Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Phỏng vấn riêng: Đức Hồng y Müller nói về Mễ-du, Tông huấn Amoris và Hồi giáo cực đoan

Phỏng vấn riêng: Đức Hồng y Müller nói về Mễ-du, Tông huấn Amoris và Hồi giáo cực đoan

21 tháng Tư, 2017

Phỏng vấn riêng: Đức Hồng y Müller nói về Mễ-du, Tông huấn Amoris và Hồi giáo cực đoan
© Katharina EBEL / KNA-Bild / CIRIC

Vị đứng đầu về giáo lý Vatican có buổi phỏng vấn riêng về nhiều vấn đề với Aleteia Ba lan.

BA LAN — Vị đứng đầu văn phòng giáo lý của Vatican, Đức Hồng y Gerhard Müller người Đức, đã đến Ba-lan ngày 19 tháng Tư tham dự một hội nghị vinh danh sinh nhật thứ 90 của Đức Giáo hoàng nghỉ hưu Benedict XVI.
Chủ đề của hội nghị là “Khái niệm Nhà nước trong Giáo huấn của Đức Hồng y Joseph Ratzinger – Benedict XVI.”
Aleteia nói chuyện với vị Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý và Đức tin trong văn phòng của Hội đồng Giám mục Ba lan. Đức Hồng y Müller trả lời nhiều câu hỏi dành riêng cho độc giả của Aleteia, về những chủ đề từ Mễ-du đến Tông huấn (Niềm vui yêu thương), đến những vị tử đạo của ngày hôm nay, Hồi giáo cực đoan, và tự do tôn giáo.

Konrad Sawicki: Chúng ta lại gặp nhau tại đây ở Ba-lan. Nhiều người Công giáo, cả ở đây và khắp Châu Âu, có những kỳ vọng rất lớn cho đất nước của chúng ta. Thưa Đức Hồng y có tin rằng Ba-lan có một sứ mạng đặc biệt để hoàn thành nó?
HY Müller: Châu Âu không chỉ đơn thuần là một tập hợp các dân tộc và nhà nước. Châu Âu có một linh hồn, khởi nguồn trong Ki-tô giáo. Trong Châu Âu có những dân tộc riêng với những lịch sử riêng của họ, văn hóa riêng, cách thức riêng, và chúng ta phải đưa ra những kết luận phù hợp.
Ba lan có hiến pháp dân chủ đầu tiên ở Châu Âu, được thông qua năm 1791. Tuy nhiên, Ba lan liên tục bị vùi dập vì số phận, bị chia rẽ thành một nhà nước và một dân tộc, và chịu đau khổ trong bàn tay của những nhà nước đế quốc trước đây. Ba lan bảo tồn được giá trị của nó nhờ đức tin Công giáo của mình, và đây là đặc điểm đặc biệt mà Ba lan phải đóng góp từ quá khứ và hiện tại đến tương lai chung của Châu Âu. Chúng ta phải đi theo con đường chung để mỗi dân tộc có thể đóng góp một điều gì đó rất riêng cho hành trình.
Sự thật là Ba lan, là một dân tộc được hiệp nhất trong đức tin Công giáo, vẫn duy trì được những cội rễ và giá trị cũng là rất đặc biệt, tôi tin như vậy, vì những vùng khác của Châu Âu bị thống trị bởi tính thế tục, và một đời sống không có Thiên Chúa được làm mạnh thêm bởi chủ nghĩa vật chất
Tiếng nói của Ba lan rằng: “Không, chúng tôi có một ý thức lớn hơn về tầm quan trọng của đời sống con người. Chúng tôi nhìn thấy nó trong lời cầu nguyện, trong việc kỳ diệu được làm con người, làm con cái của Thiên Chúa.” Điều này thúc đẩy chúng ta tiến đến với tự do, tiến đến sự giải phóng công dân cũng như tiến đến sự tự do riêng của con người.
Tôi nghĩ điều quan trọng bây giờ là chúng ta trong Châu Âu xem chúng ta như một cộng đồng các dân tộc. Không như trước đây khi các nhà nước riêng lẻ xem mình như là hiện thân của quyền lực và muốn mở rộng với sự thiệt hại nằm về phía những nước khác. Chúng ta là một cộng đồng văn hóa, và văn hóa của chúng ta có gốc từ đạo Ki-tô.

