Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Cha mẹ của Đức Gio-an Phao-lô II: Ngài không thể có một người cha và mẹ tốt lành hơn

Cha mẹ của Đức Gio-an Phao-lô II: Ngài không thể có một người cha và mẹ tốt lành hơn

20 tháng Năm, 2017

Cha mẹ của Đức Gio-an Phao-lô II: Ngài không thể có một người cha và mẹ tốt lành hơn
EAST NEWS

Khi chúng ta đánh dấu ngày 18 tháng Năm là sinh nhật của ngài, một cái nhìn về đôi vợ chồng đã cho thế giới một vị thánh nhân.

“Chị làm ơn mở cửa sổ giúp được không? Em muốn Lolek nghe được bài hát ca khen Đức Nữ Đồng Trinh,” thân mẫu của ngài Karol Wojtyła nói sau khi con trai của bà chào đời. Sau đó thân phụ của ngài cho ngài “chủng viện gia đình đầu tiên.” Đây là cha mẹ của vị giáo hoàng và thánh nhân tương lai.
Một buổi tối sùng kính Đức Bà được tổ chức ngày 18 tháng Năm, 1920 trong Nhà thờ Wadowice lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Emilia Wojtyła 36 tuổi sinh đứa con thứ ba; chị đặt tên đứa con trai vừa chào đời là Karol (cách gọi tắt tên Lolek).
Sau khi lâm bồn thành công, người mẹ kiệt sức yêu cầu bà đỡ bằng một giọng yếu ớt: “Chị làm ơn mở cửa sổ giúp được không? Em muốn Lolek nghe được bài hát ca khen Đức Nữ Đồng Trinh.” Những lời này vẽ nên cho bạn hình ảnh một gia đình trong đó một con người chào đời, và về sau trở thành Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II.
Đó là một gia đình Công giáo rất sùng đạo, mọi thành viên đều bắt đầu một ngày với Thánh Lễ, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn, và buổi tối lắng nghe người cha đọc các trích đoạn Tin mừng.
Theo lẽ tự nhiên, khi Karol còn nhỏ, thân mẫu của ngài có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngài. Mặc dù thân mẫu chỉ sống trên dương thế cùng với ngài một thời gian không lâu, nhưng rõ ràng ngài đã thừa hưởng sự nhiệt tình của thân mẫu dành cho những người hàng xóm, tính lạc quan và sự vui vẻ của bà, biệt tài hài hước của bà. Nhưng chính Đức Giáo hoàng thừa nhận trong quyển sách Ân sủng và Mầu nhiệm, sự góp phần của thân mẫu trong giáo dục tôn giáo cho ngài “thực sự rất sâu sắc.”
Chính người mẹ của đức giáo hoàng tương lai dạy cho ngài những lời kinh nguyện và dấu thánh giá đầu đời. Lòng đạo hạnh ảnh hưởng trên Lolek có thể nhìn thấy trong một biến cố trọng đại, đó là thái độ của Karol đối với sự chia buồn của nhiều người trước cái chết của người anh Edmund của ngài. Dù hai anh em rất thân với nhau, thái độ của cậu bé Wojtyła trước cái chết của anh trai thể hiện qua lời nói: “Đây là điều Chúa muốn.” Đây chắc chắn là lời cậu nhắc lại của thân mẫu, có lần nghe thấy bà nói câu này với người hàng xóm rằng chúng ta nên tuân theo thánh ý của Thiên Chúa.
