Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng 1, 2022

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 9 tháng 1, 2022

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 9 tháng Một, 2022

______________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia đã đến bờ sông Giođan để được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không thể hiện mình bằng một phép lạ, hoặc bằng cách bước lên giảng đài để giảng dạy. Ngài xếp hàng với những người chuẩn bị lãnh nhận phép rửa từ Gioan. Bài ca phụng vụ hôm nay kể rằng dân chúng đến chịu phép rửa với tâm hồn và đôi chân trần, rất khiêm nhường. Đây là một thái độ cao đẹp, với tâm hồn và đôi chân trần. Và Chúa Giêsu chia sẻ cảnh ngộ của chúng ta là những người tội lỗi, Ngài đến với chúng ta; Ngài bước xuống sông, đồng thời đi vào lịch sử bị thương tổn của nhân loại, Ngài dìm mình trong những dòng nước của chúng ta để chữa lành chúng, và Ngài hòa mình với chúng ta, ở giữa chúng ta. Ngài không vượt lên trên chúng ta, mà đi xuống với chúng ta với một tâm hồn và đôi chân trần, giống như mọi người. Ngài không đến một mình, cũng không đến với một nhóm đặc quyền, được chọn lọc. Không: Người đến với dân chúng. Ngài thuộc về mọi người và Ngài đến cùng với họ để chịu phép rửa, với những con người khiêm nhường này.

Chúng ta hãy suy ngẫm về một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa, văn bản cho biết Người “đang cầu nguyện” (Lc 3:21). Thật là tốt cho chúng ta khi suy ngẫm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng tại sao? Ngài, là Chúa, là Con Thiên Chúa, cầu nguyện như chúng ta? Đúng vậy, Chúa Giêsu – các sách Tin Mừng lặp lại điều này nhiều lần – dành nhiều thời gian để cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày, thường là vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng… Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại, một mối tương quan với Chúa Cha. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai thời điểm” trong cuộc đời của Chúa Giêsu: về một mặt, Ngài bước xuống nước sông Giođan về phía chúng ta; mặt khác, Ngài hướng mắt và tâm hồn lên, cầu nguyện với Chúa Cha.

Đó là một bài học to lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta đều chìm ngập trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều tình huống phức tạp, được kêu gọi đối mặt với những thời khắc khó khăn và những lựa chọn làm chúng ta chán nản. Nhưng chúng ta cần hướng mọi điều lên trên nếu không muốn bị đè bẹp. Và đây chính là điều mà việc cầu nguyện thực hiện. Nó không phải là một lối thoát; cầu nguyện không phải là một nghi lễ ma thuật hay là việc lặp lại những câu vần điệu đã được ghi nhớ. Không. Cầu nguyện là cách chúng ta cho phép Chúa hành động trong chúng ta, để hiểu những gì Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, cầu nguyện là để có được sức mạnh tiến bước. Nhiều người cảm thấy họ không thể tiếp tục và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để tiếp tục”. Chúng ta cũng phải rất thường xuyên làm việc này. Cầu nguyện giúp ích cho chúng ta bởi vì nó kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, nó mở ra cho chúng ta sự gặp gỡ với Người. Đúng vậy, cầu nguyện là chìa khóa mở cửa tâm hồn chúng ta đến với Chúa. Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Người, là thờ phượng: giữ sự thinh lặng, phó thác cho Ngài những gì chúng ta đang trải qua. Và đôi khi cầu nguyện cũng là kêu lên với Ngài như ông Gióp, những lúc khác cầu nguyện là thổ lộ tâm can với Ngài. Khóc như ông Gióp; Người là cha, Người thấu hiểu. Người không bao giờ giận chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện.

