Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-28/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-28/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 26-28/4/2020


26 tháng Tư: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho tất cả những người chịu đau khổ vì buồn chán, vì họ cô đơn, không biết tương lai nào đang chờ họ, hoặc không thể chăm sóc cho gia đình họ vì họ không có việc làm. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho họ.

26 tháng Tư: Thiên Chúa đã kiên nhẫn với mỗi người chúng ta biết bao nhiêu! Người tôn trọng hoàn cảnh của chúng ta, cùng bước đi bên cạnh chúng ta như Người đã làm với các môn đệ đi làng Êmau, và lắng nghe những điều không hài lòng của chúng ta. Người tôn trọng chúng ta. Người thích lắng nghe cách chúng ta nói chuyện để hiểu rõ chúng ta và tặng ban cho chúng ta câu trả lời phù hợp.

26 tháng Tư: #Tin mừng trong ngày (Lc 24:13-35) dạy cho chúng ta hai hướng đi đối nghịch nhau được đặt ra trong cuộc sống: con đường của những người để cho bản thân bị tê liệt vì những bất mãn và lê bước một cách buồn chán. Và con đường của những người đặt Chúa Giêsu và tha nhân lên trên những vấn đề của riêng họ.

27 tháng Tư: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các nghệ sĩ, là những người có khả năng sáng tạo rất lớn, và chỉ cho chúng ta con đường tiến bước qua cái đẹp. Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta ơn sáng tạo trong thời khắc này.

27 tháng Tư: Có những lúc trong cuộc sống chúng ta xa cách Chúa và đánh mất sự tươi mới của tiếng gọi ban đầu. Chúng ta hãy xin ơn để luôn biết quay trở lại với sự gặp gỡ đầu tiên đó, khi đó Ngài đã nhìn đến chúng ta, nói chuyện với chúng ta, và đặt vào trong niềm khát khao theo Ngài. #HomilySantaMarta

28 tháng Tư: Thời điểm này khi những tín hiệu đưa ra dần nới lỏng sự cách ly, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn thận trọng và tuân thủ những hướng dẫn, để đại dịch không quay lại. #PrayTogether

28 tháng Tư: Rất nhiều lần chúng ta đưa ra những bình luận làm khởi điểm cho sự tư hình nhỏ hàng ngày. Xin Chúa giúp chúng ta trở nên công bằng trong những ý kiến của mình để không bắt đầu tin đồn hoặc đi theo tin đồn để dẫn đến sự kết án không thể đảo ngược lại. #HomilySantaMarta

28 tháng Tư: Phục sinh mang đến cho chúng ta thông điệp này: thông điệp của sự tái sinh. Chúng ta có thể được tái sinh với cùng sức mạnh đã nâng Chúa lên: với sức mạnh của Thiên Chúa.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/4/2020]


Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Thánh Marta ‘Chúng ta phải thận trọng để đại dịch không quay lại,’ (TOÀN VĂN)

Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Thánh Marta ‘Chúng ta phải thận trọng để đại dịch không quay lại,’ (TOÀN VĂN)
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Thánh Marta ‘Chúng ta phải thận trọng để đại dịch không quay lại,’ (TOÀN VĂN)

Khi nước Ý chuẩn bị cho giai đoạn hai, ngài cầu xin ‘Chúa ban cho dân tộc của Người, tất cả chúng ta, ơn thận trọng và tuân thủ những hướng dẫn’

28 tháng Tư, 2020 09:36

Chúng ta phải thận trọng, để đại dịch không quay lại … 

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này hôm nay, 28 tháng Tư, trong Thánh Lễ riêng của Ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta.

Đầu Lễ, khi tưởng nhớ tất cả các nạn nhân Coronavirus, Đức Phanxico cầu xin cho sự thận trọng trong thời điểm này, khi những giới hạn cách ly bắt đầu nới lỏng trong thời gian được gọi là ‘Giai đoạn hai’ ở Ý bắt đầu từ từ từng bước từ ngày 4 tháng Năm.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Thời điểm này khi những tín hiệu đưa ra dần nới lỏng sự cách ly, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho Dân Người, tất cả chúng ta, ơn thận trọng và tuân thủ những hướng dẫn, để đại dịch không quay lại.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về trích đoạn sách Tông đồ Công vụ (Cv 7:51-8:1), tường thuật Thánh Stêphanô can đảm nói với dân chúng, các kỳ lão và kinh sư, những kẻ kết án ngài với chứng gian, kéo ngài ra khỏi thành và ném đá ngài.

Đức Phanxico bình luận rằng các Luật sĩ không dung thứ cho tính quang minh của giáo lý, và cho người phao tin đồn lên rằng họ đã nghe thấy Stêphanô nói lộng ngôn chống lại Thiên Chúa và Lề Luật.

Cũng như Stêphanô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “họ cũng đã làm điều tương tự với chính Chúa Giêsu, thuyết phục dân chúng tin rằng Ngài là một kẻ lộng ngôn.”

Shoah, Asia Bibi

Tương tự như vậy, ngày nay việc này cũng xảy ra cho những người tử đạo, như Asia Bibi, Đức Thánh Cha Phanxico nhớ lại, kể lại thời gian chị ngồi tù nhiều năm, bị kết án do một sự vu khống.

Đức Thánh Cha than phiền rằng trước cơn lũ của những tin giả tạo ra các luồng ý kiến và tai tiếng thì rất khó hoặc không thể nào đảo ngược lại.

“Cha nghĩ đến trường hợp Shoah”, Đức Thánh Cha nói, khi luồng ý kiến được tạo ra để chống lại một dân tộc để loại trừ họ.

Đừng tư hình bằng những lời nói của chúng ta

Ngài phân tích, “có một sự tư hình nho nhỏ mỗi ngày tìm cách kết án người khác, để tạo ra tiếng xấu về người khác, sự tư hình nho nhỏ mỗi ngày của tin đồn thổi để tạo nên những luồng ý kiến để kết án người khác.”

Trong khi đối với sự thật, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, “sự thật thì rõ ràng và minh bạch, sự thật là là chứng minh cho điều đúng đắn, cho điều được tin tưởng.

Đức Phanxico khuyên nhủ, “Chúng ta hãy suy nghĩ về cái lưỡi của mình, rất nhiều khi chúng ta bắt đầu sự tư hình bằng những bình luận của mình.”

Ngài than phiền, “Ngay cả trong các hội đoàn Kitô hữu của chúng ta, chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều những vụ tư hình hàng ngày được sinh ra bởi tin đồn thổi.”

