Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Đức Hồng y Robert Sarah nói về tính cao cả của sự tĩnh lặng

Đức Hồng y Robert Sarah nói về tính cao cả của sự tĩnh lặng
Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (Paul Badde/Catholic News Agency)
VATICAN
5 tháng Tư, 2017

Đức Hồng y Robert Sarah nói về tính cao cả của sự tĩnh lặng
Sức mạnh của sự tĩnh lặng, cùng viết với Nicolas Diat, được khơi nguồn cảm hứng từ tu viện Carthusian tại La Grande Chartreuse.
Joan Frawley Desmond

Đức Hồng y Robert Sarah, tổng trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, là đồng tác giả của quyển Sức mạnh của sự tĩnh lặng: Chống lại tính thống trị của sự ồn ào (nhà xuất bản Ignatius) được xuất bản gần đây.
Được gợi cảm hứng từ những nhịp điệu hàng ngày của việc thờ phụng thánh và lời nguyện ngắm suy tư tại La Grande Chartreuse, tu viện Carthusian lịch sử trên dãy núi Alps của Pháp, Đức Hồng y Sarah và đồng tác giả Nicolas Diat suy tư về sự mặc khải của Thiên Chúa về Mầu Nhiệm Nhập Thể, Sự Đóng Đinh, Phục Sinh và Hiến Tế Thánh của Thánh Lễ, qua sự tĩnh lặng.
Qua một buổi trao đổi bằng thư với Chánh Chủ bút của Register Joan Frawley Desmond, vị hồng y người Châu Phi giải thích cách những người Công giáo bình thường có thể trở thành những nhà chiêm niệm trên thế giới, và ngài cảnh báo rằng những ai sống trong “sự chuyên chế của ồn ào” sẽ chặn mất “tiếng nói khiêm nhường” của Thiên Chúa.

Quyển sách mới của ngài, Sức mạnh của sự tĩnh lặng, được dựa trên nền tảng của một cuộc đối thoại với Trưởng Bề trên của Dòng Carthusia, Dom Dysmas de Lassus, có trụ sở tại La Grande Chartreuse trên rặng núi Alps của Pháp. Điều gì đã khiến ngài tổng trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đến với tu viện này?

Là tổng trưởng của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, tôi mong muốn trước hết nhìn thấy những đặc điểm riêng của nghi thức phụng vụ của Dòng Carthusia, có hơi khác với nghi thức của Roma. Trên căn bản cá nhân hơn, vì tôi muốn viết một quyển sách về sự tĩnh lặng, tôi nghĩ thật hữu ích nếu đến được nơi nào đó im lặng nhất trong Giáo hội Công giáo. La Grande Chartreuse là một sa mạc của sự tĩnh lặng tuyệt đối. Tất cả xung quanh đều là sự cô tịch, vẻ đẹp của các ngọn núi, sự mộc mạc chân phương huyền nhiệm — tắt một lời, toàn bộ môi trường dường như là nơi cư ngụ của Chúa.
Người ta có thể nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác” (St 28:16-17).

Tôi thực sự muốn trải nghiệm sự tĩnh lặng, sự cô tịch và sự hiện hữu của Thiên Chúa trong nơi thánh thiêng này của La Grande Chartreuse và sống và cầu nguyện cùng với thầy ẩn tu thánh thiện, đặc biệt phần rất ấn tượng của đời sống các thầy: “Khi cả trái đất đang ngủ, hay cố quên, Phòng Divine là trái tim rực cháy của đời sống tu viện Carthusian,” đúng như Nicolas Diat nhấn mạnh. Nó bắt đầu lúc 15 phút sau nửa đêm và kéo dài 3 giờ đồng hồ trong bóng tối.

Sự tĩnh lặng của các thầy Carthusian đặt nền tảng không những trên việc không được nói chuyện nhiều với những người từ bên ngoài vào mà không được phép đặc biệt của bề trên; các thầy cũng sống một cuộc sống, suốt ngày dài ẩn dật, trong những căn nhà nhỏ riêng biệt, chỉ có một số giờ kinh nguyện và Thánh Lễ hát đồng ca chung, còn lại hoàn toàn riêng tư. Sự tĩnh lặng của các thầy cũng là một nỗ lực làm trống không những ký ức và sự tưởng tượng từ mọi “thùng rác” tích trữ trong các thầy trong suốt cuộc đời trước khi trở thành tu sĩ ẩn tu.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, sự tĩnh lặng của các thầy cũng thể hiện trong việc không để lại dấu tích của bản thân: Các thầy không ký tên vào các sách mà các thầy hiếm khi xuất bản, và các thầy được chôn trong một ngôi mộ vô danh.

Nhờ vào sự tĩnh lặng liên tục như vậy, các thầy có thể lắng nghe được Tiếng của Thiên Chúa, qua việc đọc Kinh thánh, trong Phòng Divine và trong lời nguyện ngắm trong tâm hồn. Đổi lại, các thầy không bị cản trở bởi âm thanh ồn ào bên ngoài (không TV, không radio, không báo chí, không internet) để có thể cầu nguyện cho toàn thế giới.

Bên cạnh giường của Tu huynh Vinh Sơn, thầy ẩn tu Carthusian chịu một cái chết đau đớn vì chứng đa xơ cứng, cha đã chứng kiến sự huyền nhiệm của sự tĩnh lặng của Thiên Chúa trong căn bệnh không thể chữa trị. Cha đã học được điều gì?

