Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

‘Bài phát biểu nhận được nhiều tiếng vỗ tay nhất của toàn thể Thượng Hội đồng,’ từ Iraq

‘Bài phát biểu nhận được nhiều tiếng vỗ tay nhất của toàn thể Thượng Hội đồng,’ từ Iraq
Nghi thức thắp nến đêm Vọng Giáng sinh -- Wikimedia Commons

‘Bài phát biểu nhận được nhiều tiếng vỗ tay nhất của toàn thể Thượng Hội đồng,’ từ Iraq

‘Con có một thông điệp từ các bạn trẻ gửi đến Đức Thánh Cha: họ hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp gỡ người ở Iraq!’

15 tháng Mười, 2018 14:07

Dưới đây là bài phát biểu của anh Safa Al Abbia do Vatican cung cấp, anh là thành viên của Giáo hội Canđê, Iraq, là dự thính viên trong Thượng Hội đồng Giám mục, và bài phát biểu của anh nhận được nhiều tiếng vỗ tay nhất của toàn Thượng Hội đồng. ZENIT mang đến cho bạn toàn văn phát biểu của anh, do Vatican cung cấp:


***


Kính thưa Đức Thánh Cha, Kính thưa các Đức Giám mục, thưa các bạn,

Con xin gửi đến những lời chào từ Lưỡng Hà (Mesopotamia), “một Iraq bị thương tổn.”

Con là một nha sĩ 26 tuổi người Iraq và con là một Ki-tô hữu Canđê.

Người Ki-tô hữu ở Iraq đang quay trở lại thế kỷ thứ nhất. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình, họ đã là nạn nhân của sự bách hại vì đức tin. Điều này đặc biệt xảy ra sau năm 2003.

Trong phần tham dự trước của con (hai lần, ở đây), con rất khắc khoải muốn nói về quê hương của con, trong khi những thảo luận đều về các vấn đề quan trọng khác, là những điều rất khác với thực tế ở Iraq và ở những quốc gia khác trong vùng Trung Đông.

Chắc chắn những chủ đề về gia đình, tình dục và truyền thông xã hội là quan trọng. Tuy nhiên, thách đố chính mà người trẻ ở Iraq đang phải đối mặt là hòa bình và sự ổn định, và sự cần thiết được sống đúng phẩm giá.

Trong những tình hình khó khăn như vậy, các tín hữu, trong đó có người trẻ, đang phải chiến đấu để duy trì sự kiên vững trong đức tin, như là những chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô và các truyền thống, các giá trị và phụng vụ của họ. Cuộc chiến đấu này được minh chứng rõ ràng với con số của những người tử đạo đã đổ máu ở Iraq. Hơn 1224 người Ki-tô hữu đã bị giết, một nửa số đó là người trẻ. Một ví dụ cho điều này xảy ra trong Thánh Lễ Chúa nhật tại Nhà thờ Chính tòa Syriac Đức Bà Cứu rỗi của Baghdad tháng Mười năm 2010, để lại 58 nạn nhân, gồm có hai linh mục trẻ là các Cha Wassem và Thaaer.

Và có vụ sát hại linh mục Canđê trẻ là Cha Regheed và Đức Giám mục Paulus Faraj Raho, cũng như những vụ đánh bom liên tục vào một số nhà thờ, trong đó có nhà thờ nơi con ở. Con sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt của các bạn bè con, sau Thánh Lễ họ chào “hẹn gặp bạn tuần sau,” nhưng con không bao giờ còn được gặp họ nữa. Họ đã chết, bị thiêu sống bởi một trái bom cài trong xe. Thêm vào đó, còn có những mối đe dọa liên tiếp, bắt cóc và sát hại, vì giá trị Ki-tô giáo của họ. Tất cả những việc này đều theo sau như một tấn thảm kịch bởi những hành động của các kẻ khủng bố ISIS. Trong cuộc xâm chiến Mosul và Đồng bằng Ninivê, trên 120.000 Ki-tô hữu đã bị quét ra khỏi nhà cửa của họ trong một đêm.

