Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Sáu mươi năm sau, một tương lai và hy vọng cho Châu Âu (Văn bản đầy đủ của Đức Thánh Cha)

Sáu mươi năm sau, một tương lai và hy vọng cho Châu Âu (Văn bản đầy đủ của Đức Thánh Cha)

Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn văn trước 27 Nhà lãnh đạo các Chính phủ Châu Âu trong Vatican
24 tháng Ba, 2017
Sáu mươi năm sau, một tương lai và hy vọng cho Châu Âu (Văn bản đầy đủ của Đức Thánh Cha)
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Đây là lần thứ tư trong bốn năm triều đại của ngài, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra tầm nhìn về tương lai của Châu Âu, sau lần đọc diễn văn tại Strasbourg ngày 25 tháng Mười Một năm 2014, tại Quốc hội và Hội đồng Châu Âu, tại đây ngài đọc diễn văn gửi đến 900 triệu người Châu Âu, và ngày nhận giải thưởng Charlemagne 6 tháng Năm, 2016.
Những rường cột của cộng đồng Châu Âu, 60 năm trước, là những gì cần thiết cho châu lục xây dựng tương lai và con đường hòa bình cho nó, Đức Thánh Cha Phanxico đề nghị, ngài làm nổi bật “trung tâm là con người, sự thống nhất hiệu quả, mở ra với thế giới, theo đuổi hòa bình và phát triển và mở ra cho tương lai.”
Đức Thánh Cha tiếp những nhà lãnh đạo Châu Âu ở Vatican lúc 6 giờ tối hôm nay, thứ Sáu 24 tháng Ba, 2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước Roma ngày 25 tháng Ba, 1957.
Đức Thánh Cha nhắc lại “Những tiền nhân sáng lập của Châu Âu” và ngài mời gọi người Châu Âu cho phép họ được khơi nguồn cảm hứng bởi những lời nói của các tiền nhân, bởi tính hợp thời của tư tưởng của họ, bởi sự gắn kết hăng say vì thiện ích chung là đặc điểm riêng của họ, bởi sự xác quyết là một phần của nỗ lực vượt cao hơn con người của họ và bởi sự vĩ đại của lý tưởng đã thổi sinh khí cho họ.”
“Đặc điểm chung của họ là tinh thần phục vụ, được hợp nhất bởi sự đam mê chính trị và ý thức rằng ‘Ki-tô giáo là nguồn cội của nền văn minh Châu Âu này,’ mà nếu không có nó những giá trị về phẩm giá, sự tự do, và công bình của Châu Âu trở nên hoàn toàn không thể hiểu được,” Đức Giáo hoàng trình bày.
Ngài đặt ra vấn đề về tương lai trên bối cảnh khủng hoảng: “Vậy đâu là chìa khóa giải mã để đọc được những sự khó khăn của hiện tại và tìm được câu trả lời cho tương lai? Sự hồi tưởng lại tư tưởng của Tiền nhân sáng lập thực ra sẽ trở thành khô khan nếu nó không vạch ra được con đường cho chúng ta, nếu nó không phải là một động lực để đối mặt với tương lai và là một nguồn cho sự hy vọng.”
Và ngài trình bày một con đường “hy vọng” cho Châu Âu từ những “rường cột” đã được tìm ra.
Đức Thánh Cha đã tiếp 27 Nhà Lãnh đạo các Chính phủ và Nhà nước của Liên minh Châu Âu và các phái đoàn của họ trong đại sảnh Sala Regia của Điện Tông truyền Vatican, với sự hiện diện của đại diện các Cơ quan Châu Âu: Antonio Tajani, Chủ tịch Quốc hội, Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Jean-Claude Junker, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Đức Thánh Cha đọc diễn văn sau các diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Ý, Paolo Gentiloni và Tajani.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) văn bản diễn văn tối 24 tháng Ba, 2017 của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp trước Lãnh đạo các Chính phủ và Nhà nước trong đại sảnh Sala Regia của Vatican:
***
Thưa các vị khách cao quý,
Tôi xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị tối nay, buổi tối trước ngày kỷ niệm 60 năm ký kết các Hiệp ước bắt đầu Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu và Cộng Đồng Năng Lượng Nguyên Tử Châu Âu. Thông qua quý vị, tôi xin chuyển đến từng quốc gia của quý vị và chính Châu Âu lòng yêu mến của Tòa Thánh, trong sự quan phòng của Thiên Chúa là một sự liên kết không thể tách rời. Tôi đặc biệt cảm ơn Ngài Paolo Gentiloni đáng kính, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Ý, vì những lời chào đầy kính trọng nhân danh ngài và những nỗ lực mà nước Ý đã bỏ ra để thực hiện cho buổi họp này. Tôi cũng xin cảm ơn ngài Antonio Tajani đáng kính, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu, người đã làm vang lên những tiếng nói đầy khát vọng của các dân tộc của Liên Minh nhân dịp kỷ niệm này.
