Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma

‘Nguyện xin các thánh của mọi hệ phái Ki-tô, hiệp nhất trọn vẹn trong Giê-ru-sa-lem trên thiên quốc, mở ra cho chúng ta ở dưới thế này cách thức để đi đến mọi con đường khả  thi cho một hành trình Ki-tô giáo chung và huynh đệ. Ở nơi đâu chúng ta hiệp nhất nhân danh Chúa Giê-su, nơi đó có Ngài hiện diện’
27 tháng Hai, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma
CTV Screenshot
Đánh dấu là Giáo hoàng đầu tiên đi vào một nhà thờ Anh giáo trong giáo phận của ngài với tư cách là Giám mục Roma, chuyến viếng thăm của Đức Phanxico hôm Chúa nhật, ngày 26 tháng Hai, 2017, đến nhà thờ các Thánh Anh giáo ở Roma, Hiệp hội Anh giáo lớn nhất ở Ý, là một chuyến đi lịch sử. Dưới đây là bản dịch do Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha trong chuyến đi này:

***
Anh chị em thân mến,
Tôi xin cảm ơn anh chị em với nhã ý mời tôi dâng Lễ trong giáo xứ này với anh chị em. Hơn hai trăm năm trôi qua từ khi nghi thức phụng vụ Anh giáo đầu tiên được tổ chức ở Roma cho nhóm người Anh trong khu vực này của thành phố. Đã có rất nhiều thay đổi ở Roma và trên thế giới kể từ đó. Theo dòng thời gian của hai thế kỷ qua, cũng đã có rất nhiều đổi thay giữa người Anh giáo và Công giáo, mà trong quá khứ nhìn nhau trong sự nghi kỵ và chống đối nhau. Ngày nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta nhận ra nhau theo đúng giá trị của chúng ta: là anh em chị em trong Đức Ki-tô, qua phép rửa tội chung của chúng ta. Là bạn bè và là những người lữ hành chúng ta mong muốn cùng nhau bước đi trên hành trình, cùng nhau theo chân Chúa Giê-su Ki-tô.
Anh chị em mời tôi ban phép lành cho bức ảnh Đức Ki-tô Đấng Cứu thế. Đức Ki-tô đang nhìn chúng ta, cái nhìn của Người trên chúng ta là cái nhìn của sự cứu độ, của tình yêu và của lòng thương xót. Nó cũng là cái nhìn đầy lòng xót thương đã đâm thâu vào con tim của các tông đồ, các ngài đã bỏ lại đàng sau tất cả quá khứ và bắt đầu một hành trình của cuộc sống mới, để bước theo và loan báo Thiên Chúa. Trong bức ảnh thánh này, khi Chúa Giê-su nhìn chúng ta, Ngài dường như cũng kêu gọi chúng ta, đưa ra cho chúng ta một thỉnh cầu: “Anh em có sẵn sàng bỏ đi mọi điều trong quá khứ vì thầy? Anh em có muốn làm cho tình yêu của thầy, lòng thương xót của thầy được mọi người biết đến?”
Cái nhìn của lòng thương xót của Chúa là nguồn cội của toàn bộ sứ vụ của Ki-tô giáo. Thánh Tông đồ Phao-lô nói điều này với chúng ta, qua lời của ngài gửi cho giáo đoàn Cô-rinh-tô mà chúng ta vừa nghe. Ngài nói: “vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4:1). Sứ vụ của chúng ta tuôn chảy từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót của Người duy trì cho sứ vụ của chúng ta và làm nó không bị mất đi sức mạnh.
Thánh Phao-lô không phải luôn luôn có mối quan hệ suôn sẻ với cộng đoàn Cô-rinh-tô, như các thư của ngài cho thấy. Cũng đã có một cuộc viếng thăm đau đớn đến cộng đoàn này, với những lời lẽ giận giữ được trao đổi qua thư từ. Nhưng trích đoạn này cho thấy thánh Phao-lô vượt qua được những kinh nghiệm quá khứ. Bằng cách sống đời phục vụ dưới ánh sáng của lòng thương xót ngài đã đón nhận, ngài không bỏ cuộc trước những sự chia rẽ, nhưng cống hiến bản thân cho việc hòa giải. Khi chúng ta, cộng đoàn của những Ki-tô hữu được thánh tẩy, thấy mình đứng trước những bất đồng liền chạy đến trước nhan thương xót của Đức Ki-tô để vượt qua được nó, thì điều đó cho chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang làm như Thánh Phao-lô đã từng làm với một trong những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.
