Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Thánh Lễ Ngày Thế giới Người Nghèo

Thánh Lễ Ngày Thế giới Người Nghèo

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô
19 tháng 11, 2017
Thánh Lễ Ngày Thế giới Người Nghèo
Chúng ta có niềm vui được chia sẻ tấm bánh Lời Chúa, và ngay sau đây chúng ta sẽ có niềm vui được chia sẻ và đón nhận Bánh Thánh, lương thực cho hành trình cuộc đời của chúng ta. Tất cả chúng ta, không loại trừ một ai, đều cần lương thực này, vì tất cả chúng ta đều là những người hành khất trước nhu cầu trọng yếu nhất: tình yêu của Thiên Chúa, đó là điều trao tặng ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta và sự sống đời đời. Hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy giơ đôi tay hướng lên Người, van xin để được nhận những ân ban của Người.
Dụ ngôn trong Tin mừng nói về những ân ban. Chuyện kể rằng chúng ta được đón nhận những món quà từ Thiên Chúa, “tùy theo khả năng riêng của mỗi người” (Mt 25:15).
Đặc biệt, chúng ta nhận ra điều này: chúng ta đều có tài năng; trong nhãn quan của Thiên Chúa, chúng ta đều là “người có tài.” Vì thế, đừng ai nghĩ rằng mình là người vô dụng, quá nghèo đến mức không thể có được điều gì để trao tặng cho người khác. Chúng ta được chọn và được chúc phúc bởi Thiên Chúa, là Đấng muốn đổ đầy tràn trong chúng ta với những ân ban của Người, còn nhiều hơn bất kỳ người cha người mẹ nào có thể làm cho con cái của họ. Và trong nhãn quan của Thiên Chúa không đứa con nào bị từ bỏ, Người trao cho mỗi người chúng ta một sứ mạng.
Quả thật, Người là người Cha yêu thương và đòi nhiều sự cộng tác nơi con cái, Người trao trách nhiệm cho chúng ta. Trong dụ ngôn, chúng ta thấy rằng mỗi người đầy tớ đều được trao cho những khả năng để sử dụng một cách khôn ngoan. Trong khi hai người đầy tớ đầu thực hiện tốt những gì họ được trao, thì người thứ ba không làm cho món quà của anh ta sinh hoa lợi; anh ta trả lại đúng những gì anh ta được nhận. Anh ta nói, “Vì thế, tôi đâm sợ mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy” (c. 25). Vì thế, anh ta bị quở mắng nặng nề là “tồi tệ và biếng nhác” (c. 26). Điều gì làm cho ông chủ không hài lòng với anh ta? Sử dụng một từ nghe có lẽ hơi cổ một chút, nhưng vẫn hợp thời, tôi muốn nói đó là sự chểnh mảng của anh ta. Tội của anh ta là không làm việc tốt lành. Nhiều khi chúng ta cũng vậy, chúng ta có suy nghĩ rằng chúng ta chẳng làm điều gì sai, và chúng ta chỉ dừng lại ở đó, cho rằng như vậy chúng ta là tốt lành và công bằng. Nhưng thái độ này có nguy cơ khiến chúng ta cũng hành động như người đầy tớ bất xứng: anh ta không làm điều gì sai, anh ta không lãng phí nén bạc được giao, thực tế anh ta đã chôn giấu nó thật cẩn thận dưới đất. Nhưng không làm điều gì sai lỗi là vẫn chưa đủ. Thiên Chúa không phải là một viên thanh tra đi dò tìm những chiếc vé chưa được đóng dấu; Ngài là một người Cha tìm những đứa con mà Ngài có thể giao phó gia tài và chương trình của Ngài (x. c. 14). Thật buồn khi người Cha giàu lòng yêu thương lại không nhận được sự đáp trả yêu thương hào phóng từ những đứa con của mình, những đứa con chẳng làm gì hơn ngoài việc chỉ biết giữ những quy tắc và luật lệ, như những người được thuê giúp việc trong nhà của Cha (x. Lc 15:17).
Người đầy tớ bất xứng, bất chấp việc đón nhận một món quà từ ông Chủ là người muốn chia sẻ và nhân rộng món quà của ông lên, mang trong lòng sự ghen tức và đã chôn giấu nó; anh ta bằng lòng với việc cất giữ nó vào nơi an toàn. Nhưng một người chỉ quan tâm đến việc bảo tồn và duy trì những gia tài của quá khứ chưa phải là người trung thành với Thiên Chúa. Thay vì vậy, như dụ ngôn nói cho chúng ta biết, những người biết nhân rộng món quà được trao tặng mới thực sự “trung thành” (cc. 21 và 23), vì người đó biết nhìn mọi việc giống như cái nhìn của Thiên Chúa; người đó không đứng im nhìn, nhưng vì yêu thương, anh ta dám mạo hiểm. Anh ta đặt cuộc sống của mình theo dòng đời của người khác; anh ta không bằng lòng với việc giữ nguyên mọi thứ như ban đầu của chúng. Chỉ một điều duy nhất anh ta không màng đến: đó là lợi lộc riêng cho bản thân. Đó là “sự biếng nhác” duy nhất nên làm.
Sự biếng nhác cũng là tội lớn khi liên quan đến vấn đề của người nghèo. Nhưng ở đây nó có một cái tên đặc biệt: sự thờ ơ. Đó là khi chúng ta nói, “Chuyện đó không liên quan đến tôi; nó không phải là việc của tôi; đó là vấn đề xã hội.” Đó là khi chúng ta quay mặt tránh một người anh em hay chị em đang cần giúp đỡ, lúc chúng ta đổi ngay sang hướng khác khi một vấn đề khó khăn nảy sinh, lúc chúng ta cảm thấy phẫn nộ với cái ác nhưng lại chẳng làm gì. Chúa sẽ không hỏi xem chúng ta có cảm thấy phẫn nộ đúng cách hay không, nhưng sẽ hỏi chúng ta có làm điều gì tốt lành hay không.
