Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ


Thư viện Điện Tông tòa

Thứ Tư, 20 tháng Một năm 2021



Bài Giáo lý - Cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý này, chúng ta sẽ suy tư về việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Thật vậy, tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng Một được dành đặc biệt cho điều này – xin Chúa ban ơn hiệp nhất để vượt qua những gương xấu của sự chia rẽ giữa những người tin vào Chúa Giêsu. Sau Bữa Tiệc Ly, Ngài cầu nguyện riêng, “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Đây là lời cầu nguyện của Ngài trước Cuộc Thương khó, chúng ta có thể gọi đó là chúc thư thiêng liêng của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng Chúa không ra lệnh cho các môn đệ của Ngài phải hiệp nhất. Không, Ngài cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta có thể nên một. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đạt được sự hiệp nhất bằng sức mạnh của riêng mình. Trên hết, hiệp nhất là một ơn, đó là một ân sủng phải xin qua lời cầu nguyện.

Mỗi người chúng ta đều cần nó. Quả thật, chúng ta biết rằng chúng ta không thể duy trì sự hiệp nhất thậm chí ngay trong chính con người chúng ta. Ngay cả Thánh Tông đồ Phaolô cũng cảm thấy một sự xung đột đau đớn trong lòng ngài: muốn làm điều thiện nhưng lại bị nghiêng về sự ác (xem Rm 7:19). Do đó ngài thấu hiểu được cội rễ của nhiều sự chia rẽ xung quanh chúng ta – giữa con người, trong các gia đình, trong xã hội, giữa các dân tộc và thậm chí giữa các tín hữu – và bên trong chúng ta. Công đồng Vatican II nói, “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi vì, ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau [...] Bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó, sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội” (Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 10). Vì vậy, giải pháp cho những chia rẽ này là không chống đối lại người khác, vì bất hòa càng tạo thêm bất hòa. Phương thuốc điều trị đích thực khởi đầu từ việc kêu xin Thiên Chúa ban cho hòa bình, hòa giải, hiệp nhất.

Và trước hết, điều này là đúng với người Kitô hữu. Sự hiệp nhất chỉ có thể đạt được như là hoa trái của việc cầu nguyện. Những nỗ lực ngoại giao và đối thoại trên lý thuyết là không đủ. Những điều này cần phải được thực hiện, nhưng như vậy là chưa đủ. Chúa Giêsu hiểu rõ điều này và mở ra con đường cho chúng ta bằng việc cầu nguyện. Do đó lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng ta là một sự hợp tác khiêm nhường nhưng đầy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng bất kỳ lời cầu nguyện nào nhân danh Ngài đều được Chúa Cha nhận lời (xem Ga 15:7). Đến đây, chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi có cầu nguyện cho sự hiệp nhất hay không?” Đó là ý muốn của Chúa Giêsu, nhưng nếu chúng ta kiểm điểm lại những ý mà chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã cầu nguyện rất ít cho sự hiệp nhất Kitô giáo, có lẽ là không bao giờ. Tuy nhiên, sự tin tưởng của thế gian tùy thuộc vào điều đó; thật vậy, Chúa đã xin để chúng ta nên một “để thế gian sẽ tin” (Ga 17:21). Thế gian sẽ chẳng tin vì chúng ta thuyết phục họ bằng những cuộc tranh cãi hợp lý, nhưng nếu chúng ta làm chứng cho tình yêu khiến chúng ta hiệp nhất và kéo chúng ta đến gần, vâng: thế gian sẽ tin.

Trong thời gian vô cùng khó khăn này, lời cầu nguyện này thậm chí còn cần thiết hơn bao giờ hết để sự hiệp nhất có thể chiến thắng những xung đột. Điều rất cấp bách là chúng ta phải gạt sang một bên những ưu tiên riêng để thúc đẩy ích chung, và do đó tấm gương của chúng ta là nền tảng: điều quan trọng là người Kitô hữu theo đuổi con đường dẫn đến sự hiệp nhất cụ thể trọn vẹn. Trong những thập niên qua, tạ ơn Chúa, đã có nhiều bước tiến được thực hiện, nhưng chúng ta vẫn cần phải kiên trì trong sự yêu thương và cầu nguyện, không đánh mất đi sự tin tưởng hoặc mệt mỏi. Nó là con đường mà Chúa Thánh Thần đã xây dựng trong Giáo hội, trong những người Kitô hữu và trong chúng ta, từ đó sẽ không có sự quay ngược trở lại. Mãi mãi tiến tới.

