Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

CHUYÊN MỤC: Đức Hồng y Turkson thừa nhận với ZENIT về những thách đố khi xét đến 'hậu quả' của COVID

CHUYÊN MỤC: Đức Hồng y Turkson thừa nhận với ZENIT về những thách đố khi xét đến 'hậu quả' của COVID
Card. Turkson, May 3, 2019 © Vatican Media

CHUYÊN MỤC: Đức Hồng y Turkson thừa nhận với ZENIT về những thách đố khi xét đến 'hậu quả' của COVID

Vị lãnh đạo của Ủy ban Ứng phó Covid-19 của Vatican thảo luận việc đánh giá một trong những 'khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất' kể từ đệ nhị thế chiến'

09 tháng Bảy, 2020 07:14

Trong khi công nhận rằng bàn về 'hậu quả' của COVID-19 đang cho thấy tính phức tạp và đầy thách thức hơn những gì dự đoán ban đầu, Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson nói rằng những gì chúng ta học được từ các quốc gia đã làm thẳng được các đường cong của biểu đồ lây nhiễm có thể cho những bài học rất giá trị cho những quốc gia khác trên toàn cầu. Ngài thừa nhận, dù thế nào đi nữa, những phản ứng trong tương lai của mỗi quốc gia đối với virus sẽ khác nhau, đặc biệt khi việc nghiên cứu về vaccine vẫn đang diễn ra.


Đây là những gì ngài Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện và là Chủ tịch Ủy ban Ứng phó Covid-19 của Vatican, trao đổi với ZENIT trong buổi họp báo về việc “Chuẩn bị Tương lai, Xây dựng Hòa bình trong Thời gian COVID-19,’ được tổ chức với một số ký giả chính thức trong Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ngày 7 tháng Bảy năm 2020, lúc 11:30 sáng.

Như thường lệ, Văn phòng Báo chí kiểm tra nhiệt độ của các ký giả đeo khẩu trang khi đi vào, rửa tay bằng nước tẩy trùng, và thiết lập lối vào và lối ra của khán phòng. Các nhà báo chính thức của Vatican (và ban nhân sự Văn phòng Báo chí) phải đeo khẩu trang và ngồi tại vị trí giãn cách xã hội đã được chỉ định. Mi-crô cho việc đặt câu hỏi cũng được vệ sinh và tẩy trùng sau mỗi người đặt câu hỏi.

Cùng trình bày với Đức Hồng y Turkson là Nữ tu Alessandra Smerilli, điều phối viên của Nhóm Chuyên viên Kinh tế thuộc Ủy ban Ứng phó Covid-19 của Vatican, và là giáo sư kinh tế chính trị tại Phân khoa Khoa học Giáo dục Đại học Giáo hoàng Auxilium, và Tiến sĩ Alessio Pecorario, điều phối viên của Nhóm Chuyên viên Kinh tế thuộc Ủy ban Ứng phó Covid-19 của Vatican, và là thành viên của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện.

Trình bày với Đức Hồng Y Turkson, ZENIT English nhắc lại rằng trong phỏng vấn ban đầu của Vatican khi Ủy ban Phản ứng COVID-19 của Vatican được Đức Giáo hoàng Phanxico thành lập, ngài nhấn mạnh rằng “chúng ta phải xét đến hậu quả của COVID-19, để chúng ta không bị bất ngờ.”

Nhớ lại những lời này, Zenit hỏi về cách thức để Ủy ban có thể nói một cách hiệu quả về ‘hậu quả’ của COVID – giả sử khả năng xảy ra những làn sóng thứ hai ở một số quốc gia, và làm thế nào những quốc gia khác chưa kiểm soát được virus.

“Rất khó,” đức Hồng y Turkson nói với ZENIT.

“Như các bạn biết rằng virus đang lây lan với những tốc độ khác nhau. Ở Ý, chúng ta không những đã làm thẳng được đường cong, và nó đang đi xuống, vì vậy gần như Ý không còn nằm trên các bản tin nữa.”

