Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất

19 tháng Chín, 2017
4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất

Cheo leo trên vách đá, nằm trong một hang động dưới lòng đất, trên mặt hồ có thể là một địa điểm lý tưởng để thờ phượng.

Với nhiều người, đi nhà thờ chỉ là vấn đề bước qua vài dãy nhà, bước lên xe buýt hoặc lái xe một quãng ngắn để đến nhà thờ đơn sơ của xứ, đến một vương cung thánh đường nguy nga hay một nhà thờ chính tòa diễm lệ. Nhưng một số nhà thờ đòi hỏi sự cố gắng của bất kỳ ai muốn đến viếng thăm. Dưới đây là bốn nhà thờ đó, được xây dựng trên những địa điểm khó tin nhất.

1. Thánh đường Las Lajas (Nariño, Colombia)

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất
Game of Light | CC BY-SA 3.0
Nhà thờ này, được xây dựng trong tiền bán thế kỷ XX theo phong cách tân Gô-tíc, ngày nay đứng sừng sững tại nơi trước đây chỉ là một nhà nguyện nhỏ thuộc thế kỷ XVIII. Theo truyền thống, thánh đường được xây dựng ngay tại vị trí một cô gái bị câm điếc lấy lại được giọng nói nhờ phép lạ được ban ơn qua sự can thiệp của Đức Bà Mân Côi — trong thung lũng sông Guáitara, cách biên giới Ecuador 10 cây số.

2. Nhà thờ Công giáo Chong Kneas  (Chong Kneas, Campuchia)

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất
J Soloman | CC BY 2.0
Nếu bạn muốn tham dự Thánh Lễ trong chuyến du lịch đến Biển Hồ ở Campuchia, một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, bạn đừng lo: ngôi làng nổi trên hồ có nhà thờ Công giáo riêng của họ.

3. Tu viện Thánh María de Montserrat (Barcelona, Tây Ban nha)

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhất
Richard Schneider | CC BY-SA 3.0
Trong những năm dưới thời của nhà độc tài Franco, tu viện nằm cheo leo trên đỉnh núi đá này là nơi trú ẩn cho những học giả, các nhà chính trị, nghệ sĩ và sinh viên bị bắt bớ. Trong tu viện này, một trong những máy in cổ nhất trên thế giới vẫn còn in sách. Trong thánh đường của Tu viện, người ta được chiêm ngắm những bức tranh của Dalí, Picasso và El Greco. Để lên được thánh điện này, bạn phải đi xe cáp treo, xe lửa hoặc theo một con đường ngoằn ngoèo uốn theo những ngọn núi: Tu viện nằm trên đỉnh cao nhất của toàn bộ khối núi đá Montserrat.

4. Nhà thờ Chính tòa Muối Zipaquirá (Zipaquirá, Colombia)

4 nhà thờ tọa lạc trên những địa điểm khác thường nhấtJ
immy Baikovicius | CC BY-SA 2.0
Một ngôi nhà thờ nằm sâu 200 mét dưới lòng đất, được đục vào trong các đường hầm của một quặng mỏ muối? Chỉ duy nhất trong Zipaquirá, thuộc khu vực Cundinamarca, ở Colombia. Vì ngôi nhà thờ không có giám mục được bổ nhiệm ở đây — vì thế bí danh “nhà thờ chính tòa” để nói đến một lịch sử kinh hoàng, chứ không phải vai trò như một giáo phận — nó là một nhà thờ đúng nghĩa, có đủ chỗ cho 3.000 tín hữu tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa nhật. Nó được xem là một trong những tài sản quý giá của ngành kiến trúc hiện đại của Columbia.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/09/2017]



Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu, những kẻ thù của niềm hy vọng

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu, những kẻ thù của niềm hy vọng

