Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Đây là những quốc gia khó khăn nhất cho người Kitô hữu

Đây là những quốc gia khó khăn nhất cho người Kitô hữu

Đây là những quốc gia khó khăn nhất cho người Kitô hữu

Islamic State’s AMAQ News agency

John Burger

14/01/21

Bắc Hàn đứng đầu danh sách những thủ phạm đàn áp tôn giáo trong Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2021 của Open Doors.

Theo một báo cáo mới từ Open Doors, một tổ chức theo dõi việc đàn áp người Kitô hữu trên khắp thế giới, đàn áp tôn giáo có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ấn bản năm 2021 của World Watch List, mà Open Doors đã xuất bản hàng năm trong một số năm qua, mô tả tình hình của các Kitô hữu ở 50 quốc gia. Danh sách này bắt đầu với Bắc Hàn, nơi Open Doors nhận thấy sự đàn áp đối với những người Kitô hữu là nghiêm trọng nhất.

Nhưng sự áp bức tôn giáo không luôn luôn có cùng nguyên nhân. Ở một số nơi, nó là vì “sự đàn áp phe cánh”, mà Open Doors định nghĩa là sự đàn áp nội bộ giữa một nhóm người bình thường. Một ví dụ cho vấn đề này là ở Afghanistan, nơi Open Doors nói rằng việc sống thể hiện công khai là một người Kitô hữu là không thể.

Báo cáo cho biết: “Những người trở lại Kitô giáo phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu niềm tin mới của họ bị phát hiện. Về cơ bản, người trở lại đạo có hai lựa chọn: hoặc là trốn khỏi đất nước hoặc có nguy cơ bị giết. Nếu gia đình của họ phát hiện ra việc trở lại đạo của họ, gia đình, thị tộc hoặc bộ lạc phải cứu lấy ‘danh dự’ của mình bằng cách cắt đứt mối quan hệ với người tín hữu, hoặc thậm chí giết họ. Người Kitô hữu trước đây theo đạo Hồi cũng có thể bị đưa đến bệnh viện tâm thần, vì rời bỏ đạo Hồi được coi là một dấu hiệu của tình trạng bị điên”.

Các nguồn đàn áp khác bao gồm đàn áp thuộc Hồi giáo (Libya, Pakistan và Iran, và một số nước khác) và đàn áp thuộc cộng sản và hậu cộng sản (Bắc Triều Tiên, Trung Quốc).

Ở Eritrea và Ethiopia, nguồn gốc của sự đàn áp là “chủ nghĩa bảo hộ giáo phái”. Điều đó có nghĩa là nhóm Kitô hữu thống trị đàn áp một cộng đồng Kitô hữu thiểu số.

Báo cáo cho biết: “Những người Kitô hữu thuộc các giáo phái phi truyền thống phải đối mặt với sự đàn áp khắc nghiệt nhất ở Eritrea, cả từ chính phủ và Giáo hội Chính thống giáo Eritrea (EOC — giáo phái Kitô giáo duy nhất được chính phủ công nhận). Các lực lượng chính phủ theo dõi những cuộc điện thoại và tiến hành rất nhiều cuộc đột kích nhắm vào người Kitô giáo và có thể dẫn đến việc bắt giữ và tống ngục mà không cần xét xử. Nhiều người Kitô hữu bị giam giữ trong hệ thống nhà tù phi nhân đạo dưới đường hầm phức tạp của đất nước. Người thân của họ có thể không biết họ đang ở đâu hoặc thậm chí không biết họ còn sống hay không.”

Chủ nghĩa dân tộc tôn giáo

Tại Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo là nguyên nhân dẫn đến sự đàn áp. Những người theo Ấn giáo cực đoan tin rằng tất cả người dân Ấn Độ phải theo Ấn giáo và đất nước nên loại bỏ Kitô giáo và Hồi giáo, báo cáo cho biết:

Để đạt được mục tiêu này, họ sử dụng bạo lực mở rộng, đặc biệt nhắm vào những người Kitô hữu có nguồn gốc từ Ấn giáo. Trong các làng mạc của họ, người theo Kitô giáo bị buộc tội theo “tôn giáo ngoại lai” và thường bị tấn công về thể xác. Nếu họ không “tái cải đạo”, cộng đồng của họ có thể tẩy chay họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tìm kiếm thu nhập và mua thực phẩm của họ.

