Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Hai mươi nhà thừa sai Công giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới năm 2020

Hai mươi nhà thừa sai Công giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới năm 2020

Hai mươi nhà thừa sai Công giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới năm 2020

Chủng sinh Michael Nnadi người Nigeria. Courtesy photo.


Thành Vatican, 30 tháng Mười Hai, 2020 / 07:00 am MT (CNA). - Hai mươi nhà thừa sai Công giáo đã bị sát hại trên toàn thế giới trong năm 2020, bản tin của Hội Thừa sai Giáo hoàng cho biết hôm thứ Tư.

Ngày 30 tháng Mười Hai, Agenzia Fides báo cáo rằng những vị đã hy sinh mạng sống khi phục vụ cho Giáo hội bao gồm tám linh mục, ba nữ tu, một nam tu sĩ, hai chủng sinh, và sáu giáo dân.

Cũng như các năm trước, các châu lục chết chóc nhất đối với những nhân viên của Hội Thánh là Châu Mỹ, nơi có năm linh mục và ba giáo dân bị giết trong năm nay, và Châu Phi là châu lục có một linh mục, ba nữ tu, một chủng sinh, và hai giáo dân đã hy sinh mạng sống.

Cơ quan thông tấn có trụ sở tại Vatican, được thành lập năm 1927 và công bố một danh sách những nhân viên của Giáo hội bị sát hại, giải thích rằng họ sử dụng thuật ngữ “nhà thừa sai” để nói đến “tất cả những người đã rửa tội tham gia vào đời sống của Giáo hội chịu chết theo cách bạo lực.”

Con số của năm 2020 thấp hơn năm 2019 khi Fides báo cáo số các nhà thừa sai chết là 29. Năm 2018, 40 nhà thừa sai đã bị giết và năm 2017, 23 người chết.

Fides cho biết: “Thậm chí vào năm 2020, nhiều nhân viên mục vụ đã mất mạng trong những vụ trấn lột và cướp một cách tàn ác, trong những bối cảnh xã hội nghèo khổ, suy thoái, những nơi bạo lực là quy luật của cuộc sống, giới cầm quyền của nhà nước còn thiếu hoặc suy yếu do tham nhũng và thỏa hiệp, và hoàn toàn thiếu tôn trọng sự sống và các quyền của con người.”

“Không ai trong số họ thực hiện các chiến công hoặc hành động nổi bật, mà chỉ đơn giản là chia sẻ đời sống hàng ngày giống như phần lớn người dân, mang chứng tá phúc âm của họ như một dấu chỉ của niềm hy vọng Kitô giáo.”

Trong số những người bị giết năm 2020, Fides làm nổi bật chủng sinh người Nigeria là Michael Nnadi, người bị sát hại sau khi bị các tay súng bắt từ Chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kaduna vào ngày 8 tháng Một. Bản tin nói rằng chủng sinh 18 tuổi bị giết sau khi cậu “tiếp tục rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu Kitô” cho những kẻ bắt cậu.

Những người khác bị giết năm nay gồm có Cha Jozef Hollanders, O.M.I., người đã chết trong một vụ cướp ở Nam Phi; Nữ tu Henrietta Alokha, người bị giết trong khi cố gắng cứu các học sinh tại một trường nội trú ở Nigeria sau vụ nổ khí; các nữ tu Lilliam Yunielka, 12 tuổi, và Blanca Marlene González, 10 tuổi, ở Nicaragua; và Cha Roberto Malgesini, người bị giết ở Como, nước Ý.

Hãng thông tấn cũng nhấn mạnh đến những nhân viên của Giáo hội đã chết trong khi phục vụ tha nhân giữa đại dịch coronavirus. 

Bản báo cáo cho biết, “Các linh mục là nhóm đứng thứ hai sau các bác sĩ đã trả giá bằng mạng sống của họ vì COVID ở Châu Âu. Theo một bản tin chưa đầy đủ của các Hội đồng Giám mục Châu Âu, ít nhất 400 linh mục đã chết trong châu lục này từ cuối tháng Hai đến cuối tháng Chín năm 2020 do COVID.”

Fides nói rằng ngoài 20 thừa sai được biết đến đã bị giết năm 2020, có thể còn có những người khác.

Bản báo cáo cho biết, “Do đó, danh sách tạm thời được thu thập hàng năm bởi Fides phải được cộng thêm vào một danh sách dài những người có lẽ không bao giờ được đưa lên bản tin, những người ở khắp mọi miền của thế giới chịu đau khổ và thậm chí trả giá bằng mạng sống của họ vì niềm tin vào Đức Kitô.”

