Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

‘Năm nay … chúng ta đang trải qua sự tĩnh lặng quá lớn của Thứ Bảy Thánh, chưa từng bao giờ có’

11 tháng Tư, 2020 22:23

Thứ Bảy thường là một ngày tạm lắng của Tam nhật Thánh, một ngày giữa cuộc Khổ nạn của Thứ Sáu Thánh và niềm vui sống lại của Phục sinh.

Đức Thánh Cha Phanxico thừa nhận trong bài giảng của ngài tối Canh thức Phục sinh thứ Bảy, nhưng nói rằng năm nay là khác. Dĩ nhiên, sự khác biệt hiện rõ trong buổi lễ được cử hành trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô gần như trống không, do những sự đề phòng liên quan đến đại dịch coronavirus.

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

Nó cũng là một hoàn cảnh rất đặc biệt trong suy tư mà những người môn đệ của Chúa Giêsu trải nghiệm trong ngày giữa cuộc đóng đinh và phục sinh của Ngài. Những người gần gũi với Chúa Giêsu đang ở trong thời khắc đau khổ; người Kitô hữu ngày nay cũng vậy khi họ đang ở trong cơn đại dịch coronavirus. Cả hai thời khắc khi đó và bây giờ đều có “quyền hy vọng.”

Đức Thánh Cha nói, “Đó là ngày của Tam nhật Thánh mà chúng ta có khuynh hướng tạm lắng khi chúng ta háo hức mong chờ sự chuyển đổi từ khổ giá của Thứ Sáu thành lời tung hô Alleluia của Chúa nhật Phục sinh. Tuy nhiên, năm nay chúng ta đang trải qua sự tĩnh lặng quá lớn của Thứ Bảy Thánh, chưa từng bao giờ có. Chúng ta có thể tưởng tượng chính bản thân mình trong vị trí của những người phụ nữ ngày hôm đó.

“Cũng như chúng ta, họ có tấn thảm kịch đau khổ trước mắt, một thảm kịch bất ngờ xảy đến quá đột ngột. Họ đã nhìn thấy cái chết và nó đè nặng lên tâm hồn họ. Nỗi đau đớn hòa lẫn với nỗi sợ hãi: liệu họ có phải chịu chung số phận như của Thầy? Và rồi nỗi lo sợ về tương lai và tất cả cần phải được xây dựng trở lại. Một ký ức đau thương, một hy vọng bị cắt đứt. Với họ, cũng như với chúng ta, nó là thời khắc đen tối nhất.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng những người phụ nữ phục vụ Chúa Giê-su không đầu hàng sự đau đớn và ôm giữ lấy trong lòng. Họ làm công việc đơn sơ là chuẩn bị những loại thuốc thơm để xức xác Chúa Kitô. Họ vẫn tiếp tục yêu. Họ giữ vững lòng thương xót. Họ bám vững niềm hy vọng.

Đức Phanxico tuyên bố, “Đêm nay chúng ta có được một quyền căn bản không bao giờ bị lấy mất khỏi chúng ta: quyền hy vọng. Đó là một niềm hy vọng mới và sống động đến từ Thiên Chúa. Nó không đơn thuần là sự lạc quan; nó không phải là một cái vỗ lưng hay là một lời động viên trống rỗng.

“Đó là một món quà từ trời, là món quà chúng ta không thể tự mình tìm được. Trong những tuần vừa qua, chúng ta liên tục lặp đi lặp lại, “Mọi sự rồi sẽ ổn,” bấu víu vào nét đẹp của nhân tính chúng ta và để cho những lời động viên bật ra từ con tim của mình. Nhưng khi ngày ngày qua đi và nỗi sợ hãi lớn lên, ngay cả niềm hy vọng vững mạnh nhất cũng có thể tiêu tan. Niềm hy vọng của Chúa Giê-su thì khác. Ngài gieo trong lòng chúng ta niềm tin vững rằng Thiên Chúa có thể làm cho mọi sự trở nên tốt, vì ngay cả từ nấm mồ Ngài đã mang đến sự sống.”



Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

“Sau ngày Sabát” (Mt 28:1), những người phụ nữ đi ra mộ. Đây là câu khởi đầu của tin mừng đêm Canh thức Thánh này: với từ Sabát. Đó là ngày của Tam nhật Thánh mà chúng ta có khuynh hướng tạm lắng khi chúng ta háo hức mong chờ sự chuyển đổi từ khổ giá của Thứ Sáu thành lời tung hô Alleluia của Chúa nhật Phục sinh. Tuy nhiên, năm nay chúng ta đang trải qua sự tĩnh lặng quá lớn của Thứ Bảy Thánh, chưa từng bao giờ có. Chúng ta có thể tưởng tượng chính bản thân mình trong vị trí của những người phụ nữ ngày hôm đó. Cũng như chúng ta, họ có tấn thảm kịch đau khổ trước mắt, một thảm kịch bất ngờ xảy đến quá đột ngột. Họ đã nhìn thấy cái chết và nó đè nặng lên tâm hồn họ. Nỗi đau đớn hòa lẫn với nỗi sợ hãi: liệu họ có phải chịu chung số phận như của Thầy? Và rồi nỗi lo sợ về tương lai và tất cả cần phải được xây dựng trở lại. Một ký ức đau thương, một hy vọng bị cắt đứt. Với họ, cũng như với chúng ta, nó là thời khắc đen tối nhất.

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

Nhưng trong hoàn cảnh này, những người phụ nữ không cho phép mình bị tê liệt. Họ không thu mình vào trong bóng tối ảm đạm của sự đau đớn và tiếc nuối, họ không ủ rũ ôm lấy nỗi thương đau, hoặc chạy trốn khỏi thực tại. Họ làm công việc đơn giản nhưng lại rất đặc biệt: chuẩn bị những thuốc thơm ở nhà để đi ra xức xác Chúa Giêsu. Họ không ngừng yêu mến; trong bóng tối của tâm hồn, họ thắp lên một ánh lửa thương xót. Đức Mẹ của chúng ta cũng trải qua ngày Thứ Bảy đó, cái ngày dành riêng cho Mẹ, trong sự cầu nguyện và hy vọng. Mẹ phản ứng trước sự đau khổ bằng niềm tín thác vào Thiên Chúa. Những người phụ nữ này hoàn toàn không biết, họ đang làm những công việc chuẩn bị, trong bóng tối của ngày Sabát, khi “ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng,” một ngày thay đổi lịch sử. Như một hạt giống được gieo trong lòng đất, Chúa Giêsu sẽ làm cho sự sống mới nở hoa trên trần gian; và những người phụ nữ này, đang trợ giúp để làm cho niềm hy vọng đó trổ hoa, bằng sự cầu nguyện và yêu thương. Trong những ngày này, không biết bao nhiêu người đã và vẫn đang làm những việc mà các người phụ nữ xưa kia đã làm, gieo những hạt giống hy vọng! Bằng các hành động bé nhỏ của việc chăm sóc, yêu mến, và cầu nguyện.

Lúc bình minh, những người phụ nữ đi ra mộ. Tại đó thiên sứ nói với họ: “Các bà đừng sợ! Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy” (cc. 5-6). Họ nghe thấy những lời của sự sống ngay khi họ đang đứng trước một ngôi mộ … Và rồi họ gặp Chúa Giê-su, Đấng trao ban tất cả hy vọng, Ngài khẳng định thông điệp và nói: “Chị em đừng sợ” (c. 10). Đừng sợ, đừng đầu hàng nỗi sợ hãi. Đây là thông điệp hy vọng. Nó được gửi đến cho chúng ta hôm nay. Đây là những lời Chúa lặp lại cho chúng ta trong đêm nay.

