Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Tông du của ĐTC đến Nam Sudan - Cầu nguyện đại kết: “Chúng ta không thể thúc đẩy hòa bình nếu trước hết không khẩn cầu Chúa Giêsu, ‘Thủ lãnh Hòa bình’”

“Chúng ta không thể thúc đẩy hòa bình nếu trước hết không khẩn cầu Chúa Giêsu, ‘Thủ lãnh Hòa bình’”

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại buổi Cầu nguyện Đại kết

Tông du của ĐTC đến Nam Sudan - Cầu nguyện đại kết: “Chúng ta không thể thúc đẩy hòa bình nếu trước hết không khẩn cầu Chúa Giêsu, ‘Thủ lãnh Hòa bình’”

Vatican Media


*******

Chiều nay, Buổi Cầu nguyện Đại kết đã diễn ra tại Lăng “John Garang” ở thủ đô Juba.

Sau lời chào mừng theo nghi thức và phần giới thiệu ngắn của Mục sư Thomas Tut Puot Mut, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan (SSCC), diễn ra Nghi thức Sám hối, tiếp theo là Lời Cầu nguyện, Bài đọc Một và Bài Tin Mừng.

Sau đó, sau bài diễn văn của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, và lời giới thiệu của Vị Điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, là Mục sư Iain Greenshields, là Kinh Tin kính các Tông đồ truyền lại. Sau đó diễn ra lời cầu xin chuyển cầu và thương xót cho quốc gia, trong đó mỗi người đọc lời nguyện tưới nước lên những cây đã trồng trước đó như một hành động thể hiện sự hiệp nhất.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha Phanxicô đọc diễn từ của ngài, tiếp đến là kinh Lạy Cha, phép lành của ba nhà lãnh đạo tôn giáo, và bài hát cuối cùng. Theo chính quyền địa phương, hơn 50.000 người đã tham dự buổi Cầu nguyện Đại kết tại Lăng ‘John Garang’.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha trở về Tòa Khâm sứ bằng xe hơi, nơi ngài dùng bữa tối riêng.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha tại buổi Cầu nguyện Đại kết:

______________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa ngài Tổng thống,

Thưa các các vị Chức trách Tôn giáo và Dân sự,

Thưa anh chị em,

Từ miền đất thân yêu bị tàn phá bởi bạo lực này, nhiều lời cầu nguyện giờ đây đã được dâng lên thiên đàng. Nhiều tiếng nói khác nhau đã hợp nhất để tạo thành một tiếng nói duy nhất. Cùng với nhau, với tư cách là dân thánh của Thiên Chúa, chúng ta đã cầu nguyện cho dân tộc này và những đau khổ của họ. Là Kitô hữu, cầu nguyện là việc đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta được kêu gọi thực hiện để hoạt động vì thiện ích và tìm được sức mạnh cần thiết để kiên trì trên hành trình của chúng ta. Cầu nguyện, làm việc và lên đường: chúng ta hãy suy ngẫm về ba động từ này.

Trước hết, cầu nguyện. Cam kết mạnh mẽ của các cộng đoàn Kitô hữu đối với sự phát triển con người, tình liên đới và hòa bình sẽ không có kết quả nếu không có cầu nguyện. Thật vậy, chúng ta không thể thúc đẩy hòa bình nếu trước hết không khẩn cầu Chúa Giêsu là “Thủ lãnh Hòa bình” (Is 9:5). Bất cứ điều gì chúng ta làm cho người khác và chia sẻ với họ, trên hết, đều là một món quà được ban cho cách nhưng không mà chúng ta đã nhận được từ Ngài với đôi bàn tay trắng của mình: đó là ân sủng, ân sủng thuần khiết. Chúng ta là người Kitô hữu vì chúng ta đã được Chúa Giêsu Kitô yêu thương cách nhưng không.