Quay trở lại với Roma, sáu mươi năm sau, không thể chỉ đơn thuần là một hồi ức về những điều trong quá khứ, nhưng là cách diễn đạt cho một khát vọng để làm sống lại sự kiện đó nhằm giúp hiểu rõ tầm quan trọng của nó cho hiện tại. Chúng ta cần phải hòa mình vào trong những thách đố của thời gian đó, để biết đối mặt với chúng trong hôm nay và ngày mai. Kinh Thánh, với những cách tường thuật về lịch sử phong phú của nó, có thể dạy cho chúng ta một bài học nền tảng. Chúng ta không thể hiểu được thời đại của chúng ta nếu tách rời ra khỏi quá khứ, không nhìn thấy như một tập hợp của những sự kiện xa xưa, nhưng là hệ bạch huyết trao sự sống cho hiện tại. Nếu không có một ý thức như vậy, thực tại sẽ mất đi tính thống nhất của nó, lịch sử mất đi mắt xích luận lý của nó, và nhân loại sẽ đánh mất ý thức về ý nghĩa của hoạt động và sự tiến bộ của nó hướng về tương lai.
Ngày 25 tháng Ba, 1957 là một ngày tràn đầy hy vọng và mong chờ, nhiệt huyết và e sợ. Chỉ một biến cố vô cùng trọng đại và những tầm quan trọng lịch sử có thể làm cho nó trở thành duy nhất trong lịch sử. Kỷ niệm của ngày đó được kết nối với những hy vọng và mong chờ cho hôm nay của người dân Châu Âu, họ cần sự nhận thức rõ trong hiện tại, để hành trình đã được bắt đầu có thể tiếp tục với lòng nhiệt huyết và sự vững tin được canh tân.
Điều này đã trở nên rất rõ ràng đối với những vị tiền nhân sáng lập và các nhà lãnh đạo đặt nền móng, qua việc ký kết hai Hiệp Ước, họ đã trao sức sống cho thực tại chính trị, kinh tế, văn hóa và nhân bản mà ngày nay chúng ta gọi là Liên Minh Châu Âu. Như ngài P.H. Spaak, Ngoại trưởng của Bỉ đã nói, nó là một vấn đề của “sự thịnh vượng về vật chất cho các dân tộc, mở rộng các nền kinh tế, tiến bộ xã hội và những khả năng kỹ nghệ và thương mại hoàn toàn mới, nhưng trên hết … một quan niệm rất đặc biệt về sự sống đó là nhân bản, huynh đệ và công bình”. [1]
Sau những năm đen tối và đổ máu của Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai, các nhà lãnh đạo thời điểm đó có niềm tin vững vào cơ hội cho một tương lai tốt đẹp hơn. “Họ không thiếu tính táo bạo, và họ cũng không hành động quá muộn. Ký ức về những thảm kịch và sự thất bại trước đó dường như đã khơi nguồn cảm hứng và cho họ sự can đảm cần thiết để bỏ lại sau lưng những bất đồng đã qua, suy nghĩ và hành động theo một cách thức hoàn toàn mới, để mang lại sự biến đổi lớn lao nhất … của Châu Âu.” [2]