Cầu nguyện có nghĩa là đấu tranh cho sự hiệp nhất, Vâng, đấu tranh, vì kẻ thù của chúng ta, ma quỷ, là kẻ gây chia rẽ, như chính Lời nói. Chúa Giêsu xin Chúa Thánh thần sự hiệp nhất, để tạo ra sự hiệp nhất. Ma quỷ luôn luôn chia rẽ. Hắn luôn luôn chia rẽ vì chia rẽ là dễ chịu đối với hắn. Hắn thúc đẩy sự chia rẽ ở mọi nơi và theo bất kỳ cách thức nào, trong khi Chúa Thánh Thần luôn luôn liên kết trong sự hiệp nhất. Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao cấp, nhưng bằng những yếu đuối của anh chị em chúng ta. Hắn ta rất mánh khóe: hắn làm lớn lên những sai lỗi và khuyết điểm của người khác, gieo rắc bất hòa, xúi giục chỉ trích và tạo ra những bè phái. Thiên Chúa có con đường khác: Người đón nhận con người thật của chúng ta, Người quá yêu thương chúng ta, nhưng Người yêu thương chúng ta với chính con người chúng ta và đón nhận chính con người chúng ta; Người đón nhận những con người khác biệt, Người đón nhận những tội nhân, và Người luôn luôn nhẹ nhàng thuyết phục chúng ta tiến đến sự hiệp nhất. Chúng ta có thể kiểm điểm lại bản thân và tự hỏi mình rằng tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng xung đột hay chiến đấu để tăng cường sự hiệp nhất bằng những công cụ mà Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và yêu thương. Thay vì vậy, những thứ tiếp thêm nhiên liệu cho xung đột là tin đồn thổi, luôn nói sau lưng người khác. Tin đồn thổi là vũ khí đắc dụng nhất mà ma quỷ có trong tay để chia rẽ cộng đoàn Kitô giáo, chia rẽ các gia đình, chia rẽ bạn bè, luôn luôn chia rẽ. Chúa Thánh Thần luôn luôn truyền cảm hứng cho sự hiệp nhất.

Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện này đặc biệt liên quan đến tình yêu: “Ở lại trong tình thương của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (xem Ga 15:5-9). Nguồn cội của sự hiệp thông và yêu thương là Đức Kitô, Đấng làm cho chúng ta vượt qua được những thành kiến và nhìn người khác như một người anh em hoặc chị em để luôn được yêu thương. Rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng những Kitô hữu thuộc các nền tảng tuyên xưng khác – với những truyền thống của họ, với lịch sử của họ – là những món quà từ Thiên Chúa, họ là những món quà hiện diện trong các địa hạt thuộc cộng đoàn giáo phận và giáo xứ chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, và khi nào có thể hãy cầu nguyện cùng với họ. Rồi chúng ta sẽ học yêu thương và trân trọng họ. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết (xem Unitatis redintegratio, 8). Vì vậy, ước mong rằng việc cầu nguyện là khởi điểm để giúp Chúa Giêsu biến ước mơ thành hiện thực: rằng tất cả nên một. Cảm ơn anh chị em.

_______________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo này, chúng ta xin Chúa Cha ban ơn hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả các môn đệ của Đức Kitô, để làm lan tỏa Tin mừng và ơn cứu độ cho thế giới. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

_______________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hai ngày tới đây, Thứ Sáu ngày 22 tháng Một, Hiệp ước Cấm Vũ khí Nguyên tử có hiệu lực. Đây là công cụ quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nghiêm cấm dứt khoát các loại vũ khí này, mà việc sử dụng bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn người trong thời gian ngắn và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho môi trường.

Tôi đặc biệt khuyến khích tất cả các quốc gia và tất cả mọi người làm việc một cách quyết đoán nhằm thúc đẩy những điều kiện cần thiết cho một thế giới không có vũ khí nguyên tử, góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác đa phương mà nhân loại ngày nay đang rất cần.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/1/2021]


Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Gerard Robert | CC BY-SA 3.0

John Burger

17/01/21


Các giáo xứ thường khẩn xin sự hộ thủ của Thánh Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ.


Trong năm kỷ niệm 150 năm Chân phước Giáo hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một “Năm Thánh Giuse” đặc biệt.

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Ngoài vai trò của ngài là Đấng Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ, Thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, cũng là Bổn mạng của nhiều giáo xứ địa phương.

Như một dấu chỉ của lời kêu gọi chung, chúng ta tìm thấy sự bảo trợ của ngài được khẩn cầu trong các giáo xứ và giáo phận từ Đất Thánh đến Hà Nội.

