Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Câu chuyện lạ thường đằng sau Năm Thánh Giuse

Câu chuyện lạ thường đằng sau Năm Thánh Giuse

Cha Donald Calloway Dòng các Cha Maria gửi lá thư quan trọng đến Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào

Câu chuyện lạ thường đằng sau Năm Thánh Giuse


Bức tranh ‘Thánh Giuse đội triều thiên’ có mặt trong Vương cung Thánh đường San Carlo al Corso ở Roma. Năm Thánh Giuse đặc biệt của Giáo hội đang diễn ra. (photo: Bree Dail photo)


Bree A. Dail

14 tháng Hai, 2021

VATICAN CITY— Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố một Năm Thánh Giuse, tin tức về sự công bố lan truyền nhanh chóng. Nhưng có lẽ ít ai biết năm này được truyền cảm hứng như thế nào.

Cha Donald Calloway, Dòng các cha Maria, tác giả của quyển Consecration to St. Joseph (tạm dịch: Tận hiến cho Thánh Giuse) đã cho Register biết trong một loạt phỏng vấn rằng mặc dù cha nhận được tin với lòng tri ân và yêu mến, nhưng cha ý thức sâu sắc về những chi tiết có thể đã dẫn đến công bố lịch sử này.

Cha Calloway tiết lộ chi tiết một lá thư cha đã gửi trong tháng Năm năm 2019 — được Đức Giám mục Héctor Zordán thành phố Gualeguaychú, Argentina trao tận tay — Đức Giáo hoàng Phanxicô, thỉnh cầu rằng cần phải có một năm dành riêng cho Thánh Giuse cho Giáo hội hoàn vũ. Cha Calloway giải thích rằng trước thư này một thỉnh cầu khác đã được Tòa Ân giải Tối cao chấp nhận: rằng những người tận hiến cho Thánh Giuse sẽ được ban ơn toàn xá vì sự tham dự nhiệt thành của họ.

Cha Calloway giải thích: “Sau khi viết sách, tôi nhận thức được rằng chúng ta, Giáo hội hoàn vũ, chưa từng có một năm dành riêng cho Thánh Giuse. Vì thế tôi suy nghĩ, ‘Thật đáng buồn! Vị thánh vĩ đại nhất chỉ sau Đức Mẹ — là Đấng Bảo trợ Giáo hội — mà chúng ta lại chưa bao giờ làm một điều gì như vậy?’ Vì thế tôi được thôi thúc viết thư trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Thật ra tôi cũng không chắc về việc gửi đến ngài bằng cách nào, hay Đức Thánh Cha sẽ nhận nó như thế nào, đó là chưa nói đến chuyện liệu ngài có hành động về điều đó hay không. Vì vậy, trước hết tôi bắt đầu viết thư gửi đến riêng từng giám mục xin các ngài cân nhắc việc cung hiến một năm cho Thánh Giuse trong giáo phận của các ngài — và nhiều vị đã trả lời. Tuy nhiên, năm ngoái vào ngày 1 tháng Năm (Lễ Thánh Giuse Thợ), tôi quyết định viết lá thư này trình lên Đức Thánh Cha.”

Cha Calloway giải thích rằng ban đầu cha viết thư bằng tiếng Anh nhưng ngay lập tức được một cha cùng Dòng các Cha Maria khuyên nên chuyển nó sang tiếng Tây Ban Nha bản ngữ của Đức Giáo hoàng.

Câu chuyện lạ thường đằng sau Năm Thánh Giuse
Bản tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha của lá thư tháng Năm năm 2019 của Cha Donald Calloway Dòng các Cha Maria viết trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cha Calloway giải thích: “Anh biết đấy, tôi biết Đức Thánh Cha Phanxicô thật sự không biết tiếng Anh giỏi. Tôi muốn làm cho lá thư này thật dễ dàng cho ngài đọc. Vì vậy tôi nhờ Cha Dante Agüero ở Argentina dịch nó sang tiếng Tây Ban Nha.”

Sau khi Cha Agüero dịch lá thư, cha tạo điều kiện chuyển thư tay đến Đức Giáo hoàng bằng cách đến gặp đức giám mục ở Argentina.