Mối liên kết của tôi với Tu huynh Vinh sơn bắt đầu khi tôi biết thầy dâng lên Chúa mọi sự đau khổ của thầy để giành lấy những ơn sủng cần thiết từ Thiên Chúa cho tôi để tôi hoàn tất trọn vẹn được thừa tác vụ của tôi ở Roma. Cách biểu lộ siêu phàm nhất của tình yêu là đau khổ và cái chết, nghĩa là, sự dâng hiến thầm lặng và trọn vẹn sự sống của chúng ta. Tu huynh Vinh Sơn thường nói, “Tôi tin rằng đau khổ được Thiên Chúa ban cho con người theo một mẫu thiết kế vĩ đại của tình yêu và lòng thương xót.”
Nicolas để ý rằng trong con người Tu huynh Vinh Sơn tôi ngay lập tức “nhận ra một tâm hồn nồng cháy, một thánh nhân ẩn tu, một người bạn thân của Chúa.” Tình bạn này được sinh ra trong tĩnh lặng, nó phát triển trong tĩnh lặng, và nó tiếp tục tồn tại trong tĩnh lặng. [Trích lời quyển sách] “Tu huynh Vinh Sơn không đủ khả năng để thốt lên một câu nói đơn giản vì căn bệnh đã lấy mất khả năng nói của thầy. Thầy chỉ có thể hướng mắt nhìn về phía tôi. Thầy cho chúng tôi thấy rằng sự tĩnh lặng mà căn bệnh đã bắt thầy phải chịu cho phép thầy bước vào chân lý sâu thẳm hơn của mọi điều.

Kinh nghiệm của tôi là, dù hoàn cảnh đau đớn như vậy, Tu huynh Vinh Sơn vẫn giữ được sự thanh thản, vui vẻ và kiên nhẫn. Thiên Chúa đã yêu cầu thầy là của lễ toàn thiêu và một sự dâng hiến thầm lặng cho ơn cứu độ của thế giới; bên cạnh là một người bạn, tôi trở thành một học sinh, học mầu nhiệm của đau khổ.

Chứng kiến Tu huynh Vinh Sơn, 38 tuổi, nằm liệt trên giường bệnh, thầm lặng tỏ lộ cho tôi thấy rằng “sự đau khổ làm cho linh hồn trở thành người lao công vĩ đại của sự cứu rỗi và thánh khiết,” như thầy đã viết trong hành trình cá nhân của thầy, tôi đã khám phá ra ngay trong đêm chuẩn bị chôn cất thầy.

Cha định nghĩa tĩnh lặng như thế nào, và sự khác biệt giữa tĩnh lặng bên trong và tĩnh lặng bên ngoài là gì?

Theo nghĩa tiêu cực, tĩnh lặng là sự thiếu vắng những âm thanh. Nó có thể là trong tâm hồn hay bên ngoài. Sự tĩnh lặng bên ngoài gồm có sự tĩnh lặng về lời nói và hành động; nói một cách khác là sự vắng mặt của những tiếng ồn ào của cửa nhà , xe cộ, búa khoan, máy bay, những tiếng ồn kỹ thuật của máy ảnh, thường kèm theo ánh sáng bừng lóe lên của đèn flash, và kể cả khu rừng kinh khủng của điện thoại di động phát ra ngay cạnh mình thậm chí trong các giờ phụng vụ Thánh Thể.

Về sự tĩnh lặng trong tâm hồn, nó có thể đạt được qua sự thiếu vắng những ký ức, những kế hoạch, những thì thầm trong lòng, những lo lắng. Điều còn quan trọng hơn, nhờ vào hành vi của ý chí, nó có thể là kết quả của sự thiếu vắng những tình cảm lộn xộn hay những khát khao quá mức.

Dom Dysmas đúng khi nhấn mạnh rằng: “Giữ tĩnh lặng với cái miệng của chúng ta thì không khó; chỉ cần dùng ý chí là được. Giữ tĩnh lặng trong những suy nghĩ là vấn đề khác … Thật ngược đời, sự tĩnh lặng và cô độc bên ngoài, với mục đích thúc đẩy sự tĩnh lặng trong tâm hồn, bắt đầu từ việc làm lộ ra tất cả những sự ồn ào cư ngụ trong chúng ta.”

Tĩnh lặng thực sự không đơn thuần là sự thụ động, nhưng là một thực tại tích cực dẫn đến sự gặp gỡ và hiệp nhất.

Quyển sách của cha nói về sự tĩnh lặng của mầu nhiệm Nhập Thể. Tại sao Đức Ki-tô xuống trần trong sự im lặng và sống hầu suốt cuộc đời trong sự im lặng?

Khi anh nói với giọng nói nhỏ, chỉ những người im lặng xung quanh mới có thể nghe thấy anh. Thiên Chúa là một người yêu đặc biệt — Ngài là một người yêu im lặng và khiêm nhường — và không muốn áp đặt Ngài trên sự tự do của chúng ta.

Về việc thầm lặng đến trần gian này, Ngài muốn cho thấy rằng mối quan hệ của Ngài với chúng ta là tự do. Ngài không muốn nghiền nát chúng ta như một kẻ độc tài; nhưng ngược lại, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và khỏi sự chuyên chế của ma quỷ. Để thực hiện, Ngài đã hành động một cách khiêm nhường, hoàn toàn ngược lại với sự cao ngạo của Satan.

Đó là lý do tại sao tôi trích câu trong Sách Khôn Ngoan: “Khi vạn vật chìm sâu trong tĩnh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (18:14-15). Về sau, câu này được hiểu theo truyền thống phụng vụ Ki-tô giáo như lời tiên tri về sự Nhập thể âm thầm của Ngôi Lời nơi máng cỏ Bê-lem. Bây giờ sự tĩnh lặng là một phần của tính khiêm nhường.

