Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 30 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 30 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, 30.10.2022

*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

____________________________________________

Trước giờ đọc Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong phần Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu, là người đứng đầu những người thu thuế của thành Giêricô (Lc 19:1-10). Trung tâm của trình thuật này có động từ tìm kiếm. Anh chị em lưu ý: tìm kiếm. Ông Giakêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai” (câu 3), và sau khi gặp ông, Chúa Giêsu nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (câu 10). Chúng ta tập trung một chút vào hai ánh mắt tìm kiếm này: ánh mắt của ông Giakêu đang tìm kiếm Chúa Giêsu, và ánh mắt của Chúa Giêsu đang tìm ông Giakêu.

Ánh mắt của ông Giakêu. Ông là người thu thuế, tức là một người Do Thái thu thuế thay mặt cho những người La Mã cai trị, một kẻ phản bội quê hương và lợi dụng địa vị của mình. Vì vậy, ông Giakêu giàu có, bị mọi người khinh ghét – bị khinh ghét! – và bị xem là một người có tội. Bản văn kể rằng “ông ta lại lùn” (câu 3), và điều này có lẽ cũng ám chỉ đến sự thấp hèn bên trong của ông, ám chỉ đến cuộc sống tầm thường, không trung thực của ông, với cái nhìn luôn hướng xuống dưới. Nhưng điều quan trọng ở chỗ ông là người nhỏ bé. Tuy nhiên, ông Giakêu muốn gặp Chúa Giêsu. Có điều gì đó đã thúc đẩy ông ta đến gặp Chúa. Tin mừng kể: “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó” (câu 4). Ông trèo lên một cây sung: Giakêu, một con người thống trị mọi người, tự biến mình thành lố bịch và đi theo con đường chịu nhạo báng – để gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều gì sẽ xảy ra, chẳng hạn một bộ trưởng kinh tế trèo lên cây để xem một thứ gì đó: ông ta có nguy cơ bị chế giễu. Và Giakêu đã liều chịu chế giễu để gặp Chúa Giêsu, ông tự làm cho mình trở nên lố bịch. Bất chấp sự thấp bé của mình, ông Giakêu cảm thấy cần phải tìm kiếm một cách nhìn khác, cách nhìn của Đức Kitô. Ông ta vẫn chưa biết Chúa, nhưng ông ta đang chờ một người giải thoát ông khỏi tình trạng của mình – thấp hèn về đạo đức – để đưa ông ta ra khỏi vũng lầy mà ông đang chìm mình trong đó. Đây là điều vô cùng quan trọng: ông Giakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống không bao giờ mất tất cả. Không bao giờ mất tất cả, không bao giờ. Chúng ta luôn có thể tìm thấy không gian cho lòng khát khao muốn bắt đầu trở lại, làm lại từ đầu, hoán cải. Hoán cải, bắt đầu trở lại, làm lại từ đầu. Và đây là những gì ông Giakêu làm.

Về phương diện này, khía cạnh thứ hai có ý nghĩa quyết định: ánh mắt nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai xuống để tìm kiếm những người đã mất; và khi đến Giêricô, Ngài đi ngang qua cây sung nơi ông Giakêu đang ở trên đó. Tin Mừng thuật lại rằng “Đức Giêsu nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”(câu 5). Đó là một hình ảnh thật sự đẹp, bởi vì nếu Chúa Giêsu phải nhìn lên, có nghĩa là Chúa đang nhìn Giakêu từ phía dưới. Đây là lịch sử ơn cứu độ: Thiên Chúa không bao giờ khinh khi chúng ta – không; khinh thường chúng ta – không; phán xét chúng ta – không; ngược lại, Chúa hạ mình đến mức rửa chân cho chúng ta, nhìn đến chúng ta từ bên dưới và phục hồi lại phẩm giá cho chúng ta. Theo cách này, cuộc gặp gỡ của ánh mắt giữa ông Giakêu và Chúa Giêsu dường như tóm gọn toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại với những đau khổ của mình tìm kiếm ơn cứu chuộc, nhưng trên hết, Thiên Chúa với lòng thương xót tìm kiếm thụ tạo vật để giải thoát.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhớ điều này: ánh mắt của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng Người nhìn vào những gì chúng ta có thể trở thành với sự tin tưởng vô hạn. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người “thấp bé”, không đủ cao để đối phó với những thử thách của cuộc sống và còn thấp kém hơn nhiều trước những thách đố của Tin Mừng, chìm mình trong những vấn đề và tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta với lòng yêu thương, Người nhìn chúng ta như nhìn ông Giakêu, Chúa đến với chúng ta, Chúa gọi tên chúng ta, và nếu chúng ta chào đón Chúa, Người sẽ đến nhà của chúng ta. Rồi chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta nhìn vào bản thân mình như thế nào? Chúng ta có cảm thấy bất xứng và buông xuôi không, hay chính khi đó, khi chúng ta cảm thấy thất vọng, thì chúng ta tìm gặp Chúa Giêsu không? Và rồi: chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã phạm sai lỗi, và những người đang đấu tranh để đứng dậy thoát khỏi bụi bẩn sai lầm của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ phía trên, phán xét, khinh khi, loại trừ không? Hãy nhớ rằng việc nhìn người khác từ trên cao chỉ chính đáng khi giúp họ đứng dậy: chỉ vậy thôi. Chỉ có trường hợp như vậy mới chính đáng khi nhìn từ trên cao xuống. Nhưng người Kitô hữu chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng bao dung, tìm kiếm những người hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây phải là cái nhìn của Giáo Hội, luôn luôn là cái nhìn của Chúa Kitô, không phải cái nhìn lên án.

Chúng ta hãy cầu xin với Mẹ Maria, mà lòng khiêm hạ của Mẹ đã được Thiên Chúa đoái trông, và xin Mẹ ban ơn cho chúng ta cái nhìn mới về bản thân và người khác.

___________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Khi cử hành vinh quang của Đức Kitô chiến thắng sự dữ và sự chết, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Mogadishu, đã giết chết hơn một trăm người, trong đó có nhiều trẻ em. Xin Chúa hoán cải tâm hồn của những kẻ bạo lực!

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người – đặc biệt là những thanh thiếu niên – đã chết ở Seoul vào đêm qua do hậu quả bi thảm của một làn sóng đám đông người.

Hôm qua, tại Medellín, Colombia, Chân phước María Berenice Duque Hencker, vị sáng lập Dòng Tiểu muội Truyền tin, đã được tuyên phong chân phước. Chị đã dành trọn vẹn cuộc đời mình, cho đến phút cuối vào năm 1993, để phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em, đặc biệt là những người bé mọn và bị loại trừ. Xin cho lòng nhiệt thành tông đồ của chị, điều đã thúc đẩy chị mang sứ điệp của Chúa Giêsu vượt ra ngoài biên giới đất nước của chị, củng cố trong mọi người lòng khao khát tham gia vào việc phổ biến Tin Mừng trên khắp thế giới, bằng lời cầu nguyện và lòng bác ái. Chúng ta cùng vỗ tay mừng vị tân Chân phước, xin tất cả anh chị em!

Cha xin chào anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn, và các tín hữu. Đặc biệt cha xin chào các tín hữu đến từ Córdoba, từ Tây Ban Nha, và ca đoàn Orfeón Donostiarra đến từ San Sebastián, đang kỷ niệm 125 năm hoạt động; thanh thiếu niên nam nữ thuộc Phong trào Hakuna; nhóm São Paulo của Brazil; và các giáo sĩ và nam nữ tu sĩ người Indonesia cư trú tại Roma. Cha xin chào các thành viên tham gia hội nghị được tổ chức bởi mạng lưới “Uniservitate” trên toàn thế giới và bởi LUMSA; cũng như thiếu nhi đến từ Naples chuẩn bị Rước lễ lần đầu và các nhóm tín hữu đến từ Magreta, Nocera Inferiore và Nardò. Và các bạn trẻ của phong trào Immacolata.

Xin chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Ukraine tử đạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, đừng bao giờ mệt mỏi khi làm việc đó!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và chúng ta sẽ gặp lại nhau trong Lễ Các Thánh.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/10/2022]


Cây thông Giáng sinh và cảnh hang đá Chúa giáng sinh ở Vatican năm nay đến từ đâu?

Cây thông Giáng sinh và cảnh hang đá Chúa giáng sinh ở Vatican năm nay đến từ đâu?


THE CHURCH

|

2022/10/28


https://www.youtube.com/watch?v=NEgSM-Quu-g

Nghi thức khánh thành cây thông Noel và cảnh hang đá Chúa giáng sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ diễn ra vào lúc 5:00 chiều ngày 3 tháng 12 theo giờ Roma.

