Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Người Công giáo Thụy Điển là ai?

Người Công giáo Thụy Điển là ai?

ZENIT tiếp xúc với Cộng đồng Công giáo bé nhỏ của Thụy Điển
1 tháng 11, 2016
book-swNgười Công giáo Thụy Điển là ai?
Ảnh chụp tại Lund, của phóng viên Vatican của Zenit, Deborah Castellano Lubov, On The Ground In Sweden
Quý vị có muốn biết thêm về người Công giáo ở Thụy Điển… ZENIT đã dành thời gian ở Malmö và Lund, cố gắng để có cái nhìn gần hơn.
Angelo Tajani, một người lớn tuổi đến từ Amalfi thành phố miền Nam Ý, là một nhà báo về hưu, một ký giả từ vùng Scandinavia, làm cho nhiều tờ báo. Hiện ông đang sống ở Landskrona, một thị trấn nhỏ cách không xa Malmö, Thụy Điển. Vợ ông cũng là người Ý, là con gái của một gia đình đã cắm cọc ở đây thuộc vùng miền Nam Thụy Điển qua nhiều thế hệ.
“Mẹ vợ tôi thường kể cho tôi rằng khi chồng bà, tức bố vợ tôi, lúc còn trẻ học đại học, ông được gọi là ‘theo giáo hoàng.’” ông nói và nhấn mạnh rằng ông thường bị chế diễu là người Công giáo.
“Tạ ơn Chúa, thời gian đổi thay. Ngày nay, nhiều thập kỷ sau, cũng ở Thụy Điển,” Angelo nói, “Đức Thánh Cha Phanxico cũng đã rất nổi tiếng, tương đương với ngài Gioan XXIII và Gioan Phaolo II.”
Ivan, 21 tuổi, sinh ở Thụy Điển, là con trai của những người tị nạn chiến tranh, những người Công giáo Croatia di tản năm 1995 từ Bosnia và Herzegovina. Ở Landskrona, không giống với Nam Tư cũ 20 năm về trước, thuộc về một nhóm tôn giáo thiểu số không còn là vấn đề gì nữa: thực sự là không,” anh nói.
“Giữa những bạn bè đồng trang lứa của tôi chúng tôi không còn nghĩ đến tôn giáo của ai, chúng tôi chỉ nghĩ anh ta là một con người. Tôi có rất nhiều bạn bè là Tin Lành Luther, và thậm chí Hồi giáo.”
Trong cộng đồng người Croatia của Thụy Điển, nhiều người là người tị nạn chiến tranh, cha mẹ của Ivan cũng vậy. Anh vừa bước ra khỏi nhà thờ của một giáo xứ nhỏ trong làng. Ở giữa những người đồng hương Công giáo nhập cư trong một quốc gia xa lạ, và khác biệt về ngôn ngữ, tâm lý và thậm chí tôn giáo, Thánh Lễ Chúa Nhật là một dịp rất tuyệt vời để gặp gỡ nhau. Thánh Lễ lúc 9 giờ sáng, lễ đầu tiên trong ngày, được dâng bằng tiếng Croatia. Nhưng Chúa Nhật, 30 tháng 10 là ngày lễ mừng đặc biệt cho 4 thiếu nhi, 2 trai và 2 gái, người Croatia và Ba lan. Đức Cha Anders Arborelius từ Stockholm đến dâng Thánh lễ lúc 11 giờ sáng, ban Bí tích Thêm sức.
Giáo phận của ngài phủ toàn diện tích của Thụy Điển, 450.000 cây số vuông trong đó sống tản mác có 113.000 người Công giáo: con số nhỏ và khoảng cách rất rộng, vì thế đức giám mục và các linh mục phải di chuyển liên tục để không bỏ rơi ai, bất kỳ một giáo xứ hay cộng đoàn nhỏ nào không được nghe Tin mừng và lãnh các bí tích. “Dĩ nhiên, với rất nhiều người Công giáo nhập cư đến đây, rất khó sống đức tin,” đức Giám mục Arborelius nói.
“Họ cảm thấy bị cô đơn, ở nhiều nơi không có nhà thờ Công giáo, và cũng vì ảnh hưởng của tình trạng tâm lý vật chất và thế tục lan rộng ở Thụy Điển có thể là một gánh nặng rất khó mang. Vì vậy nói chung có hai hoàn cảnh mà chúng tôi nhìn thấy đang diễn ra: một số bỏ giáo hội, những người khác gắn bó hơn vào đời sống Giáo hội Công giáo.”