Dù là Thiên Chúa, Ngôi Lời đã tự hạ mình, từ bỏ vinh quang của Người, và trở nên như một nô lệ, chết như một kẻ tội phạm trên thập giá, vì sự cứu độ cho chúng ta. Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Người tỏ lộ muôn đời Thiên Chúa là gì, và khi đi vào trần gian này, Người cũng đã phải tỏ lộ sự riêng biệt này, qua việc dùng sự âm thầm để nói về nó. Sự âm thầm của máng cỏ, sự âm thầm của làng Na-za-rét, sự âm thầm của thập giá, và sự âm thầm của ngôi mộ được đóng kín. Đó là những sự âm thầm của nghèo đói, của sự khiêm nhường, của sự hy sinh và hạ mình, của sự trút bỏ mình thành như không (Pl 2:7).
Khi cha suy tư về “sự âm thầm của thập giá,” cha nói với độc giả hãy “học cách đứng lặng im dưới chân thập giá khi chiêm ngắm Đức Chúa Chịu Đóng Đinh như Mẹ Maria Đồng Trinh.” Đâu là con đường tĩnh lặng của Mẹ Maria?

Toàn bộ cuộc đời của Mẹ Chúa Giê-su nhận chìm trong sự tĩnh lặng.

Trong quyển sách của chúng tôi, tôi đã cố gắng tóm lược lại con đường tĩnh lặng của Mẹ Maria bằng lời của Cha Maurice Zundel: “Mẹ Maria được ơn nghe thấy Lời âm thầm. Từ đó con người Mẹ trở thành cái nôi cho Lời Hằng sống … Trong Mẹ, mỗi con người nhìn thấy mình được mời gọi đạt đến được cùng đích như vậy: người đó trở thành một nơi cư ngụ của Thiên Chúa, của Lời tĩnh lặng.”

Thánh Gio-an Phao-lô II nói với chúng ta rằng hành trình của Mẹ Maria — từ tấm gỗ của máng cỏ đến phiến gỗ của thập giá — được mang dấu ấn bởi “một loại ‘khăn che mặt’ qua đó người ta phải đến gần với Đấng Vô hình và sống trong sự thân tình với mầu nhiệm” (Redemptoris Mater, 17). Điều gì đã làm cho Mẹ Đầy Ơn Phúc giữ im lặng sau câu nói cuối cùng của Mẹ tại tiệc cưới Ca-na — “Cứ làm những gì ngài bảo các anh làm” (Ga 2:5) — đến dưới chân thập giá và xuyên suốt đến khi thăng thiên vinh quang trên nước trời?

Khi người lính đâm cây giáo vào cạnh sườn Chúa Giê-su, một lưỡi gươm đâm thâu vào trái tim Mẹ. Mẹ Maria đứng trước những khổ đau kinh khủng của Con Mẹ. Mẹ đã chứng kiến chiến thắng không tưởng tượng được và vinh quang rõ ràng của Satan. Mẹ có thể bị cám dỗ chạy trốn thập giá hay mời gọi Giê-su, là Con Thiên Chúa, xuống khỏi thập giá.

Con đường tĩnh lặng của Mẹ Maria là như vầy: luôn ghi nhớ trong lòng lời của Chúa và suy ngẫm về lời đó. Thánh Lu-ca nói với chúng ta: “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 11:21). Không phải là Mẹ lĩnh hội được tất cả những gì Mẹ giữ và suy ngẫm trong lòng. Hơn thế, Mẹ bằng lòng với “những phán quyết không thể thấu hiểu” và “những con đường không thể nhìn thấy trước” của Thiên Chúa.

Sự cao cả của Mẹ nằm ở trong niềm tin vào lời của Chúa, lời hứa của Chúa mà Mẹ sẵn sàng tiến bước theo một chương trình mà Mẹ chẳng hiểu gì, đến một nơi Mẹ không chọn, vì ích lợi cho một dân tộc sẽ chối bỏ và tra tấn và giết chết con của Mẹ.

Cuối cùng, cha nói về “sự âm thầm của Phục sinh.” Cha nói rằng ơn sủng của Phục sinh là “một sự tĩnh lặng sâu thẳm, một sự an bình bao la và một vị thanh khiết của linh hồn. Đó là hương vị của nước trời, thoát khỏi mọi sự phấn khởi hỗn loạn.” Đây có phải là sự tĩnh lặng của Phép Thánh Thể?

Đúng. Tôi luôn xúc động với bài giảng của Đức Giám mục Melito giáo phận Sardis trong Phòng Đọc Sách Thứ Bảy Phục Sinh khi Giáo hội Hoàn vũ chờ đợi đêm canh thức vĩ đại của Phục sinh: “Một sự lạ đang diễn ra — hôm nay có một sự tĩnh lặng huyền nhiệm trên trái đất, một sự tĩnh lặng vĩ đại và sự tĩnh mịch. Toàn thể trái đất giữ tĩnh lặng vì Đức Vua đang ngủ. Trái đất run sợ và giữ lặng im vì Thiên Chúa bằng xương bằng thịt đã chìm vào giấc ngủ, và Người đã đánh thức tất cả những ai đã chìm trong giấc ngủ từ khi trần gian được tạo dựng. Thiên Chúa đã chết trong xác thịt, và hỏa ngục run lên vì sợ hãi.

Đó là một mệnh lệnh cho chúng ta phải tái khám phá sự Phục Sinh trong mỗi Thánh Lễ chúng ta dâng. Chúng ta phải tái khám phá tính cấp bách và tầm quan trọng của việc dâng Thánh Thể trong tĩnh lặng: sự tĩnh lặng của Phục Sinh.

Cái nhìn về Phục sinh không bao hàm trong trạng thái mê ly của tinh thần; nó là sự khám phá tĩnh lặng của Thiên Chúa. Ước gì Thánh Lễ có thể, mỗi sáng, là những gì diễn ra trên đồi Gôn-gô-ta và vào buổi sáng Phục sinh!
Hãy nhớ rằng Sự Sống lại của Đức Ki-tô vào sáng Phục sinh không ai nhìn thấy và diễn ra trong tĩnh lặng. Âm thanh của sự sống lại của Đức Ki-tô không phải là những tiếng kèn trumpet hay tiếng thanh la, nhưng, như bài ca nhập lễ của sáng Phục sinh, là một sự thầm lặng, sự dâng lên huyền nhiệm từ cái chết chuyển sang sự sống. Phục sinh đánh dấu chiến thắng vinh quang của sự sống vượt trên cái chết, chiến thắng của sự thầm lặng của Đức Ki-tô vượt trên những tiếng gào thét to lớn của lòng hận thù và lừa dối.

