Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Wanda Półtawska, người bạn của Đức Gioan Phaolô II: “Rất nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết trên đầu gối quỳ xuống của một người”

Wanda Półtawska, người bạn của Đức Gioan Phaolô II: “Rất nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết trên gối quỳ xuống của con người”


Trong cuộc phỏng vấn dành riêng nhân dịp sinh nhật lần thứ 100, bà Wanda Półtawska nổi tiếng vì sống sót thoát khỏi trại tập trung Ravensbrück thảo luận về tình bằng hữu của bà với vị thánh người Ba Lan, Đệ Nhị Thế chiến, sự vượt trội của khoa học và sự cần thiết cho các thế hệ thánh nhân mới.
Wanda Półtawska, người bạn của Đức Gioan Phaolô II: “Rất nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết trên đầu gối quỳ xuống của một người”Wanda Półtawska, ở giữa, chuyện trò với người bạn thân của bà là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cùng với chồng của bà là triết gia Andrzej Półtawski, ông qua đời năm 2020. (photo: Courtesy of Wanda Półtawska)

Solène Tadié

Interviews

3 tháng Mười Một, 2021


KRAKOW, Ba Lan — Wanda Półtawska là một trong những chứng nhân sống vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Bà đã trực tiếp trải qua sự tàn bạo của các chế độ toàn trị của Đức Quốc xã và cộng sản và là người sống sót cuối cùng trong số 74 phụ nữ Ba Lan bị đưa đến trại tập trung Ravensbrück trong Thế chiến thứ hai và là đối tượng bị thí nghiệm y khoa.

Thử thách không lời nào diễn tả được mà bà đã trải qua ở tuổi 20 vì đã hỗ trợ cuộc kháng chiến Ba Lan (và đó là điều bà thuật lại trong quyển sách And I Am Afraid of My Dreams (Và tôi sợ những giấc mơ của mình - ND) đã khiến bà trở thành một người bảo vệ không mệt mỏi cho sự sống và phẩm giá con người. Đó là cuộc chiến bà đã chiến đấu trong suốt sự nghiệp là bác sĩ tâm lý lâu dài của mình.

Tên khai sinh là Wanda Wojtasik và bà sinh ngày 2 tháng Mười Một năm 1921, tại Lublin, Ba Lan, bà nhận bằng y khoa tại Đại học Jagiellonian Krakow năm 1951 và bằng tiến sỹ tâm thần học năm 1964. Ít năm sau, bà tham gia thành lập Viện Thần học về Gia đình tại Viện Thần học Giáo hoàng ở Krakow (sau này trở thành Đại học Giáo hoàng Gioan Phaolô II), một viện bà đã điều hành hơn 30 năm. Bà cũng từng là giảng viên đại học về y học mục vụ tại Viện Gioan Phaolô II ở Roma.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của bà, Register đã ngồi chuyện trò với bà trong căn hộ của bà ở Krakow, tìm kiếm góc nhìn của bà về hiện trạng của thế giới. Bà cũng nhìn lại những kỷ niệm đẹp của mình về một số sự kiện trọng đại nhất của thế kỷ 20 và tình bằng hữu của bà với Thánh Giáo hoàng người Ba Lan.

*****

Kỷ niệm về thời thơ ấu của bà ở Ba Lan trước khi chiến tranh nổ ra là gì?

Khi còn là một thiếu nữ cho đến năm 17 tuổi, tôi sống ở Lublin, một thành phố thánh thiện, với những con người thánh thiện; việc phá thai thực sự không tồn tại. Tôi đã sống gần như trên thiên đường trong 17 năm. Mọi thứ đều thay đổi cùng với chiến tranh. Tôi đang học năm cuối trung học thì chiến tranh nổ ra, và tôi không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tôi không có cơ hội vào đại học ngay khi đó. Tôi tiếp tục việc học của mình sau khi rời khỏi trại tập trung Ravensbrück.