Open Doors cho biết người Kitô hữu của Ai Cập đau khổ vì “chứng hoang tưởng độc tài”, chứng bệnh khiến nhà lãnh đạo chính trị và bè phái bên trong thống trị mọi khía cạnh của xã hội. Open Doors giải thích: “Nhà độc tài bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng có ai đó, ở đâu đó, đang âm mưu lật đổ. Không ai được phép tổ chức bên ngoài sự kiểm soát của nhà nước.”

Open Doors giải thích: “Sự đàn áp chống lại người theo Kitô giáo ở Ai Cập chủ yếu xảy ra ở cấp cộng đồng và thường xuyên nhất ở Thượng Ai Cập. Các hình thức có thể khác nhau, từ việc phụ nữ Kitô giáo bị quấy rối trên đường phố, đến việc các cộng đồng Kitô giáo bị những đám đông cực đoan đuổi ra khỏi nhà. Mặc dù chính phủ Ai Cập lên tiếng tích cực về cộng đồng Kitô giáo của đất nước, nhưng việc thiếu thực thi pháp luật nghiêm túc và chính quyền địa phương không sẵn sàng bảo vệ người Kitô hữu khiến các tín hữu dễ bị tấn công”.

Đức Giáo chủ Tawadros II của Chính thống giáo Coptic gần đây đã mô tả tình hình hơi khác.

“Khi tôi gặp các nhà lãnh đạo trên thế giới, họ luôn đặt cho tôi những câu hỏi về sự đàn áp đang ảnh hưởng đến chúng tôi ở Ai Cập, và tôi trả lời rằng không có cuộc đàn áp nào, rõ ràng chối bỏ sự thể hiện đủ điều kiện ở đất nước của chúng tôi,” Đức Giáo chủ Tawadros nói, theo một báo cáo trên Fides. Mặc dù Giáo hội Cốp tíc phải đối mặt với những khó khăn và vấn đề liên quan đến bạo lực giáo phái và phân biệt đối xử, những vấn đề đó không phải là sự đàn áp tôn giáo có hệ thống.

Nhìn chung, Open Doors tìm thấy rằng coronavirus và các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn nó đã khiến tình hình của các nhóm Kitô giáo thiểu số ở nhiều nơi trên thế giới trở nên xấu hơn. Những hạn chế đã cho phép các chiến binh Hồi giáo tự do hành động hơn để gia tăng bạo lực chống lại người Kitô hữu ở châu Phi cận Sahara và các quốc gia độc tài như Trung Quốc nhằm mở rộng sự giám sát và kiểm soát của họ đối với người Kitô giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2021]


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NGÀY BỆNH NHÂN THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIX

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NGÀY BỆNH NH N THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIX

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NGÀY BỆNH NHÂN THẾ GIỚI LẦN THỨ XXIX


“Anh em chỉ có một thầy, và tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8). Một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng hướng dẫn việc chăm sóc cho người bệnh


Anh chị em thân mến,

Việc kỷ niệm Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ XXIX vào ngày 11 tháng Hai năm 2021, ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, là một cơ hội để dành sự quan tâm đặc biệt cho người bệnh và cho những người cung cấp cho họ sự hỗ trợ và chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và trong gia đình và cộng đồng. Chúng ta đặc biệt nghĩ đến những người đã chịu đau khổ, và còn tiếp tục chịu đau khổ, vì các hậu quả của đại dịch coronavirus trên toàn thế giới. Tôi xin bày tỏ tình gần gũi về tinh thần với tất cả mọi người, và đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và bảo đảm với họ sự quan tâm đầy tình yêu thương của Giáo hội.

1. Chủ đề của Ngày này được rút ra từ trích đoạn Tin mừng trong đó Chúa Giêsu chỉ trích thói đạo đức giả của những người không thực hiện những gì họ giảng dạy (xem Mt 23:1-12). Khi đức tin của chúng ta chỉ thu hẹp trong những lời nói trống rỗng, không quan tâm đến đời sống và nhu cầu của người khác, tín điều mà chúng ta tuyên xưng chứng tỏ mâu thuẫn với cách sống của chúng ta. Sự nguy hiểm đó là có thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ đối với nguy cơ bị rơi vào việc tự sùng bái bản thân. Ngài nói với chúng ta: “Anh em chỉ có một thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (câu 8).