Quyển sách của người cảnh báo về “tính thống trị của sự ồn ào.” Đây có phải là một vấn đề mới, và làm sao chúng ta có thể vượt qua nó trong khi vẫn sống trong thế giới này?

Blaise Pascal trong thế kỷ 17 cũng đã lưu ý đến khuynh hướng của chúng ta đi tìm những chiều kích thoát khỏi những chân lý nền tảng. Nhưng lối sống hiện đại là một đời sống cậy dựa xây dựng trên sự ồn ào, tính nhân tạo và sự chối bỏ Thiên Chúa, kết hợp với lòng căm ghét sự tĩnh lặng. Dom Dysmas thắc mắc “chắc tiếng nói mà thế giới hiện đại tìm kiếm nhằm dập tắt những sự ồn ào và chuyển động không ngừng không phải là tiếng nói nhắc nhở chúng ta rằng: Hãy nhớ ngươi là bụi tro và rồi ngươi sẽ trở về với bụi tro.”

Để học được cách giữ sự tĩnh lặng và nuôi dưỡng nó trong sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải phát triển và thực hành phương pháp lectio divina, đó là thời gian đọc thinh lặng, lắng nghe, chiêm ngắm và hồi tưởng dưới ánh sáng của Thần Khí, trước quyển Kinh Thánh và diễn giải theo Thánh truyền. Ngay cả con người sống trong thế giới hiện đại vẫn có thể dành thời gian để đọc Kinh Thánh và suy niệm thầm lặng dựa trên đó, ít nhất suốt giờ phụng vụ.

Cha nói đến “sự tĩnh lặng của đôi mắt” và “sự tĩnh lặng của tâm hồn.” Cha có thể giải thích ý nghĩa của những cụm từ này và bằng cách nào chúng hướng dẫn những nỗ lực của chúng ta diện kiến nhiều hơn trước Thiên Chúa?

Trong một những năm qua, đã có sự tấn công mạnh mẽ của các hình ảnh, ánh sáng và màu sắc làm mù mắt con người. Khoảng trống nội tâm trong con người bị xâm phạm bởi những hình ảnh không lành mạnh, khêu gợi của sự khiêu dâm và bạo lực. Sự tĩnh lặng của đôi mắt bao gồm khả năng nhắm mắt lại và ném đi tất cả những hình ảnh kinh khủng và đồi trụy này để chiêm ngắm Thiên Chúa Đấng ngự trong chúng ta, trong tận thâm sâu cõi lòng của tâm hồn mỗi người. Cũng cần phải đóng đôi tai của chúng ta lại, vì có những hình ảnh có thể tạo âm thanh tấn công và xâm phạm sự thuần khiết của tâm hồn chúng ta, khả năng nghe của chúng ta, trí tuệ và sức tưởng tượng của chúng ta.

Sự tĩnh lặng của tâm hồn có nghĩa là giữ được sự thinh lặng trong chúng ta, làm chủ được những khao khát, những kỷ niệm và những sự hào nhoáng chóng qua, để đặt chúng bên dưới quyền bính của Đức Ki-tô.
Sự thống trị của tiếng ồn cũng làm ô uế việc dâng của Lễ Hiến Tế thánh trong Thánh Lễ?

Trong nhiều trường hợp, truyền thông đã xâm chiếm Thánh Lễ và biến Thánh Lễ thành một sự trình diễn, trong khi thực sự đó là một Hiến Tế Thánh, tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá vì ơn cứu độ linh hồn của chúng ta. Ngày nay, một vài linh mục có khuynh hướng biến Tiệc Thánh, “mầu nhiệm vĩ đại của đức tin,” thành một phiên chợ miền quê thông thường. Cũng thật buồn khi nghe thấy thỉnh thoảng linh mục nói liên tục không dứt trong phòng áo, và thậm chí cả trong lúc rước ra cung thánh, thay vì chính mình phải hồi tưởng và chiêm ngắm trong sự thinh lặng mầu nhiệm sự chết của Đức Ki-tô trên thánh giá, mà linh mục đang chuẩn bị dâng. Hãy nghĩ đến sự thinh lặng của Thánh Giu-se.

Tôi rất thích những gì Đức Thánh Cha Phanxico nói gần đây về sự thinh lặng của Thánh Giu-se. Đức Thánh Cha nói, Thánh Giu-se là một người “nói với chúng ta rất nhiều, nhưng lại không lên tiếng,” “con người ẩn,” “con người của sự thinh lặng,” “người có uy quyền lớn nhất trong lúc đó nhưng chẳng để ai nhìn thấy.” Tất cả những gì Ngài tập trung chỉ là làm Người Bảo vệ cho Đấng Cứu Thế của nhân loại (bài giảng, 20 tháng Ba, 2017).

Vì vậy lời khuyên của Thánh Charles Borromeo cho các linh mục về sự hồi tưởng rất thích hợp: “Nếu một tia lửa nhỏ của tình yêu Thiên Chúa đã bùng cháy trong anh em, đừng để nó ra hứng trước gió, vì nó có thể bị thổi tắt. Hãy đóng kín cửa bếp lò để nó không bị mất sức nóng và trở nên nguội lạnh. Nói một cách khác, hãy tránh xa những sự xao lãng càng nhiều càng tốt. Hãy giữ sự tĩnh lặng với Thiên Chúa. Đừng dành thời gian của anh em cho những câu chuyện vô bổ.”

