Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Tại sao Tháng Sáu được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Tại sao Tháng Sáu được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Tại sao Tháng Sáu được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu?

Zvonimir Atletic | Shutterstock

Philip Kosloski

01/06/21


Tháng Sáu đã trở thành Tháng Thánh Tâm kể từ khi ngày lễ được thiết lập vào thế kỷ 19.

Theo lòng sùng mộ bình dân, mỗi tháng trong năm có một chủ đề thiêng liêng tương ứng tập trung vào những khía cạnh khác nhau của đức tin Kitô giáo.

Tháng Sáu đã được biết đến là Tháng Thánh Tâm, do ngày lễ Thánh Tâm Chúa được cử hành hàng năm trong tháng này.

Mọi chuyện bắt đầu khi Thánh Margaret Mary Alacoque nhận được những mạc khải riêng từ Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu nói với thánh nữ vào ngày 16 tháng Sáu năm 1675, và yêu cầu thánh nữ cổ võ một cách đặc biệt cho một ngày lễ tôn vinh Thánh Tâm của Người.

Ta yêu cầu con rằng Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa phải được dành riêng một Lễ đặc biệt để tôn vinh Trái Tim Ta, bằng cách hiệp thông vào ngày đó, và làm đền tạ Thánh Tâm của Ta bằng một hành động trang trọng, [...]. Ta hứa với con rằng Trái Tim Ta sẽ rộng mở để tuôn đổ đầy tràn Tình Yêu Thiên Chúa trên những người Tôn vinh Thánh Tâm Ta, và làm cho Thánh Tâm Ta được tôn vinh.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi trong nhiều thế kỷ và luôn rơi vào tháng Sáu.

Ngày Lễ chính xác thay đổi mỗi năm, vì nó được quyết định bởi lễ Phục sinh.

Phải đến năm 1856, lễ Thánh Tâm Chúa mới được Giáo hội hoàn vũ chính thức cử hành, và kể từ đó tháng Sáu được tập trung cho việc sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu và tình yêu Thiên Chúa của Người dành cho nhân loại.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2021]


Họp báo kết thúc Năm đặc biệt kỷ niệm 5 năm Tông huấn Laudato si’ và trình bày Cương lĩnh Hành động Laudato si’, 25.05.2021

Họp báo kết thúc Năm đặc biệt kỷ niệm 5 năm Tông huấn Laudato si’ và trình bày Cương lĩnh Hành động Laudato si’, 25.05.2021

Họp báo kết thúc Năm đặc biệt kỷ niệm 5 năm Tông huấn Laudato si’ và trình bày Cương lĩnh Hành động Laudato si’, 25.05.2021


Lúc 11.30 sáng nay, một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, nhân dịp bế mạc Năm đặc biệt kỷ niệm 5 năm Tông huấn Laudato si’ và trình bày Cương lĩnh Hành động Laudato si’.

Các vị diễn giả bao gồm: Đức Hồng y Peter K. A. Turkson, tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Cha Joshtrom Isaac Kureethadam, điều phối viên của Phòng “Sinh thái và Tạo vật” thuộc Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện; Nữ tu Sheila Kinsey, đồng thư ký điều hành của Ủy ban Công lý, Hòa bình và Chính trực (JPIC) của Liên minh các Bề trên Tổng quyền; và chị Carolina Bianchi, người trình bày Tông huấn Laudato si’ thuộc Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu và là cộng tác viên INECOOP cho Dự án Giới trẻ Policoro của Hội đồng Giám mục Ý.

Dưới đây là các bài trình bày:

*****

Bài phát biểu của Đức Hồng y Peter K. A. Turkson

Anh chị em và các bạn thân mến,

Xin chào (buổi sáng) và xin gửi lời chào mừng nồng ấm đến tất cả mọi người trong cuộc họp báo này mà Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức để bế mạc năm đặc biệt kỷ niệm 5 năm Tông huấn Laudato si’, được công bố vào ngày 24 tháng Năm năm ngoái, và buổi khởi động Cương lĩnh Hành động Laudato Si’.

