Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Đức Thánh Cha Gửi Thông Điệp Video Cho Chuyến Viếng Thăm Ai-cập (toàn văn)

Đức Thánh Cha Gửi Thông Điệp Video Cho Chuyến Viếng Thăm Ai-cập (toàn văn)

‘Anh em Ai-cập thân mến, các bạn trẻ và người lớn tuổi, nam và nữ, Hồi giáo và Ki-tô giáo, người giàu và người nghèo … Tôi xin giang tay nồng hậu ôm lấy anh chị em và cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phúc lành và bảo vệ đất nước khỏi mọi điều ác’
25 tháng Tư, 2017
Đức Thánh Cha Gửi Thông Điệp Video Cho Chuyến Viếng Thăm Ai-cập (toàn văn)
Caritas Internationalis -YouTube
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) do Vatican cung cấp thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxico chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ngài đến Ai-cập, 28-29 tháng Tư, được phát sáng nay ở Ai-cập:
* * *
Chào dân tộc Ai-cập thân yêu! Al Salamò Alaikum! Bình an ở cùng anh chị em!
Với con tim vui mừng và tri ân tôi sẽ đến đây trong vài ngày nữa để thăm viếng vùng đất quê hương thân yêu của anh chị em: cái nôi của nền văn minh, món quà của sông Nile, vùng đất của mặt trời và của lòng hiếu khách, nơi các Tổ phụ và Ngôn sứ đã sống và nơi Thiên Chúa, Khoan Dung và Giàu Lòng Thương xót, Đấng Duy nhất và Toàn năng, làm cho tiếng nói của Người được nghe thấy.
Tôi thực sự hạnh phúc được đến đây như một người bạn, một sứ giả của hòa bình và như một người hành hương đến Quê hương, mà hơn hai ngàn năm trước, đã cho nơi nương náu và tình hiếu khách cho Gia Đình Thánh chạy trốn khỏi những đe dọa của Vua Hê-rô-đê (x. Mt 2:1-26). Tôi rất vinh dự được đến thăm đất nước đã được Gia Đình Thánh viếng thăm!
Tôi xin thân ái chào anh chị em và cảm ơn anh chị em đã mời tôi đến thăm đất nước Ai-cập, đất nước mà anh chị em gọi là “Umm il Dugna” / Mẹ của Vũ trụ!
Tôi chân thành cảm ơn Ngài Tổng thống của Nước Cộng hòa, Đức Thượng phụ Tawadros II, Đức Đại Imam của Al-Azhar và Đức Thượng phụ Chính thống Cốp-tíc là những vị đã gửi lời mời tôi; tôi xin chân thành cảm ơn từng vị, đã dành cho tôi một vị trí trong con tim của các ngài. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những người đã, và đang làm việc để cho chuyến đi này có thể thực hiện được.
Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm này sẽ là một cái ôm của sự an ủi và của sự động viên tới tất cả các Ki-tô hữu ở Trung Đông; một thông điệp của tình bạn và lòng kính trọng đến tất cả những người dân Ai-cập và khu vực; một thông điệp của tình huynh đệ và hòa giải tới tất cả mọi người con của tổ phụ Abraham, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo, trong đó Ai-cập giữ một vị trí chính. Tôi hy vọng rằng nó cũng có thể tạo ra được một sự đóng góp giá trị cho việc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo, và cho việc đối thoại đại kết với Giáo hội Chính thống Cốp-tíc đáng kính và thân yêu.
Thế giới của chúng ta, bị xé rách bởi những bạo lực mù quáng, nó cũng đã làm đau khổ trái tim của vùng đất quê hương thân yêu của anh chị em – cần có hòa bình, tình yêu và lòng thương xót; nó cần những người lao công cho hòa bình, những con người tự do và giải phóng, những con người dũng cảm có khả năng học từ quá khứ và xây dựng một tương lai không đóng cửa lòng mình trong những thành kiến; nó cần những người xây dựng những chiếc cầu hòa bình, đối thoại, huynh đệ, công bằng, và nhân ái.
Anh em Ai-cập thân mến, các bạn trẻ và người lớn tuổi, nam và nữ, Hồi giáo và Ki-tô giáo, người giàu và người nghèo … Tôi xin giang tay nồng hậu ôm lấy anh chị em và cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phúc lành và bảo vệ đất nước khỏi mọi điều ác.
Xin hãy cầu nguyện cho tôi! Shukran wa Tahiaì Misr! / Cảm ơn anh chị em, và Ai-cập muôn năm!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/04/2017]