Đức Phanxico kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp chúng con trở nên công bằng, trong những ý kiến của mình, không bắt đầu kết án hay đi theo sự kết án của đám đông do tin đồn thổi gây ra.”

Đức Thánh Cha kết thúc thánh lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành Tòa Thánh, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.

***


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Trong Bài đọc Một những ngày qua chúng ta đã nghe kể về phúc tử đạo của Stêphanô, chuyện rất đơn giản, và chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Các Luật sĩ không dung thứ cho tính quang minh của Giáo lý, và ngay khi nó được rao giảng, họ mới xúi người phao tin lên rằng rằng Stêphanô đã nói lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa chống lại Lề Luật (x. Cv 6:11-14). Và sau việc này, họ bắt ngài và ném đá ngài: đơn giản vậy thôi (x. Cv 7:57-58). Đó là một cơ cấu hành động không phải là lần đầu: người ta cũng đã làm tương tự như vậy với Chúa Giêsu (x. Mt 26:60-62). Đám đông ở đó đã bị thuyết phục rằng Ngài là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mc 15:13). Đó là tính hung ác, là sự hung ác bắt đầu từ những chứng gian để “cho thấy công lý.” Đây là một kịch bản. Cũng có những trường hợp tương tự trong Kinh Thánh: người ta cũng đã làm tương tự với bà Susana (x. Đn 13: 1-64), họ thực hiện tương tự với ông Navốt (x. 1 V 21:1-16); rồi Haman, là người đã tìm cách làm điều tương tự như vậy đối với Dân Chúa (x. Et 3:1-14). <Đó là> những tin giả, những sự vu khống làm cho dân chúng nổi đóa lên và đòi công lý. Nó là sự tư hình, một kiểu tư hình thật sự.

Và thế là, người ta đưa ngài tới quan tòa, để quan tòa sẽ cho ra một phán quyết hợp pháp cho vấn đề này: nhưng ngài đã bị kết án trước rồi. Quan tòa phải rất, rất can đảm mới dám đi ngược lại phán quyết “của đám đông như vậy,” được thực hiện có chủ đích, được chuẩn bị. Đó là trường hợp của Philatô: Philatô biết rõ rằng Chúa Giêsu là vô tội, nhưng ông ta nhìn xuống dân chúng và ông ta rửa tay (x. Mt 27:24-26). Đó là một cách để thực thi hệ thống pháp luật. Ngày nay chúng ta cũng nhìn thấy điều này; nó vẫn diễn ra hôm nay ở một số quốc gia, khi họ muốn thực hiện một vụ đảo chính, hoặc “hạ bệ” một chính trị gia, nó được làm theo cách đó để người kia không thể bước vào những cuộc bầu cử: tin giả, vu khống, rồi người ta lại trao phó cho một chánh án của những người thích tạo ra hệ thống luật với chủ nghĩa thực chứng “theo tình huống” này, là điều vô cùng hợp thời và rồi người ta lên án. Đó là sự tư hình xã hội. Và người ta đã làm điều đó với Thánh Stêphanô, bản án của Stêphanô đã được thực hiện theo cách đó: họ kết án một người đã bị kết án bởi những con người bị lừa phỉnh từ trước.

Điều này cũng đang xảy ra với các vị tử đạo ngày này: các chánh án không có khả năng thực thi công lý vì đã bị kết án rồi. Chẳng hạn chúng ta nghĩ đến trường hợp của chị Asia Bibi mà chúng ta đã thấy: mười năm trong tù vì chị bị kết án bởi một sự vu khống, và một dân tộc muốn chị phải chết. Đứng trước cơn lũ của những tin giả tạo ra những luồng ý kiến, thường chẳng thể làm được gì; chẳng có thể làm được gì.

Về vấn đề này, cha nghĩ đến trường hợp Shoah (ND: Shoah là một cách gọi khác của Holocaust). Shoah là một trường hợp như vậy: tư tưởng chống lại một dân tộc được tạo ra và rồi nó trở nên điều bình thường: “Đúng, đúng: phải giết chúng, phải giết chúng.” Đó là một cách để tiến tới việc “hạ bệ” một dân tộc thấy chướng mắt, thấy phiền toái. Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này không tốt, nhưng có điều chúng ta không biết đó là có một sự tư hình nho nhỏ mỗi ngày tìm cách kết án người khác, tạo ra tiếng xấu về người khác, để loại trừ họ, để kết án họ: sự tư hình nho nhỏ mỗi ngày của tin đồn thổi để tạo nên một luồng ý kiến. Rất nhiều khi, chúng ta nghe thấy một ai đó nói xấu về một người khác, và có người nói: “Nhưng không phải vậy, người này là một người công chính!” – “Không, không, người ta nói rằng ..” và với câu “người ta nói rằng” thì một nguồn ý kiến được tạo ra để loại trừ một người. Sự thật thì khác: sự thật là là chứng minh cho điều đúng đắn, cho những điều mà một người tin tưởng; sự thật thì rõ ràng, nó minh bạch. Sự thật không chịu đựng những áp lực. Chúng ta hãy nhìn đến thánh tử đạo Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên sau Chúa Giêsu, vị tử đạo tiên khởi. Chúng ta nghĩ đến các Thánh Tông đồ: tất cả các ngài đều làm chứng. Và chúng ta hãy nghĩ đến nhiều vị tử đạo, kể cả vị thánh chúng ta kính nhớ hôm nay, Thánh Phêrô Chanel: tin đồn thổi được tạo ra nói rằng ngài chống lại nhà vua … một tiếng xấu được tạo ra và một người bị giết. Và chúng ta nghĩ đến bản thân mình, đến cái lưỡi của mình: rất nhiều lần, bằng những bình luận của mình chúng ta tạo ra một sự tư hình nào đó. Và chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều sự tư hình hàng ngày trong các hội đoàn Kitô hữu, được sinh ra từ tin đồn thổi.

Xin Chúa giúp chúng con biết công bằng trong những ý kiến của mình, không bắt đầu kết án hay đi theo sự kết án của đám đông do tin đồn thổi gây ra.

Đức Thánh Cha kết thúc thánh lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành Tòa Thánh, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/4/2020]


Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: ‘Đúng là Dân Chúa thường làm cho người Mục tử mệt mỏi: nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần họ’

Tại nhà nguyện Marta, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các học sinh và nhà giáo


24 tháng Tư, 2020 12:44

Đúng là Dân Chúa làm cho Mục tử của họ mệt mỏi, nhưng người Mục tử luôn luôn phải ở gần với họ …

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này hôm nay, ngày 24 tháng Tư, trong Thánh lễ riêng hàng ngày của Ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta.