Thánh Lễ là uy nghi và thánh thiêng nhất. Thánh Lễ phải được bao quanh bởi sự tôn nghiêm, thinh lặng, tôn thờ thâm sâu và thầm lặng, và một đặc tính thánh thiêng. Để tái khám phá  lại được điều này, điều cần thiết phải thực hành nhiều thời gian thinh lặng khác nhau được ghi rõ trong Hướng Dẫn Chung của Thánh Lễ Misa Roma của Chân Phước Phao-lô VI, được sửa lại năm 2002 bởi Thánh Gio-an Phao-lô II. Thánh Nhạc cũng phải dẫn đưa đến sự chiêm ngắm thầm lặng hơn là khuấy động lên những sự say mê tạo ra sự ồn ào và mất yên bình trong tâm hồn.

Vai trò của sự thinh lặng trong tôn thờ thiêng liêng là gì, và tại sao nó lại là một phần nền tảng của đời sống bí tích của Giáo hội?

Tháng Sáu, 2012, trong bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, Đức Benedict XVI long trọng tuyên bố rằng: “[Đức Ki-tô] không hủy bỏ sự hiến tế, nhưng đưa nó vào sự hoàn thiện, khởi đầu cho một cách thức tôn thờ mới, hoàn toàn thiêng liêng, nhưng tuy nhiên, khi chúng ta cử hành đúng thời điểm, chúng ta vẫn cần dùng đến những dấu chỉ và nghi thức … Nhờ Đức Ki-tô, hiến tế trở nên thật hơn, rộng mở hơn và … cũng đòi hỏi nhiều hơn.”

Nếu không có sự khiêm nhường tuyệt đối, được thể hiện qua những hành động tôn thờ và trong những nghi thức hiến tế, không thể thiết lập tình bạn với Thiên Chúa. Sự tĩnh lặng thực sự của người Ki-tô hữu trở thành sự tĩnh lặng thánh thiêng vì nó trở thành sự tĩnh lặng trong tình kết hiệp. Đây là lý do tại sao sự tĩnh lặng là rất cần thiết cho đời sống bí tích thực sự: Nó dẫn đến sự tôn thờ, đến việc gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa Hằng sống. Trước sự uy nghi thiên quốc, chúng ta mất hết khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ai dám lên tiếng trước sự hiện hữu của Đấng Toàn Năng?

Cha ca tụng vai trò của bình ca trong tôn thờ thánh và giải thích rằng nó “không đi ngược lại với sự tĩnh lặng. Nó từ sự tĩnh lặng phát ra và nó dẫn về sự tĩnh lặng.” Bằng cách nào nó thúc đẩy được cho sự thinh lặng?

Với bình ca, chúng ta đi vào chiều kích thánh thiêng, vào trong phụng vụ thiên quốc, với ba chiều kích thanh khiết của nó. Thể loại nhạc bình ca không tạo sự phấn khích, nhưng hoàn toàn ngược lại, nó làm mọi giác quan lắng đọng lại.

Ở đây, âm nhạc, với đặc điểm truyền cảm của nó, với khả năng chuyển biến linh hồn của nó, làm cho trái tim con người rung cảm trong sự kết hiệp với trái tim của Thiên Chúa. Ở đây, âm nhạc tái khám phá tính thánh thiêng và nguồn gốc thiên quốc của nó. Tuy nhiên, bình ca còn hơn cả những thanh âm thánh thiêng thuần túy. Nó là một thể loại âm nhạc làm cho Logos, Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa, nhập thể trong giữa chúng ta bằng việc đưa vào âm nhạc những từ ngữ Kinh thánh thiêng liêng và của chính phụng vụ. Truyền thống bình ca là một thể loại hát lectio divina, mà tôi đã đề vừa cập trước. Mục đích của nó là sự kết hiệp với Đức Ki-tô.

Vì đặc tính hai chiều này, trong đó bình ca vừa thăng tiến sự tĩnh lặng tâm hồn vừa mở tâm hồn ra gặp gỡ với Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, bình ca quả thật được xem là “hình thức cao quý nhất của nhạc thánh” (Tra le Sollecitudini, No. 3; Gio-an Phao-lô II, Chirograph, No. 7, 12).

Một thực tại xác thực rằng nhiều chủng viện vẫn giữ gia tài của bình ca, và nhiều hiệp hội trên thế giới đang làm việc tích cực và rất hiệu quả để làm sống lại bình ca, để cộng đoàn hát. Cần phải dạy lại bình ca trong các chủng viện.

Một sự xưng tội tốt chắc chắn là hoa trái của sự tĩnh lặng nội tâm. Nhưng như cha quan sát thấy rằng nhiều Ki-tô hữu không còn “quay lại với nội tâm bản thân mình để nhìn lại bản thân và để Thiên Chúa nhìn vào họ.” Đây có phải lý do tại sao chúng ta chống lại sự tĩnh lặng?

Đúng, tôi khẳng định: quá ít người sẵn sàng đối diện với Thiên Chúa trong tĩnh lặng, bằng cách đến để được “đốt cháy,” được thử thách bằng ngọn lửa trong cuộc gặp gỡ mặt đối mặt tuyệt vời đó. Anh đã nói đến bí tích hòa giải và đền tội.

Hiện nay, tầm quan trọng của những sự chuẩn bị nội tâm và tính cần thiết của việc hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, qua cách để bản thân chúng ta được thanh luyện bởi bí tích cáo mình, không còn là mẫu hình của ngày nay — ngay cả trước khi rước Mình Thánh. Chỉ qua sự tĩnh lặng chúng ta mới có thể khiêm nhường nhận ra những tội lỗi của mình. Giữ trong sự tĩnh lặng là tỏ lộ chính chúng ta trước bản thân chúng ta, giống như một cái gương soi.

Cha suy tư về sức mạnh của sự tĩnh lặng trong những mối quan hệ riêng tư: “Sự tĩnh lặng lắng nghe là một hình thức của sự chú ý, một món quà của bản thân tặng cho người khác.” Bằng cách nào sự tĩnh lặng có thể thăng tiến được sự kiết hiệp riêng tư?