Năm ngoái, đại dịch covid-19 đã ngăn cản các lễ hội, hội nghị, sự kiện, một bộ phim tài liệu và một buổi trình chiếu (ECHO) nhân kỷ niệm năm năm của Tông huấn. Tuy nhiên, sự khó khăn này đã khơi dậy sức sáng tạo của Bộ, dẫn đến việc trình kiến nghị lên Đức Thánh Cha công bố một ngày kỷ niệm đặc biệt của Tông huấn Laudato si’, với nhiều sáng kiến và hoạt động phong phú: Tuần lễ Laudato si’ (18-24 tháng 5), buổi cầu nguyện chung cho trái đất và nhân loại (vào ngày kỷ niệm, ngày 24 tháng Năm), xuất bản một Văn bản liên Bộ với các hướng dẫn hoạt động về Laudato si’, một Hội thảo trực tuyến về sự đánh giá và tương lai của Tông huấn Laudato si’ (vào tháng Sáu), mùa tạo vật (01/09 đến 04/10), làm mới lại Hiệp ước toàn cầu về giáo dục (tháng Mười), nền Kinh tế Francesco (tháng Hai), Ngày Nước thế giới (22 tháng Ba năm 2021), sự đón nhận trên toàn thế giới về đề xuất và kỷ niệm năm Tông huấn Laudato si’ là rộng khắp và quảng đại.

Các Giáo hội địa phương, các hiệp hội, và nhiều tổ chức khác đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Những khu vườn sống động và nhà nguyện Laudato si’ ra đời, những địa điểm không chỉ được làm bằng cây cối mà được sinh ra từ sự liên kết giữa lãnh thổ, con người và các hoạt động thuộc giáo dục, xã hội và kinh tế, tôn trọng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ví dụ, Giáo hội ở Bangladesh, với 400.000 người Công giáo đã trồng hơn 700.000 cây xanh trong năm nay, gần hai cây cho mỗi người tín hữu. Cô thiếu nữ Vivianne Harr đã nhận được một triệu đô-la từ Twitter để trồng cây nhằm ngăn chặn sự nở rộng của sa mạc Sahara. Đây là những thành quả đầu tiên có thể nhìn thấy được của năm kỷ niệm đặc biệt ghi nhớ sức ảnh hưởng của Tông huấn Laudato si’ đối với tất cả chúng ta.

Để minh chứng sự chào đón nhiệt tình Tông huấn Laudato si’, Bộ cũng sẽ xuất bản quyển Laudato Si’ Reader, trong đó có những chứng ngôn về tác động và những kinh nghiệm của con người từ khắp mọi miền trên địa cầu đối với Laudato si’. Quyển sách sẽ cho thấy Laudato si’ không phải là một câu chuyện của cuộc sống xa vời, mà là một thông điệp về sự sống là trung tâm của môi trường tự nhiên và xã hội của chúng ta.

Với cuộc họp báo này, năm đặc biệt của Tông huấn Laudato si’ kết thúc. Tuy nhiên, nó cũng báo hiệu sự khởi đầu của các kế hoạch hành động bảy năm khi các Giáo hội địa phương, các cộng đồng, các doanh nghiệp, những trung tâm chăm sóc sức khỏe và cơ sở giáo dục tiếp tục mang thông điệp của Tông huấn đi vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể.

Sáu năm sau thông điệp Laudato si’, chúng ta phải nhìn vào thế giới mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu, cho các thế hệ tương lai. Trận đại dịch đã khiến chúng ta phải suy tư và dạy chúng ta rất nhiều điều, nhưng tiếng kêu của Trái đất và của người nghèo ngày càng trở nên thống thiết hơn, và thông điệp từ các nhà khoa học và những người trẻ của chúng ta ngày càng đáng báo động: chúng ta đang hủy hoại tương lai của mình. Toàn bộ gia đình loài người và không thuộc loài người chúng ta đang gặp mối nguy hiểm lớn, và chúng ta không còn thời gian để chờ đợi hay trì hoãn hành động. Điều quan trọng cơ bản là phải hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5°C so với mức độ trước thời công nghiệp, vì vượt quá nó sẽ gây ra những tác động toàn cầu mất cân đối và thảm khốc.

Chúng ta phải lắng nghe và đáp lời cho khoa học, cho tiếng kêu của Trái đất, của người nghèo và của con cái chúng ta. Chúng ta phải lắng nghe sự thất vọng và tức giận của những người trẻ tuổi đối với thế hệ của chúng ta; chúng ta phải lắng nghe thông điệp hy vọng, sáng tạo của họ, và hành động ngay bây giờ để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho họ và cho các thế hệ mai sau. Chúng ta phải nhận thức một cách đau đớn về những đau khổ riêng của mỗi người mà nó gây ra, và từ đó chúng ta dám sử dụng lực của mình để biến đổi những thực tại đang sống để lắng nghe và tôn trọng những giới hạn sinh thái xã hội.