Đức Hồng y bày tỏ, “Hiện nay, các bản tin hàng đầu là Hoa Kỳ, không còn riêng New York, nhưng bây giờ đến Texas và Florida. Chúng ta cũng xem thấy những bản tin về Amazon…Brazil…”

Ngài Tổng trưởng của Vatican thừa nhận rằng những nước khác hiện “đang có những kinh nghiệm khác nhau” về virus, sau khi phản ánh về cách thức nó di chuyển: “Trung hoa, ở Vũ hán … Rồi nó chuyển sang Ý, rồi sang những quốc gia khác ở Châu Âu. Tây Ban nha. Rồi New York,” ngài lưu ý rằng từ đó, những tiểu bang khác của Hoa Kỳ đang có sự lây lan mạnh, chẳng hạn Florida, Texas, và những tiểu bang khác.

Rồi ngài đặt câu hỏi, “Vậy, chúng ta có thể nói về ‘hậu’-COVID không? Khi nào thì chúng ta có thể nói rằng COVID đã đi qua, và chúng ta đang đối phó với một thời gian Hậu-COVID?”

Rõ ràng, thời gian ‘Hậu-COVID’, ngài nói, “sẽ là một kinh nghiệm như cách thức COVID đã xảy ra, tức là một kinh nghiệm xảy ra tại những thời điểm khác nhau, trong những quốc gia khác nhau …”

Đức Hồng y người Ghana nhấn mạnh rằng kinh nghiệm sẽ không giống nhau, đặc biệt khi việc nghiên cứu vaccine vẫn đang tiếp tục, và một số quốc gia sẽ có thể tạo ra vaccine ngay khi có thể.

Làm nổi bật lên những kinh nghiệm khác nhau giữa quốc gia này với quốc gia khác, nơi này với nơi khác, vị đứng đầu Ủy ban COVID-19 nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xét đến một trường hợp. [Và] khi nào chúng tôi có một trường hợp khác, chúng tôi biết là chúng tôi đang nhìn vào điều gì, chúng tôi biết được sự ảnh hưởng về sức khỏe, ảnh hưởng về việc làm, ảnh hưởng về kinh tế …”

Với những hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới, ngài nói rằng việc tập trung vào chúng, “chú ý vào những hiện tượng khác nhau,” họ có thể đưa ra dự đoán tốt hơn về những gì sẽ xảy ra trong những điều kiện nhất định.

Ngài giải thích “Sau khi đã chuẩn bị việc nghiên cứu và những tìm tòi của một trường hợp có thể được áp dụng cho những trường hợp khác, vì họ có cùng kinh nghiệm.”

Trong phát biểu, Đức Hồng y Turkson cho biết Giáo hội ủng hộ mạnh mẽ những dự án xây dựng hòa bình vô cùng quan trọng cho những cộng đồng đang có xung đột và hậu xung đột để đối phó với COVID-19.

Nhắc lại những lời Đức Giáo hoàng Phanxico đã nói vào tháng Mười Một năm ngoái tại Nagasaki rằng chúng ta phải ‘phá vỡ không khí nghi ngờ’ và ngăn chặn ‘sự xói mòn chủ nghĩa hợp tác đa phương,’ đức Hồng y nhấn mạnh rằng “để xây dựng một nền hòa bình bền vững, chúng ta phải nuôi dưỡng một ‘văn hóa gặp gỡ’ trong đó con người khám phá thấy mình là thành viên của một gia đình nhân loại, cùng chung niềm tin.”

Ngài kể ra những đặc tính, “Đoàn kết. Tin tưởng. Gặp gỡ. Ích chung. Phi bạo lực. Chúng tôi tin rằng đây là những nền móng của sự an ninh đích thực của con người.”

Đức Hồng y cũng nói rằng ngài “hoan nghênh” việc thông qua lệnh ngừng bắn toàn cầu gần đây của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngài nhấn mạnh, “Chúng ta không thể chống lại đại dịch nếu chúng ta chiến đấu chống lại nhau hoặc chuẩn bị chiến tranh. Tôi cũng hoan nghênh sự tán thành của 170 quốc gia trước lời kêu gọi của LHQ là ngưng sử dụng mọi loại súng ống! Nhưng lời kêu gọi hoặc sự tán thành lệnh ngừng bắn này là một việc, thi hành nó lại là việc khác,” điều mà ngài nói đòi hỏi phải ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí.”

