Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus

Vatican thực hiện xét nghiệm coronavirus, cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm virus
Đức Thánh Cha Phanxio nhìn ra ngoài cửa sổ của điện tông tòa ngày 18 tháng Ba năm 2020. Credit: Vatican Media.

Thành Vatican, 28 tháng Ba, 2020 / 11:05 sáng (CNA). - Hôm thứ Bảy Vatican cho biết Đức Thánh Cha Phanxico không bị nhiễm coronavirus, và nói rằng xét nghiệm COVID-19 gần đây cho 170 nhân viên Tòa Thánh cho kết quả chỉ có 1 trường hợp nhiễm mới.

Kết quả đưa tổng số ca nhiễm coronavirus trong Thành Vatican lên 6 trường hợp, ông Matteo Bruni , phát ngôn nhân giáo hoàng cho biết trong một thông cáo ngày 28 tháng Ba.

Phát ngôn nhân cho biết, “Tôi khẳng định rằng Đức Thánh Cha và những vị cộng sự gần gũi nhất với ngài đều không bị nhiễm.”

Sáu trường hợp dương tính này bao gồm một linh mục sống trong cùng khu nhà trọ Vatican với Đức Thánh Cha Phanxico. Vị linh mục là giới chức của Phủ Quốc vụ khanh, được đưa đi cách ly ngay khi ngài có các triệu chứng của bệnh COVID-19, ông Bruni cho biết.

Các xét nghiệm được thực hiện cho những người có tiếp xúc trực tiếp với vị giới chức và sau đó cũng thực hiện xét nghiệm với các nhân viên Tòa Thánh như “một biện pháp phòng ngừa,” đưa tổng số người được xét nghiệm lên 170, vị phát ngôn nhân nói.

Theo ông Bruni, chỉ có một kết quả xét nghiệm dương tính – là một nhân viên Tòa Thánh có tiếp xúc trực tiếp với vị giới chức của Phủ Quốc vụ khanh.

Phát ngôn nhân nói rằng những biện pháp phòng ngừa khác cũng đã được thực hiện, chẳng hạn như tăng cường vệ sinh.

Ông Bruni cho biết thêm, vị giới chức Phủ Quốc vụ khanh không ở trong tình trạng bệnh nặng nhưng được chuyển đến bệnh viện ở Roma để chăm sóc và theo dõi.

Trường hợp nhiễm coronavirus của Vatican được phát hiện sau khi một bệnh nhân được xét nghiệm dương tính trong cơ sở chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ngoại trú của nhà nước thành phố ngày 5 tháng Ba. Cơ sở sau đó đóng cửa một ngày để làm vệ sinh khử trùng.

Ba trường hợp tiếp theo được phát hiện, hai trong số đó là nhân viên của các viện bảo tàng Vatican và một trường hợp là nhân viên nhà kho.

Ông Bruni nói với các nhà báo ngày 24 tháng Ba rằng bốn bệnh nhân coronavirus này “đã được đưa đi cách ly riêng như là biện pháp phòng ngừa trước khi họ được xét nghiệm dương tính và thời gian cách ly của họ đã qua hơn 14 ngày; hiện tại họ đang được điều trị trong các bệnh viện hoặc tại nhà.”

Lịch làm việc của Đức Thánh Cha Phanxico đã giảm bớt trong đại dịch coronavirus, tuy nhiên ngài tiếp tục có một vài cuộc gặp gỡ trong điện tông tòa, và đó cũng là nơi ngài trực tiếp truyền hình Tiếp Kiến chung Thứ Tư hàng tuần và Kinh Truyền Tin Chúa nhật trong thời gian phong tỏa của Ý.

Ngày 28 tháng Ba Đức Thánh Cha gặp gỡ bà Virginia Raggi, thị trưởng Roma, cũng như các giới chức Vatican khác.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2020]


Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta

Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta
© Vatican Media

Toàn văn bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Sáng Thứ Bảy tại Nhà nguyện Thánh Marta

‘Chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta trở về với Ngài’

23 tháng Ba, 2020 16:18

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 21 tháng Ba năm 2020, tại Nhà nguyện Thánh Marta trong Vatican. Văn bản chính do Vatican News cung cấp.


