Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 7 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 7 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 7 tháng Tám, 2022

___________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ để trấn an họ khỏi nỗi sợ hãi và mời gọi họ hãy cảnh giác. Ngài đưa ra hai lời khuyên quan trọng đối với họ: thứ nhất là “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ” (Lc 12:32); thứ hai là, “Hãy sẵn sàng” [bản dịch theo nghĩa đen của câu 35 được sử dụng trong bản gốc tiếng Ý]. “Đừng sợ hãi” và “hãy sẵn sàng”. Chúng là hai cụm từ khóa để chế ngự những nỗi sợ hãi khiến chúng ta đôi khi bị tê liệt, và để vượt thắng sự cám dỗ của một đời sống thụ động, uể oải. “Đừng sợ hãi” và “Hãy sẵn sàng”. Chúng ta hãy phân tích hai lời mời gọi này.

Đừng sợ. Trước hết, Chúa Giêsu động viên các môn đệ. Ngài vừa nói với họ về sự chăm sóc đầy yêu thương và sự quan phòng của Chúa Cha, Đấng chăm sóc cho cả hoa huệ ngoài đồng và chim trời, và như vậy với con cái của Người còn hơn thế nữa. Do đó, không cần phải lo lắng và băn khoăn vì cuộc sống của chúng ta nằm rất vững chắc trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta được khích lệ bởi lời mời gọi đừng sợ hãi của Chúa Giêsu. Quả thật, có những lúc chúng ta cảm thấy bị giam cầm bởi cảm giác hoài nghi và lo âu. Đó là sợ thất bại, sợ không được công nhận và yêu thương, sợ không thể thực hiện được những kế hoạch của mình, sợ không bao giờ được hạnh phúc, v.v. Và vì vậy, chúng ta phải vật lộn để tìm ra giải pháp, tìm một không gian để thoát ra khỏi vòng xoáy, tích lũy gia sản và của cải, để có được sự an toàn. Và điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Cuối cùng chúng ta sẽ sống trong bồn chồn và luôn lo lắng. Thay vào đó, Chúa Giêsu trấn an chúng ta: Đừng sợ! Hãy tin cậy vào Chúa Cha, Đấng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta thực sự cần. Chúa đã ban cho chúng ta Con của Người, Vương quốc của Người, và Người sẽ luôn đồng hành với chúng ta bằng sự quan phòng, chăm sóc chúng ta mỗi ngày. Đừng sợ – đây là điều chắc chắn mà tâm hồn chúng ta cần phải bám vào! Đừng sợ – một tâm hồn gắn kết chặt chẽ với sự chắc chắn này. Đừng sợ.

Nhưng biết rằng Thiên Chúa dõi theo chúng ta với tình yêu thương không cho phép chúng ta ngủ mê, để cho bản thân bị sự lười biếng đánh bại! Ngược lại, chúng ta phải tỉnh táo, phải cảnh giác. Thật vậy, yêu thương có nghĩa là quan tâm đến người kia, nhận thức được nhu cầu của người ấy, sẵn sàng lắng nghe và chào đón, sẵn sàng.

Lời thứ hai là Hãy sẵn sàng. Đây là lời mời gọi thứ hai trong ngày hôm nay. Đây là sự khôn ngoan của người Kitô hữu. Chúa Giêsu lặp lại lời mời gọi này nhiều lần. Và hôm nay Ngài làm việc đó qua ba dụ ngôn ngắn, xoay quanh ông chủ của một ngôi nhà. Trong dụ ngôn đầu, ông chủ bất ngờ trở về sau bữa tiệc cưới; trong dụ ngôn thứ hai, ông chủ không muốn bị kẻ trộm đột nhập bất ngờ; và trong dụ ngôn thứ ba, ông trở về sau một cuộc hành trình dài. Thông điệp trong tất cả các dụ ngôn là chúng ta cần phải tỉnh thức, không ngủ quên, nghĩa là không được sao lãng, không rơi vào sự biếng nhác tâm hồn, vì Chúa đến ngay cả trong những tình huống chúng ta không mong đợi Người đến. Hãy chú ý đến Chúa, đừng đi ngủ. Chúng ta cần phải cảnh giác.

Khi kết thúc cuộc đời của chúng ta, Chúa sẽ gọi chúng ta để hỏi về những điều tốt lành mà Người đã giao phó cho chúng ta. Vì thế, cảnh giác cũng có nghĩa là có trách nhiệm, nghĩa là bảo vệ và quản lý những của cải đó cách trung thực. Chúng ta đã nhận được quá nhiều: sự sống, đức tin, gia đình, các mối quan hệ, công việc, và cả những nơi chúng ta sống, thành phố của chúng ta, tạo vật. Chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Chúng ta có chăm sóc cơ nghiệp Chúa đã để lại cho chúng ta không? Chúng ta có bảo vệ vẻ đẹp của nó hay chúng ta sử dụng mọi thứ cho riêng bản thân và cho sự tiện lợi trước mắt của chúng ta? Chúng ta phải suy nghĩ một chút về điều này – chúng ta có phải là những người bảo vệ tạo vật đã được ban cho chúng ta không?

