15 tháng Mười Một, 2022 14:08
REDACCIÓN ZENIT
(ZENIT News / Vatican City, 14.11.2022). - Hôm thứ Bảy, ngày 12 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên Đại hội đồng Liên đoàn các Nhà giáo Công giáo Thế giới (WUCT).
Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha:
*****
Tôi xin cảm ơn ông Chủ tịch vì những lời chào tốt đẹp của ông và tôi cảm ơn tất cả anh chị em thuộc Liên đoàn các Nhà giáo Công giáo Thế giới (WUCT). Tôi xin gửi lời chào với lòng tri ân tới Đức Hồng y Farrell, Đức Tổng Giám mục Dollmann là người hỗ trợ về Giáo hội của anh chị em, các vị Giám mục đang hiện diện và ngài Thư ký Bộ Văn hóa và Giáo dục.
Những ngày này, anh chị em tập trung về Roma để tham dự Đại hội đồng, cuộc họp này cũng sẽ bầu ra Hội đồng Quốc tế mới. Tôi cảm ơn các thành viên của Ban chấp hành sắp mãn nhiệm vì sự phục vụ trung thành và quảng đại trong những năm qua. Tôi tin tưởng rằng công việc họ đã làm cách quên mình và với sự cống hiến lớn lao, sẽ đơm hoa kết trái dồi dào trong tương lai: công việc nhắm đến việc đơm hoa kết trái.
Anh chị em đã trải qua những thời điểm bất an trong lịch sử gần đây, và thậm chí cả những khoảnh khắc hoài nghi và chán nản. Đôi khi, có vẻ như hoàn cảnh không còn thuận lợi để tiếp tục, rằng tất cả đã kết thúc. Nhưng cảm tạ Chúa, ngay giữa những cơn giông tố đó, anh chị em vẫn kiên trì! Anh chị em tin tưởng vào Thiên Chúa và sự hỗ trợ của Giáo hội và anh chị em vẫn cam kết, trong tinh thần đức tin và hy vọng của người Kitô hữu. Hãy vững tâm: những hạt giống được gieo trong hy vọng sẽ bén rễ và luôn lớn lên!
Giống như nhiều hiệp hội Công giáo khác, WUCT cũng phải đối mặt với thách thức của sự thay đổi thế hệ, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo. Tôi động viên anh chị em hãy có một cái nhìn tích cực về điều này. Thực tế không bao giờ tĩnh; nó luôn luôn năng động. Đương nhiên, điều này cũng xảy ra đối với các liên đoàn thuộc Giáo hội, chúng lớn mạnh và phát triển khi thời gian thay đổi, và mỗi thời đại đều trao cho chúng một sứ mạng mới. Đổi mới trong tổ chức của anh chị em và trong những vai trò trách nhiệm chính phải được xem là khởi đầu một sứ mệnh mới, như một cơ hội để đổi mới sức sống trong nỗ lực phục vụ và hỗ trợ những thế hệ của các nhà giáo Công giáo mới, những người làm việc trong các trường Công giáo và những người làm trong các tổ chức liên giáo phái hoặc thế tục.
Liên đoàn của anh chị em nhằm mục đích khuyến khích và thúc đẩy tất cả các nhà giáo ý thức đầy đủ về sứ mệnh quan trọng của họ trong vai trò là những nhà giáo dục và chứng nhân đức tin, với tư cách cá nhân hoặc trong các nhóm đồng nghiệp. Để đạt được mục đích này, anh chị em hình dung mình là một mạng lưới chuyên nghiệp, là những người anh chị em trong đức tin, trên tinh thần bằng hữu, chấp nhận, quen biết nhau và phát triển tinh thần chung, dấn thân phục vụ tất cả các nhà giáo Công giáo, để giúp họ giữ vững bản sắc và thực hiện sứ mệnh của họ. Tôi muốn nói rằng về phương diện này, anh chị em là “những cộng tác viên của Giáo Hoàng”, vì sứ mệnh của Đấng Kế vị Thánh Phêrô chính là sứ mệnh củng cố và nâng đỡ anh chị em chúng ta trong đức tin (x. Lc 22:32). Bằng cách này, anh chị em thể hiện trong thế giới học thuật sự phục vụ của Giáo hội là hỗ trợ các nhà giáo Công giáo trong đức tin, để họ có thể thực hiện công việc của mình và làm chứng theo cách tốt nhất có thể, trong những hoàn cảnh thường là phức tạp về các mức độ quan hệ và thể chế.
Sự hiện diện của các nhà giáo dục Kitô giáo trong những cộng đồng trường học là vô cùng quan trọng. Và “phong cách” mà họ chọn áp dụng cũng rất quan trọng. Thật vậy, các nhà giáo dục Kitô giáo được mời gọi vừa là con người trọn vẹn vừa là Kitô hữu trọn vẹn. Không có chủ nghĩa nhân văn mà không có Kitô giáo. Và không có Kitô giáo mà không có chủ nghĩa nhân văn. Họ không được theo chủ nghĩa duy linh, mơ mộng và “thế giới khác”. Họ phải bám chặt vào hiện tại, trong thời đại và văn hóa của chính họ. Điều quan trọng là ở mức độ cá nhân, họ phải tháo vát, cởi mở và có khả năng thiết lập những mối quan hệ đích thực với học sinh và hiểu được những nhu cầu, những câu hỏi, nỗi sợ hãi và ước mơ sâu thẳm nhất của các em. Điều quan trọng nữa là họ có khả năng làm chứng – trước hết bằng cuộc sống cũng như bằng lời nói – rằng đức tin Kitô giáo bao trùm tất cả kinh nghiệm của con người, rằng đức tin mang lại ánh sáng và sự thật cho mọi lĩnh vực của cuộc sống, không loại trừ bất cứ điều gì, không cắt xén những đôi cánh ước mơ của tuổi trẻ, mà không làm nghèo đi những khát vọng của các em. Thật vậy, theo truyền thống của Giáo hội, việc giáo dục giới trẻ luôn có mục tiêu không chỉ là dạy những khái niệm mà còn là sự đào tạo toàn diện từng nhân vị trong mọi chiều kích (x. Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại Gaudium et Spes, 48).
