Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước Trời

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước TrờiĐức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta (Vatican Media)


Đức Thánh Cha giảng Lễ: Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự đại tiệc của Nước Trời

Nước Thiên Chúa thường được xem như một đại tiệc. Chúa Giê-su mời chúng ta đến dự tiệc cùng với Ngài – nhưng, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, không biết bao nhiêu lần chúng ta tìm cớ thoái thác để từ chối lời mời của Ngài? Đức Thánh Cha nói, Chúa Giê-su rất nhân lành, và ban cho chúng ta một cơ hội thứ hai, nhưng Ngài cũng rất công bằng.

06 tháng Mười Một 2018, 12:40
Adriana Masotti
Trích đoạn Tin mừng hôm nay xoay quanh một bữa tiệc của một trong những người đứng đầu nhóm Pha-ri-sêu, và Chúa Giê-su được mời tới dự. Tin mừng hôm thứ Hai kể về việc Chúa Giê-su chữa lành một người bệnh tại bữa tiệc, và quan sát thấy nhiều người khách đã tìm lấy chỗ cao nhất để ngồi. Chúa nói với người chủ tiệc rằng ông ta nên mời những người thiếu thốn nhất đến cùng ăn với ông, đó là những người không có gì để đáp lại cho ông.

Sự từ chối hai lần

Bài đọc hôm thứ Ba tiếp tục trình thuật Tin mừng về bữa tiệc. Tại một thời điểm trong bữa tiệc, một trong những thực khách nói rằng, “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha Phanxico miêu tả điều này như là sự từ chối hai lần. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su trả lời lại bằng dụ ngôn về một người tổ chức một bữa đại tiệc, ông mời rất nhiều người đến dự. Những người hầu của ông nói với các khách mời, “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.” Nhưng từng người từng người đều đưa ra những cớ để thoái thác. Luôn luôn có “một lời xin lỗi,” Đức Thánh Cha nói. “Họ xin lỗi. Xin lỗi là một cách nói lịch sự chúng ta dùng thay cho cách nói, ‘tôi từ chối.’”

Và vì vậy ông chủ bảo những người hầu của ông “hãy đem vào bữa tiệc những người nghèo và người què, người mù và người tàn tật.”

Đức Thánh Cha nói trích đoạn kết thúc với một lời từ chối thứ hai, lời này từ chính miệng Chúa Giê-su nói: Khi một người từ chối Chúa Giê-su, “Chúa chờ đợi họ, cho họ một cơ hội thứ hai, có thể là thứ ba, thứ tư, thứ năm … nhưng cuối cùng, Người từ chối họ”:

Và sự từ chối này làm chúng ta phải tự hỏi chính mình về những lần Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta; kêu gọi chúng ta cùng cử hành với Người, đến gần Người, thay đổi cuộc sống chúng ta. Hãy nghĩ về việc Người đi tìm những người bạn thân tình nhất của Ngài nhưng họ từ chối! Rồi Ngài lại đi tìm những người bệnh tật … và họ đến; có thể là một số người từ chối. Không biết bao nhiêu lần chúng ta nghe thấy tiếng gọi của Chúa Giê-su để đến với Người, để làm việc bác ái, để cầu nguyện, để gặp gỡ Người, và chúng ta lại nói: “Con xin lỗi Chúa, con đang bận, con không có thời gian. Vâng, để ngày mai, hôm nay thì con không thể …” Và Chúa Giê-su vẫn ở đó.

Chúng ta thường viện cớ thoái thác như thế nào?

Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta hãy suy tư về việc chúng ta thường xin Chúa Giê-su chiếu cố cho chúng ta khi “Người gọi chúng ta đến gặp gỡ Người, để tâm tình với Người, để có cuộc chuyện trò thân tình.” Ngài nói, “Chúng ta cũng thường từ chối Người.”