Konrad Sawicki: Câu hỏi thứ hai của con liên quan đến Mễ-du. Ủy ban Vatican đã kết thúc công việc, và đặc phái viên của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser, đã bắt đầu sứ vụ của ngài. Vì thế rất nhiều tín hữu mong chờ quyết định liên quan đến tính xác thực của những lần hiện ra sẽ sớm được đưa ra. Sự mong đợi này có được giải thích không?
HY Müller: Về một mặt, chúng tôi có một số những sáng kiến mục vụ ở Mễ-du. Nó chỉ đúng và phù hợp khi người ta, bất kỳ ở đâu, tận dụng bí tích sám hối và hòa giải, đón nhận Thánh Thể và suy tư về hành trình đời sống dưới ánh sáng của đức tin, ví dụ việc cân nhắc về đời sống hôn nhân hay độc thân, làm linh mục hay nam nữ tu sĩ.
Về mặt khác, kinh nghiệm không cho biết gì về những lần hiện ra được chứng minh và những thông điệp. Giáo hội có quyền, bất cứ khi nào, nói rằng những điều này được công nhận hay không, những lần hiện ra là siêu nhiên hay đó là những hình dung của trí tưởng tượng của con người, hay là những thị kiến chủ quan, những trải nghiệm tâm linh chủ quan.
Ngay cả khi Giáo hội công nhận những hiện tượng này là siêu nhiên, một người Ki-tô hữu cũng không bị buộc phải tin và xem đó là một điều bắt buộc của đức tin để dẫn đến ơn cứu độ. Ki-tô hữu không bị buộc phải công nhận những hiện tượng đó. Một Ki-tô hữu vẫn được tự do. Đức Giê-su Ki-tô là nền tảng của sự Mặc khải cho chúng ta, và đây là thước đo đức tin của chúng ta.
Những lần hiện ra được chứng minh xảy ra ở Mễ-du là những mặc khải riêng tư, chúng không bị loại trừ vì vấn đề nguyên tắc, nhưng chúng không có tình trạng và tầm quan trọng của sự Mặc khải đích thật của Thiên Chúa như là chân lý và ơn cứu độ. Đức Giê-su Ki-tô đến với chúng ta trong đời sống của Giáo hội; Ngài hiện diện trong các bí tích, và đó là lý do tại sao tín hữu không buộc phải gắn chặt sự hy vọng quá mức vào những giải thích có thể có của Giáo hội về những sự mặc khải riêng. Điều này là vì chân lý của sự Mặc khải không lệ thuộc vào những hiện tượng và những thị kiến sau này.
Chúng tôi, Thánh bộ Giáo lý và Đức tin, cho biết liệu đây có phải là một hiện tượng siêu nhiên hay không, hoặc không chắc chắn đó là siêu nhiên. Đây là một đề nghị của Thánh bộ Giáo lý và Đức tin trình lên Đức Thánh Cha. Chính Đức Giáo hoàng, là Đại Tư tế tối cao, đưa ra những quyết định về tính xác thực của những hiện tượng này hay là còn thiếu. Không phải là một ủy ban đặc biệt hay Thánh bộ Giáo lý và Đức tin có thể khẳng định hay từ chối đặc tính siêu nhiên của hiện tượng; chúng tôi chỉ trình lên một sự đề nghị.
Tôi tin rằng thật không đúng khi tạo ấn tượng rằng ủy ban hay Thánh bộ đã đạt đến một kết luận chắc chắn. Việc này vẫn chưa được xem xét.

Konrad Sawicki: Một câu hỏi khác con muốn hỏi liên quan đến sự tranh luận trong Giáo hội theo sau việc xuất bản, một năm trước, tông huấn, Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương). Đức Hồng y có xem sự tranh luận này mang tính hiệu quả, hay tiềm ẩn những nguy cơ?
HY Müller: Chủ đích chính của tông huấn Amoris Laetitia là đặt thông điệp kinh thánh trọn vẹn và đầy đủ vào trung tâm hôn nhân như là một bí tích và là một cách sống. Ngoài ra, tông huấn nhắm chú ý thật nhiều đến những người, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã rơi vào hoặc đi vào những rắc rối, để chúng ta không nói rằng: “Đây là những người làm tất cả mọi điều đều đúng, còn những người khác không thuộc về chúng tôi.”
Chúng tôi muốn mọi người bước theo con đường của những môn đệ của Đức Ki-tô, và chúng tôi mong muốn là nguồn trợ giúp để mọi người có thể hiểu được con đường này và đưa ra thực hành.
Theo ý nghĩa này, mỗi tranh luận hay tranh cãi đều tốt. Mặc dù điều này có khía cạnh tiêu cực của nó. Cụ thể là, một sự tranh luận chỉ nhắm xoáy vào một vấn đề, trong khi những chủ điểm chính và quan trọng khác bị gạt ra một bên. Nó tạo ra sự chia rẽ và lo lắng nho nhỏ khi người ta nghe thấy câu hỏi như: “Bạn nghĩ như thế nào về việc Rước Thánh Thể cho người ly dị là những người đang sống trong các hiệp hội không có bí tích?”
Chúng ta chỉ có thể đến được với câu hỏi này từ cách nhìn về sự kiện toàn của giáo huấn của Giáo hội. Đức Giáo hoàng đã không, sẽ không, và không thể thay đổi Mặc khải. Một vài cáo buộc cho rằng đức giáo hoàng đã thay đổi những nền tảng của luân lý Giáo hội và đã làm tương đối hóa bí tích Hôn nhân Thánh. Việc này ngài không làm và không thể làm.