Ba Lan đã ở trong một cuộc chiến thế thủ chống lại Đức trong nhiều thế kỷ. Lịch sử của đất nước tôi luôn nói về việc bảo vệ nền tự do của Ba Lan chống lại quân Đức, một cuộc chiến đã bị thất bại trong Đệ nhị Thế chiến. Tôi phải nói rằng người dân Ba Lan đã phản ứng rất tốt trước cuộc xâm lược của Đức. Họ là những anh hùng. Họ muốn bảo vệ Ba Lan, đặc biệt là thông qua ZWZ (Liên minh Đấu tranh Vũ trang - ND), sau này được gọi là Armia Krajowa. Tôi là một hướng đạo sinh từ sinh nhật thứ sáu của tôi cho đến khi chiến tranh. Khẩu hiệu của các hướng đạo sinh là: “Thiên Chúa, tổ quốc, danh dự.” Đây là những từ ngữ tôi ghi nhớ cả đời.


Thật không may, với sự thất bại trước chủ nghĩa Quốc xã, những khốn khó của người dân Ba Lan đã không dừng lại.

Lịch sử của Ba Lan trong thế kỷ 20 được đánh dấu bằng cuộc chiến đấu lâu dài giữa quỷ Lucifer và Thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, giữa thiện và ác. Tôi nghĩ rằng Chiến tranh thế giới thứ hai thật sự không bao giờ kết thúc, vì ngay sau khi giải phóng khỏi chế độ Đức Quốc xã, Ba Lan ngay lập tức bị chính thể cộng sản Liên Xô chế ngự.

Sau khi chiến tranh kết thúc, UB [cơ quan mật vụ của chế độ cộng sản] ngay lập tức được thành lập. Là một cựu tù nhân của trại tập trung Ravensbrück, tôi không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống. Rất nhiều bạn bè của tôi đã biến mất trong tù. Tôi vẫn còn là một sinh viên khi tôi trở về từ Ravensbrück, nhưng các thầy cô giáo của tôi, những phụ nữ trưởng thành, ngay lập tức bị UB bắt giữ.


Tại sao bà quyết định học y khoa và trở thành một người chữa lành các linh hồn, trở thành một bác sĩ tâm lý?

Khi tôi từ trại Ravensbrück trở về, tôi biết rằng chúng tôi phải đào tạo, giáo dục các nhà giáo và giới cha mẹ trước tiên, sau đó mới đến trẻ em, bởi vì trẻ không biết chúng là ai. Tôi nghĩ môn tâm thần học đã biết điều gì đó về con người. Nhưng bây giờ tôi không biết nữa. Tôi không coi mình là bác sĩ linh hồn bởi vì tôi không thể chạm vào linh hồn của bạn. Nhưng tôi là một bác sĩ biết rằng mọi bệnh nhân đều có một linh hồn — và rất nhiều đồng nghiệp của tôi không biết điều này. Họ coi bệnh nhân như một thân xác cần được chữa lành, điều đó là sai, bởi vì chúng ta không phải là một thân xác. Chúng ta có một thân xác. Con người luôn chịu sự điều chỉnh của tinh thần. Cơ thể con người luôn luôn lệ thuộc vào tinh thần ... vào Chúa Thánh Thần, hay tinh thần của thế gian này.

Tôi từng là một bác sĩ luôn có rất nhiều bệnh nhân. Tôi luôn có một hàng dài bệnh nhân, bởi vì tôi đưa cho họ điều mà không ai cho họ, điều mà họ không được học ở gia đình hoặc ở trường. Họ không biết họ từ đâu đến hoặc tại sao họ tồn tại.

Thật ra, tôi không muốn trở thành bác sĩ, nhưng tôi bị thúc đẩy bởi sự hiểu biết rằng bạn không thể giết bất cứ người nào vì điều đó trái với luân lý Công giáo. Ngày nay, xã hội của chúng tôi không còn biết đến luân lý Công giáo đích thực nữa. Người cộng sản đã vứt bỏ luân lý, lịch sử. Hầu như không có các lớp học luân lý trong trường học nữa. Khi còn là sinh viên y khoa, tôi đã từng có trọn một năm học môn luân lý, môn này sau đó bị bãi bỏ vì thiếu giáo viên. Sinh viên y khoa ngày nay rất hời hợt; họ không biết gì về luân lý.


Bà đã giảng dạy nhiều năm tại trường đại học. Chắc chắn bà có cơ hội để định hình lương tâm của các sinh viên qua nhiều năm, truyền đạt những nguyên tắc luân lý vững chắc.

