Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

ĐẠI LỄ CÁC THÁNH, Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 11, 2021

ĐẠI LỄ CÁC THÁNH, Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

ĐẠI LỄ CÁC THÁNH
Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Hai, 1 tháng Mười Một, 2021


Vào giữa trưa hôm nay, Đại Lễ các Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền tin:

____________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh, và trong Phụng vụ vang lên sứ điệp “theo chương trình” của Chúa Giêsu: cụ thể đó là các Mối Phúc (x. Mt 5:1-12a). Các mối phúc chỉ ra cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, thương xót, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là bước đi trên con đường này. Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào hai khía cạnh của cách sống này. Hai khía cạnh phù hợp với lối sống nên thánh: niềm vui và lời tiên tri.

Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5:3). Đó là sự công bố chính, đó là một niềm hạnh phúc chưa từng có. Sự chân phúc, sự thánh thiện, không phải là một kế hoạch sống được tạo nên từ nỗ lực và sự hy sinh, nhưng trên hết là sự khám phá vui mừng được trở thành con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Và điều này làm cho anh chị em ngập tràn niềm vui. Nó không phải là một thành tựu của con người, nó là một món quà chúng ta nhận được: chúng ta nên thánh vì Thiên Chúa, Đấng là Đấng Thánh, đến cư ngự trong cuộc đời chúng ta. Chính Ngài là Đấng ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì thế chúng ta được ân phúc! Như vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc thoáng qua hay sự lạc quan đơn thuần của con người, nhưng là sự chắc chắn có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Ngài.

Các thánh, dù đang ở giữa nhiều gian nan thử thách, vẫn luôn cảm nhận được niềm vui này và làm chứng cho niềm vui ấy. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một bài thực hành khắt khe và ngột ngạt, và có nguy cơ trở nên đau bệnh vì sự buồn bã. Chúng ta hãy xem xét từ này: đau bệnh vì sự buồn bã. Một vị ẩn tu sa mạc nói rằng sự buồn bã là “một con sâu đào bới vào trong tâm hồn”, nó ăn mòn sự sống (xem EVAGRIUS PONTICUS, The Eight Spirits of Evil, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là những Kitô hữu vui mừng không? Tôi có phải là một người Kitô hữu vui mừng hay không? Chúng ta lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người u sầu, buồn bã, với khuôn mặt đưa đám? Hãy nhớ rằng không có sự nên thánh nào mà không có niềm vui!

Khía cạnh thứ hai: lời tiên tri. Các Mối Phúc được nói với những người nghèo, người đau khổ, những người khao khát công lý. Đó là một thông điệp lội ngược dòng. Thật vậy, thế gian nói rằng để có được hạnh phúc, bạn phải giàu có, quyền lực, luôn trẻ trung và mạnh mẽ, có danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu lật ngược những tiêu chí này và đưa ra một lời công bố mang tính tiên tri – và đây là chiều kích tiên tri của sự nên thánh – đời sống viên mãn thực sự chỉ đạt được khi theo Chúa Giêsu, bằng cách thực hành Lời của Ngài. Và điều này có nghĩa là một sự nghèo khó khác, đó là nghèo khó trong tâm hồn, trút bỏ chính mình để dành chỗ cho Thiên Chúa. Những người tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn thì cậy dựa sự dựa vào bản thân họ và khép chặt lòng trước Thiên Chúa và anh chị em, trong khi những người biết mình nghèo và không tự phụ luôn mở lòng với Chúa và với người thân cận. Và họ tìm thấy niềm vui.

Vậy, các Mối phúc là lời tiên tri về một nhân loại mới, về một cách sống mới: làm cho mình trở nên nhỏ bé và phó thác cho Thiên Chúa thay vì vượt trên người khác; trở nên hiền lành thay vì tìm cách áp đặt người khác; thực hành lòng thương xót thay vì chỉ nghĩ đến bản thân; cam kết với công bằng và hòa bình, thay vì thúc đẩy sự bất công và bất bình đẳng, cho dù chỉ là đồng lõa. Sự nên thánh là chấp nhận và thực hành, với sự trợ giúp của Chúa, lời tiên tri này đã tạo nên một cuộc cách mạng trên thế giới. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có làm chứng cho lời tiên tri của Chúa Giêsu không? Tôi có thể hiện tinh thần tiên tri mà tôi đón nhận trong Bí tích Rửa tội không? Hay tôi tuân theo những tiện nghi của cuộc sống và sự lười biếng của bản thân, cho rằng mọi thứ là tốt nếu nó tốt với tôi? Tôi có mang đến cho thế giới niềm vui mới mẻ của lời tiên tri của Chúa Giêsu, hay những lời kêu ca phàn nàn thông thường về những gì sai trái? Đây là những câu hỏi tốt để chúng ta tự hỏi mình.

Xin Đức Trinh Nữ ban cho chúng ta một phần trong linh hồn của Mẹ, linh hồn diễm phúc Mẹ đã hân hoan làm vinh hiển Thiên Chúa, Đấng “hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (xem Lc 1:52).

