Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Đức Thánh Cha khen ngợi các vận động viên bơi lội Ý

Đức Thánh Cha khen ngợi các vận động viên bơi lội Ý
© Vatican Media

Đức Thánh Cha khen ngợi các vận động viên bơi lội Ý

Về những giá trị hỗ trợ lẫn nhau và làm việc nhóm

28 tháng Sáu, 2018 17:43
Ngày 28 tháng Sáu, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico có những ý kiến rất tích cực về các vận động viên bơi lội và môn bơi lội, ngài nói về những giá trị của thể thao trong việc tạo ra sự tương trợ lẫn nhau và làm việc nhóm.

Diễn từ của ngài trong buổi tiếp khoảng 300 vận động viên bơi lội Ý và quốc tế đang tham gia giải Settecolli Trophy quốc tế lần thứ 55 ở Roma ngày 29 tháng Sáu đến 1 tháng Bảy.

Đức Thánh Cha phân tích, “Rõ ràng, bơi lội là một môn thể thao cá nhân nổi trội, nhưng dù thế nào thì việc luyện tập nó trong một câu lạc bộ thể thao và đặc biệt là ở mức độ quốc gia sẽ trải nghiệm làm việc nhóm, trong đó sự hợp tác và sự trợ giúp lẫn nhau là rất giá trị. Và có những môn thi tiếp sức, và môn polo nước là một môn thể thao đồng đội cổ điển. Trên tất cả là môn bơi nghệ thuật phối hợp, nó thật sự nâng cao tinh thần đồng đội: tất cả đó là một sự phối hợp hài hòa, và sự ưu việt sẽ đạt được khi các vận động viên cùng di chuyển để tạo ra một chuyển động đơn.”

Đức Thánh Cha động viên những người có mặt truyền đạt những giá trị tích cực qua cách họ thực tập môn thể thao, từ đó góp phần nâng cao xã hội.



Diễn từ của Đức Thánh Cha:

Các bạn thân mến,

Tôi xin nồng nhiệt chào đón các bạn, cùng lời cảm ơn đặc biệt gửi đến ngài chủ tịch của Liên đoàn đã có những lời chia sẻ chân thành.

Trong các ngày thi đấu thể thao này – giải “Seven Hills” Trophy – ngoài những kết quả thuộc kỹ thuật, các bạn cũng đã thể hiện tính kỷ luật, sự thi đấu công bằng và tính đồng đội. Các bạn cho thấy một người có thể tiến xa đến đâu qua nỗ lực rèn luyện, trong đó đòi hỏi tính trách nhiệm rất cao kể cả những hy sinh. Tất cả những điều này tạo nên một bài học cuộc sống, đặc biệt cho các bạn bè đồng trang lứa. Bơi lội, cũng như bất kỳ hoạt động thể thao nào khác, khi rèn luyện với lòng kiên trì, sẽ trở thành một cơ hội để rèn luyện những giá trị nhân văn và xã hội, để tập luyện cho cơ thể cũng như tính cách và ý chí, để học cách biết được chính mình và chấp nhận bản thân, giữa các đồng đội.

Tôi muốn phân tích một chút về khía cạnh “tính đồng đội.” Rõ ràng, bơi lội là một môn thể thao cá nhân nổi trội, nhưng dù thế nào thì việc luyện tập nó trong một câu lạc bộ thể thao và đặc biệt là ở mức độ quốc gia sẽ trải nghiệm làm việc nhóm, trong đó sự hợp tác và sự trợ giúp lẫn nhau là rất giá trị. Và có những môn thi tiếp sức, và môn polo nước là một môn thể thao đồng đội cổ điển. Trên tất cả là môn bơi nghệ thuật phối hợp, nó thật sự nâng cao tinh thần đồng đội: tất cả đó là một sự phối hợp hài hòa, và sự ưu việt sẽ đạt được khi các vận động viên cùng di chuyển để tạo ra một chuyển động đơn. Điều đó thật sự cuốn hút, và đối với chúng tôi là những khán giả ngồi xem thì điều đó dường như là không thể, nhưng bí mật ở đây đó là sự tương trợ lẫn nhau, ngoài những khả năng cá nhân.

Nói đến môn bơi nghệ thuật phối hợp, tôi không thể không nhớ đến Noemi, đồng đội của các bạn đã qua đời cách đây vài hôm, ngay ở Roma này. Tôi đã dâng lời cầu nguyện cho chị và cho gia đình chị, và hôm nay tôi cùng các bạn cầu nguyện cho chị.