Đức Thánh Cha: Tin mừng phải được loan báo với lòng khiêm nhường

Đức Thánh Cha: Tin mừng phải được loan báo với lòng khiêm nhường

Đức Thánh Cha: Tin mừng phải được loan báo với lòng khiêm nhường
Đức Thánh Cha Phanxico giảng trong Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta.
25/04/2017 11:59
(Vatican Radio) Tin mừng phải được loan báo với lòng khiêm nhường, vượt qua cám dỗ của lòng kiêu căng. Đó là lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxico trong Lễ sáng tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày lễ Thánh Mác-cô Tác giả Tin mừng. Trong số những người dự lễ có các Hồng y Cố vấn của nhóm C-9.
Đức Thánh Cha nói về sự cần thiết cho người Ki-tô hữu “ra đi loan báo” Tin Vui. Ngài nói, một người loan báo phải luôn trên hành trình, mà không đi tìm “một chính sách bảo hiểm,” tìm kiếm sự an toàn bằng cách ngồi im một chỗ.
Chúa Giê-su trao cho các tông đồ của Ngài một sứ vụ: loan báo Tin mừng, “không chỉ ở lại Giê-ru-sa-lem, nhưng là ra đi để loan báo Tin Vui cho mọi người. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxico suy tư về trích đoạn Tin mừng của Thánh Mác-cô, trong đó nói đến Lệnh Truyền Vĩ Đại. Ngài nói “Tin mừng phải luôn được loan báo trên đường đi, không bao giờ ngồi tại chỗ, luôn trên đường đi.”

Ra đi loan báo Tin Vui, không bao giờ dừng lại một chỗ nhưng luôn trên hành trình
Đức Thánh Cha nói, người Ki-tô hữu cần “ra đi đến nơi Chúa Giê-su chưa được biết tới, hoặc những nơi Chúa Giê-su bị bách hại, hoặc nơi Chúa Giê-su bị làm méo mó hình ảnh, để loan báo Tin mừng đích thực”:
“Ra đi để loan báo. Và, trong sự ra đi này là có cuộc sống, cuộc sống của người loan báo phải được thể hiện. Người đó không có an toàn: không có những chính sách bảo hiểm cho người loan báo. Và nếu một người loan báo đi tìm một chính sách bảo hiểm cuộc sống, người đó không phải là người loan báo Tin mừng thực sự: người đó không ra đi, anh ta ở nguyên một chỗ, an toàn. Vì vậy trước hết: Hãy đi, hãy ra đi. Tin mừng, việc loan báo Đức Giê-su Ki-tô, hãy tiến bước, luôn luôn; trên hành trình, luôn luôn. Trên một hành trình về thể lý, trên hành trình tinh thần, trên hành trình đau khổ: chúng ta hãy nghĩ đến việc loan báo Tin mừng sẽ dẫn đến rất nhiều người bị thương tổn – rất nhiều người bị thương! – họ là những người dâng những đau khổ cho Giáo hội, cho những Ki-tô hữu. Nhưng họ luôn bước ra khỏi con người của họ.”
Nhưng “phong cách của việc loan báo này” là như thế nào? Đức Thánh Cha hỏi. “Thánh Phê-rô, là thầy của Thánh Mác-cô, đã có sự miêu tả rất chính xác phong cách này”: “Tin mừng phải được công bố với lòng khiêm nhường, vì Con Thiên Chúa đã tự hạ chính mình Ngài, trút bỏ mình.” Đức Thánh Cha nói, “đây là phong cách của Thiên Chúa”; không có một cách nào khác. “Việc loan báo Tin mừng,” ngài nói, “không phải là một đại hội, không phải một bữa tiệc.” Đó “không phải là việc loan báo Tin mừng.”

