Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 14 tháng 11, 2021

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô. Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 14 tháng Mười Một, 2021


Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện ở cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

_________________________

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trích đoạn Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay mở đầu bằng một câu của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống” (Mc 13:24-25). Nhưng vậy là sao, cả Chúa Giêsu cũng bắt đầu đưa ra thuyết tai ương sao? Không, chắc chắn đây không phải là chủ ý của Ngài. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này, sớm muộn gì cũng sẽ qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo thành “vòm trời” (firmanent) - một từ biểu thị “sự vững chắc” (firmness), “sự ổn định” - cuối cùng rồi cũng qua đi.

Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu nói đến điều sẽ không sụp đổ. Ngài nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (câu 31). Những lời của Chúa không qua đi. Ngài đưa ra sự phân biệt mọi sự trước ngày thế mạt, những điều sẽ qua đi, và những điều cuối cùng sẽ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong các lựa chọn quan trọng của cuộc sống, hướng dẫn chúng ta những gì đáng để đầu tư trong cuộc sống. Về những gì là chóng qua hoặc về những lời của Chúa sẽ tồn tại mãi mãi? Rất rõ ràng về những điều này.

Nhưng điều đó thật không dễ chút nào. Trên thực tế, những thứ tác động đến giác quan của chúng ta và ngay lập tức mang lại cho chúng ta sự hài lòng sẽ thu hút chúng ta, trong khi lời của Chúa, tuy đẹp đẽ, lại vượt ra ngoài tính tức thời và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta bị cám dỗ để bám vào những gì chúng ta nhìn thấy và đụng chạm được và cảm thấy an toàn hơn đối với chúng ta. Đó là con người, đó là sự cám dỗ. Nhưng đó là một sự lừa dối, bởi “trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”. Vì vậy, đây là lời mời gọi: đừng xây dựng cuộc sống trên cát. Khi xây nhà, bạn đào sâu xuống và đổ nền móng thật vững chắc. Chỉ có kẻ ngốc mới nói rằng như vậy là phí tiền cho một thứ gì đó không thể nhìn thấy. Đối với Chúa Giêsu, người môn đệ trung thành là người đặt nền móng cuộc sống trên đá, tức là Lời Người không hề qua đi (xem Mt 7:24-27), trên sự vững chắc của Lời Chúa Giêsu: đây là nền tảng của cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta, và điều đó sẽ không qua đi.

Và bây giờ chúng ta tự hỏi - khi đọc Lời Chúa, chúng ta phải luôn luôn tự đặt câu hỏi cho mình -, chúng ta tự hỏi mình: đâu là trung tâm, đâu là trái tim đang đập của Lời Chúa? Tóm lại, điều gì mang lại sự vững chắc cho cuộc sống và sẽ không bao giờ chấm dứt? Thánh Phaolô nói với chúng ta. Trung tâm, trái tim đang đập, điều tạo nên sự vững chắc, là đức mến: “Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8), lời thánh Phaolô nói, tức là tình yêu. Những người đầu tư tốt cho sự trường tồn. Khi chúng ta nhìn thấy một người quảng đại và luôn giúp ích, hiền lành, nhẫn nại, không đố kỵ, không buôn chuyện, không khoe khoang, không kiêu căng, không vênh vang tự đắc (x. 1 Cr 13:4-7), thì đây là người xây dựng Thiên đàng trên trái đất. Có thể họ không được chú ý hoặc không có sự nghiệp, họ không xuất hiện trên các bản tin trang nhất, nhưng những gì họ làm sẽ không bị mất đi. Bởi vì điều tốt đẹp không bao giờ mất đi, điều tốt đẹp vẫn tồn tại mãi mãi.

Và chúng ta, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta đang đầu tư cuộc đời mình vào điều gì? Vào những thứ sẽ qua đi, như tiền bạc, thành công, ngoại hình, vóc dáng? Với những thứ này, chúng ta sẽ chẳng mang theo được gì. Chúng ta có gắn chặt với những thứ thuộc thế gian không, như thể chúng ta sẽ sống ở đây mãi mãi? Khi chúng ta còn trẻ, còn khỏe, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng khi đến ngày ra đi, chúng ta phải bỏ lại tất cả.

Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta: thế giới này qua đi. Và sẽ chỉ còn lại tình yêu. Vì thế, đặt cuộc sống trên cơ sở Lời Chúa không phải là trốn thoát khỏi lịch sử, mà là hòa mình vào các thực tại trần thế để làm cho chúng trở nên vững chắc, để biến đổi chúng bằng tình yêu, ghi dấu chỉ của sự trường tồn trên chúng, dấu chỉ của Thiên Chúa. Và đây là lời khuyên để đưa ra những lựa chọn quan trọng. Khi tôi không biết phải làm gì, làm thế nào để đưa ra một lựa chọn cuối cùng, một lựa chọn quan trọng, một lựa chọn phù hợp với tình yêu của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng mình đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, như vào lúc cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và hãy tưởng tượng chúng ta ở đó, trước sự hiện diện của Ngài, trước ngưỡng cửa của cõi vĩnh hằng, rồi chúng ta đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Chúng ta phải quyết định theo cách này: luôn nhìn về cõi vĩnh hằng, nhìn về Chúa Giêsu. Có thể đó không phải là điều dễ dàng nhất, có thể đó không phải là điều tức thời nhất, nhưng nó sẽ là điều đúng đắn (x. Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 187), chắc chắn là vậy.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống như Mẹ đã làm: theo tình yêu, theo Thiên Chúa.

___________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Người nghèo lần Thứ Năm, được bắt đầu như là hoa trái của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chủ đề của năm nay là lời của Chúa Giêsu: “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình” (Mc 14: 7). Và quả đúng như vậy: nhân loại tiến bộ, phát triển, nhưng người nghèo luôn có ở bên cạnh chúng ta, luôn luôn có người nghèo, và Chúa Kitô hiện diện trong họ, Chúa Kitô hiện diện trong người nghèo. Ngày hôm kia tại Assisi, chúng tôi đã có thời khắc làm chứng và cầu nguyện mạnh mẽ, điều mà cha mời gọi anh chị em thực hành vì nó sẽ giúp ích cho anh chị em. Và cha cảm ơn vì nhiều sáng kiến thể hiện tình liên đới đã được tổ chức trong các giáo phận và giáo xứ trên khắp thế giới.

Tiếng kêu của người nghèo, hòa với tiếng kêu của Trái đất, đã vang lên trong những ngày gần đây tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow. Tôi động viên tất cả những người với trọng trách chính trị và kinh tế hãy hành động ngay bây giờ với lòng dũng cảm và có tầm nhìn; đồng thời kêu gọi mọi người có thiện chí thi hành quyền công dân tích cực để chăm sóc cho ngôi nhà chung. Để được như vậy, hôm nay, Ngày Thế giới Người nghèo, sẽ mở đăng ký cho nền tảng Laudato si’, nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện.

Hôm nay cũng là Ngày bệnh Tiểu đường Thế giới, một căn bệnh mãn tính đang làm khổ nhiều người, kể cả thanh thiếu niên và trẻ em. Tôi cầu nguyện cho tất cả họ và cho những người chia sẻ sự mệt mỏi của họ mỗi ngày, cũng như cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên hỗ trợ họ.

Và bây giờ cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Cha nhìn thấy rất nhiều cờ ở đằng kia ... Đặc biệt là anh chị em đến từ Tây Ban Nha và Ba Lan. Cha xin chào nhóm hướng đạo sinh từ Palestrina và các tín hữu từ giáo xứ San Timoteo ở Roma và từ giáo xứ Bozzolo.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2021]


Lý do thật đẹp của việc Đức Thánh Cha yêu cầu có một buổi gặp gỡ với 500 người nghèo

Lý do thật đẹp của việc Đức Thánh Cha yêu cầu có một buổi gặp gỡ với 500 người nghèo

Lý do thật đẹp cho việc Đức Thánh Cha yêu cầu có một buổi gặp gỡ với 500 người nghèo

© DR

I.Media for Aleteia

12/11/21


Chúng ta thường có suy nghĩ rằng người nghèo là những con số, những con số thống kê, và thực tế không phải vậy. Người nghèo là những con người có một cuộc đời, một câu chuyện, một kinh nghiệm ... (Phỏng vấn)

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc âm hóa, lo lắng rằng chúng ta đang sống trong một văn hóa thường dẫn đến việc khinh miệt người nghèo, khiến họ phải chịu trách nhiệm và cảm thấy có tội về sự nghèo khổ của họ. “Điều này là sai,” ngài nói khi trao đổi với chúng tôi về chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Phanxicô với những người nghèo đến Assisi.