Thưa anh chị em, chúng ta hãy bước đi mà không sợ hãi, với niềm tin chắc chắn rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Và chúng ta hãy tỉnh thức kẻo ngủ quên khi Chúa đi ngang qua. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ rằng Chúa đi ngang qua và tôi không nhận ra”. Ngủ quên, và không để ý rằng Chúa đi ngang qua. Hãy luôn cảnh giác! Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta, Mẹ đã chào đón sự viếng thăm của Chúa và nói lời “Vâng, tôi đây” cách sẵn sàng và quảng đại.

___________________________________________

Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi rất hài lòng chào mừng sự rời cảng của những chuyến tàu đầu tiên chở đầy ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Bước đi này chứng tỏ rằng có khả năng đối thoại và đạt được những kết quả cụ thể vì lợi ích của tất cả mọi người. Do đó, sự kiện này cũng cho thấy dấu hiệu của hy vọng, và tôi tha thiết hy vọng rằng, theo hướng đi này, chiến tranh có thể kết thúc và có thể đạt được một nền hòa bình công bằng và dài lâu.

Tôi đau buồn khi nghe biết về vụ tai nạn xe xảy ra sáng hôm qua ở Croatia. Một số người hành hương đến Mễ Du đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho tất cả họ và những người thân của họ.

Hôm nay là ngày cuối cùng của Cuộc Hành hương Giới trẻ Châu Âu đến Santiago de Compostela đã bị hoãn lại từ Năm Thánh Compostela năm ngoái. Trong niềm vui, cha gửi lời chúc phúc đến từng bạn trẻ đã tham gia, và tôi cũng chúc lành cho tất cả anh chị em đã làm công tác tổ chức và đồng hành với sự kiện này. Ước mong cuộc sống của anh chị em luôn là một cuộc hành trình, một hành trình với Chúa Giêsu, một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa và hướng tới anh chị em của chúng ta, một cuộc hành trình của phục vụ và của niềm vui!

Và bây giờ cha xin gửi lời chào đến anh chị em người Roma và anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác, đặc biệt là các tín hữu đến từ Malta. Cha xin chào nhóm đến từ Crevalcore, các bạn trẻ từ giáo phận Verona, và các bạn trẻ đến từ Oratory of “Don Bosco” của Tollmezzo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHoaN 7/8/2022]


Đức Tổng giám mục Canterbury nói người Anh giáo nhìn nhận Đức Giáo hoàng như là 'người cha của Giáo hội ở phương Tây'

Đức Tổng giám mục Canterbury nói người Anh giáo nhìn nhận Đức Giáo hoàng như là 'người cha của Giáo hội ở phương Tây'

Đức Tổng giám mục Canterbury nói người Anh giáo nhìn nhận Đức Giáo hoàng như là 'người cha của Giáo hội ở phương Tây'

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury tại Vatican ngày 5 tháng Mười năm 2021. | Vatican Media

Charlotte Evans

Canterbury, Anh, 5 tháng Tám, 2022 / 09:26 am


Trong các cuộc thảo luận đại kết tại Hội nghị Lambeth ở Canterbury, Anh Quốc, Đức Justin Welby, tổng giám mục của Canterbury, cho biết hầu hết người Anh giáo đều nhìn nhận Đức Giáo hoàng như là “người cha của Giáo hội ở phương Tây”.

Đức Welby nói rằng ngài “không tự hào” về mức độ tiến bộ đã đạt được trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất người Kitô hữu trong những năm gần đây. Ngài cho rằng sự trì trệ này một phần là do điều mà ngài gọi là “thói quen chia rẽ” đã được nuôi dưỡng trong 500 năm qua.

Tuy nhiên, ngài tin rằng đa số thành viên của Giáo hội Anh thừa nhận Đức Giáo hoàng như là “người cha của Giáo hội ở phương Tây”.

Phát biểu tại hội nghị, Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô hữu, nhấn mạnh tính cấp bách của đối thoại đại kết. Đức Hồng y Koch gọi tình trạng chia rẽ hiện nay là một “tình trạng khẩn cấp” trong Giáo hội.

Trao đổi với Tablet, Đức cha Bernard Longley, Tổng Giám mục Công giáo của Birmingham ghi nhận khả năng của hội nghị trong việc củng cố sự hiệp nhất của Liên hiệp Giáo hội Anh.

Đức Cha Longley chỉ ra rằng con đường dẫn đến sự hiệp nhất lớn hơn của người Kitô hữu và sự đối thoại giữa Liên hiệp Anh giáo và Giáo hội Công giáo sẽ bị “ngăn trở” nếu sự hiệp nhất bị chia rẽ.

Hội nghị Lambeth năm 2022 diễn ra từ ngày 26 tháng Bảy cho đến ngày 8 tháng Tám. Hơn 600 giám mục đại diện cho các cộng đồng Kitô giáo từ Liên hiệp Anh giáo đã tập trung tại Canterbury để tham dự chương trình chuyên đề và thảo luận về một loạt các chủ đề, từ hòa bình và hòa giải đến môi trường và tính bền vững.

Nhận xét của Đức Welby về đại kết theo sau lời kêu gọi của ngài về việc bỏ phiếu cấm hôn nhân đồng giới trước đó trong hội nghị. Tuy nhiên, Đức Cha Welby cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng Ba rằng các cuộc tranh luận về tính dục của con người không nên chiếm ưu thế trong Hội nghị Lambeth năm nay.

Chủ đề của sự kiện là “Hội thánh của Thiên Chúa cho Thế giới của Thiên Chúa: Cùng nhau đồng hành, lắng nghe và làm chứng”.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/8/2022]