Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu thương kẻ thù

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu thương kẻ thù
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu thương kẻ thù

Lời của Chúa Giê-su rất rõ: 'Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em’

24 tháng Hai, 2019 14:45

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm ngày 24 tháng Hai, 2019, trước và sau giờ Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng của Chúa nhật này (x. Lc 6:27-38) thuật lại một điểm then chốt và đặc trưng của đời sống người Ki-tô hữu: yêu thương kẻ thù. Lời của Chúa Giê-su rất rõ ràng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (cc. 27-28). Đó không phải là một lựa chọn; nó là một mệnh lệnh; không phải cho tất cả mọi người nhưng là cho các môn đệ, những người mà Chúa Giê-su gọi là “những người đang nghe Thầy đây.” Ngài biết rất rõ rằng yêu kẻ thù là vượt ra ngoài khả năng của chúng ta, nhưng chính vì điều này, Người đã hạ mình trở thành người phàm: không để chúng ta ở nguyên tình trạng xưa cũ, nhưng biến đổi chúng ta thành những con người đủ khả năng yêu thương nhiều hơn, như tình yêu của Người và của Chúa Cha. Đây là tình yêu mà Chúa Giê-su đã trao tặng cho những “người đang lắng nghe Ngài.” Và rồi điều đó trở thành khả thi! Cùng với Người, nhờ tình yêu của Người, nhờ Thần Khí của Người mà chúng ta có thể yêu thương cả những người không yêu thương chúng ta, cả những người làm hại chúng ta.

Chúa Giê-su muốn tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng vượt trên lòng thù ghét và oán hận. Luận lý của tình yêu, lên đến đỉnh điểm nơi Thập giá của Đức Ki-tô, là huy hiệu của người Ki-tô hữu và nó thúc giục chúng ta bước tới gặp gỡ mọi người với tâm tình của người anh em. Nhưng làm sao có thể vượt qua được bản năng của con người và luật thế gian muốn trả thù? Chúa Giê-su đưa ra câu trả lời trong cùng trang Tin mừng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36). Những người đang lắng nghe Chúa Giê-su, những người nỗ lực với cái giá là chính bản thân, sẽ trở thành một người con của Chúa và bắt đầu thật sự trở nên giống Ngài là Đấng ngự trên trời.