Những vị tiền nhân sáng lập nhắc chúng ta nhớ rằng Châu Âu không phải là một khối tổng hợp những quy tắc để tuân thủ, hay một bản hướng dẫn những dự thảo và quy trình để đi theo. Nó là một con đường của sự sống, một con đường của con người hiểu biết đặt nền tảng trên phẩm giá siêu việt và bất biến của nó, là một điều gì đó vượt lên trên một số những quyền phải bảo vệ hay những vấn đề phải thăng tiến. Ngay trong cội nguồn của tư tưởng Châu Âu, chúng ta tìm thấy “bản chất và trách nhiệm của nhân vị, với sự thôi thúc của tình huynh đệ theo phúc âm …, với sự khát khao về sự thật và công bình, được mài giũa qua kinh nghiệm ngàn năm”. [3] Roma, với thiên hướng về tính phổ quát, [4] là biểu tượng cho kinh nghiệm đó và vì thế được chọn là nơi để ký kết các Hiệp Ước. Vì tại đây – như ngài Ngoại trưởng của Hà lan nhận xét – “đặt những nền tảng chính trị, pháp lý và xã hội của nền văn minh của chúng ta”. [5]
Như vậy, ngay từ ban đầu đã rõ ràng rằng dự án chính trị của Châu Âu chỉ có thể chính con người. Nó cũng cho thấy cụ thể rằng những Hiệp ước có thể trở thành một lá thư vô dụng; chúng cần phải đón lấy tinh thần và sức sống. Yếu tố đầu tiên của sức sống của Châu Âu phải là sự thống nhất. Như ngài Thủ tướng Luxembourg, J. Bech trình bày, “Cộng đồng kinh tế Châu Âu chỉ có thể chứng minh là bền vững và thành công nếu nó liên tục duy trì sự trung thành với tinh thần của sự thống nhất Châu Âu đã tạo nên nó, và nếu ý chí chung của Châu Âu đang được hình thành được chứng minh là mạnh mẽ hơn ý chí của từng dân tộc riêng lẻ.” [6] Tinh thần đó cần phải duy trì trong lúc này hơn bao giờ hết, trước những áp lực ly khai và ý muốn thu hẹp những lý tưởng thành lập ban đầu của Liên Minh thuận theo các nhu cầu sản xuất, kinh tế và tài chính.
Sự thống nhất tạo sự lớn mạnh cho việc mở lòng với người khác. “Những chương trình của chúng ta không có nguồn cảm hứng từ sự ích kỷ,” [7] ngài Thủ tướng Đức, K. Adenauer nói. Ngoại trưởng của Pháp, ông C. Pineau, lặp lại tình cảm này: “Chắc chắn những quốc gia chuẩn bị cho sự thống nhất … không có ý định cô lập họ ra khỏi phần còn lại của thế giới và phủ quanh họ bằng những rào cản không thể vượt qua được.” [8] Trong một thế giới đã quá quen với thảm kịch của những bức tường ngăn cách và sự chia rẽ, thật vô cùng quan trọng phải hoạt động cho một Châu Âu hợp nhất và mở rộng, và cho việc phá bỏ đi rào cản trái với tự nhiên phân cách đại lục từ Biển Baltic đến Biển Adriatic. Đâu rồi những nỗ lực để phá đổ bức tường đó! Hôm nay ký ức về những nỗ lực đó đã bị đánh mất. Lãng quên cũng là thảm kịch của những gia đình bị chia rẽ, sự nghèo đói và túng quẫn được sinh ra từ sự chia rẽ đó. Nơi các thế hệ mong mỏi được nhìn thấy sự sụp đổ của những dấu hiệu thù địch ép buộc đó, ngày nay chúng ta tranh luận cách để tránh xa “những mối nguy hiểm” của thời đại: bắt đầu từ hàng dài những người phụ nữ, đàn ông và trẻ em trốn chạy khỏi chiến tranh và đói nghèo, chỉ muốn tìm một tương lai cho bản thân họ và những người thân yêu của họ.