Lúc 2.30 một Thánh Lễ khác được dâng bằng tiếng Ả-rập cho những người Công giáo Trung Đông: Li-băng, Iraq, Syria, Palestine, Ai-cập … Họ là người Công giáo thuộc nhiều nghi lễ khác nhau, vì thế cha tuyên úy An-tôn Arab, người Syria quê ở Aleppo, thừa sai ở Thụy Điển trong suốt 13 năm qua, luôn dâng Lễ theo nghi lễ La-tinh. “Có những gia đình đã sống ở đây lâu rồi,” cha nói, “và thậm chí đã trưởng thành về đức tin mạnh mẽ hơn trước đây, điều làm cho họ cảm thấy họ là các thừa sai trong một xã hội đang cần được tái rao giảng phúc âm.”
Những người Công giáo Thụy Điển nói tiếng Ả-rập đã di tản khỏi đất nước của họ vì chiến tranh và trên hết vì sự bách hại chống lại Ki-tô hữu: Li-băng trong thập niên 80, Iraq năm 2003, bây giờ là Syria. Thiếu nhi Syria vừa chuẩn bị xong một quyển sách tranh vẽ của các em với hy vọng có thể được dâng lên Đức Thánh Cha. Michael, 8 tuổi, vừa bị mất mẹ và chị gái trong chiến tranh. Trong ảnh vẽ của em, có em, cha em và ông nội, cộng thêm cây thánh giá trên một ngôi mộ.
Danh sách các dân tộc đại diện trong Giáo hội Công giáo Thụy Điển chưa làm xong. Có nhiều người Chi-lê (chạy trốn trong thời gian của nhà độc tài Pinochet), người Ba lan, người Ukrainia, người Việt nam, người Philipine … trên toàn bộ Thụy Điển. Giáo xứ Lund có 3.200 tín hữu đăng ký từ ít nhất 88 quốc gia, thậm chí có thể hơn, theo linh mục coi xứ là cha Johan Linden, dòng Đa-minh, ngài thú nhận thật thà rằng ngài cũng không nhớ nổi con số.
“Khi anh thuộc về một nhóm tôn giáo thiểu số, như cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở Thụy Điển, trong một hoàn cảnh như vậy, tất cả đều dựa vào đức tin của anh, văn hóa của anh trở nên rất quan trọng. Nhưng tôi cảnh báo với các giáo hữu của tôi đừng bị suy giảm đức tin vì nền tảng văn hóa của họ,” cha Johan khẳng định.
Eduardo và Francesca, người Ý, sống ở vùng ven của Malmö. Họ là cha mẹ của 8 đứa con trai và gái, một gia đình Thừa sai trong sứ vụ 21 năm ở Thụy Điển. Những ngày có Đức Thánh Cha đến là một ngoại lệ, Francesca giải thích: “có rất tin tức về những gì Đức Thánh Cha làm hay nói, ngay cả trong nhà thờ, trong các bài giảng, người ta nói rất ít về Đức Thánh Cha. Chúng tôi xem truyền hình của Ý chứ không thì chúng tôi chẳng biết được gì.”
Trong số những người bạn học của Francesco, người con trai lớn nhất, “có vài người biết tên ngài là gì, và biết là ngài sống ở Vatican,” cậu nói, nhưng ít nhất trong những ngày này họ hỏi ngài rất nhiều câu hỏi, vượt ra ngoài cả sự ngạc nhiên, rất nhiều không gian trên báo chí và truyền hình được dành ra để nói về Đức Thánh Cha.