Chúng ta có khả năng làm những việc mà chúng ta chưa hề nghĩ rằng chúng ta có thể nói hay làm, và rằng thay vì chúng ta xấu hổ, thì bây giờ cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Chúng ta không cần phải dùng bạo lực bằng lời nói và hành động; chúng ta khám phá bản thân có khả năng hiền lành và nhân hậu, và chúng ta cảm nhận rằng tất cả những điều này không đến từ chúng ta nhưng đến từ Người! Và vì thế, chúng ta không phô trương, nhưng chúng ta cảm tạ. Không có điều gì sinh sôi tốt tươi bằng sự yêu thương: nó trao tặng cho con người phẩm giá, trong khi ngược lại, sự oán hận và trả thù tước mất của người đó, làm mất đi nét đẹp của tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Lệnh truyền này, là để đáp lại sự lăng nhục và điều sai trái bằng tình yêu thương, đã tạo nên một văn hóa mới trên trần gian: “văn hóa thương xót — chúng phải học tập nó thật tốt! Và thực hành thật thành thục văn hóa này — nó trao tặng một cuộc cách mạng thật sự cho cuộc sống” (Tông thư Misericordia et Misera, 20). Nó là cuộc cách mạng của tình yêu, mà vai chính là các vị tử đạo của mọi thời đại. Và Chúa Giê-su bảo đảm rằng đức hạnh của chúng ta, in đậm dấu ấn của tình yêu dành cho tất cả những ai làm hại chúng ta, sẽ không trở nên vô nghĩa. Người nói: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha [… .], anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (cc. 37-38). Thật là đẹp! Thiên Chúa sẽ trao tặng cho chúng ta điều đẹp đẽ nếu chúng ta quảng đại, đầy lòng thương xót. Chúng ta phải tha thứ vì Chúa đã thứ tha cho chúng ta và luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn toàn tha thứ, thì chúng ta cũng chẳng thể đòi hỏi được tha thứ trọn vẹn. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta rộng mở với lòng thương xót, nếu sự tha thứ được đóng dấu triện bằng một cái ôm huynh đệ và mối dây hiệp nhất được thắt chặt, là chúng ta tuyên bố cho thế giới biết rằng có thể vượt thắng cái ác bằng điều tốt lành. Đôi lúc chúng ta dễ nhớ những điều sai trái đã gây ra cho chúng ta, những điều ác đã xảy ra với chúng ta, mà lại không nhớ đến những điều tốt lành; tới mức độ có những người mang thói quen này, và nó trở thành một căn bệnh. Họ là “những người sưu tập các sự bất công”: chúng ta chỉ nhớ những điều xấu mà người ta đã gây ra. Và đây không phải là con đường. Chúng ta phải làm ngược lại, Chúa Giê-su đã nói như vậy. Hãy ghi nhớ những điều tốt lành, và khi có người đến buôn chuyện và nói xấu về người khác, hãy nói: “Nhưng, có thể … ông ấy/ bà ấy cũng có điểm này tốt …” Hãy lật ngược cách nói. Đây là cuộc cách mạng của lòng thương xót.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta cho phép tâm hồn mình được chạm đến bởi thánh ngôn của Chúa Giê-su, rực cháy như lửa, nó biến đổi chúng ta và khiến chúng ta có thể làm điều tốt mà không cần đáp trả, làm điều tốt không đòi đền đáp, làm chứng cho vinh quang của tình yêu ở mọi nơi.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Một cuộc họp rất quan trọng đã kết thúc sáng nay tại Vatican, về chủ đề Bảo vệ Trẻ Vị Thành niên. Những vị được triệu tập đến họp gồm các Thượng phụ, Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục, những Vị đứng đầu các Giáo hội Công giáo Đông phương, Đại diện các Bề trên những Dòng tu nam và nữ, và nhiều vị cộng tác với cha trong Giáo triều Roma. Như anh chị em cũng biết, vấn đề lạm dụng tình dục, xảy ra cho các trẻ vị thành niên bởi các thành viên của giới giáo sĩ, đã gây ra tai tiếng nặng nề trong Giáo hội và trong công luận suốt thời gian qua, đó là những đau khổ rất lớn lao của các nạn nhân, đó là do sự thiếu quan tâm trong những cách giải quyết và sự bao che cho tội lỗi bởi những người có trách nhiệm trong Giáo hội. Vì nó là một vấn đề xảy ra trong mọi Châu lục, nên cha muốn cùng nhau giải quyết nó, trên tinh thần đồng trách nhiệm và bình đẳng của chúng tôi, những người Mục tử, trong cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng khóc của các nạn nhân, chúng tôi đã cầu nguyện và xin Thiên Chúa và những người bị xúc phạm tha thứ, chúng tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình, trách nhiệm thực hiện công lý trong sự thật, để loại bỏ tận gốc mọi hình thức lạm dụng quyền bính, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục. Chúng tôi muốn mọi hoạt động và địa điểm của Giáo hội luôn luôn an toàn tuyệt đối cho trẻ em; và tất cả các biện pháp khả thi được thực hiện để những tội ác tương tự không tái diễn; để Giáo hội lấy lại tính hoàn toàn khả tín và đáng tin cậy trong sứ mạng phục vụ và giáo dục của mình cho những người bé nhỏ theo giáo huấn của Chúa Giê-su.

Từ đó chúng tôi sẽ có thể cộng tác với sự toàn tâm và tính hiệu quả, cùng với tất cả những người thiện chí và tất cả các thành phần và lực lượng tích cực của xã hội, trong mọi quốc gia và trên tầm mức quốc tế, để bằng mọi cách chiến đấu lại với tai họa bạo lực kinh hoàng đổ xuống hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới.

Cha gửi lời chào nồng hậu đến những khách hành hương của Roma, của Ý và nhiều quốc gia khác.

Cha xin chào các tín hữu của giáo phận Seville; tín hữu của giáo phận Trieste, Agropoli và Venegono Inferiore.