Mặc dù cha và vị linh mục anh em cố gắng dịch lá thư và chuyển nó đi, nhưng Cha Calloway vô cùng kinh ngạc về sự quan phòng của Chúa. “Rõ ràng đó là Chúa đang làm việc: ý tôi muốn nói là cơ hội cho một vị giám mục mà người bạn của tôi quen biết có thể gặp gỡ được Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm ad limina là gì, và khả năng để đức giám mục có thể chuyển lá thư này trực tiếp cho ngài?”

Một tân giám mục với sứ mệnh của Chúa

Đức Cha Zordán xác nhận với Register rằng ngài đã chuyển bức thư của Cha Calloway lên Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Argentina. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 2 tháng Năm, 2019.

Vị Giám mục người Argentina nói với Register: “Cha Dante Agüero, MIC — một người bạn lâu năm — đã đưa cho tôi một lá thư của Cha Donald Calloway, MIC, là người anh em của cha trong dòng, để trình lên Đức Thánh Cha. Cha Dante có nói trước về nội dung của nó: Đây là một thỉnh cầu đặc biệt trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô để hiệu triệu một năm tận hiến cho Thánh Giuse. Thật vậy, Cha Calloway là một người thúc đẩy mạnh mẽ lòng sùng kính Thánh Giuse.”

Đức Cha Zordán kể lại cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 2 tháng Năm, 2019, và trình lên lá thư của Cha Calloway. “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là cầu nguyện và suy tư. Tôi nhớ lại Đức Thánh Cha đón chúng tôi gần như ngay tại cửa của khán phòng trong Vatican. Đích thân ngài chào từng người chúng tôi, và ngài làm cho từng người chúng tôi phấn khởi bằng cách trao đổi một vài câu, nhắc lại những người mà chúng tôi đều biết và những thời gian chia sẻ chung mà chúng tôi đã có ở Argentina.”

Đức Cha Zordán nói: “Khi đến tôi, ngài chào tôi bằng một cử chỉ vui mừng … Tôi chào ngài, hân hoan đáp lại. Chúng tôi trao đổi một vài câu, và chính lúc đó tôi trao cho ngài một số lá thư, gồm cả thư thỉnh cầu của Cha Calloway xin một Năm Thánh Giuse.”

Sau khi trở về Argentina, Đức Cha Zordán nói với Register rằng ngài không bao giờ được Vatican liên lạc về lá thư, nhưng sau khi trao tận tay Đức Giáo hoàng, vị giám mục biết rằng ít nhất Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc thư và sẽ có thể trả lời. “Tuy nhiên, bây giờ tôi tin là chúng tôi có thể trực cảm được … rằng nội dung của lá thư đã góp phần lớn vào việc triệu tập năm tận hiến cho Thánh Giuse, được Đức Thánh Cha công bố ngày 8 tháng Mười Hai.”

Đức Cha Zordán, khi trao đổi với Register, đã bày tỏ ước nguyện của ngài cho năm nay, “Xin Chúa cho năm hồng ân được trao ban cho chúng ta như một ân sủng, ‘lòng yêu mến vị đại thánh lớn lên, để chúng ta có thể được thôi thúc khẩn xin sự chuyển cầu của ngài và bắt chước những đức tính của ngài, cũng như lòng nhiệt thành của ngài’” (Patris Corde).

Thánh Giuse đang âm thầm hoạt động

Cha Calloway nói với Register rằng cho đến ngày 8 tháng Mười Hai, cha vẫn không nghe được gì từ Vatican về lời thỉnh cầu của mình. “Tôi đã viết thư gửi đến mọi giáo phận ở Hoa Kỳ, kêu gọi họ công bố một Năm Thánh Giuse.” Đến tháng Mười Hai cha nhận được hồi âm của 11 giám mục Hoa Kỳ.

Cho dù những hồi âm từ các giám mục rất tích cực, Cha Calloway thừa nhận với Register rằng đó không thật sự là kết quả cha đã mong đợi.

“Bức thư gửi lên Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn lưu lại trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi. Mọi người bắt đầu liên lạc với tôi, hỏi rằng tôi có nghe thấy gì từ Đức Thánh Cha không; và tôi phải trả lời rằng Không — nhưng tôi cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện. Đột nhiên, thông báo đến — và họ phải chuẩn bị cho nó, vì tông thư, Patris Corde, đã được nghiên cứu, được suy tư rất kỹ. Tòa Thánh đã lên chương trình cho sự ngạc nhiên bất ngờ này! Thật là một điều trọng đại khi Đức Thánh Cha công bố điều này nhân kỷ niệm 150 năm tuyên bố Thánh Giuse là ‘Bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ.’”

