Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa yêu cầu chúng ta có lòng khiêm nhường để chào đón Ngài

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa yêu cầu chúng ta có lòng khiêm nhường để chào đón Ngài

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa yêu cầu chúng ta có lòng khiêm nhường để chào đón Ngài

© Vatican Medi

Lúc 12 trưa nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa của Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và người hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền tin:

____________________________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng, Tin Mừng của Phụng Vụ giới thiệu nhân vật Gioan Tẩy giả. Bản văn nói rằng Gioan “mặc áo bằng lông lạc đà”, rằng “lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3:4), và rằng ông mời gọi mọi người sám hối. Và ông nói thế này: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (câu 2) Và ông rao giảng về Nước Trời đang đến gần. Nói tóm lại, ông là một người khổ hạnh và quyết liệt, thoạt nhìn có vẻ khe khắt và có thể gieo rắc một nỗi sợ hãi nhất định. Nhưng một lần nữa, có thể chúng ta tự hỏi tại sao hằng năm Giáo hội đề xuất ông là người bạn đồng hành của chúng ta trong Mùa Vọng này. Điều gì ẩn giấu bên dưới sự nghiêm khắc của ông, đằng sau sự gay gắt rõ ràng của ông? Bí mật của Gioan là gì? Sứ điệp mà Giáo hội mang đến cho chúng ta hôm nay với Gioan là gì?

Trên thực tế, Gioan, không chỉ là một người nghiêm khắc, mà còn là một người dị ứng với sự hai lòng. Anh chị em lắng nghe kỹ điều này: dị ứng với sự hai lòng. Chẳng hạn, khi những người Pharisêu và Sa-đốc, những người nổi tiếng về sự giả hình, đến gần ông, “phản ứng mang tính dị ứng” của ông khá mạnh! Thật vậy, một số người họ đến với ông có thể chỉ vì tò mò hoặc để đạt được điều gì đó vì Gioan đã trở nên khá nổi tiếng. Những người Pharisêu và Sa-đốc này tin rằng họ có tất cả mọi sự và trước lời kêu gọi thẳng thừng của Gioan Tẩy giả, họ đã biện minh cho mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham” (c. 9). Như vậy, vì tính hai lòng và tự phụ, họ đã không đón nhận thời gian ân sủng, cơ hội để bắt đầu một đời sống mới. Họ đóng chặt cửa lòng với sự kiêu căng cho mình là công chính. Vì vậy, Gioan nói với họ: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối!” (c. 8). Đây là tiếng kêu của tình yêu, giống như tiếng kêu của một người cha thấy con mình đang hủy hoại bản thân và nói với nó: “Đừng đánh mất mạng sống của mình!” Về bản chất, thưa anh chị em, thói đạo đức giả là mối nguy hiểm lớn nhất vì nó thậm chí có thể hủy hoại những thực tại thiêng liêng nhất. Đạo đức giả là một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy Giả – cũng như Chúa Giêsu sau này – rất gay gắt với những kẻ đạo đức giả. Ví dụ, chúng ta có thể đọc chương 23 Tin mừng của Thánh Matthêu trong đó Chúa Giêsu lên tiếng rất mạnh với những kẻ đạo đức giả thời bấy giờ. Và tại sao ông Gioan cũng như Chúa Giêsu làm như vậy? Để cảnh tỉnh họ. Thay vào đó, những người cảm nhận mình là tội nhân đã “đi đến với ông [Gioan], và chịu phép rửa của ông, thú tội của mình” (c. 5). Vì thế, diễn xuất không phải là điều quan trọng khi chào đón Chúa, nhưng là lòng khiêm tốn. Đây là con đường đón Chúa. Không phải là sự diễn xuất – “Chúng tôi mạnh mẽ, Chúng tôi là những người vĩ đại!” Không, không. Phải là sự khiêm tốn. Tôi là kẻ có tội. Nhưng không phải là trừu tượng, không – “vì điều này và việc này và việc này”. Mỗi người chúng ta cần phải thú nhận tội lỗi của chính mình, những thiếu sót của mình, sự giả hình của mình. Nó đòi hỏi phải rời khỏi bệ tượng và nhận chìm mình trong dòng nước sám hối.

Anh chị em thân mến, Gioan và “phản ứng dị ứng” của ông khiến chúng ta phải suy nghĩ. Có phải đôi khi chúng ta cũng giống như những người Pharisêu đó? Có lẽ chúng ta nhìn vào những người khác từ trên xuống dưới, nghĩ rằng chúng ta tốt hơn họ, rằng chúng ta có cuộc sống được kiểm soát, rằng chúng ta không cần Chúa, hoặc Giáo hội, hoặc anh chị em của chúng ta hàng ngày.