Đức Hồng y Turkson nói, “Hơn bao giờ hết, bây giờ là lúc các quốc gia trên thế giới chuyển đổi từ nền an ninh quốc gia bằng quân sự sang an ninh cho con người như là mối quan tâm hàng đầu của những chính sách và quan hệ quốc tế. Bây giờ là lúc để cộng đồng quốc tế và Giáo hội phát triển các kế hoạch táo bạo và đầy sáng tạo cho hành động chung tương xứng với mức độ của cuộc khủng hoảng này.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài phát biểu của Hồng y Turkson:

***

Như tất cả chúng ta đều biết, chúng ta đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Khi thế giới thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết đại dịch toàn cầu và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng thêm với hai vấn đề này là tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu, chúng ta cũng phải xét đến những tác động đối với hòa bình của những cuộc khủng hoảng có tính liên kết này. Ủy ban Ứng phó COVID-19 của Vatican, đặc biệt thông qua Nhóm Chuyên viên về An ninh và Kinh tế, đã phân tích một số những tác động. Cho phép tôi được làm rõ sau đây:

Trong khi ngày nay, những khoản tiền chưa từng có được dành cho việc chi tiêu quân sự (bao gồm các chương trình hiện đại hóa hạt nhân lớn nhất), người bệnh, người nghèo, người bị gạt ra bên lề, và những nạn nhân của xung đột đang bị ảnh hưởng một cách không cân đối bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Cho đến nay, những sự khủng hoảng có mối tương quan (y tế, kinh tế xã hội, và sinh thái) đang mở rộng thêm khoảng cách không chỉ giữa người giàu và người nghèo mà còn giữa các khu vực hòa bình, thịnh vượng và công bằng môi trường, và các khu vực xung đột, bị tước đoạt và bị tàn phá môi sinh.

Không thể có sự chữa lành nếu không có hòa bình. Giảm bớt xung đột là cơ hội duy nhất để làm bớt đi những bất công và bất bình đẳng. Bạo lực vũ trang và xung đột và sự nghèo khổ có mối liên kết trong một chu trình ngăn cản hòa bình, ngược đãi nhân quyền và cản trở sự phát triển.

Tôi hoan nghênh sự tán thành về việc ngừng bắn toàn cầu gần đây của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngài nhấn mạnh, “Chúng ta không thể chống lại đại dịch nếu chúng ta chiến đấu chống lại nhau hoặc chuẩn bị chiến tranh. Tôi cũng hoan nghênh sự tán thành của 170 quốc gia trước lời kêu gọi của LHQ là ngưng sử dụng mọi loại vũ khí! Nhưng lời kêu gọi hoặc sự tán thành lệnh ngừng bắn này là một việc, thi hành nó lại là việc khác. Để làm được việc đó, chúng ta cần phải ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí.

Những khủng hoảng hiện tại có sự tương quan mà tôi đã đề cập (y tế, kinh tế xã hội và hệ sinh thái) cho thấy nhu cầu cấp thiết về sự toàn cầu hóa tình đoàn kết để phản ánh tính tương thuộc toàn cầu của chúng ta. Trong hai thập kỷ qua, sự ổn định và an ninh quốc tế đã bị xấu đi. [iii] Dường như tình hữu nghị chính trị và hòa ước quốc tế ngày càng không còn là lợi ích tối cao mà các quốc gia mong muốn và sẵn sàng cam kết.

Thật đáng tiếc, thay vì đoàn kết cho ích chung để chống lại mối đe dọa chung không kể đến biên giới, nhiều nhà lãnh đạo đang đào sâu thêm sự chia rẽ quốc tế và nội bộ. Theo nghĩa này, trận đại dịch, qua các trường hợp tử vong và biến chứng về sức khỏe, sự suy thoái kinh tế, và những xung đột đại diện cho một trận cuồng phong hoàn hảo! Chúng ta cần có vai trò lãnh đạo toàn cầu có khả năng tái xây dựng những mối ràng buộc của sự hiệp nhất đồng thời loại bỏ sự đổ lỗi và buộc tội lẫn nhau, chủ nghĩa dân tộc sô-vanh, chủ nghĩa biệt lập và những hình thức ích kỷ khác. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói vào tháng Mười Một năm ngoái tại Nagasaki rằng chúng ta phải “phá vỡ không khí ngờ vực” và ngăn chặn “sự xói mòn chủ nghĩa đa phương”[iv]. Để xây dựng một nền hòa bình bền vững, chúng ta phải nuôi dưỡng một ‘văn hóa gặp gỡ, trong đó con người khám phá thấy mình là thành viên của một gia đình nhân loại, cùng chung niềm tin. Đoàn kết. Tin tưởng. Gặp gỡ. Ích chung. Phi bạo lực. Chúng tôi tin rằng đây là những nền móng của sự an ninh đích thực của con người.