Trong sự suy giảm ký ức của hôm nay, chúng ta thường quên đi rằng một thành tựu vĩ đại khác của sự thống nhất được thông qua ngày 25 tháng Ba năm 1957: khoảng thời gian hòa bình dài nhất có được trong những thế kỷ gần đây. “Các dân tộc trong suốt một quãng thời gian thường tìm thấy mình trong những doanh trại đối đầu, chiến đấu chống lại nhau … bây giờ tìm thấy họ được thống nhất và được làm phong phú bởi những giá trị dân tộc đặc trưng của họ.” [9] Hòa bình luôn luôn là kết quả của một sự đóng góp tự nguyện và ý thức của tất cả. Tuy nhiên, “với nhiều người ngày nay, hòa bình dường như là một sự chúc phúc đương nhiên phải có,” [10] một điều có thể dễ dàng bị xem như không cần thiết. Ngược lại, hòa bình là một sự tốt lành quý báu và vô cùng cần thiết, vì không có nó, chúng ta không thể xây dựng một tương lai cho bất cứ ai, và cuối cùng chúng ta sẽ “sống ngày nào biết ngày đó.”
Châu Âu Thống Nhất được khai sinh từ một dự án minh bạch, rõ ràng và được cẩn thận cân nhắc, tuy ban đầu chỉ là ở thời kỳ phôi thai. Mọi dự án giá trị đều nhìn đến tương lai, và tương lai là lớp người trẻ, họ được kêu gọi để biết những hy vọng và sự hứa hẹn của nó. [11] Những vị tiền nhân sáng lập ban đầu có ý thức rất rõ ràng rằng họ là một phần của nỗ lực chung không chỉ vượt những biên giới quốc gia, mà còn là biên giới thời gian, để gắn kết giữa những thế hệ, tất cả cùng đồng lòng chung sức xây dựng của ngôi nhà chung.
Thưa các vị khách cao quý,
Tôi đã dành phần đầu của bài nói chuyện của tôi cho những vị tiền nhân sáng lập Châu Âu, để chúng ta có thể được thử thách bởi lời nói của họ, bởi tính hợp thời của tư tưởng của họ, bởi sự gắn kết hăng say vì thiện ích chung là đặc điểm riêng của họ, bởi sự xác quyết là một phần của nỗ lực vượt cao hơn con người của họ và bởi sự vĩ đại của lý tưởng đã thổi sinh khí cho họ. Đặc điểm chung của họ là tinh thần phục vụ, được hợp nhất bởi sự đam mê chính trị và ý thức rằng ‘Ki-tô giáo là nguồn cội của nền văn minh Châu Âu này,’ [12] mà nếu không có nó những giá trị về phẩm giá, sự tự do, và công bình của Châu Âu trở nên hoàn toàn không thể hiểu được. Thánh Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Cả hôm nay nữa, tinh thần của Châu Âu vẫn phải duy trì thống nhất, vì ngoài những nguồn cội chung của nó, những giá trị Ki-tô giáo và nhân bản đó vẫn còn sức sống. Sự tôn trọng phẩm giá nhân vị, một ý thức sâu sắc về công bằng, tự do, sự cần cù, tinh thần sáng tạo, yêu thương gia đình, tôn trọng sự sống, khoan dung, khao khát hợp tác và hòa bình: tất cả đây là những dấu ấn nổi bật của nó.” [13] Trong thế giới đa văn hóa của chúng ta, những giá trị này sẽ tiếp tục có vị trí thích hợp của nó miễn là chúng vẫn giữ được sự sự kết nối đến những nguồn cội sâu sắc nhất của nó. Những kết quả tốt đẹp của sự kết nối đó sẽ tạo tính khả thi để xây dựng những xã hội “dân sự” đích thực, thoát khỏi những xung đột về ý thức hệ, có sự công bằng cho người bản xứ và người nhập cư, cho người tín hữu và người vô tín ngưỡng.