Chúng ta có thể làm hài lòng Chúa bằng cách nào? Khi chúng ta muốn làm hài lòng một ai đó thân thương với chúng ta, chẳng hạn việc tặng quà, trước hết chúng ta phải tìm xem người đó thích gì, nếu không thì món quà lại làm vui người tặng hơn là làm hài lòng người được tặng. Khi chúng ta muốn dâng gì đó lên Chúa, qua Tin mừng chúng ta có thể tìm xem Người thích gì. Ngay trong trích đoạn Tin mừng mà chúng ta nghe hôm nay, Chúa Giê-su nói, “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Những anh em bé nhỏ nhất này, những người được Ngài rất yêu thương, là những người đói và đau ốm, là người lạ và người tù đày, người nghèo và người bị bỏ rơi, người chịu đau khổ nhưng không được ai trợ giúp, những người thiếu thốn bị gạt ra bên lề. Trên những khuôn mặt của họ chúng ta có thể hình dung ra dung nhan của chính Chúa Giê-su; trên môi miệng của họ, cho dù có bị méo mó đi vì đau đớn thì chúng ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nói của Ngài: “Đây là mình thầy” (Mt 26:26).
Trong hình hài những người nghèo, Chúa Giê-su gõ cửa tâm hồn của chúng ta, khát khao tình yêu của chúng ta. Khi chúng ta vượt qua được tính thờ ơ của mình, và nhân danh Chúa Giê-su, chúng ta trao tặng chính bản thân cho những người bé mọn nhất trong anh em của Ngài, chúng ta trở thành người bạn tốt và trung thành của Ngài, người bạn mà Ngài muốn được ngụ cư. Thiên Chúa rất yêu thích thái độ được mô tả trong Bài đọc Một hôm nay nói về “người vợ hiền”, người vợ “rộng tay giúp người nghèo khổ, và đưa tay cứu kẻ khốn cùng” (Cn 31:10.20). Ở đây chúng ta nhìn thấy sự tốt lành và sức mạnh thật sự: không phải nơi những bàn tay nắm chặt và những cánh tay khoanh trước ngực, nhưng sức mạnh từ những bàn tay sẵn sàng vươn tới những người nghèo, vươn tới da thịt bị thương tích của Chúa.
Ở đó, trong người nghèo, chúng ta tìm thấy sự hiện hữu của Chúa Giê-su, Đấng, mặc dù vô cùng cao sang, đã trở nên nghèo hèn (x. 2 Cr 8:9). Vì lý do này, trong những con người đó, trong sự hèn kém của họ, một “sức mạnh tiềm ẩn” đang hiện hữu. Và nếu trong nhãn quan của thế giới hôm nay những con người đó có rất ít giá trị, thì chính họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về nước trời; họ là “giấy thông hành về trời” của chúng ta. Đối với chúng ta chăm sóc họ như gia tài thật của mình chính là một bổn phận rao giảng phúc âm, và làm việc này không phải chỉ bằng cách cho họ bánh ăn, nhưng còn bằng cách chia sẻ với họ tấm bánh Lời Chúa, đây là điều phải giải quyết đầu tiên cho họ. Yêu thương người nghèo có nghĩa là chống lại tất cả những hình thức của sự cùng khổ, cả tinh thần và vật chất.
Và chính việc này sẽ tạo ích lợi cho chúng ta. Đến gần với người nghèo ở giữa chúng ta sẽ đụng chạm đến chính cuộc sống của chúng ta. Nó sẽ nhắc chúng ta nhớ đến điều gì thật sự là quan trọng: đó là yêu mến Chúa và yêu thương anh em. Chỉ có điều này mới là trường tồn, còn tất cả mọi thứ khác đều qua đi. Những gì chúng ta đầu tư trong yêu thương sẽ tồn tại mãi, còn lại đều tan biến. Ngày hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: “Trong cuộc sống điều gì là quan trọng đối với tôi? Tôi đang đầu tư vào chỗ nào?” Đầu tư vào của cải chóng qua mà thế gian không bao giờ thỏa mãn, hay đầu tư vào gia tài của Chúa tặng ban, Đấng tặng ban sự sống đời đời? Đây là sự lựa chọn đặt trước mặt chúng ta: sống để đạt được những thứ của cải trần gian, hay cho đi để đạt được nước thiên đàng. Với việc chọn nước thiên đàng, điều đáng cần lưu tâm không phải là những gì chúng ta có, nhưng là những gì chúng ta cho đi, vì “những ai thu tích của cải cho mình, thì không giàu có trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12:21).
Vì vậy chúng ta đừng tìm kiếm cho mình nhiều hơn những gì chúng ta cần, nhưng hãy tìm kiếm những gì tốt lành cho người khác, và rồi chúng ta sẽ chẳng thiếu những gì có giá trị thật sự cho chúng ta. Nguyện xin Chúa, Đấng xót thương cho sự nghèo khó và thiếu thốn của chúng con, và ban tặng món quà của Ngài cho chúng con, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan biết tìm kiếm những gì thật sự quan trọng, và cho chúng con lòng can đảm biết yêu thương, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng hành động.
© Libreria Editrice Vatican
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2017]