Sự chỉ trích của Chúa Giêsu đối với những người “nói mà không làm” (câu 3) thì luôn hữu ích ở mọi nơi, vì chẳng ai trong chúng ta miễn nhiễm với sự dữ xấu xa của thói đạo đức giả, là điều ngăn cản chúng ta không phát triển như những đứa con của cùng một Cha, được kêu gọi sống tình huynh đệ phổ quát.

Trước các nhu cầu của anh chị em chúng ta, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy trả lời theo cách hoàn toàn trái ngược lại với thói đạo đức giả. Ngài kêu gọi chúng ta hãy dừng lại và lắng nghe, để thiết lập một mối quan hệ trực tiếp và riêng tư với người khác, để có sự cảm thông và lòng trắc ẩn, và để cho sự đau khổ của họ trở thành của chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (xem Lc 10:30-35).

2. Kinh nghiệm khi bị bệnh tật của chúng ta khiến chúng ta nhận ra tính dễ bị tổn thương của mình và nhu cầu cần có tha nhân. Nó càng làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn bao giờ hết rằng chúng ta là những thụ tạo lệ thuộc vào Thiên Chúa. Khi chúng ta đau bệnh, sự sợ hãi và thậm chí hoang mang có thể tóm lấy tâm trí và tâm hồn chúng ta; chúng ta thấy mình bất lực, vì sức khỏe của chúng ta không tùy thuộc vào khả năng hay những lo lắng không ngớt về sự sống của chúng ta (xem Mt 6:27).

Bệnh tật làm nổi lên câu hỏi về ý nghĩa của sự sống, điều mà chúng ta mang đến trước mặt Chúa trong đức tin. Khi tìm kiếm một hướng đi mới và sâu sắc hơn trong cuộc sống, có thể chúng ta không tìm được một câu trả lời trực tiếp. Cả những người thân và bạn bè chúng ta cũng không phải luôn có khả năng giúp đỡ chúng ta trong sự tìm kiếm khó khăn này.

Nhân vật Gióp trong kinh thánh là điển hình cho trường hợp này. Vợ và bạn bè của Gióp không đồng hành với ông trong nỗi bất hạnh; thay vào đó, họ đổ tội cho ông và chỉ làm tăng thêm sự cô độc và thống khổ của ông. Ông Gióp cảm thấy bị bỏ rơi và hiểu lầm. Nhưng với tất cả sự mong manh tột cùng của mình, ông từ bỏ thói giả hình và chọn con đường trung thực với Thiên Chúa và người khác. Ông kêu cầu lên Chúa quá đỗi tha thiết và cuối cùng Chúa đã nhận lời ông và cho phép ông thoáng nhìn thấy một chân trời mới. Người khẳng định rằng sự đau khổ của Gióp không phải là một hình phạt hay tình trạng xa rời Thiên Chúa, càng không phải là dấu hiệu cho sự không quan tâm của Chúa. Tâm hồn của ông Gióp, bị tổn thương và được chữa lành, sau đó đã bật lên lời tuyên xưng mạnh mẽ và đầy cảm xúc lên Chúa: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42:5).

3. Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những người bệnh, nhưng cũng là của những người cảm thấy bị bỏ rơi, bị loại bỏ và trở thành con mồi cho những bất công xã hội từ chối những quyền căn bản của họ (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 22). Đại dịch hiện tại đã làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta và đã bộc lộ những yếu kém của chúng ta trong việc chăm sóc cho người bệnh. Người già, người yếu đuối và dễ bị tổn thương không được liên tục tiếp cận với sự chăm sóc, hoặc theo cách thức công bằng. Đây là kết quả của những quyết định chính trị, quản lý nguồn lực và cam kết nhiều hơn hay ít hơn về phía những người nắm giữ các vị trí trách nhiệm. Đầu tư các nguồn lực vào việc chăm sóc và hỗ trợ người bệnh là một ưu tiên liên quan đến nguyên tắc cơ sở rằng sức khỏe là một ích chung nền tảng. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã làm nổi bật sự cống hiến và lòng quảng đại của các nhân viên chăm sóc sức khỏe, những tình nguyện viên, ban nhân viên hỗ trợ, các linh mục, nam nữ tu sĩ, tất cả những người đã giúp đỡ, điều trị, an ủi và phục vụ quá nhiều người bệnh và gia đình họ với sự chuyên nghiệp, xả thân, trách nhiệm và yêu thương người lân cận. Một con số âm thầm không biết bao nhiêu người nam và nữ, họ chọn cách không nhìn về hướng khác nhưng chia sẻ sự đau khổ của các bệnh nhân, những người mà họ nhìn như là người lân cận và thành viên của một gia đình nhân loại.