Thế giới đã thay đổi rất lớn trong sáu mươi năm qua. Nếu những vị tiền nhân sáng lập, sau khi thoát qua được sự xung đột tàn phá kinh hoàng, được khơi gợi cảm hứng bởi sự hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, và quyết định theo đuổi nó bằng cách tránh làm nổi lên những xung đột mới, thì thời đại của chúng ta lại bị thống trị mạnh hơn bởi sự nhận thức về khủng hoảng. Có sự khủng hoảng kinh tế đã đánh dấu thập trong kỷ qua; có sự khủng hoảng về gia đình và về những mô hình xã hội được thiết lập; có một sự “khủng hoảng về các thể chế” đang lan rộng và sự khủng hoảng về di cư. Quá nhiều những khủng hoảng đang gây ra sự sợ hãi và sự rối loạn sâu xa trong con người đương thời của chúng ta, họ đi tìm một con đường mới để nhìn về tương lai. Tuy nhiên, thuật ngữ “khủng hoảng” không hẳn mang tính tiêu cực. Nó không đơn thuần biểu lộ một khoảng thời gian đau đớn phải chịu đựng. Cụm từ “khủng hoảng” có gốc từ động từ tiếng Hy lạp kríno, có nghĩa là nhận thức rõ, cân nhắc, đánh giá. Sự khủng hoảng thời đại của chúng ta là một thời gian để nhận thức, thời gian mời gọi chúng ta quyết định đâu là sự quan trọng và xây dựng nền tảng trên nó. Nó là một thời gian của những thách đố và cơ hội.
Vậy đâu là chìa khóa giải mã để đọc được những sự khó khăn của hiện tại và tìm được câu trả lời cho tương lai? Sự hồi tưởng lại tư tưởng của Tiền nhân sáng lập thực ra sẽ trở thành khô khan nếu nó không vạch ra được con đường cho chúng ta, nếu nó không phải là một động lực để đối mặt với tương lai và là một nguồn cho sự hy vọng. Khi một cơ thể đã mất khả năng định hướng và không còn khả năng hướng nhìn về phía trước, nó rơi vào tình trạng đi giật lùi, và về lâu về dài, có nguy cơ bị chết. Vậy, đâu là di sản của những Tiền nhân sáng lập? Đâu là những triển vọng mà họ chỉ ra để vượt qua những thách đố đang nằm trước mặt chúng ta? Họ đưa ra những hy vọng gì cho Châu Âu của hôm nay và ngày mai?
Câu trả lời của họ được tìm thấy trong những rường cột mà dựa trên đó họ đã quyết định xây dựng cộng đồng kinh tế Châu Âu. Tôi đã đề cập đến những vấn đề này: trung tâm là con người, sự thống nhất hiệu quả, mở ra với thế giới, theo đuổi hòa bình và phát triển và mở ra cho tương lai. Những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về nhận thức được những con đường hy vọng, nhận biết những con đường đặc biệt hướng về phía trước và bảo đảm rằng những bước đi quan trọng đã không bị lãng phí, nhưng như một sự cam kết cho một hành trình dài lâu và hiệu quả.
Châu Âu sẽ tìm thấy nguồn hy vọng mới khi con người được đặt vào trung tâm của các thể chế. Tôi tin rằng việc này sẽ dẫn đến sự sẵn sàng lưu tâm và đầy tin tưởng để nghe thấy được những mong ước được nói lên bởi những cá nhân, xã hội và các dân tộc hợp thành Liên Minh. Đáng buồn là người ta thường tìm thấy “sự chia cắt” đang lớn lên giữa toàn thể công dân và các thể chế Châu Âu, thường được xem là xa cách và thiếu chú ý đối với nhiều điều nhạy cảm khác nhau đang hiện hữu ở Liên Minh. Khẳng định con người là trung tâm cũng có nghĩa là phục hồi lại tinh thần gia đình, nhờ đó mỗi con người đóng góp một cách tự do cho ngôi nhà chung tùy theo khả năng và những ân ban riêng của người đó. Nó giúp ghi nhớ trong đầu rằng Châu Âu là một gia đình các dân tộc [14] và – cũng như trong mọi gia đình hạnh phúc – có rất nhiều sự nhạy cảm khác nhau, tuy nhiên tất cả đều có thể phát triển ở phạm vi mọi người đều được kết hiệp. Liên minh Châu Âu được khai sinh như là một sự thống nhất của những khác biệt và một sự thống nhất trong những khác biệt. Nét riêng biệt của một cái gì đó không phải là lý do cho sự sợ hãi, nó cũng tạo ra ý nghĩ rằng sự thống nhất được duy trì lâu dài nhờ vào tính đồng nhất. Nhưng sự thống nhất là sự hòa hợp trong một cộng đồng. Những tiền nhân sáng lập chọn thuật ngữ đó làm dấu xác nhận cho các cơ quan được sinh ra bởi các Hiệp Ước và họ nhấn mạnh rằng những nguồn tài nguyên và tài năng của mỗi người bây giờ được phát triển. Ngày nay Liên minh Châu Âu cần phải khôi phục lại ý nghĩa căn bản của một “cộng đồng” những con người và các dân tộc, để nhận ra rằng “chung tất cả thì mạnh mẽ hơn một phần, nhưng nó cũng mạnh mẽ hơn tổng số của các phần,” [15] và vì thế “chúng ta phải liên tục mở rộng những chân trời của chúng ta và nhìn thấy những thiện ích lớn lao hơn làm ích lợi cho tất cả chúng ta.” [16] Những vị tiền nhân sáng lập đã tìm kiếm sự hòa hợp đó trong đó cái chung được hiện hữu trong từng đơn vị của các phần, và các phần – mỗi phần với tính riêng biệt của nó – lại hiện hữu trong cái chung.