Sáng nay, tôi đã nói về ông Môsê, và giờ đây, chính vì liên quan đến cầu nguyện, tôi muốn nhắc lại một biến cố có tính chất quyết định đối với ông và với người dân của ông. Nó xảy ra khi ông bắt đầu dẫn dân tộc đến tự do. Khi họ đến bờ Biển Đỏ, ông Môsê và toàn thể dân Israel thấy mình rơi vào một ngõ cụt không lối thoát. Trước mặt họ, họ nhìn thấy một bức tường nước không thể vượt qua; phía sau họ, binh lực của kẻ thù đang áp sát bằng những chiến xa và ngựa. Có phải điều đó cũng nhắc nhở chúng ta về những ngày khởi đầu của đất nước này, bị kẹt giữa những dòng nước chết chóc, lũ lụt thảm khốc ập đến đất nước và bạo lực tàn khốc của chiến tranh? Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, ông Môsê nói với dân chúng: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em” (Xh 14:13). Tôi tự hỏi, ông Môsê đã tìm thấy sự chắc chắn này ở đâu giữa những nỗi sợ hãi và kêu ca thường xuyên của người dân của ông? Sức mạnh đó đến với ông nhờ việc lắng nghe Thiên Chúa (xem các câu 2-4), Đấng đã hứa với ông rằng Ngài sắp tỏ lộ vinh quang của Ngài. Kết hiệp với Thiên Chúa, tín thác vào Người, vun trồng bằng lời cầu nguyện: đây là bí mật của sức mạnh đã giúp ông Môsê dẫn dắt dân chúng đi từ áp bức đến tự do.

Điều này cũng đúng với chúng ta. Cầu nguyện cho chúng ta sức mạnh để tiến tới, để vượt qua những nỗi sợ hãi, để nhìn thấy ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang chuẩn bị ngay bây giờ, ngay cả trong bóng tối. Hơn nữa, cầu nguyện đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đổ xuống trên dân tộc. Lời cầu xin chuyển cầu đánh dấu cuộc đời ông Môsê (x. Xh 32:11-14) là cách cầu nguyện mà chúng ta, với tư cách là những người mục tử của dân thánh Thiên Chúa, được kêu gọi thực hành cách đặc biệt. Cầu xin Thiên Chúa của hòa bình can thiệp ở những nơi con người không thể mang lại hòa bình: một lời cầu nguyện chuyển cầu kiên trì và liên lỉ. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hỗ trợ nhau trong nỗ lực này. Trong sự đa dạng của các nền tảng tuyên xưng, chúng ta hãy hiệp nhất với nhau, như một gia đình, có trách nhiệm cầu nguyện cho mọi người. Trong các giáo xứ, các nhà thờ của chúng ta, những nơi ca tụng và tôn thờ của chúng ta, chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện (x. Cv 1:14) để Nam Sudan, giống như dân Chúa trong Kinh thánh, “có thể đến được đất hứa”. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng, với tinh thần bình an, các điều khoản công bằng sẽ được thực hiện đối với việc sử dụng vùng đất trù phú và màu mỡ của đất nước và rằng đất nước sẽ được trao vương miện với nền hòa bình đã hứa, mà đáng buồn là vẫn chưa đến.

Chúng ta được kêu gọi làm việc vì nền hòa bình. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình (x. Mt 5:9). Chúa muốn Giáo hội của Người không chỉ là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa mà còn là sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại (x. Hiến chế Lumen Gentium, 1). Thật vậy, như Thánh Phaolô nói với chúng ta, Chúa Kitô “là bình an của chúng ta” chính bởi vì Người phục hồi sự hiệp nhất. Chính Ngài là Đấng “đã liên kết đôi bên, và đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét giữa chúng ta” (x. Êp 2:14). Hòa bình của Thiên Chúa là như vậy: không chỉ là một thỏa thuận đình chiến giữa các cuộc xung đột, mà là tình bằng hữu huynh đệ đến từ sự hiệp nhất và không chiếm hữu; từ sự tha thứ và không áp đảo; từ sự hòa giải và không áp đặt. Khát vọng hòa bình của thiên đàng quá lớn đến nỗi nó đã được công bố ngay từ khi Chúa Kitô giáng sinh: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Chúa Giêsu vô cùng đau khổ vì bị từ chối món quà này mà Ngài đến để ban xuống, đến nỗi Chúa đã khóc thương cho Giêrusalem và nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19:42).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi cho sự bình an mà Thần Khí của Chúa Giêsu và Chúa Cha thúc giục chúng ta xây dựng: một sự bình an hòa nhập những đa dạng và thúc đẩy sự hiệp nhất trong sự đa dạng. Sự bình an của Chúa Thánh Thần hòa hợp những khác biệt, trong khi tinh thần thù địch với Thiên Chúa và nhân loại sử dụng sự đa dạng như một phương tiện để chia rẽ. Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy” (1 Ga 3:10). Các bạn thân mến, những người tự gọi mình là Kitô hữu phải chọn đứng về phía nào. Những ai chọn Chúa Kitô thì luôn chọn bình an; những kẻ khơi mào chiến tranh và bạo lực phản bội Chúa và chối bỏ Tin Mừng của Người. Điều Chúa Giêsu dạy chúng ta rất rõ ràng: chúng ta phải yêu thương mọi người, vì mọi người đều được yêu thương như con cái của Cha chung trên trời. Tình yêu của người Kitô hữu không chỉ dành cho những người thân cận với chúng ta, mà dành cho tất cả mọi người, vì trong Chúa Giêsu, mỗi người đều là người thân cận, là người anh chị em của chúng ta – thậm chí cả kẻ thù của chúng ta (x. Mt 5:38-48). Điều này càng đúng hơn biết bao đối với những người là thành viên của cùng một dân tộc, mặc dù thuộc các nhóm sắc tộc khác nhau. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12): đó là giới răn của Chúa Giêsu, và nó nghịch lại với mọi cách hiểu tôn giáo theo “bộ tộc”. “Để tất cả nên một” (Ga 17:21). Đó là lời cầu nguyện tha thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cho tất cả chúng ta là những người tin.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau làm việc để nuôi dưỡng sự hiệp nhất huynh đệ này giữa chúng ta với tư cách là người Kitô hữu, và giúp đem thông điệp hòa bình đến xã hội bằng cách truyền bá đường lối bất bạo động của Chúa Giêsu. Những người tự xưng là tín đồ không được liên quan đến một nền văn hóa dựa trên tinh thần báo thù. Tin Mừng không chỉ là một triết lý tôn giáo đẹp đẽ, mà là một lời tiên tri trở thành hiện thực trong lịch sử. Chúng ta hãy làm việc cho hòa bình bằng cách đan dệt và sửa chữa, không phải bằng cách cắt đứt hoặc xé rách. Chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, và khi theo Ngài, chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường dẫn đến hòa bình (x. Lc 1:79).