Khi tôi gặp gỡ các tân sinh viên mỗi năm, tôi nói với các em: “Cô không biết gì về các em. Nhưng cô biết một điều về tất cả các em: Tất cả các em đều phải chết. Và nếu các em quên điều này, các em bị lạc lõng. Cô không biết các em sẽ làm gì với cuộc sống của mình, nhưng một điều hoàn toàn đúng ngày hôm nay là một ngày nào đó các em sẽ chết.” Đó là suy nghĩ quan trọng nhất cần ghi nhớ trong đầu, nhưng ngày nay không ai muốn nghĩ về nó nữa. Hiện nay, tất cả mọi người đều vô cùng sợ hãi con virus. Nó chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì bạn không thể tránh khỏi bệnh tật. Không một ai có thể quyết định không phải chết.

Đức Karol Wojtyła, khi còn là một linh mục, từng dạy rằng một người sẽ chết vào thời điểm phù hợp với người đó vì Thiên Chúa tốt lành. Nếu Chúa biết thì không cần phải đối phó với nó. Và bây giờ ai cũng sợ chết. Tại sao? Bạn không biết rằng bạn rồi phải chết? Con người phải chuẩn bị cho cái chết, không sợ hãi nó.


Bà đã xuất bản quyển hồi ký sau khi sự an tử bắt đầu được thúc đẩy trong các xã hội phương Tây. Đây là thời điểm ngẫu nhiên, hay nó là bối cảnh lịch sử đã thúc đẩy bà nói về kinh nghiệm khôn tả của bà ở trại Ravensbrück?

Tôi được thúc đẩy bởi thực tế là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn các bác sĩ thành lập một tổ chức toàn cầu để gây ảnh hưởng đến công luận. Ngài rất muốn điều đó, nhưng nó không bao giờ được thực hiện, không ở Ba Lan, không ở Ý, cũng không ở bất kỳ quốc gia nào còn lại của Châu Âu. Trong thế giới vật chất này, nếu không có đủ người, không thể làm được gì.

Nếu như Đức Thánh Cha tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới lần đầu tiên [vào năm 1985], trong khi chưa có ai làm điều đó trước ngài, thì đó là vì khi sống ở Krakow, ngài hiểu rằng toàn thế giới đang thay đổi quá nhiều đến mức người ta không còn biết sống như thế nào. Con người không còn ý thức về phẩm giá con người — việc giết trẻ em được tất cả các nước phương Tây chấp nhận. Ngài luôn chiến đấu chống lại điều đó, cho đến hơi thở cuối cùng.

Thật đáng buồn, ngày nay không còn nhiều con người dũng cảm trên thế giới này. Thiếu những dân tộc mạnh mẽ và những vị thánh mới. Thiếu những người nam giới trưởng thành khôn ngoan. Chúng ta cần sự mạnh mẽ chứ không cần quá nhiều sức mạnh thể lực, vì đàn ông bây giờ bị ám ảnh bởi máy móc nhiều hơn, nhưng ít nhất là sức mạnh tâm lý.


Những nhận xét của bà khá bi quan.

Đức Gioan Phaolô II là người lạc quan. Ngài tin rằng thế hệ của các anh sẽ thay đổi nền văn minh mà chúng tôi gọi là nền văn minh của cái chết để chuyển sang nền văn minh của sự sống.

Tôi không lạc quan như ngài vì tôi là bác sĩ tâm lý, và tôi biết những điều khủng khiếp mà con người có thể làm với khoa học, những điều còn tồi tệ hơn cả loài vật. Con người còn nguy hiểm hơn loài vật.


Chúng ta không sống trong các chế độ toàn trị thực sự ở phương Tây, nhưng một số người trí thức mô tả một loại chủ nghĩa toàn trị mềm đang phổ biến ngày nay. Chúng ta không còn bị tống vào tù vì ý tưởng của mình nữa, nhưng người ta có thể mất việc làm, đời sống xã hội, địa vị và danh tiếng vì điều này. Quan điểm của bà là gì?

Thật ra, tôi muốn nói rằng các xã hội phương Tây đang bị thử thách, bây giờ có lẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người. Tôi tin chắc rằng mọi điều chúng ta đang trải qua, bao gồm cả cuộc khủng hoảng sức khỏe, là một phép thử cho nền văn minh của chúng ta. Phản ứng của chúng ta đối với những gì đang xảy ra đang được thử thách; nó là một phép thử hiệu quả cho xã hội của chúng ta. Nhưng những người đơn độc sẽ không thể tạo ra sự khác biệt; phải thành lập được các nhóm mạnh hơn.