Tin mừng phải được công bố với lòng khiêm nhường, vượt qua cám dỗ của tính trần gian
Đức Thánh Cha nói, “Không thể loan báo Tin mừng bằng sức mạnh của con người, không thể loan báo bằng tinh thần vượt thắng và tiến lên.” “Đây không phải là Tin mừng.” Vì vậy tất cả chúng ta được kêu gọi để mặc lấy cho mình “tấm áo khiêm nhường, một tấm áo cho người khác,” vì “Thiên Chúa khước từ người kiêu căng, nhưng ban ơn sủng cho người khiêm nhường”:
“Và tại sao tính khiêm nhường này lại cần thiết? Chính bởi vì chúng ta đang mang đến sự loan báo của một sự nhục nhã – của vinh quang, nhưng qua lòng khiêm nhường. Và việc loan báo Tin mừng phải trải qua cám dỗ: cám dỗ của sức mạnh, cám dỗ của lòng kiêu căng, cám dỗ của tính trần gian, của rất nhiều hình thức của tính trần gian mà họ mang đến trong việc rao giảng hoặc lời nói; vì người đó không rao giảng một Tin mừng như suối nguồn đổ xuống, không có sức mạnh, một Tin mừng không có Đức Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại. Và vì lý do này Thánh Phê-rô nói: “Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức … vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.’ Việc loan báo Tin mừng thực sự sẽ trải qua cám dỗ.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng nếu một Ki-tô hữu nói người ấy đang loan báo Tin mừng “nhưng không bao giờ bị cám dỗ,” điều đó có nghĩa là “ma quỷ chẳng cần quan tâm,” vì “chúng ta đang rao giảng một điều vô ích.”

Chúng ta hãy xin Thiên Chúa để chúng ta có thể bước ra khỏi con người của mình mà loan báo tin mừng
Vì lý do này, Đức Thánh Cha tiếp tục, “trong việc rao giảng thực sự luôn luôn có những cám dỗ, và cũng có sự bách hại.” Ngài nói khi chúng ta đau khổ, Thiên Chúa ở đó “để phục hồi lại chúng ta, để tăng sức mạnh cho chúng ta, vì đó là điều Chúa Giê-su đã hứa khi Ngài gửi các tông đồ ra đi”:
“Thiên Chúa sẽ ở đó để an ủi chúng ta, để tăng thêm sức mạnh cho chúng ta tiến bước, vì Người cùng làm việc với chúng ta nếu chúng ta trung thành với việc loan truyền Tin mừng, nếu chúng ta bước ra khỏi con người của mình để loan báo Đức Ki-tô chịu đóng đinh, một vụ tai tiếng, một sự điên rồ, và nếu chúng ta làm việc này với lòng khiêm nhường, lòng khiêm nhường thực sự. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng này, là những người đã được rửa tội, tất cả chúng ta, đi theo con đường rao giảng với lòng khiêm nhường, với sự vững tin nơi Ngài, loan báo Tin mừng đích thực: ‘Ngôi Lời đã trở nên nhục thể.’ Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên nhục thể. Và đây là một sự điên rồ, đó là một sự tai tiếng; nhưng làm điều đó với trí hiểu rằng Thiên Chúa đang ở bên chúng ta, Người hoạt động với chúng ta, và Người khẳng định công việc của chúng ta.”