Lấy một hình ảnh đẹp trong bài Tin mừng hôm nay, cầu nguyện làm “trời mở ra” (xem câu 21). Cầu nguyện mở cửa thiên đàng: cầu nguyện cung cấp khí oxy cho cuộc sống, một luồng không khí trong lành giữa những bộn bề của cuộc sống và cho phép chúng ta nhìn mọi thứ từ một góc nhìn rộng hơn. Trên hết, cầu nguyện cho phép chúng ta có cùng kinh nghiệm như Chúa Giêsu bên sông Giođan: nó khiến chúng ta cảm nhận mình như những đứa con yêu dấu của Chúa Cha. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha cũng nói với chúng ta như khi Người nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là Con của Cha” (xem câu 22).

Việc chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa bắt đầu vào ngày Rửa tội, là Bí tích dìm chúng ta trong Đức Kitô, là thành viên của dân Chúa, chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của mình! Nếu bây giờ cha hỏi từng người trong anh chị em: ngày Rửa tội của bạn là ngày nào? Có lẽ một số anh chị em không nhớ. Ghi nhớ ngày Rửa tội của mình là một điều rất đẹp bởi vì đó là sự tái sinh của chúng ta, thời điểm mà chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu! Và khi anh chị em trở về nhà – nếu anh chị em không biết – hãy hỏi mẹ, dì, bà hoặc ông của mình: “Con được rửa tội ngày nào?”, và ghi nhớ ngày đó để kỷ niệm nó, để tạ ơn Chúa. Và hôm nay, vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi: việc cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào? Tôi cầu nguyện theo thói quen, tôi cầu nguyện cách miễn cưỡng, chỉ đọc lại các công thức, hay việc cầu nguyện của tôi là một cuộc gặp gỡ với Chúa? Tôi, một tội nhân, luôn ở cùng với dân Chúa, không bao giờ bị cô lập? Tôi có nuôi dưỡng sự mật thiết với Thiên Chúa, đối thoại với Người, lắng nghe Lời Người không? Trong số rất nhiều việc chúng ta làm mỗi ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho việc đó, chúng ta hãy sử dụng những lời khẩn cầu ngắn được lặp đi lặp lại thường xuyên, chúng ta hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện mở cửa thiên đàng.

Và bây giờ, chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ, người Trinh nữ cầu nguyện, người đã biến cuộc đời của Mẹ thành một bài tụng ca ngợi khen Thiên Chúa.

_______________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Tôi biết được thông tin đau buồn rằng đã có những nạn nhân trong các cuộc phản đối nổ ra trong những ngày gần đây ở Kazakhstan. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình họ, và tôi mong rằng sự hòa hợp xã hội sẽ được phục hồi thật sớm thông qua việc tìm kiếm đối thoại, công bằng và ích chung. Tôi xin phó thác người dân Kazakh dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, Nữ vương Hòa bình Oziornoje.

Và cha thân ái chào tất cả anh chị em tín hữu Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và những quốc gia khác. Cha gửi lời chào đặc biệt đến nhóm anh chị em đến từ Frattamaggiore, gần Naples.

Sáng nay, theo thông lệ và ngày Chúa nhật Chúa chịu Phép Rửa, cha đã rửa tội một số trẻ em của các nhân viên Vatican. Bây giờ cha cầu nguyện và ban phép lành cho tất cả các trẻ em đã hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong thời gian này. Xin Chúa chúc phúc cho các trẻ và xin Đức Mẹ chở che các trẻ.

Và với tất cả anh chị em, xin đừng quên: hãy tìm biết ngày Rửa tội của mình. Tôi được Rửa tội khi nào? Anh chị em không được quên điều này, và ghi nhớ ngày đó như một ngày kỷ niệm.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/1/2022]


Cầu thủ bóng bầu dục Landry Weber của Bang Kansas theo tiếng gọi chức tư tế

Cầu thủ bóng bầu dục Landry Weber của Bang Kansas theo tiếng gọi chức tư tế

Cầu thủ bóng bầu dục Landry Weber của Bang Kansas theo tiếng gọi chức tư tế

JAMIE SQUIRE | GETTY IMAGES NORTH AMERICA | AFP

Wide receiver Landry Weber #12 of the Kansas State Wildcats.