Hoán cải vẫn là chìa khóa cho tất cả những điều này, nhưng bây giờ con người không còn tin vào khả năng thay đổi. Chẳng hạn, họ không tin vào bí tích sám hối và hòa giải. Các linh mục, những người được Chúa tuyển chọn, trao cho tất cả những người tội lỗi chúng ta cơ hội vào thiên đàng.

Và bây giờ thậm chí có những giám mục không tin vào sự sám hối và hòa giải tội lỗi. Nếu họ cũng không hỏi về những tội lỗi đã phạm 20 năm trước, thì họ không tin vào bí tích hòa giải này. Họ bị mù, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói. Ngài khuyên nhủ: “Hãy mở rộng đôi mắt linh hồn của bạn để nhìn thấy một điều gì đó bên ngoài thân xác.” Đây là vấn đề. Rất nhiều người của Giáo hội đã trở nên mù quáng. Họ phải mở rộng đôi mắt linh hồn để nhìn xa hơn — bởi vì, thực tế là rất nhiều vấn đề chỉ có thể giải quyết trên đầu gối quỳ xuống của con người.


Rất nhiều người được cho là đã gạt lòng nhân ái của họ sang một bên trong Thế chiến thứ hai, đặc biệt là Đức Quốc xã trong các trại tập trung. Làm thế nào bà tìm thấy sức mạnh để tiếp tục đấu tranh cho nhân phẩm sau khi chứng kiến những điều tồi tệ nhất của con người?

Nhiều người nói rằng, trong chiến tranh, nhân loại lạc lối. Nhưng đây không phải là trường hợp đó. Người ta không bao giờ có thể không còn là con người. Tông huấn Veritatis Splendor nhắc nhở chúng ta về điều này. Người ta không thể chuyển từ con người sang thú vật, ngay cả khi một người có thể sống theo cách đó. Vào tháng Tám, vị linh mục Ba Lan khôn ngoan nhất [người đương thời], Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser, cũng là một bác sĩ, đã qua đời. Tôi chắc chắn ngài là một vị thánh. Chồng tôi [triết gia quá cố Andrzej Półtawski] nói rằng ngài là người khôn ngoan nhất mà anh ấy đã quen trong Đệ nhị Thế chiến. Một ngày nọ, trong một bài giảng cho các bác sĩ nhân ngày lễ của bệnh nhân ở Ba Lan, ngài nói rằng bây giờ y học nên chuyển sang khoa học thú y vì con người không còn sống như con người mà giống như loài thú. Quá nhiều người không còn sử dụng bộ não, ý chí tự do của họ. Đức Tổng Giám mục Hoser từng nói rằng “ý thức phải được rèn luyện thật tốt.”

Tinh thần trách nhiệm đang thiếu, điều này là thật. Quả thật một người có thể không phát triển nhân tính của mình, nhưng anh ta không thể biến mình thành một con khỉ đột. Trong trường hợp cụ thể của các trại tập trung, tôi có thể nói rằng, trái ngược với những gì anh có thể nghĩ, tôi đã chứng kiến nhiều con người nhân ái và anh dũng ở đó trong thời gian bị giam giữ hơn là trong suốt phần đời còn lại của tôi. Tôi cũng có thể nói rằng có nhiều người ngu ngốc trong số các giáo sư ở đại học hơn là giữa những người dân quê mộc mạc. Khoa học không phải là sự khôn ngoan.


Lời khuyên của bà dành cho những người có đức tin đang đấu tranh để bảo vệ các giá trị ngày càng ít được chia sẻ trong xã hội ngày nay là gì?

Nhân loại phải tìm lại sự khôn ngoan — không phải sự khôn ngoan của con người, mà là sự khôn ngoan của nước Trời. Đức Gioan Phaolô II đã viết một câu tóm gọn tất cả sự khôn ngoan của ngài: persona humana in fieri est. Có nghĩa là con người không bao giờ là hoàn hảo cũng như không tự nhiên là thánh, nhưng luôn phải thay đổi mỗi ngày. Ngài dạy rằng mỗi ngày bạn có nghĩa vụ thay đổi một lần nữa, để được tái sinh lần thứ hai từ Thần Khí.