Konrad Sawicki: Câu hỏi thứ tư của con liên quan đến những vị tử đạo Ki-tô giáo ngày nay, ví dụ ở Syria, Ai-cập, hay thậm chí Pháp. Công đồng Vatican II khuyến khích chúng ta đọc những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng theo bối cảnh hiện tại. Vậy thì dấu chỉ thời đại những vị tử đạo mới – hôm nay nói cho chúng ta điều gì?
HY Müller: Một nhận thức cho rằng các vị tử đạo chỉ sống trong những thời kỳ của thời La-mã cổ đại. Khi chúng ta nghĩ về những người tử đạo trong lịch sử đương đại, chủ yếu là những vị trong thế kỷ 20 trong những quốc gia Ki-tô giáo như Đức, Liên bang Xô-viết và Đồng minh Xô-viết.
Bây giờ thách đố lớn này đã tái xuất hiện do chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Những quốc gia Hồi giáo phải công khai đưa ra sự tôn trọng tự do tôn giáo, sự tự do lương tâm của con người, và họ phải tôn trọng những điều đó. Người ta không thể nói: “Tôi từ Thượng Đế đến và tôi sẽ quyết định cuộc sống của bạn.” Mỗi người chúng ta phải quyết định theo lương tâm có giữ đức tin hay không.
Đây là những gì chúng ta cần phải học, ngay cả trong những quốc gia Tây phương đang đặt sự tự do lương tâm vào vòng nguy hiểm, ví dụ khi một người bị bắt buộc phải hỗ trợ trong một ca phá thai để giữ đúng luật. Cả điều này nữa cũng là một hình thức hơi giống với sự bách hại Ki-tô hữu, sự vi phạm nặng nề nhất đến tự do lương tâm. Chúng ta phải học lại, ngay cả trong các quốc gia Tây phương, trong những chính phủ trần tục, ý nghĩa của tự do tôn giáo và tự do tuyên xưng niềm tin là gì.
Chúng ta không thể bị xúc phạm bởi những người Hồi giáo cực đoan, vì chính chúng ta cũng không hoàn toàn công nhận không giới hạn sự tự do tôn giáo và tuyên xưng đức tin. Đây chính là việc đọc những dấu chỉ của thời đại: Giáo hội là một nhà biện hộ cho nhân quyền không bị giới hạn và nhân phẩm chung, hoặc là phẩm giá của tất cả mọi người. Chúng tôi bảo vệ không chỉ cho tín hữu của Giáo hội Công giáo hay cho những Giáo hội Ki-tô giáo khác, nhưng bảo vệ cho mỗi người và mọi người.