Bắt đầu Thánh Lễ, khi tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân Coronavirus, Đức Phanxico cầu nguyện cho các học sinh và nhà giáo trong thời gian này.

Ngài nói, “Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà giáo là những người phải làm việc quá vất vả để cung cấp bài học qua internet và những con đường kỹ thuật số khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các học sinh phải làm các bài kiểm tra theo cách mà các em không quen. Chúng ta hãy đồng hành với họ trong lời cầu nguyện.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về trích đoạn hôm nay trong Tin mừng Thánh Gioan về các ổ bánh và những con cá (Ga 6:1-15), tập trung đặc biệt vào câu: “Người nói thế là để thử Philípphê, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

Đức Giáo hoàng Dòng Tên nói đến việc Chúa thường thử chúng ta như thế nào, và xem chúng ta phản ứng ra sao khi đòi hỏi nhiều về phía chúng ta. Đức Giáo hoàng nói đến những đòi hỏi của người dân đối với các mục tử.

“Đúng là Dân Chúa thường làm cho Mục tử mệt mỏi,” Đức Giáo hoàng người Argentine nhấn mạnh: “họ làm cho người Mục tử mệt mỏi.”

Đức Phanxico công nhận rằng khi có một Mục tử giỏi thì những đòi hỏi đối với ngài nhân gấp lên nhiều lần “vì người ta luôn luôn đến với một Mục tử giỏi vì lý do này hoặc lý do khác.”

Đức Phanxico nhớ lại: “Có một lần, một vị linh mục xứ tuyệt vời của một vùng đơn sơ, khiêm nhường trong giáo phận có nhà ở như một căn nhà bình thường và người ta gõ cửa chính, hoặc gõ cửa sổ, mọi lúc … và có lần cha nói với tôi: ‘Con chỉ muốn xây bít kín cả cửa ra vào và cửa sổ để họ cho con nghỉ ngơi.’

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Tuy nhiên, cha ý thức rằng mình là một Mục tử và cần phải ở với dân chúng. Và Chúa Giêsu đã huấn luyện, Ngài dạy các môn đệ, các Tông đồ thái độ mục vụ này, đó là gần gũi với Dân Chúa.”

Thừa nhận rằng người dân thường làm người Mục tử của họ kiệt sức, qua việc đòi hỏi nhiều thứ cụ thể, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng, cho dù vậy người Mục tử phải đáp ứng cho những điều đó.

Đức Thánh Cha cũng cho các mục tử lời khuyên cụ thể bằng sự nhấn mạnh: “Sức mạnh của người Mục tử là sự phục vụ; người Mục tử không có quyền lực nào khác, và khi người đó phạm sai lầm với quyền lực khác thì ơn gọi bị phá hủy.”

Đức Phanxico kết luận, xin Chúa nói với các mục tử của Giáo hội, trên hết là dạy họ biết gần gũi và không e ngại dân Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Câu này trong trích đoạn khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.” Đó là điều mà Chúa Giêsu đã có trong tâm trí khi Ngài nói: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Nhưng Ngài nói điều đó là để thử Philípphê. Ngài đã biết rõ. Chúng ta thấy ở đây là thái độ của Chúa Giêsu với các Tông đồ. Ngài liên tục đặt các ông vào sự thử thách để dạy bảo các ông, và khi các ông xong mọi công việc và trách nhiệm phải làm, Ngài tụ họp các ông lại và dạy bảo các ông. Tin mừng đầy những hành động này của Chúa Giêsu để làm cho các môn đệ của Ngài phát triển để trở thành các Mục tử của Dân Chúa, trong trường hợp này là các Giám mục, các Mục tử của Dân Chúa. Và một trong những điều Chúa Giêsu yêu thích nhất là ở với đám đông, vì đây cũng là một biểu tượng cho tính phổ quát của Ơn Cứu rỗi. Và một trong những điều mà các Tông đồ không thích nhất là đám đông, vì họ thích được đến gần với Chúa, được nghe tiếng Chúa, được nghe tất cả những gì Chúa nói.

Ngày này các ông đến đó để có một ngày nghỉ ngơi — các trình thuật trong những Tin mừng khác nói điều đó … có lẽ có hai lần hóa bánh ra nhiều — vì các ông trở về sau một sứ vụ và Chúa nói: “Chúng ta hãy đi nghỉ ngơi đôi chút.” Và các ngài đến đó và người ta để ý nơi mà các ngài sẽ đến bên cạnh biển, họ tạo thành một vòng tròn và chờ Ngài ở đó. Và các môn đệ chẳng vui chút nào vì người ta đã làm hỏng Thứ Hai Phục sinh, và các ông không thể mừng lễ với Chúa. Bất kể điều đó, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy, họ lắng nghe, và rồi họ chuyện trò với nhau, và giờ này sang giờ khác trôi qua, Chúa Giêsu giảng dạy và người ta hạnh phúc. Và các Tông đồ nói: “Ngày Lễ của chúng ta bị phá hỏng rồi; sự nghỉ ngơi của chúng ta đã bị hỏng.”

Tuy nhiên, Chúa tìm sự gần gũi với người dân và Ngài tìm cách để huấn luyện tâm hồn của các Mục tử sự gần gũi với Dân Chúa, để phục vụ họ. Và chúng ta hiểu rằng, các ông được chọn và cảm thấy phần nào đó như nhóm đặc quyền, một tầng lớp đặc quyền, chúng ta cứ gọi là “một tầng lớp quý tộc”, gần bên Chúa và rất nhiều lần Chúa đã làm những hành động để sửa dạy các ông. Chẳng hạn, chúng ta suy nghĩ đến với trẻ em. Các ông bảo vệ Chúa: “Không, không, không, trẻ em không được đến gần vì chúng làm phiền, gây huyên náo … Không, trẻ em với cha mẹ của chúng.” Và Chúa Giêsu thì sao? “Hãy để cho các trẻ đến.” Và các ông không hiểu. Rồi sau đó họ mới hiểu. Và rồi cha nghĩ đến đường về Giêrikhô, người <đàn ông> đó kêu lớn lên: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi.” Và các ông nói: “Im lặng khi Chúa đi ngang qua; đừng làm phiền Ngài.” Và Chúa Giêsu nói: “Nhưng người đó là ai? Hãy đưa anh ta tới.” Một lần nữa Chúa các ông. Và vì thế, Ngài dạy các ông sự gần gũi với Dân Chúa.