Cha gửi lời chào đến nhóm anh chị em đến đây nhân ngày “Bệnh lạ” và cha hy vọng rằng các bệnh nhân và gia đình của họ được hỗ trợ thỏa đáng trong hành trình khó khăn, cả về y tế lẫn pháp lý.

Chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2019]


Lời chào của Đức Thánh Cha với nhóm đại diện các dân tộc bản địa

Lời chào của Đức Thánh Cha với nhóm đại diện các dân tộc bản địa

Lời chào của Đức Thánh Cha với nhóm đại diện các dân tộc bản địa

Tại Tổ chức Lương Nông LHQ, Đức Thánh Cha đọc diễn từ tại Hội đồng Lãnh đạo IFAD và một nhóm Người Thổ dân


14 tháng Hai, 2019 17:32

Các bạn thân mến,

Tôi xin cảm ơn chị Mryna Cickyham với những lời phát biểu rất đẹp của chị, và tôi vui mừng được gửi lời chào đến các bạn đã tổ chức Đại hội Toàn cầu Lần thứ Tư của Diễn đàn các Dân tộc Bản địa, trùng với các phiên họp của Hội đồng Lãnh đạo, do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Thế giới triệu tập (IFAD). Chủ đề của đại hội là “Nâng cao kiến thức và những đổi mới của các dân tộc bản địa về khả năng phục hồi khí hậu và phát triển bền vững.”

Sự hiện diện của bạn ở đây cho thấy các vấn đề môi trường là vô cùng quan trọng, và một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn đến hành tinh của mình, đã bị tàn phá ở nhiều vùng vì lòng tham của con người, vì các cuộc xung đột vũ trang gây ra một loạt những tội ác và sự bất hạnh, cũng như các thảm họa tự nhiên để lại sự nghèo đói và tàn phá cho họ. Chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ trước những tai họa này,không thể trả lời cho họ bằng thái độ thờ ơ hoặc thiếu tính đoàn kết, hoặc trì hoãn các biện pháp nhằm đối phó với chúng một cách hiệu quả. Trái lại, chỉ có một ý thức mạnh mẽ về tình huynh đệ mới làm vững mạnh đôi tay của chúng ta hôm nay để mang đến sự trợ giúp cho những người cần nó, và mở ra cánh cửa ngày mai cho các thế hệ sẽ đến sau chúng ta.

Thiên Chúa tạo dựng nên trái đất vì lợi ích cho tất cả mọi người, để đó sẽ trở thành một không gian chào đón nơi không ai cảm thấy bị loại trừ và tất cả mọi người đều có thể tìm thấy một ngôi nhà. Hành tinh của chúng ta rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Và các dân tộc bản địa, với sự đa dạng phong phú về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, kiến thức và những phương pháp của tiền nhân, trở thành một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nhấn mạnh rằng con người không phải là ông chủ của thiên nhiên, mà chỉ là người trông coi, người có ơn gọi để trông giữ nó một cách cẩn thận, để sự đa dạng sinh học của nó không bị mất đi, và nguồn nước vẫn giữ được sự sạch sẽ và tinh khiết, không khí trong lành, rừng cây lá xum xuê và đất đai màu mỡ.

Người dân bản địa là một tiếng khóc sống cho hy vọng. Họ nhắc nhở chúng ta rằng con người có trách nhiệm chung trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của họ. Và nếu một số quyết định nào đó được đưa ra cho đến nay đã phá hỏng điều đó, thì vẫn không bao giờ là quá muộn để rút ra bài học và xây dựng một lối sống mới. Đó là áp dụng một con đường bỏ đi những cách thể hiện nông cạn và những thói quen có hại hoặc bóc lột, vượt qua chủ nghĩa cá nhân tàn tệ, chủ nghĩa tiêu dùng vô độ và tính ích kỷ lạnh lùng. Trái đất đau khổ và các dân tộc bản địa biết cách đối thoại với trái đất, họ biết cách lắng nghe trái đất, chiêm ngưỡng trái đất, đụng chạm vào trái đất như thế nào. Họ biết nghệ thuật sống thật hòa hợp với trái đất. Và chúng ta phải biết rằng, có thể chúng ta bị cám dỗ bởi một ảo ảnh tiến bộ với cái giá là chính trái đất. Chúng ta đừng bao giờ quên câu nói của ông bà: Thiên Chúa luôn tha thứ, con người đôi khi tha thứ, thiên nhiên không bao giờ tha thứ. Và chúng ta đang chứng kiến điều này, do sự ngược đãi và bóc lột. Các bạn là những người biết cách đối thoại với trái đất, được giao phó việc truyền đạt sự khôn ngoan này của tổ tiên.

