Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Các Giáo hội Châu Á thúc đẩy hy vọng và lòng trắc ẩn trong đại dịch

Các Giáo hội Châu Á thúc đẩy hy vọng và lòng trắc ẩn trong đại dịch
© Fides

Các Giáo hội Châu Á thúc đẩy hy vọng và lòng trắc ẩn trong đại dịch

‘Các Giáo hội sống và đóng một vai trò quan trọng trong sự đồng hành với những người và cộng đoàn đau khổ’

11 tháng Sáu, 2020 06:08

Các Giáo hội Kitô giáo ở Châu Á là những ngọn hải đăng đích thực của niêm hy vọng và lòng trắc ẩn giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. “Các Giáo hội sống và đóng một vai trò quan trong trong sự đồng hành với những người và cộng đoàn đau khổ khi mang đến thông điệp hy vọng và lòng thương xót. Các Giáo hội được thúc đẩy bởi sự đau khổ của không biết bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi sự lây lan virus corona chủng mới. Sức mạnh của tâm trí, niềm tin, niềm hy vọng, sự tín thác trung kiên vào Thiên Chúa tạo nguồn cảm hứng cho chúng ta tôn vinh Thiên Chúa trong thời gian khó khăn này. Chúa cảm nhận được sự đau đớn của chúng ta, nhìn thấy những dòng lệ, và chăm sóc cho dân của Người,” các nhà lãnh đạo những Giáo hội Châu Á nói trong một buổi hội nghị trực tuyến của Hội nghị Kitô giáo Châu Á (CCA). Cơ quan này tập hợp các tông phái Kitô giáo ở Châu Á, bao gồm Giáo hội Công giáo, đã thực hiện những hội nghị trực tuyến và hội thảo qua mạng internet để thảo luận về những vấn đề và thách đố liên quan do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra.

Cha William La Rousse, Phó Tổng thư ký của Liên minh các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), cho biết rằng “Giáo hội Công giáo ở Châu Á hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền quốc gia và địa phương, trong việc thực hiện những biện pháp phòng ngừa trong cuộc chiến chống virus, trong việc chăm sóc cho người bệnh.” Sau đó cha cho biết “tình trạng khẩn cấp đã tạo ra một sự đổi mới trong thừa tác vụ của Giáo hội, với việc sử dụng rộng rãi công nghệ để truyền trực tiếp giờ cầu nguyện và thờ phụng.”

Một khía cạnh khác – cha nhận xét – là cam kết của Caritas ở nhiều quốc gia Châu Á mang lại sự đóng góp giá trị cho sự phản ứng phối hợp chống lại đại dịch, đặc biệt là cho nhu cầu của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Ở một số quốc gia, các trường học và cơ sở Công giáo được sử dụng để cung cấp nơi ở cho người vô gia cư, cho việc cách ly, và trong một số trường hợp là nơi ở cho nhân viên y tế, để bảo đảm việc đến bệnh viện nhanh hơn. Cha kết luận đại dịch đã làm nổi lên những bất bình đẳng xã hội và bất cập của hệ thống kinh tế - chính trị.

Ông Mathews George Chunakara, tổng thư ký của CCA, nói rằng “cuộc khủng hoảng Covid-19 là một tiếng chuông báo động mạnh mẽ cho toàn thế giới,” và “nó đã phá vỡ những chuyện hoang đường về các mức độ phát triển toàn cầu, chúng thật ra không mang tính bền vững.” “Sự lây lan của Covid-19 đã làm lộ rõ các bất cập của chúng ta trong việc phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất: điều cần thiết là phải kiểm tra lại vai trò của các Giáo hội của chúng ta trong thế giới mới này,” ông nói thêm.

Trong số những điểm được đề cập trong cuộc thảo luận là chứng tá đức tin giữa cuộc khủng hoảng; sứ mạng phục vụ của các Giáo hội Châu Á; sự hợp tác liên giáo hội của các Giáo hội Châu Á; những phản ứng về tinh thần và thần học trước sự đau khổ chung của thế giới ngày nay.