Sự thật là Dân Chúa làm cho Mục tử mệt mỏi, họ làm cho người Mục tử mệt mỏi: các việc cứ nhân gấp lên nhiều lần khi có một Mục tử giỏi, vì người ta luôn đến với một Mục tử giỏi vì lý do này hoặc lý do khác. Có một lần, một vị linh mục xứ tuyệt vời của một vùng đơn sơ, khiêm nhường trong giáo phận có nhà ở như một căn nhà bình thường và người ta gõ cửa chính, hoặc gõ cửa sổ, mọi lúc … và có lần cha nói với tôi: “Con chỉ muốn xây bít kín cả cửa ra vào và cửa sổ để họ cho con nghỉ ngơi.” Tuy nhiên, cha ý thức rằng mình là một Mục tử và cần phải ở với dân chúng. Và Chúa Giêsu đã huấn luyện, Ngài dạy các môn đệ, các Tông đồ thái độ mục vụ này, đó là gần gũi với Dân Chúa. Và Dân Chúa là dân tộc làm mệt mỏi, vì họ luôn luôn đòi hỏi những điều cụ thể, họ luôn xin một điều gì đó cụ thể, có thể là sai lầm, nhưng họ xin những điều cụ thể. Và người Mục tử phải đáp ứng cho những điều này. Trình thuật của các Thánh sử khác khi các ông cho Chúa Giêsu thấy rằng giờ đã muộn và mọi người phải giải tán, vì trời đang bắt đầu tối, và các ông nói: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn, khi trời đã muộn, khi trời đang tối dần …” Nhưng các ông đang nghĩ gì trong đầu? Chí ít là nhóm các ông phải được mừng lễ một chút, nó chẳng phải là sự ích kỷ xấu xa, nhưng chúng ta hiểu, ở với vị Mục tử, ở với Chúa Giêsu là vị Mục tử vĩ đại. Và để thử các ông, Chúa Giêsu trả lời: “Anh em hãy cho họ ăn đi.” Và đây chính là điều hôm nay Chúa Giêsu nói với tất cả các Mục tử: “Anh em hãy cho họ ăn đi.” “Họ đau khổ ư? Anh em hãy an ủi họ.” “Họ lạc bước ư? Anh em hãy chỉ cho họ con đường. Họ sai lầm ư? Anh em gợi cho họ điều gì đó để giải quyết các vấn đề … Anh em hãy cho họ … “Và người Tông đồ nghèo khó cảm thấy mình cứ phải cho đi, cho đi, cho đi, nhưng nhận được từ ai? Chúa Giêsu dạy chúng ta, từ cùng cách như Chúa Giêsu đã nhận.

Tới đây, Ngài cho các Tông đồ nghỉ ngơi và đi cầu nguyện với Chúa Cha. Ngài cầu nguyện. Sự gần gũi hai chiều này của người Mục tử là điều Chúa Giêsu giúp cho các Tông đồ hiểu, để các ngài trở thành những người Mục tử vĩ đại. Tuy nhiên, đám đông mắc sai phạm nhiều lần, và lần này cũng sai lầm. “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’ Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt. Có thể — Tin mừng không nói điều này — một trong các Tông đồ có thể đã nói với Ngài: “Nhưng thưa Thầy, chúng ta hãy tận dụng cơ hội này và nắm lấy quyền lực” — một cám dỗ khác. Và Chúa Giêsu làm cho các ông thấy rằng đó không phải là con đường của Ngài. Sức mạnh của người Mục tử là sự phục vụ; người Mục tử không có quyền lực nào khác, và khi người đó phạm sai lầm với quyền lực khác thì ơn gọi bị phá hủy, và trở thành, cha không biết nữa, người quản lý doanh nghiệp mục vụ chứ không phải là người Mục tử. Cơ cấu không làm nên mục vụ: tâm hồn của người Mục tử mới là điều thi hành mục vụ. Và tâm hồn của người Mục tử là điều Chúa Giêsu đang dạy chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho các Mục tử của Giáo hội; xin Chúa luôn nói với các ngài, vì Người yêu thương các ngài vô cùng; xin Người luôn nói với họ, xin Người nói với họ mọi điều như thế nào, xin Người giải thích cho họ, và đặc biệt dạy cho họ không e sợ Dân Chúa, không ngại gần gũi với Dân Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi các tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-25/4/2020


23 tháng Tư: Có những gia đình vô cùng thiếu thốn không thể đi làm và chẳng có gì để ăn. Rồi lại có những người cho vay nặng lãi lấy hết những gì ít ỏi họ có. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho phẩm giá của các gia đình này. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người cho vay, để Chúa có thể chạm đến tâm hồn họ và hoán cải họ.

23 tháng Tư: Vũ khí bí mật của Thánh Phêrô là lời cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để niềm tin của ông không bị vấp ngã. Những gì Ngài làm cho Thánh Phêrô thì Ngài cũng làm cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, đưa ra những vết thương của Ngài là giá cứu chuộc chúng ta.

23 tháng Tư: Đại dịch này nhắc chúng ta nhớ rằng không có sự khác biệt hoặc ranh giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mong manh, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều quý giá. Cầu xin để tất cả chúng ta được thức tỉnh sâu sắc: Bây giờ là thời gian để xóa bỏ những bất bình đẳng và chữa lành sự bất công đang bào mòn sức khỏe của toàn gia đình nhân loại!

24 tháng Tư: Hôm nay chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà giáo đang phải làm việc rất vất vả để dạy học qua internet và những kênh truyền thông khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho các học sinh phải làm bài kiểm tra theo cách các em chưa quen. Chúng ta hãy đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện.

24 tháng Tư: Chúa Giêsu huấn luyện tâm hồn các Tông đồ để phục vụ mọi người. Ngài dạy các ông thái độ mục vụ đó là gần gũi với Dân Chúa. Thừa tác vụ mục vụ không hoàn tất với những cơ cấu, nhưng với tâm hồn của người mục tử. Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các mục tử của Giáo hội. #HomilySantaMarta

24 tháng Tư: Khi chúng ta hướng tới một sự phục hồi khó khăn và rất chậm sau đại dịch, nguy cơ xảy ra là một con virus thậm chí còn tồi tệ hơn có thể tấn công chúng ta: đó là sự thờ ơ ích kỷ quên đi những người bị bỏ rơi phía sau.

