiligenkreuz, hàng ngàn bạn trẻ đang chờ mẹ ở đó, và thầy dòng nói vừa nói với mẹ về vị thánh của Vienna. Thầy nói: “Mẹ biết không, hôm nay là ngày lễ kính thánh.” Và mẹ nói: “Ồ, chả trách có quá nhiều người ở đây!”
Về nội tâm làm sao mẹ đối phó được với những sự khen tặng?
Có lần một phóng viên hỏi: “Thưa Mẹ Teresa, mẹ không cảm thấy một chút tự hào khi mẹ nghe quá nhiều lời khen ngợi?” Và mẹ trả lời: “Nó vào tai phải, nó ra bên tai trái, và giữa nó chả có cái gì chặn lại.” Tôi nghĩ mẹ chả bao giờ đi câu những lời tán dương; mẹ rất nghiêm túc trong việc đó. Mẹ để lòng hoàn toàn trống. Mẹ để lòng mình trống để dành chỗ cho Đức Ki-tô, để Người có thể sống trong mẹ. Mẹ không còn là chính mẹ nữa, về ý nghĩa này, tôi nghĩ nó rất đúng.
Làm sao mẹ có thể làm được như vậy? Qua cầu nguyện và lòng sùng kính liên lỉ?
Đúng, mẹ cầu nguyện liên lỉ. Nếu tay mẹ rảnh, mẹ liền lần chuỗi Mân côi. Mẹ đọc rất nhanh. Tôi có quan sát mẹ thật gần, và mẹ đọc nhanh lắm, lần hết hột này đến hột khác. Tôi nghĩ bụng, “Đấy không phải là kinh Kính mừng, nhưng chắc mẹ làm giống như mấy trẻ ở Fatima — chỉ cần đọc Kính mừng Maria, Kính mừng Maria, Kính mừng Maria, và Đức Mẹ đọc phần còn lại.” Nhưng tôi nghĩ đó là một lời kinh nguyện tự phát, giống  như “Giê-su, Con Thiên Chúa, xin thương xót con,” giống như vậy đấy. Nhưng tâm trí mẹ hoàn toàn ở trong Chúa Giê-su.
Cha có thể cho một ví dụ khác về việc đó?
Tôi đang lái xe xuất phát ở tiểu bang Madras ở Ấn độ, tiểu bang đã mời mẹ tới, và lần đầu tiên, mẹ nhận lời mời chính thức, có nghĩa là mẹ được các bộ trưởng, ông thống đốc đón tiếp. Ông thủ hiến đến, có trải thảm đỏ và mấy thứ tôn vinh khác. Tôi có một người bạn, một ký giả, tôi ngồi tán gẫu với anh ta và nghĩ là tốt hơn nên ngồi trong xe của anh ta; và khi dòng xe tiến lên, anh ta tiến lên. Và chúng tôi tán gẫu cả nửa tiếng đồng hồ; ngay lúc đó một người to lớn đến và oang oang: “Cha Leo, Cha Leo!” và tôi nghĩ không phải ông ta gọi tôi. Rồi ông ta đến xe hỏi, “Cha có phải là cha Leo không?” Tôi nói, “Vâng.” Thế là ông ta nói: “Ôi, làm ơn lại đây Cha Leo. Mẹ Teresa không cho chúng tôi đi chừng nào không có cha ở trong xe của mẹ.” Mẹ giữ xe cảnh sát, xe quân đội và xe của các nhà chính trị — mẹ bắt tất cả mọi người phải đợi cho đến khi tôi tới. Mẹ hỏi, “Cha Leo đâu?” Và thế là mẹ đợi. Anh có thể tưởng tượng tôi cảm thấy thế nào. Tôi đã có thể dễ dàng chui dưới tấm thảm, nhưng rồi tôi lại được lên ngồi cạnh mẹ, và ở mé bên kia là đức Tổng giám mục Madras. Mẹ không nói gì, mẹ không nói một lời nào trách móc hay gì gì đó, rồi mẹ quay sang tôi và nói, “Này cha, nhìn kìa,” rồi mẹ chỉ một ký hiệu trên cửa sổ và hỏi, “Cha, cái đó nghĩa là gì?” Tôi nói, “À, nó là ‘VVIP.’” Mẹ lại hỏi, “Cha có biết ý nghĩa của nó không?” “Vâng, thưa Mẹ, có chứ.” Sau một lát mẹ hỏi: “Cha, thế nó nghĩa là gì?” Tôi trả lời nó nghĩa là “người rất, rất quan trọng” (Very, Very Important Person). Sau một lát mẹ lại hỏi: “Cha, ý họ muốn nói ai vậy?” Tôi trả lời, “Mẹ, chính Mẹ và đức Tổng giám mục.” Sau một lát nữa, mẹ hỏi tiếp: “Tại sao họ viết như vậy?” Tôi trả lời, “Thưa mẹ, vì mẹ và vì đức Tổng.” Ồ, không phải đâu cha, họ nói thế vì chúng ta mang Đức Ki-tô đến cho họ.” Thế đấy, tất cả mọi việc đều tập trung vào Đức Ki-tô.