Dom Dysmas thể hiện điều này trong cuộc đối thoại của chúng tôi bằng một so sánh rất đẹp: “Miễn là còn có những người yêu nhau trên trái đất này, họ sẽ tìm đến để gặp gỡ nhau riêng tư, và sự thinh lặng sẽ là một phần trong cuộc gặp gỡ của họ … Sự thinh lặng của một đôi tình nhân đang ăn tối riêng với nhau có thể diễn tả sự sâu thẳm của một tình kết hiệp không cần đến lời nói; [nó] là một sự thinh lặng của sự kết hiệp; [nó] nói: anh [em] yêu em [anh] … Thông điệp này được truyền đi như thế nào? Bằng những cái nhìn, bằng những hành động, và bằng con tim. Trong sách này, rõ ràng là chúng tôi mong muốn nói về sự tĩnh lặng của tình kết hiệp và về những sự phong phú nó mang lại. Tuy nhiên, cho dù trong sự tĩnh lặng này, vẫn có một sự đa dạng lớn. Một người có thể giữ thinh lặng để lắng nghe và để đón nhận mọi thứ được chuyển tải bởi sự tĩnh lặng của người khác. Người đó có thể giữ thinh lặng để nói theo một cách khác những gì không thuộc về ngôn ngữ lời nói hoặc vì người đó đang đối mặt với một thực tại quá rõ ràng không cần phải nói về nó.”

Sự thay đổi chính trị và xã hội đã khuấy động lên sự lo lắng về văn hóa của Châu Mỹ, làm lóe lên những tranh luận sôi nổi, thường là tức giận và nhiều chủ nghĩa tích cực. Ngược lại, cha lại đưa ra sự tĩnh lặng như là “một khí cụ ẩn giấu hiệu quả nhiệm mầu” trong những lúc khủng hoảng. Ở đây ý của cha là gì?

Bằng cách nào mà những nhà tù của Liên Bang Xô Viết sụp đổ? Bằng sự cầu nguyện thầm lặng của Thánh Gio-an Phao-lô II và của toàn thể Giáo hội, được duy trì bởi Đức Bà Fatima của chúng ta, đặc biệt sự cầu nguyện thầm lặng của tất cả những người là tù nhân vì đức tin vào Thiên Chúa của mình trong những nhà tù. Những sách lược chính trị mánh khóe đã không làm cho chủ nghĩa cộng sản Mác-xít tốt hơn.

Cầu nguyện là lời nói sau cùng. Sự thầm lặng của Tràng Chuỗi Mân Côi luôn đạt được những điều không thể tưởng tượng.
Trong suốt quyển Sức mạnh của sự tĩnh lặng, cha trở lại với chứng tá của Thánh Teresa Calcutta, Mẹ nói: “Chúng ta càng nhận nhiều trong sự cầu nguyện thầm lặng, chúng ta càng có thể cho đi nhiều hơn trong sự phục vụ tích cực.” Bằng cách nào sự cầu nguyện trầm mặc nuôi dưỡng được một tình yêu sâu thẳm cho người nghèo và làm sáng ngời công việc vì sự công bằng xã hội?

Với Mẹ Thánh Teresa, mọi sự đều sinh ra từ trong tĩnh lặng. [Mẹ viết:] “Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là sự phục vụ. Hoa trái của sự phục vụ là bình an”; [và] “Trong sự tĩnh lặng này, chúng ta tìm được một nguồn sức mạnh mới và một sự hợp nhất thực sự. Sức mạnh của Thiên Chúa trở thành của chúng ta, cho phép chúng ta thực hiện mọi việc được tốt đẹp” (In the Heart of the World (Trong Trái tim của thế giới).

Khi thinh lặng cầu nguyện, chúng ta mở cửa con tim, mở cửa tâm hồn chúng ta, trước hoạt động vô hình của ơn sủng của Thiên Chúa biến đổi chúng ta và tặng ban chúng ta đủ ánh sáng và sức mạnh để chăm sóc cho những người đồng loại của chúng ta, đặc biệt cho những người mà chúng ta phải bắt chước cách chăm sóc đặc biệt của Thiên Chúa: trẻ em (đặc biệt những thai nhi chưa được sinh ra trong cung lòng người mẹ), người nghèo, người tàn tật, v.v.. Không có ơn sủng của Đức Ki-tô, đơn giản chúng ta không thể thoát ra khỏi sự ích kỷ của mình để yêu anh em như chính mình.
Sự uy nghi và nhiệm mầu bao la, vô tận của Thiên Chúa gợi lên tình cảm tôn kính và e sợ nơi con người thụ tạo. Bằng cách nào Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta biết Người, và cha có thể chia sẻ một thời khắc lấy từ con đường tĩnh lặng nội tâm của người?

Thiên Chúa cho chúng ta có thể biết về Người qua Con của Người, Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giê-su Ki-tô của chúng ta, Ngài nói với tông đồ Phi-líp-phê: “Anh Phi-líp-phê, ai thấy thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9); 1 Gio-an 1:2-3 cũng diễn tả cách Chúa Giê-su tỏ lộ Thiên Chúa Cha cho chúng ta. Điều đó được giải thích theo cách dài hơn trong hiến chế công đồng về sự mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) (4), về Đức Ki-tô, sự viên mãn của Mặc khải.

Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng hàng tỷ dải thiên hà trở thành một trẻ thơ trong máng cỏ Bê-lem, không thể hiện một chút uy quyền. Ai làm sợ hãi một trẻ thơ nằm trong máng cỏ?