Vì vậy, đây chỉ là một vài nhà thờ nổi bật cung hiến cho Đấng Phu quân của Đức Nữ Đồng Trinh Maria Diễm Phúc. Ngài được tôn vinh và được nhớ như một đấng chữa lành, bảo vệ và cầu bầu. Chẳng hạn, người Công giáo Philadelphia của Hợp Chủng Quốc vừa độc lập đã có sự quan tâm đặc biệt đến trẻ mồ côi, rõ ràng được truyền cảm hứng bởi Thánh Giuse là Đấng giáo xứ của họ chọn làm bổn mạng. Và một giáo xứ lấy tên ngài ở Jordan trong những năm gần đây đón nhận những người tị nạn chạy trốn từ quốc gia Iraq lân cận.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn mới đây Patris corde, Thánh Giuse “động viên chúng ta hãy tiếp nhận và chào đón người khác, không phân biệt, và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với người yếu đuối.”

Ở Canada, một nam tu sĩ thánh thiện đã làm việc đó, đi ra ngoài để thăm các bệnh nhân trong trận dịch hoặc chăm sóc cho người đau bệnh đến với ngài. Tuy nhiên, ngài hướng lời ca tụng sự chữa lành, sự động viên bổn phận của mình, “Ite ad Joseph.” Hãy đến cùng Thánh Giuse.

Những lời đó tô điểm cho đền thờ ngài xây dựng trên một ngọn đồi ở Montreal, và chúng tiếp tục thúc giục chúng ta tìm đến với vị thánh thường bị quên lãng này.

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Tại quê hương của Thánh Giuse

Nadarét sẽ như thế nào nếu không có một nhà thờ cung hiến cho Thánh Giuse, người thợ mộc đã coi sóc Chúa Giêsu lớn lên trong thị trấn Galilê? Người cha nuôi của Chúa Giêsu được kính nhớ trong Nhà thờ Thánh Giuse của Dòng Phan Sinh trong Thành Nadarét Cổ, gần với Nhà thờ Truyền tin được biết đến nhiều hơn. Nhà thờ được xây dựng năm 1914 theo phong cách Rô-măng Phục hưng bên trên những tàn tích của các nhà thờ xưa, bao gồm Nhà thờ Nutrition (ngôi nhà nơi Chúa Giêsu được nuôi dưỡng).

© Berthold Werner | Wikipedia | Public Domain

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Nhà thờ Thánh Giuse ở Amman, Jordan

Nhà thờ Latinh Jabal Amman dưới quyền của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem. Năm 2015 nhà thờ được dùng làm nơi trú ngụ cho những người tị nạn tháo chạy khỏi cuộc chiến ở Iraq.

© Public Domain | Wikipedia

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Lịch sử Hoa Kỳ

Giáo xứ Công giáo đầu tiên ở Thành phố Brotherly Love được đặt theo tên Thánh Giuse. Nhà thờ Thánh Giuse cũ ở Philadelphia được thành lập năm 1733. Nhà thờ hiện tại là ngôi nhà thờ thứ ba tại vị trí và được cung hiến năm 1839. Một bức vẽ năm 1866 của Filippo Costaggini, “The Angelic Exaltation of St. Joseph into Heaven,” trang trí trần nhà thờ. Trước trận dịch sốt vàng da năm 1973 đã giết hại một phần mười dân số, Nhà thờ Thánh Giuse thành lập một nhà mồ côi để chăm sóc các trẻ em không có gia đình. Nhà thờ trở thành nơi hòa nhập các sắc tộc khi những người nô lệ chạy trốn cuộc cách mạng ở Santo Domingo định cư tại Philadelphia và một số người đã gia nhập giáo hội.

© CC BY-SA 3.0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Nhạc cụ trứ danh của thế giới

Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giuse, hay còn được gọi là Nhà thờ Las Piñas hoặc Nhà thờ Organ Tre, nằm ở phía nam thành phố Manila ở Philippines. Nhà thờ nổi tiếng trên khắp thế giới với cây đàn organ được chế tạo chủ yếu bằng cây tre. Nhà thờ và cây đàn được xây dựng trong những năm cuối 1790 bởi nhà truyền giáo dòng Augustine, Fray Diego Cera de la Virgen del Carmen, một người Tây Ban Nha. Có tài liệu cổ về cây đàn organ trên YouTube.

© Ramon FVelasquez | CC BY-SA 3.0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Đền thờ Thánh Giuse ở De Pere, tiểu bang Wisconsin

Đúng vào tháng trước -- chính xác vào ngày Lễ Giáng sinh -- “Nhà thờ Thánh Giuse Cổ xưa” trong khuôn viên Đại học St. Norbert ở thành phố DePere, tiểu bang Wisconsin, kỷ niệm 150 năm. Vào năm 1870 Đức Cha Joseph Melcher, vị giám mục đầu tiên của Giáo phận Green Bay, cung hiến giáo xứ mà ngài xây để phục vụ cho những người Canada gốc Pháp đi khai hoang làm việc trong các xưởng gỗ. Ngôi nhà thờ bằng gỗ được xây dựng năm đó đã bị cháy rụi sau một trận sét đánh vào năm 1889, và chỉ còn duy nhất tượng Thánh Giuse tồn tại. Nhà thờ được xây dựng theo với kiến trúc gạch năm 1890, và hai năm sau, Đức Thánh Cha Leo XIII ra sắc lệnh chọn nhà thờ là địa điểm là Đền thờ Thánh Giuse Quốc gia.