Có một câu nói nổi tiếng của mẹ, “Nếu bạn xét đoán người khác, bạn không còn thời gian để yêu họ.” Nhưng chắc mẹ cũng có trách mắng ai chứ.
Có một sự khác nhau giữa xét đoán và trách mắng vì, khi mẹ 82 tuổi, tôi nhớ rất rõ, và tôi cũng nhớ rõ ngày, hôm đó mẹ nói rằng có một tội mà tôi sẽ chẳng bao giờ cần phải xưng: đó là tội xét đoán người khác. Anh có hình dung ra điều đó không?
Và mẹ rất mạnh mẽ và rõ ràng trong việc xét đoán của mẹ.
Mẹ rất rõ ràng, khi mẹ nói, “Cha à, nếu cha tiếp tục theo cách đó, cha sẽ xuống hỏa ngục.” Nhưng mẹ không xét đoán. Mẹ nói, “Mẹ không biết tại sao cha lại làm như vậy, nhưng nếu cha tiếp tục làm như vậy thì cha sẽ vào hỏa ngục.”
Như vậy là mẹ xét đoán hành vi chứ không xét đoán con người?
Chính xác, và điều đó rất rõ ràng. Rất an ủi vì bạn có cảm giác thoải mái [khi có sự hiện diện của mẹ]. Ngay lập tức anh không cảm thấy mẹ xét đoán anh. Mẹ vẫn yêu anh trọn vẹn; và ngoài tình yêu, mẹ còn nói, “Hãy giữ mình.” Và đó là điều rất quan trọng phải ghi nhớ trong đầu.
Mẹ cũng rất mạnh mẽ. Khi chúng tôi sang Liên xô, mẹ hỏi tôi không biết tôi có sẵn sàng đi Liên xô không, và tôi trả lời, “Vâng, dĩ nhiên rồi, sau Giáng sinh, vì họ đi vào ngày 19 tháng 12, 1986, tôi chắc là vậy. Mẹ đi Moscow, và tôi cũng lên lịch để lấy visa và mọi thứ. Tôi không phải đi ngay, nhưng đi sau, khi nhà đã ổn định. Vào tối 19, một tin fax gửi đến nói, “Cha Leo, đi ngay đi; mang theo mọi thứ. Chúa chúc lành cho cha, Mẹ Teresa.” Tôi đã hứa với chị gái tôi sẽ đến vào dịp Giáng sinh. Lâu rồi tôi đã không được gặp chị, vì thế tôi gọi điện cho chị trấn an chị đừng lo lắng gì; tôi sẽ trở lại vào ngày 24 chắc chắn. Anh tôi cho tôi một món quà Giáng sinh — một laptop mới, một trong những mẫu laptop hiện đại đầu tiên bạn có thể sao chép từ ổ đĩa này sang ổ đĩa khác và nhiều thứ tuyệt vời khác nữa. Thế là tôi định bụng phải mang nó sang Liên xô và gây ấn tượng với mọi người bằng công nghệ này. Nhưng, về một mức độ nào đó, tôi không được phép mang nó theo, và, vấn đề thứ hai, tôi sẽ có thể mất hết mọi thứ nếu hành lý của chúng tôi mất. Nhưng Mẹ Teresa nói, “Cha biết không, khiêm nhường vẫn hơn, trong tình yêu và phục vụ.” Tôi sẽ mất rất nhiều, tôi sẽ mất rất nhiều, nhưng tôi đã không mang nó theo, thế là giữ được. Tôi không bị mất nó.