25 tháng Tư: Hôm nay Giáo hội mừng kính Lễ Thánh Máccô, một trong bốn Thánh sử, người đầu tiên viết Tin mừng. Tin mừng của ngài mang một phong cách đơn giản. Hôm nay nếu anh chị em có thời gian, hãy đọc nó. Tính đơn sơ mà ngài tường thuật lại đời sống của Chúa làm cho việc đọc trở nên thú vị.

25 tháng Tư: Cùng chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô với tâm hồn của Mẹ Maria, khi chúng ta đọc #Kinh Mân Côi, sẽ làm cho chúng ta được kết hiệp nhiều hơn như một gia đình thiêng liêng, và sẽ giúp chúng ta vượt qua được thử thách này. Cha sẽ cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt những người đang chịu đau khổ nhiều nhất. Xin hãy cầu nguyện cho cha. #PrayTogether




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/4/2020]


Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ Ba Phục sinh

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ Ba Phục sinh
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ Ba Phục sinh

‘Trong cuộc sống, trước mắt chúng ta có hai hướng đi đối nghịch nhau: hoặc là chúng ta bị làm tê liệt bởi những chán ngán của cuộc sống, hoặc là chúng ta chọn thực tại lớn lao nhất và thật nhất: Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta’

26 tháng Tư, 2020 15:02

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng, trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Cuối giờ Kinh Lạy Nữ vương, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài và ban phép lành.


* * *

Trước Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay, bối cảnh trong sự Phục sinh, tường thuật lại chương hai môn đệ đi về làng Êmau (x. Lc 24:13-35). Nó là câu chuyện mà sự bắt đầu và kết thúc đều trên đường đi. Quả thật, nó là hành trình đi xa hơn nữa của các môn đệ, các ông buồn bã vì đoạn kết câu chuyện của Chúa Giêsu, rời bỏ Giêrusalem để về Êmau, đi được khoảng chừng mười một cây số. Đó là hành trình vào ban ngày, với phần tốt đẹp là đi xuôi xuống triền đồi. Và rồi có thêm hành trình trở lại: thêm mười một cây số nhưng vào ban đêm, với phần đường phải đi ngược lên triền đồi sau sự gắng sức cả ngày của chuyến đi xa. Hai hành trình: một thì dễ dàng vào ban ngày và một thì mệt mỏi vào ban đêm. Tuy nhiên, hành trình thứ nhất diễn ra trong nỗi buồn bã, hành trình thứ hai trong niềm vui. Chúa có mặt trong hành trình ban đầu, cùng đi với các ông, nhưng các ông không nhận ra Ngài; trong hành trình thứ hai các ông không còn nhìn thấy Ngài nhưng cảm nhận Ngài ở gần bên. Trong hành trình thứ nhất, các ông chán nản và không có hy vọng; trong hành trình thứ hai các ông đi để mang tin vui về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục sinh cho những người khác. Hai con đường khác nhau mà các môn đệ tiên khởi nói cho chúng ta, là những môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay, rằng trong cuộc sống, trước mắt chúng ta có hai hướng đi đối nghịch nhau: một con đường của người để cho mình bị tê liệt bởi những chán ngán của cuộc sống và tiếp tục buồn bã, giống như hai môn đệ khi họ khởi hành; và một con đường của người không đặt bản thân và những vấn đề của mình vào vị trí trung tâm, nhưng mà chọn Chúa Giêsu, và những anh em đang chờ đợi sự viếng thăm của Ngài, tức là những anh em chờ đợi chúng ta đến chăm sóc cho họ. Đây là điểm ngoặt: dừng quỹ đạo xoay quanh bản thân mình, bỏ đi những phiền muộn của quá khứ, những lý tưởng phi thực tế, nhiều điều kinh khủng xảy ra trong đời người. Rất nhiều lần chúng ta bị dẫn đưa đến với quỹ đạo, đến với quỹ đạo … Hãy gạt bỏ điều đó và tiến tới để nhìn vào thực tại sự sống lớn nhất và thật nhất: Chúa Giêsu đang sống, Chúa Giêsu — và Ngài yêu thương tôi. Đây là thực tại lớn nhất. Và tôi có thể làm một điều gì đó cho người khác. Đó là một thực tại đẹp, tích cực, đầy ánh mặt trời, và rất đẹp! Đây là bước ngoặt chữ U: chuyển từ những suy nghĩ xoay quanh bản thân mình sang thực tại của Thiên Chúa của tôi; để chuyển — với một cách chơi chữ khác — chuyển từ chữ “nếu” sang chữ “vâng”. Chuyển từ “nếu” sang “vâng” nghĩa là gì? Nếu Ngài đã đến đây để giải phóng chúng ta; nếu Chúa đã lắng nghe tôi; nếu cuộc sống đi đúng theo ý tôi muốn; nếu tôi có được cái này hoặc cái kia … với một giọng kêu ca than phiền. Chữ “nếu” này chẳng giúp được gì, nó không có hiệu quả, nó chẳng giúp ích được cho chúng ta, hoặc cho người khác. Đây là những chữ “nếu” của chúng ta, tương tự như những chữ “nếu” của hai môn đệ kia. Tuy nhiên, bây giờ họ lại chuyển thành chữ “vâng”: “Vâng, Chúa đang sống, Ngài cùng đồng hành với chúng ta. Vâng, ngay bây giờ, không phải là ngày mai, chúng ta hãy bước ra và loan báo về Ngài.” “Vâng, tôi có thể làm việc này, để người ta hạnh phúc hơn, để người ta nên tốt hơn, để giúp nhiều người. Vâng, vâng, tôi có thể. Từ chữ nếu chuyển thành vâng, từ sự kêu ca phàn nàn thành niềm vui và bình an, vì khi chúng ta kêu ca thì chúng ta không ở trong niềm vui; chúng ta ở trong bầu không khí u ám, u ám, bầu khí u ám của nỗi buồn. Và điều này chẳng giúp chúng ta hoặc làm cho chúng ta phát triển tốt — từ nếu trở thành vâng, từ sự kêu ca phàn nàn thành niềm vui phục vụ. Bước thay đổi này xảy ra nơi các môn đệ như thế nào, từ “tôi” trở thành Chúa, từ chữ nếu thành vâng? Bằng sự gặp gỡ với Chúa Giêsu: hai môn đệ đi làng Êmau trước hết mở rộng tâm hồn với Ngài; sau đó họ lắng nghe Ngài giải thích các sách Kinh Thánh; rồi họ mời Ngài vào nhà với họ. Đây là ba bước chúng ta có thể thực hiện tại nhà: trước hết hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Giêsu, phó thác cho Ngài những gánh nặng, những cố gắng, những phiền muộn của cuộc sống, phó thác cho Ngài những chữ “nếu”. Và bước thứ hai là lắng nghe Chúa Giêsu, hãy cầm Tin mừng trên tay, đọc đoạn này cho ngày hôm nay, chương 24 Tin mừng Luca. Thứ ba, hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng những lời của hai môn đệ: “Lạy Chúa, ‘xin ở lại với chúng con’ (c. 29). Lạy Chúa, xin ở lại với con. Lạy Chúa, xin ở lại với tất cả chúng con vì chúng con cần Người để tìm được con đường. Và nếu không có Người thì chỉ có đêm đen.”