Mẫu gương hoàn hảo của hôn nhân và đức khiết tịnh

Phát biểu trước một số người bày tỏ lo ngại rằng lời công bố vào ngày 8 tháng Mười Hai có thể làm mất đi sự tập trung vào Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha Calloway nhận xét: “Các bạn thấy đấy, đây chính là nơi chúng ta phải nhìn vào mẫu gương của Vợ Chồng Thánh, Thánh Giuse và Đức Mẹ. Thành thật mà nói, tôi tin rằng chính vì lý do này mà Đức Giáo Hoàng Piô IX đã đưa ra tuyên bố vào ngày này 150 năm trước. Hai ngài là một đôi vợ chồng; trái tim của hai ngài là một. Vì ngài đã bảo vệ Mẹ trong suốt cuộc đời nơi trần thế của mình, trân trọng và yêu thương Mẹ, thật phù hợp khi Mẹ đặt ngài lên trước Mẹ vào ngày này, dâng ngày của Mẹ cho ngài. Mẹ nâng người chồng lên, trên cương vị đứng đầu của ngài — và thật phù hợp khi Mẹ tôn vinh ngài vào ngày tôn vinh Mẹ.”

Cha Calloway kết luận rằng việc đó tùy thuộc cách thức lời công bố này diễn ra như thế nào và một nguồn cảm hứng khác đã khiến cha gửi thêm một bức thư khác đến Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tháng này — bức thư này thỉnh cầu Đức Giáo hoàng công bố ngày 23 tháng Một là ngày nhớ buộc về Vợ Chồng Thánh, Thánh Giuse và Mẹ Maria. Cha giải thích: “Nhiều người rất lo lắng về những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới khi nói đến tỷ lệ gia đình ly hôn, sự tan vỡ của gia đình. Chính Chúa Giêsu nói rằng tâm hồn thanh sạch sẽ nhìn thấy Thiên Chúa. Chúng ta phải thành thật với việc xã hội của chúng ta đã xuống cấp như thế nào, tình trạng khiêu dâm như thế nào. Cái nhìn nguyên tuyền và sự phân định dường như hoàn toàn mất phương hướng. Ý tôi là, đó là sự mất phương hướng do ma quỷ. Hiện nay, nhiều người không nhìn thấy Thiên Chúa, chưa nói đến thánh ý của Ngài, bởi vì họ không thanh sạch — không chỉ là sự thanh sạch về tính dục, mà còn về tinh thần và ý thức hệ.”

Câu chuyện lạ thường đằng sau Năm Thánh Giuse
Bản tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha của lá thư tháng Năm năm 2021 của Cha Donald Calloway Dòng các Cha Maria viết trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

Là một người trở lại Công giáo và là linh mục suốt 17 năm, Cha Calloway nói rằng phát xuất của những chia rẽ mà cha đang chứng kiến trong Hội thánh là hệ quả của sự mất thanh sạch này — và thậm chí là giữa những người cầu nguyện, những người tìm kiếm nhân đức. Cha giải thích “Ý định đã không thanh sạch, tại sao bạn cầu nguyện? Động lực nào thúc đẩy bạn, ngay cả thái độ cầu nguyện — ngôn ngữ cơ thể nói lên cho bạn rất nhiều. Đàn ông trở nên tập trung vào nội tại, quá quan tâm đến bản thân, và kết quả của điều này là bất lực về tinh thần. Toàn bộ nam tính của họ bị suy giảm. Có vẻ như Satan không lo lắng về phần lớn nam giới, và đó là một vấn đề lớn khi những đứa trẻ lớn lên dưới những người đàn ông đã có gia đình này. Nếu những người cha của các hộ gia đình không có sức mạnh tinh thần, uy quyền của họ đã bị mất đi, chẳng trách gia đình bị tan rã! Không có gì ngạc nhiên khi tất cả những điều này đang xảy ra trong Giáo hội và trên thế giới.”