Hơn bao giờ hết, đã đến lúc phải hành động, phải làm điều gì đó cụ thể. Tất cả chúng ta đều có thể thay đổi vì một tương lai công bằng và bền vững, chúng ta phải nghĩ đến những mô hình mới, từ bỏ những thái độ sống không bền vững và gắn kết vào những thái độ sống mới. Chúng ta cần công nhận vai trò của mình là những công dân sinh thái và làm cho thế giới trở thành một nơi xanh tươi hơn và tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn cho chúng ta và bền vững hơn cho cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tất cả chúng ta hợp lực, cùng mơ ước và “chuẩn bị tương lai”. Điều này có nghĩa là thừa nhận rằng ngay cả khi mọi thứ trông ảm đạm, vì chúng không được đặt trên nền đá, thì vẫn đáng để tìm kiếm các mô hình kinh tế giúp nhân loại xây dựng một thế giới công bằng hơn, và không quay trở lại một thế giới bất bình đẳng.

Khi chúng ta nỗ lực chuẩn bị cho tương lai, chúng ta cũng nhận ra rằng đã đến lúc phải nắm lấy những cơ hội mới. Không có sự bền vững nếu không có công bằng, không có công lý và không có sự tham gia của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất; chúng ta phải bao gồm tất cả tiếng nói và sự khôn ngoan.

Ghi nhớ điều này, Bộ vui mừng thông báo rằng Năm Laudato si’ sẽ được đưa vào thành một dự án hành động cụ thể, Cương lĩnh Hành động Laudato Si’, một hành trình bảy năm hướng tới sinh thái toàn diện sẽ được giải thích chi tiết trong hội nghị này. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta, việc giảm thiểu những tác động của sự mất cân bằng hiện tại phụ thuộc vào những gì chúng ta làm bây giờ, và tôi cùng với Đức Thánh Cha khẩn thiết mời gọi tất cả anh chị em hãy làm mới lại cuộc đối thoại về cách chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh.

Tất cả chúng ta đều có khả năng cộng tác trong việc chăm sóc tạo vật và tôi muốn kết thúc bằng một câu trong thông điệp: niềm hy vọng mời gọi chúng ta chân nhận rằng luôn có một lối thoát, rằng chúng ta luôn có thể thay đổi hướng đi, rằng chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giải quyết các vấn đề. Đã đến lượt chúng ta.


*****

Bài phát biểu của Cha Joshtrom Isaac Kureethadam

Đức Hồng y Peter Turkson đã trình bày về bối cảnh của việc xây dựng Cương lĩnh Hành động Laudato si’ (LSAP), cụ thể là tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đối với ngôi nhà chung của chúng ta và sự cấp bách phải ứng phó với nó. Đó là lý do TẠI SAO có LSAP.

Về phần tôi sẽ tập trung vào NỘI DUNG và CÁCH THỨC của LSAP.

Trước hết, Cương lĩnh Hành động - Laudato si’ là gì? Đó là một hành trình làm hiện thực hóa tầm nhìn sinh thái toàn diện của Laudato si’. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong tông huấn, “tất cả chúng ta đều có liên quan và phụ thuộc lẫn nhau” và “tài năng và sự tham gia của mọi người là điều cần thiết để khắc phục những thiệt hại do con người ngược đãi tạo vật của Thiên Chúa” (Laudato si’, 14). Sinh thái toàn diện đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau đồng hành trong sứ mệnh này. Để tập hợp mọi người cùng chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, chúng tôi đã xác định bảy phạm vi chính: Gia đình, Giáo xứ và Giáo phận, Trường học và Đại học, Bệnh viện và Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Kinh tế (Người lao động và Doanh nghiệp, Trang trại và Hợp tác xã), các Nhóm, Phong trào và Tổ chức, và các Dòng tu.

LSAP là một hành trình hướng tới sự bền vững toàn diện theo tinh thần của hệ sinh thái toàn diện. Để bảo đảm rằng chúng ta luôn trung thành với tầm nhìn sinh thái toàn diện của Laudato si’, chúng tôi đề xuất bảy Mục tiêu của Laudato si’, cụ thể là Phản ứng với tiếng khóc của Trái đất, Phản ứng với tiếng khóc của người nghèo, Kinh tế sinh thái, Áp dụng Lối sống Đơn giản, Giáo dục Sinh thái, Tu đức Sinh thái, và Sự tham gia của Cộng đồng, và Hành động có sự tham gia.