Để hoàn thành sứ mệnh giáo dục này, các thành viên của WUCT được kêu gọi hỗ trợ các nhà giáo ở mọi độ tuổi và trong mọi điều kiện làm việc. Việc này bao gồm cả những nhà giáo có kinh nghiệm lâu năm cảm thấy hài lòng nhưng cũng phải đối mặt với những thách đố nhất định, và một thế hệ các nhà giáo trẻ không thiếu nhiệt huyết và năng lượng, nhưng cũng có những yếu kém và bấp bênh thường nổi lên trong những năm đầu giảng dạy. Tất cả những nhà giáo này đang ở vị thế để lại dấu ấn, dù tốt hay xấu – nhìn từ góc độ Kitô giáo mà chính họ có thể không luôn luôn đánh giá đầy đủ – trên cuộc đời của trẻ em, thiếu niên và những người trẻ tuổi được trao phó cho họ chăm sóc trong một khoảng thời gian đầy ý nghĩa. Một trách nhiệm lớn lao! Và một cơ hội tuyệt vời để hướng dẫn các em trên những con đường của thế giới và cuộc sống, với sự khôn ngoan và tôn trọng, giúp mở tâm trí của các em đến với chân, thiện, mỹ. Từ kinh nghiệm bản thân, tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc có được những người thầy giỏi và những nhà giáo dục khôn ngoan trong những năm tháng đào tạo của chúng ta!
Các bạn thân mến, trong công việc tông đồ của mình, các bạn đã biết rằng nghệ thuật giáo dục phải được liên tục trau dồi và nuôi dưỡng, vì nó không phải là thứ gì đó đạt được một lần và cho tất cả. Và nếu đây là trường hợp của nhiều ngành nghề đòi hỏi có sự phát triển chuyên môn liên tục, thì việc giảng dạy có đặc điểm độc đáo đó là bạn không làm việc với những đồ vật mà với những chủ thể! Giáo dục là làm việc với con người, và ở giai đoạn phát triển đầu của con người. Trẻ em thay đổi từ năm này sang năm khác, và đôi khi từ tháng này sang tháng khác. Ngoài ra, giới trẻ của thế hệ này khác với giới trẻ của những thế hệ tiếp theo. Do đó, các nhà giáo dục phải liên tục đánh giá lại các động cơ và phương pháp của họ. Họ không thể cứng nhắc. Sự cứng nhắc hủy hoại giáo dục. Khi tiếp cận các nhóm học sinh và sinh viên khác nhau, họ được kêu gọi phải làm mới lại mỗi năm, để đổi mới khả năng đồng cảm và giao tiếp. Về mặt này, nhiệm vụ của các bạn là giúp các nhà giáo duy trì mong muốn cùng phát triển với học sinh của mình, tìm ra những cách hiệu quả nhất để truyền niềm vui học tập và khát khao chân lý, bằng cách sử dụng ngôn ngữ và các hình thức văn hóa phù hợp với giới trẻ ngày nay.
Về vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh một điều. Tôi đã nói: “Ngôn ngữ phù hợp với các loại hình văn hóa ngày nay”. Vâng, nhưng hãy cẩn thận với sự thực dân hóa hệ tư tưởng. Theo văn hóa của thời đại, nói ngôn ngữ của thời đại là một chuyện, nhưng để cho mình bị thuộc địa hóa về hệ tư tưởng lại là chuyện khác. Xin hãy cẩn thận đào tạo các giáo viên theo cách giúp họ có thể phân định được tính mới mẻ giúp họ phát triển và một hệ tư tưởng, một sự thực dân hóa hệ tư tưởng. Ngày nay, sự thực dân hóa hệ tư tưởng đang hủy hoại nhân cách con người và có thể là tai họa khi nó được áp dụng trong giáo dục.
Tôi muốn đưa ra một yêu cầu cuối cùng đối với các bạn, một yêu cầu mà tôi luôn ghi trong lòng. Liên đoàn của các bạn có thể giúp nâng cao nhận thức của các nhà giáo Công giáo đối với Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục. Như các bạn đã biết, sáng kiến này, nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức giáo dục, nhằm mục đích “hiệp nhất các nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo những cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua sự chia rẽ và đối kháng, đồng thời phục hồi lại kết cấu các mối quan hệ vì lợi ích của một nhân loại huynh đệ hơn” (Thông điệp Khai mạc Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngày 12 tháng Chín năm 2019). Tôi tin rằng các bạn sẽ thu hút sự tham gia của các nhà giáo là thành viên của WUCT trong dự án này, nhằm mục đích tập trung vào từng cá nhân, về tất cả phẩm giá và vẻ đẹp của họ, và vào gia đình trong vai trò là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái họ.
Anh chị em thân mến, tôi động viên anh chị em hãy nhìn về tương lai với niềm hy vọng và tạo ra động lực mới cho Liên đoàn các Nhà giáo Công giáo. Một nhiệm vụ cao cả và một sứ mệnh quan trọng đang chờ đợi anh chị em trong thế giới giáo dục và học đường. Xin Đức Mẹ và các Thánh là những nhà giáo dục, đồng hành và soi dẫn anh chị em. Tôi cũng đồng hành với anh chị em trong thử thách này – không phải như một vị thánh mà là một người bạn đồng hành trong cuộc đấu tranh. Tôi chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/11/2022]