“Như Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời kêu gọi trong buổi tiếp kiến chung ngày 29 tháng Tư: ‘Những vị tử đạo ngày nay vượt xa con số các vị tử đạo của những thế kỷ đầu. Chúng ta hãy bày tỏ sự gần gũi với những người anh chị em đó. Chúng ta là một thân thể duy nhất và những Kitô hữu này là các chi thể đổ máu của thân thể Đức Kitô đó là Hội thánh.’”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/1/2021]


KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẠI LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI

KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẠI LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI

ĐẠI LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
KINH TRUYỀN TIN

Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Sáu, 1 tháng Một năm 2021



Anh chị em thân mến, chào anh chị em và Chúc mừng Năm mới!

Chúng ta bắt đầu năm nay bằng việc đặt mình dưới ánh mắt đầy tình mẫu tử và yêu thương của Đức Maria Rất Thánh, được cử hành trong phụng vụ hôm nay là Mẹ Thiên Chúa. Do đó, chúng ta một lần nữa đón nhận hành trình trên những chặng đường lịch sử, phó dâng những buồn phiền và đau khổ cho Mẹ là Đấng có thể làm được mọi điều. Mẹ Maria trông nom chúng ta bằng sự dịu dàng của tình mẫu tử như khi Mẹ trông nom Chúa Giêsu Con của Mẹ, và nếu chúng ta nhìn vào cảnh Giáng sinh, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không nằm trong máng cỏ, và họ nói với cha rằng Mẹ Maria nói: “Các con không để ta ẵm Con của ta trong vòng tay một lát sao?” Đây là những gì Mẹ Maria làm với chúng ta: Mẹ muốn ẵm chúng ta trong vòng tay của Mẹ để bảo vệ chúng ta như Mẹ đã bảo vệ và yêu thương Con của Mẹ. Cái nhìn bình an và an ủi của Đức Nữ Đồng Trinh là một sự động viên để bảo đảm rằng thời gian này, được Chúa ban cho chúng ta, có thể dành để phát triển con người và tinh thần, để nó trở thành thời gian giải quyết những hận thù và chia rẽ, mà những vấn đề đó thì rất nhiều, để nó trở thành thời gian cảm nghiệm bản thân chúng ta là anh chị em, một thời gian để xây dựng và không tàn phá, để quan tâm lẫn nhau và quan tâm đến tạo vật. Một thời gian để làm mọi việc phát triển thành thời gian hòa bình.

Đặc biệt đối với việc quan tâm đến người lân cận của chúng ta và tạo vật mà chủ đề Ngày Hòa bình Thế giới chúng ta kỷ niệm hôm nay nói đến: Văn hóa quan tâm là con đường đến hòa bình. Những biến cố đau thương đánh dấu hành trình của nhân loại trong năm qua, đặc biệt là trận đại dịch, đã dạy chúng ta rằng quan tâm đến những vấn đề của người khác và chia sẻ những lo lắng của họ là cần thiết biết bao nhiêu. Thái độ này thể hiện con đường dẫn đến hòa bình, vì nó thúc đẩy việc xây dựng một xã hội đặt nền móng trên các mối tương quan huynh đệ. Mỗi người chúng ta, những người nam và nữ của thời đại này, được kêu gọi để làm cho nền hòa bình trở thành thực tiễn, mỗi người chúng ta, chúng ta không được thờ ơ với vấn đề này. Chúng ta được kêu gọi để làm cho hòa bình diễn ra từng ngày và ở mọi nơi chúng ta sống, giang tay ra đón lấy những anh chị em đang cần một lời an ủi, một cử chỉ dịu dàng, một sự giúp đỡ của tình liên đới. Đây là nhiệm vụ được Chúa trao cho chúng ta. Chúa đã trao cho chúng ta nhiệm vụ trở thành những người xây dựng hòa bình.

Và hòa bình có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta bắt đầu hòa bình với chính bản thân mình – bình an trong lòng, trong tâm hồn chúng ta – và với chính bản thân mình, với những những người gần gũi với chúng ta, tháo gỡ các vướng mắc ngăn cản chúng ta không quan tâm đến những người đang thiếu thốn và nghèo khổ. Nó có nghĩa là phát triển một trạng thái tâm lý và văn hóa “quan tâm” để đánh bại sự thờ ơ, để đánh bại sự gạt bỏ và kình địch – thật không may sự thờ ơ, gạt bỏ, kình địch đang chiếm ưu thế. Hãy loại bỏ những thái độ này. Và như vậy, hòa bình không chỉ là sự vắng bóng chiến tranh, hòa bình không bao giờ là khô cằn: không, hòa bình không tồn tại trong một quirofano (phòng giải phẫu). Hòa bình trong cuộc sống: nó không đơn thuần là sự vắng bóng chiến tranh, nhưng là một đời sống giàu ý nghĩa, khởi điểm và được sống từ nhận thức cá nhân và sự chia sẻ huynh đệ với người khác. Nền hòa bình đó, được khao khát và luôn bị đe dọa bởi bạo lực, bởi sự ích kỷ và sự dữ, nền hòa bình luôn bị đe dọa đó có thể đạt được nếu tôi xem nó là một nhiệm vụ được Chúa trao phó cho tôi.