Anh chị em thân mến, trong cuộc sống chúng ta luôn luôn trên đường, và chúng ta trở nên điều mà chúng ta đang đi tới. Chúng ta chọn con đường của Chúa, không phải con đường của “tôi”; con đường của chữ vâng, không phải con đường của chữ nếu. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng sẽ chẳng có <điều gì> bất ngờ, với Chúa Giêsu không có đêm đen nào chúng ta không thể đương đầu. Xin Đức Mẹ là Mẹ của Đường đi, Đấng đón nhận Ngôi Lời đã biến toàn bộ cuộc đời thành chữ “xin vâng” với Chúa, chỉ ra cho chúng con con đường.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Lạy Nữ Vương:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua là Ngày Bệnh Sốt rét Thế giới. Trong khi chúng ta đang chiến đấu với đại dịch coronavirus, chúng ta phải hướng đến cam kết ngăn chặn và chữa trị bệnh sốt rét, căn bệnh đe dọa hàng tỷ người ở nhiều quốc gia. Cha gần gũi với tất cả bệnh nhân, với những người chăm sóc cho họ, và những người làm việc để mọi người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản thật tốt.

Xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em hôm nay tham gia “Ngày đọc Kinh Thánh Quốc gia” ở Ba Lan. Cha đã nói với anh chị em nhiều lần và cha muốn nhắc lại, thật vô cùng quan trọng phải tập thói quen đọc Tin mừng vài phút mỗi ngày. Chúng ta hãy mang Tin mừng trong túi, trong giỏ, để Tin mừng luôn luôn ở bên chúng ta, cả theo ý nghĩa thể lý, và đọc mỗi ngày một chút.

Vài ngày nữa là đến tháng Năm, tháng dành riêng một cách đặc biệt để kính Mẹ Maria Đồng trinh. Với một Lá thư ngắn — được phát hành hôm qua — cha mời gọi tất cả các tín hữu cùng đọc Kinh Mân Côi trong tháng này, trong gia đình hoặc là một mình, và đọc một trong hai lời kinh mà cha đã gửi để mọi người sử dụng. Xin Mẹ giúp chúng ta đối phó với thời gian mà chúng ta đang trải qua với nhiều niềm tin và hy vọng hơn.

Cha chúc tất cả anh chị em Tháng Năm hạnh phúc và ngày Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/4/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-22/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-22/4/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-22/4/2020


21 tháng Tư: Có rất nhiều sự yên tĩnh trong thời gian này. Ước mong rằng sự yên tĩnh này, nó có một chút mới lạ so với những gì chúng ta đã quen, dạy chúng ta biết cách lắng nghe. Chúng ta #cùng cầu nguyện để chúng ta có thể phát triển khả năng lắng nghe.

21 tháng Tư: Nhiều thứ có thể chia rẽ cộng đoàn: tiền bạc, tính tự phụ, tin đồn. Nhưng Thần Khí đến để giải thoát chúng ta khỏi những chia rẽ. Chúa Thánh Thần là Thầy của sự hài hòa. Người tạo ra sự hài hòa trong cộng đoàn, vì chính Người là sự hài hòa, hài hòa giữa Chúa Cha và Chúa con. #HomilySantaMarta

21 tháng Tư: Trong thời gian thử thách mà chúng ta đang trải qua, chúng ta có kinh nghiệm về sự mỏng giòn của mình. Chúng ta cần Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu vẻ đẹp vô ngần sau sự mỏng giòn đó. Cùng với Ngài chúng ta tái khám phá mình quý giá biết bao, ngay cả trong sự mong manh của chúng ta.

22 tháng Tư: Trong thời khắc mà sự hiệp nhất giữa chúng ta trở nên vô cùng cần thiết, chúng ta hãy cầu nguyện cho Châu Âu, để châu lục có thể thành công trong trong việc xây dựng sự hiệp nhất huynh đệ mà thế hệ cha ông thành lập đã mơ ước cho Cộng đồng Châu Âu. #PrayTogether

22 tháng Tư: Khi chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, chúng ta trở nên giống như “những con dơi người” chỉ có thể di chuyển vào ban đêm. Chúng ta thấy dễ dàng sống trong bóng tối hơn vì ánh sáng tỏ lộ cho chúng ta thấy những gì chúng ta không muốn nhìn thấy. Nhưng rồi đôi mắt của chúng ta trở nên quen với bóng tối và chúng ta không còn nhận ra được ánh sáng.

22 tháng Tư: Chúng ta hãy cho phép tình yêu của Thiên Chúa - Đấng đã sai Chúa Giêsu Con của Người đến - đi vào trong chúng ta, và giúp chúng ta nhìn thấy bằng ánh sáng của Thần Khí. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi bước đi trong ánh sáng hay trong bóng tối? Tôi là con cái của Thiên Chúa? Hay tôi đã trở nên như một “con dơi” tội nghiệp? #HomilySantaMarta

22 tháng Tư: Ngày Trái đất là cơ hội để canh tân lại cam kết yêu thương ngôi nhà chung của chúng ta, nó không phải là một nhà kho để bóc lột. Chúng ta hãy chăm sóc nó và những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/4/2020]


Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Đại dịch được nhìn dưới mắt của một bác sĩ Công giáo

Đại dịch được nhìn dưới mắt của một bác sĩ Công giáo

Đại dịch được nhìn qua đôi mắt của một bác sĩ Công giáo
Philippe Lissac | Godong

24 tháng Tư, 2020

“Tôi ước tôi luôn có thể cứu sống mạng người, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng có thể.”