Sau những động từ cầu nguyện và làm việc, bây giờ chúng ta đến với động từ thứ ba: lên đường. Ở đất nước này, các cộng đồng Kitô giáo đã cam kết sâu sắc trong việc thúc đẩy những tiến trình hòa giải. Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá đức tin rạng ngời này được sinh ra từ sự nhận thức, được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, rằng trước bất kỳ sự chia rẽ lịch sử nào, vẫn có một sự thật không thay đổi, đó là chúng ta là người Kitô hữu; chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Thật là một điều tuyệt vời khi những người tuyên xưng đức tin Kitô giáo không bao giờ chia rẽ người dân mà đã, đang và tiếp tục là một nhân tố của sự hiệp nhất, giữa những tình huống xung đột lớn. Truyền thống đại kết này của Nam Sudan là một kho tàng quý giá, một hành động ngợi khen danh Chúa Giêsu và một hành động yêu thương dành cho Giáo hội là hiền thê của Người, một tấm gương cho tất cả mọi người về việc thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo. Đó là một truyền thống được nuôi dưỡng trong cùng tinh thần đó. Những chia rẽ giáo hội trong các thế kỷ qua không được có bất kỳ tác động nào đối với những người đang được rao giảng Tin mừng, và việc truyền bá Phúc âm phải góp phần vào sự phát triển sự hiệp nhất lớn lao hơn. Ước mong chủ nghĩa bộ lạc và tinh thần đảng phái đã thúc đẩy các hành động bạo lực ở đất nước này không làm phương hại đến những mối quan hệ giữa các nền tảng tuyên xưng khác nhau. Trái lại, xin cho chứng tá về sự hiệp nhất giữa các tín hữu lan tỏa đến mọi người.

Để kết thúc, ở đây tôi muốn gợi ý hai từ khóa giúp chúng ta kiên trì trong hành trình của mình: ký ức và cam kết. Ký ức. Những bước đi mà anh chị em thực hiện theo các bước chân của những người đã đi trước. Đừng sợ rằng anh chị em sẽ không theo đúng được tấm gương của họ, nhưng hãy cảm nhận mình được thúc đẩy bởi những người đã dọn đường cho anh chị em. Giống như trong một cuộc chạy tiếp sức, hãy nắm lấy và giữ chặt chứng tá của họ khi anh chị em chạy về phía mục tiêu hiệp thông trọn vẹn và cụ thể. Tiếp theo là cam kết. Chúng ta tiến tới sự hiệp nhất khi tình yêu trở nên cụ thể, khi chúng ta tham gia giúp đỡ những người bị ruồng bỏ, những người bị thương tổn và những người bị tước đoạt các quyền. Anh chị em đã thực hiện việc này trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi đặc biệt nghĩ đến các lĩnh vực y tế, giáo dục và hoạt động bác ái. Anh chị em đã cung cấp cho mọi người sự hỗ trợ cần thiết rất nhiều! Cảm ơn anh chị em vì điều này. Hãy tiếp tục hỗ trợ họ, không bao giờ đóng vai trò là những đối thủ cạnh tranh nhưng với tư cách là thành viên của một gia đình, là anh chị em, với lòng trắc ẩn đối trước sự đau khổ, những người được Chúa Giêsu yêu thương, những người tôn vinh Thiên Chúa và làm chứng cho tình chung sống mà Ngài yêu.

