Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Gặp linh mục phục vụ những miền xa xôi nhất của Papua Tân Guinea

Gặp linh mục phục vụ những miền xa xôi nhất của Papua Tân Guinea

Mountains of Papua New Guinea. Courtesy of Fr. Christian Sieland.
Những ngọn núi ở Papua Tân Guinea. Courtesy of Fr. Christian Sieland.

Antonio Anup Gonsalves và Kevin Jones
Kundiawa, Papua New Guinea, 9 tháng 8, 2016 / 06:01 sáng (CNA/EWTN News).- Trong những khu rừng nhiệt đới của Melanesia, một linh mục Công giáo người bản xứ Papua Tân Guinea đi bộ nhiều dặm xuyên qua các khu rừng rậm sâu hun hút. Cha leo các địa hình núi non cao vút của quốc gia để đến với đoàn chiên xa xôi trong những giáo xứ nghèo nhất vào mỗi cuối tuần.
“Những người này sống ở những nơi địa hình nhấp nhô và khó khăn. Thiên Chúa đã để họ ở đó. Đó là nhà của họ. Tất cả vật liệu để xây dựng nhà thờ từ đời cha ông của họ phải vác vai đưa tới. Họ rất tự hào có được sự hiện diện của Giáo hội trong vùng,” cha Christian Sieland nói, cha thuộc địa phận Kundiawa của Papua Tân Guinea.
“Rất nhiều người chỉ có một vài bộ quần áo hay chỉ đủ tiền để sống qua tuần. Họ có thể nghèo, nhưng họ biết ơn về tất cả những phúc lành Thiên Chúa đã ban cho họ,” cha Sieland nói với CNA.
“Họ không đói vì Chúa ban cho họ một vùng đất màu mỡ nơi họ có thể trồng hầu như bất cứ thứ gì. Họ không khát vì Chúa cho họ những dòng suối trên núi nước mát trong lành ở gần đó để lấy nước.”
Linh mục rất ca ngợi lòng hiếu khách của những người Công giáo này.
“Khi tôi là linh mục quản xứ của họ tới nhà thăm họ hay thậm chí ở qua đêm, họ cho tôi một đĩa lớn nhất đầy thức ăn, họ để tôi ngủ ở trên những giường có mùng tốt nhất của họ. Sự chăm lo và tôn trọng một linh mục ở những vùng xa xôi đó đôi lúc thực sự làm tôi rất xúc động và đôi khi làm cho tôi cảm thấy lùng túng,” cha nói.
“Nhưng làm sao bạn có thể từ chối những cử chỉ hiếu khách như vậy từ những tín hữu đơn sơ? Họ không có gì nhiều để cho, nhưng khi họ cho bạn sự ít ỏi họ có được, nó xuất phát từ tận sâu thẳm trong tim họ.”
Khoảng 30 phần trăm trong số 375.000 người của giáo phận là người Công giáo. Địa hạt của giáo phận gồm núi Wilhelm, núi cao nhất trong nước với độ cao 14.000 bộ (khoảng 4.200 m). Một số vùng quá xa đến mức người ta chưa bao giờ nhìn thấy một cái xe hơi.
Cha Sieland nói về sứ mạng của mình
“Động lực của tôi rất đơn giản. Nếu tôi là một linh mục mà không đến với những người này, vậy ai sẽ đến?” cha hỏi. “Tôi được tiến chức không phải vì mục đích này sao, cụ thể là đem các bí tích đến cho mọi người và nuôi dưỡng họ bằng lương thực linh hồn, nói cách khác là Lời Chúa, và Thánh Thể? Không có linh mục có nghĩa không có Mình Thánh, không giải tội, không có bí tích nào cả. Nếu tôi không đi, tức là tôi đang tước đi của họ quyền mà Chúa ban cho họ được nhận lãnh tất cả mọi lương thực phần hồn và những ơn lành.”
Cha Christian Sieland nói chuyện tại hội nghị ở Papua Tân Guinea. Ảnh của cha Christian Sieland.
“Làm sao tôi có thể biện minh cho mình trước mặt Thiên Chúa vì ‘không nuôi dưỡng đoàn chiên của Người, không chăm sóc đoàn chiên của Người và không nuôi nấng đàn chiên của Người?’,” cha nói và trích lời của Chúa Giê-su nói với Thánh Phê-rô.
“Thậm chí nếu chỉ có 10 người già thôi, tôi vẫn đi bộ và leo các ngọn núi và băng qua các con sông để đến với họ.”