Bằng cách nào Thánh Phao-lô duy trì được công việc này, ngài bắt đầu từ đâu? Bằng sự khiêm nhường, đó không chỉ là một nhân đức đẹp, nhưng là một yêu cầu của giá trị. Thánh Phao-lô nhìn thấy mình là một người phục vụ, không phải loan báo để thể hiện bản thân mình nhưng là loan báo Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa (c. 5). Và ngài đã thực hiện sự phục vụ này, sứ vụ này theo lòng thương xót đã tuôn đổ cho ngài (c. 1): không đặt trên khả năng của ngài, cũng không phải dựa trên sức mạnh của riêng ngài, nhưng bằng sự tín thác rằng Thiên Chúa đang dõi theo ngài và làm thành trì cho sự yếu đuối của ngài với lòng thương xót. Trở nên khiêm nhường nghĩa là kéo sự chú ý ra khỏi bản thân mình, chấp nhận sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa như một người hành khất xin lòng thương xót: đây là điểm khởi đầu để Thiên Chúa có thể hoạt động trong chúng ta. Một cựu chủ tịch của Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã mô tả việc rao giảng Đức Ki-tô cũng giống như “một người hành khất kể lại cho người hành khất khác biết nơi tìm được lương thực.” Tôi tin rằng Thánh Phao-lô chuẩn y điều đó. Ngài đã nắm lấy sự thật là ngài được “nuôi dưỡng bằng lòng thương xót” và việc ưu tiên của ngài là chia sẻ miếng bánh của ngài với mọi người: niềm vui được yêu thương bởi Thiên Chúa, và yêu mến Người.
Đây là điều tốt lành quý giá nhất của chúng ta, gia tài của chúng ta, và chính trong ngữ cảnh này Thánh Phao-lô giới thiệu một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của ngài, một hình ảnh tất cả chúng ta có thể áp dụng cho bản thân: “chúng tôi đựng kho tàng này trong những bình sành” (c. 7). Chúng ta là những chiếc bình sành, nhưng bên trong chúng ta lại cất giữ gia tài quý giá nhất trên thế giới. Người Cô-rinh-tô biết rất rõ rằng thật khờ khạo nếu cất giữ những thứ quý giá trong bình sành, nó chẳng có giá trị gì và rất dễ bị vỡ. Cất giữ đồ quý giá trong chúng có nghĩa là đang bị nguy hiểm có thể mất nó. Thánh Phao-lô, một tội nhân được đầy ân sủng, khiêm nhường chấp nhận thân phận mỏng giòn giống như một chiếc bình sành. Nhưng ngài đã trải nghiệm và biết rằng chính ở điểm đó mà sự đau khổ của con người mở ra cho hoạt động thương xót của Thiên Chúa; Thiên Chúa thực hiện những kỳ công. Đó là cách “quyền năng phi thường” của Thiên Chúa hoạt động (c. 7).
Tín thác trong sức mạnh khiêm nhường này, Thánh Phao-lô phục vụ Tin mừng. Nói về một số kẻ chống đối ngài ở Cô-rinh-tô, ngài gọi họ là “các Tông đồ siêu đẳng” (2 Cr 12:11), có lẽ, và với một sự hơi mỉa mai, vì họ đã chỉ trích ngài vì những yếu đuối của ngài thậm chí khi họ tự coi mình là tinh tường, là hoàn hảo. Ngược lại, Thánh Phao-lô dạy rằng chỉ bằng cách nhận ra chúng ta là những chiếc bình sành mong manh, là những tội nhân luôn luôn cần lòng thương xót, thì kho báu của Thiên Chúa mới được tuôn đổ vào trong chúng ta và qua chúng ta đến với những người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ chỉ đổ đầy chúng ta bằng những gia tài của mình, là những thứ mau hư nát trong những chiếc bình sành có vẻ là đẹp. Nếu chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của mình và cầu xin sự tha thứ, rồi lòng thương xót chữa lành của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trong chúng ta và sẽ thể hiện cụ thể ra bên ngoài; người khác sẽ chú ý theo cách nào đó, qua chúng ta, vẻ đẹp nhân từ của dung nhan Đức Ki-tô.
Tới một mức độ, có lẽ là thời gian khó khăn nhất cho cộng đoàn ở Rô-rinh-tô, Thánh Tông đồ Phao-lô hủy bỏ một chuyến thăm mà ngài đã dự định trước, và cũng phải bỏ đi những thứ mà ngài sẽ nhận được từ họ (2 Cr 1:15-24). Dù những căng thẳng vẫn tồn tại trong quan hệ của họ, nhưng chúng không phải là lời nói cuối cùng. Mối quan hệ lại được phục hồi và Phao-lô nhận được đề nghị chăm sóc cho Giáo hội ở Giê-ru-sa-lem. Ki-tô hữu ở Cô-rinh-tô lại một lần nữa đón nhận công việc, cùng với những cộng đoàn khác mà Thánh Phao-lô đã đến thăm, cứu giúp những người thiếu thốn. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự hiệp nhất canh tân. Công việc mà anh chị em đang thực hiện cùng với những cộng đồng nói tiếng Anh khác ở tại đây trong Roma có thể được nhìn thấy dưới ánh sáng này. Quả thật, sự hiệp nhất vững vàng phát triển và được xây dựng khi con người cùng hoạt động với nhau cho những người thiếu thốn. Qua một chứng tá hiệp nhất trong bác ái, dung nhan lòng thương xót của Chúa Giê-su được thể hiện hữu hình trong thành phố của chúng ta.