Anh phải lựa chọn, và thực sự, tất cả chúng ta luôn phải đưa ra những lựa chọn. Ngày nay, rất nhiều người nói những câu như “Tôi chúc bạn mọi điều tốt lành.” Ngày nay mọi người nói với những khẩu hiệu đó, không có sự khôn ngoan. Không ai có thể có tất cả mọi thứ. Tôi không muốn mọi thứ. Tôi muốn một điều tốt cho tôi.

Vậy chúng ta có thể làm gì? Hãy học hỏi! Đức Gioan Phaolô II đã từng khuyến khích: “Hãy học hỏi; học tập!” Chúng ta phải học cách yêu thương, học cách tin tưởng. Ngày nay, có quá nhiều người nghĩ rằng họ biết tất cả mọi thứ, nhưng họ không có sự khôn ngoan. Không một người khôn ngoan nào lại tuyên bố mình biết mọi thứ bởi vì điều đó là không thể.


Bà đã có một tình bạn rất sâu sắc với Thánh Gioan Phaolô II. Bà miêu tả đóng góp của ngài cho thế giới và cho thần học Công giáo như thế nào?

Khi Cha Wojtyła trở thành tổng giám mục Krakow, cha đã tổ chức một Học viện Giáo hoàng về Thần học và Gia đình, trong đó tôi là giám đốc và là nhà giáo cho triết học của ngài. Đó là một sáng kiến nền tảng. Ngài dạy rằng trẻ em vô tội nhưng người lớn phải chịu trách nhiệm và không chịu trách nhiệm về chúng. Thiếu những người đàn ông trưởng thành, biết hành động để bảo vệ sự sống con người. Tại sao bạn còn sống? Chúa không tạo dựng nên bạn [trong sự đơn độc] — điều đó không đúng. Thiên Chúa không muốn một mình Người tạo dựng; Người làm điều đó qua một người cha và một người mẹ, nếu không có họ thì không có đứa trẻ nào tồn tại. Tất cả những chính trị gia chống lại sự sống đều không biết rằng chính họ là người trao sự sống cho con cái họ. Những đứa trẻ bị giết vì phá thai từ đâu đến? Chẳng lẽ chúng từ trên trời rơi xuống chăng?


Bà có kỷ niệm gì đẹp nhất của bà về Đức Gioan Phaolô II trong những năm cuối đời của ngài?

Trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi về những năm cuối đời của Đức Gioan Phaolô II là cái ngày nổi tiếng, khi chúng tôi ăn trưa với nhau, một sinh viên của tôi gọi điện thoại đến cho tôi nói rằng chúng tôi đã thất bại trong Quốc hội Ba Lan, nơi cho phép giết những trẻ em bị bệnh [Bác sĩ Półtawska đang đề cập đến một đạo luật được Quốc hội Ba Lan biểu quyết vào năm 1993]. Không thể giết những đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng những đứa trẻ ốm yếu có thể giết. Tôi nhận được cuộc điện thoại từ Krakow: “Bác sĩ ơi, chúng ta đã thua …”

Đây là lần đầu tiên tôi thấy Đức Thánh Cha đập tay xuống bàn, thốt lên: “Các bác sĩ nhi khoa ở đâu? Tại sao họ không bảo vệ những đứa trẻ bị bệnh?” Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tìm bác sĩ nhi khoa, nhưng đây chỉ là công việc chính trị. Trở lại Krakow, chúng tôi đã cố gắng tác động đến chính phủ. Cuối cùng, bây giờ, chúng tôi chiến thắng [Bác sĩ Półtawska đề cập đến phán quyết gần đây của Tòa án Hiến pháp Ba Lan rằng luật cho phép phá thai vì những bất thường của thai nhi là vi hiến], nhưng câu chuyện này vẫn rất đáng buồn vì khoảng một nửa số chính trị gia Ba Lan ủng hộ việc giết những đứa trẻ bị bệnh.

Nhưng phần còn lại của phương Tây các anh, các anh cũng giết những đứa trẻ khỏe mạnh! Tại sao lại cho phép việc giết người này? Tôi nhắc lại: nếu anh nhớ rằng anh phải chết, anh hãy nghĩ về điều đó ở đây trên trái đất này. Nếu anh không nghĩ đến cái chết, anh sẽ sống như một kẻ ngốc. Đức Thánh Cha từng nói với tôi rằng sự ngu ngốc là một trọng tội bởi vì bạn có một trí óc, và bạn phải là một con người, không phải là một con vật. Vì vậy, đó là lỗi của anh nếu anh đưa ra những quyết định sai lầm.


