Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Romania: Đây là câu chuyện của bảy vị Giám mục Tử đạo Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong Chân phước

Romania: Đây là câu chuyện của bảy vị Giám mục Tử đạo Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong Chân phước

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, ở Romania, cầu nguyện trước mộ của các vị Tử đạo Công giáo Romania © Vatican Media

Romania: Đây là câu chuyện của bảy vị Giám mục Tử đạo Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong Chân phước

Các ngài bị tra tấn giữa những năm 1950 và 1970

03 tháng Sáu, 2019 15:21

Chúa nhật, 2 tháng Sáu, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico tuyên phong Chân phước bảy vị Giám mục Tử đạo Công giáo Hy lạp ở Romania bị tra tấn dưới chính thể Cộng sản Xô-viết.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Phụng vụ Thánh Lễ, tức là một Thánh Lễ theo Nghi thức Byzantine. Ngài dâng Lễ lúc 11:00 sáng (10:00 giờ sáng Roma), trong Sân Tự do của Blaj, là nơi ngài tuyên phong chân phước cho bảy vị tử đạo người Romanian, bị tra tấn và tống ngục trong những năm trước thời Nicholas.

Sắc lệnh phúc Tử đạo — tuyên phong chân phước cho Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tit Liviu Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu, bị sát hại giữa những năm 1950 và 1970 –, được công bố bởi Đức Giáo hoàng ngày 19 tháng Ba năm 2019, thông qua Bộ Phong Thánh.

Ngày 25 tháng Ba năm 2019, Tòa Thánh khẳng định rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ tuyên phong bảy vị Giám mục Tử đạo trong Sân Tự do Blaj ngày 2 tháng Sáu, 2019.

Đồi Can-vê của Giáo hội Công giáo Hy lạp

Năm 1945, 1,5 triệu người Công giáo của Nghi lễ Đông phương sống ở Romania. Đó là một Giáo hội sống động và phát triển, trở về hiệp nhất với Roma năm 1968. Cuối Thế chiến Thứ Hai, Romania rơi vào tay của thế lực Liên bang Xô-viết: Đảng Cộng sản Romania, một đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lên nắm quyền ngày 30 tháng Mười Hai năm 1947. Biến cố này mở ra Đồi Can-vê của Giáo hội Công giáo Hy lạp, Giáo hội trở thành “bất hợp pháp”, và tất cả tài sản của giáo hội đều bị tịch thu. Cùng với sự đồng lõa của hàng giáo phẩm Chính thống giáo, nhà cầm quyền cộng sản cấm Giáo hội này hoạt động theo lệnh của Moscow. Ý định của tất cả các nước trong quỹ đạo cộng sản là tách rời người Công giáo ra khỏi Giáo hoàng.

Không một giám mục nào chịu đầu hàng

Bất chấp sức ép đè lên giới giáo sĩ và tín hữu Công giáo Hy lạp, bị đồng hóa trong Giáo hội hợp pháp của Nhà nước, không một Đức Giám mục nào chịu đầu hàng, vì vậy bảy vị Giám mục bị tống ngục, bị tra tấn và bị giết. Trong suốt thời kỳ này, Giáo hội Công giáo Hy lạp tiếp tục hoạt động lén lút và trong tình trạng tản mát. Chủ nghĩa Cộng sản tồn tại ở Romania cho đến khi Nicholas Ceausescu bị lật đổ năm 1989.

Ban đầu, một chiến dịch được khởi động để hợp nhất giới giáo sĩ Công giáo Hy lạp vào Giáo hội Chính thống: trong số 1.600 linh mục chỉ có 38 người đầu hàng trước sức ép. Mặc dù vậy, Giáo hội Công giáo Hy lạp bị tuyên bố giải tán và các tòa nhà và tài sản bị tịch thu. Sau đó cuộc bắt bớ bắt đầu: hàng trăm linh mục Công giáo Hy lạp bị bắt và tống ngục; chỉ một vài người chịu thua.

ĐGM Valeriu Traian Frentiu

Ngài là vị Giám mục đầu tiên của thành phố Oradea và sau đó là Giám quản Tông tòa của Tổng Giáo phận Alba Iulia và Fagaras. Chế độ cộng sản bắt ngài ngày 28 tháng Mười năm 1948. Ngài bị biệt giam trong trại tập trung Dragoslavele và sau đó trong Tu viện Caladarusani — nơi này đã trở thành một trung tâm biệt giam, và từ năm 1950 trở đi ngài bị giam giữ trong trung tâm cải tạo Sighetul Marmatiei.