Thế rồi một vài tháng sau, mẹ gọi điện từ Kolkata nói, “Chúc cha Phục sinh hạnh phúc,” và hỏi tôi vẫn còn muốn cái máy tính. Tôi nói, “Vâng, nếu mẹ đồng ý,” và mẹ bảo, “Vâng, thưa cha! Bây giờ cha có thể mang theo,” vì chứng tá đã không bị phá hỏng bởi hành vi sai. Chứng tá là tình yêu và phục vụ khiêm nhường, không phải vì bản thân tôi, nhưng vì sự yêu thương và phục vụ khiêm nhường của các nữ tu. Và nó đã không bị phá hỏng bởi một linh mục chạy tới chạy lui với một thiết bị công nghệ cao. Nhưng sau 6 tháng, mẹ nhớ lại. Thế đấy, rất khéo léo.
Những điều nhỏ nhặt nhưng mẹ vẫn nhớ.
Những điều nhỏ nhặt: Đó là sự quan tâm của mẹ; đó là bước đầu tiên đến với Thiên Chúa.
Mẹ thường đọc kinh “Flying Novena,” (Tuần cửu nhật) và mẹ đọc thêm ngày thứ 10 để nhận được những gì mẹ xin. Đó có phải là bản tính của mẹ không, tức là nếu mẹ xin Chúa điều gì, mẹ sống trong sự mong đợi nó phải đến?
Mẹ đưa nó vào một sự thực hành tu đức xuyên suốt. Tôi nhớ tại Porto Santo Stefano, không xa Roma, một người đàn ông hoàn toàn bị thuyết phục bởi cuộc nói chuyện, và mẹ làm một chuyến thăm ngắn. Ngay lúc đó, ông ta gửi cho mẹ cái chìa khóa của ngôi biệt thự rất đẹp của ông tại bãi biển và nói, “Đây là cho mẹ, cho người nghèo,” vì mẹ vừa giải thích rằng mẹ muốn một căn nhà cho các bệnh nhân AIDS. Và mẹ nói, “Chà, biệt thự ở đâu vậy? Nó lớn cỡ nào? Nó có bao nhiêu phòng?” Mẹ được giải thích tường tận; và sau một lát, mẹ nói, “Tôi tin rằng tốt hơn là không nhận nó.” Và ông ta hỏi, “Nhưng, thưa mẹ, tại sao mẹ lại không muốn nó?” Mẹ trả lời, “Nếu chúng tôi cho những người AIDS vào đó, những người hàng xóm của ông sẽ bị xúc phạm. Họ sẽ không thích chuyện đó, họ sẽ phản đối, và chúng tôi không muốn đưa họ vào thế căng. Vả chăng nó cũng hơi khoa trương quá đối với chúng tôi.” Và ông ta nói, “Nhưng, mẹ có thể cứ nhận nó; mẹ có thể bán nó.” Nhưng mẹ nói, “Ông biết không, những gì bây giờ tôi không cần chỉ là gánh nặng cho chúng tôi.” Rồi ông ta lại nói, “Nhưng mẹ có thể dùng nó về sau.” Mẹ nói, “Nếu sau này tôi cần gì, Chúa sẽ cho tôi.” Mẹ suy nghĩ, “Con hoàn toàn thuộc về Ngài, vì thế Ngài phải cấp tài chính cho con đủ mọi thứ.” Mẹ rất rõ ràng về việc đó.
Cha nghĩ thái độ đó như thế nào?