Chúng ta quên rằng chỉ có một trường hợp là có lý chính đáng khi nhìn người khác từ trên cao: khi cần phải giúp họ đứng dậy. Đây là trường hợp duy nhất; những trường hợp khác là không có lý chính đáng. Mùa Vọng là một thời gian của ân sủng để gỡ bỏ mặt nạ của chúng ta – mỗi người chúng ta đều có – và xếp hàng cùng với những người khiêm nhường, được giải thoát khỏi niềm tin kiêu ngạo rằng mình là đủ, để thú nhận tội lỗi của chúng ta, những tội ẩn giấu, và để đón chào sự tha thứ của Chúa, để xin sự tha thứ từ những người mà chúng ta đã xúc phạm. Đây là cách bắt đầu một đời sống mới. Chỉ có một con đường duy nhất, con đường khiêm nhường – được thanh lọc khỏi cảm giác trổi vượt, khỏi tính hình thức và đạo đức giả, để nhìn thấy mình, cùng với những anh chị em của chúng ta, là các tội nhân, và để nhìn thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ đến vì chúng ta, không phải vì những người khác, vì chúng ta, cũng như chúng ta, với sự nghèo khó, đau khổ và thất bại của chúng ta, trên hết chúng ta cần phải được nâng dậy, được tha thứ và giải thoát.

Và chúng ta hãy nhớ một điều: với Chúa Giêsu, luôn có khả năng bắt đầu lại. Không bao giờ là quá muộn. Luôn luôn có khả năng để bắt đầu lại. Hãy dũng cảm lên. Ngài ở gần chúng ta và đây là thời gian hoán cải. Mọi người có thể nghĩ: “Tôi có tình trạng như này ở bên trong, vấn đề này khiến tôi xấu hổ”. Nhưng Chúa Giêsu ở bên cạnh bạn. Hãy bắt đầu trở lại. Luôn luôn có khả năng tiến lên một bước. Chúa đang chờ đợi chúng ta và không bao giờ mệt mỏi vì chúng ta. Chúa không bao giờ mệt mỏi! Và chúng ta thì phiền phức, nhưng Chúa không bao giờ mệt mỏi! Chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi trở về với Chúa của Gioan Tẩy Giả. Và chúng ta đừng để Mùa Vọng này trôi qua như những ngày trên tờ lịch bởi vì đây là thời điểm của ân sủng, ân sủng cho chúng ta, ở đây và bây giờ! Xin Mẹ Maria, người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta đến gặp Ngài, Chúa Giêsu và anh chị em của chúng ta trên con đường khiêm nhường, là con đường duy nhất giúp chúng ta tiến bước.

_______________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Cha thân ái chào tất cả anh chị em đến từ nước Ý và từ nhiều quốc gia khác: các gia đình, các giáo xứ, hội đoàn và cá nhân. Cha nhìn thấy các lá cờ – Tây Ban Nha, Ba Lan, Argentina – rất nhiều. Chào mừng tất cả anh chị em. Đặc biệt, cha chào anh chị em hành hương người Tây Ban Nha đến từ Madrid, Salamanca, Bolaños de Calatrava và La Solana. Khi gửi lời chào anh chị em đến từ Ba Lan, tôi xin cảm ơn những người đang ủng hộ Ngày Cầu nguyện và quyên góp quỹ cho Giáo hội ở Đông Âu.

Cha vui mừng chào đón nhóm Công giáo Tiến hành đến từ Aversa, cùng với Đức Giám mục Spinillo; cũng như các tín hữu đến từ Palermo, Sutrio và Saronno; các ứng viên Thêm sức đến từ Pattada thuộc Giáo phận Ozieri; và anh chị em từ giáo xứ Sant’Enrico ở Roma.

Cha chúc mọi người Chúa nhật tốt lành và tiếp tục hành trình Mùa Vọng cách tốt đẹp. Thứ Năm tuần này, chúng ta sẽ mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta hãy phó thác lời cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta, đặc biệt là cho những người dân Ukraine đang bị tra tấn.

Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/12/2022]


Đức Thánh Cha Phanxicô: Lịch trình mới được xác định cho cuộc Hành hương Hòa bình Đại kết lịch sử đến Nam Sudan và Congo

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lịch trình mới được xác định cho cuộc Hành hương Hòa bình Đại kết lịch sử đến Nam Sudan và Congo

Đức Thánh Cha chào các tín hữu cầm cờ của Nam Sudan. Photo: Fides

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lịch trình mới được xác định cho cuộc Hành hương Hòa bình Đại kết lịch sử đến Nam Sudan và Congo

Chuyến thăm được chờ đợi từ lâu dự kiến diễn ra vào tháng Bảy năm nay, nhưng đã bị hoãn lại sau khi Vatican thông báo rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không thể đi theo lời khuyên của các bác sĩ của ngài.