Sự gần gũi đó là một loại dầu thơm quý báu cung cấp sự hỗ trợ và an ủi cho người bệnh trong trong đau khổ. Là người Kitô hữu, chúng ta trải nghiệm sự gần gũi đó như một dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, người Samari Nhân hậu, tiến đến gần và động lòng trắc ẩn đối với mọi người nam và nữ bị tổn thương bởi tội. Được hiệp nhất với Đức Kitô nhờ công cuộc của Chúa Thánh Thần, chúng ta được kêu gọi hãy thương xót như Chúa Cha, và yêu thương những anh chị em yếu đuối, mong manh và đau khổ của mình (xem Ga 13:34-35). Chúng ta trải nghiệm sự gần gũi này không chỉ với tư cách là những cá nhân nhưng là một cộng đồng. Thật vậy, tình yêu huynh đệ trong Đức Kitô tạo ra một cộng đồng chữa lành, một cộng đồng không để ai bị bỏ rơi đằng sau, một cộng đồng bao gồm và chào đón, đặc biệt với những người thiếu thốn nhất.

Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cụ thể trong việc phục vụ và có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, xã hội, dân tộc chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20 tháng 9 năm 2015). Trong cách tiếp cận này, tất cả đều được “kêu gọi gạt bỏ những ước muốn và ham muốn của riêng họ, theo đuổi quyền lực của họ, trước cái nhìn thực tế của những người dễ bị tổn thương nhất… Phục vụ luôn nhìn vào khuôn mặt họ, chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí, trong một số trường hợp, ‘chịu đựng’ sự gần gũi đó và cố gắng giúp đỡ họ. Sự phục vụ không bao giờ thuộc ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ những ý tưởng, chúng ta phục vụ con người” (nt.).

4. Nếu một liệu pháp muốn có hiệu quả, nó phải có khía cạnh liên quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Nhấn mạnh đến khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên gia và thiện nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành với bệnh nhân trên con đường chữa bệnh đặt trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (xem Điều lệ mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe [2016], 4). Điều này tạo ra một giao ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp sự chăm sóc đó, một giao ước đặt trên lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp vượt qua thái độ đề phòng, tôn trọng nhân phẩm của người bệnh, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình người bệnh.

Mối quan hệ như vậy với người bệnh có thể tìm thấy một nguồn động lực và sức mạnh không bao giờ cạn trong lòng từ ái của Đức Kitô, thể hiện qua chứng tá của những người nam và người nữ đã phát triển trong sự thánh thiện qua việc phục vụ người đau ốm suốt các thiên niên kỷ. Vì mầu nhiệm về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là nguồn mạch của tình yêu có khả năng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho kinh nghiệm của bệnh nhân cũng như người chăm sóc. Tin mừng thường làm rõ điều này bằng cách cho thấy rằng Chúa Giêsu chữa lành không phải bằng phép thuật mà là kết quả của một sự gặp gỡ, một mối quan hệ giữa các cá nhân, trong đó ơn Chúa tìm thấy sự đáp lời trong đức tin của những người đón nhận nó. Như Chúa Giêsu thường lặp lại: “Đức tin của con đã cứu con”.

5. Anh chị em thân mến, điều răn yêu thương mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ cũng được tuân giữ trong mối quan hệ của chúng ta với người bệnh. Một xã hội trở nên nhân văn hơn bao giờ hết khi đạt tới mức độ chăm sóc hiệu quả cho những thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình, trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.

Cha xin phó dâng những bệnh nhân, nhân viên y tế và tất cả những ai quảng đại giúp đỡ anh chị em đau khổ của chúng ta lên Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và Sức Khỏe của Người bệnh. Từ Hang Lộ Đức và nhiều đền thờ khác trên khắp thế giới, xin Mẹ gìn giữ niềm tin và hy vọng của chúng ta, đồng thời giúp chúng ta chăm sóc lẫn nhau bằng tình yêu thương huynh đệ. Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 20 Tháng Mười Hai 2020,

Chúa nhật thứ Tư Mùa Vọng


Phanxicô

_____________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2021]