******

Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe hôm qua: “Hãy trở về, hãy trở về với Chúa” (x. Hs 14:2); chúng ta cũng tìm thấy câu trả lời cho lời đó trong cùng sách của tiên tri Hô-sê: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa” (Hs 6:1). Đó là câu trả lời khi mệnh lệnh “hãy trở về với Chúa” chạm đến tâm hồn: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa: vì Người đã xé nát, để rồi Người lại chữa lành chúng ta; Người đã đánh đập, và Người lại băng bó cho chúng ta [...] “Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện, chắc chắn thế nào Người cũng đến.” (Hs 6:1.3). Niềm tin tưởng vào Chúa thì chắc chắn. “Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai” (c. 3). Và với sự cậy trông này, dân tiến bước lên đường để trở về với Chúa. Đó là một trong những cách để tìm được Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta trở về với Người.

Trong Tin mừng (x. Lc 18:9-14) Chúa Giê-su dạy cho chúng ta cách cầu nguyện. Có hai người, một người vô cùng tự tin đi đến cầu nguyện, nhưng để cho biết là anh ta rất tốt lành và dường như muốn nói với Chúa rằng: “Chúa xem này, con quá tốt lành rồi: nếu Chúa có cần gì, cứ nói với con và con sẽ giải quyết vấn đề cho Chúa.” Anh ta đến với Chúa bằng cách đó. Đó là sự ngạo mạn. Quả thật, có thể anh ta làm mọi điều Lề Luật dạy, anh ta liệt kê chúng ra: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (c. 12) … Con tốt lắm.” Điều này cũng nhắc chúng ta nhớ đến hai người khác. Nó nhắc chúng ta nhớ đến người anh trong dụ ngôn người Con hoang đàng, khi anh ta nói với cha của mình: “Con luôn nghe lời cha mà lại chẳng có được một bữa tiệc, còn với thằng đó chỉ là một kẻ xấu xa, cha lại mở tiệc mừng …” Thật là kiêu ngạo (x. Lc 15:29-30). Một người khác, với câu chuyện mà chúng ta nghe trong những ngày vừa qua, là một người giàu có, không có tên cụ thể, nhưng là một người giàu có, không biết tên ông ta, nhưng ông ấy là một phú ông, ông ta chẳng một chút để ý đến cảnh khốn khổ của người khác (x. Lc 16:19-21). Đây là những con người có sự bảo đảm cho bản thân đối với tiền bạc hoặc quyền thế … Và người kia là người thu thuế, anh ta không đi đến trước bàn thờ, không, anh ta dừng lại ở xa xa. “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!’” (Lc 18:13). Điều này cũng làm chúng ta nhớ đến người con hoang đàng: anh ta ý thức được những tội đã phạm, những điều kinh khủng đã làm. Anh ta cũng đấm ngực: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội” — đó sự khiêm nhường (x. Lc 15:17-19). Nó lại nhắc chúng ta nhớ đến một người khác, người ăn mày, La-da-rô, tại cửa của người đàn ông giàu có, là người phải sống cảnh cùng khốn trước sự kiêu ngạo của người kia (x. Lc 16:20-21). Luôn luôn có sự pha trộn những con người trong Tin mừng. Trong trường hợp này, Chúa dạy chúng ta cách để cầu nguyện, cách để tiến đến, cách chúng ta phải tiến đến với Chúa: với lòng khiêm nhường. Có một hình ảnh rất đẹp trong bài thánh ca phụng vụ của ngày Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả. Nó kể rằng người ta đến gần sông Gio-đan để lãnh nhận Phép Rửa “với linh hồn không che đậy và đi chân đất”: cầu nguyện với một linh hồn không che đậy, không tô điểm, không hóa trang cho những đức tính. Như chúng ta đã đọc lúc đầu Lễ, Người tha thứ mọi tội lỗi, nhưng Người cần tôi phải cho Người thấy tội của tôi, với sự cởi mở hoàn toàn của tôi. Để cầu nguyện không giấu diếm, với một tâm hồn thẳng thắn, không giấu giếm, thậm chí không tin vào những gì tôi đã học được trên con đường cầu nguyện. Anh chị em và cha phải cầu nguyện mặt đối mặt với tâm hồn không che đậy. Đây là điều Chúa dạy chúng ta. Nhưng khi chúng ta đến với Chúa với một chút quá tự tin vào mình, chúng ta sẽ rơi vào tính kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu này, hoặc của người anh trai kia, hoặc của người đàn ông giàu có chẳng thiếu thứ gì. Chúng ta sẽ có sự vững chắc của mình ở nơi khác. “Tôi đến với Chúa …, tôi muốn đi, muốn được dạy dỗ … và tôi nói với Người … và tôi thưa chuyện với Ngài một cách thân tình. Không, đây không phải là con đường. Con đường là hạ mình xuống — sự hạ mình. Con đường đó là thực tại. Và trong dụ ngôn này, người duy nhất hiểu được thực tại là người thu thuế. “Ngài là Thiên Chúa và con là một tội nhân.” Đây là thực tại. Tuy nhiên, tôi nói tôi là một tội nhân không chỉ bằng miệng bằng tâm hồn — cảm nhận bản thân mình là một kẻ có tội.