Các bạn thân mến, những người anh em của tôi và tôi đã cùng nhau đến đây với tư cách là những người hành hương để được ở cùng với các bạn, dân thánh của Thiên Chúa, trong cuộc hành trình của các bạn. Cho dù khoảng cách ngăn chia chúng ta về mặt thể lý, nhưng chúng tôi luôn ở gần các bạn. Chúng ta hãy lên đường mỗi ngày bằng cách cầu nguyện cho nhau, cùng nhau làm chứng nhân và trung gian cho sự bình an của Chúa Giêsu, và kiên trì trên cùng một hành trình bằng những hành động bác ái và hiệp nhất thiết thực của chúng ta. Trong mọi sự, anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn (x. 1 Pr 1:22).



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/2/2023]


Tông du của ĐTC Phanxicô đến Nam Sudan - gặp gỡ các nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn: “Để chiến tranh lùi vào dĩ vãng và mang đến thời gian hòa bình”

Đức Thánh Cha ở Nam Sudan: “Để chiến tranh lùi vào dĩ vãng và mang đến thời gian hòa bình”

Diễn từ tại buổi gặp gỡ các nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn

Tông du của ĐTC Phanxicô đến Nam Sudan - gặp gỡ các nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn: “Để chiến tranh lùi vào dĩ vãng và mang đến thời gian hòa bình”

Vatican Media


*******

Lúc 17:45 (16:45 giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Giới chức Chính trị và Tôn giáo, Đại diện Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn trong khu vườn của Phủ Tổng thống.

Sau bài phát biểu giới thiệu của Tổng thống Salva Kiir Mayardit, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ của ngài.

Tiếp theo là diễn văn của Đức Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury, và Mục sư Iain Greenshields, Vị Điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland.

Sau khi tạm biệt Tổng thống nước Cộng hòa, Đức Thánh Cha đã đến Tòa Khâm sứ ở thủ đô Juba, nơi Ngài được các nhân viên của Tòa Khâm sứ chào đón tại lối vào. Sau đó ngài dùng bữa tối riêng.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các nhà Chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn:

____________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa ngài Tổng Thống,

Thưa các vị Phó Tổng thống,

Thưa các vị Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa các vị Hữu trách Tôn giáo và Dân sự,

Các vị Đại diện của Xã hội Dân sự và Thế giới Văn hóa,

Thưa quý ông quý bà,

Thưa ngài Tổng thống, xin cảm ơn vì những lời tốt đẹp của ngài. Tôi rất vui khi được đến đất nước này, đất nước có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Thưa ngài Tổng thống, tôi rất cảm kích vì sự chào đón của ngài, và tôi xin gửi lời chào thân ái tới từng người trong quý vị, và thông qua quý vị, xin gửi tới tất cả những sống trên đất nước non trẻ và thân yêu này. Tôi đến đây như một người hành hương hòa giải, với hy vọng được đồng hành cùng quý vị trên con đường hòa bình. Đó là một hành trình quanh co, nhưng là một hành trình không thể trì hoãn thêm nữa. Tôi cũng không đến đây một mình, vì trong hòa bình cũng như trong cuộc sống tất cả chúng ta đều đồng hành cùng nhau. Vì vậy, tôi đã đến với hai người anh em, Đức Tổng Giám mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, những vị mà tôi cảm ơn vì tất cả những gì các ngài sẽ nói với chúng ta. Cùng nhau, dang rộng vòng tay, chúng tôi đến với quý vị và với dân tộc này nhân danh Chúa Giêsu Kitô, vị Thủ lãnh Hòa bình.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc hành hương đại kết vì hòa bình này sau khi nghe lời khẩn cầu của toàn thể dân tộc, với phẩm giá cao cả, than khóc vì tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, tình trạng thiếu an ninh kéo dài, tình trạng nghèo đói và những thảm họa thiên nhiên mà họ đã trải qua. Nhiều năm chiến tranh và xung đột dường như không bao giờ kết thúc, và gần đây, thậm chí mới ngày hôm qua, đã có những cuộc đụng độ ác liệt. Đồng thời, tiến trình hòa giải dường như bị đình trệ và lời hứa hòa bình không được thực hiện. Ước mong rằng sự đau khổ kéo dài này là không vô ích; cầu mong cho lòng kiên nhẫn và những hy sinh của người dân Nam Sudan, một dân tộc trẻ trung, khiêm nhường và can đảm này, thách thức tất cả mọi người, và giống như những hạt giống gieo vào lòng đất mang đến sự sống cho cây cối, để hòa bình đơm hoa kết trái. Thưa anh chị em, đã đến thời gian cho hòa bình!