Ngoài ra, người trẻ của Iraq còn đang phải chịu đựng tình trạng thiếu cơ hội việc làm, sự giảm sút về mức độ giáo dục và những giá trị xã hội, và sự thiếu vắng luật pháp. Sau tất cả những gì họ đã trải qua, tuổi trẻ Iraq đang đặt vấn đề về những ảnh hưởng đến đời sống của họ là người Iraq, vai trò của Thiên Chúa và của Giáo hội, mặc dù Giáo hội có những nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ.

Những điều kiện này làm cho giới trẻ hoang mang về tương lai, làm họ thoái chí không còn theo đuổi các môn khoa học, không theo đuổi việc học và không kết hôn. Họ nghĩ đến giải pháp là di cư. Từ một tổng số 1,5 triệu người Ki-tô hữu Iraq năm 2003, thì con số đó nay rút xuống còn 400.000. Và có sự lo sợ rằng con số đó sẽ còn giảm mạnh, và sẽ đến một ngày khi Iraq không còn bóng một người Ki-tô hữu nào.

Để kết luận, con vô cùng tri ân những lời cầu nguyện của mọi người cho Iraq và cho người Ki-tô hữu ở đó. Tuy nhiên, con muốn nhắc tất cả mọi người nhớ rằng, ngoài những lời cầu nguyện thì phải có sự quan tâm đặc biệt không chỉ đối với người trẻ ở Iraq nhưng cả những quốc gia khác, nơi người Ki-tô hữu chỉ là một thiểu số và đang cần sự hỗ trợ, cũng như các Giáo hội của họ.

Bất kể tất cả mọi điều, thì cái đáng để nói lên ở đây là chúng con ở Iraq vẫn có một lớp người trẻ tuyệt vời, họ đang sống đức tin như là những chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô.

Cuối cùng, con có một thông điệp từ các bạn trẻ gửi đến Đức Thánh Cha: họ hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp gỡ người ở Iraq!

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2018]


Đức Hồng y Napier: Các Giáo xứ, hãy học cách của Thượng Hội đồng Giới trẻ; Thượng Hội đồng, lắng nghe tiếng nói của Châu Phi

Đức Hồng y Napier: Các Giáo xứ, hãy học cách của Thượng Hội đồng Giới trẻ; Thượng Hội đồng, lắng nghe tiếng nói của Châu Phi
Đức Hồng y Wilfrid Napier trình bày tại Văn phòng Báo chí Vatican. ( Bohumil Petrik/CNA)
15 tháng Mười, 2018


Đức Hồng y Napier: Các Giáo xứ, hãy học cách của Thượng Hội đồng Giới trẻ; Thượng Hội đồng, lắng nghe tiếng nói của Châu Phi

Đức Hồng y nói rằng sự tham dự của người trẻ Công giáo trong thượng hội đồng lần này tạo ra một bầu khí rất khác so với những lần ngài đã tham dự trước đây.

JD Flynn/CNA


THÀNH VATICAN — Một vị hồng y lỗi lạc của Nam Phi hôm thứ Bảy nói rằng Thượng Hội đồng Giám mục 2018 về “Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định Ơn gọi” có thể là một mô hình mẫu cho các vị lãnh đạo Giáo hội gắn kết với giới trẻ trong các giáo xứ và giáo phận trên toàn thế giới.

Đức Hồng y Wilfrid Napier giáo phận Durbin cũng lên tiếng kêu gọi cần xem lại văn kiện làm việc mà ngài gọi là “thiên về Châu Âu,” ngài nói rằng công việc của thượng hội đồng phải xem xét đến hoàn cảnh của người trẻ và Giáo hội trên cả những vùng khác của thế giới, và lưu ý đặc biệt đến nhu cầu của Giáo hội ở Châu Phi.

