Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha Phanxico: Người Sa-ma-ri tốt lành tỏ lộ mầu nhiệm của Đức Ki-tô

Đức Thánh Cha Phanxico: Người Sa-ma-ri tốt lành tỏ lộ mầu nhiệm của Đức Ki-tô

Pope Francis preaching a homily at Mass in the chapel of Santa Marta in the Vatican, Oct 9, 2017.
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta, 9 tháng Mười, 2017.
09/10/2017 13:45
(Vatican Radio) Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha thúc giục Ki-tô hữu hãy bắt chước người Sa-ma-ri tốt lành và giúp đỡ những người đang cần đứng dậy, giống như Đức Ki-tô vẫn “tiếp tục trả tiền chăm sóc” cho chúng ta. Phân tích trong bài giảng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta trong khu ngài ở trong Vatican, ngài suy tư về thái độ của nhiều nhân vật trong dụ ngôn Người Sa-ma-ri Tốt Lành của Tin mừng Lu-ca, và đó là câu trả lời cho người luật sĩ rằng ai là người anh em.
Các nhân vật trong dụ ngôn
Nhận xét về những kẻ cướp, người tư tế là “người của Chúa,” và thầy Lê-vi là người “rất rõ về luật,” tất cả đều đi qua người bị thương đang thập tử nhất sinh, Đức Thánh Cha nói rằng đây là một thói quen thường có của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy một tai nạn và chúng ta bỏ đi qua rồi sau đó đọc thấy trên báo, được tô vẽ thêm một chút để “giật gân và nóng hơn.” Ngược lại, người Sa-ma-ri, một người ngoại và tội lỗi “nhìn thấy và không đi qua,” Đức Thánh Cha trình bày, kéo sự chú ý vào những lời tường thuật của Lu-ca - “ông động lòng trắc ẩn.” Xem người bị thương như là anh em của mình, người Sa-ma-ri đến gần người kia, băng bó vết thương và xức dầu và rượu lên vết thương. Ông ta không bỏ người kia ở đấy để tiếp tục hành trình của mình. Ông chở người bị thương trên lưng con lừa của mình đến nhà trọ, và ông trả tiền để chăm sóc cho người kia và hứa sẽ trả thêm khi ông quay trở lại.
Mầu nhiệm của Đức Ki-tô
Đức Thánh Cha nói, “Đây là mầu nhiệm của Đức Ki-tô Đấng đã trở thành người phục vụ, khiêm nhường và hạ mình và chết cho chúng ta.” Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nói, là người Sa-ma-ri nhân lành mời gọi ông luật sĩ cùng làm như vậy. Đức Thánh Cha phân tích thêm rằng, mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô không phải là một câu chuyện thần thoại cho trẻ em, dụ ngôn tỏ lộ độ sâu rộng của mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô. Người luật sĩ không hiểu mầu nhiệm của Đức Ki-tô nhưng ông ta chắc chắn hiểu được nguyên tắc nhân văn ẩn chứa sau nó - rằng khi một người nhìn từ trên cao vào một người đang ở dưới, đều làm như vậy để giúp người kia đứng dậy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, người nào làm như vậy là đang đi đúng trên con đường đến với Chúa Giê-su.
Tự kiểm tra bản thân
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng người chủ quán trọ không hiểu một chút gì về vấn đề này, thấy lúng túng khi gặp một người làm những điều mà ông ta chưa bao giờ nghe thấy trước đó. Đức thánh Cha nói, đây là những gì xảy ra khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha thúc giục Ki-tô hữu đọc lại dụ ngôn này và tự kiểm tra bản thân về thái độ của mình – một kẻ cướp, một kẻ lừa đảo, một người đồi trụy, một linh mục, một giám đốc Công giáo, hay một tội nhân. “Tôi có đến gần và để tôi trở thành người anh em và phục vụ những người đang cần như Chúa Giê-su làm không,” là kết luận bài giảng của ngài.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/10/2017]


