Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 26.03.2023: “Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

“Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền Tin

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 26.03.2023: “Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như không còn hy vọng”

Vatican Media

*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin:

____________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta sự sống lại của anh Ladarô (x. Ga 11:1-45). Đây là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu được thuật lại trước Phục sinh: sự sống lại của Ladarô là người bạn của Chúa. Ladarô là người bạn thân của Chúa Giêsu, biết tin người bạn sắp chết; Ngài bắt đầu cuộc hành trình của mình, nhưng đến nhà người bạn bốn ngày sau khi đã an táng, khi mọi hy vọng đã tắt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Người nhóm lại một chút tin tưởng trong lòng hai chị em Mácta và Maria (x. c. 22, 27). Họ bấu víu vào tia sáng này, vào chút hy vọng nhỏ bé này, bất chấp đau khổ của họ. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy có lòng tin, và yêu cầu mở cửa mộ. Sau đó, Người cầu nguyện với Chúa Cha và gọi Ladarô: “Hãy ra khỏi mồ!” (câu 43). Và Ladarô sống lại và bước ra. Đây chính là phép lạ, như vậy đó, rất đơn giản.

Thông điệp rất rõ ràng: Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như mọi hy vọng đã vụt tắt. Có những lúc, chúng ta cảm thấy vô vọng – điều này xảy ra với tất cả chúng ta – hoặc gặp những người đã từ bỏ mọi hy vọng: cay đắng vì những kinh nghiệm tồi tệ, trái tim bị tổn thương không thể có hy vọng. Vì một mất mát đau thương, một căn bệnh, một thất vọng cay đắng, chịu đựng một điều sai quấy hoặc phản bội, một lỗi lầm nghiêm trọng đã phạm… mà họ đã từ bỏ hy vọng. Đôi khi chúng ta nghe có người nói rằng “Hết cách rồi!”, và đóng sập cánh cửa của mọi hy vọng. Đó là những khoảnh khắc khi cuộc sống dường như là một ngôi mộ bị niêm phong: mọi sự đều tăm tối, và xung quanh chúng ta chỉ thấy đau khổ và tuyệt vọng. Phép lạ hôm nay nói với chúng ta rằng không phải như vậy, đây không phải là dấu chấm hết, rằng trong những thời khắc này, chúng ta không đơn độc; trái lại, chính trong những lúc này, Chúa đến gần hơn bao giờ hết để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúa Giêsu khóc: Tin Mừng thuật rằng Chúa Giêsu khóc trước mộ Ladarô, và hôm nay Chúa Giêsu cũng khóc với chúng ta, như Người đã có thể khóc cho Ladarô: Tin Mừng lặp lại hai lần rằng Người thổn thức (x. c. 33, 38), nhấn mạnh việc Chúa đã khóc (xem câu 35). Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta không ngừng tin tưởng và hy vọng, đừng để bản thân bị những cảm xúc tiêu cực đè bẹp làm mất đi những giọt nước mắt của chúng ta. Người đến gần các ngôi mộ của chúng ta và nói với chúng ta như sau: “Đem phiến đá này đi” (c. 39). Trong những lúc như vậy, chúng ta dường như có một tảng đá bên trong, và người duy nhất có thể loại bỏ nó là Chúa Giêsu, với lời của Người: “Hãy đem phiến đá này đi”.

Chúa Giêsu cũng nói điều này với chúng ta. Hãy đem phiến đá này đi: nỗi đau đớn, những lỗi lầm, kể cả những thất bại, đừng giấu kín chúng trong lòng, trong căn phòng tối tăm, cô đơn, đóng kín. Hãy đem phiến đá này đi: hãy trút bỏ hết những gì bên trong ra. “À, nhưng tôi thấy xấu hổ”. Chúa phán: hãy tin tưởng ném nó cho Ta, Ta sẽ không giận đâu; đừng ngại ném nó cho Ta, bởi vì Ta ở bên con, Ta quan tâm đến con và Ta muốn con bắt đầu sống trở lại. Và, như đã làm với Ladarô, Người lặp lại với mỗi người chúng ta: Hãy ra khỏi mồ! Hãy trỗi dậy, quay trở lại con đường, lấy lại sự tự tin của bạn! Đã bao lần trong đời chúng ta gặp tình trạng như thế, trong hoàn cảnh không còn sức để vực dậy nữa. Và Chúa Giêsu phán: “Hãy đi, hãy bước đi! Ta ở với con”. Chúa Giêsu nói “Ta sẽ nắm lấy tay con, giống như khi con còn là một đứa trẻ chập chững những bước đi đầu đời.”