Sự tác động của thân mẫu cậu bé giảm bớt theo thời gian và căn bệnh ngày càng nặng thêm của bà Wojtyła. Mọi việc quán xuyến trong nhà và nuôi dạy đứa con út dần dần chuyển sang cho chồng của bà, ông Karol Wojtyła.
Sau cái chết của vợ, chính ông hy sinh trọn vẹn để chăm sóc cậu Lolek 9 tuổi. Để có thể có thêm thời gian cho con, ông nghỉ hưu sớm và không bao giờ tái hôn.
Những quyết định như vậy của ông Wojtyła làm cho cả hai không thể rời nhau. Sau giờ tan trường hay các ngày Chúa nhật hoặc những ngày lễ tôn giáo, họ tản bộ dọc theo các con đường của Wadowice, leo các ngọn núi ở gần đấy, ngắm cảnh vật, và chuyện trò.
Chẳng trách nhiều năm sau đức giáo hoàng đã kể lại như sau: “Những năm của thời thơ ấu và thiếu niên của tôi chủ yếu gắn với hình ảnh của cha tôi.”
Nói về thân phụ, Đức Gio-an Phao-lô II nói thêm: “Tôi có thể quan sát người thật gần và nhìn thấy người rất khắt khe với bản thân … Điều này cực kỳ quan trọng trong thời gian rất có ý nghĩa cho một cậu bé đang lớn. Cha tôi, một người rất khắt khe với bản thân, nhưng mặt khác lại không đòi hỏi quá khắt khe với con trai của mình. Nhìn vào người, tôi học được rằng con người phải tự khắt khe với bản thân và tự cam kết chu toàn những bổn phận của họ.”
Sự ngay thẳng và ý thức trách nhiệm của Wojtyła, được kế thừa bởi người con trai, đã không làm Karol Wojtyła, Sr. không được người khác công nhận ông là “một con người có văn hóa cao, đôn hậu và kiên nhẫn.” Ông cũng là một nhà ái quốc, năm 1915 ông gia nhập Binh Đoàn Ba lan, tiếp tục phục vụ trong quân đội giải phóng Ba lan.
Ông đã cấy lòng ái quốc vào trong con trai mình, dạy cậu những bài ca yêu nước và đọc cho cậu nghe những trích đoạn của tác phẩm bộ ba của Henryk Sienkiewicz. Nhiều câu nói của đức giáo hoàng trong các lần hành hương về quê nhà là bằng chứng rằng các nỗ lực của thân phụ ngài không bị lãng phí.
Thật thú vị, thân phụ của cậu Karol là một người mẫu mực của đời sống cầu nguyện liên lỉ; Đức Gio-an Phao-lô II gọi mẫu gương của ngài là “chủng viện gia đình đầu tiên.”
Theo cách nhìn của ngày nay, người ta có thể nói rằng những nỗ lực giáo dục của cha mẹ của vị giáo hoàng tương lai đã rất thành công. Sự thành công này do việc cầu nguyện liên lỉ và sự ngay thẳng đạo đức của họ cũng như tính lạc quan và kỷ luật.
Tuy nhiên, trên tất cả cha mẹ của đức giáo hoàng đã dành trọn tình yêu thương cho con của họ và đây chính là điều họ muốn con cái của họ phải ganh đua.

