Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 4, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 4, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thư viện điện Tông tòa

Thứ Tư, 21 tháng Tư, 2021


___________________________________________________________

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.15 trong thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục các bài giáo lý của ngài về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “lời khẩu nguyện” (Bài đọc Sách Thánh: Thánh vịnh 130 [129], 1-5).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

___________________________________________________________


Bài Giáo lý về cầu nguyện - 30. Khẩu nguyện

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cầu nguyện là đối thoại với Chúa; và mọi loài thụ tạo, theo một nghĩa nào đó, đều “đối thoại” với Thiên Chúa. Trong con người, cầu nguyện trở thành lời nói, khẩn nguyện, thánh ca, thi ca… Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người phàm, và trong xác thịt của mỗi con người, lời trở về với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.

Chúng ta tạo ra từ ngữ, nhưng từ ngữ cũng là mẹ của chúng ta, và ở một mức độ nào đó, chúng định hình nên chúng ta. Những lời cầu nguyện dẫn đưa chúng ta an toàn đi qua các thung lũng tối, hướng chúng ta đến những đồng cỏ xanh tươi đầy nguồn nước, và khiến cho chúng ta có thể nhảy mừng trước mặt kẻ thù, như Thánh Vịnh đã dạy chúng ta (xem Tv 23). Lời nói được sinh ra từ cảm xúc, nhưng cũng có cách thức ngược lại, trong đó lời nói định hình cảm xúc. Kinh Thánh dạy con người phải bảo đảm rằng mọi thứ đều được đem ra ánh sáng qua lời nói, không có gì thuộc con người bị loại trừ, bị kiểm duyệt. Trên hết, sự đau đớn sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu nó bị giấu kín, bị khóa chặt trong lòng chúng ta ... Nỗi đau bị khóa kín trong lòng chúng ta, không thể bộc lộ hoặc cho nó luồng khí thoáng đãng, có thể đầu độc linh hồn. Nó làm chết người.

Đây là lý do tại sao Sách Thánh dạy chúng ta cầu nguyện, đôi khi bằng những lời lẽ táo bạo. Các tác giả sách thánh không muốn lừa dối chúng ta về nhân vị: họ biết rằng tâm hồn chúng ta cũng là nơi ẩn chứa những cảm tính xấu, thậm chí cả hận thù. Không ai trong chúng ta được sinh ra đã là thánh, và khi những cảm xúc tiêu cực này đến gõ cửa tâm hồn chúng ta, chúng ta phải có khả năng làm chúng lắng dịu bằng lời cầu nguyện và lời Chúa. Chúng ta cũng tìm thấy những lời rất gay gắt chống lại kẻ thù trong Thánh Vịnh - những cách diễn đạt mà các bậc thầy thiêng liêng dạy chúng ta hướng vào ma quỷ và tội lỗi của mình - nhưng chúng lại là những lời thuộc về thực tại của con người và cuối cùng đã nằm trong lòng sông của các Sách Thánh. Chúng ở đó để làm chứng cho chúng ta rằng, khi đối mặt với bạo lực, nếu không có từ ngữ nào làm cho cảm xúc tiêu cực trở nên vô hại, không có từ ngữ nào truyền tải chúng theo cách để chúng không gây hại, thì thế giới sẽ bị nhận chìm.

Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là lời đọc thuộc lòng. Đôi môi luôn chuyển động trước. Mặc dù tất cả chúng ta đều ý thức rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp đi lặp lại những lời nói, tuy nhiên, khẩu nguyện là điều chắc chắn nhất và luôn có thể được thực hành. Mặt khác, những cảm xúc dù cao thượng đến đâu cũng không luôn luôn chắc chắn: chúng đến rồi đi, chúng rời bỏ chúng ta và quay trở lại. Không chỉ vậy, những ân sủng của lời cầu nguyện cũng không thể đoán trước được: có những lúc có vô vàn lời an ủi, nhưng vào những ngày đen tối nhất, chúng dường như biến mất hoàn toàn. Lời cầu nguyện của tâm hồn là bí ẩn, và có những thời điểm nhất định nó bị thiếu. Thay vào đó, lời cầu nguyện được thốt lên bằng môi miệng thì thầm hoặc đọc đồng thanh luôn luôn dễ có sức ảnh hưởng, và cũng cần thiết như lao động chân tay. Sách Giáo lý dạy chúng ta về điều này, và nói rằng: “Đời sống Kitô hữu không thể thiếu khẩu nguyện. Việc Chúa Giêsu thinh lặng cầu nguyện đã thu hút các môn đệ, nhưng Người đã dạy họ một lời khẩu nguyện : Kinh Lạy Cha.” (số 2701). Các môn đệ xin với Chúa Giêsu, “Xin dạy chúng con cầu nguyện”, và Chúa Giêsu dạy họ một lời khẩu nguyện: Kinh Lạy Cha. Và mọi điều đều có ở đó, trong lời cầu nguyện đó…

Tất cả chúng ta cần có lòng khiêm tốn của một số người cao tuổi trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn nhạy bén, đã đọc thầm thì những lời cầu nguyện mà họ học thuộc khi còn nhỏ, lấp đầy không gian nhà thờ bằng những lời thì thầm. Lời cầu nguyện đó không làm ảnh hưởng đến sự thinh lặng, nhưng làm chứng cho sự trung thành của họ đối với bổn phận cầu nguyện, được thực hành trong suốt cuộc đời của họ mà không hề sao lãng. Những người thực hành lời cầu nguyện khiêm nhường này thường là những người chuyển cầu tuyệt vời trong các giáo xứ: họ là những cây sồi từ năm này sang năm khác vươn cành lá tỏa bóng mát cho số lượng người đông đảo nhất. Chỉ có Chúa mới biết lúc nào và bao nhiêu tâm hồn của họ được kết hiệp với những lời cầu nguyện mà họ đọc lên thành lời: chắc chắn những người này cũng đã phải đối mặt với những đêm đen và những thời khắc trống rỗng. Nhưng người ta vẫn luôn có thể trung thành với lời khẩu nguyện. Nó giống như một cái neo tàu: người ta có thể bám chặt vào sợi dây và níu lại, trung thành, bất kể điều gì có thể xảy ra.

Tất cả chúng ta đều có những điều để học hỏi từ sự bền chí của một người Nga hành hương, được nhắc đến trong một tác phẩm nổi tiếng về tu đức, là người đã học được nghệ thuật cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại cùng một lời khẩn cầu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, là những kẻ tội lỗi!” (xem GLCG, 2616; 2667). Ông chỉ lặp lại lời này: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, là những kẻ tội lỗi!”. Nếu ân sủng đến trong cuộc đời chúng ta, nếu một ngày nào đó lời cầu nguyện trở nên nhiệt thành đến nỗi chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của Nước Trời ngay ở đây giữa chúng ta, nếu tầm nhìn đó có thể được biến đổi cho đến khi nó trở thành tầm nhìn giống như của một đứa trẻ, thì đó là vì chúng ta đã kiên trì đọc thuộc lòng một câu khẩn cầu đơn sơ của Kitô giáo. Cuối cùng, nó trở thành một phần trong hơi thở của chúng ta. Câu chuyện thật đẹp, câu chuyện về người Nga hành hương: nó là một quyển sách phù hợp với tất cả mọi người. Cha khuyên anh chị em nên đọc nó; nó sẽ giúp anh chị em hiểu khẩu nguyện là gì.

