Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe và trả lời các bạn trẻ trong chương trình Podcast mới

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe và trả lời các bạn trẻ trong chương trình Podcast mới

Trước thềm Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe những mối quan tâm của các bạn trẻ, họ chia sẻ những câu chuyện, hy vọng và thách thức cá nhân của mỗi người

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe và trả lời các bạn trẻ trong chương trình Podcast mới

© Vatican Media


*******

Trong chương trình “Popecast” mới nhất của Salvatore Cernuzio trên Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe các câu hỏi được ghi âm của một nhóm bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện cá nhân của họ. Với mỗi người, ngài trả lời bằng những lời động viên. Những câu hỏi được đặt ra và câu trả lời của ngài được trình bày trong một chương trình podcast bằng tiếng Ý của Đài phát thanh Vatican News phát thanh. Podcast đầu tiên của Đức Thánh Cha diễn ra vào tháng Ba nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của ngài.

Các bạn trẻ tham gia trong chương trình podcast thứ hai này đại diện cho nhiều thành phần và nhóm tuổi khác nhau, chia sẻ những khó khăn, cũng như động lực và hy vọng của họ.

Chúa yêu con

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe câu chuyện của Giona nói về những thách thức của việc trở thành một người có niềm tin, đồng thời chấp nhận thực tế có những thách thức về thể chất và là người chuyển giới.

Đức Thánh Cha có những lời động viên, ngài nói rằng “Thiên Chúa yêu thương chúng ta với chính con người chúng ta,” và rằng “Chúa luôn đồng hành với chúng ta, luôn luôn. Ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Người đến gần để giúp đỡ chúng ta.” Đức Thánh Cha nói thêm, “đừng bỏ cuộc, hãy tiếp tục phấn đấu tiến tới.”

Luôn phấn đấu tiến về phía trước

Lắng nghe những câu chuyện của Edward và Valerij, cả hai bạn đều có thời gian ở trong một cộng đồng cải huấn dành cho trẻ vị thành niên, Đức Thánh Cha lắng nghe về hoàn cảnh gia đình khó khăn và sự bỏ rơi dẫn đến việc họ phạm tội mà họ rất hối hận.

Đáp lại, Đức Thánh Cha yêu cầu hai bạn suy xét rằng những lỗi lầm của chúng ta không được phép cản trở đời sống của chúng ta và rằng “câu chuyện của con người vẫn tiếp tục với những thành công và thất bại của nó.”

Ngay cả khi một lỗi lầm có thể khiến cuộc sống của chúng ta bị xã hội ghi dấu vĩnh viễn, Đức Thánh Cha than thở, nhưng ngài yêu cầu họ luôn nhớ rằng có Chúa ở cùng trên hành trình của họ, sẵn sàng “nắm lấy tay các con, nâng các con lên”. Ngài nói, nhiệm vụ của chúng ta là thừa nhận những lỗi lầm của mình để Chúa giúp chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta và tiến về phía trước một cách tích cực.

Chân trời hy vọng

Arianna kể lại cuộc đấu tranh của bản thân với chứng rối loạn lưỡng cực, nó khiến cô có những khoảnh khắc vô cùng vui sướng, nhưng cũng có những thời khắc cô từng nghĩ đến việc tự tử. Đồng thời, cô nói rằng cô cảm nhận mình được “Chúa giải thoát”.

Đức Thánh Cha chăm chú lắng nghe và đáp lại bằng lời động viên cô “hãy luôn nhìn về phía trước, đừng đánh mất đường chân trời…và đường chân trời là Thiên Chúa.”

Ngài khuyên cô hãy tuân theo những khuyến nghị chăm sóc của các chuyên gia y tế, và lưu ý rằng tất cả chúng ta đều bị tổn thương trong cuộc sống theo nhiều cách khác nhau và do những nguyên nhân khác nhau, kể cả tội lỗi, nó đòi chúng ta phải luôn nhìn về chân trời tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó nói chuyện với một số bạn trẻ người Argentina về niềm hy vọng của họ đối với đất nước và cải thiện cuộc sống ở quê hương của họ, và ngài kêu gọi họ tận dụng cơ hội này giúp làm cho xã hội ở đó tốt đẹp hơn, một đất nước giàu tài nguyên.

Phong phú bởi sự đa dạng

Sau đó, ngài lắng nghe Valeria, một cô giáo dạy môn tôn giáo, cô chuyển tiếp những phản hồi cô nhận được từ các học sinh nhỏ của mình, các em mong muốn một Giáo hội minh bạch, trẻ trung và gần gũi hơn với mọi người trong cuộc sống của họ.