Đó là một thái độ rất khôn ngoan và cẩn thận. Nếu đó thực sự là chương trình của Thiên Chúa, Ngài sẽ không bỏ rơi tôi. Nếu không thì Ngài bỏ rơi chính chương trình của Ngài. Mẹ có một cách phân biệt rất tuyệt vời. Mẹ cũng đã có kinh nghiệm rất nhiều; mẹ hiểu những tình trạng tinh thần; mẹ hiểu người khác bằng khả năng trực giác. Mẹ có thể đọc ý nghĩ của người khác. Mẹ rất thông minh, nhưng mẹ luôn luôn hỏi xin lời khuyên. Mẹ làm mọi việc theo hai bước: bước một là tìm đến những quyết định, hỏi tất cả mọi người. Bước hai là đưa ra quyết định, và đó chỉ là trách nhiệm của riêng mẹ. Nếu anh đã cho mẹ lời khuyên mà mẹ làm theo nhưng không có kết quả, mẹ sẽ không bao giờ đổ lỗi cho anh. Đó là quyết định của mẹ. Mẹ chịu trách nhiệm về những gì mẹ đã quyết định, nhưng mẹ rất cởi mở và luôn hỏi, “Thưa đức giám mục, người nghĩ vấn đề này thế nào?” Mẹ đến với Đức Giáo hoàng trước khi mẹ sang Liên xô. Mẹ hỏi, “Thưa Đức Thánh Cha, Cha có muốn con đi không? Nếu Cha bảo không, con sẽ không bao giờ cố gắng nữa.” Đức Thánh Cha trả lời, “Mẹ cứ đến chỗ nào cha không thể đến được.”
Đó là một quy trình rất rõ ràng, và mẹ rất rất hiếm khi nói “Không”, nhưng mẹ nói “tốt hơn là,” như là với những trẻ em. Mẹ là một nhà giáo từ A đến Z. “Thưa cha, tốt hơn là không, nhưng tốt hơn là làm nó theo cách này.”
Edward Pentin là ký giả của Register ở Roma.

[Nguồn:  ncregister]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 08/09/2016]



Bài Giảng Lễ Sáng Của Đức Thánh Cha: Hòa Bình Được Sinh Ra Từ Những Nơi Nhỏ Bé

Bài Giảng Lễ Sáng Của Đức Thánh Cha: Hòa Bình Được Sinh Ra Từ Những Nơi Nhỏ Bé

[Vatican Radio] Trở lại với Thánh Lễ hàng ngày ở nhà nguyện Casa Santa Marta sau thời gian nghỉ hè, trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxico nói về tầm quan trọng của việc xây dựng hòa bình qua những hành động nhỏ hàng ngày – vì, ngài nói, chính trong [...] nhỏ bé hàng ngày
8 tháng 9, 2016
Hòa Bình Được Sinh Ra Từ Những Nơi Nhỏ Bé
L'Osservatore Romano
[Vatican Radio]
Trở lại với Thánh Lễ hàng ngày ở nhà nguyện Casa Santa Marta sau thời gian nghỉ hè, trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxico nói về tầm quan trọng của việc xây dựng hòa bình qua những hành động nhỏ hàng ngày – vì, ngài nói, chính trong những hành vi nhỏ bé hàng ngày mà hòa bình trên bình diện toàn cầu được sinh ra.
Chẳng phải những buổi họp quốc tế vĩ đại mới tạo ra được hòa bình, ngài nói. Nhưng, hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa được sinh ra từ những nơi nhỏ bé: ví dụ, trong trái tim, hay trong ước mơ, như việc đã xảy ra với Thánh Giu-se khi thiên thần nói ngài đừng sợ đón Maria về nhà làm vợ, vì từ Mẹ sẽ cho thế giới Đấng “Emmanuel”, nghĩa là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta là hòa bình,” Đức Thánh Cha nói.