Vì thế, chúng ta không được coi thường lời khẩu nguyện. Người ta có thể nói, “À, cái này là dành cho trẻ em, dành cho những người tối dạ; Tôi đang tìm kiếm sự nguyện gẫm, suy niệm, dành không gian trong lòng để Chúa có thể đến với tôi… Xin làm ơn! Đừng đầu hàng trước tính kiêu ngạo khinh thường lời khẩu nguyện. Đó là lời cầu nguyện đơn sơ, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy: Lạy Cha chúng con, là Đấng ngự trên trời… Những lời chúng ta nói nắm lấy bàn tay chúng ta; đôi khi chúng lấy lại hương vị, chúng đánh thức ngay cả những tâm hồn say ngủ nhất; chúng đánh thức những cảm xúc mà chúng ta đã quên. Và chúng cầm tay dẫn dắt chúng ta tiến đến kinh nghiệm về Chúa, những lời này… Và trên hết, chúng là những lời duy nhất chắc chắn dâng lên Chúa những câu hỏi mà Người muốn nghe. Chúa Giêsu đã không để chúng ta ở trong một màn sương mù. Ngài nói với chúng ta: “Hãy cầu nguyện như thế này”. Và Ngài đã dạy Kinh Lạy Cha (xem Mt 6:9).

___________________________________________________________


Những lời chào:

Cha vui mừng gửi lời chào anh chị em nói tiếng Pháp! Ước mong những lời của chúng ta, những bài ca và lời khẩn cầu của chúng ta trở thành lời ngợi khen, cảm tạ và tôn thờ Thiên Chúa chúng ta, nhằm mang lại hoa trái cho cuộc sống của chúng ta. Xin gửi đến tất cả anh chị em lời chúc phúc của cha!

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, cha khẩn xin tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em!

Cha thân ái chào anh chị em nói tiếng Đức. Lời khẩu nguyện giúp chúng ta trung thành và bền bỉ trong việc cầu nguyện, đặc biệt khi chúng ta trải qua những khoảng thời gian trống rỗng. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong việc cầu nguyện và sống theo lời Chúa.

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha. Cha mời gọi anh chị em đừng bỏ qua những lời cầu nguyện đơn sơ mà chúng ta đã học được trong gia đình khi còn nhỏ mà chúng ta ghi nhớ trong ký ức và tâm hồn mình. Chúng là những con đường chắc chắn để đi vào trái tim của Chúa Cha. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Cha gửi lời chào các tín hữu nói tiếng Ả Rập. Chúng ta không sợ hãi nếu ân sủng của lời cầu nguyện dường như bị tan biến trong những thời khắc tăm tối, nhưng chúng ta hãy kiên trì đọc lại thậm chí chỉ một lời cầu nguyện đơn sơ của Kitô giáo, để nó trở thành một phần hơi thở của chúng ta khiến chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, ở đây, ở giữa chúng ta. Xin Chúa luôn ban phúc lành cho tất cả anh chị em và luôn bảo vệ anh chị em khỏi mọi sự dữ!

Cha thân ái chào anh chị em người Ba Lan. Hai ngày nữa, anh chị em sẽ long trọng cử hành Lễ Thánh Adalbert, vị giám mục tử đạo, thánh bổn mạng của Ba Lan. Một người có đức tin sâu sắc, cầu nguyện và sức mạnh, sự tử vì đạo của ngài đã trở thành nền tảng cho căn tính của Giáo hội Ba Lan. Xin Ngài cầu xin Thiên Chúa ban cho anh chị em sự can đảm trong đức tin và sự phát triển con người, xã hội và tinh thần cho quê hương của anh chị em. Cha chúc lành cho anh chị em.

* * *

Cha xin gửi lời chào thân ái tới các tín hữu nói tiếng Ý. Ước mong mùa Phục sinh mà chúng ta đang trải qua khơi dậy trong anh chị em sự tái sinh trong Chúa Thánh Thần, để sống một đời sống mới tràn đầy yêu thương và lòng nhiệt thành.

Cuối cùng, như thường lệ, suy nghĩ của cha hướng về ông bà cao tuổi, các bạn trẻ, bệnh nhân và những đôi uyên ương mới cưới. Trong thời gian của mùa Phục sinh này, là thời gian mời gọi chúng ta suy gẫm về mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, xin cho vinh quang của Chúa là nguồn năng lượng mới cho mọi người trên con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Cha chúc lành cho tất cả anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/4/2021]


Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

kainam | Shutterstock

Marinella Bandini

19/03/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 30: Bức họa “Vinh quang của thánh tử đạo Eusebius” là kiệt tác của nghệ thuật tân cổ điển.



Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 30

Thánh Eusebius, lạc giáo, sinh thái: Đây là ba chủ đề của Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline. Thánh Eusebius là một trưởng lão La Mã, người đã chiến đấu chống lại lạc giáo Arian. Kết quả là ngài bị giam trong một căn phòng trong chính ngôi nhà của mình và chết vì đói sau bảy tháng bị giam cầm.

Ngôi nhà của ngài trở thành “titulus Eusebi”, và tại đây vào thế kỷ thứ 8, một nhà thờ đầu tiên cung hiến cho ngài được xây dựng. Để tưởng nhớ ngài, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đã ban ơn đại xá đặc biệt cho những ai đến viếng nhà thờ vào ngày lễ Thánh Eusebius (4 tháng 8) và cầu nguyện cho cuộc sống hòa bình theo các nguyên tắc Kitô giáo, xóa bỏ lạc giáo, và sự bình an của Giáo hội.

Nhà thờ được xây dựng lại vào năm 1238 bởi Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX và cung hiến cho các Thánh Eusebius và Thánh Vinh Sơn. Nhà thờ được xây dựng lại hoàn toàn vào thế kỷ 18, và vào dịp đó, họa sĩ Raphael Mengs đã mô tả “Vinh quang của Thánh tử đạo Eusebius” trong bức bích họa trên vòm của gian giữa nhà thờ, một kiệt tác của nghệ thuật tân cổ điển là hiện thân của những mệnh lệnh đầu tiên theo mỹ học của Winckelmann.

Từ năm 1889, vương cung thánh đường cũng là một giáo xứ, nổi tiếng với một số hoạt động liên quan đến sinh thái — gần đây nhất là cuộc thi dành cho sinh viên về sinh thái toàn diện và tính bền vững. Trong thời gian khoảng một thế kỷ, truyền thống “ban phép lành cho các loài vật” nhân ngày lễ Thánh Antôn Cả được tổ chức tại vương cung thánh đường này.

Chặng đàng mùa Chay năm nay diễn ra vào ngày lễ kính Thánh Giuse.

Phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài. (Tv 84:5)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline (bên ngoài). Nhà thờ đầu tiên tại địa điểm này cung hiến cho Thánh Eusebius được xây dựng vào thế kỷ thứ 8. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline (bên trong). Nhà thờ được xây dựng lại năm 1238 và cung hiến cho các Thánh Eusebius và Thánh Vinh Sơn. Nhà thờ được xây dựng lại hoàn toàn vào thế kỷ thứ 8. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline. Trên vòm là bức bích họa của họa sĩ Raffaele Mengs mô tả “Vinh quang của Thánh Tử đạo Eusebius,” một kiệt tác của nghệ thuật tân cổ điển. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline (cung thánh). Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline (bàn thờ chính). Bức tranh miêu tả Thánh Eusebius, một linh mục người Roma chiến đấu chống lại lạc giáo Arian. Ngài bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình và chết vì đói. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline (bàn thờ chính). Bức phù điêu các Thánh Eusebius và Thánh Vinh Sơn. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline. Phụng vụ truyền thống ban phép lành cho các loài vật nhân dịp lễ Thánh Antôn Cả, vào ngày 17 tháng Một (đoàn rước). Tấm ảnh chụp năm 2018. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline. Phụng vụ truyền thống ban phép lành cho các loài vật nhân dịp lễ Thánh Antôn Cả, vào ngày 17 tháng Một (Thánh Lễ). Tấm ảnh chụp năm 2018. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Viếng Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline: 3e với “sinh thái”

Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline. Phụng vụ truyền thống ban phép lành cho các loài vật nhân dịp lễ Thánh Antôn Cả, vào ngày 17 tháng Một. Tượng Thánh Antôn được đặt bên ngoài nhà thờ. Tấm ảnh chụp năm 2018. Vương cung thánh đường Sant’Eusebio tại Esquiline thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/4/2021]