ĐGM Ioan Suciu

Đức Giám mục Ioan Suciu của vùng Alba-Julia, tuyên bố những lời này trong Nhà thờ Chính tòa của ngài trước khi bị bắt: “Chúng ta sẽ tuân thủ pháp luật, nhưng sẽ không làm điều gì nghịch lại với đức tin. Và nếu họ hỏi chúng ta: các anh theo phía nào, phía dân tộc hay phía Giáo hoàng? Chúng ta sẽ trả lời là theo Chúa, để Người sẽ trợ giúp dân tộc này.” Ngài bị tống giam ngày 28 tháng Mười năm 1948, và chết vì bị tra tấn liên tục, sau 5 năm trên đồi Can-vê.

ĐGM Alexandru Rusu

Lấy cớ được tiếp kiến bởi Bộ trưởng Tôn giáo, Petre Constantinescu-Iasi, ngày 13 tháng Tám năm 1956 ngài bị cách ly khỏi các Giám mục khác và bị đưa đến Tu viện Cocotu thuộc xã Niculitel. Năm 1957, tòa án binh Cluj kết án ngài 25 năm lao động khổ sai vì thủ mưu và mưu phản. Ngài bị tống giam tại Gherla, trong xà-lim số 10, dưới tầng hầm, tại đó ngài luôn thể hiện thái độ đầy phẩm giá.

Mùa xuân năm 1963 ngài bị bệnh thận tấn công. Ngày 9 tháng Năm, sau khi ban phép lành cho những người có mặt và những bạn tù của mình, ngài nói: “Anh em của tôi, giờ đây tôi sẽ về với Chúa để nhận phần thưởng cho cuộc sống được đón nhận từ Người, cho Giáo hội và cho người Romania.” Đây là những lời cuối cùng của ngài. Ngài được chôn cất mà không có nghi thức tôn giáo trong nghĩa địa cho các tù nhân chính trị của Gherla, trong ngôi mộ số 133.

ĐGM Vasile Aftenie

Giám mục của Ulpiana, ngài bị bắt ngày 28 tháng Mười năm 1948 bởi các Nhà Cầm quyền Cộng sản và lúc đầu bị đưa tới Dragoslavele, sau đó bị chuyển đến trại tập trung được xây dựng bên trong Tu viện Caldarusani, tại đó ngài bị tra tấn và bị cắt xẻo trên cơ thể. Cuối cùng, ngài bị tống giam ở nhà tù Vacaresti, và ngài qua đời tại đó ngày 10 tháng Năm năm 1950.

ĐGM Tit Liviu Chinezu

Vị Giám mục này bị bắt ngày 28 tháng Mười năm 1948, cùng với các Giám mục và linh mục khác, và bị đưa đến Tu viện Neamt. Sau đó ngài bị tống giam trong nhà tù Caldarusani là nơi ngài nhận được sự Tấn phong Giám mục từ các Giám mục tù nhân khác vào ngày 3 tháng Mười Hai năm 1949. Khi các Nhà cầm quyền Cộng sản nghe biết việc Tấn phong, vị tân Giám mục bị chuyển đến trung tâm cải tạo Sighetul Marmatiei. Tại đó ngài lâm trọng bệnh vì bị lao động khổ sai, bị đói và lạnh. Ngài qua đời ngày 15 tháng Một năm 1955 và được chôn trong nghĩa địa công cộng.

ĐGM Ioan Balan

Ngài là Giám mục tận hiến của Lugoj năm 1936 và một thời gian sau được bổ nhiệm Tổng Giám mục chính tòa. Ngài bị bắt ngày 28 tháng Mười năm 1948 và bị biệt giam tại Gragoslavele và sau đó tại Tu viện Caldarusani. Tháng Năm năm 1950 ngài bị chuyển đến trung tâm cải tạo Sighetul Marmatiei, và năm 1956 đến tu viện Ciorogarla và lâm trọng bệnh. Ngài qua đời ngày 4 tháng Tám năm 1959.

ĐGM Iuliu Hossu

Ngài là Giám mục của Giáo phận Gherla Công giáo Hy lạp ở Transylvania. Ngài bị bắt ngày 28 tháng Mười năm 1948 bởi nhà nước Cộng sản và bị chuyển đến Dragoslavele. Sau đó ngài bị chuyển đến Tu viện Caldarusani và cuối cùng đến nhà tù Sighetul Marmatiei. Sau thời gian bị biệt giam trong một số trung tâm khác nhau, ngài lại bị đưa trở lại Tu viện Caldarusani, và ở đó cho đến khi qua đời ngày 28 tháng Năm năm 1970.