Châu Âu tìm thấy sự hy vọng mới trong sự đoàn kết, nó cũng là một cách hóa giải hiệu quả nhất cho những hình thức chủ nghĩa dân túy mới. Sự đoàn kết dẫn đến ý thức mình là một phần của một thân thể, đồng thời lại cần phải có khả năng về phía mỗi thành viên để “đồng cảm” được với người khác và với toàn thể. Khi một người bị đau, tất cả cùng chịu đau (x. 1 Cr 12:26). Hôm nay, cùng với nước Anh, chúng ta than khóc cho những nạn nhân của vụ tấn công xảy ra ở London hai ngày trước. Vì sự đoàn kết không chỉ đơn thuần là một lý tưởng; nó được thể hiện trong những hành động và bước đi cụ thể kéo chúng ta lại gần với anh em hơn, trong bất cứ hoàn cảnh nào của họ. Thay vì vậy những hình thức của chủ nghĩa dân túy là kết quả của thuyết duy ngã độc tôn vây kín lấy con người và ngăn chặn họ không vượt qua được và “không nhìn xa hơn” tầm nhìn hạn hẹp cá nhân. Cần phải bắt đầu có cách suy nghĩ của Người Châu Âu trở lại, để đẩy lùi những sự nguy hiểm đối nghịch của tính đồng nhất nặng nề hoặc niềm vui chiến thắng của những chủ nghĩa phân lập. Đời sống chính trị cần cách lãnh đạo này, nó tránh xa việc cầu xin những cảm xúc để đạt được sự đồng ý, nhưng ngược lại, trong một tinh thần đoàn kết và nguyên tắc bổ trợ, đặt ra những chính sách có thể làm cho Liên minh phát triển hòa hợp chung. Như vậy, những người chạy nhanh hơn có thể đưa ra trợ giúp những người chậm hơn, và những ai tìm thấy bước đi khó khăn hơn có thể nhắm đến đích đuổi kịp với những người đang ở hàng đầu.