Cha Calloway giải thích rằng Giáo hội đã cố gắng giải quyết những vấn đề đó bằng các chương trình, hội họp và tĩnh tâm — thường với chi phí tài chính lớn — nhưng cha nói rằng những cố gắng này chỉ đóng vai trò là thuốc điều trị, không phải là phương pháp chữa lành. “Chúng ta phải đi vào gốc rễ của vấn đề, và Thánh Giuse là người làm việc đó. Ngài là hình mẫu của người đàn ông quyết đoán, hình mẫu của một tâm hồn nam giới, và cuộc hôn nhân của ngài với Đức Mẹ — và ví dụ rõ ràng về việc Mẹ tôn trọng và nâng cao ngài như thế nào trong việc công bố về ngày đại lễ này của Mẹ — những điều này rất quan trọng trong thời đại của chúng ta.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/2/2021]


Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên trong Đại Hội đồng của Phong trào Focolare

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên trong Đại Hội đồng của Phong trào Focolare

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên trong Đại Hội đồng Phong trào Focolare

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Bảy, 6 tháng Hai năm 2021



Thưa Đức Hồng y,

Thưa anh chị em!

Tôi vui mừng chào mừng anh chị em tại buổi bế mạc Đại hội đồng, trong đó anh chị em đã thảo luận các vấn đề quan trọng và chọn những nhà lãnh đạo mới của mình. Tôi xin cảm ơn bà Maria Voce, chủ tịch sắp mãn nhiệm, và tân chủ tịch vừa được bầu chọn là chị Margaret Karram, vì những lời tốt đẹp của họ. Chúng tôi xin nói lời “cảm ơn” thật nhiều với vị cựu chủ tịch; với vị chủ tịch sắp tới là những lời chúc tốt đẹp chân thành, và chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến vị đồng chủ tịch và các ủy viên hội đồng. Chúng tôi xin tri ân Đức Hồng y Kevin Farrell và bà Linda Ghisoni đã hiện diện ở đây với chúng tôi. Tôi xin chào tất cả anh chị em hiện diện ở đây, và những anh chị em đang theo dõi trực tuyến; và tôi gửi lời chào đến tất cả các thành viên của Phong trào Work of Mary (Công việc của Mẹ Maria), mà các bạn đại diện. Để động viên anh chị em trên hành trình của mình, tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy tư mà tôi sẽ chia thành ba điểm: thời kỳ hậu sáng lập; tầm quan trọng của những cuộc khủng hoảng; và linh đạo sống động với tính mạch lạc và hiện thực.

Thời kỳ hậu sáng lập. Mười hai năm sau khi chị Chiara Lubich lên Thiên đàng, anh chị em được kêu gọi vượt qua sự hoang mang theo lẽ tự nhiên và sự sụt giảm con số, để tiếp tục là sự thể hiện sống động của đặc sủng sáng lập. Như chúng ta đã biết, điều này đòi hỏi một sự trung tín tích cực, có khả năng giải thích những dấu chỉ và nhu cầu của thời đại và đáp ứng những đòi hỏi mới của nhân loại. Mọi đặc sủng đều sáng tạo, nó không phải là một bức tượng trong viện bảo tàng, không, nó là sáng tạo. Đó là việc phải trung thành với cội nguồn ban đầu, cố gắng suy đi nghĩ lại và thể hiện nó trong cuộc đối thoại với những hoàn cảnh xã hội và văn hóa mới. Nó bám rễ chắc chắn, nhưng cây phải phát triển trong sự đối thoại với thực tế. Nhiệm vụ tiếp cận thực tại này càng có kết quả hơn khi nó được thực hiện bằng cách hài hòa giữa sự sáng tạo, khôn ngoan, nhạy cảm với tất cả mọi người và trung thành với Giáo hội. Linh đạo của anh chị em, thể hiện đặc trưng qua việc đối thoại và cởi mở với các bối cảnh văn hóa, xã hội và tôn giáo khác nhau, chắc chắn có thể khuyến khích tiến trình này. Cởi mở với người khác, dù họ là ai, phải luôn được vun trồng: Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, nhưng không theo chủ nghĩa chiêu mộ tín đồ, không, Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, đó là một lớp men của nhân loại mới ở mọi nơi và mọi lúc.