Thánh bộ của Đức Tổng giám mục bảo trợ cho sự kiện này. Đức Cha cho chúng ta biết về tầm quan trọng của nó, trong việc Đức Thánh Cha Phanxicô có cơ hội để lắng nghe, cầu nguyện và ở bên người nghèo.


Đức Cha mong đợi điều gì từ cuộc gặp gỡ này?

TGM Fisichella: Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc gặp gỡ tại Assisi được coi là một thời khắc tuyệt vời để lắng nghe người nghèo. Đây là lý do sâu xa nhất để đưa ngài một lần nữa đến vùng đất của Thánh Phanxicô Assisi: để lắng nghe kinh nghiệm mà người nghèo sẽ mang đến cho ngài. Sẽ có những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, những kinh nghiệm đau khổ, và cả kinh nghiệm hy vọng, và Đức Giáo hoàng sẽ lắng nghe. Tôi tin rằng đây là yếu tố đầu tiên và cũng là mong muốn hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng người nghèo là những con số, những con số thống kê và thực tế không phải vậy. Người nghèo là những con người có một cuộc đời, một câu chuyện, một kinh nghiệm. Lắng nghe họ là một sự kích thích, một động lực để cố gắng đưa ra những câu trả lời cụ thể, đặc biệt là hướng về tương lai.


Trong các chuyến đi khác của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Assisi, ngài thường gặp gỡ người nghèo. Có điều gì đặc biệt trong cuộc gặp gỡ sắp tới này?

TGM Fisichella: Tôi nghĩ rằng sẽ không có điều gì đặc biệt để xuất hiện trên các tiêu đề báo chí. Người nghèo không xuất hiện trên tiêu đề báo chí. Nhưng nếu người nghèo gặp được Giáo hoàng, thì bất chợt nó trở thành bản tin, có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Đức Giáo hoàng sẽ chỉ gặp một nhóm nhỏ người nghèo, do các biện pháp chống Covid-19 vẫn buộc chúng ta phải tôn trọng khoảng cách và do đó chỉ chiếm một phần ba sức chứa của nhà thờ Santa Maria degli Angeli, mặc dù nó rất lớn. Chỉ có 500 người nghèo, nhưng họ sẽ là biểu tượng, họ sẽ là đại diện cho hàng triệu người nghèo không có tiếng nói, không thể làm cho tiếng kêu hy vọng của họ được nghe thấy. Một số người trong họ sẽ trở thành tiếng nói của tất cả, và đó là điều quan trọng.

Một điều quan trọng nữa là họ sẽ cùng nhau cầu nguyện. Sau khi đã lắng nghe người nghèo, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện với họ, vì đó là cách sống của chúng ta: lắng nghe và cầu nguyện, sau đó sẽ trở thành sự giúp đỡ và đoàn kết cụ thể.


Tại sao Đức Cha chọn tổ chức cuộc họp mặt này ở Assisi?

TGM Fisichella: Năm nay là kỷ niệm năm năm Ngày Thế giới Người nghèo, vì vậy đây là một thời điểm trong đời sống của Giáo hội đang bắt đầu trở thành, chúng ta có thể nói, một truyền thống. Đến Assisi có nghĩa là thực hiện một cuộc hành hương, một cuộc hành hương mà tất cả những người nghèo sẽ thực hiện, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Sẽ có những người nghèo từ Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan và Bỉ, được đồng hành bởi Hiệp hội Fratello. Cũng sẽ có những người nghèo đến từ tất cả các giáo phận của Umbria và từ giáo phận của Đức Giáo hoàng, từ Roma, để chia sẻ cùng một kinh nghiệm về tình liên đới và đức tin.

