Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Những gì chúng ta biết về Nadarét vào thời Chúa Giêsu

Những gì chúng ta biết về Nadarét vào thời Chúa Giêsu

Các trình thuật Tân Ước về Nadarét được hỗ trợ hoàn hảo bởi bằng chứng khảo cổ học

Những gì chúng ta biết về Nadarét vào thời Chúa Giêsu

Antal Ligeti, “Nazareth,” 1862 (photo: Public Domain)

Dave Armstrong

24 tháng Mười Một, 2023



Nadarét là một thị trấn rất nhỏ khi Chúa Giêsu sinh ra. Khi vợ tôi và tôi đến thăm nơi đó vào năm 2014, hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi rằng nó chỉ rộng bằng bãi đậu xe của Nhà thờ Truyền tin ở đó. Nhưng nó đã được khai quật tìm trở về thời Chúa Giêsu. Trong nhiều năm, những người hoài nghi khẳng định rằng Nadarét hoàn toàn không tồn tại vào thời Chúa Giêsu. Như thường xảy ra, những đánh giá của họ là quá sớm và sai lầm. Amanda Borschel-Dan, phóng viên tờ The Times of Israel, đã viết một bài về chủ đề này và về khảo cổ học mới nhất:

Như nhà khảo cổ học người Anh gốc Israel Yardenna Alexandre lưu ý rằng Nadarét từng là ngôi làng nhỏ được biết đến với tên tuổi lừng lẫy đã tồn tại rất lâu trước và sau cuộc đời của [Chúa Giêsu]. …

Trong số các cuộc khai quật, vào năm 2009, bà Alexandre đã phát hiện ra mẫu đầu tiên về một ngôi nhà của người dân từ thời Chúa Giêsu. Nó được tìm thấy gần Nhà thờ Truyền tin ngày nay. … Trong báo cáo, bà Alexandre mô tả cấu trúc là ‘một ngôi nhà đơn sơ gồm các phòng nhỏ và một sân trong là nơi sinh sống vào cuối thời kỳ Hy Lạp và đầu thời kỳ La Mã [cuối thế kỷ thứ 2 c. trước CN đến đầu hoặc giữa thế kỷ thứ 2 c. sau CN].' …

Trong số các hiện vật có một đồng xu in hình Hoàng đế Claudius được phát hiện trên sàn của hành lang dẫn vào khu phức hợp hầm ba tầng. Theo báo cáo, ‘Đồng xu được đúc ở’ Akko-Ptolemais vào khoảng năm 50–51 sau Chúa Giáng sinh.

Nhà khảo cổ David Keys đồng tình trong bài viết của ông, “Bằng chứng khảo cổ mới về Nadarét tiết lộ môi trường tôn giáo và chính trị trong thời Chúa Giêsu” (Independent):

Cuộc điều tra khảo cổ cho thấy rằng ngay tại Nadarét, vào giữa thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh, những người nổi dậy chống La Mã đã tạo ra một mạng lưới khá lớn gồm những nơi ẩn náu và đường hầm dưới lòng đất bên dưới thị trấn — đủ lớn để chứa ít nhất 100 người. …

Cuộc điều tra khảo cổ học mới — cuộc điều tra lớn nhất từng được thực hiện tìm về Nadarét thời La Mã — cho thấy rằng quê hương của Chúa Giêsu có thể lớn hơn khá nhiều so với suy nghĩ trước đây. Có thể nó có dân số lên tới 1.000 người (thay vì chỉ là một ngôi làng quy mô vừa và nhỏ với 100-500 người như suy nghĩ trước đây).

Tiến sĩ Dark, người vừa công bố kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách mới về Nadarét thời La Mã và Byzantine và vùng nội địa của nó, cho biết: “Cuộc điều tra mới của chúng tôi đã thay đổi kiến thức khảo cổ học về Nadarét thời La Mã”. …

Tuy nhiên, bức tranh mới xuất hiện về Nadarét thời La Mã như một nơi mang tính tôn giáo rất lớn gây tiếng vang không chỉ với sự xuất hiện của người con lừng danh nhất của nó là Chúa Giêsu, mà còn với thực tế là, vào giữa thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai, nó được chọn làm nơi ở chính thức của một trong những thầy thượng tế của Đền thờ Giêrusalem khi đó đã bị phá hủy, khi tất cả 24 nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đó bị đày đi lưu đày ở Galilê.

Tờ Jerusalem Post xuất bản một bài viết cung cấp nhiều thông tin khác của chị Hannah Brown, “Có phải các nhà khảo cổ đã tìm thấy ngôi nhà thời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nadarét?” viết rằng:

Vị trí ngôi nhà nơi Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse sống ở Nadarét khi Chúa Giêsu còn nhỏ có thể đã được Giáo sư Ken Dark của Đại học Reading ở Anh phát hiện, theo nghiên cứu mà Tiến sĩ Dark viết trong quyển sách xuất bản gần đây của ông, The Sisters of Nazareth Convent: A Roman-period, Byzantine, and Crusader site in central Nazareth, hiện đã có sẵn của nhà in Routledge Press.

Giáo sư Dark đã dành hơn một thập kỷ để nghiên cứu những phế tích của thế kỷ thứ nhất bên dưới một tu viện của thời hiện đại, cho biết địa điểm này lần đầu tiên vào thế kỷ 19 được cho là nơi ở của Chúa Giêsu và gia đình của Người nhưng các nhà khảo cổ vào những năm 1930 đã không tìm thấy ý tưởng đáng tin cậy.

Tuy nhiên, vị giáo sư đã âm thầm và khởi động một dự án khám phá địa điểm này cách đây 14 năm. Ông nói với BBC: “Tôi không đến Nazareth để tìm căn nhà của Chúa Giêsu, tôi thực sự nghiên cứu về lịch sử của thành phố trong vai trò là một trung tâm hành hương của Kitô giáo Byzantine. Không ai có thể ngạc nhiên như tôi.’ …

‘Tôi chưa nói rằng đây chắc chắn là ‘ngôi nhà của Chúa Giêsu’, chỉ nói rằng nó có thể là cấu trúc được những người theo Kitô giáo từ thế kỷ thứ tư tin rằng ít nhất chính là ngôi nhà đó, và không có lý do khảo cổ nào để nói rằng việc xác định đó là không thể.’