“Tuy nhiên, các bình luận rất khác nhau,” Eduardo nói; “Nhiều người đánh giá rất tốt về tính cởi mở của Đức Thánh Cha Phanxico, sự chú ý của ngài đến người nghèo, người bị gạt ra bên lề, những người khác lý lẽ hơn, đặc biệt một số mục sư Tin lành Luther trình bày hơi ‘khiêu khích rằng bạn cứ phải chờ xem sự thật, và thực tế là Giáo hội Công giáo không có gì thay đổi, họ nhìn Giáo hội như một cơ cấu khép kín, lấy ví dụ như phải cho phụ nữ có nhiều quyền hơn … tuy nhiên, tôi hy vọng rằng phái Luther có thể biết trân trọng hành động của Đức Thánh Cha và cũng biết cách đi một chút ‘xuống dưới đáy của vấn đề’, mà không dừng lại ở bên ngoài, trên bề mặt, rồi những đồn thổi, trần gian …”
Với những người Công Giáo Thụy Điển đây vẫn là những ngày vô cùng đặc biệt. Ngài Phanxico đến Thụy Điển với ý định căn bản là cổ vũ đối thoại đại kết với phái Luther, sau đó quyết định ở lại thêm một ngày để dâng lễ Các Thánh, cho đàn chiên nhỏ bé và quá đa dạng tản mác. Không phải lúc nào cũng dễ dàng giữ được hiệp nhất, Đức ông Arborelius nói, “nhưng chính Chúa Thánh Thần hiệp nhất chúng tôi. Thỉnh thoảng cũng có những khủng hoảng, xung khắc, nhưng bạn vẫn có thể nói rằng có một không khí huynh đệ, không khí đoàn kết giữa các nhóm. Và Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Malmö là một sự kiện quan trọng để làm vững mạnh thêm sự hiệp nhất của Giáo hội của chúng tôi”.

[Nguồn:zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/11/2016]


Đức Thánh Cha dâng Lễ cho các tín hữu đã qua đời ngày Lễ các Linh Hồn

Đức Thánh Cha dâng Lễ cho các tín hữu đã qua đời ngày Lễ Các Linh Hồn

“Và nỗi buồn được hòa trộn với hy vọng”
3tháng 11, 2016
SS. Papa Francesco - Santa Messa Cimitero Prima Porta02-11-2016@Servizio Fotografico - L'Osservatore Romano
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico tối thứ Tư đã đến nghĩa trang Prima Porta của Roma, tại đây ngài dâng Lễ cho Các Linh hồn. Đến nghĩa trang ngài vào viếng khu di cốt và đặt hoa tại nhiều mộ, và cầu nguyện thầm.
Nghĩa trang Flaminio Cemetery ở Prima Porta, nơi Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ Các Linh hồn, là nghĩa trang lớn nhất ở Roma. Sau lễ, trên đường về Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico đã đến viếng Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô để cầu nguyện riêng cho những vị tiền nhiệm của ngài trên ngai tòa Phê-rô.
Theo đài phát thanh Vatican, ngài cầu nguyện trong Hầm mồ Vatican tối thứ Tư, hang ở dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Hầm mồ có mộ của các vua, nữ hoàng và giáo hoàng từ thế kỷ thứ X.
Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện riêng tại mộ cho các vị tiền nhiệm của ngài trong thế kỷ XX: Benedict XV, Pi-ô XI, Pi-ô XII, Chân phước Phao-lô VI, Gioan Phao-lô I.
Trong bài giảng Lễ tại nghĩa trang, ngài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha đưa ra suy tư về những lời của ông Gióp:
Dưới đây là  bản dịch của ZENIT bài giảng của Đức Thánh Cha:
Ông Gióp ở trong bóng tối. Quả thật ông đang bước đến cửa tử. Và, ngay lúc đau thương, đau khổ, và phải chịu đựng nhiều nhất, Gióp vẫn tuyên xưng hy vọng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (Job 19:25.27). Ngày tưởng nhớ những người qua đời mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa đau buồn: nghĩa trang là rất buồn, nó nhắc chúng ta nhớ về những người thân yêu đã ra đi, nó cũng nhắc chúng ta nhớ về tương lai, về cái chết, nhưng trong nỗi buồn này, chúng ta mang theo những cánh hoa, tượng trưng của hy vọng, cha thậm chí có thể nói rằng đó là một sự mừng vui, nhưng là về sau này, không phải bây giờ. Và nỗi buồn được hòa trộn với hy vọng. Và đây là điều tất cả chúng ta cảm nhận được hôm nay trong lễ mừng này: ký ức về những người thân yêu, trước cái chết của họ vẫn còn đó, và hy vọng.