Đêm nay chúng ta có được một quyền căn bản không bao giờ bị lấy mất khỏi chúng ta: quyền hy vọng. Đó là một niềm hy vọng mới và sống động đến từ Thiên Chúa. Nó không đơn thuần là sự lạc quan; nó không phải là một cái vỗ lưng hay là một lời động viên trống rỗng. Đó là một món quà từ trời, là món quà chúng ta không thể tự mình tìm được. Trong những tuần vừa qua, chúng ta liên tục lặp đi lặp lại, “Mọi sự rồi sẽ ổn,” bấu víu vào nét đẹp của nhân tính chúng ta và để cho những lời động viên bật ra từ con tim của mình. Nhưng khi ngày ngày qua đi và nỗi sợ hãi lớn lên, ngay cả niềm hy vọng vững mạnh nhất cũng có thể tiêu tan. Niềm hy vọng của Chúa Giê-su thì khác. Ngài gieo trong lòng chúng ta niềm tin vững rằng Thiên Chúa có thể làm cho mọi sự trở nên tốt, vì ngay cả từ nấm mồ Ngài đã mang đến sự sống.

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

Ngôi mộ là nơi không ai đi vào mà lại bước ra được. Nhưng Chúa Giê-su vượt trổi lên cho chúng ta; Ngài trỗi dậy cho chúng ta, để mang sự sống đến những nơi có sự chết, để bắt đầu một câu chuyện mới tại nơi mà một tảng đá đã được đặt vào. Ngài, Đấng đã lăn tảng đá chặn lối ra vào của ngôi mộ, cũng có thể tháo cởi những tảng đá trong lòng anh chị em. Vì vậy, chúng ta đừng buông xuôi đầu hàng; chúng ta đừng đặt một tảng đá chặn niềm hy vọng. Chúng ta có thể hy vọng và phải hy vọng vì Thiên Chúa thì trung tín. Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đến thăm chúng ta và bước vào những hoàn cảnh, đau đớn, thống khổ, và cái chết của chúng ta. Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối của ngôi mộ: hôm nay Ngài muốn ánh sáng đó thậm chí lan tỏa đến những góc tối nhất của cuộc sống chúng ta. Anh chị em thân mến, ngay cả khi anh chị em đã chôn niềm hy vọng của mình trong lòng, thì cũng đừng buông bỏ: Thiên Chúa vĩ đại hơn. Bóng tối và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hãy mạnh mẽ, vì với Thiên Chúa không điều gì bị mất đi!

Hãy yên tâm. Đây là từ ngữ thường được Chúa Giê-su nói trong các Tin mừng. Chỉ có một lần nó được những người khác nói lên, để động viên người đang cần giúp đỡ: “Cứ yên tâm, đứng dậy, [Giêsu] gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Chính Ngài, Đấng Sống lại, nâng chúng ta lên từ sự thiếu thốn của mình, Thiên Chúa giang cánh tay trợ giúp của Ngài ra và nói với anh chị em: “Hãy yên tâm!” Anh chị em có thể nói, giống như Don Abbondio (trong tiểu thuyết của Manzoni), “Sự an lòng không phải là điều gì đó mà bạn tự tặng cho mình được” (I Promessi Sposi, XXV). Đúng vậy, anh chị em không thể tự tặng nó cho mình, nhưng anh chị em có thể đón nhận nó như một món quà. Tất cả những gì anh chị em phải làm là hãy mở rộng cõi lòng mình trong lời cầu nguyện và và nhẹ nhàng lăn tảng đá ra, tảng đá đặt chắn cửa ngõ của tâm hồn anh chị em để ánh sáng của Chúa Giê-su có thể đi vào. Anh chị em chỉ cần thưa với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, xin đến với con giữa những nỗi sợ hãi và nói với con: Hãy yên tâm!” Lạy Chúa, với Người chúng con sẽ bị thử thách nhưng không run sợ. Và, cho dù có nỗi buồn nào đó cư ngụ trong chúng con, chúng con sẽ được tăng sức mạnh trong hy vọng, vì với Người thập giá dẫn đến sự Phục sinh bởi vì Người ở với chúng con trong bóng tối của đêm đen chúng con; Người là sự chắc chắn giữa những điều không chắc chắn của chúng con, là lời nói lên trong sự thinh lặng của chúng con, và không điều gì có thể lấy mất khỏi chúng con tình yêu Người dành cho chúng con.