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/04/2017]



Bảo vệ di sản văn hóa của người tị nạn Trung Đông

Bảo vệ di sản văn hóa của người tị nạn Trung Đông

Bảo vệ di sản văn hóa của người tị nạn Trung Đông
Hana Slewa Mosaky, bà chạy trốn cùng với những Ki-tô hữu khác từ thành phố Qaraqosh của Iraq tháng Tám, 2014, đã thêu những hình ảnh quê hương của bà trên áo choàng quấn quanh người - RV
20/04/2017 17:21
(Vatican Radio) Chúa nhật Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxico đã lên án vụ tấn công vào những công dân người Syria đang chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở đó, gọi nó là “vụ tấn công đồi bại mới nhất nhắm vào những người tị nạn đang di tản.” Trong bài diễn từ Phép lành Urbi et Orbi’ address, cho thành phố Roma và thế giới, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình trên khắp Trung Đông, lên tiếng đặc biệt về vụ đánh bom xe buýt giết chết hàng chục người gần thành phố  Aleppo của Syria.
Stephanie Saldaña là một tay viết và là một nhà giáo hiện đang dẫn đầu một dự án có tên 'Mosaic Stories' (những câu truyện tranh ghép), tìm cách bảo vệ những di sản đang trong nguy hiểm của người tị nạn, đặc biệt những người chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Syria và Iraq. Bà đã sống nhiều năm ở Trung Đông và rất say mê công việc bảo vệ những văn hóa và ngôn ngữ đang bị biến mất vì những thị trấn và làng mạc trên khắp khu vực bị tàn phá.
Bà gặp gỡ những người tị nạn tại các trại, trong các nhà thờ, trong các trạm xe điện ngầm và nhà hàng, cả ở Trung Đông và trong các quốc gia Châu Âu nơi rất nhiều người trong số họ đã định cư để bắt đầu một cuộc sống mới. Gần đây bà sống ở Học viện Đại Kết Tantur ở Giê-ru-sa-lem, tại đây bà chia sẻ ít câu chuyện của bà với Philippa Hitchen…..
Stephanie miêu tả công việc của bà như là “một dự án lắng nghe.” Bà nói công việc đầu tiên là phải cố gắng thấu hiểu chính những người tị nạn “chuyện gì đáng quan tâm đối với họ” khi họ phải bỏ chạy khỏi quê hương của họ.
Bà thường thấy vô cùng ngạc nhiên trước những câu trả lời bà nhận được, với những người được phỏng vấn liệt kê rau củ và trái cây, cây cối hay vải vóc, xà phòng, đồ thủ công truyền thống, những điệu nhảy đám cưới, hay ngôn ngữ chẳng hạn Ả-rập và Syria, là những thứ quan trọng nhất mà họ phải bỏ lại.

Mất những mối quan hệ tôn giáo
Stephanie nói, một trọng tâm khác của những phỏng vấn của bà “luôn giữ trước sau như một” và là điều “chỉ tìm được qua những câu chuyện” là những mối quan hệ: “người ta bị mất những mối quan hệ họ đã có, đặc biệt giữa những cộng đồng tôn giáo đa dạng đã phải ly tán vì chiến tranh.”
Bà kể lại khi bà còn sống ở Syria, bà biết được rằng người Hồi giáo và người Ki-tô giáo “đến thăm những đền thờ tôn giáo của nhau,” hoặc cùng dùng chung những bữa ăn trong ngày Lễ Giáng sinh và ngày Lễ Eid của Hồi giáo. Bà nghe được rất nhiều câu chuyện về tình bạn với người Yazidis và “người ta thậm chí vẫn còn mong mỏi những cộng đồng Do thái giáo đã biến mất khỏi Iraq và Syria.”
Một số những cộng đồng di tản, Stephanie nói, “vẫn trìu mến giữ lại kỷ niệm của những mối quan hệ này,” cho dù “chủ nghĩa bè phái đã thắng thế.” Bà nói ở một số nơi, đặc biệt với những người tị nạn Iraq trẻ tuổi, “bạn nghe thấy lòng thù hận này ngày càng lớn lên vì sự mất mát quê hương của họ.”