© Royalbroil | CC BY-SA 4.0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Người Công giáo Anh

Được thành lập năm 1872 với sự giúp đỡ của Công tước xứ Norfolk, Nhà thờ Thánh Giuse là nhà thờ xứ duy nhất của Công giáo ở thị trấn Dorking, hạt Surrey, nước Anh. Các Công tước xứ Norfolk là gia đình Công giáo và có tuyên úy riêng, là những người phục vụ cho nhu cầu của người Công giáo địa phương trong các thế kỷ 18 và 19. Henry Fitzalan-Howard, Công tước thứ 15 của xứ Norfolk, sở hữu vị trí ban đầu của ngôi nhà thờ hiện tại, và chính tại địa điểm đó công tước và nữ công tước đã cấp tài chính cho việc xây dựng ngôi nhà thờ để phục vụ cộng đồng địa phương. Ngôi nhà thờ theo phong cách Gothic Phục hưng được xây dựng trong những năm suy tàn của thế kỷ 19.

© The Voice of Hassocks | Wikipedia

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Nhà thờ Chính tòa San Jose, thành phốSan Jose, tiểu bang California

Bạn có biết đường tới San Jose không? Và bạn có biết rằng thành phố thuộc tiểu bang California, trở nên nổi tiếng bởi bài hát của ca sĩ Dionne Warwick năm 1968, có một nhà thờ chính tòa cung hiến cho Thánh Giuse? Là trụ sở của Giáo phận San Jose, tiểu vương cung thánh đường có niên đại từ năm 1877 và thay thế cho nhà thờ San Jose de Guadalupe ban đầu, giáo xứ không thuộc xứ truyền giáo đầu tiên được xây dựng ở California vì lợi ích của những người định cư Tây Ban Nha thay vì dân bản địa Mission Indians.

© Daderot | CC0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Bổn mạng của Việt nam

Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse ở Hà Nội, Việt Nam, một ngôi nhà thờ theo phong cách Gothic Phục hưng của cuối thế kỷ 19, là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Công giáo Roma Hà Nội. Thánh Giuse là thánh bổn mạng của giáo hội Việt Nam. Khởi công năm 1886, nhà thờ theo phong cách của Nhà thờ Đức Bà Paris. Đó là một trong những nhà thờ đầu tiên được xây dựng bởi chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương.

© Newone | CC BY-SA 4.0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Nhà nguyện Thánh Giuse, Montreal

Thánh André Bessette là một người giữ cửa giản dị ở Montreal trong thế kỷ 19, người trở nên nổi tiếng vì những sự chữa lành kỳ diệu. Ngài quy sự chữa lành đó cho Thánh Giuse. Năm 1904, Tu hội Thánh giá mà Tu huynh André là thành viên, trao cho ngài số tiền để xây một nhà nguyện nhỏ trên Núi Royal. Cuối cùng, một ngôi nhà thờ vĩ đại được xây dựng trên đồi, với tượng Thánh Giuse đứng ở mặt trước, với dòng chữ bằng tiếng Latinh Ite a Joseph (Hãy đến cùng Thánh Giuse). Du khách đến vương cung thánh đường có thể chọn cách quỳ leo lên 99 bậc thang gỗ, và viếng một loạt những nhà nguyện cung hiến cho những giá trị khác nhau mà truyền thống Kitô giáo dành cho Thánh Giuse, chẳng hạn Mẫu gương người Lao động và Gìn giữ Gia đình. Những chiếc gậy và nạng chống được treo trên các cột, những đồ vật được người hành hương để lại để cảm tạ những ơn lành, sự gìn giữ, và chữa lành.

© Gerard Robert | CC BY-SA 3.0

Các nhà thờ đặt tên Thánh Giuse trên toàn thế giới

Hướng dẫn cho du khách

Người ta nói rằng một số phi công sử dụng Nhà thờ Công giáo Hy lạp Ukraine Thánh Giuse ở Chicago để căn hướng theo đường băng dài nhất của Sân bay Quốc tế O’Hare. Với 13 mái vòm vàng kim, tượng trưng cho Chúa Kitô và Mười Hai Tông đồ, rất dễ nhận ra nhà thờ. Được thành lập năm 1956, giáo xứ khởi công xây dựng nhà thờ hiện tại năm 1975. Một năm sau, Đức Thượng phụ Josyf (Joseph) Slipyj, người đã trải qua 18 năm trong các nhà tù của Liên Xô, đến thăm giáo xứ và làm phép nhà thờ.

© Julian Hayda | Public Domain


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/1/2021]