Giáo hội ủng hộ mạnh mẽ những dự án xây dựng hòa bình vô cùng quan trọng cho những cộng đồng xung đột và hậu xung đột để đối phó với COVID-19. Nếu không kiểm soát được vũ khí thì không thể bảo đảm được an ninh. Nếu không có an ninh, những đối phó với đại dịch không trọn vẹn.

Đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế, và biến đổi khí hậu cho thấy rõ ràng hơn việc ưu tiên cho hòa bình tích cực vượt trên những quan niệm hẹp về an ninh quốc gia. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã cho biết tín hiệu cần thiết của sự chuyển đổi này bằng cách tái định nghĩa lại hòa bình bằng những thuật ngữ công nhận, tôn trọng, bảo vệ, và thăng tiến quyền của con người (Pacem in Terris, 139). Bây giờ, hơn bao giờ hết là thời gian để các quốc gia trên thế giới chuyển từ an ninh quốc gia bằng quân sự sang an ninh con người là mối quan tâm hàng đầu của chính sách và quan hệ quốc tế. Bây giờ là lúc để cộng đồng quốc tế và Giáo hội phát triển những kế hoạch táo bạo và sáng tạo cho hành động chung tương xứng với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Bây giờ là lúc để xây dựng một thế giới phản ánh tốt hơn một cách tiếp cận toàn diện đích thực cho hòa bình, phát triển con người và hệ sinh thái.

Cảm ơn quý vị!

_______________________________

[i] https://news.un.org/en/story/2020/07/1067552

[ii] https://news.un.org/en/story/2020/06/1066982

[iii] https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2019/09/27/190927b.html

[iv] http://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2019/november/documents/papa- francesco_20191124_messaggio-arminucleari-nagasaki.html



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/7/2020]


Gần 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ trở lại trường học sau phong tỏa COVID-19

Gần 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ trở lại trường học sau phong tỏa COVID-19
© Save The Children

Gần 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ trở lại trường học sau phong tỏa COVID-19

Đức Hồng y Dolan của New York viết trên Twitter rằng 20 trường Công giáo trong thành phố sẽ đóng cửa

13 tháng Bảy, 2020 16:06
 
Cắt giảm ngân sách sâu cho giáo dục và nghèo đói gia tăng do đại dịch COVID-19 có thể buộc ít nhất 9,7 triệu trẻ em phải nghỉ học mãi mãi vào cuối năm nay, với hàng triệu người bị tụt hậu trong học tập, Tổ chức Save the Children cảnh báo trong một báo cáo mới được đưa ra hôm nay.

Mặc dù báo cáo nhấn mạnh nguy cơ đối với trẻ em ở các nước nghèo, việc xáo trộn học sinh ở các nước phát triển cũng là một vấn đề, tuy rằng hậu cần là vấn đề lớn hơn khi cha mẹ phải chuyển con đến trường học vẫn còn hoạt động. Tuần trước, Tổng giám mục New York, Đức Hồng y Timoty Dolan, đã viết trên Tweeter:

Tôi viết để chia sẻ tin buồn rằng 20 trường học Công giáo thân yêu của chúng ta sẽ không mở cửa trở lại vào tháng Chín này vì sự sụt giảm số đăng ký quá lớn trong nhiều trường của chúng ta do đại dịch COVID-19 mang đến. Ba trường khác sẽ sáp nhập thành một trường.

Tất cả chúng tôi yêu thương những trẻ em này, và những người cha người mẹ phải làm việc vất vả để gửi con cái họ đến trường của chúng tôi. Cảm ơn sự kiên nhẫn và thấu hiểu của anh chị em, và xin hãy luôn nhớ đến các học sinh, những cha mẹ, thầy cô giáo, và ban quản lý trường trong lời cầu nguyện của anh chị em.

Các thiếu nữ có thể bị ảnh hưởng xấu hơn thiếu niên, với nhiều trường hợp bị buộc kết hôn sớm. Với những ảnh hưởng của sự suy thoái bùng nổ bởi COVID-19 tấn công vào các gia đình, nhiều trẻ em có thể bị buộc phải nghỉ học và bị đẩy vào thị trường lao động.