Hoa trái và thảm thực vật ở đây thật phong phú, nhờ có con sông lớn chảy qua đất nước. Điều mà nhà sử học cổ đại Herodotus đã nói về Ai Cập, cụ thể là điều được gọi là “món quà của sông Nile” cũng có thể áp dụng cho Nam Sudan. Thật vậy, như quý vị thường nói, đây là một “vùng đất trù phú”. Tôi muốn lấy hình ảnh của dòng sông vĩ đại này chảy ngang qua đất nước, một quốc gia non trẻ nhưng có lịch sử lâu đời. Trong nhiều thế kỷ, các nhà thám hiểm đã mạo hiểm đến khu vực này để đi ngược dòng sông Nile Trắng nhằm tìm kiếm nguồn gốc của con sông dài nhất thế giới. Chính từ việc tìm kiếm cội nguồn sự sống chung của chúng ta mà tôi muốn bắt đầu cuộc hành trình của tôi với quý vị. Miền đất này, vô cùng trù phú về sản vật, về thổ nhưỡng nhưng trên hết là ở tấm lòng và khối óc của người dân, ngày nay cần được tưới mát trở lại bằng những nguồn suối trong lành và đầy sức sống.

Quý vị, những nhà lãnh đạo ưu tú, chính là những dòng suối này: những dòng suối tưới mát đời sống cộng đồng, là những người cha, người mẹ của đất nước non trẻ này. Quý vị được mời gọi để đổi mới đời sống xã hội như những nguồn mạch thanh khiết của sự thịnh vượng và hòa bình, vô cùng cần thiết cho những người con của đất nước Nam Sudan. Họ cần những người cha, chứ không phải những lãnh chúa; họ cần những bước phát triển vững chắc chứ không phải những sự sụp đổ liên tục. Ước mong thời gian theo sau sự ra đời của đất nước, tuổi thơ đau thương của đất nước, dẫn đến một sự trưởng thành hòa bình: đã đến lúc. Thưa các nhà chức trách, những “người con” đó, và chính lịch sử, sẽ nhớ đến quý vị nếu quý vị làm việc vì lợi ích của dân tộc mà quý vị được kêu gọi phục vụ. Các thế hệ tương lai hoặc sẽ tôn kính tên của quý vị hoặc xóa bỏ ký ức của họ, tùy vào những gì quý vị làm bây giờ. Vì giống như dòng sông Nile rời đầu nguồn để bắt đầu dòng chảy của nó, thì dòng lịch sử cũng sẽ bỏ lại phía sau những kẻ thù của hòa bình và mang lại danh tiếng cho những người kiến tạo hòa bình thực sự. Thật vậy, như Kinh Thánh cho chúng ta biết, “ai hiếu hòa sẽ được con giòng cháu giống” (x. Tv 37:37).

Ngược lại, bạo lực quay ngược dòng lịch sử. Chính sử gia Herodotus đã nói về sự gián đoạn giữa các thế hệ do chiến tranh gây ra, khi những người con không còn chôn cất cha mẹ của họ, mà cha mẹ lại chôn cất con cái của họ (x. Histories, I, 87). Để mảnh đất này không biến thành nghĩa trang, mà một lần nữa trở thành khu vườn sum suê, tôi nài xin quý vị, từ tận đáy lòng của tôi, hãy chấp nhận bốn lời đơn giản: không phải lời của tôi, mà là lời của Chúa Kitô. Chính Chúa đã nói những lời đó trong khu vườn Ghết-sê-ma-nê, khi nói với người môn đệ đã rút gươm của mình, Người kêu lên: “No more of this!” (Thôi, ngừng lại!) (Lc 22:51). Thưa ngài Tổng thống và các Phó Tổng thống, nhân danh Thiên Chúa, Thiên Chúa mà chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện ở Roma, Thiên Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11:29), Thiên Chúa mà rất nhiều người con của đất nước thân yêu này tin, bây giờ là lúc để nói “Thôi, ngừng lại”, không có từ “nếu” hay “nhưng”. Hãy ngừng việc làm đổ máu, hãy ngừng xung đột, hãy ngừng bạo lực và buộc tội lẫn nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm về điều đó, hãy ngừng lại việc để người dân của quý vị khát hòa bình. Hãy ngừng phá hủy: đã đến lúc xây dựng! Hãy để thời gian chiến tranh lui về dĩ vãng và để thời gian hòa bình ló rạng! Và về vấn đề này, thưa ngài Tổng thống, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện buổi tối mà chúng ta đã có nhiều năm trước ở Uganda: mong muốn hòa bình của ngài đã ở đó… Chúng ta hãy tiếp tục về vấn đề này!