Đức Tổng Giám mục Sebouh Sarkissian, giám mục Giáo hội Chính thống Armenia ở Iran, nói rằng “Giáo hội tiếp tục động viên các tín hữu, vì niềm hy vọng vẫn là vũ khí tinh thần chính” và nhấn mạnh rằng “sự xa cách về thể xác, những thời gian khó khăn đã đem chúng ta lại gần nhau hơn.”

Đức Tổng Giám mục chính tòa Yakob Mar Irenaios, Chủ tịch Giáo hội Chính thống Syria của Malta, cho biết: “Chúng ta không được để cho virus xâm nhập vào tâm trí của chúng ta. Mặc dù việc phong tỏa là một cú sốc đối với tất cả mọi người, các Giáo hội đã huy động để làm giảm bớt sự đau khổ.” Ngài nhận xét, các Giáo hội Ấn Độ đã đứng ở tiền tuyến trong các hoạt động giải cứu cho người di cư và người lao động theo ngày, tiếp cận được hàng triệu người.

Đức Giám mục Leo Paul thuộc Giáo hội Pakistan thuộc một phần của Anh giáo, đã nói về những thách thức mà các nhóm thiểu số phải đối mặt ở Pakistan, một đất nước với đa phần là Hồi giáo, chỉ ra một số hình thức phân biệt đối xử. Ngài cảnh báo rằng người dân Pakistan “đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và khủng hoảng tâm lý, nếu không thực hiện các biện pháp nghiêm túc và cụ thể để cải thiện điều kiện của người dân.”

Ông Jacky Manuputty, Tổng thư ký Hiệp hội các Giáo hội ở Indonesia (IGP), nói rằng các Giáo hội ở Indonesia đã phản ứng kịp thời và khẩn cấp trước cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới về đại dịch toàn cầu, gửi thư mục vụ đến các tín hữu và nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa được áp dụng, và huy động nguồn lực tài chính và nhân lực trong cả nước, để đương đầu với đại dịch, giúp đỡ người bệnh, các gia đình nghèo, những hộ kinh doanh nhỏ.

Đức Giám mục Reuel Norman Marigza, Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Quốc gia ở Philippines, ca ngợi những nỗ lực chung và hợp tác giữa người Thệ phản, Công giáo và Tin Lành Phúc âm trong việc cung cấp cứu trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, nhấn mạnh đến một “sự phục vụ theo lòng trắc ẩn và được thực hiện với sự nhạy cảm và khả năng,” nó giúp khả năng tiếp cận cả với những cộng đồng người bản địa bị cô lập.

Sawako Fujiwara, từ Chủng viện Thần học Luther tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản, đã nói về sự cam kết của các Giáo hội Kitô giáo khuyến khích “sự thờ phượng riêng” tại nhà, liên kết nó với truyền thống cầu nguyện của tu viện. Các cộng đồng Kitô giáo cũng phát triển một hệ thống cho vay mới để giúp các nhà thờ nhỏ hỗ trợ mục tử của họ.

Tất cả những đại diện của các Giáo hội châu Á nhấn mạnh sự cần thiết phải cộng tác với các cộng đồng đức tin và các tổ chức xã hội dân sự khác để hợp nhất sự cứu trợ, và đảm bảo hỗ trợ cho những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương và đau khổ nhất. Hội nghị kết luận, “Giáo hội được kêu gọi phải là một phúc lành cho tất cả mọi người ở mọi nơi và trong mọi tình huống và thời gian.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2020]


Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Môi trường Thế giới

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Môi trường Thế giới

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Môi trường Thế giới

Sự kiện được Colombia tổ chức trực tuyến

05 tháng Sáu, 2020 15:50

Theo Liên Hợp quốc Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 được Colombia chủ sự tổ chức, là ngày nổi bật nhất cho hoạt động về môi trường. Từ năm 1974, sự kiện được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng Sáu: tập trung các chính phủ, các doanh nghiệp, những nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí, và công dân tập trung những nỗ lực của họ vào vấn đề môi trường cấp bách.