Mỗi chúng ta hãy suy nghĩ: trong đời tôi, đã bao nhiêu lần tôi cảm nhận được sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần để làm công cuộc bác ái, để gặp gỡ Chúa Giê-su trong công việc bác ái đó, để đến cầu nguyện, để thay đổi cuộc sống về vấn đề này, vấn đề không được tốt đẹp? Và tôi lại luôn tìm ra một lý do để bào chữa cho mình, để từ chối.


Chúa Giê-su nhân lành, nhưng Người cũng rất công bằng

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng, cuối cùng những người không từ chối Chúa Giê-su, và không bị Người từ chối, sẽ được vào Nước Chúa. Nhưng Đức Thánh Cha cũng có sự cảnh báo đối với những người nghĩ rằng “Chúa Giê-su nhân lành, cuối cùng Người cũng tha thứ hết mọi điều”:

Đúng, Người nhân lành, Người giàu lòng thương xót – Người hay thương xót, nhưng Người cũng rất công bằng. Và nếu bạn đóng cửa lòng mình ở phía trong, Người không thể mở nó, vì Người rất tôn trọng tâm hồn chúng ta. Từ chối Chúa Giê-su là khóa cửa lòng mình từ phía trong, và Người không thể đi vào.


Chúa Giê-su đã trả giá cho bữa đại tiệc bằng cái chết của Người

Cuối cùng, Đức Thánh Cha phân tích về một điểm cuối cùng: chính Chúa Giê-su đã trả giá cho bữa tiệc. Trong Bài đọc Một, Thánh Phaolo tiết lộ giá của bữa tiệc khi nói về Chúa Giê-su, Đấng “đã trút bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ, và Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá.” Đức Thánh Cha nói, Chúa Giê-su “đã trả giá cho bữa tiệc bằng chính mạng sống của Người.”

“Còn tôi lại nói, ‘Con không thể,’” Đức Thánh Cha kết luận. “Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu được sự bí ẩn của tâm hồn cứng cỏi, của tính ngoan cố, của sự từ chối, và ban cho chúng ta ơn biết khóc.”


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2018]


Phép lạ Lộ Đức đã đem bác sĩ đạt giải Nobel về với đức tin

Phép lạ Lộ Đức đã đem bác sĩ đạt giải Nobel về với đức tin

06 tháng Mười Một, 2018
Phép lạ Lộ Đức đã đem bác sĩ đạt giải Nobel về với đức tin


Tiến sĩ Carrell đứng đằng sau Marie Bailly khi ba bình nước thánh được đổ trên bụng của chị ...

Từ lần hiện ra đầu tiên của Mẹ Diễm Phúc với Bernadette Soubirous, nước của Hang Lộ Đức đã trở thành nguồn phép lạ chữa lành, cho cả những người đến viếng Hang và cho những người ở các nơi xa sử dụng nước. Tính từ thời điểm của Bernadette, hơn 7.000 phép lạ chữa lành đã được báo cáo với Phòng Y khoa Lộ Đức bởi các khách hành hương đến viếng Lộ Đức (trong đó không bao gồm những phép lạ diễn ra bên ngoài Lộ Đức).

Có quá nhiều sự chữa lành nổi tiếng liên quan đến nước và Hang Lộ Đức đến mức Giáo hội Công giáo quyết định thành lập Phòng Y khoa Lộ Đức dưới sự điều hành của riêng các bác sĩ và các nhà khoa học. Mục tiêu của Phòng là đưa ra phán quyết rằng một sự chữa lành cụ thể phải xảy ra ngay lập tức, và có hiệu quả trong suốt phần đời còn lại, và về tất cả mọi phương diện thì khoa học không thể giải thích được. Phòng có 20 bác sĩ và khoa học gia. Phòng sẵn sàng đón bất kỳ bác sĩ hay nhà khoa học nào muốn làm cuộc điều tra riêng hay muốn thử thách trường hợp nào đó được xem là “phép lạ.”