‘Chúng ta không cô đơn trong cuộc chiến chống lại nỗi tuyệt vọng. Nếu Chúa Giê-su đã vượt thắng thế gian, Người có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi điều nghịch lại với sự tốt lành’
27 tháng Chín, 2017
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu, những kẻ thù của niềm hy vọng
Buổi tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha phân tích về chủ đề: “Niềm Hy vọng của người Ki-tô hữu — những Kẻ thù của niềm Hy vọng,” và gửi lời kêu gọi đến các đại diện của Caritas Quốc tế, nhân dịp khai mạc Chiến dịch “Chúng ta cùng chia sẻ hành trình,” được chính thức khởi động tại Buổi Tiếp Kiến Chung.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong thời gian này chúng ta đang nói về niềm hy vọng; tuy nhiên, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về những kẻ thù của niềm hy vọng, vì hy vọng cũng có những kẻ thù của nó, cũng như mọi sự tốt lành trên trần gian đều có những kẻ thù của mình.
Và tôi chợt nhớ đến câu chuyện thần thoại cổ về chiếc hộp của Pandora: mở chiếc hộp ra là khởi đầu của không biết bao tai họa cho lịch sử của thế gian. Chà, tuy nhiên, hãy nhớ đến phần cuối của câu chuyện, nó mở ra một tia sáng: sau khi tất cả mọi tà thần đã thoát ra khỏi miệng chiếc hộp, một món quà rất nhỏ dường như để đối lại với tất cả cái ác tràn ra ngoài. Pandora, người đàn bà canh gác chiếc hộp nhận ra được hiện tượng cuối cùng: người Hy lạp gọi là elpis, có nghĩa là niềm hy vọng.
Câu chuyện thần thoại kể cho chúng ta biết tại sao niềm hy vọng lại quá quan trọng cho nhân loại. Như người ta thường nói một câu rất đúng rằng “miễn là còn sống thì còn hy vọng,” hoặc có thể nó sẽ ngược lại. Chính niềm hy vọng giữ cho sự sống vươn thẳng, bảo vệ nó, giữ gìn nó và làm nó phát triển. Nếu con người không gieo trồng niềm hy vọng, nếu họ không được hỗ trợ bởi nhân đức này, họ sẽ không bao giờ thoát ra khỏi được những cái hang, và họ đã chẳng để lại được dấu ấn gì trong lịch sử của thế giới. Đó là điều thiêng liêng nhất tồn tại trong tâm hồn con người.
Một thi sĩ người Pháp — Charles Peguy – để lại cho chúng ta những trang thơ tuyệt vời về niềm hy vọng (x. “The Portal of the Mystery of Hope” (Đường vào huyền nhiệm của hy vọng). Ông nói theo cách nói của thơ, rằng Chúa không quá ngạc nhiên trước niềm tin của con người hay trước lòng bác ái của họ, nhưng điều làm cho Người đầy kinh ngạc và cảm xúc là niềm hy vọng của con người: “Với những đứa trẻ nghèo túng đó – ông viết – hãy nhìn xem cách chúng hành động và tin tưởng rằng sáng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.” Hình ảnh của nhà thơ gợi lại những khuôn mặt của không biết bao nhiêu con người đã đi qua thế giới này — những người nông dân, những người lao động nghèo, những người di cư tìm một tương lai tốt đẹp hơn — đã kiên trì chiến đấu bất chấp tất cả những đắng cay của khó khăn hôm nay, đầy những thử thách, tuy nhiên, được phấn chấn tinh thần bởi sự vững tin rằng con cái của họ sẽ có một đời sống công bằng hơn và bình yên hơn. Họ chiến đấu cho con cái của họ; họ chiến đấu trong niềm hy vọng.
Hy vọng là sức đẩy trong con tim của người đặt bước chân ra đi, rời bỏ nhà cửa, quê hương, đôi khi rời bỏ gia đình và họ hàng – tôi nghĩ đến những người di cư — để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, phù hợp hơn cho chính bản thân họ và những người thân yêu của họ. Và nó cũng là một sức đẩy trong tim của một người đón nhận: khát khao được gặp gỡ, khát khao được hiểu nhau, được đối thoại … Hy vọng là một sức đẩy để “chia sẻ hành trình,” vì hành trình được thực hiện từ hai phía: từ những người đến miền đất của chúng ta, và chúng ta là những người đi vào tâm hồn của họ, để hiểu họ, để hiểu văn hóa của họ, hiểu ngôn ngữ của họ. Nó là một hành trình của hai người, nhưng nếu không có hy vọng thì hành trình đó không thể thực hiện được. Niềm hy vọng là sức đẩy để chia sẻ hành trình cuộc sống, như Chiến dịch của Caritas nhắc nhở chúng ta, Chiến dịch được khởi động hôm nay. Hỡi anh em, chúng ta đừng ngại chia sẻ hành trình! Chúng ta đừng ngại chia sẻ niềm hy vọng!