Đây là thông điệp Phục sinh, một thông điệp của hy vọng. Nó bao gồm một phần thứ hai, phần sai đi. Chúa Giê-su nói, “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê” (Mt 28:10). Thiên Thần thì nói, “Người đi Galilê trước các ông” (c. 7). Chúa đi trước chúng ta. Thật an ủi khi biết rằng Ngài luôn đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Ngài đi trước chúng ta về Galilê, nghĩa là về nơi mà đối với Ngài và các môn đệ gợi lên ý nghĩ về đời sống hàng ngày, gia đình và công việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang niềm hy vọng đến đó, vào cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là một nơi để nhớ lại, vì đó là nơi họ được kêu gọi lần đầu tiên. Trở về Galilê có nghĩa là nhớ lại rằng chúng ta đã được yêu thương và được kêu gọi bởi Thiên Chúa. Chúng ta cần phải khôi phục lại hành trình, nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời gọi được trao nhưng không cho chúng ta vì tình yêu. Đây luôn luôn là một điểm để chúng ta có thể khởi đầu trở lại, đặc biệt trong những thời gian khủng hoảng và thử thách.

Đức Thánh Cha Phanxico đêm Canh thức Phục sinh: ‘Quyền hy vọng’

Nhưng còn nhiều hơn thế. Galilê là vùng xa xôi nhất tính từ nơi họ đang ở: từ Giêrusalem, và chỉ là về địa lý. Galilê cùng còn là nơi xa xôi nhất tính từ nơi linh thiêng của Thành Thánh. Nó là một vùng bao gồm con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau sống: nó là “Galilê miền đất của dân ngoại” (Mt 4:15). Chúa Giêsu sai họ đến đó để yêu cầu họ khởi đầu lại từ đó. Việc này nói cho chúng ta biết điều gì? Tức là thông điệp của hy vọng không nên bị giam hãm trong những nơi thánh thiêng của chúng ta nhưng cần phải mang đến cho mọi người. Vì mọi người đều cần có sự làm an lòng, và nếu chúng ta là những người đã chạm đến “Lời sự sống” (1 Ga 1:1) mà không trao tặng nó, vậy ai sẽ làm đây? Thật đẹp biết bao khi những người Kitô hữu trao tặng sự an ủi, là người mang những gánh nặng của người khác và là người mang đến sự động viên: là những sứ giả của sự sống trong thời khắc của sự chết! Trong mọi miền của Galilê, trong mọi miền của gia đình nhân loại mà chúng ta thuộc về và là một phần của chúng ta – vì tất cả chúng ta là anh chị em – ước mong rằng chúng ta sẽ mang đến bài ca của sự sống! Chúng ta hãy làm cho những tiếng khóc của sự chết im lặng, không còn chiến tranh! Ước mong rằng chúng ta ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần bánh ăn, không phải là súng đạn. Hãy chấm dứt việc phá thai và sát hại những sinh linh vô tội. Ước mong rằng tâm hồn của những người no đủ biết rộng mở để làm đầy những bàn tay trống không của những người không có được những nhu cầu tối thiểu.

Cuối cùng, những người phụ nữ đó “ôm lấy chân” của Chúa Giêsu (Mt 28:9); đôi bàn chân đã đi rất xa để gặp gỡ chúng ta, đến mức tiến vào và trỗi dậy từ ngôi mộ. Những người phụ nữ ôm lấy chân đã đạp lên sự chết và mở ra con đường của hy vọng. Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, là những người lữ khách đi tìm niềm hy vọng, hôm nay chúng con bám víu vào Người. Chúng con quay lưng lại với sự chết và mở rộng tâm hồn chúng con với Chúa, vì Chúa chính là Sự sống.