Quý vị quản lý và các vận động viên thân mến, hãy trở thành một mẫu gương tốt cho bạn bè đồng trang lứa, một mẫu gương giúp họ xây dựng tương lai. Ngôn ngữ thể thao là ngôn ngữ chung và dễ tiếp cận với những thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn hãy truyền đạt những thông điệp tích cực qua hoạt động của các bạn, từ đó góp phần nâng cao xã hội chúng ta đang sống.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn và luôn trao tặng niềm vui khi rèn luyện thể thao với nhau trong tinh thần huynh đệ. Cảm ơn các bạn.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2018]


HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Điều kiện cần có để Chúa Giê-su chữa lành chúng ta

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Điều kiện cần có để Chúa Giê-su chữa lành chúng ta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Điều kiện cần có để Chúa Giê-su chữa lành chúng ta

‘Để đi vào được trái tim của Người, vào trái tim của Chúa Giê-su, chỉ cần một điều kiện như vầy: cảm nhận cần được chữa lành và tín thác nơi người’

01 tháng Bảy, 2018 14:37
Dưới đây là bản dịch huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước các tín hữu trong Quảng trường Thánh Phê-rô:

****

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tin mừng của Chúa nhật này (x. Mc 5,21-43) trình bày hai sự kiện phi thường được Chúa Giê-su thực hiện, mô tả những điều đó như một cuộc khải hoàn vinh quang tiến đến sự sống.

Trước hết, tác giả Tin mừng kể về một ông Dai-rô, một trong những người trưởng hội đường, ông gặp Chúa Giê-su để xin Người đến nhà ông vì đứa con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối. Chúa Giê-su nhận lời và đi với ông; nhưng trên đường đi thì có tin là người con gái đó đã chết. Chúng ta có thể hình dung ra thái độ của người cha lúc đó như thế nào. Nhưng Chúa Giê-su nói với ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” (c. 36). Khi đến nhà ông Dai-rô, Chúa Giê-su đuổi những người đang khóc lóc ra ngoài – có cả những người phụ nữ đang gào thét – và đi vào phòng cùng với cha mẹ bé gái và ba môn đệ. Hướng về người chết, Ngài nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (c. 41). Và ngay lập tức cô bé trỗi dậy, dường như vừa tỉnh giấc sau một giấc ngủ sâu (v. 42).

Trong câu truyện phép lạ này, Mác-cô lồng ghép vào một truyện khác: chữa lành một người phụ nữ bị băng huyết [hemorrhages] và được chữa khỏi ngay khi bà chạm vào áo của Chúa Giê-su (c. 27). Câu truyện này trình bày sự thật rằng đức tin của người phụ nữ này cuốn hút – cha muốn dùng cụm từ này là “đánh cắp” – sức mạnh cứu chữa của nước Trời hiện hữu trong Đức Ki-tô, cảm nhận thấy một sức mạnh “đã xuất ra từ Người”, Ngài cố tìm xem ai đã làm việc đó. Và khi người phụ nữ vô cùng xấu hổ tiến đến trước mặt Người và thú nhận mọi điều, Người liền bảo bà: ‘Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con’ (c. 34).

Hai câu truyện này đan xen nhau, với trung tâm điểm duy nhất: lòng tin; và cho thấy Chúa Giê-su như là nguồn mạch của sự sống, là Đấng trao lại sự sống cho những ai hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài. Hai nhân vật chính, người cha của cô bé và người phụ nữ bị bệnh, không phải là các môn đệ của Chúa Giê-su, nhưng họ vẫn được chữa lành vì đức tin của họ. Họ tin vào Con Người đó. Từ việc này, chúng ta hiểu được rằng mọi người đều được tiếp nhận trên con đường của Chúa: không ai cảm nhận họ như một người không được mời, một người lợi dụng hay một người không có quyền. Để đi vào được trái tim của Người, vào trái tim của Chúa Giê-su, chỉ cần một điều kiện như vầy: cảm nhận mình cần được chữa lành và tín thác nơi Người. Cha hỏi anh chị em: mỗi anh chị em có cảm thấy mình cần được chữa lành không? Chữa lành một điều gì đó, một tội nào đó, một vấn đề nào đó? Và nếu anh chị em nghe thấy điều này thì anh chị em có niềm tin vào Chúa Giê-su không? Đây là hai yêu cầu cần có để được chữa lành, để đi vào được trái tim của Người: cảm nhận mình cần được chữa lành và tín thác nơi Người. Chúa Giê-su đi để tìm những người như vậy trong đám đông, và đưa họ thoát ra khỏi tình trạng vô danh, giải thoát cho họ khỏi nỗi sợ hãi của cuộc sống và trở nên can đảm. Người thực hiện việc đó bằng ánh mắt nhìn và lời nói và đặt họ trở lại trên đường đi sau quá nhiều đau khổ và nhục nhã. Cả chúng ta nữa cũng được kêu gọi để học và bắt chước những lời giải thoát đó, và những ánh mắt nhìn để trao lại khát khao sống cho những người chưa được giải thoát.

