Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Tiếp kiến chung ngày 3 tháng 1, 2024: Chủ đề giáo lý. Những thói xấu và nhân đức. 2. Sự đấu tranh thiêng liêng

“Lạy Chúa, xin đừng rời bỏ con” Chúa Giêsu ở bên cạnh giúp chúng ta vực dậy

Tiếp kiến chung: Chủ đề giáo lý. Những thói xấu và nhân đức. 2. Sự đấu tranh thiêng liêng

Tiếp kiến chung ngày 3 tháng 1, 2024: Chủ đề giáo lý. Những thói xấu và nhân đức. 2. Sự đấu tranh thiêng liêng

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục chủ đề giáo lý mới về “Những thói xấu và nhân đức”, tập trung suy tư về chủ đề đấu tranh thiêng liêng (Bài đọc: Mt 3:13-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

__________________________________________


Chủ đề giáo lý. Các thói xấu và nhân đức. 2. Đấu tranh thiêng liêng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tuần trước chúng ta mở đầu chủ đề về những thói xấu và nhân đức. Nó đề cập đến cuộc đấu tranh thiêng liêng của người Kitô hữu. Thật vậy, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu không phải là bình an, phẳng lặng và không có thử thách; trái lại, đời sống Kitô hữu đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng: người Kitô hữu đấu tranh để gìn giữ đức tin, làm phong phú thêm các ơn đức tin nơi chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà lần xức dầu đầu tiên mà mọi người Kitô hữu lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội – việc xức dầu dự tòng – lại không có hương vị và lời loan báo cách tượng trưng rằng đời sống là một cuộc đấu tranh. Trên thực tế, thời xưa, các đô vật được bôi dầu khắp người trước khi thi đấu, vừa để làm săn chắc cơ bắp vừa làm cho cơ thể họ khó bị đối thủ túm bắt. Việc xức dầu cho các dự tòng làm sáng tỏ rằng người Kitô hữu không được miễn trừ khỏi cuộc chiến đấu, rằng người Kitô hữu phải đấu tranh: cuộc sống của họ cũng giống như mọi người khác sẽ phải lao vào đấu trường, bởi vì cuộc sống là một chuỗi những thử thách và cám dỗ.

Một câu nói nổi tiếng được cho là của Thánh Antôn Cả Viện phụ, đại giáo phụ đầu tiên của đời sống ẩn tu, nói như sau: “Loại bỏ những cám dỗ thì sẽ không ai được cứu thoát”. Các vị thánh không phải là những người được miễn trừ các cám dỗ, mà đúng hơn là những người ý thức rõ rằng trong cuộc sống, những quyến rũ của sự dữ xuất hiện lặp đi lặp lại, cần phải bị vạch trần và khước từ. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này, tất cả chúng ta: khi một ý nghĩ xấu đến với mình, khi bạn cảm thấy muốn làm điều này, hoặc nói xấu người khác… Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ, và chúng ta phải cố gắng không đầu hàng trước những cám dỗ này. Nếu ai trong anh chị em không bị cám dỗ, giả sử là vậy, thì điều đó thật lạ thường! Tất cả chúng ta đều có những cám dỗ và tất cả chúng ta đều phải học cách cư xử trong những tình huống này.

Có nhiều người tự bào chữa vô tội cho mình, tuyên bố rằng họ “ổn” – “Không, tôi rất ổn, tôi không gặp những vấn đề này”. Nhưng chẳng ai trong chúng ta “ổn” cả; nếu ai đó cảm thấy mình ổn thì họ đang mơ; mỗi người chúng ta đều có nhiều điều phải điều chỉnh, và luôn phải cảnh giác. Và có những lúc khi chúng ta đến với bí tích Hòa Giải và chúng ta nói, cách chân thành rằng: “Thưa Cha, con không nhớ, con không biết con có tội gì không…”. Nhưng đây là việc thiếu nhận thức về những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta. Và xét mình một chút, nhìn vào trong lòng một chút sẽ tốt cho chúng ta. Bằng không, chúng ta có nguy cơ sống trong bóng tối, vì chúng ta đã quen với bóng tối và không còn biết cách phân biệt thiện ác. Giáo phụ Isaac thành Nineveh nói rằng, trong Giáo hội, người nhận biết tội của mình và than khóc chúng thì cao trọng hơn cả người làm cho người chết sống lại. Tất cả chúng ta phải xin Thiên Chúa ban ơn nhận biết mình là những tội nhân đáng thương, cần sám hối, luôn vững lòng tin tưởng rằng không có tội lỗi nào quá lớn đối với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Đây là bài học đầu tiên Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Chúng ta thấy điều đó trong những trang đầu của các sách Tin Mừng, trước hết là trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giođan. Đoạn này chứa đựng một điều làm bối rối: tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận nghi thức thanh tẩy như vậy? Ngài là Thiên Chúa, Ngài là tuyệt đối! Chúa Giêsu phải sám hối về tội gì? Không tội gì cả! Ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng vô cùng bối rối, đến mức văn bản viết: “Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!’” (Mt 3:15). Nhưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia rất khác với cách Gioan đã trình bày về Ngài và cách người ta tưởng tượng về Ngài: Ngài không là hiện thân của một Thiên Chúa thịnh nộ và không triệu tập để phán xét, mà trái lại, xếp hàng ngang hàng với những kẻ tội lỗi.