Bằng chứng về sự tồn tại của Nadarét trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu (đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên) quá mạnh mẽ đến mức ngay cả người hoài nghi Kinh thánh như học giả Bart Ehrman, người phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu và khẳng định rằng Người chưa bao giờ tuyên bố mình là Thiên Chúa, cũng bảo vệ điều đó. (và khá mạnh mẽ):

Có rất nhiều bằng chứng khảo cổ thuyết phục cho thấy Nadarét thực sự tồn tại vào thời Chúa Giêsu, và giống như những làng mạc và thị trấn khác ở vùng Galilê, nó được xây dựng trên sườn đồi, gần nơi xây những ngôi mộ kokh đục vào đá sau này. Nhất là bởi vì các nhà khảo cổ đã khai quật được một trang trại nối liền với ngôi làng và nó có niên đại từ thời Chúa Giêsu. …

[René] Salm cũng tuyên bố rằng đồ gốm được tìm thấy ở địa điểm có niên đại từ thời Chúa Giêsu thực sự không phải từ thời kỳ này, mặc dù ông không phải là chuyên gia về đồ gốm. Hai nhà khảo cổ trả lời sự phản đối của ông Salm như sau: ‘Đánh giá cá nhân của ông Salm về đồ gốm... cho thấy sự thiếu chuyên môn của ông ấy trong lĩnh vực này cũng như sự thiếu nghiên cứu nghiêm túc về các nguồn tài liệu.’ Họ tiếp tục tuyên bố: ‘Bằng cách bỏ qua hoặc bác bỏ bằng chứng gốm sứ, tiền đúc [nghĩa là tiền xu] và bằng chứng văn học về sự tồn tại của Nadarét trong thời Hậu Hy Lạp và Tiền La Mã, có vẻ như phân tích mà ông René Salm đưa vào trong bài đánh giá của ông và cuốn sách gần đây của ông, tự nó hạ xuống lĩnh vực thần thoại.’


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2023]


Đức Thánh Cha hủy chuyến đi Dubai vì lý do sức khỏe

Đức Thánh Cha hủy chuyến đi Dubai vì lý do sức khỏe

Đức Thánh Cha hủy chuyến đi Dubai vì lý do sức khỏe

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

28/11/23


Vatican cho biết tình trạng viêm đường hô hấp của ngài đang cải thiện, nhưng các bác sĩ yêu cầu ngài không thực hiện chuyến đi vào thứ Sáu tuần này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy chuyến đi tới Dubai dự COP28 từ thứ Sáu đến Chủ nhật vì lý do sức khỏe.

Vatican tối nay thông báo rằng “mặc dù tình hình lâm sàng chung của Đức Thánh Cha liên quan đến tình trạng giống như bệnh cúm và chứng viêm đường hô hấp của ngài đã cải thiện, nhưng các bác sĩ đã yêu cầu Đức Thánh Cha không thực hiện chuyến đi theo kế hoạch tới Dubai trong những ngày tới”.

Thông báo cho biết thêm: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận yêu cầu của các bác sĩ cách tiếc nuối và do đó đã bị hủy chuyến đi”.

Thông cáo cho biết Vatican sẽ tìm cách để Đức Thánh Cha và Tòa thánh có thể tham dự vào cuộc thảo luận về khí hậu sẽ được tổ chức tại Dubai.

Đức Thánh Cha sẽ bước sang tuổi 87 vào ngày 17 tháng 12.

Hôm qua, ngày 27 tháng 11, giám đốc văn phòng báo chí Vatican cho biết báo cáo sức khỏe của Đức Thánh Cha “tốt và ổn định”, ngài không bị sốt và “tình trạng hô hấp của ngài đang cải thiện rõ ràng”.

Ông Matteo Bruni đã đưa ra báo cáo này để trả lời câu hỏi của các nhà báo, sau khi chính Đức Thánh Cha giải thích hôm Chủ nhật rằng ngài có “vấn đề về viêm đường hô hấp”.

Sáng thứ Bảy, ông Bruni thông báo rằng “các buổi yết kiến Đức Thánh Cha dự kiến vào sáng nay sẽ bị hủy do tình trạng bị bệnh nhẹ giống như bệnh cúm”.

Vào chiều thứ bảy, kết quả chụp CT đã loại trừ bệnh viêm phổi nhưng cho thấy “một tình trạng sưng trong phổi gây một chút khó thở”, ông Bruni giải thích hôm thứ Hai, đồng thời cho biết thêm rằng ngài được tiêm kháng sinh.

Khi 21 tuổi, vị giáo hoàng tương lai bị viêm các mô xung quanh phổi, dẫn đến cuộc phẫu thuật cắt bỏ ba u nang phổi và một phần nhỏ của phổi phía trên bên phải.

Quý vị theo dõi các báo cáo về sức khỏe của Đức Thánh Cha tại đây.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2023]


Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Huấn từ kinh Truyền tin ngày 26.11.2023: Cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình phá tan vòng xoáy hận thù, chúng ta hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện

Cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình phá tan vòng xoáy hận thù, chúng ta hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện

Huấn từ kinh Truyền tin

Huấn từ kinh Truyền tin ngày 26.11.2023: Cầu nguyện là sức mạnh của hòa bình phá tan vòng xoáy hận thù, chúng ta hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật tuần này, ngày 26 tháng Mười Một năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đọc kinh Truyền Tin trực tuyến từ nhà nguyện Casa Santa Marta.

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu đang lắng nghe ngài qua truyền hình trực tiếp từ Quảng trường Thánh Phêrô và khắp nơi trên thế giới hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện cho hòa bình. Đặc biệt, những lời của Đức Giám mục Roma, được đọc bởi Đức ông Paolo Braida đứng đầu văn Phủ Quốc vụ khanh, thể hiện sự nhẹ lòng trước thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông:

Huấn từ và những lời tiếp theo sau kinh kính Đức Mẹ được Đức Tổng Giám mục Paolo Braida đọc:

_________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật phúc lành!

Hôm nay cha không thể xuất hiện bên cửa sổ vì cha bị viêm phổi, và Đức ông Braida sẽ đọc bài huấn từ. Ngài nắm rõ các bài huấn từ vì chính ngài là người viết và ngài luôn viết rất tốt! Cảm ơn Đức ông rất nhiều vì sự hiện diện của ngài.

Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ và là Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, Tin Mừng nói với chúng ta về cuộc Phán xét chung (Mt 25:31-46) và cho chúng ta biết rằng cuộc phán xét sẽ dựa trên đức ái.

Khung cảnh mà trích đoạn trình bày cho chúng ta là khung cảnh của một đại sảnh vương triều, trong đó Chúa Giêsu, “Con Người” (c. 31) ngự trên ngai. Tất cả mọi dân tộc đều tập hợp dưới chân Người và nổi bật trong số họ là những “người được chúc phúc” (c. 34), những người bạn của Đức Vua. Nhưng họ là ai? Có điều gì đặc biệt ở những người bạn này trong mắt Chúa của họ? Theo tiêu chuẩn của thế gian, bạn bè của nhà vua phải là những người đã cho ông sự giàu có và quyền lực, những người giúp ông chinh phục các vùng lãnh thổ, giành chiến thắng trong các trận chiến, làm cho ông trở nên vĩ đại hơn so với những người lãnh đạo khác, có lẽ xuất hiện như một ngôi sao trên những trang bìa của các tờ báo hoặc trên mạng xã hội, và ông nói với họ: “Cảm ơn, vì các bạn đã làm cho tôi trở nên giàu có và lừng danh, khiến mọi người ghen tị và sợ hãi”. Đây là theo tiêu chuẩn của thế gian.

Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, bạn bè là những người khác: họ là những người đã phục vụ người yếu đuối nhất. Điều này là vì Con Người là một vị Vua hoàn toàn khác, Đấng gọi những người nghèo là “anh em”, Đấng đồng hóa với những người đói khát, người ngoại kiều, người bệnh tật, người bị tù đày và nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài là một vị Vua nhạy cảm với vấn đề đói khát, với nhu cầu nhà ở, bệnh tật và tù đày (x. các câu 35-36): đáng buồn là tất cả những thực tại này đều mang tính thời sự hiện nay. Những người đói khát, những người vô gia cư, thường mặc những gì họ có thể tìm được, có mặt đông đảo trên các đường phố của chúng ta: chúng ta gặp họ mỗi ngày. Và rồi liên quan đến vấn đề bệnh tật và tù đày, tất cả chúng ta đều biết bệnh tật, phạm sai lầm và phải gánh chịu hậu quả là như thế nào.

Vâng, Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng “người có phúc” là những người đáp lại các hình thức nghèo khó này bằng tình yêu thương, bằng sự phục vụ: không phải bằng cách quay lưng lại, nhưng bằng cách cho ăn, uống, quần áo mặc, chỗ ở, thăm viếng; tóm lại là gần gũi những người đang cần giúp đỡ. Và điều này là vì Chúa Giêsu, Đức Vua của chúng ta, Đấng xưng mình là Con Người, tìm thấy những người anh chị em yêu quý của Ngài nơi những người mong manh nhất. “Tòa án hoàng gia” của Người được tổ chức tại nơi có những người đau khổ và cần được giúp đỡ. Đây là “tòa án” của Đức Vua chúng ta. Và phong cách mà những người bạn của Ngài, những người tôn Chúa Giêsu làm Chúa, được mời gọi để noi theo chính là phong cách của Ngài: lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự dịu dàng. Phong cách đó làm cho tâm hồn nên cao quý và đổ xuống như dầu trên vết thương của những người bị cuộc đời làm tổn thương.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng vương quyền thực sự hệ tại ở lòng thương xót không? Chúng ta có tin vào sức mạnh của tình yêu không? Chúng ta có tin rằng lòng bác ái là biểu hiện cao quý nhất của con người và là một yêu cầu không thể thiếu đối với người Kitô hữu không? Và cuối cùng, một câu hỏi cụ thể: tôi có phải là bạn của Đức Vua không, nghĩa là tôi có cảm thấy mình có liên đới trực tiếp đến nhu cầu của những người đau khổ mà tôi gặp trên đường đi của mình không?

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Trời và Đất, giúp chúng ta biết yêu mến Chúa Giêsu, Đức Vua của chúng ta, nơi những người anh em hèn mọn nhất của Người.

________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tại các Giáo hội địa phương, chúng ta cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 với chủ đề Hãy vui mừng trong hy vọng. Cha chúc lành cho những người đang tham gia vào các sáng kiến được tổ chức trong các giáo phận, tiếp nối Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon. Cha ôm lấy các bạn trẻ, là hiện tại và tương lai của thế giới, và cha động viên họ trở thành những nhân vật chính hân hoan trong đời sống của Giáo hội.

Hôm qua Ukraine đau khổ tưởng niệm nạn diệt chủng Holodomor, nạn diệt chủng do chế độ Xô Viết gây ra, 90 năm trước, đã khiến hàng triệu người chết đói. Vết thương bị xé rách ấy, thay vì lành lại, lại càng trở nên đau đớn hơn bởi sự tàn ác của chiến tranh vẫn tiếp tục làm cho dân tộc thân yêu ấy đau khổ. Chúng ta hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện cho tất cả các dân tộc bị chia cắt bởi các cuộc xung đột, vì cầu nguyện là sức mạnh hòa bình ngăn chặn vòng xoáy hận thù, phá vỡ vòng xoáy trả thù và mở ra những con đường hòa giải bất ngờ. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì cuối cùng đã có một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine, và một số con tin đã được trả tự do. Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả họ sẽ được trả tự do càng sớm càng tốt – hãy nghĩ đến gia đình họ! – để viện trợ nhân đạo sẽ đến Gaza nhiều hơn, và việc đối thoại được tiếp tục: đó là con đường duy nhất, con đường duy nhất để đạt được hòa bình. Những người không muốn đối thoại là không muốn hòa bình.

Ngoài chiến tranh, thế giới của chúng ta còn bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm rất lớn khác, đó là khí hậu, khiến sự sống trên Trái đất gặp nguy hiểm, đặc biệt là các thế hệ tương lai. Và điều này là nghịch lại với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi sự cho sự sống. Vì vậy, cuối tuần tới, cha sẽ tới các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và phát biểu tại COP 28 vào thứ Bảy ở Dubai. Tôi cảm ơn tất cả những người sẽ đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện và với sự cam kết thực tâm gìn giữ ngôi nhà chung.

Cha thân ái chào đón anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là những anh chị em đến từ Pakistan, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Cha chào các tín hữu của Civitavecchia, Tarquinia và Piacenza, và Deputazione San Vito Martire của Lequile, Lecce. Cha chào các ứng viên Thêm sức đến từ Viserba, Rimini; Nhóm “Assisi nel vento” và Ca đoàn “Don Giorgio Trotta” đến từ Vieste.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/11/2023]


Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Tìm hiểu câu chuyện ít được biết đến về một vị công chúa người Công giáo đã nỗ lực chấm dứt chế độ nô lệ ở Brazil.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, Cristo Redentor, trên Núi Corcovado, nhìn hướng về Rio de Janeiro, với Núi Sugarloaf và Bãi biển Copacabana nổi tiếng ở Brazil (ảnh: Mischa Schoemaker / Sipa via AP)


Alyssa Murphy

26 tháng Mười Một, 2023



Hình ảnh mang tính biểu tượng: tượng Chúa Giêsu trong màu trắng tinh tuyền vút cao phủ trên khung cảnh với đôi tay dang rộng. Tuy nhiên, hình tượng tuyệt vời này của Chúa Kitô là Vua và là Đấng Cứu thế của chúng ta ban đầu không được dự định để trở nên nổi tiếng — và có thể chỉ là sự miêu tả về một nhân vật chính trị — nếu không có sự khiêm nhường của Công chúa Isabel, con gái của hoàng đế Brazil, người đã có một ý tưởng vĩ đại hơn và mang tính tôn giáo hơn.

Ông Marcelo Musa Cavallari, sinh tại São Paulo, Brazil năm 1960, là tổng biên tập của ACI Digital cho biết lịch sử phong phú về sự ra đời của bức tượng đã bị hàng triệu người quên lãng, nói với Register: “Dù bức tượng Đấng Cứu Thế là một biểu tượng được yêu mến của đất nước và là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng. Câu chuyện tuyệt vời về mối tương quan của bức tượng với việc chấm dứt chế độ nô lệ và Công chúa Isabel về cơ bản đã bị người Brazil lãng quên, khó có ai ở đất nước này biết về điều đó”.

Hôm nay khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô Vua, dưới đây là 12 chi tiết thú vị về bức tượng lớn nhất ở Brazil, Chúa Kitô Đấng Cứu thế, bức tượng đứng đó để nhắc nhở tất cả chúng ta về nước thiên đàng và sự hiện hữu của thiên đàng.

