Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/1/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/1/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/1/2020


16 tháng Một: Thiên Chúa quá giàu lòng xót thương, Người can dự vào các vấn đề của chúng ta. Chúng ta hãy thường xuyên lặp lại lời cầu nguyện đơn sơ này: Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin thương xót con, xin dủ lòng thương con. #HomilySantaMarta

17 tháng Một: Chúa Giê-su nhìn người bị bại liệt và chú ý vào điều quan trọng: “Tội của con đã được tha.” Sức khỏe thân xác là một món quà mà chúng ta phải giữ gìn và Chúa dạy chúng ta rằng chúng ta cũng phải gìn giữ sức khỏe tâm hồn, sức khỏe tinh thần. #HomilySantaMarta

18 tháng Một: Người có đức tin cảm thấy rất cần có Chúa, trong sự nhỏ bé của mình, chúng ta buông bỏ bản thân, hoàn toàn tín thác vào Người.

19 tháng Một: Chúng ta hãy dừng lại trang #Tin mừng hôm nay (Ga 1,29-34), thậm chí chiêm ngắm ảnh Đức Ki-tô, Chiên Thiên Chúa, để giải thoát chúng ta khỏi sự ác. Vâng, chúng ta vẫn là những tội nhân nghèo nàn nhưng không còn là nô lệ, không phải vậy, nhưng là những đứa con, con cái Thiên Chúa!

20 tháng Một: Là người Ki-tô hữu không có nghĩa là bảo vệ bản thân với một hệ tư tưởng để lên đường. Là người Ki-tô hữu tức là được tự do, vì chúng ta có lòng tin tưởng, vì chúng ta vâng nghe Lời Chúa. #HomilySantaMarta.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/1/2020]


Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican nói về Văn kiện Tình huynh đệ Con người

Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican nói về Văn kiện Tình huynh đệ Con người
Tiến sĩ Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Vatican - © Vatican News

Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican nói về Văn kiện Tình huynh đệ Con người

Đánh dấu kỷ niệm lần thứ nhất từ khi ký kết văn kiện lịch sử

03 tháng Hai, 2020 17:53

“Hội nghị Truyền thông Ả-rập về Tình Huynh đệ Con người” đang diễn ra tại Abu Dhabi từ ngày 3 đến 4 tháng Hai và là một phần trong kỷ niệm tròn một năm ký kết Văn kiện Tình huynh đệ Con người. Văn kiện được ký năm 2019 bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Tiến sĩ Ahmed El-Tayeb, Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar,

Tiến sĩ Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, phát biểu tại sự kiện.



Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Kính thưa các vị lãnh đạo tôn giáo và dân sự đáng kính,

Thưa quý vị,

Al Salam Alaikum! Bình an ở cùng anh em!

Kỷ niệm năm thứ nhất việc ký kết Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người đã cho tôi, và cho tất cả chúng ta, một cơ hội để làm mới lại cam kết và lời hứa với nhau: cam kết luôn luôn là những khí cụ của hòa bình, ngay cả – hoặc có thể là trên hết – trong cách chúng ta truyền đạt; lời hứa tiếp tục không ngừng nghỉ trên con đường đã cam kết.

Trước hết tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới Hội đồng các Trưởng lão Hồi giáo vì đã tổ chức Hội nghị này với tầm nhìn chung về tình huynh đệ con người trong thế giới truyền thông.

Tất cả chúng ta đều biết rõ nó quan trọng như thế nào, như ngài tổng thư ký của Hội đồng các Trưởng lão Hồi giáo đã nói, để phát triển tầm nhìn của chính sách truyền thông đặt nền tảng trên tình huynh đệ con người và sự chung sống hòa bình.

Tôi cũng xin tri ân Ủy ban Cấp cao về việc áp dụng Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người, là việc đã liên tục thúc đẩy sự thành tựu cho những mục tiêu của tuyên ngôn Abu Dhabi từ tháng Tám năm ngoái.

Về một mặt, tất cả chúng ta ý thức về tầm quan trọng của những phương tiện truyền thông và chính truyền thông, nói chung, trong việc xây dựng tình huynh đệ phổ quát, và ngược lại, cách thức chúng có thể trở thành phương tiện để tiếp tục khích động những hiểu lầm, căm phẫn, thù hận, điều mà cho đến bây giờ tạo nên một sự hỗn độn đáng tiếc cho hiện tại của chúng ta và đe dọa tương lai của chúng ta.