Một số chứng nhân trong số nhiều vị tử đạo khác

Bảy vị Giám mục Công giáo Hy lạp này là một số trong nhiều người Ki-tô hữu của Romania — Giám mục, linh mục và giáo dân — là những người xứng đáng được đội triều thiên phúc tử đạo.

Trong số đó là Đức Giám mục Ioan Ploscaru, qua đời năm 1998 ở tuổi 87, trong đó 15 năm cuối đời của ngài trải qua trong nhà tù trong những điều kiện phi nhân. Và có đức Alexandru Todea, Giám mục thánh hiến bí mật năm 1959 và bị cầm tù từ năm 1951 đến 1964. Khi ra tù, sau 13 năm, ngài tái tổ chức lại Giáo hội Công giáo Hy lạp bí mật và khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục và sau đó là Hồng y bởi Đức Gioan Phaolo II.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2019]


‘Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta,’ Đức Thánh Cha nói tại Đền thánh Maria, Sumuleu Ciuc (Csíksomlyó) ở Romania

‘Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta,’ Đức Thánh Cha nói tại Đền thánh Maria, Sumuleu Ciuc (Csíksomlyó) ở Romania
Vatican Media Photo

‘Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta,’ Đức Thánh Cha nói tại Đền thánh Maria, Sumuleu Ciuc (Csíksomlyó) ở Romania

Ở Transylvania, Đức Phanxico dâng Lễ tại địa điểm hành hương, đặc biệt cho người Romania nói tiếng Hungary và những người khác, trước tượng Mẹ Maria phép lạ đã thoát khỏi trận hỏa hoạn tàn phá

01 tháng Sáu, 2019 13:59

“Chúng ta đến đây như những người con về gặp Mẹ chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này trong Thánh Lễ sáng nay tại Đền thánh Maria Sumuleu Ciuc (Csíksomlyó thuộc Hungary), thánh địa Công giáo quan trọng nhất trong nước, nơi người Romania nói tiếng Hungary và người Công giáo từ các quốc gia khác đến hành hương mỗi năm.


Thánh địa Maria, là một phần của Tổng Giáo phận Alba Iulia, được xây dựng bởi Thánh Stephen, Quốc vương Hungary, năm 1009.

Romania với đa phần là người Chính thống giáo, người Công giáo chỉ chiếm 7,2 phần trăm dân số – theo thống kê của Vatican, đại diện chính là cộng đồng người nói tiếng Hungary.

Sumuleu Ciuc nằm trong vùng Transylvania. Trước năm 1919, nó là một phần của Hungary. Hiện nay nó thuộc về Romania.

Theo truyền thống, việc hành hương hàng năm diễn ra vào dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Şumuleu Ciuc, một khu lân cận trong thành phố Miercurea Ciuc, trong Hạt Harghita thuộc Romania, là một xã tách biệt cho mãi đến năm 1959.

‘Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta,’ Đức Thánh Cha nói tại Đền thánh Maria, Sumuleu Ciuc (Csíksomlyó) ở Romania

Trở lại với Đền thánh, nó được xây dựng theo kiểu Baroque và hoàn tất khoảng giữa năm 1802 và 1804, bên trong mọi người có thể chiêm ngắm bức tượng Mẹ Maria Đồng trinh quý giá nhất. Bức tượng được tìm thấy trong Nhà thờ Hành hương ở Csíksomlyó, do các cha Dòng Phan sinh quản lý.

Bức tượng được làm trong khoảng những năm 1515 và 1520 và đã thoát khỏi trận hỏa hoạn tàn phá năm 1661. Trong thánh điện có vô số những tấm bia tạ ơn Mẹ Maria Đồng trinh vì những phép lạ Mẹ đã thực hiện.

Công nhận Şumuleu là một “đền thánh Maria yêu quý, quá phong phú về lịch sử và đức tin,” Đức Phanxico nói: “Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta và để chân nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em.”

Đức Thánh Cha nhận xét, các đền thánh “giống như ‘những bí tích’ của một Giáo hội là bệnh viện di động: chúng giữ sống động ký ức của những người dân trung thành của Chúa, họ là những người giữa bao đau khổ, vẫn tiếp tục tìm kiếm mạch nước hằng sống để làm mới lại niềm hy vọng của chúng ta.” Đức Phanxico công nhận rằng đó là những nơi của lễ hội và lễ mừng, của nước mắt và lời khẩn cầu.