1. Trong thế kỷ 19, chế độ nô lệ là luật của quốc gia ở Brazil. Sau khi hai anh trai qua đời cách bi thảm, Công chúa Isabel là người thừa kế ngai vàng của phụ thân là Hoàng đế Pedro II. Nhưng là người phụ nữ kết hôn với một người Pháp, cùng với đức tin Công giáo mãnh liệt và quyết tâm xóa bỏ chế độ nô lệ, công chúa không được lòng nhiều người Brazil, đặc biệt là những chủ đồn điền đầy quyền lực, những người thúc đẩy phần lớn nền kinh tế nông nghiệp vào những năm 1850.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Lời tuyên thệ của Công chúa với tư cách là nhiếp chính của Đế chế Brazil, c. 1870 (Ảnh: Victor Meirelles)

2. Trong khi vua cha đi công du nước ngoài, Công chúa Isabel được gọi về giữ vai trò nhiếp chính thay mặt ông thực hiện nhiệm vụ. Trong vai trò nhiếp chính thứ ba và cũng là cuối cùng của công chúa, vào ngày 13 tháng 5 năm 1888, Công chúa Isabel Bragança đã ký Luật Hoàng gia số 3.353. Chỉ vỏn vẹn có 18 từ, nó được coi là một trong những văn bản luật quan trọng nhất trong lịch sử Brazil. Lei Áurea hay “Luật Vàng” đã bãi bỏ chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.

Ông Cavallari nói với Register rằng điều thú vị cần lưu ý là khi công chúa còn nhiếp chính, “Công chúa Isabel chỉ đứng sau Nữ hoàng Victoria của Anh với tư cách là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới về lãnh thổ và số lượng thần dân dưới sự cai trị của bà.”

3. Được tôn vinh là “người cứu chuộc” vì đã cứu rất nhiều người Brazil thoát khỏi đời sống nô lệ, một đề xuất được đưa ra là dựng một bức tượng để vinh danh công chúa. Cha Vincentian Pedro Maria Boss đưa ra ý tưởng dựng một tượng đài Kitô giáo trên Núi Corcovado để tôn vinh Công chúa Isabel vì hành động cao cả của bà trong việc chấm dứt chế độ nô lệ. Công chúa Isabel cũng được Đức Giáo hoàng Leo XIII tặng Bông hồng vàng cho những hoạt động của bà.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Thánh lễ ngoài trời vào ngày 17 tháng 5 năm 1888, kỷ niệm việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Có thể nhìn thấy công chúa Isabel và chồng của bà dưới tán lọng bên trái. (Ảnh: Antônio Luiz Ferreira)

4. Thay vì đồng ý dựng một bức tượng trên đỉnh núi Corcovado để tôn vinh bà, Công chúa Isabel yêu cầu xây dựng một tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu như một lời tuyên bố hữu hình rằng Người là Đấng Cứu chuộc thực sự của nhân loại.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Mô hình Chúa Kitô Đấng Cứu Thế của Paul Landowski vào những năm 1920 (Photo: The Collector)

5. Được ủy quyền bởi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, đây là sự hợp tác giữa các họa sĩ Brazil và Pháp. Ban đầu bức tượng được phác họa Chúa Kitô cầm một cây thánh giá lớn trong một tay và tay kia cầm quả địa cầu, nhưng sau khi nghiên cứu phong cảnh, hình ảnh Chúa Giêsu với đôi cánh tay dang rộng đã được vẽ theo phong cách Art Deco.

6. Ông Heitor da Silva Costa, kỹ sư địa phương đã thiết kế bức tượng. Vật liệu cho các lớp bên ngoài là đá soapstone vì có nhiều ở Brazil. Để có khả năng chống xói mòn, những hình tam giác nhỏ được cắt vào đá sau đó dán bằng tay lên vải dệt mỏng rồi dán lên tượng. Những người phụ nữ cần mẫn làm việc để gắn các mảnh đá vào bức tượng cũng viết tên những người thân yêu lên mỗi hình tam giác, tạo nên một lịch sử thật sống động trên mỗi viên đá được dán vào.

7. Ông Paul Landowski, một nhà điêu khắc người Pháp, đã đúc khuôn bức tượng bằng đất sét. Những phần khổng lồ của bức tượng sau đó phải được vận chuyển đến Brazil, vì vậy phải trải qua một quá trình rất vất vả để làm từng phần của bức tượng khổng lồ: chạm khắc đầu và tay với kích thước thật, sau đó điêu khắc một phiên bản thân mình cao 4 mét, sau đó được hoàn thành tại chỗ ở Brazil. Nhà điêu khắc người Romania Georghe Leonida được điêu khắc gia Landowski yêu cầu tạo tác tác phẩm cuối cùng, khuôn mặt của Chúa Kitô, chạm khắc cẩn thận những chi tiết phức tạp mong manh.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu ThếQuang cảnh núi Corcovado trước khi xây dựng, thế kỷ 19 (Photo: Marc Ferrez/Instituto Moreira Salles)

8. Chỉ một năm sau khi Luật Vàng được ký kết và Brazil trở thành nước cộng hòa, đế chế của vua Pedro II bị lật đổ để ngăn việc Công chúa Isabel trở thành nữ hoàng.

9. Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế trở thành kỳ quan thế giới kể từ năm 2007. Công chúng đã bình chọn tượng Chúa Kitô Đấng Cứu thế vào danh sách Bảy Kỳ quan mới của Thế giới, vào danh sách 21 địa điểm lọt vào vòng chung kết. Đây là khu thánh địa ngoài trời đầu tiên trên thế giới.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Toàn cảnh bức tượng trên đỉnh Núi Corcovado với Núi Sugarloaf (ở giữa) và Vịnh Guanabara ở phía sau.

10. Mỗi năm có hơn 2 triệu người viếng thăm địa danh nổi tiếng này. Bức tượng vút cao 98 feet (khoảng 29,87 m) không tính chân đế cao 26 feet. Hay cánh tay của tượng dang rộng 92 feet (hơn 28 m). Nặng 635 tấn, đây là bức tượng theo phong cách Art Deco lớn nhất thế giới. Đừng lo ... bạn có thể đi thang cuốn lên tới đỉnh!

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu thế vào những năm 1930 (Photo: Marc Ferrez )

11. Có những tấm ảnh đáng kinh ngạc về tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế bị sét đánh. Với tần suất sét đánh vào tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, các cột thu lôi của bức tượng chuyển hướng hầu hết các tia sét này. Trở lại năm 2014, trong thời gian diễn ra World Cup, phần sau đầu của bức tượng đã bị sét đánh gây ra một số hư hại. Mọi nỗ lực sửa chữa được ráo riết thực hiện trước khi trận bóng đá đầu tiên của giải vô địch bắt đầu.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Tượng được chiếu sáng theo màu cờ của Brazil.

12. Bạn muốn có một địa điểm tổ chức đám cưới thật độc đáo? Dưới chân bức tượng có một nhà nguyện đẹp nhưng nhỏ và đơn sơ, có thánh lễ hàng ngày cho những người leo lên chân tượng Chúa Kitô Cứu Thế. Cung hiến cho thánh bổn mạng của Brazil là Nossa Senhora Aparecida, các đôi hôn phối cũng có thể yêu cầu được tổ chức kết hôn ở đó.