Chính phủ Papua Tân Guinea vẫn chưa đụng chạm gì đến vùng này trong hơn 40 năm qua, từ khi có độc lập năm 1975.
“Nhưng Giáo hội đã có mặt ở đó từ khi những nhóm truyền giáo từ Dòng Lời Chúa bắt đầu rao giảng Phúc âm cho người ở đây từ những năm đầu thập niêm 1930 và 1940,” cha Sieland nói.
“Khi bạn chứng kiến đức tin tuy đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ của người dân ở đây, và đem so sánh với niềm tin của bạn được cấp chứng chỉ, có bằng cấp, và trình độ, bạn sẽ bắt đầu khâm phục đức tin đơn sơ của ‘những con người bé nhỏ’ này nhiều nhiều hơn nữa.”
Trong những thập kỷ qua, nhiều nhà thờ kết cấu bền vững đã được xây dựng. Giáo hội Công giáo ở Papua Tân Guinea đang đang chuyển tiếp từ giai đoạn truyền giáo, nhưng đã có những thay đổi đến quá nhanh.
“Những giá trị truyền thống và của phương tây hiện đại đang va chạm nhau, và thế hệ trẻ dường như hơi bị mất phương hướng và lẫn lộn,” cha Sieland nói. “Những giá trị truyền thống tốt đẹp gần giống với những giá trị của Tin mừng đang dần dần biến mất. Trong vòng 20 năm tới những giá trị đó sẽ biến mất.”
Con số những nhà truyền giáo nước ngoài, đặc biệt từ Châu Âu, đã giảm mạnh. Ngay cả có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo từ Úc, Ba lan, Ấn độ, và Indonesia, các linh mục địa phương vẫn không thể bố trí người trên khắp mọi khu vực mà các vị đi trước đã để lại.
“Hầu hết các giáo xứ Công giáo đều phủ trên những diện tích khổng lồ,” linh mục nói. “Thậm chí ở những vùng xa xôi nhất, bạn cũng sẽ tìm thấy một nhà thờ Công giáo nhỏ và có thể là một trường tiểu học hay trung học và một trạm cứu trợ.”
Linh mục nói rằng chính phủ đáng lẽ nên cung cấp những dịch vụ cơ bản, nhưng các nhà thờ đã phải lấp vào những chỗ trống.
Mặc dù có những nỗ lực đưa các giá trị Công giáo vào các trường học của giáo xứ, đất nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức do lối sống của tây phương du nhập vào, công nghệ điện thoại di động và internet.
“Một trong những thách thức lớn nhất là mất những giá trị của Tin mừng như sự trung thực, sự thanh sạch, lòng tôn trọng, sự yêu thương, tính trách nhiệm và hy sinh trong gia đình, trong hôn nhân, trong giáo xứ, trong trường học, và ngoài trường học,” cha Sieland nói.
Rất nhiều giáo viên thiếu đời sống hôn nhân bền vững và phải đối mặt với các vấn đề nợ nần và rượu. Một số quản lý không đúng mục đích số tiền của nhà trường. Nhiều học sinh, về phần các em, không còn tôn trọng giáo viên và một số sử dụng ma túy và cần sa, thường ảnh hưởng đến việc học tập của các em ở trường.
Cũng có những vấn đề chính xuất phát từ văn hóa của người Melanesia. Những mối quan hệ đa thê cho thấy rất khó xóa bỏ. Cũng có một sự va chạm giữa niềm tin Ki-tô giáo và truyền thống về tà ma.
“Nếu một người ốm và chết, đặc biệt đối với những người trẻ, những người khỏe mạnh và có học, người ta liền nói đến ‘sanguma’ hay tà ma làm,” linh mục nói. “Chúng tôi vẫn có rất nhiều chuyện tà ma liên quan đến bạo lực và giết nhau ở Papua Tân Guinea, đặc biệt trong tỉnh của chúng tôi.”
“Giáo hội địa phương tìm đủ cách để đương đầu với thử thách của sự mê tín này, dạy bảo người dân và loại bỏ mê tín vào tà ma, nhưng chuyện không thể xảy ra ngày một ngày hai. Phải có thời gian.”