Hướng về ánh mắt của Mẹ Maria

“Chúng ta đến đây dưới chân Mẹ, với một ít lời thưa, để ánh mắt Mẹ nhìn đến chúng ta, và với ánh mắt đó mang Chúa Giê-su đến cho chúng ta. Người là Đường, là Sự thật, và là Sự Sống,” Đức Thánh Cha Phanxico nói.

Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đến đây vì một lý do: chúng ta là những lữ khách, và nói rằng hôm nay họ tập trung nơi đây để cùng nhau nói rằng: “Xin Mẹ dạy chúng con biết đan dệt tương lai!”

Ngài tiếp tục, “Là những người lữ khách đến với đền thánh này, chúng ta hãy hướng mắt về Mẹ Maria và mầu nhiệm được chọn của Chúa.”

“Bằng lời “xin vâng” trước thông điệp của sứ thần, Mẹ Maria – một cô gái của làng Na-da-rét, một ngôi làng nhỏ trong miền Ga-li-lê trên những vành đai của Đế quốc Roma và của chính Israel – đã khởi động cuộc cách mạng của lòng nhân hậu,” Đức Phanxico nói.

Đức Phanxico nhấn mạnh, “Thiên Chúa động viên và thúc đẩy chúng ta nói lời “xin vâng,” như Mẹ Maria, và khởi hành trên những con đường hòa giải.”

Đức Thánh Cha sau đó đưa ra lời kêu gọi: “Xin chúng ta đừng quên: Chúa không làm thất vọng những ai dám phiêu lưu. Vậy chúng ta hãy lên đường và cùng đồng hành.”

“Chúng ta hãy làm một cuộc phiêu lưu và cho phép Tin mừng trở thành lớp men thấm đẫm vào mọi sự và đổ tràn đầy niềm vui cứu độ, sự hiệp nhất và tình huynh đệ nơi các dân tộc.”

Đức Giáo hoàng cũng nhắc nhở rằng để bước đi trên con đường lữ hành “là không quá chú trọng đến những gì đáng lẽ có thể xảy ra (nhưng lại không), nhưng là hãy nhìn đến tất cả mọi sự đang chờ đợi chúng ta và không thể chờ đợi lâu hơn.” Thay vì vậy, “hãy tin tưởng vào Chúa Đấng sẽ đến và thậm chí hiện giờ đang ở giữa chúng ta, khơi gợi cảm hứng và xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ, và khao khát sự thiện, sự thật và công bằng.”

Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


***

Với niềm vui và tâm tình cảm tạ Chúa, anh chị em thân mến, hôm nay cha được cùng hòa chung với anh chị em trong đền thánh Maria yêu quý này, quá phong phú về lịch sử và đức tin. Chúng ta đến đây như những người con về để gặp Mẹ chúng ta và để chân nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em. Các đền thánh giống như “những bí tích” của một Giáo hội là bệnh viện di động: chúng giữ sống động ký ức của những người dân trung thành của Chúa, họ là những người giữa bao đau khổ, vẫn tiếp tục tìm kiếm mạch nước hằng sống để làm mới lại niềm hy vọng của chúng ta. Chúng là những nơi của lễ hội và lễ mừng, của nước mắt và lời khẩn cầu. Chúng ta đến đây dưới chân Mẹ, với một ít lời thưa, để ánh mắt Mẹ nhìn đến chúng ta, và với ánh mắt đó mang Chúa Giê-su đến cho chúng ta. Người là Đường, là Sự thật, và là Sự Sống (Ga 14:6).

Chúng ta đến đây vì một lý do: chúng ta là những lữ khách. Tại đây hàng năm, vào ngày Thứ Bảy trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, anh chị em thực hiện cuộc hành hương để tôn vinh lời khấn của các bậc tiền nhân của anh chị em, và để củng cố đức tin của chính anh chị em vào Thiên Chúa và lòng sùng kính đối với Mẹ Maria, trước đài tượng gỗ của Mẹ. Cuộc hành hương thường niên này là một phần di sản của Transylvania, đồng thời nó tôn vinh những truyền thống tôn giáo của những tôn phái khác cùng tham gia, và từ đó trở thành một biểu tượng của sự đối thoại, sự hiệp nhất và tình huynh đệ. Nó mời gọi chúng ta tái khám phá chứng tá của đức tin sống động và đời sống ngập tràn hy vọng.