Mừng Chúa Kitô Vua: 12 chi tiết thú vị về Tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Thế

Mộ của Công chúa Isabel (ngoài cùng bên trái) tại khu Lăng mộ Hoàng gia, trong Nhà thờ Chánh tòa Petrópolis, Brazil.(Photo: Wikimedia Commons )


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/11/2023]


Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 19.11.2023: “Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

“Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 19.11.2023: “Lòng tin luôn giải phóng, nỗi sợ hãi làm tê liệt”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 19/11), Đức Thánh Cha Phanxicô đứng tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau giờ kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha dự bữa tiệc trưa dành cho khoảng 1.250 người túng thiếu trong khán phòng Phaolô VI, nhân dịp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 7. Đến bàn ăn, Đức Thánh Cha ban phép lành và gửi lời chào đến những người hiện diện.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh Kính Đức Mẹ:


_____________________________________________


Trước giờ Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta dụ ngôn về những yến bạc (x. Mt 25:14-30). Một người chủ lên đường đi phương xa và giao phó những yến bạc, hay đúng hơn là tài sản của ông, “vốn liếng” của ông, cho những người hầu: yến bạc là một đơn vị tiền tệ. Ông phân chia chúng tùy theo khả năng của mỗi người. Khi trở về, ông yêu cầu tường trình lại những gì họ đã làm. Hai người trong số họ đã làm được gấp đôi số tiền họ nhận được, và ông chủ khen ngợi họ, trong khi người thứ ba vì sợ hãi đã chôn những yến bạc và chỉ nhằm mục đích hoàn trả lại, đó là lý do khiến anh ta bị quở trách nặng nề. Nhìn vào dụ ngôn này, chúng ta học được hai cách khác nhau để đến gần Thiên Chúa.

Cách thứ nhất là cách của người đã đem chôn giấu yến bạc mà anh ta nhận được, anh ta không thể nhìn thấy sự giàu có mà Thiên Chúa đã ban cho mình: anh ta không tin tưởng ông chủ cũng như chính bản thân. Thật vậy, anh ta nói với ông chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi” (c. 24). Anh ta sợ ông chủ. Anh ta không nhìn thấy sự quý trọng, anh ta không nhìn thấy sự tin tưởng mà ông chủ dành cho anh ta, mà chỉ nhìn thấy hành động của một người chủ, của một thẩm phán, đòi hỏi nhiều hơn những gì người đó cho đi. Đây là hình ảnh về Thiên Chúa của anh ta: anh ta không tin vào sự tốt lành của Ngài; anh ta không thể tin vào sự tốt lành của Chúa đối với anh ta. Chính vì vậy mà anh ta bế tắc và không cho phép bản thân tham gia vào sứ mệnh mà anh ta đã nhận được.

Rồi chúng ta nhìn thấy cách thứ hai ở hai nhân vai chính kia, những người đáp lại lòng tin của ông chủ bằng cách tin tưởng vào ông.

Hai người này đầu tư tất cả những gì họ nhận được, cho dù ngay từ đầu họ không biết liệu mọi việc có diễn ra tốt đẹp hay không: họ nghiên cứu, họ nhìn thấy những cơ hội và thận trọng tìm kiếm điều tốt nhất; họ chấp nhận rủi ro và đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Họ tin tưởng, họ nghiên cứu và họ mạo hiểm. Nhờ đó, họ có can đảm hành động một cách tự do, sáng tạo, tạo ra của cải mới (x. các câu 20-23).

Thưa anh chị em, đây là nơi giao nhau của hai con đường khi chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa: sợ hãi hay tin cậy. Hoặc là bạn thấy sợ hãi trước mặt Chúa, hoặc là bạn tin cậy Chúa. Và chúng ta, giống như những nhân vật chính trong dụ ngôn – tất cả chúng ta – tất cả chúng ta đều đã nhận được những tài năng quý giá hơn tiền bạc rất nhiều. Nhưng phần lớn cách thức chúng ta đầu tư tài năng phụ thuộc vào niềm tin tưởng của chúng ta nơi Chúa, là điều giải phóng tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên năng động và sáng tạo trong những điều tốt lành. Đừng quên điều này: niềm tin luôn mang lại tự do; nỗi sợ hãi làm tê liệt. Anh chị em hãy nhớ: sự sợ hãi làm tê liệt, niềm tin tưởng giải phóng. Điều này cũng áp dụng trong công tác giáo dục trẻ em. Và chúng ta hãy tự hỏi: tôi có tin rằng Thiên Chúa là Cha và trao cho tôi những món quà vì Ngài tin tưởng tôi không? Và tôi có tin tưởng nơi Ngài đến mức đặt mình vào tình thế phiêu lưu, ngay cả khi kết quả không chắc chắn và không được coi là đương nhiên? Liệu tôi có thể mỗi ngày thưa trong lời cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con tin cậy nơi Ngài, xin ban cho con sức mạnh để tiếp tục tiến bước; con tín thác vào Chúa, vào những điều Chúa đã ban cho con: xin cho con biết cách thực hiện chúng”.

Cuối cùng, trong Giáo hội: chúng ta có nuôi dưỡng một bầu khí tin cậy, quý trọng lẫn nhau trong môi trường của chúng ta, giúp chúng ta cùng nhau tiến về phía trước, giải phóng con người và kích thích tính sáng tạo của tình yêu thương nơi mọi người không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó.

Và xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi – đừng bao giờ sợ hãi Thiên Chúa! Kinh ngạc, tốt; nhưng sợ hãi, không – và tín thác nơi Chúa.

_______________________________________________


Sau giờ đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Cha Manuel Gonzales-Serna, linh mục triều, và 19 bạn đồng hành, gồm các linh mục và giáo dân, bị giết năm 1936 trong bầu không khí bách hại tôn giáo của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, được phong chân phước hôm qua tại Seville. Những vị tử đạo này đã làm chứng cho Chúa Kitô cho đến cùng. Xin tấm gương của các ngài an ủi nhiều Kitô hữu đang bị phân biệt đối xử vì đức tin của họ trong thời đại chúng ta. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!

Tôi xin nhắc lại sự gần gũi của tôi với người dân Myanmar thân yêu vẫn đang tiếp tục phải chịu đựng nạn bạo lực và ngược đãi. Tôi cầu nguyện để họ không nản chí và luôn tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa.

Và thưa anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang bị đau khổ – tôi có thể nhìn thấy những lá cờ ở đây – và cho người dân Palestine và Israel. Hòa bình là có thể. Cần có thiện chí. Hòa bình là có thể. Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh! Và chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn luôn là sự thất bại. Những người duy nhất được lợi là các nhà sản xuất vũ khí.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ bảy, với chủ đề năm nay là: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4:7). Tôi xin cảm ơn những người trong các giáo phận và giáo xứ đã tổ chức các sáng kiến liên đới với những người và gia đình đang phải vật lộn với cuộc sống.

Và hôm nay chúng ta cũng tưởng nhớ tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho người thân của họ, và chúng ta hãy nỗ lực ngăn ngừa những tai nạn.