Coronavirus tiếp tục gây nên nhiều nạn nhân trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 50.000 người đã chết vì đại dịch, và trong số đó có nhiều bác sĩ bị nhiễm bệnh khi thực hiện công việc anh hùng mỗi ngày trong cuộc chiến cứu mạng người.

Cuộc chiến hàng ngày chống COVID-19 như thế nào đối với một bác sĩ Công giáo?

Bác sĩ Tim Flanigan là một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại các Bệnh viện The Miriam và Rhode Island và là một phó tế của Giáo phận Providence. Ở đây, bác sĩ thổ lộ tâm tình với chúng ta, cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về đời sống riêng của mình, một đời sống đã bị đảo lộn giống như một cơn sóng thần khi tình trạng khẩn cấp sức khỏe quét qua.


Cuộc sống của bác sĩ như thế nào trong suốt những tháng khẩn cấp về sức khỏe này?

BS Tim Flanigan: “Những tuần lễ vừa qua thật khó khăn. Hầu hết thời gian của tôi ở trong nhà thương. Mỗi bệnh nhân khi đến thở hổn hển hoặc thở dốc đều làm nhói tim bạn.

Nhìn vào hồ sơ bệnh án của họ, tôi tự hỏi, ‘Liệu họ sẽ tự phục hồi nhanh chóng hay họ sẽ đi theo chiều hướng ngày càng xấu và cần đặt ống thở và rồi không qua khỏi?”

Đó là một kẻ thù lạ lẫm và không thể đoán trước.

BS Tim Flanigan: “Trong y khoa chúng tôi thường hiểu được tiến trình của các bệnh khá rõ. Khi bệnh ung thư di căn khắp cơ thể, mục tiêu của chúng tôi là kiểm soát cơn đau và làm dịu bớt khi bệnh nhân qua đời.

Khi một bệnh nhân bị suy tim xung huyết giai đoạn cuối và tim không còn hoạt động nữa thì chúng tôi có thể cho về nhà và để họ ra đi với gia đình họ ở bên cạnh.

Đại dịch được nhìn qua đôi mắt của một bác sĩ Công giáo
Bác sĩ Tim Flanigan "Chúng tôi phải hiện diện cùng với bệnh nhân trong khi không để mình trong tình trạng nguy hiểm quá lớn. Thông thường bệnh nhân có gia đình ngồi bên cạnh giường của họ, nhưng thật buồn là điều này bị cắt đứt.”

Với căn bệnh này, người ta không thể dự đoán. Bệnh nhân tỉnh táo và chiến đấu với hơi thở của họ, và một số người vượt qua cho dù rất khó khăn, và đó là điều rất đẹp, nhưng những người khác thì không.

Các bác sĩ muốn kiểm soát và muốn biết quá trình của bệnh. Nó đem đến cho chúng tôi sự chắc chắn và tự tin và giúp chúng tôi chăm sóc cho bệnh nhân và gia đình. Chúng tôi không có được điều này khi bệnh nhân của chúng tôi đến với bệnh viêm phổi Covid. Nhiều người vượt qua rất tốt trong hơn một tuần, không phải là một tiến trình khó, … những người khác tình trạng đột nhiên xấu đi vào giữa đêm trong khi hôm trước tình trạng của họ khá tốt.


Các bác sĩ đã thử những liệu pháp gì?

BS Tim Flanigan: “Chúng tôi thử các liệu pháp thử nghiệm. Chúng tôi bận rộn với các thử nghiệm Remdesivir và với huyết tương từ những bệnh nhân đã phục hồi và với hydroxychloroquine, và tất cả chúng tôi đều đưa ra những ý tưởng mới có thể có ích hoặc có thể không. Điều này thật đẹp, vì nó giúp chúng tôi tiến tới. 

Y học và khoa học tiến bộ trong từng bước nhỏ, không phải trong những bước nhảy vọt và vượt bậc. Các ý tưởng mới đều được chào đón vì chúng tôi có rất ít công cụ trong hộp dụng cụ của mình. Chúng tôi tìm cách thử và tìm thuốc ‘penicillin’ cho bệnh viêm phổi này nhưng chúng tôi không có. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phát triển được một loại vaccine và đây sẽ là công cụ hữu hiệu của chúng tôi.


Phần khó khăn nhất của bác sĩ khi đối phó với các bệnh nhân COVID là gì?

BS Tim Flanigan: “Hiện tại, Chúng tôi phải hiện diện cùng với bệnh nhân trong khi không để mình trong tình trạng nguy hiểm quá lớn. Thông thường bệnh nhân có gia đình ngồi bên cạnh giường của họ, nhưng thật buồn là điều này bị cắt đứt.


Thiên Chúa hiện diện như thế nào giữa quá nhiều đau khổ như vậy?

BS Tim Flanigan: “Một trong những bệnh nhân của tôi trải qua quá trình bệnh rất khó khăn đã cảm nhận mạnh mẽ sự hiện diện của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu ở với ông ta xuyên suốt quá trình. Ông ta sợ hãi và bất an nhưng có một sự chắc chắn trong lòng rằng ông ta sẽ vượt qua. Đức tin của chúng tôi trong thời gian này không là trừu tượng và nó cũng không phải là một ý tưởng. Đó là một thực tại cụ thể.

Chúa Giêsu đang sống. Mẹ Maria Thân Mẫu Ngài đang sống. Sự sống đời đời không phải là một khái niệm siêu hình hay triết học. Nó là một thực tại thật.

Nếu một người bị mù và nghe thấy giọng nói của anh chị em của mình, anh ta có hoài nghi về việc họ đang thật sự sống không? Không. Anh ta có thể chạm vào họ và anh ta có thể nghe thấy họ nhưng anh ta không thể nhìn thấy họ. Chúng ta phải mở đôi tai của tâm hồn mình và chúng ta phải nhìn thấy bằng linh hồn của mình, và chúng ta nhận thức được sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu là Đấng sống lại và là lòng thương xót của Chúa theo đúng ý nghĩa đang ở bên chúng ta.

Đối với tôi, đây là con đường duy nhất phía trước.

Có tình bằng hữu với Chúa Giêsu và Mẹ Maria có nghĩa là phải cảm nhận sự đau đớn, đồng thời mở tâm hồn đón nhận niềm vui. Điều đó là khó khăn đối với tâm hồn con người. Bước đầu tiên trong tình bằng hữu là xin Chúa Giêsu và Mẹ Maria hãy là bạn của anh. Xin điều này chỉ là một bước nhỏ nhưng là bước đi đầy sức mạnh. Đây là con đường phía trước.