Một hồng ân chúng ta phải góp sức mỗi ngày
Đức Thánh Cha bắt đầu suy tư của ngài từ bài kinh nguyện, trong đó có chữ “hòa bình” ngay từ lời nguyện đầu tiên. Đức Thánh Cha tập trung vào các từ ngữ mở đầu của lời cầu nguyện, “xin cho chúng ta cùng lớn lên trong tình hiệp nhất và trong hòa bình.” Chúng ta phải làm việc để “lớn lên” trong hòa bình, ngài nói, vì hòa bình là một hồng ân “có một hành trình suốt đời”; vì thế mỗi người chúng ta phải góp phần để phát triển nó:
“Và con đường này của các thánh nhân và các tội nhân nói với chúng ta rằng cả chúng ta nữa cũng phải nhận lấy hồng ân hòa bình này và đặt nó thành con đường cho cuộc sống riêng của chúng ta, để nó đi vào cuộc đời chúng ta, để nó đi vào thế giới. Hòa bình không thể được xây dựng qua đêm; hòa bình là một hồng ân, nhưng là một hồng ân chúng ta phải đón nhận và góp phần xây dựng mỗi ngày. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng hòa bình là một hồng ân được tạo nên trong đôi bàn tay của con người. Chúng ta, mỗi người, từng ngày phải bước thêm một bước đến với hòa bình: Đó là công việc của chúng ta. Đó là công việc của chúng ta cùng với hồng ân chúng ta đón nhận: để xây dựng hòa bình.”
Có chiến tranh trong tâm hồn, sẽ có chiến tranh trên thế giới
Nhưng làm sao chúng ta có thể thành công trong mục tiêu này? Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Ngài chỉ ra một chữ cụ thể trong lời kinh nguyện trong ngày, đó là cụm từ “sự nhỏ bé”: chữ đó nói về Mẹ Maria, được mừng vào dịp Giáng sinh, và nó cũng nói về Bê-lem, “quá nhỏ đến mức bạn thậm chí không thấy nó trên bản đồ,” theo sự diễn giải của Đức Phanxico:
Hòa bình là một hồng ân, đó là một hồng ân được tạo dựng bằng đôi tay mà chúng ta góp phần thực hiện mỗi ngày; nhưng hãy làm điều đó bằng những việc rất nhỏ, bằng ‘sự nhỏ bé’ mỗi ngày. Những cuộc diễu hành vĩ đại vì hòa bình, những buổi gặp gỡ quốc tế lớn, vẫn chưa đủ nếu hòa bình không được xây dựng bằng những việc nhỏ bé. Ngược lại, bạn có thể nói về hòa bình bằng những từ ngữ rất bóng bẩy, đưa nó vào một hội  nghị lớn … Nhưng nếu những việc nhỏ nhặt của bạn, trong con tim của bạn, chưa có hòa bình, trong gia đình của bạn chưa có hòa bình, trong khu xóm của bạn chưa có hòa bình, thì sẽ không thể có hòa bình trên thế giới.”
Câu hỏi được đặt ra
Đức Thánh Cha đề nghị rằng chúng ta cần phải xin Thiên Chúa ân sủng “khôn ngoan để xây dựng hòa bình bằng những việc nhỏ bé mỗi ngày, nhưng nhằm mục đích đến những chân trời của toàn nhân loại,” đặc biệt ngày nay “chúng ta đang sống trong cuộc chiến và tất cả mọi người đang đi tìm hòa bình.” Và đồng thời, ngài nói, tốt hơn chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi này:
“Con tim của anh em hôm nay thế nào? Nó có bình an không? Nếu nó không bình an, trước khi nói chuyện về hòa bình, phải chắc chắn trái tim của anh em đang bình an. Gia đình của anh em hôm nay thế nào? Nó có hòa bình không? Nếu anh em không thể đem hòa bình đến cho gia đình, cho xứ đạo, cho hội đoàn của anh em, mang đến nhiều hòa bình hơn nữa, thì những từ ngữ về hòa bình cho thế giới chưa đủ. Đây là câu hỏi cha muốn đặt ra hôm nay: Con tim của mỗi người chúng ta thế nào? Nó có bình an không? Gia đình của mỗi người chúng ta thế nào? Nó có hòa bình không? Cách thức là như vậy đấy, đúng không? Để đạt được hòa bình cho thế giới.”

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/09/2016]