Chúng ta hãy nghĩ lại về cội nguồn của dòng sông, đến những dòng nước tượng trưng cho sự sống. Nguồn gốc của đất nước này, và tiến trình do người dân Nam Sudan thực hiện vào ngày 9 tháng Bảy năm 2011, gợi nhớ đến một từ khác: Cộng hòa. Tuy nhiên, trở thành một nước Cộng hòa, một res publica có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là xem mình thực sự “thuộc về công cộng”, “của công chúng”; đó là tuyên bố rằng nhà nước thuộc về tất cả mọi người; và do đó, những người được giao phó trách nhiệm lớn hơn, chủ trì và điều hành, có trách nhiệm đặt mình vào vai trò phục vụ ích chung. Đó là mục đích của quyền bính: phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, luôn có sự cám dỗ sử dụng quyền lực vì lợi ích của riêng chúng ta. Vì vậy, chỉ đơn giản gọi là nước Cộng hòa thì không đủ; nó cần phải là một nước, bắt đầu từ những thiện ích căn bản. Các nguồn tài nguyên dồi dào mà Chúa đã ban cho vùng đất này không được giới hạn riêng cho một số ít người, mà phải được công nhận là gia sản của tất cả mọi người, và các kế hoạch phục hồi kinh tế phải đồng nhất với các đề xuất phân phối của cải một cách công bằng.

Sự phát triển của một nền dân chủ lành mạnh là điều cần thiết cho đời sống của nền Cộng hòa. Nó duy trì sự phân chia tốt đẹp về quyền hạn theo cách, chẳng hạn, những người thực thi công lý có thể thực hiện trách nhiệm mà không có sự can thiệp từ những người lập pháp hoặc lãnh đạo. Ngoài ra, nền dân chủ bao hàm việc tôn trọng các quyền con người, được duy trì bởi luật pháp và việc áp dụng luật pháp, đặc biệt là quyền tự do biểu đạt. Cần ghi nhớ rằng sẽ không có hòa bình nếu không có công lý (x. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới, 1 tháng Một, 2002), nhưng cũng không có công lý nếu không có tự do. Do đó, mọi công dân phải được tạo điều kiện để sử dụng cách tốt nhất món quà duy nhất và không thể lặp lại của cuộc đời mình, đồng thời được cung cấp những phương tiện phù hợp để thực hiện việc đó. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: “Mọi người đều có quyền sống, quyền toàn vẹn về thân thể và quyền có những phương tiện cần thiết để phát triển tốt cuộc sống” (Thông điệp Pacem in Terris, 11).

Sông Nile, rời nguồn và chảy qua một số địa hình không bằng phẳng tạo ra những thác nước và ghềnh, đi vào đồng bằng Nam Sudan và khi đến gần Juba, trở nên có thể di chuyển được, trước khi đi vào các vùng lầy lội hơn. Tương tự như vậy, tôi tin rằng con đường dẫn đến hòa bình của nền Cộng hòa sẽ không đi theo con đường gồ ghề, nhưng bắt đầu từ thủ đô này, sẽ đi theo một lộ trình có thể di chuyển và không bị sa lầy theo quán tính. Các bạn thân mến, đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động. Đã đến lúc lật sang trang mới: đây là lúc cam kết thực hiện một sự chuyển đổi cấp bách và vô cùng cần thiết. Tiến trình hòa bình và hòa giải đòi hỏi một khởi đầu mới. Ước mong có thể đạt được sự hiểu biết và tiến bộ trong việc tiến lên phía trước với Hiệp định Hòa bình và Lộ trình! Trong một thế giới đầy những vết sẹo của các chia rẽ và xung đột, đất nước này đang tổ chức một cuộc hành hương đại kết vì hòa bình, đó là một điều hiếm thấy; nó đại diện cho một sự thay đổi hướng đi, một cơ hội để Nam Sudan tiếp tục chèo thuyền trong những vùng nước lặng, tiến hành đối thoại, không giả dối và chủ nghĩa cơ hội. Cầu mong cho mọi người có cơ hội để làm sống lại niềm hy vọng, không chỉ cho chính phủ, mà cho tất cả mọi người. Hãy để mỗi người dân hiểu rằng đã đến lúc không để mình bị cuốn theo dòng chảy ô nhiễm của hận thù, chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa vùng miền và sự khác biệt sắc tộc. Thưa anh chị em, đã đến lúc cùng nhau chèo thuyền hướng tới tương lai! Cùng nhau. Chúng ta không được quên từ này: cùng nhau.