Vatican đã công bố xuất xứ của cây thông và cảnh hang đá Chúa giáng sinh năm nay. Cây thông và cảnh Giáng sinh sẽ được khai mạc tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 5:00 chiều ngày 3 tháng Mười Hai trong một nghi thức do Đức Hồng y Fernando Vérgez, Chủ tịch phủ Thống đốc Thị quốc Vatican, chủ trì.

Cây thông Noel sẽ là một cây vân sam trắng cao gần 100 feet (ND: gần 31 mét) đến từ Rosell, một thị trấn nhỏ miền núi thuộc miền trung nước Ý chỉ có 182 cư dân.

Cảnh Chúa Giáng sinh sẽ đến từ Sutrio, một ngôi làng nhỏ gần Venice, và được làm hoàn toàn bằng gỗ chạm khắc thủ công.

Cũng sẽ có một cảnh Chúa Giáng sinh của chính phủ Guatemala tặng đặt trong Khán phòng Phaolô VI. Cảnh Giáng sinh mô tả Gia đình Thánh và ba Thiên thần, và được các nghệ nhân Guatemala làm bằng những tấm vải lớn sặc sỡ và tượng gỗ.

Cây thông và cảnh Chúa Giáng sinh sẽ được trưng bày ở Quảng trường Thánh Phêrô cho đến ngày 8 tháng Giêng.


[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/10/2022]


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

HỌP CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH “Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại của các tôn giáo và văn hóa”

HỌP CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH
“Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại của các tôn giáo và văn hóa”

Đức Thánh cha: “Hòa bình là trung tâm của các Tôn giáo, trong Kinh Thánh và trong các thông điệp của Kinh Thánh”

HỌP CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH “Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại của các tôn giáo và văn hóa”

Vatican Media

*******
Kêu gọi hòa bình

Chiều nay, tại Hý trường Colosseum, cuộc họp mặt quốc tế do Cộng đoàn Sant’Egidio thúc đẩy trong “Tinh thần Assisi” với chủ đề “Tiếng kêu của hòa bình. Đối thoại Tôn giáo và Văn hóa”, diễn ra từ 23 đến 25/10.

Lúc 4:30 chiều Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì buổi cầu nguyện với các Kitô hữu cùng với đại diện của các tôn giáo khác. Cuối cùng, Đức Thánh Cha cùng với những vị đại diện lên sân khấu nơi diễn ra Cuộc Họp mặt quốc tế và bắt đầu nghi thức, Lời kêu gọi Hòa bình được đọc lên ở cuối nghi thức.

_____________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa quý vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô giáo và các Tôn giáo của Thế giới,

Thưa các nhà chức trách dân sự,

Anh chị em thân mến,

Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị đã tham dự buổi họp cầu nguyện cho hòa bình này. Theo cách đặc biệt, tôi xin cảm ơn các nhà lãnh đạo Kitô giáo và những nhà lãnh đạo thuộc các tôn giáo khác cùng tham dự với chúng tôi trong tinh thần huynh đệ, một tinh thần đã truyền cảm hứng cho cuộc hiệu triệu lịch sử đầu tiên của Thánh Gioan Phaolô II ở Assisi, 36 năm về trước.

Năm nay lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một lời khẩn cầu tha thiết, bởi vì ngày nay hòa bình đã bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tấn công và bị chà đạp, và điều này là ở Châu Âu, trên chính lục địa mà trong thế kỷ trước đã phải gánh chịu nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới. Thật đáng buồn, kể từ đó chiến tranh vẫn tiếp tục gây ra đổ máu và làm kiệt quệ trái đất. Tuy nhiên, tình hình mà chúng ta đang trải qua hiện nay vô cùng nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng luôn nghe thấy lời khẩn cầu sầu khổ của con cái của Ngài.

Hòa bình là trung tâm của các tôn giáo, các sách thiêng liêng và giáo huấn của tôn giáo. Tối nay, trong sự thinh lặng cầu nguyện, chúng ta đã nghe thấy lời khẩn xin hòa bình đó: một nền hòa bình bị tiêu diệt ở rất nhiều khu vực trên thế giới, bị vi phạm bởi quá nhiều hành vi bạo lực, và bị từ chối ngay cả đối với trẻ em và người già cũng không được tha cho những khổ đau cay đắng của chiến tranh. Lời khẩn xin hòa bình đó thường bị bóp nghẹt, không chỉ bởi những luận điệu căm thù mà còn bởi sự thờ ơ. Nó biến thành sự im lặng bởi lòng thù ghét đang lan rộng khi cuộc chiến vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, lời khẩn cầu hòa bình không thể bị dập tắt: nó trỗi dậy từ con tim của những người mẹ; nó khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di tản, những người bị thương và những người đang chết. Và lời khẩn cầu thầm lặng này bay lên tận trời cao. Nó không có công thức ma thuật nào để chấm dứt xung đột, nhưng nó có quyền thiêng liêng để cầu xin hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và nó xứng đáng được lắng nghe. Nó hiệu triệu tất cả mọi người dành thời gian và lắng nghe cách nghiêm túc và đầy lòng tôn trọng, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo chính phủ. Lời khẩn xin hòa bình đó thể hiện nỗi đau đớn và kinh hoàng của chiến tranh, là mẹ đẻ của mọi sự nghèo khổ.

“Mỗi cuộc chiến đều làm cho thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một sự thất bại của chính trị và của con người, một sự nhượng bộ đáng xấu hổ, một thất bại đau đớn trước các thế lực của sự dữ” (Tông huấn Fratelli Tutti, 261). Những nhận thức này là kết quả của các bài học đau đớn của thế kỷ XX, và đáng buồn thay, một lần nữa là của đầu của thế kỷ XXI. Trên thực tế, ngày nay một điều mà chúng ta khiếp sợ và hy vọng không bao giờ nghe thấy hiện đang bị đe dọa: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, những thứ mà ngay cả sau Hiroshima và Nagasaki vẫn tiếp tục được sản xuất và thử nghiệm cách sai lầm.

Trong viễn cảnh ảm đạm này, đáng buồn phải nói rằng kế hoạch của các nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới lại không xét đến nguyện vọng chính đáng của các dân tộc, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta không bao giờ thay đổi, đó là “kế hoạch hòa bình chứ không phải tai ương” (x. Gr 29:11). Ở đây tiếng nói của người không có tiếng nói được nghe thấy; ở đây niềm hy vọng của người nghèo và người cô thế được thiết lập vững chắc: trong Thiên Chúa, Đấng mà danh Người là Hòa bình. Hòa bình là món quà của Thiên Chúa, và chúng ta khẩn cầu món quà đó từ Ngài. Tuy nhiên, hòa bình phải được đón nhận và nuôi dưỡng bởi con người, đặc biệt là bởi những người có niềm tin như chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị lây nhiễm bởi luận điệu ương ngạnh của chiến tranh; chúng ta đừng rơi vào cạm bẫy của lòng căm hận kẻ thù. Một lần nữa, chúng ta hãy đặt hòa bình vào trọng tâm của tầm nhìn cho tương lai, làm mục tiêu chính cho các hoạt động cá nhân, xã hội và chính trị ở mọi cấp độ. Chúng ta hãy xoa dịu những cuộc xung đột bằng vũ khí đối thoại.

Vào tháng Mười năm 1962, giữa cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng, khi sự đối đầu quân sự và thảm họa hạt nhân dường như sắp xảy ra, Thánh Gioan XXIII đã đưa ra lời kêu gọi này: “Chúng tôi cầu xin tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ không bịt tai trước tiếng kêu này của nhân loại. Hãy để họ làm mọi việc trong khả năng của họ để bảo vệ hòa bình. Từ đó, họ sẽ giải thoát cho thế giới thoát khỏi sự kinh hoàng của một cuộc chiến tranh, những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước được… Thúc đẩy, nuôi dưỡng và chấp nhận đối thoại ở mọi cấp độ và trong mọi thời đại là nguyên tắc của sự khôn ngoan và cẩn trọng, thu hút phúc lành của trời đất” (Thông điệp Radio, ngày 25 tháng Mười năm 1962).

Sáu mươi năm sau, những lời này vẫn khắc ghi trong chúng ta bởi tính hợp thời của nó. Tôi lấy những lời đó làm của riêng mình. Chúng ta không “trung lập, nhưng liên minh vì hòa bình”, và vì lý do đó “chúng ta kêu gọi ius pacis là quyền của tất cả mọi người để giải quyết những xung đột theo cách phi bạo lực” (Gặp gỡ Sinh viên và Đại diện của Thế giới Học thuật, Bologna, ngày 1 tháng Mười năm 2017).

