Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Nhà thờ chánh tòa Gothic rộng nhất thế giới

Nhà thờ chánh tòa Gothic rộng nhất thế giới

Nhà thờ chánh tòa Gothic rộng nhất thế giới

Shutterstock

Daniel Esparza

04/06/23


Nhà thờ Chánh tòa Girona là minh chứng cho di sản văn hóa và tôn giáo phong phú của khu vực.

Nhà thờ chánh tòa Girona, nằm trong khu phố cổ của thành phố Girona (thuộc vùng Catalonia, Tây Ban Nha), là minh chứng cho di sản văn hóa và tôn giáo phong phú của khu vực. Với tầm vóc uy nghi, nhà thờ này giữ danh hiệu là nhà thờ Gothic rộng nhất thế giới, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với những người đam mê lịch sử và người say mê những tuyệt tác kiến trúc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, thành phố đã trải qua 25 cuộc vây hãm và bị đánh chiếm ít nhất bảy lần. Tất cả những cuộc bao vây và xâm lược này đã góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của Girona, dù rằng việc phân biệt giữa huyền thoại và sự thật thường rất khó khăn. Đã có rất nhiều quan tâm để bảo tồn di sản phong phú, và thành phố được xây dựng lại nhiều lần theo cách hợp lý. Trên thực tế, vì phần lớn (hoặc hầu hết) Barri Vell (“Khu Phố Cổ”) được bảo tồn đúng cách nên các nhà sản xuất phim sử dụng nó làm địa điểm quay phim. Những người hâm mộ bộ phim Game of Thrones sẽ rất vui khi biết rằng phần lớn “King's Landing” là thành phố Girona thời trung cổ.

Nhà thờ chánh tòa Gothic rộng nhất thế giới

Gian giữa, với trần hình vòm cao vút và những cột đồ sộ nhưng trang nhã, nổi bật như một minh chứng cho điểm nổi trội về kiến trúc.

Việc xây dựng Nhà thờ Chánh tòa Girona bắt đầu vào thế kỷ 11 và tiếp tục trong nhiều thế kỷ – như thường xảy ra với những công trình như vậy. Kết quả của quá trình kéo dài này là sự kết hợp đầy quyến rũ của các phong cách kiến trúc: các yếu tố thiết kế Romanesque, Gothic và Baroque có thể được nhìn thấy khắp nơi trong nhà thờ – một sự miêu tả trực quan tuyệt đẹp cho các xu hướng kiến trúc đang phát triển trong suốt lịch sử.

Một đặc điểm ấn tượng làm say lòng du khách khi đặt chân đến là các bậc tam cấp đồ sộ, được mệnh danh là cầu thang vĩ đại của Girona. Lối vào rộng lớn này dẫn đến mặt tiền chính của nhà thờ, được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc và phù điêu bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ.

Khi bước vào nhà thờ, du khách được chào đón bởi nội thất ngoạn mục được trang trí bằng những mái vòm cao vút, nhà nguyện trang trí công phu và những cửa sổ kính màu lộng lẫy. Gian giữa, với trần hình vòm cao vút và những cột đồ sộ nhưng trang nhã, như một minh chứng cho điểm nổi trội về kiến trúc.

Nhà thờ cũng lưu giữ một bộ sưu tập các đồ tạo tác và tác phẩm nghệ thuật tôn giáo rất thú vị, kể cả bức tranh Thảm thêu nổi tiếng về sự Sáng tạo – ban đầu là tấm màn che cho bàn thờ Thánh giá trong nhà thờ (mặc dù một số người cho rằng có thể nó đã được sử dụng như một bức rèm, hoặc thậm chí là một tấm thảm), tấm Thảm thêu là một bảng thêu kiểu Rômăng của thế kỷ 11 được thêu tỉ mỉ với một loạt những cảnh thần học mô tả các công trình Sáng tạo và (ở một mức độ nào đó) sự Cứu chuộc.

