Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các dân tộc bản địa ở Canada vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các dân tộc bản địa ở Canada vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài dự định đến thăm Canada vào tháng Bảy mùa hè đánh dấu Lễ Thánh Anne.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các dân tộc bản địa ở Canada vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Các Quốc gia Đầu tiên (First Nations) tại Vatican ngày 31 tháng Ba, 2022. (photo: Courtesy photo / Vatican Media)

Hannah Brockhaus/CNA

1 tháng Tư, 2022


VATICAN CITY — Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài sẽ đến Canada vào mùa hè, có thể là vào dịp lễ Thánh Anne ngày 26 tháng Bảy.

Ngài đưa ra thông báo này trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo người Bản địa Canada tại Vatican vào ngày 1 tháng Tư.

Đức Thánh Cha nói: “Các bạn đã mang đến cảm giác sống động cho các cộng đồng của các bạn ở Roma này. Tôi sẽ rất vui được gặp lại các bạn khi đến thăm những miền đất quê hương của các bạn, nơi gia đình các bạn sinh sống.”

Ngài nói thêm: “Tôi sẽ không đến với các bạn vào mùa đông, hẹn gặp lại các bạn tại Canada, nơi tôi có thể bày tỏ sự gần gũi của mình với các bạn tốt hơn.”

Vatican vẫn chưa xác nhận chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Canada, mặc dù năm ngoái các giám mục Canada đã nói rằng họ sẽ chào đón chuyến thăm của ngài như một “cuộc hành hương chữa lành và hòa giải”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Điều mang đến cho tôi niềm vui khi nghĩ đến lòng tôn kính đã lan tỏa nơi nhiều người trong trong anh chị em đối với Thánh Anne, là người bà của Chúa Giêsu. Năm nay tôi muốn được ở bên anh chị em trong những ngày đó”.

Giáo hội Công giáo mừng Lễ Thánh Anne vào ngày 26 tháng Bảy.

Buổi tiếp kiến Giáo hoàng đánh dấu sự kết thúc chuyến thăm kéo dài một tuần của đại diện các dân tộc Métis, Inuit và Các quốc gia thứ nhất tới Vatican. Trong tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức các cuộc gặp riêng với từng nhóm.

Chuyến thăm Vatican lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020, và sau đó được lên lịch lại trong bối cảnh có sự phẫn nộ vào năm 2021 khi báo cáo phát hiện ra những ngôi mộ không được đánh dấu tại khu vực các trường nội trú của người bản địa cũ ở Canada.

Tháng Mười năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô thể hiện sự sẵn sàng đến Canada.

Khi ở Canada, Đức Phanxicô được dự kiến sẽ thay mặt cho Giáo hội Công giáo đưa ra lời xin lỗi vì những hành vi lạm dụng đối với học sinh người Bản địa trong các trường nội trú do Công giáo điều hành.

Thành viên của các dân tộc Métis và Inuit nói với các nhà báo vào ngày 28 tháng Ba rằng một lời xin lỗi từ Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Canada sẽ rất có ý nghĩa.

Các giám mục Canada đi cùng với những phái đoàn người Bản địa mô tả các cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng Phanxicô là “thời gian lắng nghe” và cảm ơn các đại biểu, bao gồm các cựu học sinh của những trường nội trú cho người bản địa Canada, vì sự độ lượng và trung thực của họ với Đức giáo hoàng.

Khoảng 150.000 trẻ em đã theo học tại các trường nội trú trong khoảng 100 năm hoạt động. Những trường học này, trong đó nhiều trường do các cơ sở Công giáo điều hành, là một chương trình do chính phủ lãnh đạo nhằm ngăn chặn việc thực hành ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa của người Bản địa.

Vào những năm 1980, các cựu học sinh bắt đầu tiết lộ một số hành vi lạm dụng mà họ phải đối mặt trong trường học, bao gồm lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2022]


GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA Ở CANADA - DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC D N TỘC BẢN ĐỊA Ở CANADA - DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA Ở CANADA

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Khán phòng Clementine

Thứ Sáu, 1 tháng Tư, 2022

_____________________________

 

Anh chị em thân mến,

Xin chào mừng anh chị em!