Đức Thánh Cha trả lời bằng việc nhắc lại tầm quan trọng của một Giáo hội đồng hành với người dân. Ngài cảnh báo rằng khi Giáo hội quá khép kín, Giáo hội có nguy cơ trở nên bè phái và chia rẽ. Ngài nói thêm rằng sự vĩ đại của Giáo hội nằm ở sự đa dạng và hiệp nhất của chúng ta.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha lắng nghe Giuseppe nói về việc cậu đã bỏ dở việc học đại học, và dành phần lớn thời gian ở nhà để chơi trò chơi điện tử với các mối quan hệ trực tuyến.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc sống với thời gian chủ yếu ở trên mạng của cậu có thể trở nên “thiếu sức sống” và bị cô lập, vì cậu bỏ lỡ chân trời, vì sự tiếp xúc giữa con người với con người là rất quan trọng.

Tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới

Cuối cùng, sau khi hỏi những bạn trẻ nào sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục những người đối thoại trẻ tuổi của ngài trong chương trình “Popecast” hãy cố gắng tham gia tất cả các sự kiện của WYD, ngài gọi đó là một trải nghiệm đáng giá mà họ sẽ cảm thấy rất thỏa mãn, được ghi đậm dấu ấn bởi tính cộng đồng, việc cử hành, niềm hy vọng và niềm vui.

Salvatore Cernuzio



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2023]


Vatican vinh danh Đức Hồng y Thuận với hiệp hội mới

Vatican vinh danh Đức Hồng y Thuận với hiệp hội mới

Vatican vinh danh Đức Hồng y Thuận với hiệp hội mới

Đấng Đáng kính Hồng y Nguyễn Văn Thuận. | Credit: tgpsaigon.net, CC BY-SA 4.0, via Wikimedia Commons



Rome Newsroom, 25 tháng Bảy, 2023 / 09:00 am

Vatican đã hợp nhất hai hiệp hội thành một hiệp hội mới duy nhất mang tên Đấng Đáng kính Nguyễn Văn Thuận, một hồng y người Việt Nam nổi tiếng với những suy tư thiêng liêng về hy vọng, được viết trong và sau 13 năm bị giam cầm trong nhà tù cộng sản.

Hiệp hội Văn Thuận thay thế các Hiệp hội Người Samari nhân hậu và Hiệp hội Công lý và Hòa bình, theo một bản phúc nghị ngày 25 tháng Bảy do Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ Sự Phát triển Con người Toàn diện, với sự cho phép của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đấng Đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1928 tại Việt Nam. Năm 1967, ngài trở thành Giám mục Nha Trang. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Phụ tá Sài Gòn vào tháng Tư năm 1975, chỉ sáu ngày trước khi thành phố rơi vào tay quân đội Bắc Việt nam.

Ngài bị bắt và bị giam 13 năm trong trại cải tạo của cộng sản Việt Nam. Trong thời gian bị giam cầm, bao gồm 9 năm biệt giam, ngài đã lén gửi đi các thông điệp viết tay để lan truyền trong cộng đồng Công giáo.

Những thông điệp của ĐHY Thuận từ trong tù đã được in thành quyển sách “Đường Hy vọng: Tin mừng từ nhà tù” vào năm 2013. Những lời cầu nguyện ngài viết trong thời gian này sau đó được xuất bản với tên “Lời Cầu nguyện Hy vọng”.

Trong tù ĐHY Thuận không được phép giữ bất kỳ đồ đạc tôn giáo nào, nhưng ngài đã làm một cây thánh giá nhỏ sau khi lính gác đưa cho ngài một mẩu gỗ và một đoạn dây.

Khi được trả tự do năm 1988, vị giám mục này bị quản thúc tại gia ba năm trước khi được phép đến thăm Rome vào năm 1991. Tuy nhiên, ngài không được phép trở về Việt Nam và sống lưu vong đến hết đời.

Ngài từ nhiệm vị trí Tổng giám mục phụ tá Sài Gòn năm 1994 khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Ngài trở thành chủ tịch hội đồng vào năm 1998.

Năm 2000, ĐHY Thuận được mời giảng linh thao cho Đức Gioan Phaolô II và Giáo triều Rome. Ngài qua đời vì bệnh ung thư ở Rome ngày 16 tháng 9 năm 2002, hưởng thọ 74 tuổi.

Án phong chân phước cho ĐHY Thuận được mở vào năm 2007 và ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên bậc Đáng kính năm 2017.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2023]