Thêm vào sự nguy nga của nó, Nhà thờ Chánh tòa Girona tự hào có một tháp chuông vút cao được có tên là “Torre de les Ànimes” – Tháp của các linh hồn. Vươn tới độ cao 69 mét (226 feet), tháp chuông cung cấp tầm nhìn toàn cảnh thành phố và cảnh quan xung quanh. Đi lên cầu thang xoắn ốc hẹp của tòa tháp là một trải nghiệm đáng nhớ, mang đến cho du khách một bức tranh toàn cảnh ngoạn mục về Girona và vùng nông thôn đẹp như tranh vẽ của nó.

Nhà thờ chánh tòa Gothic rộng nhất thế giới

Một nét ấn tượng làm say lòng du khách khi đặt chân đến là những bậc tam cấp đồ sộ, được mệnh danh là Cầu thang vĩ đại của Girona. Lối vào rộng lớn này dẫn đến mặt tiền chính của nhà thờ, được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc và phù điêu bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ.

Ngày nay, Nhà thờ Chánh tòa Girona vẫn là một nơi thờ phượng. Tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử của nó, kết hợp với kiến trúc tuyệt đẹp và danh hiệu là nhà thờ theo phong cách Gothic lớn nhất thế giới, khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong di sản Kitô giáo của Châu Âu.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2023]


Bài Giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô 29.06.2023

Thánh Lễ và làm phép dây Pallium cho các tân Tổng Giám mục Chánh tòa

Bài Giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Bài Giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô 29.06.2023

Vatican Media


*******

Vào ngày Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, lúc 9:30 sáng, tại Vương Cung Thánh Đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép dây Pallium trao cho các Tổng Giám Mục Chánh tòa được bổ nhiệm trong năm. Dây Pallium sau đó sẽ được Đại diện Giáo hoàng tại Tòa Tổng Giám mục địa phương trao cho mỗi vị Tổng Giám mục Chánh tòa.

Sau nghi thức làm phép dây Pallium, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh Lễ với các Hồng y, Tổng Giám mục và các Giám mục.

Trong Thánh Lễ, sau bài Tin mừng, Đức Thánh Cha giảng lễ. Sau đây là bài giảng của ngài:

_________________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Phêrô và Phaolô: hai vị tông đồ yêu mến Chúa, hai rường cột đức tin của Giáo Hội. Khi chúng ta suy niệm về cuộc đời của hai ngài, Tin Mừng hôm nay đặt ra cho chúng ta câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16:16). Đây là câu hỏi căn bản và quan trọng nhất: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời tôi? Chúng ta hãy xem hai vị tông đồ trả lời câu hỏi đó như thế nào.

Câu trả lời của Phêrô có thể được tóm tắt trong một từ: (đi) theo. Phêrô biết thế nào là theo Chúa. Vào ngày hôm đó tại Caesarea Philippi, Phêrô trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu bằng một lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời: “Thầy là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Một câu trả lời hoàn hảo, rõ ràng, chính xác và thậm chí có thể nói là câu trả lời “giáo lý” hoàn hảo. Tuy nhiên, câu trả lời tự nó là kết quả của một cuộc hành trình. Vì chỉ sau kinh nghiệm phấn khởi được theo Chúa, cùng bước đi với Người và theo Người một thời gian, Phêrô mới đạt tới mức trưởng thành thiêng liêng, nhờ ân sủng, nhờ ân sủng thuần khiết, đã đưa ông đến lời tuyên xưng đức tin rõ ràng như vậy.

Cũng chính thánh sử Mátthêu kể cho chúng ta rằng mọi sự bắt đầu vào một ngày kia, khi bên bờ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu đi ngang qua, gọi Phêrô và anh là Anrê, “lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4:20). Phêrô bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Tin Mừng nhấn mạnh rằng ông đã làm như vậy “ngay lập tức”. Phêrô không nói với Chúa Giêsu rằng ông cần suy nghĩ kỹ càng; ông không tính toán thiệt hơn; ông không đưa ra những cái cớ để hoãn quyết định. Thay vào đó, ông bỏ chài lưới và đi theo Chúa Giêsu mà không đòi hỏi trước bất kỳ hình thức bảo đảm nào. Ông phải từng ngày từng ngày học mọi điều, trong cương vị là một người môn đệ, một người theo Chúa Giêsu, đi theo những bước chân của Người. Không phải ngẫu nhiên mà trong các Tin Mừng, lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với Phêrô là: “Hãy theo Thầy” (Ga 21:22). Hãy theo Thầy.