Nếu chúng ta cùng chung sức trong tinh thần xây dựng, chúng ta gắn kết trong một cuộc đối thoại kiên trì và quảng đại, cuối cùng chúng ta sẽ ngày càng ý thức hơn rằng chúng ta cần nhau; rằng hành động nguy hại cho môi trường chung quanh chúng ta cũng có tác động tiêu cực đến sự bình yên của sự chung sống, mà có những lúc không phải là sự chung sống nhưng là sự tàn phá; rằng người nghèo không thể tiếp tục chịu đựng những bất công và người trẻ có quyền hưởng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của chúng ta và chờ đợi những câu trả lời có sức thuyết phục của chúng ta.

Xin cảm ơn các bạn rất nhiều vì sự ngoan cường qua đó các bạn khẳng định rằng trái đất không thể đơn thuần chịu bóc lột mà không có sự suy xét, mà đối với chúng ta là phải hát về nó, phải chăm sóc nó, và phải âu yếm nó. Cảm ơn các bạn đã lên tiếng đòi rằng sự tôn trọng môi trường phải luôn luôn được bảo vệ vượt trên những ích lợi kinh tế và tài chính. Kinh nghiệm của IFAD, năng lực chuyên môn của nó, cũng như những phương tiện sẵn có cho nó, cung cấp một sự phục vụ quý báu trong việc vạch ra những con đường công nhận rằng “nếu sự phát triển công nghệ và kinh tế không tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn về mọi mặt thì không thể coi là tiến bộ” (Tông huấn Laudato si’, 194).

Và trong sự hình dung chung của chúng ta, cũng có một mối nguy hiểm: những dân tộc được cho là văn minh thì thuộc “hạng nhất” và những dân tộc bản địa hoặc được gọi là bản địa thuộc “hạng hai.” Không. Đó là một sai lầm lớn của sự tiến bộ đã cắm rễ và lan tràn trên trái đất. Sự đối thoại cho cả hai dân tộc là cần thiết. Ngày nay “sự hòa trộn văn hóa” là vô cùng cần thiết, trong đó sự khôn ngoan của các dân tộc bản địa có thế đối thoại ngang hàng với sự khôn ngoan của những dân tộc phát triển nhất, mà không thủ tiêu nhau. “Sự hòa trộn văn hóa” là mục tiêu mà chúng ta phải tiếp tục hướng tới với cùng phẩm giá.

Trong khi tôi khuyến khích các bạn tiến bước, tôi khẩn cầu Thiên Chúa tiếp tục đồng hành với những cộng đồng của các bạn bằng những ơn lành của Người, và những người trong IFAD đang làm việc để bảo vệ những người sống ở các vùng nông thôn và nghèo nhất của thế giới, nhưng là những người giàu có hơn về sự khôn ngoan biết sống chung với thiên nhiên.

Cảm ơn các bạn.


*****

Lời chào của Đức Thánh Cha với ban nhân viên của IFAD

Thưa quý vị,

Tôi có thể nói bằng tiếng Tây Ban Nha, là một trong những ngôn ngữ chính thức, nhưng tôi thích sử dụng tiếng Ý hơn, vì tôi biết chắc chắn nó tốt hơn cho quý vị.

Tôi xin cảm ơn ông Chủ tịch IFAD vì sự quan tâm của ông, vì sự nhã nhặn của ông, và tôi rất vui khi được đến đây gặp gỡ quý vị, những người làm việc hàng ngày cho tổ chức quan trọng này của Liên Hợp Quốc. Quý vị đang phục vụ những người nghèo nhất trên trái đất: phần lớn họ là người sống trong các vùng nông thôn, trong những vùng xa các thành phố lớn, thường ở trong các điều kiện khó khăn và nặng nề. Tôi gửi lời chào nồng hậu đến tất cả quý vị hiện diện ở đây, cũng như tới các đồng nghiệp không thể có mặt với chúng ta – có rất nhiều người làm việc ở đây!