Đức Tổng Giám mục Auza: Cuộc chiến chống buôn bán ma túy

Đức Tổng Giám mục Auza:  Cuộc chiến chống buôn bán ma túy

Đe dọa xã hội bắt đầu từ gia đình, từ địa phương đến quốc tế
5 tháng Mười, 2017
Archbishop Bernardito Auza ©Holy See Mission
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza ©Holy See Mission
“Tòa Thánh mong muốn lặp lại sự ủng hộ của mình cho những sáng kiến đầy sáng tạo và kiên quyết chống lại tội ác của nạn buôn bán ma túy quốc tế và sử dụng ma túy, nó xé tan các mảnh đời, các gia đình và các cộng đồng, thậm chí xé toạc cả một quốc gia, và làm hoang phí những cuộc sống và các nguồn lực” Đức Tổng Giám mụ Bernardito Auza trình bày ngày 4 tháng Mười, 2017, tại Liên Hợp quốc ở New York. Ngài là Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc.
Những nhận xét của ngài đưa ra tại Ủy ban Họp Thứ Ba của Phiên họp thứ 72 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Chương trình Nghị sự Mục 107, thảo luận về “Ngăn chặn Tội ác và Sự Thực thi luật Tội phạm” và về Chương trình Nghị sự Mục 108, “Kiểm soát Ma túy Quốc tế.”
Đức Tổng Giám mục Auza nhấn mạnh rằng những vấn đề liên quan đến ma túy “đòi buộc sự chú ý cấp bách ở mọi cấp độ, từ gia đình đến cộng đồng quốc tế.”
Ngài phân tích rằng ma túy “gây ra sự mất mát cho quá nhiều cuộc đời, và còn nhiều hơn cả số người sử dụng chúng,” ngài liệt kê các thành viên trong gia đình, bạn bè, con cái, và toàn bộ các cộng đồng. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả đều bị tổn thương “khi ma túy đánh cắp tâm trí và tàn phá thân xác của những người đã bị cầm tù trong sự nghiện ngập chất này.”
Đức Tổng Giám mục thúc giục, “Nỗi đau khổ không thể kể ra này phải được giải quyết bằng một cam kết mới với những bước đi cụ thể nhằm chiến đấu chống lại việc sản xuất và buôn bán các chất bị cấm.”
Phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ Tòa Thánh và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Phiên họp thứ 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc
Ủy ban thứ Ba Chương trình nghị sự Mục 107: Ngăn chặn Tội ác và Sự Thực thi luật Tội phạm, và
Mục 108:  Kiểm soát Ma túy Quốc tế
New York, 4 tháng Mười 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh mong muốn lặp lại sự ủng hộ của mình cho những sáng kiến đầy sáng tạo và kiên quyết chống lại tội ác của nạn buôn bán ma túy quốc tế và sử dụng ma túy, nó xé tan các mảnh đời, các gia đình và các cộng đồng, thậm chí xé toạc cả một quốc gia, và làm hoang phí những cuộc sống và các nguồn lực. Chúng đòi buộc sự chú ý cấp bách ở mọi cấp độ, từ gia đình đến cộng đồng quốc tế.
Vì thế, Phái đoàn của tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với công cuộc đang được thực hiện để chống lại việc buôn bán ma túy trên tầm mức quốc tế và ủng hộ những nỗ lực giúp đỡ những người mà cuộc sống của họ đang bị đe dọa bởi ma túy. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của những nỗ lực “thúc đẩy công lý, pháp quyền, ngăn chặn tội phạm và cải tổ những cơ quan thực thi luật pháp tội phạm là những khía cạnh quan trọng của chương trình phát triển toàn cầu,” như đã được trình bày trong Báo cáo của Tổng Thư Ký Liên Hợp quốc, và chúng tôi thúc giục các nguồn lực và giới chuyên môn tiếp tục cống hiến cho những nỗ lực quan trọng này.
Thưa ông Chủ tịch,
Trong một diễn từ trước Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, Đức Giáo hoàng Phanxico đã cảnh báo sự mất mát mà ma túy gây ra cho các nạn nhân. Ngài nói, “Ma túy đã khoét một vết thương rất sâu vào trong xã hội của chúng ta và giăng bẫy rất nhiều người trong mạng nhện của chúng. Quá nhiều nạn nhân đã đánh mất sự tự do của họ và đã trở thành nô lệ của chúng.” Ma túy gây ra sự mất mát cho quá nhiều cuộc đời, và còn nhiều hơn cả số người sử dụng chúng. Các thành viên trong gia đình, bạn bè, con cái, và toàn bộ các cộng đồng bị tổn hại rất lớn khi ma túy đánh cắp tâm trí và tàn phá thân xác của những người đã bị cầm tù trong sự nghiện ngập chất này.