Assisi do đó đã trở thành điểm quan trọng nhất để tổ chức và ghi nhớ một ngày kỷ niệm như năm năm đầu tiên. Assisi một lần nữa trở thành một thành phố đặc biệt, vì Assisi là một thành phố đặc biệt. Đó là thành phố của thánh Phanxicô, là cha của những người nghèo, người đã chia sẻ toàn bộ cuộc đời với người nghèo. Và đặc biệt là tại Porziuncola, nơi Đức Giáo hoàng sẽ đến vào ngày mai.

Tại Porziuncola, Thánh Phanxicô không chỉ quy tụ anh em của ngài, mà cả những người nghèo cũng đến thăm ngài và sống với ngài. Đó là nơi con người có thể bắt đầu xây dựng lại. Đối với Thánh Phanxicô, Porziuncola là sự hiện thực hóa cho hình ảnh, cho giấc mơ mà ngài đã nhận được từ Thiên Chúa, yêu cầu ngài xây dựng lại Đền thờ của Người; chỉ có điều, Chúa không yêu cầu ngài xây dựng một nhà thờ bằng gạch, mà là một nhà thờ bằng những viên đá sống động.

Do đó, đến Porziuncola không chỉ là một cuộc gặp gỡ mà còn là một thách đố luôn bắt đầu từ người nghèo để canh tân bộ mặt của Giáo hội trong thế giới ngày nay.


Tại sao cuộc gặp gỡ này diễn ra vào thứ Sáu mà không phải là ngày 14 tháng Mười Một, ngày thực tế của Ngày Thế giới Người nghèo?

TGM Fisichella: Ngày Thế giới Người nghèo luôn được cử hành vào Chúa nhật và Đức Thánh Cha, với cương vị là Giám mục của Roma, rất muốn cử hành ngày này trong giáo phận của ngài. Nhưng trong những năm gần đây đã có các ngày Thứ Sáu của Lòng Thương Xót, và cử chỉ của ngày mai có thể được coi là Thứ Sáu của Lòng Thương Xót cùng với những cử chỉ mà Đức Thánh Cha đã lãnh đạo trong những năm gần đây.


8 năm trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Cha có nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành công trong việc đưa Giáo hội đến các vùng ngoại vi?

TGM Fisichella: Tôi nghĩ rằng Giáo hội đã và đang sống với người nghèo. Những biến cố trong 2.000 năm lịch sử của chúng ta chắc chắn có những lúc thăng trầm, nhưng Giáo hội không bao giờ quên người nghèo. Giáo hội luôn sống một kinh nghiệm sống đặc biệt với những hình thức nghèo khó khác nhau. Đó là lịch sử của Giáo Hội, và đó là lịch sử của không biết bao vị thánh, ở những nơi khác nhau trên thế giới, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, các ngài cảm thấy phải hiến dâng cuộc đời cho người nghèo. Từ đó chúng ta có được Thánh Camille de Lellis, Thánh John Baptiste de La Salle, Mẹ Teresa, v.v. Từ đó chúng ta có không biết bao nhiêu người nam và nữ ở mọi thời đại cảm thấy cần phải dâng hiến cuộc đời của họ cho những người nghèo nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chọn người nghèo là một điểm biểu tượng cho triều đại giáo hoàng của ngài. Trước hết với tước hiệu của ngài, ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiện diện này trong đời sống của Giáo hội, đặc biệt là vì chúng ta đang sống trong một văn hóa thường dẫn đến việc khinh miệt người nghèo, khiến họ phải chịu trách nhiệm và cảm thấy tội lỗi về sự nghèo khổ của họ. Điều này là sai, nó không công bằng đối với họ, và đó là lý do tại sao tôi tin rằng lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Thánh Cha hướng về các vùng ngoại vi cũng bắt đầu từ nhận thức rằng chúng ta phải là trung tâm.

Các vùng ngoại vi được xác định bởi thực tế là có một trung tâm. Trung tâm là trái tim, trái tim của sự sống, của Giáo hội đang hoạt động, chính Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những người nghèo. Đó là lý do tại sao chúng ta được mời gọi, bắt đầu từ sự nghèo khó ban đầu mà Con Thiên Chúa đã trải qua trong cuộc đời của Ngài, đi đến các vùng ngoại vi và từ đó cất lên tiếng kêu cho công lý, tiếng kêu cho tình liên đới xuất phát từ hàng triệu người.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2021]