Vì những lý do này, Bộ Truyền thông của Tòa Thánh đã và đang và sẽ tiếp tục dành toàn bộ năng lực để quảng bá cho mọi người biết các nguyên tắc của Tuyên ngôn về Tình Huynh đệ Con người, và đương nhiên là cho các độc giả Công giáo của chúng tôi.

Về điều này, tôi muốn chia sẻ với quý vị một số dữ liệu.

Chuyến Tông du đến Abu Dhabi là một trong những khoảng thời gian quan trọng mà Đức Giáo hoàng Phanxico thu hút được sự chú ý của mọi người trên toàn thế giới.

Số đăng ký những thông tin truyền thông của Vatican tăng mạnh và tiếp cận những đối tượng mới.

Đồ thị này cho thấy sự gia tăng mạnh vào đầu tháng Hai với số người theo dõi Trang Facebook Toàn cầu của chúng tôi.

Như mọi chuyến Tông du, Bộ tập trung năng lượng rất lớn vào việc đưa ra không chỉ nội dung văn bản, mà cả nội dung video.

Cụ thể, hội nghị về Tình Huynh đệ Con người đã được theo dõi trực tiếp thông qua cổng web, Kênh YouTube và Trang Facebook.

Việc truyền phát trực tiếp sự kiện đã được trình chiếu (trong phiên bản âm thanh gốc cũng như phiên bản dịch trực tiếp bằng 6 ngôn ngữ chính và tiếng Ả Rập) 163.000 lần trên YouTube và thêm 400.000 lần trên các trang Facebook bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Trang tiếng Bồ Đào Nha.

Bài đăng trên trang tiếng Anh về sự kiện trực tiếp đã đạt tới một triệu người dùng.

Hơn nữa, ngoài các chương trình phát sóng trực tiếp, được theo dõi bởi số người nhiều nhất và nhận được sự phủ sóng lớn nhất, các bài báo đăng trên Vatican News và trên L'Osservatore Romano (tờ báo của Tòa Thánh) đã góp phần vào câu chuyện xung quanh Hội nghị và toàn bộ hành trình và tường thuật tất cả những gì xảy ra sau đó trong suốt năm 2019 cho đến nay, đặc biệt liên quan đến công việc của Ủy ban Cấp cao.

Trụ cột của công việc báo chí do Vatican News sản xuất là trang web của chúng tôi được phát hành bằng 35 ngôn ngữ. Các chủ đề liên quan đến Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người đã liên tục được đăng tải trong suốt năm ngoái. Chỉ tính đến 6 ngôn ngữ chính cộng với tiếng Ả Rập, đã có 350 bài báo được xuất bản (41 tiếng Ả Rập, 29 tiếng Pháp, 43 tiếng Ý, 40 tiếng Anh, 85 tiếng Bồ Đào Nha, 48 tiếng Tây Ban Nha, 63 tiếng Đức).

Cộng thêm vào đó là các sản phẩm âm thanh của Đài Phát thanh Vatican phát sóng trong các khu vực bằng ngôn ngữ chính của nơi đó.

Bản thân chuyến viếng thăm và đặc biệt là thời điểm Văn kiện được ký kết là một trong những thời điểm nhận được sự chú ý nhiều nhất trên mạng xã hội của Vatican News: chúng tôi đã có sự gia tăng đột biến những tương tác trên Twitter được ghi nhận từ tháng Một (Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama ) đến đầu tháng Hai (Abu Dhabi).

Từ tháng Hai năm 2019 cho đến nay, mọi chương trình ngôn ngữ đều đề cập đến chủ đề “Tình Huynh đệ Con người” với trung bình 20 bài đăng trên Facebook cho mỗi ngôn ngữ. Một phần ba trong số các bài này đã được đăng trong chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxico đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất; những bài khác được đăng trong suốt những tháng tiếp theo, khi quá trình quảng bá Văn kiện diễn ra: sự thành lập Ủy ban Cấp cao (19 tháng Tám), hai cuộc họp đầu tiên (11 và 20 tháng Chín), cho đến khi có đề nghị chung lên Liên Hợp quốc (5 Tháng Mười Hai) đề xuất việc giới thiệu một Ngày Thế giới của Tình Huynh đệ Con người.