Chúng ta đừng quên điều này, điều mà Thiên Chúa dạy chúng ta: bào chữa cho bản thân là tính kiêu căng, tự kiêu; nó là sự nâng mình lên. Nó là cách che đậy hữu thể bằng một thứ gì đó mà tôi không có. Và những sự thống khổ vẫn còn tồn tại bên trong. Người Pha-ri-sêu bào chữa cho bản thân. [Điều cần thiết] là hãy xưng thú tội của mình thẳng thắn, không bào chữa, không nói rằng: “Nhưng không phải, con đã làm điều này nhưng đó không phải là lỗi của con …” Hãy có một linh hồn không che đậy, một linh hồn không che đậy.

Xin Chúa dạy cho chúng ta hiểu được điều này, thái độ này, khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với những sự bào chữa của mình, với những sự chắc chắn của mình, đó không phải là cầu nguyện: đó là nói chuyện với cái gương soi. Thay vì vậy, khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với thực tại thật — “Con là một kẻ có tội, con là một kẻ có tội” — đó là một bước đi tốt lành để cho phép bản thân được Thiên Chúa đoái nhìn. Xin Chúa Giê-su dạy cho chúng ta điều này.

Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico cũng kết thúc Thánh Lễ với sự Tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi tín hữu rước Lễ Thiêng Liêng.

Dưới đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha xướng đọc

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể nào chịu Chúa cho thật được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa bao giờ.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/3/2020


16 tháng Ba: Xin Chúa giúp cho các gia đình khám phá ra những cách thức mới để thể hiện tình yêu thương trong hoàn cảnh này. Nó là một cơ hội rất đẹp để tái khám phá lòng cảm mến trong gia đình. #Cùng cầu nguyện cho những mối quan hệ trong gia đình luôn được nuôi dưỡng vì sự tốt lành.

16 tháng Ba: Thiên Chúa luôn hoạt động qua những việc đơn sơ: tính đơn sơ của công việc hàng ngày, tính đơn sơ của lời cầu nguyện. Nhưng tinh thần thế gian dẫn đưa chúng ta đến với tính hư ảo, đến với những hình thức bên ngoài kết thúc trong bạo lực. #HomilySantaMarta

16 tháng Ba: “Hãy sám hối,” nói cách khác là “hãy thay đổi đời sống (Mt 4:17), vì một đời sống mới đã bắt đầu. Thời gian bạn sống cho bản thân đã qua đi; bây giờ là lúc sống với và sống cho Thiên Chúa, với tha nhân, sống với và sống cho tình yêu. #Lent

17 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện cho người già đang chịu đau khổ đặc biệt trong thời điểm này bị cô độc trong nhà, nhiều khi vô cùng sợ hãi. Họ đã cho chúng ta sự khôn ngoan, sự sống, câu chuyện của chúng ta … Ước mong rằng chúng ta gần gũi với họ trong lời cầu nguyện.