Châu Âu tìm thấy sự hy vọng mới khi nó từ chối không đầu hàng trước sự sợ hãi hay khóa mình vào trong những hình thức an toàn sai lầm. Hoàn toàn ngược lại, lịch sử của nó đã được quyết định rất lớn nhờ sự gặp gỡ với các dân tộc và văn hóa khác; lịch sử của nó “là, và luôn luôn là, một giá trị năng động và đa văn hóa.” [17] Thế giới nhìn đến dự án của Châu Âu với sự thích thú rất lớn. Đây là trường hợp của ngày đầu tiên, khi các đám đông tập trung ở Quảng trường Capitol của Roma và những thông điệp chúc mừng đổ về từ nhiều chính phủ khác. Nó thậm chí còn là trường hợp hơn thế nữa của hôm nay, nếu chúng ta nghĩ đến những quốc gia đã xin trở thành một phần của Liên minh và những chính phủ đó đã nhận được sự hỗ trợ rất quảng đại giúp họ chiến đấu chống lại những hậu quả của sự nghèo đói, bệnh tật và chiến tranh. Sự mở ra với thế giới dẫn đến khả năng “đối thoại như một hình thức gặp gỡ” [18] trên mọi cấp độ, bắt đầu từ sự đối thoại giữa các chính phủ thành viên, giữa các cơ quan và các công dân, và với nhiều người nhập cư cập các bờ biển của Liên minh. Thật không đủ nếu chỉ đối phó với sự khủng hoảng người nhập cư của những năm gần đây nếu xem nó đơn thuần như một vấn đề về con số hay kinh tế, hoặc một câu hỏi về an ninh. Vấn đề nhập cư đặt ra một câu hỏi lớn hơn, một câu hỏi căn bản về văn hóa. Châu Âu giới thiệu ra loại văn hóa gì cho hôm nay? Sự sợ hãi đang trở nên ngày càng rõ rệt hơn có nguồn gốc từ việc đánh mất đi những lý tưởng. Không có một sự tiếp cận nào được tạo cảm hứng bởi những lý tưởng đó, cuối cùng chúng ta sẽ bị thống trị bởi sự sợ hãi rằng người khác sẽ làm sai lệch đi những thói quen thông thường của chúng ta, tước mất của chúng ta những tiện nghi quen thuộc, và bằng cách này cách khác đặt ra câu hỏi về một lối sống thường mang quá nhiều sự thịnh vượng về vật chất. Tuy nhiên sự giàu có của Châu Âu luôn luôn là sự mở rộng tinh thần của nó và khả năng đặt ra những câu hỏi căn bản về ý nghĩa của sự sống. Sự mở lòng trước ý thức về vĩnh hằng cũng đồng thời song hành với sự mở lòng tích cực cho thế giới này, dẫu cho không thiếu những căng thẳng và lỗi lầm. Tuy nhiên sự thịnh vượng của hôm nay dường như đã cắt đi đôi cánh của đại lục và hạ thấp tầm nhìn của nó. Châu Âu có một di sản kế thừa những lý tưởng và giá trị tinh thần độc nhất trên thế giới, một điều xứng đáng được giới thiệu lại một lần nữa với niềm say mê và sinh lực được đổi mới, vì nó là liều thuốc giải tốt nhất chống lại sự rỗng tuếch của các giá trị của thời đại chúng ta, nó cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho mọi hình thức của chủ nghĩa cực đoan. Đây là những lý tưởng đã định hình cho Châu Âu, cho “Bán đảo của Châu Á” trải dài từ rặng Ural đến Đại Tây Dương.
Châu Âu tìm thấy sự hy vọng mới khi nó đầu tư cho sự phát triển và cho hòa bình. Sự phát triển không phải là kết quả của một tổng hợp nhiều hệ thống sản xuất khác nhau. Nó phải liên quan đến toàn thể con người: phẩm giá của lao động, những điều kiện sống xứng đáng, tiếp cận được với giáo dục và sự chăm sóc sức khỏe cần thiết. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói “Phát triển là một danh xưng mới của hòa bình,” [19] vì sẽ không có hòa bình thực sự bất cứ khi nào con người bị quăng ra bên lề hay bị bắt buộc phải sống trong sự nghèo đói cùng cự. Sẽ không có hòa bình nếu không có việc làm và triển vọng tìm được đồng lương đúng giá trị. Sẽ không có hòa bình trong những vùng ngoại vị của các thành phố của chúng ta, với sự lạm dụng ma túy và bạo lực bùng phát.
Châu Âu tìm thấy sự hy vọng mới khi nó mở ra cho tương lai. Khi nó mở ra cho giới trẻ, cung cấp cho họ những triển vọng nghiêm túc cho giáo dục và những cơ hội thật sự để bước vào lực lượng lao động. Khi nó đầu tư vào gia đình, đây là tế bào đầu tiên và nền tảng của xã hội. Khi nó tôn trọng lương tâm và những lý tưởng của công dân của nó. Khi nó có thể để cho những đứa trẻ ra đời mà không sợ rằng không thể cấp dưỡng được cho chúng. Khi nó bảo vệ sự sống trong mọi chiều kích thánh thiêng của nó.