Năm nay, chủ đề là hệ sinh thái – một mối quan tâm vừa cấp bách và quan trọng. Những biến cố gần đây, từ những đám cháy ở Brazil, ở Hoa Kỳ, và Úc đến những cuộc xâm nhập tàn phá của châu chấu khắp miền Đông Phi – và hiện tại là đại dịch toàn cầu – cho thấy sự tương thuộc của con người và những mạng lưới sự sống mà họ chung sống trong đó.

Sự kiện năm 2020 được dự kiến tổ chức ở Bogata, Colombia, nhưng do đại dịch coronavirus, Colombia đang chủ sự sự kiện trực tuyến.


Dưới đây là thư của Đức Thánh Cha Phanxico gửi ông Iván Duque Márquez, Tổng thống nước Cộng hòa Colombia, để đánh dấu sự kiện:



Kính gửi ngài Iván DUQUE MÁRQUEZ

Tổng thống nước Cộng hòa Colombia

Tôi vui mừng được gửi lời chào ngài, các nhà tổ chức và tham dự viên Ngày Môi trường Thế giới, theo dự kiến năm nay được tổ chức tại Bogotá, nhưng do đại dịch Covid-19 nên nó sẽ được tổ chức trực tuyến. Hoàn cảnh thách đố này nhắc chúng ta nhớ rằng khi đứng trước nghịch cảnh, những con đường mới luôn luôn mở ra để cho chúng ta được hiệp nhất như một đại gia đình nhân loại.

Việc bảo vệ môi trường và tôn trọng hệ sinh thái của hành tinh là những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chúng ta không thể giả vờ là khỏe mạnh trong một thế giới đang bệnh tật. Những vết thương gây ra cho mẹ trái đất của chúng ta cũng là những vết thương đang chảy máu trong chúng ta. Chăm sóc cho các hệ sinh thái đòi hỏi một tầm nhìn về tương lai, một tầm nhìn không chỉ quan tâm đến thời gian hiện tại hoặc tìm kiếm lợi ích nhanh chóng và dễ dàng, nhưng phải là một cái nhìn biết lo lắng cho sự sống và tìm cách bảo tồn nó vì ích lợi của tất cả mọi người.

Quả thật, thái độ của chúng ta đối với tình trạng hiện tại của hành tinh phải làm cho chúng ta biết lo lắng và trở thành những chứng nhân đối với tính nghiêm trọng của tình hình. Chúng ta không thể giữ im lặng trước tiếng kêu phản đối khi chúng ta nhận ra những cái giá phải trả rất cao của việc tàn phá và bóc lột hệ sinh thái. Bây giờ không phải là thời gian để tiếp tục nhìn về hướng khác, thờ ơ trước những dấu hiệu mà hành tinh chúng ta đang bị cướp bóc và xâm phạm vì sự tham lam lợi ích, thường núp dưới danh nghĩa phát triển. Chúng ta có cơ hội để xoay chuyển tình hình, cam kết về một thế giới tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, và để lại cho các thế hệ tương lai. Mọi sự phụ thuộc vào chúng ta nếu chúng ta thật sự muốn.

Gần đây chúng tôi kỷ niệm năm thứ năm Tông huấn Laudato Si’, là tông huấn kéo sự chú ý đến tiếng khóc của mẹ trái đất gửi đến chúng ta. Tôi cũng mời gọi tất cả quý vị cùng tham gia trong Năm đặc biệt mà tôi đã công bố để cùng nhau suy tư về tài liệu đó, để cam kết hơn nữa với việc chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, và những anh chị em dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra bên lề xã hội.

Tôi khuyến khích quý vị trong trách vụ đang đặt phía trước quý vị. Tôi tin rằng những quyết tâm và quyết định của quý vị sẽ luôn thúc đẩy việc xây dựng một thế giới ngày càng đáng sống hơn và một xã hội nhân văn hơn, nơi tất cả chúng ta đều có một vị trí và không ai bị bỏ rơi đằng sau.

Tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho quý vị và Đức Nữ Đồng trinh Diễm phúc bảo vệ quý vị.

Viết từ Vatican, 5 tháng Sáu năm 2020

PHANXICO

© Libreria Editrice Vatican

[00727-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban Nha]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2020]