Tôi cũng muốn đề cập đến Ngày Ngư nghiệp Thế giới sẽ được tổ chức trong hai ngày tới.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới. Cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Madrid, Ibiza và Warsaw, cũng như các thành viên của Hội đồng Liên minh Giáo viên Công giáo Thế giới. Cha chào các nhóm đến từ Aprilia, San Ferdinando di Puglia và Sant’Antimo; Hiệp hội FIDAS của Orta Nova, và những người tham gia “Ngày chia sẻ” của Phong trào Tông đồ Người mù. Xin gửi một lời chào đặc biệt đến cộng đoàn người Ecuador ở Rome đang cử hành Lễ Đức Mẹ Virgen del Quinche. Và cha gửi lời chào tới các bạn trẻ của Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2023]


Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ VII - Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ VII

Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VII - Đức Thánh Cha mang đến niềm hy vọng và sự động viên cho người nghèo tại một bữa tiệc trưa đáng nhớ

Vatican Media


*******

Một bữa ăn trưa do Bộ Bác ái tổ chức và năm nay được chủ trì bởi Khách sạn Hilton, với thực đơn cho tất cả mọi người. Tổng cộng có hơn 1.200 người trong Hội trường Phaolô VI, biến nó thành một nhà hàng lớn và khác thường.

Bữa trưa của Đức Thánh Cha Phanxicô với người nghèo nhân Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ 7 là một cử chỉ quan trọng được khắp thế giới ca ngợi. Đức Thánh Cha là người ủng hộ mạnh mẽ cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, và bữa trưa này là sự nối tiếp cam kết của ngài đối với công bằng xã hội.

Đức Thánh Cha ngồi cùng bàn với các vị khách và chuyện trò với họ về cuộc sống của họ. Ngài lắng nghe những câu chuyện của họ và thể hiện sự ủng hộ cũng như động viên. Bữa ăn trưa là cơ hội để Đức Thánh Cha Phanxicô kết nối với những người sống trong cảnh túng thiếu và thể hiện sự quan tâm của ngài đối với hạnh phúc của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết bữa trưa là một “trải nghiệm tuyệt vời”. Ngài nói đó là một lời nhắc nhở rằng “tất cả chúng ta đều là anh chị em” và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ những người gặp khó khăn.





[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2023]


Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 12.11.2023: “Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

“Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 12.11.2023: “Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

*******

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật tuần này, ngày 12 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của ngài trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_________________________________________

Trước Kinh Truyền tin


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Bài Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta một câu chuyện liên quan đến ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Đó là dụ ngôn mười cô trinh nữ được mời đi đón chàng rể (x. Mt 25:1-13). Sống như thế này: là một cuộc chuẩn bị vĩ đại cho ngày chúng ta được gọi đến với Chúa Giêsu! Tuy nhiên, trong dụ ngôn mười cô trinh nữ, có năm cô khôn và năm cô dại. Chúng ta hãy xem điều gì tạo nên sự khôn ngoan và khờ dại. Sự khôn ngoan trong cuộc sống và sự khờ dại trong cuộc sống.

Tất cả những cô phù dâu đó đều có mặt để đón chàng rể, nghĩa là họ muốn gặp chàng, cũng như chúng ta mong muốn một cuộc sống viên mãn hạnh phúc: vì thế, sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại không nằm ở thiện ý. Nó cũng không nằm ở việc họ đến cuộc mặt đúng giờ: tất cả họ đều có mặt ở đó. Sự khác biệt giữa những cô khôn ngoan và những cô khờ dại là: sự chuẩn bị. Văn bản nói: những cô khôn thì “mang chai dầu theo” (câu 4); ngược lại những cô dại thì không. Đây là sự khác biệt: dầu. Và một trong những đặc tính của dầu là gì? Đó là không thể nhìn thấy nó: nó ở bên trong đèn, không dễ thấy, nhưng không có nó thì đèn không có ánh sáng.

Chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, và chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống của chúng ta cũng có nguy cơ tương tự: nhiều khi chúng ta rất cẩn thận về bề ngoài của mình – việc quan trọng là chăm sóc kỹ càng hình ảnh của mình, tạo ấn tượng tốt trước mặt người khác. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng sự khôn ngoan của cuộc sống nằm ở chỗ khác: đó là chăm sóc những gì không thể nhìn thấy được nhưng lại là điều quan trọng hơn, chăm sóc tâm hồn. Nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Điều này có nghĩa là biết cách dừng lại và lắng nghe tâm hồn mình, để canh chừng những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Đã bao nhiêu lần chúng ta không ý thức được những gì xảy ra trong lòng chúng ta ngày hôm đó? Điều gì xảy ra bên trong mỗi chúng ta? Khôn ngoan có nghĩa là biết tạo không gian cho sự thinh lặng, để có thể lắng nghe chính bản thân mình và người khác. Nó có nghĩa là biết cách từ bỏ một phần thời gian lướt màn hình điện thoại để nhìn vào ánh sáng trong đôi mắt người khác, trong tâm hồn mình, trong cái nhìn của Chúa dành cho chúng ta. Nó có nghĩa là không rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa hoạt động, nhưng dành thời gian cho Chúa, lắng nghe Lời Ngài.

Và Tin Mừng cho chúng ta lời khuyên xác đáng rằng đừng bỏ bê dầu của đời sống nội tâm, “dầu của tâm hồn”: Tin Mừng dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị dầu. Và trong trình thuật, chúng ta thấy rằng các cô trinh nữ thật ra đã có đèn rồi, nhưng họ phải chuẩn bị dầu: họ phải đến người bán dầu, mua nó, đổ vào đèn… (x. câu 7-9). Đối với chúng ta cũng vậy: đời sống nội tâm không thể tùy cơ ứng biến được, nó không phải là chuyện nhất thời, chuyện thỉnh thoảng, hay chuyện làm một lần là xong; đời sống nội tâm phải được chuẩn bị bằng cách dành ra một ít thời gian mỗi ngày, một cách kiên trì, như người ta làm cho mọi việc quan trọng.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi đang chuẩn bị những gì vào thời điểm này của cuộc đời? Tôi đang chuẩn bị những gì trong chính bản thân? Có lẽ tôi đang cố gắng dành dụm một số tiền tiết kiệm, tôi đang nghĩ đến một ngôi nhà hay một chiếc xe hơi mới, những kế hoạch cụ thể… Đó là những điều tốt; không phải là những điều xấu. Chúng là những điều tốt đẹp. Nhưng tôi có nghĩ đến việc dành thời gian để chăm sóc tâm hồn, cầu nguyện, phục vụ người khác, phục vụ Chúa là đích đến của cuộc đời không? Tóm lại, dầu của tâm hồn tôi như thế nào? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi điều này: dầu của tâm hồn tôi như thế nào? Tôi có nuôi dưỡng nó không, tôi có giữ gìn nó chu đáo không?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết quý trọng dầu của đời sống nội tâm.

________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Trong vài tháng nay, Sudan đã trải qua một cuộc nội chiến không có dấu hiệu giảm bớt, và đang gây ra nhiều nạn nhân, hàng triệu người phải di tản trong nước và tị nạn ở các nước láng giềng, cũng như tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng. Tôi gần gũi với những đau khổ của người dân Sudan thân yêu và gửi lời kêu gọi tha thiết tới các nhà lãnh đạo địa phương hãy tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, và cùng với sự đóng góp của cộng đồng quốc tế, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Chúng ta đừng quên những anh chị em đang đau khổ này của chúng ta!