Nhưng chúng ta cũng cảm thấy rằng sự hy vọng này giúp chúng ta, vì cả chúng ta cũng sẽ phải bước vào con đường ấy. Tất cả chúng ta sẽ đi vào con đường này sớm hoặc muộn, tất cả chúng ta sẽ phải bước vào nó, với nỗi sầu khổ ít hơn hoặc nhiều hơn, nhưng tất cả chúng ta, nhưng cũng sẽ cùng với bông hoa hy vọng, với nguồn sống ở bên kia. Sự hy vọng phục sinh không làm chúng ta thất vọng.
Và người đầu tiên bước vào con đường này là Chúa Giê-su. Chúng ta sẽ đi vào con đường Ngài đã đi. Và người mở cánh cửa cho chúng ta vào là chính Ngài, là Đức Giê-su: với thập giá của Ngài, Ngài mở cho chúng ta cánh cửa hy vọng; Ngài mở cánh cửa cho chúng ta đi vào nơi chúng ta sẽ hưởng nhan Chúa. “Tôi biết rằng Đấng Cứu độ tôi đang sống, và cuối cùng Người sẽ đứng trên trái đất … và tôi nhìn thấy Thiên Chúa … và đôi mắt tôi sẽ nhìn thấy chứ không phải người khác.”
Hôm nay chúng ta về nhà với hai sự ghi nhớ: ghi nhớ về quá khứ về những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, và ghi nhớ về tương lai của con đường chúng ta sẽ bước đi – chắc chắn như vậy, sự an toàn; sự chắc chắn đó được bảo đảm từ lời của Chúa Giê-su: “Tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (Ga 6:40)
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch của ZENIT]
Đức Thánh Cha dâng Lễ cho các tín hữu đã qua đời ngày Lễ Cầu Hồn

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/11/2016]


Bản dịch đầy đủ: Họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên đường từ Thụy Điển về

Bản dịch đầy đủ: Họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên đường từ Thụy Điển về

(Phần 2)

“Khi Chúa Giê-su cầu nguyện cho tất cả chúng ta tại Bữa tiệc Ly, Người đã cầu xin với Chúa Cha một điều cho tất cả mọi người: không phải đưa chúng ta thoát ra khỏi thế gian này nhưng bảo vệ chúng ta trong thế gian này, thoát khỏi tính trần tục của thế gian”
2 tháng 11, 2016
Francis journalists, media, plane to Sweden
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Trên chuyến bay thứ Ba từ Malmo về Roma sau chuyến Tông du đến Thụy Điển, Đức Thánh Cha Phanxico trả lời các nhà báo trên máy bay trong buổi họp báo kéo dài 40 phút.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT ghi chép đầy đủ cuộc họp báo.
* * *

Greg Burke: Cảm ơn cha. Bây giờ là câu hỏi của Austen Ivereigh, con không biết anh sẽ nói tiếng Tây Ban Nha hay tiếng porteno [giọng Buenos Aires] … mời Eva Fernandez lại gần đây ...
Austin Ivereigh (tiếng Tây Ban Nha): Xin cảm ơn cha rất nhiều, thưa Đức Thánh Cha mùa thu này đã rất phong phú với các cuộc gặp gỡ đại kết với các giáo hội truyền thống; Chính thống giáo, Anh giáo và bây giờ là Luther. Tuy nhiên, phần đông Tin lành ngày nay trên thế giới theo truyền thống Tin mừng, truyền thống Ngũ tuần ... Con có nghe tin trong đêm canh thức Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm tới này sẽ có một nghi thức ở Circus Maximus mừng 50 năm của Hội Cầu Nguyện Thánh Linh. Cha đã có nhiều sáng kiếncó lẽ là Giáo hoàng đầu tiên — trong năm 2014 với các nhà lãnh đạo phái Tin mừng. Những điều gì đã diễn ra với các sáng kiến này, và cha hy vọng đạt được điều gì từ sự họp mặt này trong năm tới? Cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico (Tiếng Tây Ban Nha): Với những sáng kiến đó, tôi có thể nói tôi có hai hình thức sáng kiến. Một sáng kiến khi tôi đến Caserta với giáo phái Thần Ân (Charismatic) và cùng trong dịp này tôi đến nhà thờ giáo phái Waldes (Waldensian) ở Turinmột sáng kiến để chuộc lỗi và xin tha thứ vì có những người Công giáo, một phần của Giáo hội Công giáo, đã đối xử không tốt với họ, theo cách của người Ki-tô hữu. Vì vậy cần phải xin sự tha thứ và để chữa lành vết thương.