Phêrô nói với chúng ta rằng trả lời câu hỏi – “Đối với tôi Chúa Giêsu là ai” – bằng một công thức giáo lý hoàn hảo hoặc một loạt những quan niệm sẵn có là chưa đủ. Không. Chỉ khi theo Chúa, chúng ta mới hiểu biết Người mỗi ngày, chỉ khi trở thành môn đệ của Chúa và lắng nghe lời Người, chúng ta mới trở thành bạn hữu của Người và cảm nghiệm được tình yêu làm biến đổi của Người. Từ “ngay lập tức” cũng đầy ý nghĩa đối với chúng ta. Có thể hoãn lại nhiều điều trong cuộc sống, nhưng theo Chúa Giêsu thì không; nơi nào Người được quan tâm, chúng ta không thể do dự hoặc đưa ra lời bào chữa. Chúng ta cũng cần phải cẩn thận, vì một số lời bào chữa được ngụy trang dưới hình thức thiêng liêng, chẳng hạn như khi chúng ta nói, “Tôi không xứng đáng”, “Tôi không có nó trong tôi”, “Tôi có thể làm gì đây?” Đây là một trong những mánh khóe của ma quỷ: nó cướp đi sự tín thác của chúng ta vào ân sủng của Thiên Chúa bằng cách khiến chúng ta nghĩ rằng mọi sự tùy thuộc vào khả năng của chúng ta.

Thoát ra khỏi mọi hình thức an toàn của thế gian, “ngay lập tức”, và đi theo Chúa Giêsu mỗi ngày: đó là nhiệm vụ mà Thánh Phêrô đặt ra cho chúng ta hôm nay. Thánh Tông đồ mời gọi chúng ta trở thành một “Giáo hội đi theo”. Một Giáo hội nỗ lực làm môn đệ của Chúa, là tôi tớ hèn mọn của Tin Mừng. Chỉ bằng cách này, Giáo hội mới có khả năng đối thoại với mọi người và trở thành nơi đồng hành, gần gũi và hy vọng cho con người của thời đại chúng ta. Chỉ bằng cách này, những người xa cách chúng ta nhất, những người luôn xem thường chúng ta với thái độ rụt rè hoặc thờ ơ, mới nhận ra rằng, theo lời của Đức Bênêđictô, “Giáo hội là nơi chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa hằng sống và do đó là nơi để chúng ta gặp gỡ nhau” (Bài giảng Chúa nhật II Mùa Vọng, 10 tháng 12, 2006).

Bây giờ chúng ta đến với vị Tông đồ Dân ngoại. Nếu lời để diễn tả câu trả lời của Phêrô là đi theo, thì đối với Phaolô đó là công bố, là rao giảng Tin Mừng. Đối với Phaolô cũng vậy, mọi sự bắt đầu với ân sủng, trước hết với sáng kiến của Chúa. Trên đường đến Đamát, khi ông dẫn đầu một cuộc bách hại khốc liệt nhằm vào người Kitô hữu, bởi những rào cản của niềm tin tôn giáo của ông, Chúa Giêsu Phục sinh đã gặp ông và khiến ông bị mù bởi ánh sáng của Người. Hay đúng hơn, nhờ ánh sáng đó, Phaolô nhận ra mình đã bị mù quáng như thế nào: đã bị cuốn vào sự tự mãn về việc tuân giữ cách cứng nhắc của mình, ông khám phá ra sự kiện toàn của mầu nhiệm cứu độ nơi Chúa Giêsu. So với sự mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, ông đã coi tất cả những bảo đảm của thế gian và tôn giáo trước đây của mình là “rác” (x. Pl 3:7-8). Sau đó, Thánh Phaolô đã dành trọn cuộc đời mình để đi khắp mọi miền đất và vùng biển, các thành phố và thị trấn, bất chấp sự thiếu thốn và bắt bớ, vì mục đích rao giảng Chúa Kitô Giêsu. Nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời của Thánh Phaolô, dường như càng rao giảng Tin Mừng, ông càng hiểu biết Chúa Giêsu nhiều hơn. Nhờ rao giảng Lời Chúa cho người khác, ông có thể có cái nhìn sâu hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Rồi từ đó, Phaolô có thể viết rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9:16). Sau đó, ông có thể tuyên xưng: “đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1:21).