Niềm hy vọng không phải là một đức tính cho những người đã no bụng. Chúng ta thấy đó là lý do người nghèo luôn là những người dẫn đầu về niềm hy vọng. Và trong mối quan hệ này chúng ta có thể nói rằng người nghèo, kể cả những người ăn xin, là những vai chính của lịch sử. Thiên Chúa cần họ để đi vào thế giới này: Thánh Giu-se, Mẹ Maria, những mục đồng của Bê-lem. Trong đêm Giáng sinh đầu tiên, cả thế giới đang ngủ yên, rất tiện nghi ấm cúng trong sự an toàn. Tuy nhiên, những con người khiêm hạ đang chuẩn bị trong thầm lặng cho cuộc cách mạng của lòng tốt. Họ nghèo về mọi thứ, một số người bập bềnh trên ngưỡng của sự sinh tồn, nhưng họ lại rất giàu có về lòng tốt quý báu nhất còn tồn tại trên thế giới này, đó chính là sự khát khao thay đổi.
Đôi khi, có đủ mọi thứ trên đời lại là sự bất hạnh. Hãy nghĩ đến một người trẻ không được rèn dạy đức tính chờ đợi và kiên nhẫn, người chẳng bao giờ đổ một giọt mồ hôi cho bất cứ điều gì, người đã được sắp xếp trước và mới 20 tuổi đã “biết thế giới phải hoạt động như thế nào”: người đó được chuẩn bị cho kết quả xấu nhất: chẳng còn khát khao thêm một điều gì nữa. Anh ta có vẻ là một người trẻ tuổi; nhưng mùa thu đã đi vào tâm hồn của anh ta. Họ là những người trẻ tuổi của mùa thu.
Mang một trí óc trống rỗng là trở ngại xấu nhất của hy vọng. Nó là một nguy cơ mà vì nó một người có thể tự nhủ rằng anh ta không bị loại trừ, vì cám dỗ chống lại niềm hy vọng cũng có thể xảy ra khi một người bước theo con đường của đời sống Ki-tô hữu. Những tu sĩ xưa kia tố cáo một trong những kẻ thù lớn nhất của lòng nhiệt thành. Họ miêu tả như vầy: là “yêu ma giữa ban ngày” đi dập tắt một đời sống cam kết, ngay khi mặt trời đang cháy rực trên cao. Cám dỗ này làm chúng ta ngạc nhiên ngay khi chúng ta ít ngờ nhất: những ngày trong cuộc sống trở nên đơn điệu và buồn tẻ, chẳng còn giá trị nào đáng phải cố gắng nữa. Thái độ này được gọi là accidia (nhạt nhẽo), nó gặm nhấm sự sống từ bên trong cho đến khi để nó lại một cái vỏ ốc trống rỗng.
Khi điều này xảy ra, người Ki-tô hữu biết rằng đây là một tình trạng phải chiến đấu chống lại, không bao giờ nằm im chấp nhận nó đến. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta với niềm vui và sự hạnh phúc, chứ không chìm trong những tư tưởng u sầu. Như vậy chúng ta thấy tầm quan trọng phải canh chừng tâm hồn của chúng ta, chống lại những cám dỗ tìm đến với sự hạnh phúc mà nó không thật sự bắt nguồn từ Thiên Chúa. Và ở đó, nơi mà sức mạnh của chúng ta dường như bị yếu đi và cuộc chiến đấu chống lại sự đau khổ trở nên vô cùng khó khăn, chúng ta phải luôn nhờ đến Danh Thánh Chúa Giê-su. Chúng ta hãy lặp đi lặp lại lời kinh đơn sơ đó, lời kinh chúng ta tìm được nguồn cội trong các Tin mừng và đã trở thành nền tảng cho các truyền thống tu đức của nhiều Ki-tô hữu: “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con vì con là kẻ có tội!” – một lời kinh vô cùng đẹp. “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con vì con là kẻ có tội!” Đây là một lời kinh của hy vọng, vì tôi quay đến với Ngài là Đấng có thể mở rộng những cánh cửa và giải quyết các vấn đề, và làm cho tôi nhìn về được chân trời, chân trời của hy vọng.