Các giám mục họp thượng hội đồng tháng Mười 3-28 không chỉ nói “về người trẻ, nhưng chúng tôi đang nói với họ và bàn bạc với họ,” Đức Giám mục Napier nói trong cuộc họp báo ngày 13 tháng Mười. Ngài khen ngợi sự đóng góp của 34 bạn trẻ được Đức Thánh Cha Phanxico mời là những tham dự viên tích cực trong cuộc họp chỉ gồm chủ yếu là các giám mục.

Đức Hồng y nói rằng những người trẻ đó là những người tham dự tích cực trong thượng hội đồng, có những bài tham luận ngắn, được gọi là phát biểu, cũng giống như các giám mục, và tham gia trong các cuộc họp bàn tròn nhóm nhỏ để giúp định hình cho báo cáo đúc kết của thượng hội đồng.

Ngài nói, “Sự có mặt và đóng góp của họ trong các nhóm thảo luận nhỏ của chúng tôi còn quan trọng hơn là sự có mặt đơn thuần của họ trong nghị trường thượng hội đồng.”

Đức Hồng y nói rằng đây là lần thứ tám ngài tham dự thượng hội đồng giám mục và rằng sự tham dự của người trẻ Công giáo trong thượng hội đồng lần này tạo ra một bầu khí rất khác so với những lần ngài đã tham dự trước đây. Ngài nói thêm rằng “sự góp phần chủ động” của Đức Thánh Cha Phanxico vào tiến trình thượng hội đồng cũng tạo nên một bầu khí rất riêng.

Đức Hồng y Napier nói rằng ngài hy vọng sự tham gia tích cực của các bạn trẻ tại thượng hội đồng sẽ trở thành một mô hình mẫu về sự gắn kết của Giáo hội với giới trẻ.

Đối với hầu hết người Công giáo, ngài nói, “Khuôn mặt thường ngày của Giáo hội là khuôn mặt của vị linh mục.” Vì lý do đó, các nghị phụ phải động viên các linh mục xứ biết lắng nghe và tích cực tạo sự gắn kết của giới trẻ vào đời sống của giáo xứ và lập chương trình theo cách của thượng hội đồng đã làm.

Ngài cũng cho biết rằng văn kiện làm việc của thượng hội đồng được viết trên cái nhìn “thiên về Châu Âu.”

Ngài nói, các vị đại diện của Châu Phi tại cuộc họp nên “trình bày thực tại của Châu Phi rõ ràng hơn theo cách nhìn của chúng tôi.”

Ngài lưu ý rằng văn kiện không cho thấy đủ sự ảnh hưởng của cuộc di cư khổng lồ từ Châu Phi đối với những quốc gia trong châu lục. Ngài nói, Châu Phi đang mất đi một số những người trẻ tài năng nhất vì sự bóc lột các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Ngài nói, “Những người phải sống bám vào đất đai bây giờ không còn khả năng đó nữa,” vì vậy họ phải di cư vì hậu quả của sự phá rừng và những kỹ thuật khai thác mỏ tận diệt.

Ngài cũng chỉ trích những điều kiện kinh tế dẫn đến tình trạng lao động trẻ em ở Châu Phi, ngài nói rằng vì trẻ em buộc phải đi làm từ khi còn bé, nên các em “không được học hành tới nơi tới chốn để có một sự khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống.”

Vì sự tham nhũng trong các chính phủ của Châu Phi, “chu trình bóc lột này vẫn cứ tiếp tục.”

Đức Hồng y nói rằng có một thực tại khác của Châu Phi không được phản ánh trong văn kiện làm việc của thượng hội đồng.

“Trong khi nhiều người trẻ ở Tây phương đang rời bỏ Chúa Giê-su, hay chí ít là rời bỏ Giáo hội của họ, và họ rời bỏ vì nhiều lý do khác nhau … Ở Châu Phi có một hiện tượng rất khác đó là người trẻ đang đi tìm kiếm Chúa Giê-su và đang tìm những câu trả lời cho các vấn đề của họ” trong Giáo hội.

Ngài nói sự phát triển của Ki-tô giáo trong giới trẻ Châu Phi có những bài học quan trọng cho những quốc gia phát triển hơn.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2018]