Và chúng ta mỗi ngày hãy hướng suy nghĩ về tình hình rất nghiêm trọng ở Israel và Palestine. Tôi gần gũi với tất cả những người đang đau khổ, người Palestine và người Israel. Tôi ôm lấy họ trong thời khắc đen tối này. Và tôi cầu nguyện cho họ thật nhiều. Cầu xin để vũ khí được dừng lại: vũ khí sẽ không bao giờ dẫn đến hòa bình, và cầu mong xung đột không lan rộng! Đủ rồi! Đủ rồi, thưa anh em! Hãy để những người bị thương được cứu ngay lập tức ở Gaza, hãy để những thường dân được bảo vệ, hãy để viện trợ nhân đạo đến được với những người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề đó. Mong rằng những con tin được giải phóng, kể cả người già và trẻ em. Mỗi người, người Kitô giáo, người Do Thái giáo, người Hồi giáo, thuộc bất kỳ dân tộc hay tôn giáo nào, mỗi con người đều thiêng liêng, quý giá trước mặt Thiên Chúa và có quyền sống trong hòa bình. Chúng ta không mất hy vọng: chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc không mệt mỏi để ý thức nhân bản có thể chiến thắng sự cứng lòng.

Hai năm trước, Nền tảng hành động Laudato si’ đã được ra mắt. Tôi xin cảm ơn những người đã tham gia vào sáng kiến này và khuyến khích họ tiếp tục con đường chuyển đổi sinh thái. Về vấn đề này, chúng ta cầu nguyện cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu Dubai, COP28, sắp diễn ra.

Hôm nay Giáo hội Ý cử hành Ngày Lễ Tạ Ơn với chủ đề “Cách tiếp cận hợp tác để phát triển nông nghiệp”.

Cha chào thân ái tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các linh mục đến từ tổng giáo phận Szczecin-Kamień, Ba Lan, và các nhóm giáo xứ từ Augsburg, Zara, Poreč, Pola, Porto và Paris. Cha xin chào các thành viên của Cộng đoàn Sant’Egidio từ các quốc gia ở Châu Á và cha động viên anh chị em hãy dấn thân cho công cuộc truyền giáo và thăng tiến. Hãy dũng cảm tiến về phía trước! Và anh chị em cũng giúp xây dựng hòa bình.

Cha gửi lời chào các tín hữu ở Volargne, Ozieri và Cremona. Cha xin thân ái chào mừng chuyến hành hương của các tín hữu Ukraine và các tu huynh dòng Basilian – cha có thể nhìn thấy những lá cờ Ukraine ở đằng kia – từ nhiều quốc gia khác nhau tập trung để kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat. Cha cùng anh chị em cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước đang bị bao vây của anh chị em. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên Ukraine đang bị hành hạ, chúng ta đừng quên đất nước đó.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/11/2023]


Bài giảng lễ Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục: “Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

“Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục

Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục: “Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

Vatican Media


*******

Vào lúc 10 giờ sáng nay (ND: 29/10), Chúa nhật 30 Thường niên, tại Vương cung Thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh lễ kết thúc Phiên họp thứ nhất của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 16 ( 4-29 tháng 10 năm 2023) với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở những tham dự viên rằng cuộc cải cách vĩ đại nhất của Giáo hội là “thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương anh chị em của chúng ta với cùng một tình yêu” và yêu cầu họ luôn chiến đấu chống lại việc thờ ngẫu tượng: “Chúng ta hãy cảnh giác, kẻo chúng ta lại đặt mình vào trung tâm thay vì đặt Thiên Chúa vào trung tâm”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

__________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Một luật sĩ đến gặp Chúa Giêsu giả cách để thử Người. Tuy nhiên, câu hỏi ông ta đặt ra là một câu hỏi quan trọng và lâu dài, là câu hỏi đôi khi nổi lên trong tâm hồn chúng ta và trong đời sống của Giáo hội: “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22:36). Cả chúng ta nữa, khi đắm mình trong dòng chảy sống động của Truyền thống, có thể đặt câu hỏi: “Điều quan trọng nhất là gì? Đâu là động lực?” Điều gì quan trọng đến mức trở thành nguyên tắc chỉ đạo của mọi thứ? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37-39).

Thưa các huynh đệ Hồng y, Giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ thân mến, thưa anh chị em, khi kết thúc giai đoạn này của cuộc hành trình, điều quan trọng là phải nhìn vào “nguyên tắc và nền tảng” từ đó mọi sự bắt đầu trở lại: với tình yêu thương. Mến Chúa với trọn vẹn cuộc đời và yêu người lân cận như chính mình. Không phải là những chiến lược của chúng ta, những toan tính của con người, những đường lối của thế gian, nhưng là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân: đó là trung tâm của mọi sự. Và làm cách nào để chúng ta có thể truyền tải động lực yêu thương này? Tôi xin đề nghị hai động từ, hai chuyển động của con tim mà tôi muốn suy ngẫm: tôn thờ và phục vụ. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa qua việc tôn thờ và phục vụ.

Động từ đầu tiên, tôn thờ. Yêu mến là tôn thờ. Tôn thờ là phản ứng trước tiên chúng ta dâng lên để đáp lại tình yêu nhưng không và đầy kinh ngạc của Thiên Chúa. Sự kinh ngạc của việc tôn thờ, sự kỳ diệu của việc thờ phượng, là điểm trọng yếu trong đời sống Giáo hội, đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi chúng ta đã từ bỏ việc tôn thờ. Tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là thừa nhận trong đức tin rằng chỉ mình Người là Chúa, và cuộc sống cá nhân của chúng ta, con đường lữ hành của Giáo hội và kết quả cuối cùng của lịch sử, tất cả đều phụ thuộc vào tình yêu dịu dàng của Người. Chúa mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Khi thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta được tự do. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh thường xuyên liên kết tình yêu Chúa với cuộc chiến đấu chống lại mọi hình thức sùng bái ngẫu tượng. Người thờ phượng Thiên Chúa thì loại bỏ ngẫu tượng vì Thiên Chúa giải phóng còn ngẫu tượng bắt làm nô lệ. Các ngẫu tượng lừa dối chúng ta và không bao giờ thực hiện được những gì chúng hứa hẹn, bởi vì chúng là “do tay người chế tạo thành” (Tv 115:4). Kinh Thánh không thì cứng rắn với việc thờ ngẫu tượng, bởi vì các ngẫu tượng được con người tạo ra và thao túng, trong khi Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống, thì hiện diện và siêu việt; Người “không phải như những gì tôi tưởng tượng về Người, Người không phụ thuộc vào những gì tôi mong đợi ở Người và do đó có thể làm đảo lộn những kỳ vọng của tôi, chính vì Người hằng sống. Sự thật của việc chúng ta không luôn luôn có quan niệm đúng về Thiên Chúa làm chúng ta đôi khi thất vọng: Chúng ta nghĩ: ‘Tôi mong chờ một điều, tôi hình dung rằng Chúa sẽ xử sự như thế này, nhưng thay vào đó tôi đã lầm’. Nhưng theo cách này, chúng ta quay trở lại con đường thờ ngẫu tượng, muốn Chúa hành động theo hình ảnh mà chúng ta có về Ngài” (C.M. Martini, I grandi della Bibbia. Esercizi Spirituali con l'Antico Testamento, Florence, 2022, 826 -827). Chúng ta luôn có nguy cơ nghĩ rằng chúng ta có thể “kiểm soát Thiên Chúa”, rằng chúng ta có thể giới hạn tình yêu của Ngài theo chương trình riêng của chúng ta. Ngược lại, cách Người hành động luôn không thể đoán trước được, nó vượt quá suy nghĩ của chúng ta, và do đó, đường lối hành động của Thiên Chúa đòi hỏi sự kinh ngạc và tôn thờ. Kinh ngạc là vô cùng quan trọng!