Nỗi đau khổ không thể kể ra này phải được giải quyết bằng một cam kết mới với những bước đi cụ thể nhằm chiến đấu chống lại việc sản xuất và buôn bán các chất bị cấm. Nếu thiếu vắng một cam kết vững chắc ở tầm mức quốc gia, khu vực, và quốc tế nhằm chấm dứt lợi nhuận phi pháp từ những hoạt động như vậy, các thế hệ sẽ tiếp tục chịu đau khổ và sẽ bị loại bỏ và lãng phí. Như Phái đoàn của tôi đã trình bày năm ngoái, chúng ta phải chống lại với cám dỗ nhắm giải quyết vấn đề này chỉ đơn giản bằng cách nới lỏng những giới hạn sử dụng ma túy. Ngược lại, chúng ta phải theo đuổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhằm chấm dứt việc sản xuất ma túy và từ đó chấm dứt buôn bán ma túy.
Chúng ta cũng phải cam kết với những trách nhiệm khó khăn hơn trong việc đối mặt với những vấn đề đụng chạm đến việc lạm dụng các chất cấm, “bằng cách thúc đẩy sự công bằng mạnh mẽ hơn, giáo dục lớp người trẻ những giá trị xây dựng nên đời sống xã hội, đồng hành hỗ trợ những người đang trong khó khăn và trao tặng cho họ niềm hy vọng vào tương lai.” Như Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc nhở chúng ta, “mỗi một người nghiện ma túy đều có một câu chuyện riêng duy nhất và phải được lắng nghe, được thấu hiểu, được yêu thương, và phải được chữa lành và thanh luyện. Chúng ta không thể hạ xuống mức bất công khi phân loại những người nghiện ma túy chỉ đơn thuần như những đồ vật hay những cỗ máy đã bị hư hỏng; mỗi con người phải được quý trọng và phải được trân trọng phẩm giá để có thể giúp họ được chữa lành. Phẩm giá của con người là điều mà chúng ta phải có trách nhiệm tìm kiếm.”
Vì rất khó cắt đứt được những mối dây ràng buộc của sự nghiện ngập khi chúng đã giăng lên, và vì những cái cọc trói buộc quá cao, chúng ta phải luôn tập trung chú ý vào sự ngăn ngừa. Trong khi chúng ta khuyến khích việc theo đuổi những giải pháp mà hệ thống luật pháp quốc tế có thể đưa ra, chúng ta cũng biết rằng những sáng kiến thuần túy mang tính luật pháp và những nỗ lực chấp pháp sẽ không đủ để kiềm chế nhu cầu sử dụng ma túy. Ở đây, những sáng kiến cụ thể ở mọi cấp độ, đặc biệt trong gia đình và trong cộng đồng địa phương, là sự hỗ trợ không thể thiếu được cho những người chịu đau khổ vì lạm dụng các chất kích thích và cho những gia đình và trung tâm chăm sóc họ.
Ngoài những tàn phá mà ma túy trực tiếp gây ra cho những người sử dụng chúng và những người xung quanh họ, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp cũng đan quyện vào những mối đe dọa khác cho nhân phẩm. Nó có liên quan đến những tội ác như buôn người, gia tăng tình trạng nghèo đói, sự đổ vỡ gia đình, rửa tiền, tham nhũng ở cấp chính phủ, đe dọa đối với nền pháp quyền, mất việc làm và những cơ hội học tập, đe dọa sức khỏe và an toàn bản thân, gia tăng việc sử dụng các loại vũ khí, nguy hại cho trẻ em, bạo lực gia đình, và mất an ninh kinh tế. Chuỗi dài những tội ác và tội phạm nghiêm trọng này đe dọa khả năng sống đúng phẩm giá của tất cả mọi người. Mục tiêu chung của chúng ta là làm cho tất cả mọi người được sống đúng phẩm giá thúc ép chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để chống lại tai họa của ma túy bất hợp pháp này.
Cảm ơn ông Chủ tịch.
1. A/72/125, 1.
2. Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ của Đức Giáo hoàng Phanxico trước các tham dự viên tại phiên họp do Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học tài trợ với chủ đề: Ma túy: những vấn đề và giải pháp cho vấn đề toàn cầu này, 24 tháng Mười Một 2016 [sau đó là “Tuyên bố của Hàn lâm viện Khoa học”].
3. Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trong Chuyến thăm đến Bệnh viện Thánh Phanxico Assisi Chúa Quan Phòng, 24 tháng Bảy 2013.
4. Tuyên bố của Hàn lâm viện Khoa học.
Copyright © 2017 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 06/10/2017]