Nó là một hành trình phải được làm hiện thực kịp thời. Được truyền cảm hứng từ chủ đề Thánh Kinh của Năm Thánh, chúng tôi đã chọn khung thời gian là bảy năm. Chúng tôi dự kiến năm đầu tiên sẽ dành riêng cho ba nhiệm vụ căn bản là xây dựng cộng đồng, chia sẻ tài nguyên, và vạch ra những chương trình hành động cụ thể để thực hiện bảy Mục tiêu của Laudato si’. Tiếp theo là 5 năm hành động cụ thể (một số có thể kết thúc phần này nhanh hơn). Năm cuối cùng sẽ là năm Sabat để ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.

Thứ hai, làm cách nào để chúng tôi hiện thực hóa Cương lĩnh Hành động của Laudato si’? Chúng tôi chỉ có thể làm hiện thực điều đó thông qua sự hợp tác, đi trên con đường “Thượng hội đồng” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang đề xuất cho toàn Giáo hội. Chúng tôi đã làm việc với LSAP trong gần hai năm hoặc lâu hơn, và có một “Ban chỉ đạo” đặc biệt dẫn dắt tiến trình này. Nó được dẫn dắt bởi Bộ, nhưng với sự hợp tác của Caritas Quốc tế, Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu, Liên minh các Bề trên Dòng tu ở Roma (USG và UISG), CIDSE – mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Công giáo, các Mạng lưới Giáo hội: REPAM và REMAM trong Châu Mỹ, REBAC ở Châu Phi, RAOEN ở Châu Á, mạng lưới giới trẻ: CYNESA, Eco-Jesuit, Liên minh Xanh Don Bosco và Living Laudato si’ Philippines, và những người đứng đầu các Nhóm Làm việc theo Ngành.

Sự hợp tác đặc biệt rõ ràng giữa các Nhóm Làm việc đứng đầu từng lĩnh vực trong số bảy khu vực: khu vực Gia đình được dẫn đầu bởi phong trào Focolare cùng với một số đồng lãnh đạo khác, khu vực Giáo xứ và Giáo phận do CAFOD cùng với các Hội đồng Giám mục và các đối tác khác, khu vực Học đường được dẫn dắt bởi Liên minh Xanh Don Bosco và Scholas Occurrentes cùng với các đồng lãnh đạo khác, khu vực Đại học do Dòng Tên dẫn đầu cùng với một số mạng lưới các Đại học khác, khu vực Bệnh viện được dẫn đầu bởi Hiệp hội Y tế Công giáo Ấn Độ (CHAI) và Hiệp hội Y tế Công giáo Hoa Kỳ cùng với các đồng lãnh đạo khác, khu vực Kinh tế được dẫn đầu bởi Economia di Francesco Laudato si' Challenge cùng với một số nhóm khác, các Nhóm và Phong trào của CIDSE cùng với WUCWO, VIS, và khu vực Dòng tu được dẫn đầu bởi USG và UISG. Các Nhóm Làm việc này tập hợp các đối tác từ khắp nơi trên thế giới trong các lĩnh vực tương ứng của họ. Đó thật sự là một hành trình hợp tác khi chúng tôi đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để đi vào một cuộc đối thoại bằng hành động “về cách chúng ta đang định hình cho tương lai của hành tinh chúng ta” (LS, 13). Bằng cách này, chúng tôi cũng đáp lại lời mời liên tục của Đức Giáo Hoàng là “hãy cùng nhau chuẩn bị tương lai” trong bối cảnh của đại dịch hiện nay.

Để kết luận, tôi xin trình bày rằng lời cầu nguyện và ước mơ của chúng tôi là khởi xướng “một phong trào của mọi người đi từ dưới” để nó thật sự có thể mang lại sự thay đổi từ gốc rễ cần có trong bối cảnh cấp bách của cuộc khủng hoảng ngôi nhà chung của chúng ta.

Về điều này, LSAP sẽ là một hành trình phát triển theo lũy thừa. Đợt đầu tiên của những người muốn tham gia LSAP sẽ có thời gian từ hôm nay đến ngày 4 tháng Mười, là ngày lễ Thánh Phanxicô Assisi, để ghi danh vào chương trình. Chúng tôi hy vọng rằng trong năm tới, một nhóm lớn hơn sẽ bắt đầu hành trình bảy năm của họ, năm tiếp theo sẽ là một nhóm lớn hơn nữa, v.v. Bằng cách này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra số lượng quan trọng cần thiết cho sự chuyển đổi xã hội. Các nhà xã hội học cho chúng ta biết số lượng quan trọng ban đầu cần thiết để thúc đẩy một sự chuyển đổi như vậy chỉ là 3,5% của một cộng đồng.