Tôi xin cảm ơn Đức cha Poisson vì những lời tốt đẹp của ngài, và cảm ơn từng người trong anh chị em vì sự hiện diện của anh chị em ở đây và những lời cầu nguyện mà anh chị em đã dâng lên. Tôi xin tri ân vì anh chị em đã đến Roma bất kể những khó khăn do đại dịch gây ra. Trong những ngày qua, tôi đã chăm chú lắng nghe các lời chứng của anh chị em. Tôi đã đưa những lời đó vào trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của mình, đồng thời suy ngẫm về những câu chuyện mà anh chị em đã kể và các hoàn cảnh anh chị em mô tả. Tôi cảm ơn anh chị em vì đã mở lòng với tôi, và qua chuyến viếng thăm này bày tỏ mong muốn của anh chị em để chúng ta có thể cùng đồng hành với nhau.

Tôi muốn nói đến một vài điều trong số rất nhiều điều đã đánh động tôi. Tôi xin bắt đầu từ một câu nói thể hiện một phần của sự khôn ngoan truyền thống của anh chị em. Đó không chỉ là một cách nói mà còn là cách nhìn nhận cuộc sống: “Trong mỗi việc cân nhắc, chúng ta phải xét đến ảnh hưởng đối với thế hệ thứ bảy”. Đây là những lời nói khôn ngoan, nhìn xa trông rộng và hoàn toàn trái ngược với những gì thường xảy ra trong thời đại của chúng ta, khi chúng ta chạy theo các mục tiêu thực dụng trước mắt mà không nghĩ đến tương lai và những thế hệ sắp tới. Vì những sợi dây liên kết giữa người già và người trẻ là điều thuộc về căn bản. Chúng phải được nâng niu và bảo vệ, bằng không chúng ta mất đi ký ức lịch sử và bản sắc của chúng ta. Bất cứ khi nào ký ức và bản sắc được nâng niu và bảo vệ, chúng ta trở nên nhân ái hơn.

Trong những ngày này, một hình ảnh đẹp liên tục hiện ra. Anh chị em tự so sánh mình với những cành cây. Giống như những cành cây đó, anh chị em vươn ra các hướng khác nhau, anh chị em đã trải qua những thời gian và mùa màng khác nhau, và anh chị em đã bị xô quật bởi những cơn gió mạnh. Tuy nhiên, anh chị em vẫn bám trụ vững chắc vào cội rễ của mình, điều mà anh chị em gìn giữ các vững vàng. Bằng cách này, anh chị em tiếp tục sinh hoa kết trái, vì những cành cây chỉ vươn cao khi rễ của nó bén sâu. Tôi muốn nói về một số hoa trái đó, xứng đáng được biết đến và trân quý.

Trước hết là sự quan tâm của anh chị em đối với đất đai, thứ mà anh chị em không xem là tài nguyên để bóc lột, mà là món quà của trời. Đối với anh chị em, đất lưu giữ ký ức về tổ tiên của anh chị em đã yên nghỉ ở đó; đó là một bối cảnh quan trọng giúp nhìn nhận cuộc sống của mỗi cá nhân như một phần của mạng lưới quan hệ rộng lớn hơn, với Đấng Tạo Hóa, với cộng đồng nhân loại, với tất cả các loài sinh vật và với trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta. Tất cả những điều này khiến anh chị em tìm kiếm sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài, thể hiện tình yêu lớn lao dành cho gia đình và có ý thức sống động về cộng đồng. Ngoài ra, còn có sự phong phú cụ thể trong ngôn ngữ, trong văn hóa, truyền thống và các loại hình nghệ thuật của anh chị em. Những điều này đại diện cho một gia sản không chỉ thuộc về anh chị em mà còn của toàn nhân loại, vì chúng là những cách thể hiện cho lòng nhân ái của chúng ta.