Trong báo cáo của mình, Tổ chức Save the Children kêu gọi các chính phủ và các nhà tài trợ ứng phó với tình trạng khẩn cấp về giáo dục toàn cầu này bằng việc gấp rút đầu tư cho giáo dục khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại sau những tháng phong tỏa.

Tổ chức này cũng đang kêu gọi các chủ nợ tài chính hoãn những khoản nợ phải trả của các nước thu nhập thấp — một động thái có thể giải phóng 14 tỷ đô la cho sự đầu tư vào giáo dục.

Bà Janti Soeripto, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Save the Children cho biết, “Thật bất hợp lý khi việc cho phép các nguồn lực tối cần thiết để giữ vững niềm hy vọng của giáo dục lại bị chuyển thành những khoản nợ phải trả. Tổ chức kêu gọi các chính phủ sử dụng ngân sách của họ để bảo đảm trẻ em được quyền tiếp cận việc học từ xa trong thời gian vẫn còn áp dụng những biện pháp phong tỏa, và để hỗ trợ những em bị rơi lại phía sau.”

Báo cáo Save our Education cho thấy những tác động gây tổn hại rất lớn của đợt bùng phát COVID-19 đối với việc học tập. Trong một kịch bản ngân sách tầm trung, tổ chức ước tính rằng cuộc suy thoái sẽ để lại một sự thiếu hụt 77 tỷ đô la chi tiêu cho giáo dục ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới trong 18 tháng tới. Trong một kịch bản xấu nhất, nếu các chính phủ chuyển những nguồn lực từ giáo dục sang các lĩnh vực ứng phó COVID-19 khác, con số đó có thể tăng lên mức kinh hoàng là 192 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Cuộc khủng hoảng ngân sách sắp xảy ra theo sau các biện pháp phong tỏa chứng kiến đỉnh điểm là 1,6 tỷ trẻ em phải nghỉ học trên toàn cầu.

Bà Soeripto tiếp tục, “Khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay trở lại trường học — Đây là một tình huống khẩn cấp của giáo dục chưa từng có và các chính phủ phải gấp rút đầu tư vào việc học. Bằng không, chúng ta có nguy cơ bị cắt giảm ngân sách chưa từng có trước đây, điều sẽ cho chúng ta thấy tình trạng bất bình đẳng hiện tại bùng nổ giữa người giàu và người nghèo, giữa nam và nữ. Chúng ta đã biết những trẻ em nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất, những đứa trẻ vốn đã bị bỏ rơi rất xa phía sau phải chịu tổn thất lớn nhất, không được tiếp cận với việc học từ xa — hay bất kỳ hình thức giáo dục nào — trong suốt nửa năm học.”

Trước khi dịch bệnh bùng phát đã có 258 triệu trẻ em và thanh thiếu niên nghỉ học. Chỉ số dễ bị tổn thương (Vulnerability Index) trong báo cáo cho thấy tại 12 quốc gia, chủ yếu ở Tây và Trung Phi, bao gồm cả Yemen và Afghanistan, trẻ em có nguy cơ rất cao sẽ không trở lại sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ — đặc biệt là các thiếu nữ.

Ở 28 quốc gia khác, trẻ em ở mức độ nguy cơ trung bình hoặc cao đối với việc sẽ không quay lại trường học, và đối với những tác động lâu dài của sự bất bình đẳng mở rộng. Save the Children ước tính rằng tổng cộng có khoảng 9,7 triệu trẻ em có thể bị buộc phải nghỉ học vào cuối năm nay.

Hiện tại, hơn 1 tỷ trẻ em đang nghỉ học do đại dịch toàn cầu. Aisha*, 15 tuổi, đến từ Ethiopia là một trong số các em:

“Ba tháng trước, mọi thứ rất tốt đối với em. Em được đến trường và học lớp sáu. Khi còn đi học, chúng em được vui chơi với bạn bè và học hành. Trường học cũng cung cấp cho chúng em một bữa ăn mỗi ngày. Bây giờ sau khi có virus này, em không thể đi học, và em không thể gặp bạn bè của em. Em rất nhớ trường học và bạn bè của em.

“Đã gần ba tháng kể từ khi các trường học đóng cửa và giống như nhiều trẻ em ở đây, em dành phần lớn thời gian để chăm sóc gia súc, và đôi khi em giúp mẹ làm việc nhà như dọn dẹp và nấu ăn.”