Chúng tôi cũng đã xây dựng một trang web bằng chín ngôn ngữ cho LSAP, có thể truy cập trang này thông qua trang web Laudato si’ mới đã được tạo vào cuối Năm Laudato si’. Tôi xin kết thúc và mời anh chị em xem một đoạn video giới thiệu ngắn về vấn đề này.


*****

Phát biểu của Sơ Sheila Kinsey

Thật là một thời gian phù hợp cho lễ kỷ niệm! Chúng tôi ở đây để ra mắt Cương lĩnh Hành động Laudato si’ - nhận thức rằng “Sự tương thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ về một thế giới với một chương trình chung”. (LS 164). Tôi được chọn để nói về các lĩnh vực của cương lĩnh này bởi vì các tu sĩ có mặt trong tất cả các lĩnh vực. Thông qua những thành viên và các thừa tác vụ, chúng tôi có thể tạo ảnh hưởng đến các nhóm khác.

Bảy khu vực bao gồm các lĩnh vực quan trọng của giáo hội chúng ta: gia đình, tổ chức giáo dục, kinh tế, dòng tu, giáo xứ & giáo phận, bệnh viện & trung tâm chăm sóc sức khỏe, tổ chức & nhóm. Niềm mong đợi đó là những người trong các nhóm này có khả năng chia sẻ sự phong phú và đa dạng về kinh nghiệm của họ.

Vai trò lãnh đạo của các khu vực là những thành viên của Ban chỉ đạo Laudato si’, nơi cung cấp khuôn khổ tổng thể cho việc thực hiện cương lĩnh. Những cuộc họp đã tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận thận trọng và hiệu quả, từ đó xây dựng một cộng đồng đầy sức sống. Tại đây các vấn đề và những mối quan tâm liên quan đến việc áp dụng cương lĩnh được giải quyết kịp thời.

Khu vực của chúng tôi bao gồm nam nữ tu sĩ: các linh mục, nam tu sĩ, và nữ tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới và làm việc với những năng lực khác nhau. Trong các cuộc họp, chúng tôi chăm chú lắng nghe nhau để chúng tôi phân định đường đi chung với nhau. Ba cột trụ hướng dẫn các nỗ lực lập kế hoạch của chúng tôi. Thứ nhất là động viên các dòng tu cam kết với Laudato si’ dựa trên đặc sủng của dòng, một đặc sủng đó là tiên tri, công khai và trách nhiệm. Thứ hai, là chuyển đổi sang một hệ sinh thái toàn diện thông qua việc hiện thực hóa bảy Mục tiêu Laudato si’. Ở đây, chúng tôi khuyến khích một tiến trình suy tư phân định, một sự đánh giá, bằng cách lắng nghe những tiếng nói của người địa phương khi các mối quan tâm được đặt ra. Những ước mơ chung sẽ truyền cảm hứng cho chúng tôi tiến bước về phía trước và tìm cách được dự phần vào quy trình dự án cộng đồng. Thứ ba là đồng hành và làm việc cùng nhau trong sự cộng tác, trong các nỗ lực ủng hộ tích cực, với sự chính trực và dựa trên các nguyên tắc bất bạo động khi chúng tôi đối mặt với thách thức của cuộc khủng hoảng sinh thái.

Nhóm làm việc cho khu vực này họp thường kỳ để phản ánh về những gì chúng tôi đã học được từ các mối liên hệ của mình và xác định những bước tiếp theo. Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với các mục tiêu được đề xuất cho cương lĩnh hành động. Chúng tôi cũng sẽ xem xét một số mẫu và hướng dẫn để giúp lập kế hoạch và chia sẻ các tài nguyên. Lòng nhiệt tình đối với Cương lĩnh Hành động của Laudato si’ đang tăng lên cùng với sức mạnh mạng lưới của chúng tôi.