Anh chị em thân mến, hãy tháo bỏ những gông cùm đang trói buộc anh em (x. c. 45); xin đừng đầu hàng trước sự bi quan làm anh chị em chán nản, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi đang cô lập anh chị em, đừng đầu hàng trước sự nản lòng do ký ức về những kinh nghiệm tồi tệ gây ra, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi làm tê liệt. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta muốn con được sống và tự do, Ta sẽ không bỏ rơi con và Ta ở với con! Mọi thứ đều tối tăm, nhưng Ta ở bên con! Đừng để mình bị giam cầm bởi nỗi đau, đừng để niềm hy vọng bị lụi tàn. Này anh, này chị hãy sống lại!”. “Làm sao tôi có thể làm được điều này?”. “Hãy nắm lấy tay Ta”, và Chúa nắm lấy tay chúng ta. Anh chị em hãy để cho mình được kéo ra: và Chúa có thể làm điều đó, trong những thời khắc đen tối xảy ra với tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, trích đoạn này trong chương 11 của Tin Mừng theo Thánh Gioan là trích đoạn rất hay, là một bài thánh ca về sự sống, và trích đoạn này được công bố khi Phục Sinh gần kề. Có lẽ chúng ta vào lúc này đây cũng đang mang trong lòng một gánh nặng hoặc một đau khổ nào đó dường như đè bẹp chúng ta; một điều gì đó thật tồi tệ, một tội xưa cũ nào đó mà chúng ta không thể nói ra, lỗi lầm nào đó của thời trẻ, anh chị em không bao giờ biết được. Những điều xấu cần phải lộ diện. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy bước ra khỏi mồ!”. Vì vậy, đây là lúc để cất viên đá đi và tiến về phía Chúa Giêsu, Đấng đang ở gần. Chúng ta có thể mở lòng với Ngài và phó thác những lo lắng của chúng ta cho Ngài không? Chúng ta sẽ làm điều đó chứ? Liệu chúng ta có thể mở cửa ngôi mộ của những vấn đề, liệu chúng ta có khả năng, và nhìn qua ngưỡng cửa, hướng tới ánh sáng của Ngài, hay chúng ta e sợ việc này? Và về phần mình, như những tấm gương nhỏ của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng chiếu sáng những môi trường chúng ta đang sống bằng lời nói và cử chỉ của cuộc sống không? Chúng ta có làm chứng cho niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu không? Chúng ta, tất cả chúng ta là những tội nhân? Và tôi cũng muốn nói một lời với các cha giải tội: anh em thân mến, đừng quên rằng anh em cũng là những tội nhân, và anh em ở tòa giải tội không phải để tra tấn, nhưng để tha thứ, và tha thứ mọi sự, như Chúa đã tha thứ mọi sự. Xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm Hy vọng, đổi mới trong chúng ta niềm vui vì không thấy cô đơn và tiếng gọi mang ánh sáng vào trong bóng tối vây quanh chúng ta.

________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, Lễ Trọng Lễ Truyền Tin, chúng ta đã lập lại việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, với niềm xác tín rằng chỉ có việc hoán cải tâm hồn mới có thể mở ra con đường dẫn đến hòa bình. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine đang chịu đau khổ.

Và chúng ta cũng hãy gần gũi các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Số tiền thu được từ đợt quyên góp đặc biệt diễn ra ngày hôm nay tại tất cả các giáo xứ trên khắp nước Ý đều dành cho họ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho người dân của bang Mississippi, bị một cơn lốc xoáy tàn phá.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là anh chị em đến từ Madrid và Pamplona, và anh chị em người Mexico; cũng như người dân Peru, tiếp tục cầu nguyện cho sự hòa giải và hòa bình ở Peru. Chúng ta phải cầu nguyện cho Peru, đất nước đang chịu nhiều đau khổ.

Cha chào các tín hữu của Zollino, Rieti, Azzano Mella và Capriano del Colle, Bellizzi, Crotone và Castelnovo Monti với Unitalsi; và cha xin chào các ứng viên Thêm sức đến từ Pavia, Melendugno, Cavaion và Sega, Settignano và Prato; các bạn trẻ của Ganzanigo, Acilia và Longi; và Hiệp hội Amici del Crocifisso của Marches.

Tôi xin gửi lời chào đặc biệt tới phái đoàn của Lực lượng Không quân Ý đang kỷ niệm 100 năm thành lập. Tôi chúc các bạn mọi sự tốt lành trong ngày kỷ niệm này, và tôi khuyến khích các bạn luôn làm việc để xây dựng công lý và hòa bình.

Cha cầu nguyện cho tất cả anh chị em; và xin hãy cầu nguyện cho cha. Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2023]


Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Thông điệp của Bộ Đối thoại Liên tôn trong tháng Ramadan

Người Kitô giáo và Hồi giáo: những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Vatican News


*******

Nhân dịp tháng Ramadan và lễ ‘Id al-Fitr 1444 H. / 2023 A.D., Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến người Hồi giáo trên khắp thế giới một thông điệp chúc mừng với tựa đề: Người Kitô giáo và Hồi giáo: Những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu.