Trong Bài đọc Tin mừng này, các chủ đề đức tin và sự sống mới, mà Chúa Giê-su đến để trao ban cho mọi người, được hòa quyện với nhau. Đi vào nhà nơi em gái đang nằm chết, Ngài đuổi những người đang làm ầm ỹ và than khóc (c. 40) và nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy” (c. 39). Chúa Giê-su là Chúa, và trước mặt Người, cái chết của thân xác chỉ như một giấc ngủ: chẳng có lý do gì để tuyệt vọng. Một “cái chết” khác rất đáng sợ: đó là cái chết của tâm hồn bị chai lỳ trước cái ác! Với cái chết đó, đúng, chúng ta phải sợ nó! Khi chúng ta cảm thấy tâm hồn của mình đã bị khô cứng, tâm hồn chúng ta chai đá, và cha xin phép sử dụng cụm từ ‘tâm hồn xác ướp,’ chúng ta phải sợ cái chết này. Nó là cái chết của tâm hồn. Nhưng ngay cả với tội, ngay cả với ‘tâm hồn của xác ướp’, thì đối với Chúa Giê-su vẫn không phải là lời nói cuối cùng, vì Người mang đến cho chúng ta lòng thương xót vô tận của Chúa Cha. Và ngay cả khi chúng ta vấp ngã, giọng nói êm ái nhưng mạnh mẽ của Người chạm đến chúng ta: “Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” Thật đẹp khi nghe thấy lời đó của Chúa Giê-su đến với mỗi người chúng ta: “Ta bảo con: hãy trỗi dậy! Hãy đi. Hãy đứng dậy, can đảm lên, đứng dậy!” Và Chúa Giê-su đã đưa em gái trở lại cuộc sống và trao lại sự sống cho người phụ nữ được chữa lành: sự sống và đức tin cho cả hai người.

Chúng ta hãy khẩn xin Mẹ Maria Đồng trinh đồng hành trên hành trình đức tin của chúng ta và hành trình tình yêu cụ thể, đặc biệt đối với những người thiếu thốn. Và chúng ta kêu xin sự cầu bầu tình mẫu tử của Mẹ cho những anh em của chúng ta đang đau khổ trong thân xác và tinh thần.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]




Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Tôi tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho dân tộc Nicaragua thân yêu, tôi muốn cùng tham gia vào những nỗ lực của các đức Giám mục của đất nước và nhiều người thiện chí, trong vai trò trung gian và giám sát cho tiến trình đối thoại trong nước trên con đường tiến đến dân chủ.

Tình hình ở Syria vẫn rất nghiêm trọng, đặc biệt trong tỉnh Daraa, tại đó các hoạt động quân sự trong những ngày gần đây tấn công cả vào các trường học và nhà thương, và làm cho hàng ngàn người trở thành người tị nạn mới. Một lần nữa, tôi thỉnh cầu, cùng với lời cầu nguyện, cho dân tộc đó vốn đã chịu thử thách nặng nề quá nhiều năm, được thoát khỏi những đau khổ.

Giữa nhiều quá nhiều cuộc xung đột, thật tuyệt vời khi tìm ra được một sáng kiến có thể tạo nên lịch sử – và chúng ta cũng có thể nói đó là một tin vui: trong những ngày này, sau hai mươi năm, các chính phủ của nước Ethiopia và Eritrea đã trở lại bàn để cùng nhau đàm phán về hòa bình. Ước mong rằng cuộc họp này làm sáng lên một nguồn sáng hy vọng cho hai quốc gia này trong vùng Sừng Châu Phi và cho toàn thể lục địa Châu Phi.

Cha cũng dâng lời cầu nguyện cho các bạn trẻ bị mất tích hơn một tuần qua trong hang dưới lòng đất ở Thái lan.

Thứ Bảy tới, cha sẽ đến Bari, cùng với nhiều vị Lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đoàn Ki-tô hữu của Trung Đông. Chúng ta sẽ trải qua một ngày cầu nguyện và suy tư về tình hình liên tục bi thảm của vùng đất đó, nơi có quá nhiều anh chị em trong đức tin của chúng ta tiếp tục chịu đau khổ, và chúng ta sẽ cùng cất lên một tiếng nói chung: “Chúc thành đô an lạc” (Tv 122: 8). Cha xin mọi người cùng đồng hành trong chuyến hành hương hòa bình và hiệp nhất này trong lời cầu nguyện.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người Roma và các khách hành hương. Cha đặc biệt chào các tính hữu đến từ Bồ Đào nha và các linh mục của Học viện Sacerdos thuộc Đại học Giáo hoàng Regina Apostolorum; và các nữ tu thuộc Dòng Nữ tu Thánh Phan sinh Sám hối và Bác ái Ki-tô uc3a Ba lan, và các tín hữu của Iraq.

Cha gửi lời chào các nhóm giáo xứ và các hội đoàn; Dòng Nữ tu Thừa sai Đức Bà của các Tông đồ, nhóm giới trẻ thuộc phòng mục vụ của Gallio, giáo phận Padua, các bạn trẻ của giáo xứ Maria Himmelfahrt thuộc Schattdorf và gia đình tinh thần Máu Cực Thánh Đức Ki-tô.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2018]