Trong những năm gần đây, mối quan hệ huynh đệ giữa các tôn giáo đã có những bước tiến mang tính quyết định: “Tôn giáo giúp các dân tộc trở thành anh chị em chung sống trong hòa bình” (Họp mặt các tôn giáo vì hòa bình, ngày 7 tháng Mười năm 2021). Càng ngày chúng ta càng cảm nhận rằng chúng ta đều là anh chị em của nhau! Một năm trước khi tập trung tại đây trước Hý trường Colosseum, chúng ta đã đưa ra lời kêu gọi vô cùng phù hợp cho ngày nay: “Không được sử dụng các tôn giáo cho chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thiêng liêng và không ai được sử dụng danh Thiên Chúa để chúc phúc cho khủng bố và bạo lực. Nếu bạn nhìn thấy chiến xung quanh mình, đừng bỏ cuộc! Các dân tộc mong muốn hòa bình ”(sđd).

Đây là những gì chúng ta cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta đừng bao giờ đầu hàng chiến tranh; chúng ta hãy gieo những hạt giống hòa giải. Hôm nay, chúng ta hãy dâng lên trời cao lời khẩn cầu hòa bình của chúng ta, một lần nữa theo lời của Thánh Gioan XXIII: “Xin cho tất cả các dân tộc đến với nhau như anh chị em, và xin cho nền hòa bình mà họ khao khát sẽ luôn hưng thịnh và ngự trị ở giữa họ” (Pacem in Terris, 171). Xin được như vậy, với ân sủng của Thiên Chúa và thiện chí của những người Chúa thương.”


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2022]


Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Shutterstock | Damira

Daniel Esparza

18/10/22

Đi theo đường mòn Jordan, người ta tìm thấy khu vực nơi Thánh Gioan Tẩy Giả sống, rao giảng và bị chặt đầu.

Đường mòn Jordan là một lối mòn đi bộ đường trường dài 700 km xuyên qua Jordan từ bắc xuống nam. Đây là một đường bộ hành hương đường trường, có trụ sở tại Đất Thánh chứa đầy những điểm tham khảo và phiêu lưu trong Kinh thánh. Nó được chia thành tám khu vực có thể đi trong khoảng 40 ngày.

Trong khi đi đến vùng thứ hai, từ Aljoun đến As-Salt, người ta tìm thấy di tích thành cổ Mkawir kiên cố, nằm ở phía đông Biển Chết, cách cửa sông Jordan khoảng 16 dặm về phía đông nam, và không quá xa Al-Maghtas, nơi được chính thức biết đến là Bethany Beyond the Jordan, địa điểm chịu phép rửa của Chúa Giêsu, khu vực Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng và thực hiện thừa tác vụ.

Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Từ trên đỉnh đồi, người ta có thể nhìn thấy nhiều hang động nhỏ mà các ẩn sĩ, và các tu sĩ đã tạc vào đá sa thạch để sống cuộc đời cầu nguyện ở gần nơi Thánh Gioan Tẩy giả bị chặt đầu.

Mối quan hệ của thành Mkawir (tiếng Hy Lạp là Maxairous; tiếng Latinh là Machaerus) với địa điểm rửa tội của Chúa Giêsu có thể không rõ ràng đối với những người chưa biết nơi này. Ít nhất từ thời kỳ Byzantine thì Bethany Beyond the Jordan được tôn kính là vị trí nguyên thủy nơi Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu.

Những lời chứng thực của Thánh Theodosius the Cenobiarch (một tu sĩ, tu viện trưởng và một vị thánh thời kỳ đầu) đã chứng minh lại những gì mà Tòa Thượng Phụ Latinh và UNESCO nhất trí tuyên bố: rằng Bethany Beyond the Jordan là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho Chúa Giêsu Kitô. Văn bản của Thánh Theodosius viết rằng:

Cách Biển Chết 5 dặm về phía bắc, nơi Chúa chịu phép rửa có một cây cột đơn và trên cột có gắn một cây thánh giá bằng sắt, có cả nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả mà Hoàng đế Anastasius đã xây dựng.

Cây cột vẫn chưa được phát hiện, nhưng tất cả những di tích khảo cổ và kiến trúc được tìm thấy ở Al-Maghtas đều trùng khớp với miêu tả của Thánh Theodosius. Ngoài ra, Tin mừng của Thánh Gioan giải thích thừa tác vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả diễn ra ở “bên kia sông Giođan” – nghĩa là ở Bêtania bên kia sông Giođan. Văn bản viết:

“Ông Gio-an trả lời: ‘Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.’ Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa. (Ga 1:26-28)

Nhưng nếu Al-Maghtas là khu vực Thánh Gioan Tẩy Giả, người anh họ của Chúa Giêsu, sống và làm thừa tác vụ, thì Mkawir là nơi ông bị chặt đầu.

Chỉ còn lại một vài cột đá cẩm thạch và những bức tường đá từ nơi từng là cung điện của Hêrôđê Antipas, nhưng từ trên đỉnh đồi, người ta có thể nhìn thấy nhiều hang động nhỏ nơi các ẩn sĩ, và các tu sĩ tạc vào đá sa thạch để sống cuộc đời cầu nguyện trong khu vực gần với nơi mà theo nhà sử học Flavius Josephus thuộc thế kỷ I, là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị chặt đầu.

Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Chỉ còn lại một vài cột đá cẩm thạch và tường đá từ nơi từng là cung điện của Hêrôđê Antipas.

Ngày nay những hang động này được người chăn cừu sử dụng, họ tìm kiếm nơi trú ẩn tránh cái nóng (ban ngày) và cái lạnh (trong những đêm dài đầy sao) của sa mạc phía nam Jordan. Sự tĩnh lặng tuyệt đối ở đây thỉnh thoảng chỉ bị gián đoạn bởi một tiếng chuông gọi dê. Một số người nói rằng chính Thánh Gioan Tẩy Giả có thể đã bị giam giữ tại một trong những hang động này.

Theo các Tin mừng của Thánh Máccô (6:24) và Thánh Matthêu (14: 8), việc chém đầu Thánh Gioan Tẩy Giả diễn ra vào năm 32 sau Công nguyên, sau khi Gioan đã bị giam giữ ít nhất hai năm trong pháo đài này.

Năm ngoái, một nhóm các nhà khảo cổ làm việc tại Mkawir có thể đã phát hiện ra sàn nhảy nơi Salome trình bày điệu múa bỉ ổi của cô ta. Nếu đúng thì địa điểm này cũng là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ bị chặt đầu mà còn bị kết án tử hình.

Theo những bước chân của Thánh Gioan Tẩy Giả ở Đất Thánh Jordan

Các hang động được tìm thấy khắp khu vực xung quanh Machaerus. Người ta tin rằng Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị giam giữ tại một trong số các hang này.

Các câu truyện trong Kinh thánh giải thích rằng Vua Hêrôđê Antipas sẽ kết hôn với Herodias, nhưng hai người trước đó đã kết hôn với những người khác. Gioan Tẩy Giả đã khiến nhà vua không hài lòng sau khi ông công khai chỉ trích cuộc hôn nhân của họ, lên án việc kết hôn là tội lỗi. Trong khi Hêrôđê không muốn xử tử Gioan Tẩy Giả, vì e sợ cuộc nổi dậy của những người coi Gioan như một nhà tiên tri, ông ta đã bỏ tù Gioan.

Tuy nhiên, nhà vua nhanh chóng bị Herodias thao túng để hành quyết tù nhân, thông qua con gái của bà là Salome. Như các sách Phúc âm kể lại, Salome đã nhảy múa quá đẹp trước nhà vua đến nỗi ông hứa cho bất cứ điều gì cô ta yêu cầu. Theo gợi ý của mẹ, Salome xin đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên một cái đĩa. Và yêu cầu đã được chấp nhận.

Một đại sảnh được phát hiện ở Machaerus có thể là nơi Salome đã nhảy múa. Giám đốc cuộc khai quật, ông Győző Vörös, đồng thời là Giám đốc Dự án của Bộ Cổ vật Jordan, lưu ý rằng sàn nhảy, được phát hiện lần đầu vào năm 1980, có một ngách nhỏ ở bên hông. ông Vörös cho rằng ngách này tại một điểm có đủ không gian cho một ngai vàng. Hêrôđê hẳn đã ngồi vào chỗ đó khi xem Salome khiêu vũ.