Một sáng kiến khác là sự đối thoại, và nó diễn ra ở Buenos Aires. Chẳng hạn, ở Buenos Aires chúng tôi đã có ba cuộc gặp gỡ ở Công viên Luna với sức chứa 7.000 người. Ba cuộc gặp gỡ với các tín hữu giáo phái Tin mừng và Công giáo trong cùng thời gian với giáo phái Thần ân, nhưng cũng rất mở rộng. Và lần gặp gỡ đó diễn ra cả ngày: một mục sư và một giám mục phái Tin mừng giảng, và rồi một linh mục và giám mục Công giáo giảng, như vậy là hai - hai, và là đa dạng. Hai trong số những lần gặp gỡ này, nếu không nói là cả ba lần, nhưng hai lần là chắc chắn nhất, Cha Cantalamessa đã giảng, cha là nhà thuyết giáo cho nhân viên phục vụ điện giáo hoàng
Tôi nghĩ chuyện này cũng đã xảy ra từ đời các giáo hoàng trước, và khi tôi còn ở Buenos Aires, nó tạo không khí rất tốt cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng có hai buổi tĩnh tâm 3-ngày cho các mục sư và linh mục chung với nhau. Các mục sư và một linh mục hoặc một giám mục cùng giảng với nhau. Và điều này giúp rất nhiều cho sự đối thoại, cho sự hiểu biết lẫn nhau, cho việc nối lại tình thân, cho công việc ... đặc biệt là để cùng nhau làm việc với những người thiếu thốn nhất. Cùng nhau và tôn trọng, rất tôn trọng. Và đó là những gì liên quan đến các sáng kiến, và những điều này đã bắt đầu ở Buenos Aires và việc này vẫn đang diễn ra … Ở đây ở Roma tôi đã có một số cuộc gặp gỡ với các mục sư … đã có hai hoặc ba lần. Một số vị từ Mỹ đến và từ đây, từ Châu Âu.
Và sự kiện anh đề cập đến là lễ mừng được tổ chức bởi ICCRS [International Catholic Charismatic Renewal Services], mừng 50 năm của hội Cầu nguyện Thánh Linh (Charismatic Renewal), là hội được sinh ra bởi tinh thần đại kết, vì thế sẽ mang tính đại kết theo đúng nghĩa, và nó sẽ được tổ chức ở Circus Maximus. Tôi dự định – nếu Chúa vẫn để cho tôi sống – sẽ có buổi nói chuyện ở đó. Tôi nghĩ sự kiện sẽ kéo dài hai ngày, nhưng nó vẫn chưa được tổ chức. Tôi biết nó chắc chắn sẽ vào đêm Canh thức Lễ Chúa Thánh Thần, và tôi sẽ có bài nói chuyện lúc nào đó. Liên quan đến Hội Cầu nguyện Thánh linh và giáo phái Ngũ Tuần (Pentecostals): danh từ “Phái Ngũ Tuần”, cách gọi tên “Pentecostal” bây giờ không rõ nghĩa, vì nó đề cập đến nhiều điều, nhiều Hiệp hội, nhiều Giáo Đoàn không giống nhau, họ thậm chí còn chống nhau. Vì thế chúng ta phải làm rõ thêm, nghĩa là, nó quá chung chung nên trở thành một thuật ngữ mơ hồ. Điều đó rất tiêu biểu ở Brazil, đây là nơi phát triển rất mạnh.
Phong Trào Cầu nguyện Thánh Linh (Charismatic Renewal) ra đời – và một trong những đối kháng đầu tiên của phong trào này là phong trào tôi đã nói đến – vì tôi là Giám tỉnh Dòng Tên lúc đó và khi việc bắt đầu lên một mức độ ở Argentina, tôi cấm anh em Dòng Tên không được can dự vào. Và tôi nói công khai rằng khi nào một nghi thức cử hành phụng vụ được tổ chức, thì phải có cái gì đó thuộc về nghi thức chứ không phải là một nơi nhảy samba. Tôi đã nói điều đó. Và ngày nay thì tôi nghĩ ngược lại, khi mọi việc đã được làm rất tốt.