Xin Đức Maria Đồng Trinh, Đấng đã sinh “vị Hoàng tử Hòa bình” (Is 9:6), Đấng chăm sóc cho Người theo cách đó, với sự dịu dàng trong vòng tay của Mẹ, xin cho chúng con được ơn hòa bình quý báu từ thiên đàng, là điều không thể đạt được hoàn toàn bằng sức của con người. Sức của con người là không đủ vì trên hết hòa bình là một ơn, một ơn khẩn cầu nơi Thiên Chúa qua việc cầu nguyện liên lỷ, chấp nhận đối thoại kiên trì và tôn trọng, được xây dựng trong sự hợp tác cởi mở với sự thật và công bằng và luôn quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của các cá nhân và dân tộc. Tôi hy vọng rằng hòa bình có thể ngự trị trong tâm hồn của những người nam và nữ trong gia đình, trong những nơi giải trí và làm việc, trong các cộng đồng và dân tộc. Trong gia đình, tại nơi làm việc, trong các dân tộc: hòa bình, hòa bình. Bây giờ là lúc phải suy nghĩ rằng cuộc sống hôm nay được xây dựng trong chiến tranh, và những thù hằn, bởi nhiều thứ phá hủy. Chúng ta muốn hòa bình. Và đây là một ơn.

Trước sự khởi đầu mới này, tôi xin gửi đến tất cả mọi người lời chào thân ái cho năm 2021 hạnh phúc và bình an. Ước mong rằng mỗi chúng ta bảo đảm rằng năm nay sẽ là một năm của tình liên đới huynh đệ và hòa bình cho mọi người, một năm đầy sự tin tưởng và hy vọng, một năm chúng ta phó thác cho sự che chở từ trên thiên đàng của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta.

_____________________________________________

Sau khi đọc Kinh truyền tin với các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Tôi xin chúc tất cả mọi người đang kết nối qua phương tiện truyền thông một năm mới hòa bình và bình an.

Tôi xin cảm ơn ông Sergio Mattarella, Tổng thống nước Cộng hòa Ý, vì những lời chúc ông gửi đến tôi tối hôm qua trong Thông điệp kết thúc năm cũ của ông, và tôi hân hạnh gửi lời chúc đến ông.

Cha cảm ơn tất cả anh chị em trên mọi miền thế giới, trong khi tôn trọng những hạn chế được áp dụng do đại dịch, đã thúc đẩy những giờ cầu nguyện và suy tư nhân dịp Ngày Hòa bình Thế giới. Đặc biệt cha nghĩ đến buổi diễu hành trực tuyến tối hôm qua được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Ý, Phong trào Pax Christi, Caritas và Công giáo Tiến hành, cũng như cuộc diễu hành được tổ chức sáng nay do Cộng đoàn Sant’Egidio được truyền trực tiếp trên toàn thế giới. Cha cảm ơn tất cả anh chị em vì những sáng kiến này và nhiều sáng kiến khác nhắm đến sự hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc.

Trong bối cảnh này, tôi bày tỏ nỗi đau buồn và lo lắng vì sự leo thang bạo lực gần đây ở Yemen gây ra nhiều nạn nhân vô tội, và tôi cầu nguyện để có được những nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp cho phép hòa bình trở lại với dân tộc đau khổ đó. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em của Yemen! Không được học tập, không có thuốc men, đói khát. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Yemen.

Ngoài ra, cha mời gọi anh chị em cùng hiệp lời cầu nguyện cho Tổng Giáo phận Owerri ở Nigeria cho Đức Giám mục Moses Chikwe và người tài xế của ngài đã bị bắt cóc trong mấy ngày qua. Chúng ta hãy xin Chúa cho ngài và những nạn nhân của hành động tương tự ở Nigeria có thể được trả tự do bình an và cho đất nước thân yêu đó có thể lấy lại được sự an ninh, hòa hợp và hòa bình.

Cha gửi lời chào đặc biệt đến nhóm Sternsinger, “Những ngôi sao ca sĩ”, là các thiếu nhi ở Đức và Áo, tìm được cách để mang đến cho gia đình lời loan báo Giáng sinh hân hoan vì các em không thể về nhà để thăm gia đình, và quyên góp cho các bạn bè đồng trang lứa đang thiếu thốn.

Cha chúc tất cả anh chị em một năm bình an và hy vọng, dưới sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa ăn ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: 02/01/2021]