Thái độ cởi mở và đối thoại này sẽ giúp anh chị em tránh được thái độ chỉ quan tâm đến mình, nó luôn là một tội, nó là cám dỗ tự ngắm mình trong gương. Không, điều này là xấu. Chỉ là để chải tóc của mình vào buổi sáng và chỉ thế thôi! Việc tránh đi tất cả thái độ chỉ biết quan tâm đến bản thân, vốn không bao giờ phát xuất từ tinh thần tốt, là niềm hy vọng của chúng ta cho toàn thể Giáo hội: hãy cảnh giác với tính xem mình là trung tâm, nó luôn dẫn đến việc bảo vệ thể chế gây phương hại cho các cá nhân, và cũng có thể dẫn đến việc biện minh hoặc che đậy cho các hình thức lạm dụng. Chúng ta đã có kinh nghiệm về điều này với nhiều đau đớn, chúng ta đã phát hiện ra nó trong những năm gần đây. Thái độ chỉ quan tâm đến bản thân ngăn cản chúng ta không nhìn thấy những sai lầm và thiếu sót, nó cản trở sự tiến bộ và ngăn cản việc phê bình công khai các thủ tục về thể chế và phong cách quản trị. Thay vào đó, tốt hơn hết là hãy can đảm và đối mặt với các vấn đề với parrhesia (tính dũng cảm) và sự thật, luôn tuân theo những chỉ dẫn của Giáo hội là Mẹ, là Mẹ thật, và đáp ứng cho những đòi hỏi của công bằng và bác ái. Tự kỷ niệm không phục vụ tốt cho đặc sủng. Không. Đúng hơn nó là hãy thái độ chào đón mỗi ngày với sự kinh ngạc - đừng quên rằng sự kinh ngạc luôn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa - món quà ban tặng nhưng không mà anh chị em đã đón nhận qua việc thực hiện lý tưởng sống của mình, và với sự giúp đỡ của Chúa, cố gắng thực hiện với niềm tin, sự khiêm tốn và lòng can đảm, như Đức Trinh Nữ Maria sau ngày Truyền Tin.

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tham dự viên trong Đại Hội đồng của Phong trào Focolare

Chủ đề thứ hai tôi muốn đề xuất với anh chị em là tầm quan trọng của sự khủng hoảng. Anh chị em không thể sống mà không có khủng hoảng. Khủng hoảng là một phúc lành, ngay cả ở mức độ tự nhiên - sự khủng hoảng của một đứa trẻ lớn lên đến khi trưởng thành là quan trọng - và thậm chí trong cuộc sống của các tổ chức. Tôi đã nói rất lâu về điều này trong bài huấn từ gần đây của tôi với Giáo triều Roma. Luôn luôn có cám dỗ biến khủng hoảng thành xung đột. Xung đột là xấu, nó có thể trở nên xấu, nó có thể gây chia rẽ, nhưng khủng hoảng là cơ hội để phát triển. Mỗi cuộc khủng hoảng là một lời kêu gọi cho sự trưởng thành mới; đó là thời gian của Thần Khí, khơi dậy sự cần thiết phải đổi mới, không ngã lòng khi đối mặt với sự phức tạp của con người và những mâu thuẫn của nó. Ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của tính kiên cường khi đối mặt với khó khăn, tức là khả năng đối mặt với chúng một cách tích cực, rút ​​ra những cơ hội từ chúng. Mỗi cuộc khủng hoảng là một cơ hội để phát triển. Mặt khác, những khủng hoảng tinh thần của các cá nhân, liên quan đến tính mật thiết của các cá nhân và phạm vi lương tâm, phải được giải quyết một cách thận trọng bởi những người không giữ chức vụ quản trị, ở mọi cấp, trong Phong trào. Và đây là quy tắc tốt của Giáo Hội từ thời xa xưa - luôn luôn cho các tu sĩ - áp dụng không chỉ cho những thời điểm khủng hoảng của con người, mà còn áp dụng chung cho việc đồng hành với họ trong hành trình thiêng liêng. Đó là sự phân biệt khôn ngoan giữa tòa ngoài và tòa trong mà kinh nghiệm và truyền thống của Giáo hội dạy chúng ta là không thể thiếu. Trên thực tế, sự đan xen giữa phạm vi quản trị và phạm vi lương tâm làm phát sinh sự lạm dụng quyền lực và những hành vi lạm dụng khác mà chúng ta đã chứng kiến, một khi cái vạc của những vấn đề khó chịu này bị phanh phui.