Hơn thế nữa, hàng năm ở Buenos Aires chúng tôi có một Thánh lễ một năm một lần của Phong Trào Cầu nguyện Thánh Linh trong nhà thờ chính tòa, nơi mọi người có thể đến. Nói cách khác, tôi cũng đã đi qua một tiến trình lọc lấy những điểm tốt mà Phong Trào này tạo cho Giáo hội. Và ở đây chúng ta không được quên hình ảnh của Đức Hồng Y Suenens, ngài đã có cái nhìn tiên tri và đại kết đó.

Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là Eva Fernandez từ Mạng lưới “Cope”, đài phát thanh Tây Ban Nha.
Eva Fernandez (nói tiếng Tây Ban Nha): Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi câu này bằng tiếng Ý, nhưng vẫn cảm thấy không thể được. Cách đây không lâu cha có gặp Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela. Phản ứng của cha với cuộc gặp gỡ này như thế nào và ý kiến của cha khi bắt đầu các cuộc đối thoại là gì. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều.
ĐTC Phanxico: Vâng, Tổng thống Venezuela xin họp mặt và một cuộc hẹn vì ông ta từ Trung Đông về, từ Qatar, từ các Tiểu vương quốc Ả rập và dừng chân ở Roma. Trước đó ông đã có xin gặp mặt. Ông có đến năm 2013; rồi sau đó ông xin gặp mặt lần nữa, nhưng rồi ông ta bị bệnh và không thể đến; và rồi ông xin lần này. Khi ông Tổng thống gửi lời xin gặp, tôi nhận lời; hơn nữa, ông ta đang ở Roma, trong chặng dừng chân. Tôi lắng nghe ông suốt nửa giờ đồng hồ trong buổi gặp đó; tôi lắng nghe ông, tôi có hỏi ông vài câu hỏi, và lắng nghe ý kiến của ông. Lắng nghe hết mọi ý kiến cũng rất tốt. Tôi lắng nghe ý kiến của ông. Về vấn đề thứ hai – đối thoại: nó là cách duy nhất cho tất cả các xung đột! – cho tất cả mọi cuộc xung đột. Hoặc là người ta đối thoại hoặc là người ta chửi nhau, chẳng có cách nào khác.
Tôi hoàn toàn ủng hộ đối thoại và tôi tin rằng người ta phải đi theo con đường đó. Tôi không biết nó sẽ kết thúc như thế nào, vì nó rất phức tạp, nhưng những người cam kết đối thoại là những người có tầm mức chính trị quan trọng. Zapatero, hai nhiệm kỳ tổng thống của chính phủ Tây Ban Nha, và Restrepo và tất cả các bên xin Tòa Thánh có mặt trong cuộc đối thoại. Và Tòa Thánh chỉ định Sứ thần ở Argentina, là Đức ông Tscherrig, mà tôi trao phó trách vụ ở đó, đến bàn thương thuyết. Đối thoại thúc đẩy những thương thuyết là cách duy nhất để giải quyết những xung đột, không có cách nào khác … Nếu Trung Đông đã làm như vầy thì không biết bao nhiêu mạng sống con người đã được cứu! (trong buổi họp đầu tiên Đức ông Tscherrig thay thế Đức ông Claudio Maria Celli, người đã được chỉ định theo sát những buổi thương thuyết].
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ chúng ta có Mathilde Imberty thuộc đài phát thanh Pháp.