Là người Công giáo và Anh giáo, chúng ta khiêm nhường tri ân rằng, sau nhiều thế kỷ ngờ vực nhau, bây giờ chúng ta có thể nhận ra ơn sủng trổ sinh hoa trái của Đức Ki-tô trong công việc cũng là ở trong tha nhân. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì trong các Ki-tô hữu, lòng khát khao được gần gũi nhau ngày càng phát triển lớn hơn, nó được thể hiện trong việc cùng nhau cầu nguyện của chúng ta và trong chứng tá chung của chúng ta cho Tin mừng, trên tất cả là nhiều hình thức phục vụ của chúng ta. Có những lúc, tiến trình trên con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta dường như có vẻ chậm và không chắc chắn, nhưng hôm nay chúng ta được động viên lớn bằng sự tụ họp của chúng ta. Vì đây là lần đầu tiên, một Giám mục Roma đến thăm cộng đoàn của anh chị em. Nó là một ơn sủng và cũng là một trách nhiệm: trách nhiệm làm vững mạnh những mối dây liên kết của chúng ta, để ca khen Đức Ki-tô, trong sự phục vụ Tin mừng và thành phố này.
Chúng ta hãy động viên nhau ngày càng trở nên những môn đệ trung thành hơn của Chúa Giê-su, luôn thoát khỏi những thành kiến về nhau trong quá khứ và khao khát hơn bao giờ hết được cầu nguyện cho nhau và với nhau. Một dấu hiệu tốt cho lòng khao khát này là sự “kết nghĩa” diễn ra giữa giáo xứ Các Thánh của anh chị em và giáo xứ Các Thánh của Công giáo. Nguyện xin các thánh của mọi hệ phái Ki-tô, kết hiệp trọn vẹn trong Giê-ru-sa-lem trên thiên quốc, mở ra cho chúng ta ở dưới thế này cách thức để đi đến mọi con đường khả  thi cho một hành trình Ki-tô giáo chung và huynh đệ. Ở nơi đâu chúng ta kết hiệp nhân danh Chúa Giê-su, nơi đó có Ngài hiện diện (x. Mt 18:20), là cội nguồn của sự hiệp nhất và yêu thương. Nguyện xin dung nhan Thiên Chúa chiếu tỏa trên anh chị em, gia đình anh chị em và toàn thể cộng đoàn này!
[Văn bản gốc: tiếng Anh] [bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/02/2017]


Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm
Đức Thánh Cha Phanxico nhận một chiếc bánh ngọt 'Simnel Sunday' trong chuyến viếng thăm của ngài đến nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma - ANSA
27/02/2017 10:42
(Vatican Radio)  Các bữa ăn cho người nghèo, kinh thánh cho các nạn nhân buôn người, và một chiếc bánh Mùa chay đặc biệt. Đây là những món quà Đức Thánh Cha Phanxico nhận được từ cộng đoàn Anh giáo của Roma trong chuyến viếng thăm hôm Chúa nhật đến nhà thờ Các Thánh.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm, giáo xứ Anh giáo của Roma tặng Đức Thánh Cha Phanxico nhiều món quà, hai món quà cho người nghèo đứng tên của ngài và một món quà theo khẩu vị của ngài.
Đầu tiên, giáo xứ Các Thánh và giáo xứ Công giáo cùng tên ở Roma, Ognissanti (tiếng Anh có nghĩa là ‘Các Thánh’), nói rằng họ sẽ phục vụ một bữa ăn mỗi tối thứ Sáu cho người nghèo quanh khu ga xe lửa Ostiense đứng tên của Đức Giáo hoàng Phanxico.
Thứ hai, 200 bản Kinh thánh tiếng Anh được in nhân dịp kỷ niệm của giáo xứ, 50 quyển sẽ được tặng cho ‘những người mại dâm ở Tây Phi thường hỏi xin kinh thánh.’
Sách Kinh thánh sẽ được gửi qua một hệ thống mạng lưới các nữ tu giúp các nạn nhân của nạn buôn người, nhiều người trong số họ cuối cùng bị ép buộc bán dâm.
Cuối cùng, một trong những sản phẩm ngon nhất của nhà thờ Anh giáo, trong đó có món mứt và mù-tạc tự làm, và ‘bánh ngọt Simnel Sunday’.
Bánh ngọt này là một bánh truyền thống của Anh cho ngày Chúa nhật thứ Tư mùa Chay (Laetare Sunday) và được trang trí bằng 11 viên bột hạnh nhân tượng trưng cho 12 Tông đồ, trừ Giu-đa Ít-ca-ri-ô. Từ 'Simnel' lấy từ gốc tiếng La-tinh 'simila', nghĩa là bột lúa mì. Bánh Simnel trước đây thường được các cô gái làm tặng mẹ trong gia đình khi họ có một ngày nghỉ hiếm hoi là ‘Chủ nhật của Mẹ’.

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/02/2017]