Sự chú ý cao nhất đối với những lời của Đức Giáo hoàng trên các tài khoản truyền thông xã hội chính thức của ngài là từ những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội: các bình luận (tweet) được đăng trên @Pontifex trong suốt chuyến thăm của ngài đã được hơn 7 triệu người sử dụng đọc bằng tiếng Anh, 5,5 triệu bằng tiếng Tây Ban Nha và khoảng một triệu bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý.

Một bộ sưu tập ảnh được tạo trên tài khoản Instagram @Franciscus và đạt 1,8 triệu người sử dụng.

Cũng cần phải nói rằng Đức Giáo hoàng cũng đã đích thân thúc đẩy sự nhận thức về Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người, vì bất cứ nơi nào ngài đi, ngài đều tặng nó như một món quà.

Cuối cùng, các thỏa thuận đang được tiến hành đối với một số sản phẩm truyền hình mà Bộ dự định quảng bá với các đối tác bên ngoài để truyền đạt các nguyên tắc của Văn kiện không chỉ thuần túy là thông tin, mà còn là sự đào tạo đích thực cho việc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, và lấy đó làm kim chỉ nam trong công việc hàng ngày của chúng tôi.

Cũng trong Văn kiện này, được ký năm ngoái, yêu cầu chúng ta hãy gánh vác lấy trách nhiệm chung đó; nhân danh sự thật, nhân danh những điều chúng ta tin tưởng; nhân danh niềm tin của chúng ta vào tính siêu việt, tính tuyệt đối, tính thiêng liêng. Nó yêu cầu chúng ta là những người thiện chí cùng chung sức với nhau, để thời đại kỹ thuật số, kỷ nguyên của truyền thông đại chúng, thời đại của truyền thông có thể dẫn chúng ta đến văn hóa tôn trọng lẫn nhau.

Văn kiện là một cầu nối mà tất cả chúng ta được kêu gọi để vượt qua. Nó có thể là một chặng đường dài, nó có thể đòi hỏi thời gian, nhưng đó là một con đường đúng đắn.

Nhưng có một con đường nằm phía bên kia cây cầu cần được chỉ ra để có thể hiểu và thực hiện được con đường đó.

Văn kiện phác họa một cốt truyện khả thi, một câu chuyện chưa được viết. Chúng ta là những người cần phải sống để kể câu chuyện đó, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn qua sự hiểu biết lẫn nhau.

Thiện chí là điều chúng ta cần hơn hết.

Các tôn giáo trên thế giới có trách nhiệm giáo dục: để khơi dậy những gì tốt nhất nơi mỗi con người. [1] Tôn giáo không phải là vấn đề. Tôn giáo là một phần của giải pháp vì chúng nhắc nhở chúng ta cần phải nâng tâm hồn lên Đấng Tối cao để học cách xây dựng thành trì của con người. [2]

Mỗi người làm truyền thông (bất kể niềm tin tôn giáo của riêng mình) cần phải tự mình liên tục cảm nhận thấy tiếng gọi của trách vụ này, làm cụ thể hóa tinh thần của tài liệu về tình huynh đệ của con người. Đức Giáo hoàng Phanxico đã khẳng định mạnh mẽ rằng: các phương tiện truyền thông và chính ngành truyền thông phải mang tính xây dựng, thay vì phá hoại; là phương tiện đem mọi người lại gần nhau thay vì ngăn cách mọi người xa nhau; là phương tiện đối thoại thay vì độc thoại; là phương tiện đưa ra định hướng thay vì làm mất phương hướng; là phương tiện thúc đẩy sự thấu hiểu thay vì hiểu lầm; là phương tiện để bước đi trong hòa bình hơn là gieo rắc sự ghét bỏ.

Không thể lấy ác để đáp trả cái ác. Không thể dùng thông tin sai lệch để phục vụ cho sự thật. Chính người làm truyền thông cũng phải truyền bá văn hóa này, nhận thức này, và sự hiểu biết lẫn nhau. [...]. Chúng ta cần vạch trần sự giả dối giữa việc từ bỏ chính mình và từ bỏ người khác. Sự từ bỏ chính mình là trách vụ bảo vệ và trao các giá trị hòa bình, công lý, ích chung, cái đẹp, tình huynh đệ của con người. Chúng ta cần hiểu rằng tình huynh đệ đòi hỏi sự can đảm cũng như chấp nhận sự khác biệt, trong sự đa dạng, chân nhận thực tế rằng mặc dù chúng ta khác nhau, chúng ta là anh chị em.