Những kỷ niệm rất quan trọng cho việc xây dựng hòa bình
Một phần của lý do cho dự án này, Stephanie nói, vì bà tin rằng “những kỷ niệm này sẽ rất quan trọng cho việc xây dựng hòa bình” trong những quốc gia bị chiến tranh xé nát. “Nếu người ta chỉ có thể nhớ được những gì xảy ra trong suốt thời chiến và không có sự góp nhặt những mối quan hệ đã tồn tại trước đây, người ta sẽ không thể nào nghĩ đến khả năng xây dựng lại được những mối quan hệ đó trong một xã hội hậu chiến.”
Trong khi thế hệ thứ hai của những người lưu vong thường muốn quên đi quá khứ, bà nói, thì thế hệ thứ ba “muốn phục hồi lại và nhớ lại.” Qua việc lưu trữ những câu chuyện và những cuộc phỏng vấn, đồ vật và video, bà hy vọng tạo được “một nơi bảo vệ cho những điều này” để họ có thể “lưu giữ những kỷ niệm đó của quá khứ.”

Áp lực quên đi quá khứ
Stephanie tìm ra rằng người tị nạn thường cảm thấy nằm dưới “áp lực rất lớn của sự hội nhập” trong quốc gia mới, làm cho họ phải dừng không nói tiếng bản ngữ của họ. Bà kể câu chuyện gặp gỡ với một nhà giáo người Iraq từ Qaraqosh, hiện đang sống ở Jordan, bà hỏi ông có dạy tiếng Syria cho những người tị nạn khác ở đó không. Ông trả lời, “Ồ, không, bây giờ người ta đang muốn học tiếng Pháp và tiếng Anh, họ đang nghĩ đến việc tiến tới, không nghĩ đến việc giữ lại quá khứ.”
Stephanie cũng chia sẻ những câu chuyện về một số vật dụng sở hữu được những người phụ nữ chạy trốn khỏi Iraq và Syria mang theo. Những đồ này bao gồm những thứ gia vị để chế biến một số món ăn yêu thích, những loại vải để may các áo dài truyền thống, đất từ những đền thờ kính yêu, hoặc những đồ vật đơn giản để gợi nhớ lại những thời gian còn hạnh phúc, ngồi ăn và uống với những người hàng xóm trước chiến tranh.
Stephanie lưu ý rằng rất khó “nói chuyện về những người tị nạn” theo cách nói chung chung, vì một số người “nghèo và đã hoàn toàn mất hy vọng,” những người khác có học thức và “hy vọng bắt đầu trở lại” trong một đất nước mới, cũng như “có những người cảm thấy lạc lõng ở giữa chừng.” Nhưng có một điều tất cả họ đều giữ chung đó là một khát khao giúp cho con cái của họ, đưa chúng đến trường, và cho chúng có một tương lai tốt hơn.

Những hạt giống cho tương lai
Stephanie kết luận bằng một câu chuyện về một người lái xe từ thành phố Homs của Syria, ông đã không thể làm việc trong suốt thời xung đột và chạy trốn sang Amman cùng với gia đình. Bà nghe chuyện ông đã bắt đầu mất hy vọng như thế nào, mỗi sáng thức dậy chẳng có gì để làm. Nhưng rồi một buổi sáng ông quyết định làm một khu vườn nhỏ, trồng ít hành và bạc hà. Khi ông chia sẻ câu chuyện của ông, ông nói với bà rằng năm tới ông hy vọng trồng thêm được ít cà chua. “Trong câu chuyện đó,” Stephanie nói, “tôi nhìn thấy có đủ hy vọng để giữ được một người đàn ông và gia đình của ông vượt qua được những thời gian khó khăn.”

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/04/2017]