Thưa các vị khách cao quý,
Ngày nay, với sự gia tăng chung về tuổi thọ sự sống của con người, sáu mươi năm được xem là tuổi của sự trưởng thành trọn vẹn, một thời gian quyết định để chúng ta một lần nữa được kêu gọi phải tự kiểm điểm. Cả Liên minh Châu Âu nữa, ngày hôm nay cũng được kêu gọi để tự kiểm điểm lại mình, để chăm sóc cho những căn bệnh của tuổi tác không thể tránh khỏi, và để tìm ra được những con đường mới để định hướng bước đi cho mình. Tuy nhiên, không giống như con người, Liên minh Châu Âu không đối mặt với tuổi già không tránh khỏi, nhưng là cơ hội của một sức trẻ mới. Sự thành công của nó sẽ tùy thuộc vào tính sẵn sàng một lần nữa chung sức cùng hoạt động, và bằng sự sẵn sàng của nó dám đánh cược vào tương lai. Là những nhà lãnh đạo, quý vị được kêu gọi phải loan báo con đường của một “chủ nghĩa nhân văn Châu Âu mới” [20] được xây dựng trên những lý tưởng và hành động cụ thể. Điều này có nghĩa là sẽ không e sợ phải đưa ra những quyết định thiết thực đủ khả năng đáp ứng được những vấn đề thực sự của con người và đứng vững trước sự thử thách của thời gian.
Về phần tôi, tôi sẵn sàng cam kết với quý vị sự khăng khít của Tòa Thánh và của toàn thể Giáo Hội Châu Âu, với sự phát triển mà nó đạt được, và sẽ luôn luôn, tiếp tục đóng góp. Trong lời khẩn cầu những phúc lành của Thiên Chúa cho Châu Âu, tôi kêu cầu Người bảo trợ đại lục và ban cho nó sự bình an và tiến bộ. Tôi xin lấy lời của ngài Giu-se Bech đã tuyên bố trên Đồi Capitoline của Roma: Ceterum censeo Europam esse aedificandam – hơn nữa, tôi tin rằng Châu Âu phải được xây dựng.
Xin cảm ơn quý vị.
_____________________________________________________
[1] P.H. SPAAK, Diễn văn ký kết các Hiệp Ước Roma, 25 tháng Ba 1957.
[2] Nt.
[3] A. DE GASPERI. La nostra patria Europa. Diễn văn Họp Quốc hội Châu Âu, 21 tháng Tư 1954, in Alcide De Gasperi e la politica internazionale, Cinque Lune, Rome, 1990, vol. III, 437-440.
[4] Cf. P.H. SPAAK, loc. cit.
[5] J. LUNS, Diễn văn ký kết các Hiệp Ước Roma, 25 tháng Ba 1957.
[6] J. BECH, Diễn văn ký kết các Hiệp Ước Roma, 25 tháng Ba 1957.
[7] K. ADENAUER, Diễn văn ký kết các Hiệp Ước Roma, 25 tháng Ba 1957.
[8] C. PINEAU, Diễn văn ký kết các Hiệp Ước Roma, 25 tháng Ba 1957.
[9] P.H. SPAAK, loc. cit.
[10] Diễn văn trước các Thành viên của Ngoại giao đoàn trình Ủy nhiệm thư tại Tòa Thánh, 9 tháng Một 2017.
[11] Cf. P.H. SPAAK, loc. cit.
[12] A. DE GASPERI, loc. cit.
[13] JOHN PAUL II, Đạo luật Châu Âu, Santiago de Compostela, 9 tháng Chín 1982: AAS 75/1 (1983), 329.
[14] Cf. Diễn văn tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một 2014: AAS 106 (2014), 1000.
[15] Tông huấn Evangelii Gaudium, 235.
[16] Ibid.
[17] Diễn văn tại Lễ trao giải thưởng Charlemagne, 6 tháng Năm 2016: L’Osservatore Romano, 6-7 May 2016, p. 4.
[18] Tông huấn Evangelii Gaudium, 239.
[19] PAUL VI, Tông thư Populorum Progressio, 26 tháng Ba 1967, 87: AAS 59 (1967), 299.
[20] Diễn văn tại Lễ trao giải thưởng Charlemagne, loc. cit., p. 5.

[Văn bản gốc: tiếng Anh] [văn bản của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/03/2017]