Vào ngày rất đặc biệt này đối với bà, bà có thông điệp cụ thể nào dành cho độc giả của Register không?

Tôi được Chúa ban cho món quà được sinh ra trong thời đại này, không phải trước, không phải sau. Nhưng các bạn, trong rất nhiều trường hợp các bạn không biết mình được sinh ra như thế nào, trước tiên hãy tự hỏi bản thân bạn là ai, tại sao là bạn, tại sao bạn tồn tại.

Hãy tìm chương trình của Chúa dành cho bạn.

Bạn không chịu trách nhiệm cho đất nước của bạn, cho lục địa của bạn, bạn không. Bạn chịu trách nhiệm với chính bản thân. Nếu bạn không thánh thiện, bạn đáng trách chứ không ai khác.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2021]


Thông điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi người Hindu nhân dịp lễ Deepavali, 29.10.2021

Thông điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi người Hindu nhân dịp lễ Deepavali, 29.10.2021

Thông điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi người Hindu nhân dịp lễ Deepavali, 29.10.2021

[B0703]



Lễ hội Diwali được tổ chức bởi tất cả những người theo đạo Hindu và được gọi là Deepavali hay “hàng đèn dầu”. Về mặt biểu tượng dựa trên một thần thoại cổ đại, nó tượng trưng cho sự chiến thắng của sự thật trước sự giả dối, chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của sự sống trước cái chết, của cái thiện trước cái ác.

Lễ hội thực sự kéo dài ba ngày, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới, hòa giải gia đình, đặc biệt là giữa anh chị em và thờ Thần linh.

Năm nay lễ hội sẽ được nhiều người Hindu tổ chức vào ngày 4 tháng Mười Một.

Nhân dịp này, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã gửi đến họ một Thông điệp với chủ đề: “Người Kitô giáo và người Hindu: chúng ta cùng nhau mang ánh sáng đến trong cuộc sống con người giữa lúc tuyệt vọng”.

Dưới đây chúng tôi công bố Thông điệp bằng tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Hindi:

*****

Văn bản bằng tiếng Anh

Người Kitô giáo và người Hindu: cùng nhau mang ánh sáng đến trong cuộc sống con người giữa lúc tuyệt vọng

Các bạn Hindu thân mến,

Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi lời chào thân ái nhất tới các bạn nhân dịp lễ Deepavali vào ngày 4 tháng Mười Một năm nay. Ước mong rằng tổ chức ngày lễ này thậm chí giữa những lo lắng và bất an phát sinh từ đại dịch hiện tại, và những khủng hoảng trên toàn thế giới do hậu quả của nó, thắp sáng đời sống, gia đình và cộng đồng của các bạn với niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn!

Bên cạnh những vết sẹo còn nguyên vẹn trong tâm trí chúng ta về làn sóng bùng phát đại dịch lần thứ nhất và thứ hai đã làm đảo lộn đời sống và sinh kế của con người, theo cách này hay cách khác, trong tất cả chúng ta đều mang cảm giác cam chịu, tuyệt vọng và ngã lòng ở những mức độ khác nhau, bất cứ khi nào những sự tàn phá xảy ra trên toàn trái đất do các yếu tố khác nhau, từ khủng bố đến suy thoái sinh thái. Những điều này không chỉ gây ra nỗi sợ hãi cho con người mà còn làm họ thêm đau khổ và tuyệt vọng. Chính trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn chia sẻ với các bạn một số suy tư - hợp với truyền thống trân quý của chúng ta - về cách thức chúng ta là người Kitô giáo và đạo Hindu có thể mang ánh sáng hy vọng đến trong cuộc sống của mọi người trong những thời điểm đầy thử thách như vậy.