__________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người dân Roma và anh chị em hành hương. Tôi gửi lời chào đặc biệt đến những người tham dự cuộc chạy Corsa dei Santi, Saints’ Run được tổ chức bởi Tổ chức “Don Bosco in the World”. Điều quan trọng là thúc đẩy được giá trị giáo dục của thể thao. Cũng cảm ơn vì sáng kiến của anh chị em dành cho thiếu nhi ở Colombia.

Sáng mai, cha sẽ đến Nghĩa trang Quân đội Pháp ở Roma: đó sẽ là một cơ hội để cầu nguyện cho sự an nghỉ ngàn thu của tất cả những người qua đời, đặc biệt là các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Khi đến viếng nghĩa trang này, cha cùng hiệp lòng với tất cả những người trong những ngày này đến cầu nguyện tại mộ phần của người thân, trong mọi miền trên thế giới.

Cha chúc tất cả anh chị em Lễ các Thánh hạnh phúc, trong sự hiệp thông tinh thần với tất cả các Thánh. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/11/2021]


Dân số Công giáo tiếp tục gia tăng ở Châu Phi và Châu Á

Dân số Công giáo tiếp tục gia tăng ở Châu Phi và Châu Á

Dân số Công giáo tiếp tục gia tăng ở Châu Phi và Châu Á

Adriana Mahdalova | Shutterstock

John Burger

23/10/21 - updated on 10/23/21


Báo cáo của Vatican cho biết Châu Âu đang giảm số người Công giáo và linh mục.

Trong khi dân số Công giáo ở Châu Âu tiếp tục giảm, thì tôn giáo này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Châu Phi.

Fides News Service, thông tin của các Hội đồng Truyền giáo Giáo hoàng, nhân dịp Chúa nhật Khánh nhật Truyền giáo ngày 24 tháng Mười, đã báo cáo số liệu thống kê từ ấn bản mới nhất của Sách Thống kê của Giáo hội. Dữ liệu được công bố theo năm mới nhất là năm 2019, vì vậy những con số này không phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

Vào cuối năm 2019, dân số thế giới đã đạt 7.577.777.000 người, tăng 81.383.000 người so với năm trước. Sự gia tăng dân số được ghi nhận ở mọi lục địa, bao gồm cả Châu Âu. Mức tăng được ghi nhận cao nhất ở Châu Á (+40.434.000) và Châu Phi (+33.360.000), tiếp theo là Châu Mỹ (+6.973.000), Châu Âu (+ 157.000) và Châu Đại Dương (+459.000).

Châu Phi là lục địa duy nhất có số lượng chủng sinh tăng.

Đồng thời, số người Công giáo trên thế giới là 1.344.403.000, với tổng số tăng là 15.410.000 so với năm trước. Sự gia tăng ảnh hưởng đến tất cả các lục địa, ngoại trừ Châu Âu, nơi dân số Công giáo giảm 292.000 người.

Fides cho biết, “Như trước đây, mức tăng được ghi nhận cao nhất là ở Châu Phi (+8,302,000) và ở Châu Mỹ (+5,373,000), tiếp theo là Châu Á (+1,909,000) và Châu Đại Dương (+118,000)”.

Tổng số linh mục trên thế giới tăng lên 414.336 (+271). Các châu lục ghi nhận mức giảm là Châu Âu (-2,608), Châu Mỹ (-690) và Châu Đại Dương (-69). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1,649) và ở Châu Á (+1,989).

Số nữ tu giảm 11.562, còn tổng số là 630.099. Mức tăng, một lần nữa được ghi nhận ở Châu Phi (+835) và ở Châu Á (+599), với mức giảm ở Châu Âu (-7.400), Châu Mỹ (-5.315) và Châu Đại Dương (–281).

Số các nhà thừa sai giáo dân trên thế giới là 410.440 người, với mức tăng chung là 34.252 người. Giáo lý viên giảm 2.590 người, còn tổng số 3.074.034 người.

Số đại chủng sinh — giáo phận và dòng — giảm 1.822, tổng số 114.058. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+509), trong khi giảm ở Châu Á (-898), Châu Đại Dương (-53), Châu Âu (-630) và Châu Mỹ (-750).

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo có 72.667 trường mẫu giáo với 7.532.992 học sinh; 98.925 trường tiểu học với 35.188.771 học sinh; và 49.552 trường Trung học cơ sở với 19.370.763 học sinh. Ngoài ra có 3.833.012 sinh viên trong các trường đại học Công giáo.

Các trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới bao gồm: 5.245 bệnh viện, phần lớn ở Châu Phi (1.418) và Châu Mỹ (1.362); 14.963 phòng khám bệnh và phát thuốc, chủ yếu ở Châu Phi (5.307), Châu Mỹ (4.043); 532 nhà chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (269) và Châu Phi (201); 15.429 ngôi nhà cho người già, người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (8.031) và Châu Mỹ (3.642); 9.374 nhà trẻ mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.233) và Châu Âu (2.247); 10.723 nhà trẻ, chủ yếu ở Châu Á (2.973) và Châu Mỹ (2.957); 12.308 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.504) và Châu Mỹ (4.289); 3.198 trung tâm cai nghiện xã hội và 33.840 viện các loại.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/11/2021]