Mathilde Imberty: Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đang từ Thụy Điển trở về, một nơi với lối sống thế tục rất mạnh; nó là một hiện tượng lan rộng ở Châu Âu nói chung. Ngay cả ở một quốc gia như Pháp, người ta ước đoán rằng trong những năm sắp tới đa phần công dân sẽ là những người vô tín ngưỡng. Theo ý cha, tính thế tục này có phải là định mệnh? Ai là những người chịu trách nhiệm, những chính phủ thế tục hay Giáo hội đã trở nên quá rụt rè? Cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Định mệnh, không, tôi không tin vào định mệnh! Ai là người chịu trách nhiệm? Tôi không thể nói … Chính bạn, nghĩa là mỗi người, đều có trách nhiệm. Tôi không biết; nó là một tiến trình. Tuy nhiên, trước vấn đề này tôi muốn nói vài điều. Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói rất nhiều và rất rõ về việc này. Khi trở nên thờ ơ với đức tin, như anh nói đó, vì Giáo hội suy yếu … là những khoảng thời gian bị thế tục hóa mạnh nhất … Ví dụ,  chúng ta hãy nghĩ về Pháp, những lúc mang tính trần tục của cung điện, có những lúc các linh mục là các tu viện trưởng của cung điện, đó là thuyết chức năng giáo sĩ … Nhưng sức mạnh của phúc âm hóa thì thiếu, sức mạnh của Tin mừng. Khi có tính thế tục chúng ta luôn luôn có thể nói rằng đã có sự suy yếu của phúc ân hóa, đó là sự thật … Nhưng cũng có một tiến trình khác, tiến trình văn hóa, một tiến trình – tôi tin là tôi đã có một lần nói về vấn đề này – một hình thức thứ hai của “sự hội nhập văn hóa,” khi con người đón nhận thế giới từ Thiên Chúa, nuôi dưỡng nó, làm cho nó phát triển, và đến một thời điểm nào đó con người cảm thấy họ là ông chủ của văn hóa đó – chúng ta cứ nghĩ về câu chuyện hoang đường của tháp Babel đi – con người nghĩ mình tự coi mình là ông chủ của văn hóa đó nên họ bắt đầu cho mình là người sáng tạo ra một văn hóa khác, nhưng là của riêng họ, và chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo. Họ trở thành con người tự phụ. Nó thực ra không phải là tính thế tục, vì một tính thế tục thánh thiện là cần thiết, đó nó là tính tự nhiên của mọi việc, tính tự nhiên tốt đẹp của mọi việc, tính tự nhiên tốt đẹp của khoa học, của tư tưởng, của chính trị – tính thế tục nên thánh thiện là cần thiết. Không, có một cái gì đó khác của tính thế tục để lại cho chúng ta bởi di sản của Trào lưu Khai sáng.
Tôi tin rằng chính hai vấn đề này: mức độ sự tự mãn của con người tạo ra văn hóa nhưng họ lại vượt ra ngoài những giới hạn và nghĩ rằng chính họ là Thiên Chúa, và mức độ yếu ớt của phúc âm hóa, nó đã trở nên thờ ơ và người Ki-tô hữu trở nên lãnh đạm. Chúng ta được an toàn ở đây cũng có một phần nhờ tiếp nối một tính tự nhiên tốt đẹp trong sự phát triển của văn hóa và khoa học, cùng với một ý thức về sự độc lập, của ý thức mình là tạo vật chứ không phải là Thiên Chúa, và thêm nữa, hãy tiếp nối lấy lại sức mạnh của việc phúc âm hóa. Tôi tin là ngày nay tính thế tục đã cắm rễ mạnh trong văn hóa, và trong những nền văn hóa nào đó. Nó cũng rất mạnh trong những hình thức trần tục khác nhau, tính trần tục tinh thần, đây là một con đường, nó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thậm chí còn tệ hại hơn những gì xảy ra trong thời gian của những giáo hoàng sai phạm. Và họ đề cập đến một số hình thức của những sai phạm của các giáo hoàng, tôi không nhớ rõ, nhưng nhiều lắm.Tính trần tục, đối với tôi, nó rất nguy hiểm. Và trước nguy cơ này tôi phải nói như một bài giảng, một bài giáo huấn, tôi sẽ nói như vầy: Khi Chúa Giê-su cầu nguyện cho tất cả chúng ta tại Bữa tiệc Ly, Người đã cầu xin với Chúa Cha một điều cho tất cả mọi người: không phải đưa chúng ta thoát ra khỏi thế gian này nhưng bảo vệ chúng ta trong thế gian này, thoát khỏi tính trần tục của thế gian. Nó vô cùng nguy hiểm; nó là một sự thế tục hóa và nó khá gian xảo, núp bóng, sẵn sàng được mang đi khắp nơi, trong đời sống của Giáo hội. Tôi không biết tôi đã trả lời được câu hỏi chưa ...

Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là Jurgen Erbacher từ đài truyền hình Đức ZDF.