Để tìm hiểu thêm về các địa điểm trong Kinh thánh ở Jordan, cũng như các khu vực và hướng dẫn hành hương khác nhau mà đất nước này cung cấp, hãy truy cập website Holy Jordan. Để biết các ưu đãi du lịch cụ thể, các chương trình khuyến mãi và các gói hành hương có sẵn, truy cập website Holy Jordan Travel Deals.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2022]


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô: học cách đọc nỗi buồn, “chuông báo thức cho cuộc sống”

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô: học cách đọc nỗi buồn, “chuông báo thức cho cuộc sống”

Bài Giáo lý về Phân định. Sự sầu khổ

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô: học cách đọc nỗi buồn, “chuông báo thức cho cuộc sống”

© Vatican Media



*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 sáng trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự Phân định, tập trung suy tư chủ đề: “Vấn đề phân định, sự buồn phiền” (Bài đọc: Hc 2:1-2.4-5).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

________________________________


Bài giáo lý về Phân định. 7. Vấn đề phân định. Sự sầu khổ.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, phân định không phải là một tiến trình luận lý; nó dựa trên các hành động, và các hành động cũng có một nghĩa rộng về cảm xúc là điều phải được thừa nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Sau đó, chúng ta hãy đi vào cảm xúc đầu tiên, đối tượng của sự phân định: sự sầu khổ. Điều đó có nghĩa là gì?

Sự sầu khổ được định nghĩa như sau: “Sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, chuyển động về những điều thấp hèn và phàm tục, lo lắng từ những xao động và cám dỗ khác nhau, vốn xui bẩy đến chỗ thiếu lòng tin tưởng, mất niềm hy vọng, mất lòng hy mến, khi cảm thấy mọi sự lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã trải qua điều này, về sự sầu khổ, bằng cách này hay cách khác. Vấn đề là làm thế nào để giải thích nó, bởi vì nó cũng có một điều gì đó quan trọng để nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng giải phóng mình khỏi nó, chúng ta có nguy cơ đánh mất điều này.

Không ai muốn trở nên sầu khổ, buồn bã: điều này đúng. Tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, ngoài việc không thể – bởi vì điều đó là không thể – mà nó cũng sẽ không tốt cho chúng ta. Thật vậy, sự thay đổi từ một đời sống hướng đến sự sa ngã có thể bắt đầu từ một tình huống buồn bã, hối hận về những gì một người đã làm. Từ nguyên của từ này, “hối hận” là rất đẹp: sự hối hận của lương tâm, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hối hận: theo nghĩa đen chính là lương tâm cắn rứt [trong tiếng Ý là mordere] không cho phép bình an. Thi sĩ Alessandro Manzoni, trong tác phẩm The Betrothed, đã cho chúng ta sự miêu tả rất hay về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc đời của một người. Đó là về cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng y Federico Borromeo và Người Vô Danh, người sau một đêm khủng khiếp đã đến gặp hồng y trong suy sụp, vị hồng y nói với anh ta bằng những lời đáng ngạc nhiên: “Anh có một số tin tốt lành cho tôi; tại sao anh lại ngần ngại nói ra?” Người kia nói, “Tin tốt lành sao?” “Tôi có địa ngục trong tâm hồn […]. Hãy cho tôi biết, hãy cho tôi biết, hồng y có thể mong chờ tin tốt lành gì từ một người như tôi”. “Chúa đã chạm vào tâm hồn anh, và đang kéo anh đến với Ngài”, vị hồng y đã trả lời một cách bình tĩnh” (Ch. 23). Thiên Chúa chạm vào tâm hồn, và điều gì đó đến với bạn trong nội tâm, nỗi buồn, sự hối hận về điều gì đó, và đó là lời mời gọi bạn khởi hành trên một con đường mới. Con người của Thiên Chúa biết cách chú ý sâu xa những gì đang chuyển động trong tâm hồn.

Điều quan trọng là học cách đọc nỗi buồn. Tất cả chúng ta đều biết nỗi buồn là gì: tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta có biết cách để giải thích nó không? Chúng ta có biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, nỗi buồn hôm nay không? Trong thời đại của chúng ta, nỗi buồn hầu như bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh cần tránh bằng mọi giá, nhưng thay vì vậy nó có thể là một hồi chuông báo động không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và màu mỡ hơn mà chủ nghĩa thoát ly thực tế không cho phép. Thánh Tôma định nghĩa nỗi buồn như một nỗi đau của linh hồn: giống như các dây thần kinh của thể xác, nó chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích bị xem nhẹ (xem Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì vậy, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta không làm hại bản thân và những người khác. Sẽ còn nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều nếu không cảm nhận điều này, và cứ bước tới. Đôi khi nỗi buồn hoạt động như một đèn giao thông: “Dừng lại, dừng lại! Nó là màu đỏ, ở đây. Dừng lại”.

Mặt khác, đối với những người mong muốn làm điều tốt lành, sự buồn bã là một trở ngại mà kẻ cám dỗ cố gắng làm chúng ta nản chí. Trong trường hợp đó, người ta phải hành động theo cách hoàn toàn ngược lại với những gì đã được đề nghị, quyết tâm tiếp tục những gì đã khởi sự làm (xem Linh Thao, 318). Hãy nghĩ đến công việc, học tập, cầu nguyện, một cam kết được thực hiện: nếu chúng ta vội từ bỏ ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Tin mừng nhắc nhở chúng ta rằng con đường dẫn đến sự tốt lành thì hẹp và dốc, nó đòi hỏi phải chiến đấu, tự chinh phục. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc tận tâm cho một công việc tốt lành, và kỳ lạ thay, ngay sau đó tôi lại nghĩ đến những điều cần phải làm gấp – để không cầu nguyện hay làm việc thiện. Tất cả chúng ta đều trải qua điều này. Điều quan trọng là đối với những ai muốn phục vụ Thiên Chúa là không bị đi sai hướng bởi sự sầu khổ. Và điều này nữa. “Nhưng không, tôi không muốn, việc này thật nhàm chán…” – hãy cẩn thận. Thật không may, một số người quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc sự lựa chọn họ đã chọn, từ bỏ hôn nhân hoặc đời sống tôn giáo, bị thúc đẩy bởi sự sầu khổ, mà trước hết không dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng sầu khổ. Chính thời gian sau đó sẽ cho thấy sự tốt đẹp hoặc mặt khác của những lựa chọn của chúng ta, thay vì tâm trạng ngay lúc đó.

Điều thú vị là trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đẩy lùi các cám dỗ với thái độ cương quyết (x. Mt 3:14-15; 4:1-11; 16:21-23). Các thử thách tấn công Ngài mọi phía, nhưng luôn tìm thấy trong Ngài sự kiên định này, quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Cha, chúng đã thất bại và không còn cản trở con đường của Ngài. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời khắc quan trọng, như Kinh Thánh nhắc lại một cách rõ ràng rằng: “Nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2:1). Nếu anh chị em muốn đi con đường tốt lành, hãy chuẩn bị cho mình: sẽ có những trở ngại, sẽ có những cám dỗ, sẽ có lúc buồn bã. Nó giống như khi một giáo sư kiểm tra một sinh viên: nếu giáo sư thấy rằng sinh viên đó biết những điểm trọng yếu của môn học, ông không cần tiếp tục: sinh viên đã vượt qua bài kiểm tra. Nhưng sinh viên phải vượt qua bài kiểm tra.

Nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi cô đơn và sự sầu khổ bằng sự cởi mở và nhận thức, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ về mặt con người và tinh thần. Không có thử thách nào vượt ngoài tầm tay của chúng ta; không thử thách nào lớn hơn những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng trốn chạy khỏi thử thách: hãy xem thử thách này có nghĩa gì, nỗi buồn của tôi có ý nghĩa gì: tại sao tôi buồn? Trong thời điểm này tôi đang ở trong nỗi sầu khổ là có ý nghĩa gì? Việc tôi đang ở trong tình trạng sầu khổ và không thể tiếp tục có ý nghĩa gì? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị thử thách vượt quá mức khả năng của mình, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và khi có Người ở bên, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (x. 1 Cr 10:13). Và nếu chúng ta không vượt qua được ngày hôm nay, chúng ta sẽ đứng dậy vào lúc khác, chúng ta tiến bước và chúng ta sẽ vượt qua nó vào ngày mai. Nhưng chúng ta đừng chịu chết – đó là một cách nói – chúng ta đừng để tiếp tục bị đánh bại bởi một thời khắc buồn bã, sầu khổ: hãy tiến về phía trước. Xin Chúa chúc phúc cho con đường này – sự can đảm – của đời sống tinh thần, vốn luôn là một cuộc hành trình.