Tuy nhiên, cái cây xum xuê hoa trái đó đã trải qua một thảm kịch mà trong những ngày qua anh chị em đã mô tả cho tôi: thảm kịch bị bật gốc. Sợi dây liên kết truyền kiến ​​thức và lối sống hòa hợp với đất đã bị phá vỡ bởi tình trạng thực dân hóa thiếu tôn trọng anh chị em, đã bóc tách nhiều người trong anh chị em ra khỏi môi trường sống còn của mình và cố gắng uốn anh chị em theo não trạng khác. Con đường này đã gây tổn hại to lớn đến bản sắc và văn hóa của anh chị em, nhiều gia đình bị ly tán, và rất nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của những nỗ lực áp đặt sự đồng hóa dựa trên quan điểm cho rằng sự tiến bộ diễn ra thông qua việc thực dân hóa ý thức hệ, theo các chương trình được đặt ra trong các văn phòng, thay vì mong muốn tôn trọng đời sống của các dân tộc. Thật không may, đây là điều vẫn xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau ngày nay: thực dân hóa ý thức hệ. Có bao nhiêu hình thức thực dân hóa về chính trị, tư tưởng và kinh tế vẫn tồn tại trên thế giới, được thúc đẩy bởi lòng tham và thèm khát lợi nhuận, ít quan tâm đến các dân tộc, lịch sử và truyền thống của họ, và ngôi nhà chung của các loài thụ tạo! Thật đáng buồn, não trạng thuộc địa này vẫn lan rộng. Chúng ta hãy giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua nó.

Lắng nghe tiếng nói của anh chị em, tôi đã có thể bước vào và vô cùng đau xót trước những câu chuyện về sự đau khổ, khó khăn, bị phân biệt đối xử và các hình thức lạm dụng khác nhau mà một số người trong anh chị em đã trải qua, đặc biệt trong các trường nội trú. Thật rùng mình khi nghĩ đến những nỗ lực quyết tâm nhồi sọ ý thức về tình trạng thấp kém hơn, cướp đi bản sắc văn hóa của con người, cắt đứt cội nguồn của họ, và xét đến tất cả những ảnh hưởng thuộc về cá nhân và xã hội mà việc này tiếp tục gây ra: những tổn thương chưa được giải quyết đã trở thành tổn thương giữa các thế hệ.

Tất cả những điều này khiến tôi cảm nhận mạnh mẽ hai điều: sự phẫn nộ và xấu hổ. Phẫn nộ, bởi vì chấp nhận cái ác là không đúng, và thậm chí tệ hơn nữa là trở nên quen với cái ác, như thể đó là một phần tất yếu của tiến trình lịch sử. Không! Không có sự phẫn nộ thực sự, không có ký ức lịch sử và không có cam kết học từ những lỗi lầm trong quá khứ, những vấn đề vẫn chưa được giải quyết và tiếp tục diễn ra. Ngày nay chúng ta có thể thấy điều này trong trường hợp chiến tranh. Ký ức của quá khứ không bao giờ được hy sinh trước bàn thờ nhân danh sự tiến bộ.

Tôi cũng cảm thấy xấu hổ. Tôi đã nói điều này với anh chị em và bây giờ tôi lặp lại một lần nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ – đau buồn và xấu hổ – vì vai trò mà một số người Công giáo, đặc biệt là những người có trách nhiệm giáo dục, đã gây ra tất cả những điều làm tổn thương anh chị em, trong những sự lạm dụng mà anh chị em phải chịu đựng, và trong việc thiếu tôn trọng bản sắc, văn hóa và thậm chí là những giá trị tinh thần của anh chị em. Tất cả những điều này đều trái với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đối với hành vi đáng lên án của các thành viên trong Giáo hội Công giáo, tôi cầu xin Chúa tha thứ và tôi muốn nói với anh chị em bằng trọn con tim mình: Tôi chân thành xin lỗi. Và hiệp cùng với các anh em giám mục Canada, tôi xin anh chị em tha thứ. Rõ ràng, tinh thần đức tin không thể được loan truyền theo cách trái ngược với chính đức tin: Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chào đón, yêu thương, phục vụ và không xét đoán; thật kinh sợ khi chứng tá nghịch lại với Tin mừng được thực hiện nhân danh đức tin.

Kinh nghiệm của anh chị em khiến tôi phải suy ngẫm lại những câu hỏi luôn phù hợp thời đại mà Đấng Tạo Hóa đã hỏi con người trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sau lần phạm tội đầu tiên, Người hỏi: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9). Sau đó ít trang, Người hỏi một câu khác, không thể tách rời khỏi câu đầu tiên: “Em ngươi đâu rồi?” (St 4:9). Ngươi ở đâu? Em ngươi đâu rồi? Đây là những câu hỏi chúng ta phải liên tục đặt ra. Chúng là những câu hỏi quan trọng do lương tâm chúng ta chất vấn, bằng không chúng ta quên rằng chúng ta ở đây trên mặt đất này với tư cách là những người bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, và do đó là những người bảo vệ cho anh chị em của chúng ta và của tất cả các dân tộc anh em.