Jurgen Erbacher: Thưa Đức Thánh Cha, một vài ngày trước cha có gặp gỡ Nhóm Thánh Marta, nhóm với chiến đấu chống lại tình trạng nô lệ hiện đại và buôn người, với những vấn đề như vậy, theo cha, nó đã đè nặng trong tim cha, không chỉ khi làm Giáo hoàng, nhưng cả khi ở Buenos Aires thì cha cũng đã quan tâm đến những vấn đề này. Tại sao? Có phải nó là một trải nghiệm đặc biệt hay có thể là của cá nhân? Và, con là người Đức, ngay khi bắt đầu năm kỷ niệm Giáo hội Tin lành Cải cách, con muốn hỏi cha liệu cha có thể năm nay sẽ đến đất nước nơi Giáo hội Cải cách bắt đầu 500 năm trước?
ĐTC Phanxico: Tôi bắt đầu bằng câu hỏi thứ hai. Chương trình các chuyến đi cho năm tới vẫn chưa được lên lịch. Vâng, chúng tôi chỉ biết là hầu như chắc chắn tôi sẽ đi Ấn độ và Bangladesh, nhưng vẫn chưa chốt lại, đấy mới là dự kiến thôi.
Về câu hỏi một: đúng, ở Buenos Aires, khi còn là linh mục, từ rất lâu tôi đã rất lo âu về da thịt của Đức Ki-tô — sự thật là Đức Ki-tô vẫn tiếp tục chịu đau khổ; Đức Ki-tô vẫn tiếp tục bị đóng đinh nơi những anh em bé mọn nhất của Người, đây là những điều luôn làm tôi xúc động. Khi là linh mục, tôi đã làm việc, tôi làm những điều nhỏ bé cho người nghèo, nhưng không phải làm một mình. Tôi cũng làm việc với các sinh viên Đại học … Rồi khi làm Giám mục Buenos Aires chúng tôi đánh bạo đưa ra những sáng kiến, cùng với cả các nhóm người không phải Công giáo và không tín ngưỡng chống lại lao động nô lệ, đặc biệt đối với những người nhập cư vùng Mỹ La-tinh đang đến lúc đó, vẫn tiếp tục đến, ở Argentina. Người ta lấy passport của họ và bắt họ gắn chặt ào lao động nô lệ trong các ngành công nghiệp, bị khóa nhốt ở trong … Có một lần một nơi bị cháy và có ba đứa trẻ đang ở trên mái thượng, tất cả chết hết, và một số người không có cách gì chạy thoát … Họ là nô lệ thực sự, và điều này làm tôi xúc động – vấn đề buôn người. Và tôi cũng có làm việc với các Tu hội của các chị Nữ tu, các chị làm việc với những người bán thân, những nô lệ nữ bị bán thân. Tôi không thích nói đến bán thân: gọi là nô lệ tình dục. Rồi, một năm một lần, tất cả những nô lệ của hệ thống này có một Thánh lễ trong Quảng trường Hiến Pháp, đó là một trong những địa điểm các xe lửa đổ khách – chẳng hạn Termini, hãy nghĩ về Termini – và chúng tôi dâng một Thánh lễ cho tất cả họ. Tất cả các tổ chức, các nữ tu làm việc ở đó và cả những nhóm người không tín ngưỡng, nhưng là những người chúng tôi làm việc chung, tất cả đều đến Thánh Lễ này.
Và ở đây công việc cũng như vậy. Có rất nhiều nhóm tình nguyện viên ở Ý đây đang hoạt động chống lại mọi hình thức nô lệ, nô lệ lao động hay nô lệ phụ nữ. Vài tháng trước tôi đến thăm một trong những tổ chức này, và người ta … Công việc của những tình nguyện viên ở đây thực hiện thật tuyệt vời. Tôi không hề nghĩ là nó lại tốt đến như vậy. Thật tuyệt vời là ở Ý lại có những tình nguyện viên như vậy. Và điều này tùy thuộc vào linh mục xứ. Tổ chứ Oratory và các tình nguyện viên cả hai đều phát xuất từ lòng nhiệt huyết tông đồ của các linh mục xứ của Ý. Nhưng tôi không biết tôi đã trả lời đúng câu hỏi chưa, hay còn điều gì khác ...
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Chúng con nghe nói là nếu chúng ta muốn ăn thì đi ăn được rồi.
ĐTC Phanxico: Tôi xin cảm ơn về các câu hỏi, xin cảm ơn quý vị rất nhiều, cảm ơn rất nhiều! Và cầu nguyện cho tôi. Chúc tất cả bữa trưa ngon miệng!
[Văn bản gốc: đa ngữ]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/11/2016]