_________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ nước Anh, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Malta, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

___________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Chúng ta thật kinh hoàng nhìn thấy những biến cố tiếp tục nhuộm máu nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi vô cùng đau buồn về vụ tấn công không thể chấp nhận được diễn ra trong những ngày gần đây ở Maboya, tỉnh Bắc Kivu, nơi những người không có khả năng tự vệ, gồm cả một nữ tu bị giết khi đang chăm sóc sức khỏe. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, cũng như cho cộng đồng Kitô giáo và cư dân của khu vực đó, những người đã kiệt sức vì bạo lực quá lâu.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2022]


Nga ‘sẵn lòng’ nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine

Nga ‘sẵn lòng’ nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine

Nga ‘sẵn lòng’ nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine

Vladimir Putin / Credit: Flickr from Global Panorama (CC BY-SA 2.0) Pope Francis / Daniel Ibañez, ACI Press

CNA Staff

Denver Newsroom, Oct 26, 2022 / 13:33 pm


Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Hoa Kỳ và Pháp để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả những điều này (tình hình ở Ukraine) với người Mỹ, người Pháp và với giáo hoàng,” ông Peskov nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại hàng ngày vào ngày 25 tháng Mười.

Quan chức Nga đề cập đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai đã xin Đức Giáo hoàng Roma kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill để “thúc đẩy tiến trình hòa bình” ở Ukraine.

Trong một tuyên bố với tạp chí Le Point, Tổng thống Macron cho biết ông khuyến khích “Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi ông Vladimir Putin và Đức Thượng phụ Kirill, và cả Tổng thống Joe Biden. Chúng ta cần Hoa Kỳ ngồi vào bàn để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”.

Ông Peskov nói rằng “nếu điều này thực sự đi theo hướng với những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi, thì nó có thể được đánh giá một cách tích cực.”

Đã 8 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, cuộc chiến cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 thường dân, trong đó có gần 400 trẻ em.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2022]


Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

“Không có gì biện minh cho cuộc chiến này, không có gì giải thích cho cuộc chiến này”

“Không có gì biện minh cho cuộc chiến này, không có gì giải thích cho cuộc chiến này”

Tổng thống Pháp gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

“Không có gì để biện minh cho cuộc chiến này, không có gì để giải thích cho cuộc chiến này”

Vatican Media



Sáng nay, tại Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Pháp, ông Emmanuel Macron, sau đó ông gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, cùng với Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Thứ trưởng về Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế.

Trong các thảo luận thân mật diễn ra tại phủ Quốc vụ khanh, hai bên tập trung vào các vấn đề về quốc tế, bắt đầu từ cuộc xung đột ở Ukraine, nhất là chú ý đến tình hình nhân đạo. Đặc biệt xét đến khu vực Caucasus, Trung Đông và Châu Phi.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2022]


"Sự thật là điều chỉ ra sự khác biệt của thông tin và truyền thông"

"Sự thật là điều chỉ ra sự khác biệt của thông tin và truyền thông"

EWTN dinner: Phát biểu của Đức Hồng y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh

"Sự thật là điều chỉ ra sự khác biệt của thông tin và truyền thông"

© Vatican News


*******


Chào các bạn khán giả của EWTN,

Tôi xin cảm ơn các bạn đã mời tôi tham dự buổi họp mặt của các chi nhánh ở Châu Âu. Tôi xin chào ông Michael Warsaw, Giám đốc điều hành và cũng là cố vấn của Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, và cùng với ông tôi xin gửi lời chào tất cả những người làm việc với các bạn.

Truyền đạt sứ điệp cứu độ của Tin Mừng, đặc biệt qua Huấn Quyền của Đấng Kế vị Thánh Phêrô, là một lời kêu gọi mạnh mẽ, ngày nay được thực hiện với những phương pháp mới và ngôn ngữ mới.

Các bạn đã yêu cầu tôi chia sẻ suy tư ngắn về chủ đề “Sự thật là điều chỉ ra sự khác biệt của thông tin và truyền thông”.

Sự thật là một chủ đề vô cùng quan trọng đối với các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông như các bạn. Trong những năm qua, đó là vấn đề nổi bật hơn bao giờ hết trong các cuộc tranh luận mở rộng do sự lan truyền tin giả cũng như của một loại hình truyền thông thường dựa trên cách trình bày xuyên tạc, hoặc giả tạo của người khác. Đây là một kiểu cuồng tín dựa trên niềm tin rằng sự thật mà một người tin thì hoàn toàn hợp pháp để tiêu diệt người khác, điều mà các chuyên gia truyền thông gọi là “sự ám sát đặc tính”. Việc này được thực hiện để áp đặt quan điểm của riêng một người về sự thật trên những người khác. Thay vào đó, như Thánh Gioan Phaolô II đã nhận xét trong sứ điệp của ngài cho Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ XXXV, “ngay cả khi sự thật đã đạt đến — và điều này chỉ có thể xảy ra một cách hạn chế và không hoàn hảo — thì cũng không bao giờ có thể áp đặt điều đó”. Do đó, càng không thể áp đặt cách trình bày sự thật bị bóp méo của một người.

Là người Kitô hữu, điều này chắc chắn là đúng đối với các chuyên gia truyền thông, nhận thức về sự thật không chỉ giới hạn ở góc độ theo chiều ngang, chỉ liên quan đến đời sống xã hội của chúng ta. Có một chiều kích sâu sắc hơn nhiều.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, sự thật là Ngôi vị, Ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolô đã nói, Người là Đấng nắm giữ mọi sự (x. Cl 1:17). Chính sự gặp gỡ này bảo đảm rằng truyền thông không đơn thuần là một nghề truyền tải thông tin, mà hiểu và đặt trách nhiệm này trong một tầm nhìn rộng lớn hơn so với việc phổ biến tin tức cho dù là quan trọng. Chính cuộc gặp gỡ này, được dệt nên bởi tình yêu dành cho tha nhân, đã tạo nên sự hiệp nhất gắn kết mọi sự với nhau.

Ở đây tôi muốn nhắc lại những điều Mẹ Angelica, vị sáng lập của các bạn, từng nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là nói sự thật, và mỗi người có thể đảm nhận hoặc không đảm nhận nhiệm vụ này. Nhưng trên tất cả sự thật phải ở trong chúng ta”. Chúng ta phải luôn ghi khắc lời này và phải có cùng một nhận thức như vậy: sự thật không thuộc về chúng ta – chúng ta phục vụ cho sự thật. Và chúng ta chỉ có thể phục vụ nó trong tình yêu thương và sự hiệp nhất. Chúng ta là người canh giữ nó, không phải là chủ sở hữu của nó. Sự thật ở trong chúng ta nếu chúng ta khiêm tốn và can đảm biết cách chào đón nó, cho dù có lúc nó không thể hiện như chúng ta mong đợi.

Vậy tình yêu này dành cho sự thật, tình yêu dành cho Ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu dành cho Giáo hội, được chuyển thành sứ mạng của các bạn với tư cách là những chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông như thế nào?

Trước hết, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần chỉ ra, chúng ta có thể làm chứng cho điều này qua phong cách làm truyền thông của mình. Trong một thông điệp gửi đến các thành viên của Hiệp hội Báo chí Công giáo vào tháng Sáu năm 2020, Đức Thánh Cha mời gọi các cơ quan truyền thông Công giáo Hoa Kỳ làm việc vì sự hiệp thông, ngày nay thậm chí còn nhiều hơn thế, “trong một thời đại ghi đậm dấu bởi những cuộc xung đột và phân cực mà chính cộng đồng Công giáo cũng không phải là ngoại lệ. Đức Thánh Cha nói tiếp, “Chúng ta cần phương tiện truyền thông có khả năng xây dựng những cầu nối, bảo vệ sự sống và phá bỏ những bức tường hữu hình và vô hình ngăn cản sự đối thoại chân thành và truyền thông sự thật giữa các cá nhân và cộng đồng”. Nếu chúng ta thực sự tin rằng “chúng ta là phần thân thể của nhau”, như thánh Phaolô khuyên chúng ta (Êp 4:25), thì chúng ta phải “lắng tai nghe người khác bằng con tim”, không có thành kiến hay loại trừ. Mượn câu phương châm của Thánh John Henry Newman, việc làm truyền thông của chúng ta phải là “nói từ trái tim đến trái tim”.