01 tháng 12, 2022 00:54

REDACCIÓN ZENIT



Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland sẽ thực hiện chuyến Hành hương Hòa bình Đại kết lịch sử đến Nam Sudan từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Hai năm sau.

Chuyến thăm được chờ đợi từ lâu dự kiến diễn ra vào tháng Bảy năm nay, nhưng đã bị hoãn lại sau khi Vatican thông báo rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không thể đi theo lời khuyên của các bác sĩ của ngài. Chuyến thăm đã được hứa hẹn trong một cuộc tĩnh tâm được tổ chức tại Vatican vào năm 2019, trong đó các nhà lãnh đạo chính trị Nam Sudan cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích của người dân.

Ba nhà lãnh đạo tinh thần thường nói về hy vọng đến thăm Nam Sudan – để thể hiện tình liên đới với người dân khi họ phải đối mặt với những thách thức của lũ lụt tàn phá, nạn đói lan rộng và bạo lực tiếp diễn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi nghĩ đến Nam Sudan và lời cầu xin hòa bình xuất phát từ người dân trong nước, họ đã kiệt sức vì bạo lực và nghèo đói, đang chờ đợi những kết quả cụ thể từ tiến trình hòa giải dân tộc. Tôi mong muốn đóng góp vào tiến trình đó, không phải một mình, mà bằng cách thực hiện một chuyến hành hương đại kết cùng với hai người anh em thân yêu là Đức Tổng Giám mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland.”

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lịch trình mới được xác định cho cuộc Hành hương Hòa bình Đại kết lịch sử đến Nam Sudan và Congo

Chuyến thăm là một sự hợp tác đại kết chưa từng có giữa Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Justin Welby và Ngài Iain Greenshields. Chuyến hành hương chung này, làm chứng cho sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, sau những thế kỷ chia rẽ lịch sử, sẽ phản ánh những khả năng của hòa bình và lời hứa của hy vọng. Vị điều hành nói: “Thật vinh dự khi được tham gia cùng với Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám mục Canterbury trong chuyến Hành hương Đại kết vì Hòa bình lịch sử đến Nam Sudan; chúng tôi đến với tư cách là những người phục vụ của Giáo hội Toàn cầu, để đồng hành với người dân ở Nam Sudan khi họ tìm cách diễn đạt những lời của Chúa Giêsu rằng ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.’”

Các sự kiện trọng tâm trong Chuyến hành hương vì hòa bình của ba nhà lãnh đạo sẽ là cuộc gặp gỡ với những người di tản trong nước tại Hội trường Tự do của Juba vào Thứ Bảy ngày 4 tháng Hai, sau đó là buổi cầu nguyện Đại kết tại Lăng Tổng thống John Garang. Người dân Nam Sudan đã kiên trì cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trong nhiều năm, khiến ngày này trở thành một ngày quan trọng khi họ đích thân tham gia cùng với các nhà lãnh đạo. Đức Tổng Giám mục Justin Welby nói: “Sau nhiều chờ đợi, tôi rất vui mừng rằng chuyến viếng thăm lịch sử này đến Nam Sudan cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Vị Điều hành Giáo hội Scotland sẽ diễn ra. Chúng tôi cùng chia sẻ mong muốn sâu sắc được thể hiện tình liên đới với người dân Nam Sudan, xem xét và nhắc lại những cam kết mà các nhà lãnh đạo đất nước này đã đưa ra tại Vatican vào năm 2019. Chúng tôi cầu xin Chúa Thánh Thần hoạt động trong suốt và sau chuyến thăm này, mang đến sự bình an mà Đức Kitô đã hứa ban. Xin hãy cầu nguyện cho người dân Nam Sudan.” Trong thời gian ở Nam Sudan, ba nhà lãnh đạo cũng sẽ có một số cuộc gặp gỡ khác với các nhóm dân sự và giáo hội địa phương.

Các cộng đồng Kitô giáo ở Nam Sudan có một di sản chứng tá mạnh mẽ cho đức tin của họ. Thông qua làm việc cùng nhau, họ đã trở thành một dấu chỉ và công cụ của sự hòa giải mà Thiên Chúa mong muốn cho cả đất nước của họ và tất cả tạo vật. Chuyến thăm này nhằm mục đích xây dựng và củng cố lại di sản đó vào thời điểm hòa bình vẫn còn mong manh.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/12/2022]