Sự phối hợp cơ sở của chúng tôi cho dự án Sowing Hope for the Planet (Gieo Hy vọng cho Hành tinh) được động viên bởi các nhà lãnh đạo và các thành viên thuộc nhóm các bề trên cao cấp của dòng nam tu và nữ tu, USG và UISG. Thông qua SHFP, chúng tôi đã phát triển một khuôn khổ tương tác để xây dựng cộng đồng, giáo dục, chia sẻ tài nguyên và hỗ trợ. Nhóm làm việc của chúng tôi cũng được kết nối với 900 thành viên, những người luôn cam kết thúc đẩy Laudato si’ và những người cung cấp thêm thông tin đầu vào cho sự phát triển của cương lĩnh. Chúng tôi rất biết ơn về tất cả năng lượng tạo động lực và sự hỗ trợ cho công việc của chúng tôi cùng nhau khi chúng tôi đối mặt với những thách thức thực tế trước mắt.

Vì Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta, tất cả chúng ta đều có thể cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để chăm sóc tạo vật, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, sự tham gia và tài năng của mình (LS 14).

*****

Phát biểu của chị Carolina Bianchi

Tôi rất vinh dự được đại diện cho Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu tại sự kiện hôm nay, một phong trào cam kết vì hệ sinh thái toàn diện đã tham gia chặt chẽ vào việc chuẩn bị Cương lĩnh Laudato si’ này cùng với Bộ. Hôm nay tôi cũng phát biểu thay mặt cho những người trẻ tuổi, của một thế hệ đang yêu cầu các thế hệ lớn tuổi phải xem xét cuộc khủng hoảng sinh thái một cách nghiêm túc. Tương lai của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta cần hành động khẩn cấp.

Với tư cách là người trình bày Laudato si’ của phong trào, tôi cam kết cùng cộng đồng hành động để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi cũng cam kết nói chuyện với những người khác để khuyến khích họ suy ngẫm về tạo vật và thực hiện những bước đi cụ thể để chăm sóc nó. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế và Tài chính, tôi quyết định đào sâu và chuyên sâu hơn về sự bền vững môi trường và xã hội, và hợp tác quốc tế, đó là lý do tại sao tôi theo học chương trình Thạc sĩ cấp 2 về Kinh tế phát triển và Hợp tác quốc tế. Năm ngoái, tôi đã thực tập tại COMI (thành viên FOCSIV) - Tổ chức Hợp tác vì Thế giới Đang phát triển, với ý định tiếp tục sự nghiệp chuyên môn của mình trong lĩnh vực NGOs và phát triển bền vững. Tôi hiện là một thành viên của COMI, và làm việc với Inecoop cho dự án Policoro của Văn phòng Quốc gia về Các vấn đề Xã hội và Lao động của Hội đồng Giám mục Ý.

Tuy nhiên, đôi khi rất khó để biết chính xác các nhóm khác nhau nên làm gì. Một trường đại học nên làm gì? Một giáo xứ nên làm gì? Loại hình chương trình này thực sự sẽ giúp ích cho những người trình bày LS như tôi, bởi vì nó là một công cụ chung mà tất cả các nhóm Công giáo có thể sử dụng. Đó là một cấu trúc chung mà mọi người đều có thể sử dụng.

Cá nhân tôi được truyền cảm hứng để làm một người Trình bày Laudato si’ vì khóa đào tạo người Trình bày đã cho tôi cơ hội để suy ngẫm sâu hơn về sự tương tác giữa tất cả chúng ta và giữa con người và môi trường, làm nổi bật hơn nữa việc cần thiết phải tôn trọng môi trường nuôi dưỡng chúng ta và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng trên hết là tầm quan trọng của tình đoàn kết đối với những người đang gặp khó khăn và chịu hậu quả của bất công khí hậu, là một trong những giá trị quan trọng nhất của tông huấn Laudato si’.

Tôi rất vui vì Cương lĩnh Hành động của Laudato si’ cho thấy rằng Giáo hội đang đạt được tiến bộ trong việc xây dựng tương lai tốt đẹp hơn mà tông huấn Laudato si’ kêu gọi chúng ta xây dựng. Mọi người trên khắp thế giới đang kiếm tìm niềm hy vọng, và Cương lĩnh Hành động Laudato si’ cung cấp niềm hy vọng thực sự. Như Laudato si’ nói, “chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi”, và chương trình mới này của Vatican là một dấu hiệu cụ thể cho thấy mọi thứ đang thay đổi.

Thay mặt cho giới trẻ thế giới, tôi lặp lại lời kêu gọi cấp thiết và xin mọi người trong Giáo hội hãy sử dụng cương lĩnh này như một cơ hội để đẩy nhanh cam kết và hành động vì ngôi nhà chung của chúng ta. Cùng nhau chúng ta sẽ thành công.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2021]