Anh chị em thân mến, chúng ta không cô đơn trong cuộc chiến chống lại nỗi tuyệt vọng. Nếu Chúa Giê-su đã vượt thắng thế gian, Người có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi điều nghịch lại với sự tốt lành. Nếu Chúa ở cùng chúng ta, chẳng ai có thể cướp mất khỏi chúng ta nhân đức đó, nhân đức tuyệt đối cần thiết cho sự sống. Không ai có thể cướp khỏi chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta hãy tiến bước!
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý!
Tôi rất vui được đón tín hữu đến từ nhiều giáo xứ, các linh mục kỷ niệm 25 năm tiến chức Linh mục, các tham dự viên trong Tổng Công nghị Thừa sai Đức tin, các chị Nữ tu Dòng Thánh Elizabeth đang kỷ niệm 175 năm ngày thành lập, các linh mục thuộc Học viện Thừa sai Giáo hoàng Quốc tế Thánh Phao-lô Tông đồ của Roma và các thành viên của Viện Thừa sai Giáo dân Mẹ Maria Cứu Chuộc. Tôi kêu gọi anh chị em luôn trung thành với thần ân đã được đón nhận, làm chứng tá tông đồ ở những nơi để thể hiện tình yêu thương xót của Chúa Cha. Tôi xin chào Hiệp hội Lao động Miền Nam của Ý, các chuyên gia tài chính của vùng Abruzzo, Hiệp hội Cảnh sát Quốc gia của Tagliacozzo và Cộng đoàn Philippine tại Venice.
Cuối cùng, cha chào các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Nguyện xin mẫu gương bác ái của Thánh Vinh sơn Phao-lô, mà chúng ta kính nhớ hôm nay là Thánh bổn mạng của những hiệp hội bác ái, dẫn dắt chúng con những người trẻ biết thực hiện các chương trình cho tương lai của mình bằng sự phục vụ vui mừng và vị tha cho những người thiếu thốn nhất. Anh chị em bệnh nhân thân mến, nguyện xin cho anh chị em biết đối mặt với sự đau khổ bằng đức tin dâng hiến. Những đôi uyên ương thân yêu, nguyện xin mẫu gương của ngài giúp chúng con xây dựng một gia đình mãi luôn mở rộng trách nhiệm của lòng hiếu khách và quà tặng của cuộc sống.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT Virginia M. Forrester]
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi rất vui mừng được đón các đại diện của Caritas, tập trung ở đây để chính thức khai mạc Chiến dịch “Chúng ta cùng chia sẻ hành trình,” – một cái tên thật đẹp cho Chiến dịch của anh chị em: hãy chia sẻ hành trình –, một cái tên tôi thấy trùng hợp với buổi tiếp kiến chung này. Tôi chào đón những người di cư đi tìm nơi nương thân và những người tị nạn, cùng với những nhân viên của Caritas Ý và các tổ chức Công giáo khác, là dấu chỉ của một Giáo hội tìm kiếm con đường rộng mở, bao dung và chào đón. Cảm ơn tất cả anh chị em vì sự phục vụ không mệt mỏi. Anh chị em đã vỗ tay rồi, nhưng họ thật sự xứng đáng một tràng vỗ tay nữa thật lớn của tất cả mọi người!
Anh chị em đã nhắc nhở chúng tôi, bằng cam kết mỗi ngày của mình, rằng chính Đức Ki-tô kêu gọi chúng ta hãy đón tiếp những anh chị em di cư và tị nạn bằng đôi vòng tay của chúng ta, bằng đôi vòng tay rộng mở. Đón nhận họ trong vòng tay rộng mở. Khi vòng tay rộng mở, nó đang sẵn sàng cho một cái ôm chân tình, một cái ôm thân ái, một cái ôm bao dung, một phần nào đó giống như hang cột xung quanh Quảng trường này, chúng đại diện cho Mẹ Giáo hội ôm lấy tất cả trong sự chia sẻ hành trình chung.
Tôi cũng gửi lời chào đến các đại diện của nhiều tổ chức xã hội dân sự cam kết giúp người di cư và tị nạn, cùng với Caritas, đã đưa ra sự ủng hộ để thu thập các chữ ký cho một đạo luật di trú mới phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại. Xin chúc mừng tất cả anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/09/2017]