[Nguồn: aleteia]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/05/2017]



Kinh Truyền Tin: Chúa Thánh Thần đến

Kinh Truyền Tin: Chúa Thánh Thần đến

Đức Thánh Cha Phanxico cũng công bố bổ nhiệm năm tân Hồng y: cho El Salvador, Lào, Mali, Tây Ban nha và Thụy điển
21 tháng Năm, 2017
Kinh Truyền Tin: Chúa Thánh Thần đến
Angelus / Foto: Francesco Sforza
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* *  *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay (x. Ga 14:15-21), tiếp nối của Chúa nhật trước, dẫn đưa chúng ta đến giây phút đầy cảm xúc mạnh mẽ, đó là Bữa Tiệc Ly của Chúa Giê-su với các tông đồ của Ngài. Tác giả Tin mừng Gio-an ghi lại những lời dạy cuối cùng của Thiên Chúa, trước cuộc Thương Khó và cái Chết của Ngài. Chúa Giê-su hứa với những người bạn của Ngài, trong giây phút u buồn, đen tối đó, rằng sau Ngài họ sẽ đón nhận một “Đấng Bảo trợ khác” (c. 16). Điều này có nghĩa là một “Đấng Biện hộ” khác, một Đấng Bảo vệ, một Đấng Ủi an: “Thần Khí sự thật”  (c. 17); và Ngài thêm; “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em” (c. 18). Những lời này chuyển tải niềm vui của của sự trở lại của Đức Ki-tô: Ngài, sống lại và vinh quang, vẫn tiếp tục ở lại trong Chúa Cha, nhưng đồng thời, đến với chúng ta trong Thánh Thần. Và trong việc này, sự trở lại của Ngài, sự kết hiệp của chúng ta với Ngài và với Chúa Cha được tỏ lộ: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (c. 20).
Suy niệm những lời này của Chúa Giê-su, ngày nay chúng ta nhận thức bản thân mình với ý thức đức tin thuộc về Dân Chúa cùng kết hiệp với Chúa Cha và với Chúa Giê-su qua Thánh Thần. Trong mầu nhiệm hiệp nhất này Giáo hội tìm thấy nguồn sứ vụ vô tận, được nhận biết qua sự yêu thương. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (c. 21). Chính sự yêu thương khai tâm cho chúng ta sự hiểu biết Chúa Giê-su, nhờ vào hành động của “Đấng Biện hộ” này mà Chúa Giê-su đã gửi đến, đó là Thánh Thần. Ngày nay Thiên Chúa gọi chúng ta hãy đáp lời một cách quảng đại cho tiếng gọi yêu thương của phúc âm, đặt Thiên Chúa vào trung tâm của đời sống chúng ta và cống hiến bản thân trong việc phục vụ tha nhân, đặc biệt những người cần sự hỗ trợ và ủi an nhất.
Một thái độ không bao giờ dễ thực hành, không bao giờ được xem là chuyện đương nhiên, cũng có trong cộng đoàn Ki-tô hữu, đó là có thể yêu thương, yêu thương theo mẫu gương của Thiên Chúa và cùng với ơn sủng của Ngài. Đôi khi, những sự trái nghịch, tự phụ, ghen ghét, chia rẽ cũng để lại dấu vết trên khuôn mặt đẹp đẽ của Giáo hội. Một cộng đoàn Ki-tô hữu phải sống tinh thần bác ái của Đức Ki-tô, và quả thật, chính đó là chỗ Ác thần “đặt nanh vuốt” vào, và chúng ta có những lúc để cho mình bị lừa gạt, và những ai phải trả giá là những người yếu kém về đường thiêng liêng nhất. Có bao nhiêu người - và anh chị em thường an ủi là chỉ có một số - có bao nhiêu người đã tự họ xa lánh vì họ cảm thấy không được chào đón, họ cảm thấy không được thấu hiểu, họ cảm thấy không được yêu thương. Có bao nhiêu người đã tự mình xa lánh, chẳng hạn xa lánh khỏi giáo cứ hay các cộng đoàn vì một môi trường của tin đồn thổi, của những ghét ghen, của những đố kỵ mà họ tìm thấy ở đó. Với người Ki-tô hữu cũng vậy, có khả năng yêu thương không bao giờ là một sự thật đạt được một lần và cho tất cả. Chúng ta phải bắt đầu trở lại mỗi ngày; chúng ta phải tự thực hành để sự yêu thương của chúng ta cho anh chị em mà chúng ta gặp có thể trưởng thành và được thanh tẩy thoát khỏi những giới hạn và tội lỗi làm cho nó trở nên cục bộ, vị kỷ, cằn cỗi và bất trung. Phải học nghệ thuật yêu thương mỗi ngày. Anh chị em hãy lắng nghe điều này: Phải học nghệ thuật yêu thương mỗi ngày; mỗi ngày trường học kiên nhẫn của Đức Ki-tô phải được thực hành, mỗi ngày chúng ta phải tha thứ và nhìn đến Chúa Giê-su và những việc này với sự trợ giúp của “Đấng Biện hộ,” của Đấng Ủi an mà Chúa Giê-su đã gửi đến cho chúng ta đó là Chúa Thánh Thần.
Nguyện xin Mẹ Maria, người tông đồ hoàn hảo của Con của Mẹ và Thiên Chúa, giúp chúng ta trở nên biết vâng nghe Đấng Bảo trợ, Thần Khí sự thật, để mỗi ngày biết học yêu thương nhau như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