Do đó, một mạng lưới tin tức quốc tế lớn, như EWTN, đưa ra sứ điệp của Tin Mừng, được kêu gọi để thúc đẩy sự hiểu biết giữa con người, đối thoại giữa các cộng đồng và tìm kiếm những địa điểm và cơ hội tạo ra sự tiếp xúc giữa các thế giới cách xa, đôi khi có xung đột với nhau.

Điều mà Thánh Tông đồ Phêrô yêu cầu nơi những người tín hữu đầu tiên trong Đức Kitô Phục sinh cách đây hai ngàn năm phù hợp với ngày nay cách đặc biệt, nhất là đối với những người đang thực hiện một nhiệm vụ như các bạn: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”. Tuy nhiên, ngài nói thêm, “nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3:14-17). Những lời này chắc chắn là lời khắc cốt ghi tâm của vị sáng lập của các bạn. Mẹ Angelica khẳng định: “Bạn không thể lên Thiên đàng nếu ghen ghét ai đó. Hãy tha thứ ngay bây giờ. Hãy thương xót ngay bây giờ. Hãy kiên trì và tạ ơn ngay bây giờ”. Các phương tiện truyền thông phải cố gắng không truyền bá sự thù ghét, mà trái lại thúc đẩy một sự truyền thông không thù địch, thậm chí còn phải nhiều hơn đối với phương tiện truyền thông nhằm mục đích làm nổi bật căn tính Công giáo. Sự thật, và các giá trị được rút ra từ sự thật, phải được gìn giữ cách can đảm. Tuy nhiên, lời công bố này nên được xây dựng theo một phong cách của lòng thương xót bởi những người kiên nhẫn lắng nghe con người trong thời đại chúng ta, những người đồng hành với họ, thậm chí trở thành người làm sáng tỏ nỗi đau khổ và những mối quan tâm của con người.

“Truyền thông” có gốc từ chữ “hiệp thông”. Hiệp thông nằm trong DNA của truyền thông, và về bản chất là khát vọng mạnh mẽ nhất của nó. Ngược lại, nếu một truyền thông thổi bùng những ngọn lửa phân cực, hoặc dựng nên những bức tường thay vì phá bỏ chúng, là phản bội bản chất của nó. Việc công bố sự thật không thể tách rời khỏi việc thực thi bác ái. Thánh Gioan Phaolô II đã ủng hộ điều này trong Sứ điệp của ngài cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ XXV, khi nhắc lại Huấn thị Communio et Progressio được xuất bản hai mươi năm trước đó, ngài nhận xét rằng “nếu các phương tiện truyền thông trở thành phương tiện hữu hiệu để thông công và thăng tiến con người thực sự, thì chúng phải là những kênh và những phương cách truyền đạt của sự thật, công lý và hòa bình, thiện chí và đức ái tích cực, giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương và hiệp thông”.

Tôi muốn kết thúc với một điều vô cùng tâm đắc đối với tôi. Các phương tiện truyền thông Công giáo, như các bạn đều rõ, có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ rao truyền Phúc âm. Đây là lý do tại sao thật là tốt lành khi họ cảm nhận mình là một phần tích cực của đời sống Giáo hội, trước hết bằng cách sống trong tinh thần hiệp thông với Đức Giám mục Roma. Điều này ngày nay càng trở nên cấp bách hơn trong thời điểm được đánh dấu bằng những tranh luận quá gay gắt, kể cả trong Giáo hội, thậm chí cả về con người và Huấn quyền của Đức Giáo hoàng. Khi Mẹ Angelica thành lập EWTN với lòng can đảm rất lớn và sự sáng tạo phi thường, mẹ làm việc đó chỉ là để cung cấp một công cụ phục vụ cho Giáo hội và Giáo hoàng. Đây tiếp tục là sứ mệnh và phần thưởng lớn nhất của các bạn – trở thành và bản thân trải nghiệm việc phục vụ Giáo hội và Đấng kế nhiệm Thánh Phêrô. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói, khi nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho Thánh Phêrô (Lc 22:31), sứ mạng Chúa Giêsu giao phó cho Thánh Tông đồ liên quan đến Giáo hội liên tục qua các thế kỷ và qua các thế hệ loài người (x. Tiếp kiến ​​chung, ngày 2 tháng 12 năm 1992). Ma quỷ luôn tìm cách sàng lọc chúng ta như lúa mì, nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là mỏ neo ơn cứu độ cho chúng ta.

Ước mong rằng tinh thần hiệp thông này với Đức Giáo hoàng là dấu chỉ đặc biệt trong công việc của các bạn. Ước mong rằng điều này được “cảm nhận” và “được chạm đến” trong các chương trình truyền hình của các bạn, cũng như trong các bài viết và các chương trình đa phương tiện của các bạn. Mong rằng các khán giả hoặc độc giả của các bạn nhận ra EWTN là công việc của Chúa để phục vụ sự thật, sự hiệp thông của Giáo hội và lợi ích của nhân loại.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2022]


Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 10, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 23 tháng Mười, 2022

*******

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong giờ đọc Kinh Truyền tin. Lúc 12 giờ trưa nay, Đức thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

____________________________

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn trong đó có hai nhân vật chính, một người Pharisêu và một người thu thuế (Lc 18:9-14), nghĩa là một người sùng đạo và một kẻ mắc tội công khai. Cả hai người đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế mới thực sự dâng mình lên Thiên Chúa, vì anh ta hạ mình trong sự khiêm nhường và anh ta thể hiện con người của chính anh ta, không che đậy giả tạo, với sự nghèo nàn của mình. Do đó, chúng ta có thể nói rằng dụ ngôn nằm giữa hai hành động, được diễn tả bằng hai động từ: nâng lên và hạ xuống.

Hành động thứ nhất là nâng lên. Thật vậy, bản văn bắt đầu kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện” (câu 10). Khía cạnh này gợi lại nhiều chi tiết trong Kinh Thánh, trong đó để gặp gỡ Thiên Chúa, con người phải đi lên núi nơi có sự hiện hữu của Người: ông Abraham lên núi để dâng của lễ; ông Môsê lên Núi Sinai để nhận các Điều Răn; Chúa Giêsu lên núi nơi Ngài biến hình. Do đó, nâng lên thể hiện sự cần thiết của tâm hồn phải tách ra khỏi đời sống phẳng lặng để hướng về Chúa; vượt lên khỏi cao nguyên bản ngã của chúng ta để tiến về Thiên Chúa, giải thoát bản thân khỏi cái “tôi” của mình; gặt hái những gì chúng ta sống trong thung lũng để mang nó đến trước mặt Chúa. Đây là “sự nâng lên”, và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ nâng lên.

Nhưng để sống sự gặp gỡ với Chúa và được biến đổi bằng lời cầu nguyện, để hướng lên Thiên Chúa, cần phải có một hành động thứ hai: hạ xuống. Làm thế nào được? Điều đó có nghĩa là gì? Để nâng mình lên hướng về Chúa, chúng ta phải hạ mình trong lòng: tu dưỡng sự chân thành và khiêm nhường của tâm hồn để cho chúng ta một cái nhìn trung thực về những mỏng giòn và nghèo nàn trong lòng của chúng ta. Thật vậy, bằng sự khiêm nhường chúng ta mới có khả năng đem con người thật của chúng ta đến với Thiên Chúa, mà không cần ra vẻ: những vết thương, những tội lỗi và đau khổ đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, và nài xin lòng thương xót của Chúa để Ngài chữa lành chúng ta, phục hồi chúng ta và nâng chúng ta lên lên. Chính Chúa sẽ nâng chúng ta lên, không phải chúng ta. Chúng ta càng hạ mình trong sự khiêm nhường, thì Thiên Chúa càng nâng chúng ta lên.

Thật vậy, người thu thuế trong dụ ngôn khiêm nhường dừng lại ở đàng xa (xem câu 13) – anh ta không đến gần, anh ta xấu hổ – anh ta cầu xin sự tha thứ, và Chúa nâng anh ta lên. Ngược lại, người Pharisêu tự đề cao bản thân, tự tin, tin chắc rằng anh ta tốt lành: đứng thẳng, anh ta bắt đầu nói với Chúa về bản thân, tự ca ngợi mình, liệt kê tất cả những việc tốt lành mà anh ta làm, và khinh thường người khác: “Tôi không giống người kia…”. Đây là việc làm của lòng kiêu căng tinh thần. “Nhưng thưa cha, sao cha lại nói với chúng con về lòng kiêu căng tinh thần?” Bởi vì tất cả chúng ta đều có nguy cơ rơi vào cái bẫy này. Nó khiến bạn tin rằng mình là người công chính và phán xét người khác. Đây là sự kiêu ngạo tinh thần: “Tôi là người tốt, tôi tốt lành hơn những người khác: người này làm điều này, người kia làm điều kia…”. Và theo cách này bạn tôn thờ cái tôi của chính mình mà không nhận ra, và phủ nhận Thiên Chúa. Nó xoay quanh bản thân một người. Đây là lời cầu nguyện không có sự khiêm nhường.