Sau đây là văn bản Thông điệp, được ký bởi Đức Hồng y Tổng trưởng Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.J., và ngài Thư ký của Bộ, Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage:

_________________________________________________


Người Kitô giáo và Hồi giáo:

Những người thúc đẩy tình yêu thương và tình bằng hữu

Thưa anh chị em Hồi giáo,

Tháng Ramadan là vô cùng quan trọng đối với anh chị em, nhưng cũng quan trọng đối với các bạn bè, những người láng giềng và người theo tôn giáo khác, đặc biệt là người Kitô giáo. Tình bạn hiện tại được củng cố và những tình bạn mới được xây dựng, mở đường cho sự chung sống hòa bình, hòa hợp và vui mừng hơn. Điều này phù hợp với ý muốn nước trời dành cho các cộng đồng của chúng ta, và dành cho tất cả các thành viên và các cộng đồng của gia đình nhân loại.

Các bạn thân mến, chúng ta biết rằng sự chung sống hòa bình và thân thiện phải đối mặt với nhiều thách thức và đe dọa: chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cấp tiến, luận chiến, tranh luận và bạo lực có động cơ tôn giáo. Các mối đe dọa được thúc đẩy bởi văn hóa thù hận. Do đó, chúng ta cần tìm ra những phương cách thích hợp nhất để chống lại và đánh bại văn hóa đó, đồng thời đề cao tình yêu thương và tình bằng hữu, đặc biệt giữa người Hồi giáo và Kitô giáo, nhờ những mối dây liên kết chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội để chia sẻ một số suy nghĩ với các bạn về vấn đề này, hy vọng cũng nhận được những suy nghĩ của các bạn.

Tất cả bắt đầu từ thái độ của chúng ta đối với nhau, đặc biệt khi có những khác biệt giữa chúng ta về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ hoặc chính trị.

Những khác biệt có thể bị xem là một mối đe dọa, nhưng mọi người đều có quyền đối với bản sắc riêng của mình với các thành phần đa dạng của nó, nhưng không bỏ qua hoặc quên đi những điểm chung của chúng ta: “Mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu. Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Ðấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người, cho đến khi những người được chọn hiệp nhất với nhau trong Thành Thánh, rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân bước đi trong ánh sáng Ngài” (Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, 28 tháng 10, 1965, s. 1).

Thật không may, những thái độ và hành vi tiêu cực đối với người khác biệt với chúng ta là rất nhiều: nghi ngờ, sợ hãi, kình địch, phân biệt đối xử, loại trừ, ngược đãi, bút chiến, lăng mạ và nói xấu sau lưng, v.v..

Các nền tảng truyền thông xã hội là không gian phổ biến cho những hành vi có hại như vậy, biến vai trò của chúng từ chỗ là những phương tiện giao tiếp và tình bằng hữu trở thành công cụ cho tình trạng thù địch và chiến đấu. Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Dù các cá nhân giữ tình trạng cô lập có tính hưởng thụ và thoải mái của mình, họ có thể chọn một dạng gắn kết sốt sắng và thường xuyên, trong đó họ rõ ràng cổ vũ thái độ thù địch, những lăng mạ, lạm dụng, phỉ báng, và ngôn ngữ bạo lực có sức hủy diệt người khác – và những điều này được thể hiện một cách thiếu kiềm chế, theo cách không thể tồn tại trong thế giới thực mà không xé nát vụn chúng ta. Sự gây hấn xã hội đã tìm thấy chỗ ‘tốt nhất’ của nó để lan tỏa xuyên qua các máy tính và các thiết bị di động” (Tông huấn Fratelli Tutti, ngày 3 tháng 10 năm 2020, s. 44).

Đối lập với những hành vi tiêu cực nêu trên, là sự tôn trọng, tốt bụng, lòng nhân hậu, tình bằng hữu, sự quan tâm lẫn nhau cho tất cả mọi người, tha thứ, hợp tác vì ích chung, giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn và chăm sóc môi trường, để giữ cho “ngôi nhà chung” của chúng ta là một nơi an toàn và dễ chịu, nơi chúng ta có thể chung sống trong hòa bình và tươi vui.

Chúng ta không thể ngăn chặn và chống lại văn hóa hận thù, và thúc đẩy văn hóa yêu thương và bằng hữu, nếu không có một nền giáo dục lành mạnh cho các thế hệ tương lai trong mọi không gian nơi họ được đào tạo: trong gia đình, ở trường học, nơi thờ tự, và trên truyền thông xã hội.

Do đó, một thế giới nơi công lý, hòa bình, tình huynh đệ và sự thịnh vượng ngự trị làm hài lòng Đấng Toàn năng và mang lại niềm vui, kêu gọi cam kết chung và chân thành của chúng ta.

Anh chị em Hồi giáo thân mến, cầu chúc anh chị em được hưởng phúc lành dồi dào của Đấng Toàn năng trong tháng Ramadan và cử hành lễ ‘Id al-Fitr trong niềm vui của lòng trung thành và tình yêu đối với Đấng Toàn năng và tất cả những người mà anh chị em sống cùng hoặc gặp gỡ.

Vatican, 3 tháng 3, 2023

Hồng y Miguel Ángel Cardinal Ayuso Guixot, MCCJ

Tổng trưởng

Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage

Thư ký



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2023]