Ngày Thế giới Người Nghèo: một ngày cho đi và đón nhận

Ngày Thế giới Người Nghèo: một ngày cho đi và đón nhận

Pope Francis has lunch with the poor during his visit in Bologna, Italy in October  - ANSA
Đức Thánh Cha Phanxico dùng bữa trưa với người nghèo trong chuyến đến thăm Bologna, Ý tháng Mười - ANSA
16/11/2017 07:17
(Vatican Radio) Chúa nhật này các giáo xứ ở Roma và trên khắp thế giới sẽ đánh dấu Ngày Thế giới Người Nghèo lần thứ nhất là một trong những hoa trái của Năm Thánh Lòng Thương xót.
Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa được trao trách nhiệm tổ chức theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxico.
“Đức Thánh Cha đã công bố sáng kiến này, đây là ân sủng trong Năm Thánh khi ngài đến với những người bị xã hội gạt ra bên lề và vì thế nó là một cơ hội cho Giáo hội toàn cầu không chỉ tổ chức và hỗ trợ những người nghèo, nhưng còn để thay đổi thái độ của chúng ta về sự nghèo khó.” Đức ông Geno Sylva nói, ngài là nhân viên ngôn ngữ Anh tại Hội đồng.
Ngài nói rằng, “Ngày Thế giới Người Nghèo, nó rất đẹp vì nó không mang một chút gì về quyền lực, nó không mang bất kỳ một mục đích gì khác ngoài tính hỗ tương, cho đi và đón nhận.”
Đức ông Sylva nói, “Tất cả chúng ta đều nghèo theo cách này hay cách khác … và mọi người đều có gì đó để cho đi, một điều gì đó để trao tặng và ngày này với mục đích để mở rộng tâm trí và tâm hồn chúng ta, thái độ chúng ta đối với sự nghèo khó tồn tại trong từng ngày trong năm.”
Ngài tiếp tục nói rằng, Đức Thánh Cha Phanxico “tiếp tục hướng sự chú ý của Giáo hội, sự quan tâm của Giáo hội đối về thái độ trả lời trước sự nghèo khó mang tính cộng đồng, nhưng cả sự nghèo khó của từng cá nhân con người.”
Đánh dấu Ngày Thế giới Người Nghèo
Ngày Thế Giới Người Nghèo không chỉ được đánh dấu ở Roma, nhưng trong các giáo xứ trên toàn thế giới và Đức ông Sylva nói rằng Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa đã phát hành thông tin của mình trên website bằng sáu ngôn ngữ như một cách trợ giúp mục vụ cho các giáo phận và giáo xứ trên toàn thế giới muốn dự phần vào sáng kiến này.
Một số sự kiện được tổ chức ở Roma gồm một đêm canh thức cầu nguyện trong nhà thờ Thánh Lawrence Ngoại Thành lúc 8 giờ tối ngày thứ Bảy 18. Sẽ có một Thánh Lễ của Đức Thánh Cha Phanxico dâng sáng Chúa nhật 19 trong đó có khoảng bốn ngàn người thiếu thống tham dự, tiếp theo là một bữa trưa trong Đại sảnh Phao-lô VI.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/11/2017]