Thưa anh chị em, người Pharisêu và người thu thuế liên quan gần gũi đến chúng ta. Nghĩ đến họ, chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân: chúng ta phải xét xem liệu trong chúng ta có quả quyết về sự công chính của bản thân như người Pharisêu (xem câu 9) khiến chúng ta khinh thường người khác hay không. Chẳng hạn, việc đó xảy ra khi chúng ta tìm kiếm những lời tán thưởng và luôn lập danh sách những công trạng và việc làm tốt lành của mình, khi chúng ta quan tâm đến việc chúng ta xuất hiện với hình thức như thế nào hơn là xuất hiện với chính con người chúng ta, khi chúng ta để mình bị cầm giữ trong tính tự kỷ ái mộ và tính phô trương. Chúng ta hãy thận trọng với tính tự kỷ ái mộ và tính phô trương, dựa trên lòng kiêu ngạo, khiến ngay cả người Kitô hữu chúng ta, cả các linh mục và giám mục, luôn có một từ ngữ trên môi. Đó là từ nào? “Tôi”: “Tôi đã làm điều này, tôi viết điều đó, tôi nói điều đó, tôi hiểu điều đó trước bạn”, v.v.. Ở đâu có quá nhiều chữ “tôi”, ở đó có rất ít Thiên Chúa. Ở đất nước tôi, những người này được gọi là “Tôi, với tôi, cho tôi, chỉ có tôi”, đây là tên của những người đó. Và ngày xưa họ thường kể về một linh mục như thế, tự cho mình là trung tâm, và người ta nói đùa rằng, “Khi linh mục xông hương, ông ấy làm ngược lại, ông ấy tự xông hương chính mình”. Nó giống như vậy đó; thậm chí nó làm cho bạn có vẻ lố bịch.

Chúng ta hãy xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, là hình ảnh sống động của điều Thiên Chúa mong muốn hoàn tất, hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (x. Lc 1:52).

____________________________________

Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Thế giới Truyền giáo, với chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”. Đây là một cơ hội quan trọng để khơi dậy trong tất cả những người đã được rửa tội khao khát tham gia vào sứ mạng phổ quát của Giáo hội, qua việc làm chứng và loan báo Tin Mừng. Tôi động viên tất cả mọi người hỗ trợ các nhà truyền giáo bằng lời cầu nguyện và tình liên đới cụ thể, để họ có thể tiếp tục công việc rao giảng Phúc âm và thăng tiến con người trên khắp thế giới.

Hôm nay bắt đầu mở đăng ký cho Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ diễn ra tại Lisbon vào tháng Tám năm 2023. Cha đã mời hai bạn trẻ Bồ Đào Nha đến đây với cha để cha cũng đăng ký, với tư cách là một người hành hương. Cha đăng ký ngay bây giờ [click trên máy tính bảng]. Xong, cha đã đăng ký. Các con, các con đã đăng ký chưa? Hãy đăng ký… Còn con, con đã đăng ký chưa? Đăng ký đi… Rồi đó, ở lại đây. Các con giới trẻ thân yêu, cha mời gọi các con hãy đăng ký tham gia buổi họp mặt này, để sau một thời gian dài xa cách, chúng ta sẽ tái khám phá niềm vui của tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa các thế hệ, điều mà chúng ta rất cần!

Hôm qua, Cha Vicente Nicasio Renuncio Toribio và 11 bạn đồng hành của Dòng Chúa Cứu Thế, bị giết vì sự thù ghét đức tin ở Tây Ban Nha năm 1936, đã được tuyên phong chân phước tại Madrid. Tấm gương của những chứng nhân cho Đức Kitô, những người đã đổ máu mình, thúc đẩy chúng ta kiên vững và can đảm; Xin cho lời cầu bầu của các ngài nâng đỡ những ai đang nỗ lực gieo rắc Tin Mừng trên thế giới. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các vị tân Chân Phước!

Tôi lo lắng theo dõi tình hình xung đột dai dẳng ở Ethiopia. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại với lòng chân thành tha thiết rằng bạo lực không giải quyết được mối bất hòa mà chỉ làm tăng thêm những hậu quả bi thảm. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị hãy chấm dứt sự đau khổ của người dân không có khả năng tự vệ và tìm ra các giải pháp công bằng cho nền hòa bình lâu dài trên khắp đất nước. Ước mong những nỗ lực của các bên trong việc đối thoại và tìm kiếm lợi ích chung sẽ dẫn đến một con đường hòa giải thực sự. Ước mong lời cầu nguyện của chúng ta, tình liên đới và những viện trợ nhân đạo cần thiết của chúng ta sẽ đến được với các anh chị em Ethiopia của chúng ta, những người đang chịu thử thách nặng nề.

Tôi thật đau buồn trước những trận lũ lụt đang ảnh hưởng đến các quốc gia ở Châu Phi và gây ra những chết chóc và tàn phá. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và tỏ lòng gần gũi với hàng triệu người phải di tản, và tôi hy vọng sẽ có một nỗ lực phối hợp lớn hơn nữa để ngăn chặn những thảm họa này.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào các giáo sĩ đến từ Indonesia và các tu sĩ cư ngụ tại Roma; cộng đồng Peru đang mừng lễ kỷ niệm Señor de los Milagros, Trung tâm Học thuật Roma Fundación và nhóm anh chị em đến từ giáo phận Tarnow của Ba Lan. Cha chào các tín hữu từ đến từ San Donà di Piave, Padua, Pontedera và Molfetta, các ứng sinh Thêm sức đến từ Piacenza, nhóm “TIberiade” đến từ Carrobbio degli Angeli và Phong trào Bất bạo động đến từ Verona. Và hôm nay, khi bắt đầu nội các mới, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự thống nhất và hòa bình ở Ý.

Hai ngày tới, Thứ Ba, 25 tháng Mười, tôi sẽ đến hý viện Colosseum để cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên thế giới, cùng với đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo và các tôn giáo trên thế giới, tập trung tại Roma để tham dự cuộc họp “Cry of Peace”. Tôi mời gọi anh chị em cùng hiệp thông tinh thần trong lời khẩn cầu mạnh mẽ này dâng lên Thiên Chúa: cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang tử đạo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/10/2022]


Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới

Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới

Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo lần thứ 96 – 23 tháng Mười, 2022

Các thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội Truyền giáo trên toàn thế giới


THỐNG KÊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 2022

Special feature prepared by Stefano Lodigiani

Vatican City (Agenzia Fides) – Như mọi năm, trước Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm 96 năm vào ngày Chúa nhật, 23 tháng Mười năm 2022, hãng thông tấn Fides New Service chọn đưa ra một số thống kê để cho thấy bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới. Các bảng dưới đây được lấy từ ấn bản mới nhất của “Sách Thống kê của Giáo hội” được xuất bản (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2020) liên quan đến các thành viên của Giáo hội, các tổ chức hội thánh, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Xin lưu ý rằng các mức độ thay đổi được biểu thị trong ngoặc, tăng (+) hoặc giảm (-) so với năm trước (2019), theo so sánh được thực hiện bởi Fides News Service. Cuối cùng là báo cáo bức tranh về các giáo khu thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm.

Dân số thế giới

Tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2020, dân số thế giới là 7.667.136.000 người, tăng 89.359.000 người so với năm trước. Mức tăng dân số được ghi nhận, trong năm nay ở mọi châu lục. Mức tăng được ghi nhận nhiều nhất là ở Châu Á (+39.670.000) và Châu Phi (+37.844.000), tiếp theo là Châu Mỹ (+8.560.000), Châu Âu (+2.657.000) và Châu Đại Dương (+628.000).

Người Công giáo

Vào cùng ngày 31 tháng Mười Hai năm 2020, số người Công giáo trên thế giới là 1.359.612.000 người với số tăng chung là 15.209.000 so với năm trước. Số tăng diễn ra ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Đại Dương (-9.000). Như trước đây, mức tăng được ghi nhận cao nhất ở Châu Phi (+5.290.000) và Châu Mỹ (+6.463.000), tiếp theo là Châu Á (+2.731.000) và Châu Âu (+734.000). Tỷ lệ phần trăm người Công giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,01) so với năm trước, đạt 17,73%. Các châu lục ghi nhận những thay đổi nhỏ, ngoại trừ Châu Đại Dương vẫn không thay đổi.

