Tiếp các thành viên của Nhóm Chemin Neuf Political Fraternity, 16.05.2022
*****
Sáng nay, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên của Nhóm Chemin Neuf Political Fraternity (tạm dịch: Tình Huynh đệ Chính trị Chemin Neuf) trong Điện Tông tòa Vatican, và ngài có những lời chia sẻ sau đây:
___________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Các bạn thân mến!
Cha rất vui được chào đón các bạn, những thành viên trẻ của nhóm “Tình Huynh đệ chính trị Chemin Neuf". Khi chúng ta họp mặt năm ngoái, các bạn đã xin cha cầu nguyện cho các bạn khi tham gia vào sự kiện Changemakers ở Budapest. Ở đó các bạn đã trải nghiệm những giây phút gặp gỡ và học hỏi, cũng như các hoạt động cùng với các nhóm địa phương. Cách thức các bạn tham gia vào sự kiện này cho cha thấy như một phương thức tốt để áp dụng ý nghĩa thật sự của chính trị, đặc biệt đối với người Kitô hữu. Chính trị là gặp gỡ, phản ánh, hành động.
Trước hết, chính trị là một nghệ thuật gặp gỡ. Chắc chắn sự gặp gỡ này phải bao gồm việc mở lòng ra với người khác và chấp nhận những khác biệt của họ như là một phần của cuộc đối thoại đầy tôn trọng. Tuy nhiên, với người Kitô hữu còn hơn thế. Vì Tin mừng đòi hỏi rằng chúng ta phải yêu kẻ thù (x. Mt 5:44), chúng ta không thể hài lòng với sự đối thoại hời hợt và mang tính nghi thức, theo ranh giới của các cuộc đàm phán thường là thù địch giữa các đảng phái chính trị. Thay vì vậy, chúng ta được kêu gọi xem những cuộc gặp gỡ chính trị như là cuộc gặp gỡ huynh đệ, đặc biệt với những người bất đồng với chúng ta. Điều đó có nghĩa là xem người đối thoại với chúng ta như một người anh em hoặc chị em, một người con được Thiên Chúa yêu thương. Do đó, nghệ thuật gặp gỡ bắt đầu từ việc thay đổi cách chúng ta nhìn người khác, từ việc thể hiện sự chấp nhận vô điều kiện và tôn trọng họ. Nếu không có sự thay đổi tâm hồn như vậy, chính trị có nguy cơ biến thành cuộc đối đầu bạo lực, trong đó người ta cố gắng áp đặt những ý tưởng riêng của họ và theo đuổi những lợi ích riêng hơn là ích chung, nghịch lại với nguyên tắc “hiệp nhất vượt thắng xung đột” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 226-230).
Theo quan điểm Kitô giáo, chính trị cũng là sự phản ánh, tức là thiết lập một dự án chung. Do đó, một nhà lãnh đạo chính trị thế kỷ 18, ông Edmund Burke, đã nói với các cử tri của Bristol rằng là một Nghị sĩ Quốc hội ông sẽ không bị giới hạn vào việc bảo vệ lợi ích riêng của họ, nhưng được cử đi nhân danh họ cùng với các thành viên khác của Quốc hội để theo đuổi ích lợi cho toàn đất nước, lợi ích chung. Là người Kitô hữu chúng ta biết rằng chính trị không chỉ được thực hành thông qua việc gặp gỡ, nhưng còn thông qua sự phản ánh chung trong việc theo đuổi công ích, không đơn thuần thông qua sự xung đột những lợi ích khác nhau và thường là đối nghịch nhau. Nói tóm lại, “toàn thể thì lớn hơn một phần” (x. nt., 234-237). La bàn của chúng ta để thúc đẩy dự án chung này là Tin mừng mang đến cho thế giới một tầm nhìn tích cực sâu sắc về nhân loại được Thiên Chúa yêu thương.
Cuối cùng, chính trị cũng là hành động. Cha rất vui vì Nhóm Tình Huynh đệ của các bạn không đơn thuần hài lòng với việc trở thành một diễn đàn để thảo luận và trao đổi, nhưng cũng hướng các bạn đến những hình thức cam kết cụ thể. Là người Kitô hữu, chúng ta phải luôn thực tế, những ý tưởng của chúng ta phải đối mặt với thực tại khó khăn, bằng không chúng ta xây dựng trên cát mà sớm muộn gì cũng sẽ trôi giạt. Chúng ta đừng quên rằng “thực tại quan trọng hơn ý tưởng” (x. nt., 231-233). Về vấn đề này, cha thúc giục những nỗ lực của các bạn đối với người di cư và môi sinh. Cha cũng biết rằng một số người trong các bạn đã chọn sống với nhau trong khu vực thuộc tầng lớp lao động của Paris, để lắng nghe tiếng nói của người nghèo: đó là cách dấn thân vào đời sống chính trị của Kitô giáo! Đừng quên những điều này, thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng: không thể thực hành chính trị với hệ tư tưởng. Toàn thể thì lớn hơn một phần, sự hiệp nhất vượt thắng xung đột. Hãy luôn tìm kiếm sự hiệp nhất và đừng bị lạc trong xung đột.
Gặp gỡ, suy tư, hành động: đây là một chương trình chính trị theo nghĩa Kitô giáo. Cha tin rằng các bạn đã làm điều này, đặc biệt trong các cuộc họp vào tối Chúa nhật. Từ việc tham gia cầu nguyện với Chúa Cha là Đấng mà mọi sự tiến triển từ đó, từ việc noi gương Chúa Giêsu Kitô, và từ việc chăm chú lắng nghe Chúa Thánh Thần, mối quan tâm của các bạn đối với ích chung sẽ có được một động lực mạnh mẽ bên trong. Vì theo cách này, chính trị có thể được thực hành như là “hình thức bác ái cao nhất”, như đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI định nghĩa.
Cha xin đón nhận điều mà người bạn Brazil của chúng ta nói: anh nói về ký ức, hy vọng và asombro (sự ngạc nhiên). Cuộc sống của người Kitô hữu không thể không có asombro, không có sự ngạc nhiên này. Sự ngạc nhiên là điều làm cho tôi cảm nhận rằng tôi ở trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu. Ngạc nhiên khi nhìn thấy sự vĩ đại của Chúa, con người và chương trình của Người, đón nhận sự cao cả của các Mối Phúc làm chương trình cho đời sống chúng ta. Và còn từ ngữ kia: ký ức. Ký ức, hy vọng và ngạc nhiên. Quá khứ, tương lai, hiện tại: không có tương lai nếu không có hiện tại và không có hy vọng nếu không có sự ngạc nhiên. Vun đắp lời cầu nguyện với Tin mừng để cảm nhận sự ngạc nhiên được gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.
Cha luôn cầu nguyện cho các bạn trên hành trình này. Cha cảm ơn các bạn đã lưu tâm và cha ban phép lành cho các bạn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.
Giờ đây tất cả cùng nhau hiệp lời cầu nguyện, chúng ta cùng xin Chúa chúc phúc cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin chúc phúc cho tất cả chúng con là những người làm việc gần gũi với Người. Xin chúc phúc cho tầm nhìn của chúng con, xin chúc phúc cho tâm hồn của chúng con, xin chúc phúc cho đôi bàn tay của chúng con. Amen.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/5/2022]