Thánh Phaolô cho chúng ta biết câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi – “Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?” – không phải là một lòng đạo đức riêng tư khiến chúng ta bình an và không quan tâm đến việc đem Tin Mừng đến cho người khác. Thánh Tông đồ dạy chúng ta rằng chúng ta lớn lên trong đức tin và trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô khi chúng ta rao giảng và làm chứng về Người trước những người khác. Đây luôn là nguyên tắc: bất cứ khi nào chúng ta rao giảng Tin Mừng, thì chính chúng ta cũng được rao giảng Tin Mừng. Đó là kinh nghiệm hàng ngày: bất cứ khi nào chúng ta loan báo Tin Mừng, thì chính chúng ta cũng được loan báo Tin Mừng. Lời chúng ta mang đến cho người khác sẽ trở lại với chúng ta, vì chúng ta cho người khác bao nhiêu thì chính chúng ta lại nhận được bấy nhiêu (x. Lc 6:38). Đây cũng là điều cần thiết đối với Giáo hội trong thời đại chúng ta: đặt việc rao giảng làm trọng tâm, trở thành một Giáo hội không ngừng lặp đi lặp lại: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” và “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” Một Giáo hội cần phải rao giảng, như chúng ta cần dưỡng khí để thở. Một Giáo hội không thể sống nếu không chia sẻ với người khác vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và niềm vui của Tin Mừng.

Thưa anh chị em, chúng ta mừng lễ Thánh Phêrô và Phaolô. Hai ngài đã trả lời câu hỏi trọng yếu đó trong cuộc sống – “Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?” – bằng cách đi theo Chúa trong cương vị là những môn đệ của Người và loan báo Tin Mừng. Thật tốt cho chúng ta khi phát triển Giáo hội theo cách tương tự, bằng cách theo Chúa, liên tục và khiêm nhường tìm kiếm Ngài. Thật tốt cho chúng ta khi trở thành một Giáo hội hướng ngoại, tìm thấy niềm vui không phải trong những thứ thuộc về thế gian, nhưng trong việc rao giảng Tin Mừng trước thế giới và mở rộng tâm hồn của mọi người cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Mang Chúa Giêsu đến mọi nơi, với lòng khiêm nhường và niềm vui: trong thành phố Rome của chúng ta, trong các gia đình của chúng ta, trong các mối tương quan và các khu phố của chúng ta, trong xã hội, trong Giáo hội và đời sống chính trị, trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi mà sự nghèo đói, suy tàn và tình trạng bị gạt ra bên lề đã đâm rễ sâu.

Hôm nay, một số anh em Tổng Giám mục của chúng ta nhận Dây Pallium, một dấu chỉ của sự hiệp thông với Giáo hội Rome. Tôi muốn nói với anh em: Hãy trở nên người tông đồ như Phêrô và Phaolô. Hãy trở thành người môn đệ bằng việc đi theo và là người tông đồ qua việc rao giảng. Hãy mang vẻ đẹp của Tin Mừng đến muôn nơi, cùng với toàn thể Dân Chúa. Cuối cùng, tôi xin gửi lời chào thân ái đến Phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết, được hiền huynh rất thân thương của tôi là Đức Bartholomew phái đến. Xin Cảm ơn sự hiện diện của các anh em! Cảm ơn. Ước mong chúng ta cùng thăng tiến; cùng thăng tiến trong việc đi theo Chúa và rao giảng lời Chúa, khi chúng ta phát triển trong tình huynh đệ. Xin thánh Phêrô và Phaolô đồng hành và chuyển cầu cho tất cả chúng ta.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/06/2023]