Sao lại như vậy? Vâng, Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta, tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài không phải là tội nhân, nhưng Ngài ở giữa chúng ta. Và đây là một điều rất đẹp. “Thưa Cha, con có nhiều tội lỗi!” – “Nhưng Chúa Giêsu ở với con: hãy nói về chúng, Ngài sẽ giúp con thoát khỏi điều đó”. Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta cô đơn, không bao giờ! Hãy nghĩ về điều này. “Thưa Cha, con đã phạm những tội nặng!” – “Nhưng Chúa Giêsu hiểu con và Ngài đồng hành với con: Ngài hiểu tội của con và Ngài tha thứ cho con”. Đừng bao giờ quên điều này! Trong những thời khắc tồi tệ nhất, trong những lúc chúng ta sa vào tội, Chúa Giêsu ở bên cạnh để nâng đỡ chúng ta. Điều này mang đến sự an ủi. Chúng ta không được đánh mất sự chắc chắn này: Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta để giúp đỡ chúng ta, bảo vệ chúng ta, thậm chí nâng chúng ta lên sau khi phạm tội. “Nhưng thưa Cha, có phải Chúa Giêsu tha thứ mọi điều không?” - “Mọi điều.” Ngài đến để tha thứ, để cứu rỗi. Chúa Giêsu đơn giản chỉ muốn tâm hồn bạn rộng mở. Ngài không bao giờ quên tha thứ: chính chúng ta nhiều lần mất đi khả năng xin tha thứ. Chúng ta hãy lấy lại khả năng này để cầu xin sự tha thứ. Mỗi người chúng ta có nhiều điều để xin tha thứ: mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó trong lòng và nói với Chúa Giêsu về nó hôm nay. Hãy nói với Chúa Giêsu về điều này: “Lạy Chúa, con không biết điều này có đúng hay không, nhưng con tin chắc rằng Chúa sẽ không rời xa con. Con chắc chắn rằng Chúa tha thứ cho con. Lạy Chúa, con là kẻ có tội, nhưng xin đừng lìa xa con”. Đây là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp dâng lên Chúa Giêsu hôm nay: “Lạy Chúa, xin đừng xa lánh con”.

Và ngay sau biến cố chịu phép rửa, các Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã rút vào hoang mạc, nơi Người bị Satan cám dỗ. Trong trường hợp này cũng vậy, chúng ta tự hỏi: Con Thiên Chúa phải trải qua cám dỗ như thế nào? Ở đây nữa, Chúa Giêsu cho thấy sự liên đới với bản chất con người yếu đuối của chúng ta và trở thành gương mẫu lớn cho chúng ta: các cơn cám dỗ mà Ngài phải đối mặt và vượt qua giữa những tảng đá khô cằn của sa mạc là bài học đầu tiên mà Ngài dạy cho đời sống môn đệ của chúng ta. Chúa đã trải qua những điều chúng ta phải chuẩn bị để đối mặt: cuộc sống được tạo thành từ những thách đố, những thử thách, những ngã rẽ, những quan điểm đối lập, những cám dỗ âm thầm, những tiếng nói trái ngược nhau. Một số tiếng nói thậm chí rất mang tính thuyết phục, đến như Satan cám dỗ Chúa Giêsu bằng cách dùng đến những lời trong Kinh thánh. Chúng ta phải giữ gìn sự trong sáng trong lòng để chọn lấy con đường thực sự dẫn đến hạnh phúc và cố gắng không dừng bước trên đường.

Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta luôn bị giằng co giữa những thái cực trái ngược nhau: tính kiêu ngạo thách thức lòng khiêm nhường; hận thù chống lại lòng bác ái; nỗi buồn cản trở niềm vui đích thực của Thần Khí; sự cứng lòng từ chối lòng thương xót. Người Kitô hữu liên tục bước đi dọc theo những ranh giới phân chia này. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những thói xấu và nhân đức: nó giúp chúng ta đánh bại văn hóa hư vô trong đó ranh giới giữa thiện và ác trở nên mờ nhạt, đồng thời, nó nhắc nhở chúng ta rằng con người, không giống bất kỳ sinh vật nào khác, luôn có thể vượt qua chính mình, mở lòng ra với Thiên Chúa và tiến tới sự thánh thiện.

Do đó, cuộc đấu tranh thiêng liêng khiến chúng ta nhìn kỹ vào những thói hư tật xấu đang trói buộc chúng ta, và với ân sủng của Thiên Chúa, tiến bước hướng tới những nhân đức có thể phát triển trong chúng ta, mang mùa xuân của Thần Khí vào cuộc sống của chúng ta.

_________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Malta và Hoa Kỳ. Tôi nhắc lại sự gần gũi tinh thần với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất gần đây ở Nhật Bản, cũng như với các nạn nhân trong vụ va chạm của hai máy bay ngày hôm qua tại sân bay Tokyo. Tôi cũng cầu nguyện cho gia đình họ và cho các nhân viên cấp cứu. Ước mong anh chị em và gia đình trân quý niềm vui của mùa Giáng sinh này và qua lời cầu nguyện đến gần Đấng Cứu Thế, Đấng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/1/2024]