Giữa những đám mây đen của đại dịch hiện nay đã gây đau khổ và tổn thương không sao kể xiết cho con người, có những tia sáng ngời của tình liên đới và huynh đệ, khả năng của chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có thể ‘cùng nhau’ và vượt qua mọi khủng hoảng với quyết tâm và tình yêu, ngay cả những điều tưởng như không thể vượt qua. Sức mạnh của tình liên đới được kích hoạt trong việc giảm bớt những đau khổ và hỗ trợ người túng thiếu, nó còn mạnh hơn thế nữa với đặc tính liên tôn và tính trách nhiệm, mang lại ánh sáng hy vọng bằng cách đưa ra bằng chứng về phản ứng mà các tín đồ của tất cả các truyền thống tôn giáo được kêu gọi thực hiện trong những thời gian tuyệt vọng và bóng tối. Việc mang đến ánh sáng trong cuộc sống của con người thông qua tình đoàn kết liên tôn cũng khẳng định sự hiệu quả và năng động của các truyền thống tôn giáo trong xã hội.

Nhận thức ngày càng lớn hơn về sự cần thiết được ở cùng với và thuộc về nhau trong thời kỳ đại dịch hiện nay đòi hỏi càng ngày càng phải tìm ra những con đường mang đến ánh sáng hy vọng ở nơi có sự bất hòa và chia rẽ, sự hủy diệt và tàn phá, sự nghèo khổ và sự mất nhân tính. Chỉ khi chúng ta ý thức sâu sắc hơn rằng chúng ta đều là một phần của nhau, rằng chúng ta là anh chị em của nhau (xem Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Fratelli Tutti - Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, ngày 3 tháng Mười năm 2020) và rằng chúng ta có trách nhiệm chung đối với nhau và đối với hành tinh, là ‘ngôi nhà chung’ của chúng ta, thì chúng ta mới có khả năng đưa chúng ta thoát khỏi bất kỳ sự tuyệt vọng nào. Ngoài ra, với sự tương thuộc lẫn nhau và làm việc trong tình đoàn kết với người khác, chúng ta sẽ vượt qua mọi cuộc khủng hoảng cách tốt hơn. Ngay cả những vấn đề toàn cầu cấp bách có nguy cơ phá vỡ sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, và sự chung sống hòa hợp của con người như sự biến đổi khí hậu, chủ nghĩa tôn giáo bảo thủ, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự bài ngoại cũng có thể được giải quyết cách hiệu quả vì đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Trong thời kỳ khủng hoảng, khi các truyền thống tôn giáo - là những kho lưu giữ sự khôn ngoan hàng thế kỷ - có sức mạnh vực dậy tinh thần đang suy sụp của chúng ta, chúng cũng có khả năng giúp các cá nhân và cộng đồng định hướng lại la bàn cuộc sống của họ với niềm hy vọng, với tầm nhìn vượt xa hơn sự tuyệt vọng trong hiện tại của họ. Trên hết, những truyền thống đó hướng dẫn và mời những các tín đồ hãy tiếp cận với những người cảm thấy vô vọng, sử dụng mọi cách trong khả năng, để mang đến cho họ niềm hy vọng.

Do đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng có trách nhiệm nuôi dưỡng tinh thần huynh đệ giữa các tín đồ của họ nhằm giúp họ tiến bước và làm việc cùng với những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và tai ương thuộc mọi hình thức. Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, tình huynh đệ, “là phương thuốc thực sự cho đại dịch và nhiều sự dữ đã ảnh hưởng đến chúng ta” (Diễn văn trước các Thành viên của Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh, ngày 8 tháng Hai năm 2021). Có trách nhiệm với nhau về mặt liên tôn giáo là một phương tiện vững chắc để củng cố tình liên đới và huynh đệ giữa chúng ta, và mang lại sự trợ giúp cho những người ưu sầu, và niềm hy vọng cho những người đau khổ.

Là những tín đồ dựa trên nền tảng truyền thống tôn giáo riêng của chúng ta và là những người có tầm nhìn chung và trách nhiệm chung đối với nhân loại, đặc biệt là nhân loại đang đau khổ, ước mong rằng người Kitô giáo và người Hindu chúng ta, theo cách cá nhân và tập thể, cùng chung tay với những người theo các truyền thống tôn giáo khác và những người thiện chí, tiếp cận với những người đang tuyệt vọng, để mang lại ánh sáng cho cuộc sống của họ!

Chúng tôi xin chúc tất cả các bạn ngày Lễ Deepavali hạnh phúc!

Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Chủ tịch

Đức ông Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage

Thư ký

[01497-EN.01] [Văn bản gốc: tiếng Anh]



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2021]