Konrad Sawicki: Câu hỏi cuối cùng của con liên quan đến thần học giải phóng, mà con biết là Đức Hồng y rất quan tâm. Một số người Công giáo vẫn khăng khăng không chịu tiếp cận nó. Bản chất của thần học giải phóng là gì và có thể học được điều gì từ những nhà thần học đã bám chặt vào nó?
HY Müller: Điểm khởi đầu của thần học giải phóng là: “Tôi có thể nghĩ như thế nào về tình yêu của Thiên Chúa đứng trước sự nghèo đói khốn khổ và bất công rõ ràng đang tồn tại trên thế giới, ở Nam và Trung Mỹ, trong các cộng đồng Công giáo chiếm đa số. Tại sao đức tin Công giáo không đưa ra một sự hỗ trợ cho sự bình đẳng xã hội và phẩm giá của mỗi người và mọi con người?”
Ở đây, trong Giáo hội, chúng tôi đưa ra một câu trả lời không giống như câu trả lời của người cộng sản. Người cộng sản nói: “Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong thế giới này,” và theo sau những lời hứa này chỉ là địa ngục. Về phía chúng tôi, chúng tôi nói: “Qua Thiên Chúa mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.” Đồng thời, chúng tôi được kêu gọi để gánh lấy bổn phận cho thế giới này, để can dự vào và sử dụng lý trí của chúng tôi để chăm sóc cho giáo dục, thực phẩm, nhà cửa, và việc làm, vì lợi ích của sự phát triển xã hội tích cực.
Chúng tôi có giáo huấn xã hội Công giáo với những nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, nguyên tắc phân quyền và thống nhất. Chúng tôi có những nguyên tắc nền tảng này và vì thế chúng tôi muốn can dự vào, với tư cách là Giáo hội và tư cách là những Ki-tô hữu, để xã hội có thể phát triển tốt đẹp, không theo các thuật ngữ duy vật. Trần thế là con đường hướng về cõi vô tận và vĩnh hằng. Đây là sự hiệp nhất của con đường và cùng đích. Đức Ki-tô là Đường và là Cùng đích. Người là Sự Thật và là Sự Sống.
Đối với chúng tôi, là thành viên của Giáo hội Công giáo, không có sự trái ngược nhau giữa thế giới kia và thế giới này, giữa vật chất và tinh thần. Với chúng tôi đây là sự hiệp nhất trong Đức Ki-tô. Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Đức Ki-tô là một Thiên Chúa-con người. Vì thế, con người và nước trời được kết hiệp trong Đức Ki-tô.
Đức Tổng Giám mục Oscar Romero là một gương mẫu hoàn hảo ở đây, một mẫu gương. Trong Thánh bộ, chúng tôi nghiên cứu tất cả các sách của ngài, các bài viết và các văn bản trong suốt tiến trình điều tra phong chân phước. Chính tôi đã đọc những sách đó bằng tiếng Tây ban nha để kiểm tra tính chính thống của chúng. Trên nền tảng này, chúng tôi phát hành một nihil obstat (không có gì ngăn trở), một cấp phép khẳng định rằng không có gì cản trở việc ngài Romera được nâng lên vinh quang trên bàn thờ.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng dòng tư tưởng này được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Công đồng Vatican II, bởi giáo huấn liên quan đến những mối quan hệ giữa Giáo hội và thế giới đương thời. Đây là lý do cho sự cam kết của chúng tôi. Không chỉ là cam kết làm thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn theo cách nói về vật chất, nhưng còn là cam kết để thăng tiến nhân phẩm như là hòn đá tảng. Hơn nữa, đây là cam kết của Thiên Chúa với chúng ta. Chúng ta phải nhớ rằng sự đau khổ của Đức Giê-su Ki-tô và cuộc Thương Khó trên cây Thập giá, là cho chúng ta và cho thế giới này. Sự Phục sinh của Người cho chúng ta hy vọng tạo ra được một thế giới tốt đẹp hơn, nơi trẻ em có được một nền giáo dục tốt lành, nơi những cơ hội phát triển và sự theo đuổi những ân tứ và tài năng riêng của mỗi người …  Chúng ta phải nhớ rằng chân trời cuối cùng: Thiên Chúa của chúng ta, Đấng Tạo Dựng nên thế giới này.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/04/2017]