Dòng chảy của con sông lớn cũng có thể gợi ý cách thức để tiến về phía trước. Trên đường đi, sông Nile hợp lưu với một con sông khác ở Hồ No, tạo thành dòng chảy gọi là sông Nile Trắng. Đó là vùng nước trong suốt, phát sinh từ một cuộc gặp gỡ. Anh chị em thân mến, đây là con đường phải đi: tôn trọng nhau, thấu hiểu nhau và tham gia đối thoại. Đằng sau mọi hình thức bạo lực, đều có sự giận dữ và oán giận, và đằng sau mọi hình thức giận dữ và oán giận, là ký ức của những vết thương không lành, những sự sỉ nhục và sai trái. Theo đó, cách duy nhất để thoát khỏi những điều này là gặp gỡ, văn hóa gặp gỡ: bằng cách chấp nhận người khác như anh chị em của chúng ta và dành chỗ cho họ, cho dù điều đó có nghĩa là phải lùi một bước. Thái độ này cần thiết cho bất kỳ tiến trình hòa bình nào và cũng tuyệt đối không thể thiếu được cho sự phát triển gắn kết của xã hội. Trong quá trình chuyển từ sự đối đầu man rợ sang một nền văn hóa gặp gỡ, người trẻ tuổi đóng một vai trò quyết định. Do đó, họ phải được cung cấp những không gian gặp gỡ cởi mở để gặp gỡ và thảo luận. Cầu mong cho họ can đảm nắm giữ tương lai vốn là của họ! Tiếp đến là phụ nữ, những người mẹ hiểu rõ sự sống được tạo ra và bảo vệ như thế nào, cần phải ngày càng được tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị và các tiến trình ra quyết định. Phụ nữ phải được tôn trọng, vì bất kỳ ai có hành vi bạo lực đối với phụ nữ là phạm tội đó với Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy xác phàm từ một người phụ nữ.

Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, đã dạy chúng ta rằng chúng ta càng trở nên nhỏ bé, bằng cách nhường chỗ cho người khác và đón nhận mọi người lân cận như anh chị em, thì chúng ta càng trở nên cao cả hơn trước mắt Chúa. Lịch sử non trẻ của đất nước này, bị xâu xé bởi những xung đột sắc tộc, cần khám phá ra sự huyền nhiệm của sự gặp gỡ, ân sủng của toàn thể. Cần phải có cái nhìn xa hơn phe nhóm và sự khác biệt để hành trình như một dân tộc, giống như dòng sông Nile được làm màu mỡ nhờ sự đóng góp của các phụ lưu khác nhau của nó. Chính bên dòng sông, hơn một thế kỷ trước, những nhà truyền giáo đầu tiên đã cập các bến bờ này, tiếp theo dòng thời gian là nhiều nhân viên nhân đạo. Tôi cảm ơn tất cả họ vì những công việc có giá trị mà họ làm. Đồng thời, tôi nghĩ đến những nhà truyền giáo đó, thật buồn phải nói rằng họ đã gặp phải cái chết trong khi gieo mầm sự sống. Chúng ta đừng quên họ và đừng quên đảm bảo cho họ và cho những người làm công tác nhân đạo sự an toàn và hỗ trợ cần thiết cho các công việc bác ái của họ, để dòng sông thiện hảo có thể tiếp tục chảy.

Tuy nhiên, một dòng sông lớn đôi khi có thể tràn bờ và gây ra thảm họa. Thật đáng buồn, đây là kinh nghiệm của nhiều nạn nhân lũ lụt ở đất nước này. Tôi bày tỏ sự gần gũi với họ, và lên tiếng kêu gọi để họ không thiếu sự giúp đỡ cần thiết. Thiên tai kể câu chuyện về thiên nhiên bị hành hạ và tổn thương, từ chỗ là nguồn sống có thể biến thành mối đe dọa chết người. Chúng ta cần có tầm nhìn xa để chăm sóc cho tạo vật, vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự cần thiết phải chống nạn phá rừng do trục lợi.