Cerith Gardiner

06/01/22


Thông báo bất thường được đưa ra trong một trận thi đấu bóng bầu dục.

Trong một trận bóng bầu dục gần đây, Tom Hart thông báo rằng cầu thủ nhận bóng của Bang Kansas, Landry Weber, sẽ đi theo tiếng gọi của chức tư tế ngay sau khi sự nghiệp đại học của anh kết thúc.

Tin tức được chia sẻ trong một câu tweet của Darren Rovell cho biết rằng anh “chưa bao giờ nghe thấy một thông báo như vậy khi xem một trận bóng bầu dục trước đây”.

Tuy nhiên, tin tức không quá ngạc nhiên khi bạn biết thêm một chút về nền tảng gia đình và thể thao của Landry…

Cầu thủ 23 tuổi xuất thân trong một gia đình vận động viên. Cha của anh, ông Stan, chơi bóng bầu dục tại tiểu bang Kansas, và người anh trai, Stanton, chơi cho đội Wildcats. Em gái của anh, McKenzi, nhận được học bổng bóng chuyền của bang Kansas cùng lúc Landry nhận được học bổng của anh.

Do đó, gia đình đã đầu tư nhiều cho sự tiến bộ thể thao của mỗi người và động viên nhau trong những năm qua. Điều thật đẹp khi nhìn thấy cách mà các anh chị em luôn khen ngợi lẫn nhau cách đặc biệt — trong và ngoài sân cỏ.


Một người đáng ngưỡng mộ

“Chú ấy rất sâu sắc, thông minh, chăm chỉ và chú ấy luôn làm điều đúng đắn và quan tâm đến mọi người, và chú ấy thực sự là một người tuyệt vời,” anh Stanton chia sẻ với tờ The Collegian của tiểu bang Kansas khi nói về Landry.

Điều này được lặp lại bởi huấn luyện viên trưởng của đội, ông Chris Klieman, ông cho biết:

Cậu ấy làm mọi điều đúng đắn ngoài sân cỏ, trong cộng đồng, trong lớp học và điều đó ảnh hưởng đến các cầu thủ trẻ. Các cầu thủ trẻ có thể thấy công việc khó khăn mà bạn đã hết sức chuyên tâm vào và phần thưởng có thể đạt được trong cũng như ngoài sân cỏ.”

Nhưng có lẽ chính câu chuyện dễ thương này của McKenzi, em gái của Landry, đã cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về tính cách của người chủng sinh trong tương lai:

Thế là tôi và anh Landry đều nhận được học bổng trong cùng một ngày. Tôi đã gọi cho anh bởi vì tôi cảm thấy quá hạnh phúc, tôi phấn khởi và tôi gọi cho anh ấy và anh nói, ‘McKenzi, thật tuyệt! Chúng ta phải đi mua kem,’ và anh ấy đã ăn mừng tôi trong mười lăm phút. Điều đó thật tuyệt vời”.

Tuy nhiên, McKenzi hoàn toàn không biết về việc anh trai cô cũng đã nhận được học bổng, và khi cô hỏi anh tại sao anh lại không nói với cô, anh chỉ nói: “Anh không muốn lấy đi niềm vinh hạnh của em.”

Giờ thì Landry sẽ chuẩn bị tinh thần để làm vinh danh Thiên Chúa khi anh ấy đi theo một con đường mới, một con đường không mấy phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Đó là một quyết định sẽ tiếp tục cần được gia đình động viên và ủng hộ vì như Stanton đã chia sẻ cách đây vài tháng, có lẽ anh ấy không biết về kế hoạch tương lai của em trai mình tại thời điểm đó:

“Chúng tôi luôn nói rằng Chúa có một chương trình luôn luôn tốt hơn chương trình của chúng ta, vì vậy tôi rất muốn xem phần còn lại của nó sẽ diễn ra như thế nào đối với chú ấy.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/1/2022]