[00479-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/4/2020


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/4/2020


6 tháng Tư: Trong những nhà tù quá chật chội tiềm ẩn nguy cơ đại dịch kia sẽ biến thành một thảm kịch kinh hoàng. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho những người có trách nhiệm, cho những người phải đưa ra các quyết định, để họ có thể tìm được một con đường đúng đắn và sáng tạo để giải quyết vấn đề này.

6 tháng Tư: Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên mối tương quan của chúng ta với người nghèo. Khi Chúa Giêsu nói, “Người nghèo luôn ở chung quanh anh em,” là Ngài nói, “Ta sẽ luôn ở với anh em trong người nghèo; Ta sẽ hiện diện ở đó.” Đây là trung tâm của Tin mừng, và chúng ta sẽ bị xét xử dựa theo đó.

6 tháng Tư: Thảm kịch chúng ta đang trải qua thúc giục chúng ta hãy chú ý một cách nghiêm túc đến những điều thật sự quan trọng, và không bị hấp dẫn bởi những điều ít quan trọng; để tái khám phá rằng cuộc sống sẽ chẳng hữu ích nếu không dùng nó để phục vụ tha nhân. Vì cuộc sống được đo lường bằng tình yêu.

7 tháng Tư: Trong những ngày #Mùa Chay này, chứng kiến sự bắt bớ mà Chúa Giêsu phải gánh chịu và cách Ngài bị kết án tàn ác như thế nào, dù rằng Ngài vô tội. Hôm nay chúng ta #cùng cầu nguyện cho tất cả những người chịu đau khổ do bị kết án bất công vì kẻ khác đã gây ra cho họ.

7 tháng Tư: Trong cuộc sống luôn có những lúc chúng ta vấp ngã, mỗi người chúng ta đều là tội nhân. Nhưng điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước mặt Chúa. Chúng ta xin ơn để kiên trì trong phục vụ, và khi chúng ta vấp ngã, xin ơn để biết khóc như Thánh Phêrô. #HomilySantaMarta

7 tháng Tư: Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy đứng trước Đấng chịu Đóng đinh và chúng ta xin ơn biết sống để phục vụ. Ước mong rằng chúng ta tiến đến với những người đau khổ và đang cần giúp đỡ nhất. Ước mong rằng chúng ta không quan tâm về những gì chúng ta thiếu, nhưng quan tâm về những điều tốt lành chúng ta có thể làm cho người khác.

7 tháng Tư: Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang kinh doanh trên các người thiếu thốn trong cơn đại dịch này, đó là những người tìm lợi nhuận từ sự thiếu thốn của người khác và “bán” chúng. Xin Chúa chạm đến tâm hồn họ và biến đổi chúng. #PrayTogether

8 tháng Tư: Chúng ta hãy suy nghĩ đến Giuđa nhỏ bé mà tất cả chúng ta đều có trong con người mình. Mỗi người chúng ta đều có khả năng chọn lựa giữa lòng trung thành và tư lợi. Mỗi chúng ta đều có thể phản bội, buôn bán, và đưa ra những lựa chọn dựa trên những lợi ích của chúng ta. Anh đang ở đâu, Giuđa? #HomilySantaMarta

8 tháng Tư: Từ trái tim rộng mở của Đấng chịu Đóng đinh, tình yêu của Thiên Chúa tiến đến với từng người chúng ta. Chúng ta hãy cho phép ánh mắt nhìn của Ngài dừng lại trên chúng ta. Chúng ta sẽ hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương, vì Chúa không bỏ rơi chúng ta, và Ngài không bao giờ, không bao giờ quên chúng ta. #GeneralAudience

9 tháng Tư: Thưa các anh em linh mục, chúng ta được xức dầu để xức dầu, để cho đi bản thân chúng ta. Hôm nay chúng ta #cùng cầu nguyện xin lòng khiêm nhường để bảo vệ ơn xức dầu này, và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa cho những người được trao phó cho chúng ta và cho toàn thế giới. #HolyThursday

10 tháng Tư: Hãy chiêm ngắm đôi cánh tay giang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép bản thân được cứu thoát. #PrayTogether #GoodFriday

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 6-10/4/2020




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/4/2020]