Cuối cùng, điểm thứ ba: sống linh đạo với tính kiên định và hiện thực. Tính kiên định và tính hiện thực. “Người này có thẩm quyền… Tại sao người đó lại có thẩm quyền? Vì người đó kiên định”. Chúng ta rất thường nói điều này. Mục đích cuối cùng của đặc sủng của anh chị em trùng khớp với ý được trình bày lên với Chúa Cha trong lời cầu nguyện lớn lao sau cùng của Ngài: để “tất cả được nên một” (Ga 17:21), được hiệp nhất, ý thức rõ rằng đây là công việc của ân sủng Thiên Chúa Ba Ngôi: “như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (sđd). Ý định này đòi hỏi sự cam kết từ một cái nhìn kép: bên ngoài Phong trào và bên trong nó. Liên quan đến hành động bên ngoài Phong trào, tôi khuyến khích anh chị em nên như vậy. Và về vấn đề này, Tôi tớ Chúa là chị Chiara Lubich đã cho nhiều mẫu gương! - những chứng tá của sự gần gũi với tình yêu thương huynh đệ vượt qua mọi rào cản và tiến đến với mọi thân phận con người. Vượt qua những rào cản, đừng sợ hãi! Đó là con đường của sự gần gũi huynh đệ, truyền sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh cho những người nam và người nữ trong thời đại chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo, những người sau rốt, những người bị từ chối: cùng làm việc với những người thiện chí để thúc đẩy công lý và hòa bình. Đừng quên sự gần gũi đó, sự gần gũi, là ngôn ngữ đích thực nhất của Thiên Chúa. Hãy nghĩ đến trích đoạn Đệ Nhị Luật, khi Chúa nói: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” Phong cách đó của Thiên Chúa, phong cách gần gũi đó ngày càng tiến xa hơn, xa hơn cho đến khi đạt đến sự gần gũi vĩ đại đó: Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa là Đấng đã biến chính Ngài trở thành một với chúng ta. Đừng quên: sự gần gũi là phong cách của Chúa, đó là ngôn ngữ chân thực nhất, theo ý của tôi.

Về những cố gắng của anh chị em trong Phong trào, tôi thúc giục anh chị em ngày càng thúc đẩy công đồng tính, để tất cả các thành viên, như là những người có cùng đặc sủng, có thể cùng đồng trách nhiệm và tham gia vào đời sống của Work of Mary và các mục tiêu cụ thể của nó. Những người chịu trách nhiệm quản trị được kêu gọi thúc đẩy và thực hiện sự bàn bạc minh bạch không chỉ trong các cơ sở quản lý, mà ở tất cả các cấp, vì luận lý của tính hiệp thông trong đó tất cả mọi người có thể đưa ân tứ và ý kiến của mình để phục vụ người khác, trong sự thật và với tự do.

Anh chị em thân mến, noi gương chị Chiara Lubich, hãy luôn lắng nghe tiếng kêu của Đức Kitô khi bị bỏ rơi trên thập giá, là cách thể hiện cao nhất của tình yêu. Ân sủng tuôn đổ từ nó có thể thôi thúc trong chúng ta là những con người yếu đuối và tội lỗi như chúng ta, những sự đáp lời quảng đại và đôi khi anh hùng; nó có khả năng chuyển những đau khổ và thậm chí là bi kịch thành nguồn ánh sáng và hy vọng cho nhân loại. Trong sự vượt qua từ cái chết sang sự sống này là trung tâm của Kitô giáo và cũng là đặc sủng của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì niềm vui làm chứng cho Tin Mừng mà anh chị em tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội và cho thế giới. Chứng tá hân hoan. Người ta nói rằng người của Focolarini luôn mỉm cười, họ luôn nở một nụ cười trên môi. Và tôi nhớ có lần tôi đã nghe một bài nói về sự thiếu hiểu biết của Chúa. Họ nói với tôi: “Nhưng cha có biết rằng Thiên Chúa thiếu hiểu biết không? Có bốn điều mà Chúa không thể biết được” - “Nhưng đó là những điều gì?” - “Các tu sĩ Dòng Tên nghĩ gì, các tu sĩ Salêdiêng có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu hội dòng nữ tu và nụ cười của Focolarini về điều gì”. Tôi xin phó thác những ý định và dự án tốt lành của anh chị em cho sự can thiệp từ mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Giáo hội, và tôi ban phép lành cho anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần nó. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/2/2021]