17 tháng Ba: Dụ ngôn Chúa Giê-su kể cho chúng ta (Mt 18:23-35) rất rõ ràng: xin tha thứ có nghĩa là thứ tha. Cả hai luôn song hành với nhau và không thể tách rời. Tha thứ là điều kiện để đi vào thiên đàng. #HomilySantaMarta

17 tháng Ba: Chúng ta hãy cho phép bản thân được Thiên Chúa yêu thương, để về phần mình chúng ta lại có thể trao tặng thương yêu. Chúng ta hãy cho phép bản thân đứng dậy và tiến đến Phục sinh. #Lent

18 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện cho người qua đời, những người đã chết vì virus. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho những nhân viên y tế là những người hy sinh cuộc sống để phục vụ bệnh nhân.

18 tháng Ba: Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi và kêu gọi chúng ta hãy gần gũi với nhau. Có lẽ lúc này chúng ta không thể gần nhau về thể xác vì sợ lây nhiễm, nhưng chúng ta có thể tái thức tỉnh trong mình thói quen gần gũi với người khác trong lời cầu nguyện và sự giúp đỡ lẫn nhau. #HomilySantaMarta

18 tháng Ba: Lòng thương xót của Chúa là sự giải thoát và là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cần tha thứ, vì bản thân chúng ta cần được tha thứ. #GeneralAudience #Beatitudes

19 tháng Ba: Trong ngày Lễ #Thánh Giu-se chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết sống tính cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, và trong ‘tính cụ thể’ của mầu nhiệm. Đi vào mầu nhiệm không phải là một giấc mơ; đi vào mầu nhiệm có nghĩa là tôn thờ.

19 tháng Ba: Đức tin phát triển với những bước đi khiêm nhường và thiết thực. #Lent

20 tháng Ba: Anh chị em thân mến, tối nay chúng ta cùng hiệp thông trong tinh thần lần Chuỗi Mân Côi. Xin Mẹ Maria là sức Khỏe của người bệnh, và Thánh Giu-se là người của đức tin, chuyển cầu cho chúng ta! #PrayTogether

20 tháng Ba: #Cùng cầu nguyện, phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Thánh Giu-se, là Đấng thấu hiểu những bấp bênh và cay đắng. Dù lo lắng về tương lai, ngài luôn biết cách đi qua bóng đen của những thời khắc bấp bênh, luôn cho phép bản thân được dẫn dắt bởi thánh ý của Chúa mà không do dự.

20 tháng Ba: Chúng ta hãy #cùng cầu nguyện cho các bác sĩ, nhân viên nhà thương, và những thiện nguyện viên đang liều mạng sống của họ để cứu người. Và cho các nhà lãnh đạo dân sự, cho những người phải đưa ra quyết định trong thời điểm này. Tất cả họ là trụ cột để bảo vệ chúng ta trong cuộc khủng hoảng này.

20 tháng Ba: Thiên Chúa nhân từ sẽ chữa lành tất cả những vết thương cuộc sống của chúng ta, và tất cả những điều xấu chúng ta đã làm. Trở về với Chúa có nghĩa là trở về với một cái ôm, cái ôm của Chúa Cha. #HomilySantaMarta

20 tháng Ba: Ngọn lửa tình yêu của Chúa sẽ thiêu rụi những tro bụi tội lỗi của chúng ta. Cái ôm của Chúa Cha đổi mới chúng ta từ sâu thẳm tâm hồn và thanh tẩy tâm hồn chúng ta. #Lent




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/3/2020]