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/08/2016]



Phép lạ của Hiroshima – những Tu sĩ Dòng Tên sống sót sau vụ thả bom nguyên tử nhờ tràng Chuỗi Mân côi

Phép lạ của Hiroshima – những Tu sĩ Dòng Tên sống sót sau vụ thả bom nguyên tử nhờ tràng Chuỗi Mân côi

The atomic cloud over Hiroshima, Aug. 6, 1945. Credit: Bernard Waldman. Public domain via US government.
Đám mây nguyên tử phủ trên Hiroshima, 6 tháng 8, 1945. Ảnh: Bernard Waldman. Public domain via US government.

Hiroshima, Nhật, 9 tháng 8, 2015 / 07:08 sáng (CNA/EWTN News).- Bảy mươi năm trước, cuộc chiến duy nhất sử dụng vũ khí nguyên tử xảy ra ngày 6 tháng 8 tại Hiroshima và ngày 9 tháng 8 ở Nagasaki do Hoa Kỳ thực hiện.
Vụ ném bom Hiroshima giết chết ngay tại chỗ khoảng 80.000 người và gây ra khoảng 130.000 cái chết sau đó, hầu hết là dân thường. Vụ ném bom thành phố cảng Nagasaki giết chết ngay lập tức khoảng 40.000 người và phá hủy một phần ba thành phố.
Bốn tu sĩ dòng Tên ở gần khu nổ bom nguyên tử trong vụ ném bom Hiroshima, nhưng các cha đã thoát khỏi thảm họa, và phóng xạ giết chết hàng ngàn người trong những tháng sau đó cũng không ảnh hưởng gì đến các cha.
Các linh mục dòng Tên gồm cha Hugo Lassalle, cha Hubert Schiffer, cha Wilhelm Kleinsorge, và cha Hubert Cieslik ở tại nhà xứ của nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, một trong số vài tòa nhà chống chọi được với sức công phá của vụ nổ bom.
Cha Cieslik viết trong nhật ký của ngài rằng các ngài chỉ bị một số vết thương nhẹ do các cửa sổ vỡ – nhưng không có dấu hiệu gì là do năng lượng nguyên tử bung ra.
Những bác sĩ chăm sóc cho các cha sau đó cảnh báo rằng lượng phóng xạ mà các ngài bị nhiễm có thể tạo ra những vùng nhiễm trùng nghiêm trọng, cũng như các bệnh khác và tử vong sớm.
Chẩn đoán không bao giờ trở thành sự thật. Không có rối loạn nào phát triển, và năm 1976 cha Schiffer đã tham dự Đại hội Thánh Thể ở Philadelphia và kể câu chuyện của ngài. Ngài khẳng định rằng các cha dòng Tên khác vẫn còn sống và không bị bệnh tật gì. Các cha được hàng chục bác sĩ khám khoảng 200 lần liên tục trong những năm sau đó, và không có dấu vết gì của phóng xạ được tìm thấy trong cơ thể các cha.
Bốn tu huynh không bao giờ nghi ngờ rằng các ngài được ơn phúc lành bảo vệ bởi Thiên Chúa và Đức Mẹ Đồng trinh Đầy Ơn phúc. “Chúng tôi sống theo thông điệp Fatima và chúng tôi cầu nguyện lần chuỗi Mân côi hàng ngày,” các cha giải thích.
Đức Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi giáo phận Niigata nói hôm 6 tháng 8 rằng nước Nhật có thể đóng góp vào nền hòa bình “Không phải bằng vũ khí mới, nhưng bằng những hoạt động cao cả đã có lịch sử lâu dài trong sự phát triển của thế giới, và đặc biệt là trong những nước đang phát triển.”
Đức Giám mục Kikuchi nói thêm rằng “sự đóng góp vào việc phát triển này, mang đến sự tôn trọng trọn vẹn phẩm giá con người và sự hoàn thiện của nó, chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế trân trọng và tôn trọng.”

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/08/2016]



Đức Thánh Cha Phanxico gọi vụ tấn công Quetta là "điên rồ và tàn bạo”

Đức Thánh Cha Phanxico gọi vụ tấn công Quetta là "điên rồ và tàn bạo”

09-08-2016 Vatican Radio
pope francis
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã gửi lời chia buồn của ngài sau vụ tấn công vào bệnh viện ở Quetta, Pakistan, giết chết trên 70 người.
Đa số nạn nhân là các luật sư tập họp ở đó để viếng tang sau vụ ám sát chủ tịch Hiệp hội Baluchistan Bar, ông Bilal Anwar Kasi, đã bị giết sáng cùng ngày.
Bức điện tín được Quốc Vụ khanh Tòa thánh gửi đi, Đứng Hồng y Pietro Parolin viết:
Rất đau buồn khi biết tin về sự thiệt mạng sau vụ tấn công vào bệnh viện ở Quetta, Đức Thánh Cha Phanxico gửi những lời chia buồn chân thành đến những người thân của người đã chết, tới các giới chức và toàn dân tộc, ngài sẽ dâng lời cầu nguyện cho rất nhiều nạn nhân bị thương của vụ bạo lực điên rồ và tàn bạo này. Với tất cả những người đau buồn và những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, Đức Thánh Cha khẩn cầu ơn sủng của Thiên Chúa ủi an và ban thêm sức mạnh.
                                                                                 Hồng y Pietro Parolin
                                                                                 Quốc vụ khanh
PHẢN ỨNG CỦA GIÁO HỘI
Trước đó Đức Giám mục Công giáo giáo phận Faisalabad, Arshad Giu-se, ngài cũng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Công lý và Hòa bình, lên án vụ đánh bom và gọi nó là “một hành động mất nhân tính không thể tha thứ.” Đức Giám mục Giu-se thúc giục chính phủ phải hành động, ngài nói “chính phủ phải có trách nhiệm cải thiện những biện pháp an ninh” để bảo đảm quyền sống của công dân trong nước. Đức Giám mục nói rằng tỉnh Balochistan nơi diễn ra cuộc tấn công vừa qua đã chịu đựng hơn 1400 vụ bạo lực trong suốt 15 năm qua.
Các luật sư Pakistan đã tham dự vào những cuộc tuần hành trên khắp nước hôm thứ Ba và đang tẩy chay xử những vụ kiện để phản đối bạo lực.

[Nguồn:news.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/08/2016]