Đồng thời, tôi nghĩ đến với lòng biết ơn của tất cả những người tín hữu tốt lành, những người nhân danh đức tin, và với lòng kính trọng, yêu thương và nhân ái, đã làm phong phú thêm lịch sử của anh chị em bằng Tin Mừng. Chẳng hạn, điều mang đến cho tôi niềm vui khi nghĩ đến lòng tôn kính đã lan tỏa nơi nhiều người trong anh chị em đối với Thánh Anne, là người bà của Chúa Giêsu. Năm nay tôi muốn được ở bên anh chị em trong những ngày đó. Ngày nay, chúng ta cần thiết lập lại giao ước giữa ông bà và con cháu, giữa người già và người trẻ, vì đây là điều kiện tiên quyết cơ bản để phát triển sự hiệp nhất trong gia đình nhân loại của chúng ta.

Anh chị em thân mến, tôi hy vọng rằng các cuộc họp của chúng ta trong những ngày vừa qua sẽ chỉ ra những con đường mới để cùng nhau theo đuổi, khơi dậy lòng can đảm và sức mạnh, và dẫn đến cam kết lớn hơn ở cấp địa phương. Mọi tiến trình chữa lành thực sự hiệu quả đều cần phải có các hành động cụ thể. Trong tinh thần huynh đệ, tôi khuyến khích các Giám mục và cộng đồng Công giáo tiếp tục thực hiện các bước hướng tới việc tìm kiếm sự thật rõ ràng và thúc đẩy sự chữa lành và hòa giải. Những bước đi này là một phần của cuộc hành trình có thể hỗ trợ việc tái khám phá và phục hồi nền văn hóa của anh chị em, đồng thời giúp Giáo hội phát triển trong tình yêu thương, lòng tôn trọng và sự quan tâm cụ thể đến các truyền thống của anh chị em. Tôi muốn nói với anh chị em rằng Giáo hội đứng bên anh chị em và muốn tiếp tục hành trình cùng với anh chị em. Đối thoại là chìa khóa của kiến ​​thức và chia sẻ, và các Giám mục Canada đã tuyên bố rõ ràng cam kết tiếp tục tiến bước cùng với anh chị em trên con đường đổi mới, xây dựng và hiệu quả, nơi các cuộc gặp gỡ và các dự án chung sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Các bạn thân mến, tôi đã được mở mang rất nhiều bởi lời nói của các bạn và thậm chí nhiều hơn nữa bởi những lời chứng của các bạn. Các bạn đã mang đến cảm giác sống động cho các cộng đồng của các bạn ở Roma này. Tôi sẽ rất vui khi được gặp lại các bạn khi đến thăm những miền đất quê hương của các bạn, nơi gia đình các bạn sinh sống. Tôi sẽ không đến vào mùa đông! Vì vậy, tôi sẽ kết thúc bằng cách nói “Cho đến khi chúng ta gặp lại nhau” ở Canada, nơi tôi có thể thể hiện tốt hơn sự gần gũi của tôi với các bạn. Trong lúc này, tôi dâng lời cầu nguyện cho các bạn, và xin ơn lành của Đấng Tạo Hóa tuôn đổ xuống trên các bạn và gia đình các bạn.

Thưa các anh em Giám mục, tôi không muốn kết thúc mà không ngỏ lời với anh em: Cảm ơn anh em! Cảm ơn lòng can đảm của anh em. Thần Khí của Lời được tỏ lộ trong sự khiêm nhường. Trước những câu chuyện như chúng ta đã nghe, sự hổ thẹn của Giáo hội mang đến hoa trái. Cảm ơn vì lòng can đảm của anh em.

Tôi cảm ơn tất cả anh em!

_______________________

Sau Phép Lành Đức Thánh Cha nói những lời sau đây bằng tiếng Anh:

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em — Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Tôi cầu nguyện cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì chuyến viếng thăm. Tạm biệt anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/4/2022]