Đi hành hương là để nhận biết rằng chúng ta như một dân tộc đang trên đường trở về nhà. Cũng để nhận biết rằng chúng ta là một dân tộc. Một dân tộc với gia sản được tìm thấy nơi vô vàn khuôn mặt, vô vàn nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Dân thánh và trung thành của Chúa cùng hiệp nhất với Mẹ Maria tiến bước trên con đường lữ khách hát vang bài ca lòng thương xót của Chúa. Tại Cana ở Ga-li-lê, Mẹ Maria đã can thiệp với Chúa Giê-su để thực hiện phép lạ đầu tiên của Người; trong mọi đền thánh, Mẹ dõi theo chúng ta và can thiệp, không chỉ với Con của Mẹ nhưng cả với mỗi người chúng ta, yêu cầu rằng chúng ta đừng để mình bị cướp mất tình yêu thương huynh đệ bởi những tiếng nói và những đau đớn xúi giục sự chia rẽ và tan vỡ. Chúng ta không được quên hoặc chối bỏ những hoàn cảnh phức tạp và đầy đau thương của quá khứ, nhưng không được để chúng trở thành một chướng ngại hay một lý do cản trở trên con đường mong mỏi sống với nhau như là anh em chị em của chúng ta.

Đi hành hương tức là cảm thấy được kêu gọi và được thúc bách để cùng đồng hành, xin Chúa ban ơn biến đổi những sự oán giận và ngờ vực của quá khứ và hiện tại thành những cơ hội mới cho tình bằng hữu. Nó có nghĩa là bỏ lại đằng sau sự an toàn và tiện nghi của chúng ta và lên đường đến một vùng đất mới mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta. Đi hành hương có nghĩa là dám khám phá và truyền tải “bí thuật” của cách sống với nhau, và không e sợ hòa mình, ôm lấy và hỗ trợ nhau. Đi hành hương là hòa mình vào với biển người phần nào đó hơi lộn xộn nhưng có thể trao tặng cho chúng ta kinh nghiệm thật sự của tình huynh đệ, để trở thành một phần của đoàn lữ hành để có thể cùng nhau xây dựng lịch sử trong tình đoàn kết (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 87).

Đi hành hương là không quá chú trọng đến những gì đáng lẽ có thể xảy ra (nhưng lại không), nhưng là hãy nhìn đến tất cả mọi sự đang chờ đợi chúng ta và không thể chờ đợi lâu hơn. Đó chính là hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng sẽ đến và thậm chí hiện giờ đang ở giữa chúng ta, khơi gợi cảm hứng và xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ, và khao khát sự thiện, sự thật và công bằng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 71). Đi hành hương là tự mình cam kết bảo đảm rằng những con người tụt hậu của ngày hôm qua có thể trở thành những vai chính của ngày mai, và rằng những vai chính của hôm nay không trở thành những người tụt hậu của ngày mai. Anh chị em thân mến, điều này đòi hỏi một kỹ năng vững chắc, là nghệ thuật đan kết những sợi chỉ của tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay, để cùng nhau nói rằng: Xin Mẹ dạy chúng con biết đan dệt tương lai!

Là những người lữ khách đến với đền thánh này, chúng ta hãy hướng mắt về Mẹ Maria và mầu nhiệm được chọn của Chúa. Bằng lời “xin vâng” trước thông điệp của sứ thần, Mẹ Maria – một cô gái của làng Na-da-rét, một ngôi làng nhỏ trong miền Ga-li-lê trên những vành đai của Đế quốc Roma và của chính Israel – đã khởi động cuộc cách mạng của lòng nhân hậu.” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 88). Mầu nhiệm được chọn của Thiên Chúa là như vậy: Người nhìn đến kẻ thấp hèn và phá tan kẻ quyền thế. Người động viên và thúc đẩy chúng ta nói lời “xin vâng,” như Mẹ Maria, và khởi hành trên những con đường hòa giải.

Anh chị em thân mến, xin chúng ta đừng quên: Chúa không làm thất vọng những ai dám phiêu lưu. Vậy chúng ta hãy lên đường và cùng đồng hành. Chúng ta hãy làm một cuộc phiêu lưu và cho phép Tin mừng trở thành lớp men thấm đẫm vào mọi sự và đổ tràn đầy niềm vui cứu độ, sự hiệp nhất và tình huynh đệ nơi các dân tộc.

[Văn bản (tiếng anh của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/6/2019]