*
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Thật buồn, bản tin đau thương đến với chúng ta từ Cộng hòa Trung Phi, mà tôi cứ canh cánh trong lòng, đặc biệt sau chuyến viếng thăm của tôi vào tháng Mười Một, 2015. Những vụ đụng độ vũ trang đã gây ra không biết bao nhiêu người là nạn nhân và phải di tản, và đe dọa tiến trình hòa bình. Tôi bày tỏ tinh thần gần gũi với dân tộc và với các Đức Giám mục và tất cả những người cho đi bản thân vì lợi ích cho dân tộc và sự chung sống hòa bình. Tôi cầu nguyện cho những người qua đời và người bị thương và tôi lặp lại thỉnh cầu: Mong thay những loại vũ khí phải bị im tiếng và thiện chí đối thoại thắng thế, để đưa lại hòa bình và phát triển cho đất nước.
Ngày 24 tháng Năm tới tất cả sẽ cùng hiệp thông trong tinh thần với tín hữu Công giáo Trung quốc, trong ngày lễ Mẹ Maria Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc “Đấng Trợ giúp người Ki-tô hữu,” được tôn kính tại Đền Sheshan ở Thượng hải. Tôi xin ngỏ lời với người Công giáo Trung quốc: chúng ta hãy hướng mắt về Mẹ Maria của chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta nhận biết được Thánh ý của Thiên Chúa về con đường thực tại của Giáo hội ở Trung quốc và hỗ trợ chúng ta biết chấp nhận chương trình yêu thương của Mẹ với lòng quảng đại. Mẹ Maria khuyến khích chúng ta đưa ra những sự đóng góp cá nhân cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu và cho sự hòa hợp của toàn xã hội. Chúng ta đừng quên làm chứng tá đức tin bằng lời cầu nguyện và bằng tình yêu, luôn luôn gắn kết bản thân vào việc gặp gỡ và đối thoại.
Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em tín hữu của Roma và những người hành hương, đặc biệt với Ca đoàn Nguyện đường của Đại thánh đường Pamplona; nhóm trường Đại học Sao Tomas của Lisbon; nhóm tín hữu của Nhà nguyện Thánh Charles thuộc bệnh viện Thánh Giáo Thánh Simon ở Paris; tất cả những người vùng Torrent (Valencia, Spain), thuộc Canada và Hoa kỳ, trong số đó có những người từ Đảo Guam.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến các em Thêm sức và những ứng viên Thêm sức của Giáo phận Genoa: với ơn Chúa giúp cha sẽ đến thăm thành phố của các con vào thứ Bảy tới, và các tín hữu thuộc giáo xứ Thánh Maria Goretti của Roma.
Anh chị em thân mến, tôi xin thông báo rằng ngày thứ Tư, 28 tháng Sáu, tôi sẽ nhóm họp một Thượng hội nghị để bổ nhiệm năm Hồng y mới. Gốc gác của các ngài từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới thể hiện tính rộng khắp của Giáo hội lan rộng trên khắp địa cầu và chọn một tước hiệu hay một diakonia trong thành phố diễn tả sự phụ thuộc của các Hồng y với giáo phận Roma. Và ngày thứ Năm, 29 tháng Sáu, Lễ Trọng hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, tôi sẽ dâng Lễ với các đức Tân Hồng y, với Hồng y đoàn, với các Đức Tân Giám mục, các Đức Tổng Giám mục Chính tòa, các Giám mục và một số tư tế presbyters.
Sau đây là tên của các Đức Tân Hồng y: Đức ông Jean Zerbo, Tổng Giám mục giáo phận Bamako, Mali; Đức ông Juan Jose Omella, Tổng Giám mục giáo phận Barcelona, Tây ban nha; Đức ông Anders Arborelius, Giám mục giáo phận Stockholm, Thụy điển; Đức ông Luis Marie-Ling Mangkhanekhoun, Giám mục Hiệu tòa của Acque Nuove di Proconsolare, Phủ doãn Tông tòa Pakse, Lào; Đức ông Gregorio Rosa Chavez, Giám mục Hiệu tòa của Mulli, Phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador, El Salvador.
Chúng ta phó thác các vị tân Hồng y dưới sự bảo trợ của các Thánh Phê-rô và Phao-lô, để cùng với sự can thiệp của Hoàng tử của các Tông đồ, các ngài trở nên những người phục vụ chính trực cho sự hiệp nhất hội thánh và cùng với Thánh Tông đồ của Dân ngoại, trở thành những sứ giả tin vui của Tin mừng trên toàn thế giới, và với chứng tá và sự cố vấn của các ngài, hỗ trợ tôi nhiều hơn trong sứ vụ phục vụ như là giám mục của Roma, tư tế chung của Giáo hội.
Tôi xin chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn sớm gặp lại anh chị em!
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/05/2017]