Thiên Chúa làm mềm đi những con tim chai đá

Thiên Chúa làm mềm đi những con tim chai đá

Thiên Chúa làm mềm đi những con tim chai đá
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta - AFP
02/05/2017 12:49
(Vatican Radio) “Thiên Chúa làm mềm đi những con tim chai đá, những người kết án tất cả những ai ngoài lề luật.” Đây là thông điệp trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico, trong Thánh Lễ thứ Ba trong khu Santa Marta của Vatican. Ngài nói rằng những ai có con tim chai đá không biết được lòng nhân từ của Thiên Chúa và khả năng của Người lấy đi những con tim bằng đá và thay vào với những con tim bằng thịt.
Bắt đầu bằng bài đọc Một, trong đó Thánh Stê-pha-nô bị ném đá đến chết bởi những người quản lý đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha suy tư về chứng tá của sự vâng phục của người Ki-tô hữu. Người nói rằng những kẻ ném đá thánh Stê-pha-nô đến chết không hiểu được lời của Chúa. Stê-pha-nô  gọi họ là “lòng không được cắt bì,” đây là cách gọi người khác là ngoại giáo.
Theo Đức Thánh Cha, có nhiều cách không hiểu lời Chúa khác nhau. Ví dụ, khi Chúa Giê-su gặp hai môn đệ trên đường đi Ê-mau, Người gọi họ là “những người khờ dại.” Đây không phải là một cụm từ khen ngợi, nhưng nó cũng không phải là cụm từ mạnh mẽ, không giống như cách nói của Stê-pha-nô.
“Họ không hiểu gì cả, họ sợ hãi, vì họ không muốn có những rắc rối, họ sợ, nhưng họ là những con người tốt, mở lòng ra với sự thật” Đức Thánh Cha nói.
“Và khi Chúa Giê-su quở trách họ, họ để cho lời của Ngài thấm vào tâm hồn họ và con tim của họ bừng cháy lên trong họ, trong khi những người ném đá Stê-pha-nô phẫn nộ và không muốn lắng nghe!” Theo Đức Thánh Cha, đây là bi kịch của những tâm hồn khép kín.
Quay lại với Thánh vịnh 94, Đức Chúa khuyên răn dân Người không làm cho con tim trở nên chai đá. Rồi Đức Thánh Cha nói, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói một “lời hứa tuyệt vời” biến đổi con tim bằng đá thành con tim bằng thịt, một con tim biết lắng nghe và đón nhận chứng tá của sự vâng phục.
“Điều này làm đau khổ Giáo hội. Những con tim khép kín, những con tim bằng đá, những con tim không muốn mở ra, không muốn lắng nghe, những con tim chỉ biết ngôn ngữ của sự kết án. Chúng biết kết án như thế nào, chúng không biết cách nói ‘Hãy giải thích cho tôi, tại sao bạn lại nói điều đó? Tại sao như vầy? Hãy giải thích cho tôi.’ Không, chúng bị khép kín. Đó là tất cả những gì chúng biết. Chúng không cần sự giải thích nào,” Đức Thánh Cha Phanxico  nói.
Sự khiển trách mà Chúa Giê-su nói đến cũng dẫn đến việc giết các ngôn sứ, “vì họ nói những điều mà các ngươi không muốn nghe. Một con tim khép kín không thể để Thánh Thần đi vào.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói “Không có chỗ nào trong con tim của họ cho Thánh Thần. Quả thật, thư hôm nay nói về việc Stê-pha-nô được đầy tràn Thánh Thần, ngài hiểu mọi điều, ngài là chứng nhân cho sự vâng phục của Ngôi lời làm người, và điều này được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần. Ngài được ngập tràn. Một tâm hồn đóng kín, một tâm hồn chai đá, một tâm hồn ngoại giáo không để cho Thần khí đi vào và đánh động trong tâm hồn của người đó.”
Theo Đức Thánh Cha, các môn đệ trên đường đi Ê-mau đại diện cho chúng ta, “với những sự hoài nghi, nhiều tội lỗi. Nhiều lần chúng ta muốn tránh xa khỏi Thập giá, tránh xa chân lý, nhưng chúng ta hãy để chỗ trống lắng nghe Chúa Giê-su, Người làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy lên. Nhóm người khác, những người đóng kín trong sự cứng ngắc của lề luật, những người không muốn lắng nghe Chúa Giê-su, đang nói những điều còn tệ hơn cả Stê-pha-nô đã nói.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng một suy tư về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình. Ngài nói rằng mỗi người chúng ta đi vào cuộc đối thoại với Chúa Giê-su và nạn nhân của những con tim bằng đá, người đàn bà ngoại tình. Và với những người muốn ném đá chị ta, Chúa Giê-su nói “Hãy nhìn vào chính mình”:
“Hôm nay chúng ta nhìn vào lòng nhân hậu của Chúa Giê-su, chứng nhân của sự vâng phục, chứng tá vĩ đại đó, Chúa Giê-su, Đấng đã cho đi mạng sống, làm cho chúng ta đi tìm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đi vào cuộc đối thoại này và chúng ta hãy kêu xin ơn sủng của Thiên Chúa làm mềm đi con tim chai đá của những người đóng kín trong lề luật và kết án tất cả những ai ngoài lề luật. Họ không biết rằng Ngôi Lời đã trở thành người phàm, và rằng Ngôi Lời là một chứng nhân cho sự vâng phục. Họ không biết lòng nhân từ của Thiên Chúa và khả năng Người lấy đi con tim bằng đá và thay vào một con tim bằng thịt."  

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/05/2017]