Một lần nữa anh lại thấy cách hành động của Thiên Chúa, Người thật quá riêng biệt, mong manh và khiêm nhường đối với chúng ta. Sự khiêm nhường và uy quyền, sự vô cùng và sự thiếu thốn, sự cao cả và và gần gũi yêu thương được hòa trộn thật hoàn hảo trong Chúa, như chúng ta nhìn thấy nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Chúng ta mắc nợ Ngài mọi thứ và chúng ta phải thờ phụng và kính yêu Ngài trong sự tôn thờ sâu thẳm; ít nhất trước Ngày Chung Thẩm, bên cạnh Ngài, Ngài chỉ cần nhón chân bước vào cuộc đời của chúng ta. Hãy cứ xem Bí tích Cực thánh âm thầm, tĩnh lặng biết bao nhiêu trên bàn thờ! Thiên Chúa thật quá vĩ đại trong tình yêu của Ngài cho chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta phải quỳ và tôn thờ Ngài và kính yêu Ngài trọn tâm hồn chúng ta, trọn thân xác chúng ta, trọn sức mạnh của chúng ta, và trọn tâm trí của chúng ta.

Về con đường riêng của tôi, tôi không muốn nói gì thêm ngoài điều này: Tại tu viện Grande Chartreuse, thật là một trải nghiệm đầy cảm xúc mạnh mẽ khi hát với các thầy ẩn tu, trong ánh sáng chập chờn của buổi tối, bài ca Kinh Lạy Nữ Vương vĩ đại trong giờ Kinh Chiều! Những nốt nhạc cuối cùng kết thúc từng nốt từng nốt trong một sự tĩnh lặng của đàn con, gửi trọn niềm tín thác nơi Mẹ Maria Đồng Trinh.

Trải nghiệm này thật quan trọng để hiểu được suy niệm của Đức Joseph Ratzinger trong quyển sách của ngài A New Song for the Lord: (Một bài ca mới cho Thiên Chúa) “Sự tĩnh lặng … hãy để những điều không thể thốt thành lời trở thành bài ca và cũng trở thành những tiếng kêu gọi trên những tiếng nói của vũ trụ xin trợ giúp để những điều không nói ra có thể nghe được.”

[Nguồn: ncregister]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/04/2017]



TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng vững chắc đến từ Thập giá