Chúng ta phải liên tục chiến đấu chống lại mọi hình thức sùng bái ngẫu tượng; không chỉ là những thứ thuộc thế gian, thường xuất phát từ thói kiêu ngạo, chẳng hạn như thèm khát thành công, ích kỷ, tham lam tiền bạc – chúng ta đừng quên rằng ma quỷ xâm nhập “qua túi quần áo”, những cạm bẫy của tính tham danh vọng; nhưng kể cả những kiểu thờ ngẫu tượng được ngụy trang dưới hình thức linh đạo – linh đạo của riêng tôi: những ý tưởng tôn giáo của riêng tôi, những kỹ năng mục vụ của riêng tôi… Chúng ta hãy cảnh giác, kẻo chúng ta lại đặt mình vào trung tâm hơn là đặt Chúa vào trung tâm. Và chúng ta hãy trở lại với việc tôn thờ. Mong rằng việc tôn thờ là trung tâm đối với những người mục tử chúng ta: chúng ta hãy dành thời gian mật thiết mỗi ngày với Chúa Giêsu vị Mục tử Nhân lành, tôn thờ Người trong Nhà tạm. Mong rằng Giáo hội tôn thờ: trong mỗi giáo phận, trong mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, chúng ta hãy tôn thờ Chúa! Chỉ bằng cách này chúng ta mới hướng về Chúa Giêsu mà không hướng về bản thân. Vì chỉ qua việc thinh lặng tôn thờ, Lời Chúa mới sống trong lời của chúng ta; chỉ trước sự hiện diện của Người, chúng ta mới được thanh tẩy, biến đổi và đổi mới bởi ngọn lửa Thần Khí của Người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu!

Động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương là phục vụ. Trong điều răn trọng, Chúa Kitô kết nối Thiên Chúa và tha nhân với nhau để cả hai không bao giờ bị tách rời. Không thể có kinh nghiệm tôn giáo thực sự khi trở nên điếc trước tiếng kêu khóc của thế giới. Không có lòng yêu mến Thiên Chúa nếu không biết quan tâm và chăm sóc người lân cận; bằng không, chúng ta có nguy cơ trở thành người giả hình. Chúng ta có thể có rất nhiều ý tưởng tốt đẹp về việc cải tổ Giáo hội, nhưng chúng ta hãy nhớ: tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta bằng tình yêu của Người, đó là cuộc cải cách vĩ đại và tồn tại mãi mãi. Trở thành một Giáo hội tôn thờ và một Giáo hội phục vụ, rửa chân cho nhân loại bị thương tổn, đồng hành với những người dễ bị tổn thương, người yếu đuối và bị gạt sang bên lề, ra đi trong yêu thương để gặp gỡ người nghèo. Chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Thiên Chúa truyền đạt điều này như thế nào.

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến các nạn nhân của sự tàn bạo của chiến tranh; những đau khổ của người di cư, nỗi đau âm thầm của những người sống một mình và trong cảnh túng thiếu; những người bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống; những người không còn nước mắt để rơi, những người không có tiếng nói. Và tôi cũng nghĩ đến việc con người thường bị bóc lột đằng sau những lời nói hoa mỹ và những lời hứa hấp dẫn đó, hoặc chẳng có việc gì được thực hiện để ngăn chặn điều đó xảy ra. Đó là một trọng tội khi bóc lột những người dễ bị tổn thương, một trọng tội khi làm xói mòn tình huynh đệ và tàn phá xã hội. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta khát khao mang đến cho thế giới một loại men khác, đó là men Tin Mừng. Đặt Thiên Chúa ở vị trí đầu tiên và cùng với Người là những người được Ngài đặc biệt yêu thương: người nghèo khổ và người yếu đuối.

Thưa anh chị em, đây chính là Giáo Hội mà chúng ta được mời gọi “ước mơ”: một Giáo Hội phục vụ mọi người, phục vụ những người hèn mọn nhất trong anh chị em của chúng ta. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi chứng nhận “hành vi tốt”, nhưng luôn chào đón, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Một Giáo Hội với những cánh cửa rộng mở là bến đỗ của lòng thương xót. Thánh John Chrysostom nói: “Người có lòng thương xót là bến đỗ cho những người đang cần giúp đỡ; và là bến cảng tiếp nhận tất cả những người bị đắm tàu, và giải thoát họ khỏi hiểm nguy, dù họ là người xấu hay người tốt; bất kể họ là loại người nào đang gặp nguy hiểm, bến cảng đó sẽ tiếp nhận họ vào nơi trú ẩn. Anh chị em cũng vậy, khi anh chị em nhìn thấy một người bị đắm tàu trên mặt đất vì túng thiếu, đừng ngồi đó phán xét anh ta, cũng đừng yêu cầu giải thích, mà hãy xoa dịu nỗi đau khổ của anh ta. (In pauperem Lazarum, II, 5).

Thưa anh chị em, Đại hội đồng Thượng Hội đồng đã kết thúc. Trong “cuộc đối thoại của Thần Khí” này, chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa và khám phá ra vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và trên hết, trong những nền tảng và những mối quan tâm đa dạng khác nhau, chúng ta đã lắng nghe Chúa Thánh Thần. Hôm nay chúng ta chưa nhìn thấy thành quả trọn vẹn của tiến trình này, nhưng với tầm nhìn xa, chúng ta hướng về chân trời mở ra trước mắt chúng ta. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta trở thành một Giáo hội hiệp hành và sứ vụ hơn, một Giáo hội tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ con người trong thời đại chúng ta, tiến bước để mang đến cho mọi người niềm vui an ủi của Tin Mừng.

Thưa anh chị em, tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã làm trong Thượng Hội đồng và vì tất cả những gì anh chị em tiếp tục làm. Cảm ơn vì hành trình chúng ta đã cùng nhau thực hiện, vì sự lắng nghe và đối thoại của anh chị em. Để bày tỏ lòng biết ơn, tôi cũng xin dâng lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta: xin cho chúng ta phát triển trong việc tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Tôn thờ và phục vụ. Xin Chúa đồng hành cùng chúng ta. Chúng ta hãy tiến về phía trước với niềm vui!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2023]