Nhiều nước trong số 12 quốc gia hàng đầu nằm trong Chỉ số của báo cáo có tỷ lệ học sinh cao và sự phân chia rõ rệt về tỷ lệ học sinh đi học liên quan đến sự giàu có và giới tính. Những yếu tố này có thể trở nên nặng nề thêm do việc đóng cửa trường học, với các thiếu nữ và trẻ em của các gia đình nghèo khó bị ảnh hưởng lớn nhất.

Trẻ em ở những quốc gia này cũng bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm rất lớn: các em phải đối mặt với rủi ro lớn hơn khi bị ép buộc trở thành lao động trẻ em, và các thiếu nữ vị thành niên đặc biệt có nguy cơ bị bạo lực về giới tính, nạn tảo hôn, và mang thai ở tuổi vị thành niên, những vấn đề làm tăng thời gian các em không đến trường lâu hơn. Những rủi ro tương tự cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trở lại trường của các em. Cùng với sự giảm mạnh trong chi tiêu giáo dục, sự bùng phát COVID-19 có thể là một đòn giáng mạnh vào hàng triệu trẻ em.

Ở nhiều quốc gia, Save the Children đã cung cấp các tài liệu học từ xa như sách và bộ dụng cụ học tập tại nhà để hỗ trợ học sinh trong thời gian phong tỏa, hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và thầy cô giáo để cung cấp các bài học và sự hỗ trợ thông qua radio, truyền hình, điện thoại, phương tiện truyền thông xã hội, và những ứng dụng nhắn tin.

Cho dù có những nỗ lực của các chính phủ và tổ chức, khoảng 500 triệu trẻ em vẫn không được tiếp cận với việc học từ xa, và rất nhiều trẻ em trong các gia đình nghèo nhất có thể không có cha mẹ biết đọc biết viết để giúp đỡ các em. Mất đi nhiều tháng học tập, nhiều trẻ em sẽ phải vật lộn để bắt kịp kiến thức, làm gia tăng khả năng bỏ học.

Save the Children cảnh báo rằng việc đóng cửa trường học còn mang ý nghĩa vượt xa hơn là sự thất học đối với nhiều trẻ em, mất đi những nơi an toàn để các em có thể vui chơi với bạn bè, có bữa ăn và tiếp cận được với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả các dịch vụ về sức khỏe tâm thần của các em. Giáo viên thường là những người ứng phó đầu tiên và là người bảo vệ cho các em trước tình trạng có thể bị lạm dụng ở nhà. Với việc đóng cửa trường học, những biện pháp bảo vệ này không còn.

Bà Soeripto nói thêm, “Nếu chúng ta để cho cuộc khủng hoảng giáo dục này diễn ra, tác động đối với tương lai của các em sẽ là lâu dài. Lời hứa mà thế giới đã đưa ra để bảo đảm rằng tất cả trẻ em được tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị lùi lại nhiều năm.

“Chính phủ nên đặt lợi ích của trẻ em lên trước đòi hỏi của các chủ nợ. Cho dù các em có sống trong một trại di tản ở Syria, trong một vùng xung đột ở Yemen, trong một khu đô thị đông dân cư, hay một ngôi làng nông thôn hẻo lánh: tất cả trẻ em đều có quyền được học, được phát triển, để xây dựng một tương lai tốt hơn cuộc sống của cha mẹ các em. Giáo dục là nền tảng cho điều đó, và chúng ta không thể để cho COVID cản trở việc này.”

Save the Children kêu gọi các chính phủ và các nhà tài trợ bảo đảm rằng những trẻ em hiện không đến trường được tiếp cận với việc học từ xa và các dịch vụ bảo vệ. Những em trở lại trường có thể có được điều đó trong môi trường an toàn và bao gồm, được ăn trong trường và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phải điều chỉnh việc đánh giá học tập và các lớp học tăng cường để có thể bù đắp cho sự học hành đã bị mất của các em.

Để đảm bảo điều này diễn ra, Save the Children đang kêu gọi gia tăng quỹ cho giáo dục, với 35 tỷ đô la sẽ được Ngân hàng Thế giới cung cấp. Các Chính phủ quốc gia phải ưu tiên cho giáo dục bằng cách đưa ra và thực hiện những ứng phó COVID-19 và kế hoạch phục hồi cho giáo dục để bảo đảm cho những trẻ em bị thiệt thòi nhất có thể tiếp tục việc học.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/7/2020]