Nghĩ đến quý vị, hai từ ngữ đơn giản hiện lên trong đầu. Từ thứ nhất xuất phát từ trái tim là “xin cảm ơn”. Tôi tạ ơn Chúa vì công việc của quý vị phục vụ một mục đích cao cả như cuộc chiến chống nạn đói nghèo trên thế giới. Cảm ơn quý vị can đảm đi ngược dòng chảy: xu hướng ngày nay là làm trì trệ lại công cuộc giảm bớt tình trạng nghèo đói cùng cực nhưng lại gia tăng sự tập trung vào của cải nằm trong tay số ít người. Có một số ít người sở hữu quá nhiều, và quá nhiều người sở hữu quá ít. Có một số ít người sở hữu quá nhiều, và quá nhiều người sở hữu quá ít, đó là luận lý của ngày nay. Rất nhiều người không có lương thực để ăn và phải sống rất chật vật, trong khi có một số ít người ngụp lặn trong sự dư thừa. Dòng chảy bất bình đẳng này là thảm họa cho tương lai của nhân loại. Cảm ơn quý vị, vì quý vị suy nghĩ và hành động đi ngược lại với khuynh hướng hiện tại. Và cũng xin cảm ơn quý vị vì công việc thầm lặng của mình, thường bị ẩn khuất – tôi cũng muốn nói rằng đôi khi rất nhàm chán – ẩn khuất như những rễ cây không ai nhìn thấy, nhưng từ đó sản sinh ra nhựa cây nuôi dưỡng toàn bộ cây. Có lẽ quý vị không nhận được nhiều giải thưởng hay sự vinh danh, nhưng Chúa nhìn thấu suốt mọi sự và thấu biết sự hy sinh và tính chuyên môn của quý vị – Tôi nhấn mạnh từ chuyên môn –, Người ghi dấu những giờ quý vị cần mẫn làm việc trong văn phòng cùng những hy sinh. Thiên Chúa không bao giờ quên những người tốt lành và biết cách ban thưởng cho những người tốt và quảng đại.

Công việc của quý vị mang lại lợi ích cho nhiều người nghèo và thiệt thòi, những người sống sót với nhiều sự đau khổ tại các vùng ngoại vi của thế giới. Để thực hiện tốt công việc phục vụ này, cần phải kết hợp với kỹ năng và sự nhạy cảm đặc biệt của con người. Vì vậy, tôi muốn khuyên quý vị hãy luôn trau dồi đời sống nội tâm và những tình cảm giúp mở rộng tâm hồn và trở thành những con người và dân tộc cao quý. Chúng là những gia tài có giá trị hơn bất kỳ của cải vật chất. Hãy mở rộng tâm hồn. Cũng nhờ sự đóng góp của quý vị mà có thể thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em thiếu thốn – có rất nhiều trên thế giới – con số rất nhiều! – phụ nữ, và toàn bộ các gia đình. Nhiều sáng kiến tốt được thực hiện với sự hỗ trợ của quý vị. Do đó, tôi xin cảm ơn quý vị vì công việc này, và tôi cũng nói lời cảm ơn thay mặt cho rất nhiều người nghèo mà quý vị đang phục vụ.