Bác sĩ có sợ không?

BS Tim Flanigan: “Những giấc mơ của tôi khá nặng nề, chúng kể cho tôi biết những lo lắng đè nặng tôi nhiều hơn mức tôi chấp nhận. Nhưng giới bác sĩ rất cứng cỏi và chúng tôi không muốn thừa nhận điểm yếu của mình với bất kỳ ai! Nói chung tôi đang làm rất tốt. Đi bộ và chạy và ăn như điên, vì vậy đây là thời điểm thuận tiện để tăng cân, và nó là dấu hiệu của sự chữa lành trong tâm hồn, và đọc Kinh Mân côi.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2020]


Đức Giám mục Ý thông báo Thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus

Đức Giám mục Ý thông báo thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus

21 tháng Tư, 2020
Đức Giám mục Ý thông báo Thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus
PxFuel, Public Domain / Diocese of Andria, Screenshot

Thánh tích Gai Thánh lưu giữ trong Nhà thờ Chính tòa Andria đã đổi màu, theo Đức Giám mục Luigi Mansi thuộc Tổng Giáo phận Andria, Ý.

Lịch sử của Gai Thánh

Thánh tích thuộc mão gai ban đầu của Chúa Giêsu. Nhà thờ Chính tòa Andrea lưu giữ thánh tích “từ năm 1308, như nhiều người biết, một Thánh tích cao quý trong cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, đó là một trong những mũi gai kết hình thành vương miện đội lên đầu Đấng Cứu Thế,” Đức Giám mục Mansi nói.

Truyền thống nói rằng vẻ bề ngoài của thánh tích thay đổi khi ngày Lễ Trọng Truyền tin (25 tháng Ba) rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Trong những dịp đó, như Tổng Giáo phận Andria bình luận, “Gai Thánh đột ngột thay đổi màu bên ngoài và trải qua sự biến đổi.”

Trong quá khứ, “những giọt máu tươi màu trở lại, làm sống động màu sắc những điểm trên đầu Mũi [gai],” và “xuất hiện sự hình thành vùng màu trắng bạc rộng vài milimet,” và thậm chí có hiện tượng “nở hoa bất ngờ.”

Mũi gai bắt đầu đổi màu trong Tuần Thánh năm 2020

Vì các nhà thờ phải đóng cửa và nhà thờ chính tòa trống vắng, Đức Giám mục đưa thánh tích Gai Thánh đến nhà nguyện riêng của tòa giám mục, là nơi ngài dâng Lễ hàng ngày.

“Từ những ngày đầu của Tuần Thánh, quan sát tình trạng của thánh tích, tôi để ý thấy nó đổi màu khác với màu bình thường, và đặc biệt, nó trở nên sáng hơn một chút,” Đức Giám mục Mansi nói trong thông cáo ngày 18 tháng Tư.

Vì lý do này, đức giám mục mời Bác sĩ Antonio Riezzo và Bác sĩ Silvana Campanile đến quan sát mũi gai. Các chuyên gia này sống gần tòa giám mục, và là thành viên của Ủy ban Y khoa Đặc biệt.

Cùng với những quan sát thêm của các giáo sĩ khác, Đức Giám mục Mansi nói “những gì xảy ra ở dưới được kiểm chứng rất kỹ bởi năm báo cáo kiểm tra bất thường của tôi và của lịch sử được chuẩn bị bởi Bác sĩ Silvana Campanile. Những tài liệu này được lưu trong văn khố của Tòa Giám mục.”

Dưới đây là các ảnh thánh tích:

Đức Giám mục Ý thông báo Thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus
Đầu mũi gai sậm màu, Giáo phận Andria, Screenshot

Đức Giám mục Ý thông báo Thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus
Đầu mũi sáng hơn màu bình thường, Giáo phận Andria, Screenshot

Đức Giám mục Ý thông báo Thánh tích Gai Thánh đổi màu trong đại dịch Coronavirus
Đầu mũi gai sáng hơn màu bình thường, Giáo phận Andria, Screenshot

Tại sao thánh tích chuyển màu?

Theo đức giám mục, đây không phải là lần đầu tiên Gai Thánh trở nên một dấu chỉ phi thường. Điều tương tự cũng đã xảy ra trong cùng các ngày lễ trùng lặp của năm 2005 và 2016.

Theo truyền thống, ngày 25 tháng Ba (Kính trọng thể Lễ Truyền tin) rơi vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh “thể hiện rằng Đức Kitô là ánh sáng đi vào để soi sáng thế gian, nhưng cũng là Chiên Con bị sát tế để cứu chuộc nhân loại và khôi phục sự tự do trọn vẹn cho nhân loại.”

Tuy nhiên, năm nay Đại lễ Truyền tin và Thứ Sáu Tuần Thánh không rơi vào cùng ngày 25 tháng Ba. Gai Thánh đột ngột chuyển màu trong Tuần Thánh. Tại sao?

Đức Giám mục Mansi: “Chúa không bỏ rơi chúng ta”

Đức Giám mục nói, “Trong khi chúng ta cử hành mầu nhiệm đau khổ cứu chuộc của Đức Kitô, chúng ta hiểu rằng Chúa không bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài muốn thể hiện sự gần gũi trong thời khắc thử thách này theo một cách đặc biệt, khi cả Giáo hội và thế giới, chúng ta đang sống bao trùm trong sự lo lắng và nỗi sợ hãi.”

“Nhiều anh chị em của chúng ta chịu đau khổ theo nhiều cách khác nhau: căn bệnh mang trong chính cơ thể mình hoặc là bởi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, cái chết của những người thân yêu và không thể đồng hành cùng họ … sống nhiều tuần lễ cách ly tại nhà … phải dừng việc đến nhà thờ cầu nguyện và cử hành các bí tích.

“Tôi tin rằng Chúa muốn nói với chúng ta rằng cuộc Khổ nạn của Ngài còn tiếp tục trong sự đau khổ của nhiều người nam và nữ trên khắp thế giới. Nhưng cuộc Khổ nạn này, cũng như của anh chị em, tuy là đau đớn, nhưng không phải là lời cuối cùng, vì lời cuối cùng luôn luôn là lời của sự sống và hy vọng.

“Đó là lời của Phục sinh, lời của sự Sống lại, lời chiến thắng sự chết của Đức Kitô và lời cứu chuộc cho toàn nhân loại.”

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và cứu chúng con thoát khỏi đại dịch này!



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2020]