Số người và người Công giáo trên mỗi linh mục

Năm nay, số người tính trên mỗi linh mục trên thế giới tăng 95, bình quân là 14.948. Mức gia tăng ở Châu Đại Dương (+349), Châu Mỹ (+177) và Châu Âu (+130). Giảm ở Châu Phi (- 1.784) và Châu Á (-78). Số người Công giáo trên mỗi linh mục trên thế giới tăng 69, trung bình là 3.314. Sự gia tăng diễn ra ở tất cả các châu lục: Châu Mỹ (+117), Châu Đại Dương (+53), Châu Âu (+49), Châu Á (+15) và Châu Phi (+3).

Các giáo khu và giáo điểm

Số giáo khu chỉ tăng 1 so với năm trước, đạt số 3.027. Các giáo khu mới được xây dựng duy nhất ở Châu Mỹ (+2), trong khi số giáo khu ở tất cả các châu lục khác vẫn không thay đổi, ngoại trừ Châu Á, nơi ghi nhận giảm 1.

Số các giáo điểm có linh mục thường trú là 3.284 (+67). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Mỹ (+149) và Châu Đại Dương (+6), giảm ở Châu Á (-66), ở Châu Phi (-19) và ở Châu Âu (-3).

Các giáo điểm không có linh mục thường trú giảm 253 đơn vị, tổng số là 131.154 với con số thay đổi ở tất cả các châu lục: giảm ở Châu Mỹ (-122), Châu Á (-383), Châu Âu (-1), tăng ở Châu Phi (+249) và ở Châu Đại Dương (+4).

Giám mục

Tổng số giám mục trên thế giới giảm 1, còn 5.363. Số Giám mục Giáo phận tăng (+22) và Giám mục Dòng giảm (-23). Số Giám mục Giáo phận là 4.156, trong khi Giám mục Dòng là 1.207. Số Giám mục Giáo phận tăng ở Châu Mỹ (+25) và Châu Á (+2), trong khi số giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-4) và Châu Đại Dương (-1), không thay đổi ở Châu Phi. Các Giám mục Dòng giảm ở tất cả các lục địa:

Châu Mỹ (-9), Châu Á (-7), Châu Âu (-5), Châu Phi (-2). Không thay đổi ở Châu Đại Dương.

Linh mục

Tổng số linh mục trên thế giới giảm còn 410.219 (-4.117). Một lần nữa châu lục ghi nhận mức giảm lớn là Châu Âu (-4.374), Châu Mỹ (-1.421) và Châu Đại Dương (-104). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.004) và Châu Á (+778).

Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 1.615, còn tổng số 280.521, trong đó mức giảm ở Châu Âu (-2.880), Châu Mỹ (-364) và Châu Đại Dương (-40). Mức tăng đã được ghi nhận ở Châu Phi (+1.116) và Châu Á (+553).

Số linh mục dòng giảm 2.502, còn tổng số 129.698. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Á (+225), giảm ở Châu Âu (-1.494), Châu Mỹ (-1.057) Châu Phi (-112) và Châu Đại Dương (-64).

Phó tế vĩnh viễn

Số phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục tăng, năm nay tăng 397, đạt số 48.635. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Châu Mỹ (+558) và Châu Đại Dương (+38), giảm ở Châu Âu (-97), Châu Á (-62) và Châu Phi (-40).

Phó tế vĩnh viễn thuộc giáo phận trên thế giới là 48.259, với số tăng thêm là 656. Tăng ở Châu Mỹ (+604), Châu Đại Dương (+36), Châu Á (+17), Châu Âu (+10), giảm ở Châu Phi (-11).

Phó tế vĩnh viễn thuộc dòng là 376, giảm 259 so với năm trước. Mức giảm ở Châu Âu (-107), Châu Á (-79), Châu Mỹ (-46), Châu Phi (-29), mức tăng duy nhất ở Châu Đại Dương (+2).

Tu sĩ nam nữ

Số linh mục không thuộc dòng tăng 274, lên 50.569. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-537) và ở Châu Đại Dương (-67). Tăng ở Châu Âu (+428), Châu Á (+347) và Châu Phi (+103).

Ngay cả trong năm nay, có sự giảm sút chung về số lượng nữ tu là 10.553, còn tổng số là 619.546. Một lần nữa, mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.503) và Châu Á (+364), mức giảm ở Châu Âu (-8.852), Châu Mỹ (-4.326) và Châu Đại Dương (–242).

Thành viên nam nữ tu hội đời

Tổng số thành viên các tu hội nam là 583 (+1). Giảm ở Châu Phi (-14), tăng ở Châu Mỹ (+11) và Châu Á (+4), không thay đổi ở Châu Âu và Châu Đại Dương.

Tổng số thành viên tu hội nữ cũng giảm 947 trong năm nay, với tổng số 19.966 thành viên. Mức tăng ở Châu Phi (+60), trong khi mức giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-924), châu Mỹ (-81) và châu Á (-2), không thay đổi ở châu Đại Dương.

Thừa sai giáo dân và giáo lý viên

Tổng số thừa sai giáo dân trên thế giới là 413.561 người, với tổng số tăng thêm là 3.121. Những con số được ghi nhận là: Châu Phi (+559), Châu Mỹ (+3.535), Châu Á (+4.114), Châu Âu (-5.064), Châu Đại Dương (-23).

Giáo lý viên trên thế giới giảm 190.985, còn tổng số 2.883.049. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-162.010), Châu Âu (-24.954), Châu Á (-18.282) và Châu Đại Dương (-505). Mức tăng duy nhất được ghi nhận ở Châu Phi (+14.766).

Đại chủng sinh

Số đại chủng sinh, giáo phận và dòng giảm 2.203 trên toàn cầu trong năm nay, với tổng số 111.855. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+907), giảm ở Châu Mỹ (-1.261), Châu Á (-1.168), Châu Âu (-680) và Châu Đại Dương (-1).

Tổng số đại chủng sinh giáo phận là 67.987 (-622), và số đại chủng sinh dòng là 43.868 (-1.581). Số đại chủng sinh giáo phận tăng ở Châu Phi (+505) và Châu Đại Dương (+9), giảm ở Châu Mỹ (-524), Châu Âu (-497) và Châu Á (-115).

Số đại chủng sinh dòng chỉ tăng ở Châu Phi (+402), giảm ở Châu Á (-1.053), Châu Mỹ (-737), Châu Âu (-183) và Châu Đại Dương (-10).

Tiểu chủng sinh

Tổng số tiểu chủng sinh giáo phận và dòng tu năm nay giảm năm thứ năm liên tiếp, với số giảm là 1.592, tổng số còn 95.398. Sự giảm sút được ghi nhận ở Châu Mỹ (-1.049), Châu Á (-644), Châu Âu (-275), mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+375) và Châu Đại Dương (+1).

Tổng số tiểu chủng sinh giáo phận là 73.243 (-1.733) và tiểu chủng sinh dòng là 22.155 (+141). Số tiểu chủng sinh giáo phận giảm như sau: Châu Phi (-353), Châu Mỹ (-803), Châu Á (-448), Châu Âu (-122) và Châu Đại Dương (-7).

Số tiểu chủng sinh dòng giảm ở Châu Mỹ (-246), Châu Á (-196) và Châu Âu (-153), trong khi số lượng tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+728) và ở Châu Đại Dương (+8).

Trường học và giáo dục Công giáo

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo có 72.785 trường mẫu giáo với 7.510.632 học sinh; 99.668 trường tiểu học với 34.614.488 học sinh; 49.437 trường THCS với 19.252.704 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc 2.403.787 học sinh trung học và 3.771.946 sinh viên đại học.

Trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe Công giáo

Các trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới gồm: 5.322 bệnh viện, 14.415 trạm xá, chủ yếu ở Châu Phi (4.956) và Châu Mỹ (3.785); 534 Nhà chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (265) và Châu Phi (210); 15.204 Nhà cho người già hoặc người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (7.953); 9.230 trại trẻ mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.201); 10.441 nhà trẻ, chủ yếu ở Châu Á (2.801) và Châu Mỹ (2.816); 10.362 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.279) và Châu Mỹ (2.604); 3.137 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 34.291 viện các loại.

Các giáo khu trực thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm

Các giáo khu trực thuộc Bộ Truyền giảng Phúc âm là 1.118. Hầu hết các giáo khu được ủy thác cho Bộ đều ở Châu Phi (518) và Châu Á (483), tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46).


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2022]