Để ngăn chặn một dòng sông không tràn lũ, lòng sông phải được giữ sạch sẽ. Bỏ qua phép ẩn dụ, sự làm sạch cần thiết của dòng chảy cuộc sống trong xã hội được thể hiện bằng cuộc chiến chống tham nhũng. Sự phân phối quỹ không công bằng, những kế hoạch bí mật để làm giàu, những thỏa thuận bảo trợ, sự thiếu minh bạch: tất cả những điều này làm ô nhiễm lòng sông của xã hội loài người; chúng làm thay đổi mục đích những tài nguyên từ những thứ cần thiết nhất. Trước hết, cần phải chống lại sự nghèo đói, là mảnh đất màu mỡ trong đó sự hận thù, chia rẽ và bạo lực bén rễ. Nhu cầu cấp bách của tất cả mọi quốc gia văn minh đều là quan tâm đến công dân của mình, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến hàng triệu người tản cư đang sống ở đây: biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ, và bây giờ thấy mình bị đẩy ra bên lề cuộc sống do hậu quả của các cuộc xung đột và di tản cưỡng bức!

Để các vùng nước mang lại sự sống không biến thành nguồn nguy hiểm chết người, điều cần thiết là dòng chảy của sông phải được kiểm soát bằng các bờ đê phù hợp. Điều này cũng đúng đối với sự chung sống của con người. Trên hết, cần phải kiểm soát dòng lưu hành của vũ khí, bất chấp lệnh cấm, vẫn tiếp tục đổ đến nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Nam Sudan: ở đây có nhiều thứ đang rất cần, nhưng chắc chắn không cần có nhiều công cụ giết người hơn! Những hình thức bờ đê khác là cần thiết để kiểm soát dòng chảy lành mạnh của đời sống xã hội. Ở đây, tôi muốn đề cập đến việc xây dựng các chính sách chăm sóc sức khỏe phù hợp, nhu cầu về cơ sở hạ tầng cần thiết và đặc biệt mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy xóa mù chữ và giáo dục là cách duy nhất để trẻ em của vùng đất này có thể nắm lấy tương lai của chúng trong tay. Giống như tất cả trẻ em của lục địa này và trên thế giới, chúng có quyền lớn lên được cầm trên tay những cuốn vở và đồ chơi, chứ không phải vũ khí và công cụ lao động.

Cuối cùng, sông Nile Trắng rời khỏi Nam Sudan, chảy qua các quốc gia khác, nhập vào sông Nile Xanh rồi đổ ra biển. Những dòng sông không biết đến biên giới; chúng kết nối các lãnh thổ khác nhau. Tương tự như vậy, để đạt được sự phát triển phù hợp, hơn bao giờ hết, điều cần thiết là phải thúc đẩy các mối quan hệ tích cực với những quốc gia khác, bắt đầu từ các quốc gia trong khu vực. Ở đây, tôi cũng nghĩ đến sự đóng góp quý báu của cộng đồng quốc tế đối với đất nước này, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự hòa giải và phát triển. Tôi tin rằng, để những đóng góp đó có kết quả, thì sự hiểu biết thực sự về các tiến trình và vấn đề xã hội là điều vô cùng cần thiết. Phân tích và báo cáo về chúng từ xa là không đủ; cần phải tham gia trực tiếp, với sự kiên nhẫn và quyết tâm, và nói chung, để chống lại cám dỗ áp đặt các mô hình được thiết lập sẵn xa lạ với thực tế địa phương. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói 30 năm trước tại Sudan: “Các giải pháp của người Châu Phi phải được tìm ra cho các vấn đề của Châu Phi” (Diễn từ tại Lễ Chào đón, ngày 10 tháng Hai năm 1993).

Thưa ngài Tổng thống, thưa các nhà chức trách, khi lần theo dòng chảy của sông Nile, tôi muốn mạo hiểm dọc theo con đường của đất nước này, còn non trẻ cũng như rất đáng yêu. Tôi biết rằng một số điều tôi đã nói có vẻ thẳng thắn và trực tiếp, nhưng xin hãy biết rằng điều này xuất phát từ tình cảm và mối quan tâm mà tôi dành cho đời sống của đất nước các bạn, cùng với những người anh em của tôi, những người mà tôi đã cùng đến đây với tư cách là người hành hương hòa bình. Chúng tôi muốn gửi đến quý vị những lời cầu nguyện tha thiết và sự hỗ trợ của chúng tôi để Nam Sudan có thể được sự hòa giải và thay đổi hướng đi. Xin cho dòng chảy sống còn của nó không còn bị chôn vùi bởi dòng lũ bạo lực, bị sa lầy trong những đầm lầy tham nhũng và bị cản trở bởi sự nghèo đói tràn lan. Xin Chúa trên trời, Đấng yêu thương mảnh đất này, ban cho nó một mùa hòa bình và thịnh vượng mới. Xin Chúa chúc phúc cho nước Cộng hòa Nam Sudan! Cảm ơn quý vị.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2023]