Người làm truyền thông chúng ta cần phải nói rằng một người vẫn có thể là chính mình trong khi chân nhận người khác là anh chị em, là một người bạn đồng hành trên đường, là một người cùng chia sẻ nhiều điều – bất kể sự đa dạng – còn nhiều hơn những gì chúng ta thường nhận thức được.

Phải nói “Không” với bạo lực, khủng bố, cuồng tín, tham nhũng, kỳ thị.

Chúng ta phải nói “Không” với việc sử dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, cực đoan, cuồng tín mù quáng, hoặc biện minh cho các hành vi giết người, khủng bố, áp bức.

Và phải nói “Có” đối với việc bảo vệ tạo vật, đối với việc phân phối các nguồn tài nguyên một cách công bằng, với việc chăm sóc sự sống từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, đối với gia đình là hạt nhân gốc của xã hội, đối với sự tự do như một món quà của Thượng Đế.

Có hàng ngàn câu chuyện tốt đẹp cần được kể ra.

Tự do thờ phượng, cũng như tự do tôn giáo, cần phải được bảo vệ.

Ngoài ra, khái niệm về quyền công dân phải bao gồm trách nhiệm và quyền lợi cho cả nam và nữ giới, người lớn và trẻ em, và người già.

Như Đức Giáo hoàng Phanxico viết trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54, để hiểu được điều này chúng ta cần phải “tái khám phá những câu chuyện giúp chúng ta không đánh mất dòng mạch giữa nhiều biến loạn của hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện cho thấy chúng ta thật sự là ai.”

Để thực hiện điều này, tất cả các phương tiện thông tin ở Vatican luôn được dành riêng để thực thi mọi điều chúng tôi thực hiện những tiến trình mà Văn kiện đưa ra, với tư cách là những người truyền thông.

Nói về tình huynh đệ là cách tốt nhất để tái thiết lại kết cấu ý thức về sự hiệp nhất của nhân loại và xây dựng một tương lai hòa bình.

Vạch trần sự thiển cận và bóc trần lời giả dối rằng sự căm thù là chiến thuật tốt nhất để đảm bảo các sai lỗi tương tự sẽ không tái phạm.

Thế giới đang khát hòa bình, sự thật, và công bằng.

Giữa sự hỗn độn của những tiếng nói và thông điệp vây quanh chúng ta, chúng ta cần một câu chuyện nhân văn có thể nói về bản thân mình và cái đẹp xung quanh chúng ta. Một câu chuyện có thể xét thế giới của chúng ta và những diễn biến của nó với một cái nhìn dịu dàng. Một câu chuyện có thể cho chúng ta biết rằng chúng ta là một phần của tấm thảm sống động và đan kết với nhau. Một câu chuyện có thể cho thấy sự đan quyện của các mối dây liên kết chúng ta với nhau.”[3]

Sự thật này tiếp sinh lực cho hoạt động của tất cả những người ngày nay làm việc trong Bộ Truyền thông của Tòa Thánh và trong Giáo hội Công giáo.

Họ đan kết tấm thảm bị rách của tình huynh đệ mỗi ngày. Họ đến từ mọi nơi trên thế giới, họ nói tất cả các ngôn ngữ thế giới, nhưng họ được hiệp nhất bởi cùng một nhận thức, cùng một lòng kiên trì trong việc truyền bá văn hóa khoan dung và sự chung sống hòa bình, thông qua mọi phương tiện.

Vì vậy, hôm nay chúng tôi rất vui khi được ở đây với quý vị để lặp lại cam kết của chúng tôi.

Cùng nhau chúng ta có thể đưa ra sự phục vụ lớn lao cho hòa bình và tình huynh đệ.

_____________________________

[1] X. Đức Thánh Cha Phanxico, Cuộc Họp quốc tế với Đức Sheikh và Đại diện của các Cộng đồng Tôn giáo khác nhau của Azerbaijan (2 Tháng Mười 2016).

[2] X. Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước các tham dự viên Hội nghị Hòa bình Quốc tế (28 Tháng Tư 2017).

[3] Đức Thánh Cha Phanxico, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2020]