TIẾP KIẾN CHUNG: Niềm hy vọng vững chắc đến từ Thập giá

‘Thật tuyệt vời khi chúng ta biết dừng lại trước Thập giá – tất cả anh chị em đều có một Thập giá ở nhà — và nhìn lên Ngài và nói với Ngài: “Với Người không điều gì bị bỏ mất. Với Người con luôn có niềm hy vọng vững chắc’
12 tháng Tư, 2017
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu đến từ Ý và toàn thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm vào chủ đề: “Niềm hy vọng của thế giới và hy vọng đến từ Thập giá (x. Ga 12:24-25).
Sau khi tóm tắt bài giáo lý của ngài bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những tín hữu đang hiện diện.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch của bài giáo huấn của Đức Thánh Cha:
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúa Nhật vừa rồi chúng ta đã kỷ niệm việc Chúa Giê-su đi vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng tung hô vang dậy của các tông đồ của Ngài và đám đông khổng lồ. Những con người đó đặt rất nhiều hy vọng vào Chúa Giê-su: rất nhiều người mong chờ những phép lạ và những dấu chỉ vĩ đại từ Ngài, những chứng tỏ về quyền năng và thậm chí là sự tự do thoát khỏi những kẻ thù đang chiếm đóng. Có ai trong số họ tưởng tượng được rằng chỉ ít lâu sau đó Chúa Giê-su bị làm nhục, bị kết án và bị giết trên một thập giá? Những hy vọng thuộc trần gian của những con người đó đã sụp đổ trước cây thập giá. Nhưng chúng ta tin rằng chính trong Đấng Chịu Đóng Đinh niềm hy vọng của chúng ta được tái sinh. Những hy vọng của trần gian sụp đổ trước thập giá, nhưng những hy vọng mới được tái sinh, những hy vọng đó tồn tại vô tận. Nó là một niềm hy vọng khác với những hy vọng đã bị sụp đổ, khác với những hy vọng của trần gian. Vậy đó là sự hy vọng gì? Niềm hy vọng gì sinh ra từ Thập giá?
Quả thật, những gì Chúa Giê-su nói sau khi vào trong thành Giê-ru-sa-lem có thể giúp chúng ta hiểu được: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác(Ga 12:24). Chúng ta hãy cố gắng nghĩ về một hạt giống nhỏ, rơi xuống lòng đất. Nếu nó vẫn khép mình trong vỏ của nó, chẳng có gì xảy ra; thay vì vậy, nếu nó vỡ ra, nó mở ra và trao tặng sự sống cho một mầm non, một chồi non, rồi là một cây và cây này sẽ sinh hoa trái.
Chúa Giê-su mang lại sự hy vọng mới cho thế giới, và Ngài làm như vậy theo con đường của một hạt giống. Ngài biến mình thành nhỏ bé — nhỏ bé, như một hạt lúa mì; Ngài bỏ lại vinh quang nước trời để đến giữa chúng ta: Người “rơi xuống đất.” Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Để trổ sinh hoa trái Chúa Giê-su sống yêu thương đến cùng, để cho chính Ngài bị tan vỡ ra bằng cái chết như hạt giống để nó bị tan vỡ ra dưới lòng đất. Chính tại đó, trong đỉnh điểm của sự nhục nhã của Ngài – đó cũng là đỉnh điểm của tình yêu – niềm hy vọng đâm chồi. Nếu ai trong anh chị em hỏi: “Niềm hy vọng được sinh ra như thế nào?” “Từ Thập giá. Hãy nhìn lên Thập giá, hãy nhìn lên Đức Ki-tô chịu Đóng Đinh và từ đó niềm hy vọng sẽ đến với anh chị em và không bao giờ biến mất, nó kéo dài đến đời sống vĩnh hằng.” Và niềm hy vọng này đâm chồi chính bởi sức mạnh của tình yêu: vì một tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:7), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa, đã làm canh tân mọi thứ nó vươn tới được. Vì vậy trong sự Phục sinh, Chúa Giê-su, mang lấy tội của chúng ta trên mình Ngài, biến đổi nó trong sự tha thứ, cái chết của chúng ta thành sự sống lại, nỗi sợ hãi của chúng ta thành lòng tín thác. Anh chị em thấy được tại sao từ đó, trên cây thập giá, niềm hy vọng của chúng ta được sinh ra và luôn luôn được tái sinh; thấy được bằng cách nào Chúa Giê-su biến mọi bóng tối của chúng ta thành ánh sáng, mọi sự thất bại thành vinh quang, mọi sự thất vọng thành hy vọng – mọi điều, vâng, mọi điều. Sự hy vọng vượt trội trên tất cả, vì nó được sinh ra bởi tình yêu của Chúa Giê-su Đấng biến mình thành một hạt giống lúa mì trong lòng đất và Đấng đã chết đi để trao ban sự sống và từ sự sống ngập tràn yêu thương đó niềm hy vọng sinh ra.
Khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giê-su, dần dần chúng ta khám phá rằng con đường chiến thắng cuộc sống là con đường của hạt giống, của tình yêu khiêm nhường. Sẽ không có con đường nào khác để vượt thắng cái ác và trao tặng hy vọng cho thế giới. Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: “Không, như vậy nó là một luận lý của sự thua cuộc!” Nghe có vẻ như vậy, có vẻ là một luận lý thua cuộc, vì người sống yêu thương luôn đánh mất sức mạnh. Anh chị em đã nghĩ đến điều này chưa? Người đang yêu đánh mất sức mạnh, người cho đi, hạ mình xuống và tình yêu là một quà tặng. Trong thực tế luận lý của hạt giống chết đi, của tình yêu khiêm nhường, là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có con đường này trổ sinh hoa trái. Chúng ta cũng nhìn thấy điều đó nơi chúng ta: sự sở hữu luôn luôn thúc đẩy chúng ta muốn thêm nữa: tôi đã đạt được cái gì đó cho tôi và ngay lập tức tôi muốn cái khác lớn hơn, và cứ như thế, và tôi không bao giờ thỏa mãn. Đó là một cơn khát khủng khiếp! Bạn càng có nhiều, bạn càng muốn thêm. Và Chúa Giê-su nói rất rõ về điều này: “ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất” (Ga 12:25). Anh là người tham lam, anh muốn quá nhiều thứ nhưng rồi … anh sẽ mất tất cả, cả mạng sống mình, nghĩa là: ai yêu chính mình và sống vì những lợi lộc vui thú của mình sẽ dương dương tự đắc với bản thân rồi mất tất cả. Ngược lại, ai chấp nhận, sẵn sàng phục vụ đời sống theo con đường của Thiên Chúa: người đó sẽ chiến thắng, cứu được mình và người khác: trở thành hạt giống của hy vọng cho thế giới. Thật tốt lành khi giúp đỡ người khác, phục vụ người khác . . . Có thể chúng ta sẽ mệt mỏi! Nhưng cuộc sống là vậy và tâm hồn sẽ ngập tràn niềm vui và hy vọng. Đây là tình yêu và hy vọng đi chung với nhau: phục vụ và cho đi.
Tình yêu đích thực chắc chắn bước qua thập giá, hy sinh, giống như Chúa Giê-su. Thập giá là một hành trình bắt buộc nhưng nó không phải là mục tiêu, nó là một hành trình: mục tiêu là sự vinh quang, như ngày Phục sinh cho chúng ta thấy. Và ở đây một hình ảnh rất đẹp khác hiện lên hỗ trợ cho chúng ta, hình ảnh Chúa Giê-su để lại cho các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16:21). Như vậy đó: trao ban sự sống, không phải sở hữu nó. Và đây là điều những người mẹ làm: họ trao ban một sự sống mới, họ chịu đau đớn, nhưng rồi họ hân hoan, hạnh phúc vì họ đã trao tặng sự chào đời cho một sự sống mới. Nó cho niềm vui; tình yêu trao tặng sự khai sinh sự sống và thậm chí trao ý nghĩa cho sự đau khổ. Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục. Tôi nhắc lại: Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục. Và, mỗi chúng ta tự hỏi mình: “Tôi có biết yêu không? Tôi đã học cách yêu thương chưa? Mỗi ngày tôi có học cách để yêu thương nhiều hơn không? – vì Tình yêu là một động cơ làm cho sự hy vọng của chúng ta tiếp tục.
Anh chị em thân mến, trong những ngày này, những ngày của tình yêu, hãy để cho chúng ta được bao bọc bởi mầu nhiệm của Chúa Giê-su, chết đi như hạt lúa mì, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Ngài là hạt giống của niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh, suối nguồn hy vọng. Dần dần chúng ta sẽ hiểu rằng hy vọng với Chúa Giê-su là học cách nhìn thấy một bóng cây đã có trong hạt giống, sự Phục sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Tôi muốn tặng anh chị em một bài tập để làm ở nhà. Thật tuyệt vời khi chúng ta biết dừng lại trước Thập giá – tất cả anh chị em đều có một Thập giá ở nhà — và nhìn lên Ngài và nói với Ngài: “Với Người không điều gì bị bỏ mất. Với Người con luôn có hy vọng vững chắc. Người là nguồn hy vọng của con.” Chúng ta bây giờ hãy tưởng tượng ra Chúa Chịu Đóng Đinh và chúng ta cùng nhau nói với Chúa Giê-su Chịu Đóng Đinh ba lần: “Người là nguồn hy vọng đời con.” Tất cả: ‘Người là nguồn hy vọng đời con.” Xin lớn hơn nữa! “Người là nguồn hy vọng đời con.” Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Zenit, Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/04/2017]