Từ thứ hai tôi muốn nói với bạn, sau lời “cảm ơn”, là từ “tiến bước!” Nó có nghĩa là hãy tiếp tục công cuộc của quý vị với cam kết mới, không mệt mỏi, không mất hy vọng, không bỏ cuộc vì nghĩ rằng đó chỉ là một giọt nước trong biển. Mẹ Teresa nói: “Vâng, đó là một giọt nước trên biển, nhưng với giọt nước đó biển sẽ khác đi.” Bí mật nằm ở việc duy trì và nuôi dưỡng những động lực cao. Bằng cách như vậy, những nguy cơ rơi vào sự bi quan, sự tầm thường và khuynh hướng theo thói quen được khắc phục, và quý vị có thể đưa nhiệt huyết vào những công việc được thực hiện mỗi ngày, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt, những việc mà chúng ta không thể nhìn thấy kết quả của nó. Từ “nhiệt huyết” rất đẹp: chúng ta cũng có thể hiểu từ đó như là “đưa Chúa vào những gì bạn làm”. Từ ngữ đó có gốc từ: en-theos, sự nhiệt tình, đưa Chúa vào những gì bạn làm. Vì Chúa không bao giờ chán ngán làm điều tốt, nên Ngài không bao giờ thấy mệt mỏi phải bắt đầu lại. Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm này: chúng ta đã bắt đầu lại không biết bao nhiêu lần trong đời! Và điều này rất đẹp!. Người không bao giờ thấy mệt mỏi trong việc trao tặng hy vọng. Người là chìa khóa giải tỏa mệt mỏi. Và với những những quý vị có thể cầu nguyện thì cầu nguyện sẽ giúp cấp năng lượng lại cho chúng ta bằng nguồn năng lượng sạch. Thật tốt vô cùng cho chúng ta khi xin Người cùng làm việc bên cạnh chúng ta. Và nếu một người không thể cầu nguyện vì không phải là một tín hữu thì hãy mở rộng tâm hồn và khao khát điều tốt lành. Như tuổi thiếu niên thường nói: “hãy gửi đi những rung cảm tốt lành,” khao khát sự tốt lành cho người khác. Đó là cách cầu nguyện cho những người không có đức tin và không phải là tín hữu nhưng vẫn có thể làm được điều này.

Ngoài ra, trong từng tài liệu quý vị giải quyết, tôi khuyên quý vị hãy tìm thấy một khuôn mặt. Điều này rất quan trọng: đằng sau mỗi tờ giấy đều có một khuôn mặt, mười khuôn mặt, nhiều khuôn mặt … Hãy tìm lấy một khuôn mặt: những khuôn mặt của con người đằng sau các tờ giấy. Đặt mình vào trường hợp của họ để hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ … Điều quan trọng là không dừng lại trên bề mặt, nhưng là cố gắng bước vào trong thực tại để hiểu được những khuôn mặt và chạm đến được tâm hồn con người. Họ ở rất xa, nhưng họ “được ghi chép lại” ở đây. Vì vậy, công việc trở thành vấn đề ghi nhớ người khác, ghi nhớ các sự kiện và lịch sử của tất cả mọi người.

Và một điều cuối cùng: chúng ta hãy nhớ những lời Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Tinh thần bước đi trong yêu thương không mệt mỏi với người khác và cũng không trở nên mệt mỏi” (Những câu nói về sự yêu thương và ánh sáng, 96). Để tiến bước cần phải yêu thương. Câu hỏi phải đặt ra không phải là “Những gì tôi phải làm đè nặng lên tôi như thế nào?” nhưng hãy là “Tôi phải đưa bao nhiêu yêu thương vào trong những việc tôi đang làm?” Người yêu thương luôn có sức tưởng tượng để khám phá ra các giải pháp cho những điều mà người khác nhìn thấy là một vấn đề rắc rối. Người yêu thương trợ giúp người khác tùy theo nhu cầu và sức sáng tạo của mình, không dựa theo những ý tưởng đã được sắp đặt trước hoặc sáo cũ. Người đó là một người sáng tạo: yêu thương giúp bạn sáng tạo, nó luôn đi trước.

Nhiệt huyết, tìm kiếm những khuôn mặt, yêu thương: bằng cách này quý vị có thể tiến bước, và bằng cách này tôi khuyến khích các bạn hãy tiến bước, từng ngày từng ngày.

Xin Chúa chúc lành cho quý vị, cho những người thân yêu và công việc của quý vị làm tại IFAD vì lợi ích của nhiều người, để đánh bại tai họa rất nghiêm trọng đó là nạn đói trên thế giới. Và cho tôi xin quý vị một điều: tôi xin quý vị đừng quên cầu nguyện cho tôi, hay ít nhất cho tôi những suy nghĩ tốt lành. Cảm ơn quý vị!

[Các diễn từ (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/2/2019]