Từ năm 1883, chỉ có 69 trường hợp được công nhận là “phép lạ” dưới những tiêu chuẩn khắt khe của Phòng. Nhưng điều này không có nghĩa là 7.000 trường hợp được chữa lành khác không phải là phép lạ theo các tiêu chuẩn khác. Đơn giản vì những trường hợp này không hoàn toàn cho thấy không thể giải thích bằng khoa học – cho dù sự kiện là hoàn toàn khác thường và thậm chí có thể là phép lạ.

69 trường hợp được công nhận bởi Phòng Y khoa Lộ Đức đã được kiểm tra thật kỹ bởi rất nhiều bác sĩ và các nhà khoa học, và hầu hết các trường hợp đó đều cho thấy là sự chữa lành vĩnh viễn và không thể giải thích được. Bạn có thể tìm danh sách các trường hợp chữa lành ở đây.

Một trong những trường hợp nổi bật nhất là sự chữa lành cho Marie Bailly. Trường hợp của chị được chứng kiến bởi Tiến sĩ Alexis Carrell, và cuối cùng đã đem ông trở lại.


Phép lạ cho Marie Bailly

Năm 1902 một bác sĩ bạn của Tiến sĩ Carrell mời ông giúp chăm sóc cho các bệnh nhân được chuyển bằng đường hỏa xa từ Lyons đến Lộ Đức. Khi đó tiến sĩ Carrell là người theo thuyết bất khả tri, ông không tin vào các phép lạ, nhưng đồng ý giúp, không chỉ vì tình bạn, nhưng cũng vì ông quan tâm muốn tìm hiểu những nguyên nhân tự nhiên nào có thể cho phép những trường hợp chữa lành nhanh như vậy xảy ra ở Lộ Đức.

Trên xe lửa, ông gặp Marie Bailly, chị bị tuberculous peritonitis cấp tính; bụng của chị căng phồng lên với những khối u lớn và rất cứng. Dù Marie Bailly vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, nhưng tiến sĩ Carrell tin rằng chị chắc chắn sẽ chết ngay sau khi tới Lộ Đức – hoặc không thì trước khi tới nơi. Các bác sĩ khác trên xe lửa đều đồng ý với chẩn đoán này.

Khi xe lửa đến Lộ Đức, chị Marie được đưa đến Hang Đức Mẹ, tại đó ba bình nước được đổ trên bụng căng phồng của chị. Sau lần đổ nước đầu tiên, chị cảm thấy một cơn đau quặn khủng khiếp, nhưng sau lần đổ nước thứ hai, nó giảm dần, và sau lần đổ nước thứ ba, chị cảm thấy nhẹ dần. Bụng của chị bắt đầu xẹp xuống và mạch của chị trở lại bình thường.

Tiến sĩ Carrel đứng đằng sau chị Marie (cùng với những bác sĩ khác) ghi chú chi tiết mỗi khi nước được rót xuống bụng của chị, và ông viết: “Bụng căng phồng và rất cứng bắt đầu xẹp xuống dần và trong vòng 30 phút nó hoàn toàn biến mất. Không có bất kỳ biện pháp hút dịch nào từ cơ thể được thực hiện.”

Sau đó chị Marie ngồi dậy trên giường, ăn tối (không bị nôn ói), và tự đứng dậy xuống hỏi giường và mặc quần áo ngày hôm sau. Rồi chị lên xe lửa, ngồi trên toa ghế cứng, và đến Lyons hoàn toàn khỏe mạnh. Tiến sĩ Carrel vẫn chú ý đến tình trạng tâm lý và thể lý của chị, và yêu cầu chị phải được theo dõi bởi một chuyên gia tâm thần và một bác sĩ trong suốt bốn tháng.

Sau đó, chị Marie gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái – để hoạt động với các bệnh nhân và người nghèo với một cuộc sống rất hăng hái – và qua đời năm 1937 ở tuổi 58.


Sự trở lại của tiến sĩ Carrel

Khi tiến sĩ Carrel chứng kiến biến cố diễn ra quá nhanh và y khoa không thể giải thích được, ông tin rằng ông đã được nhìn thấy một điều như phép lạ, nhưng với ông từ bỏ thuyết bất khả tri hoài nghi trước đây của ông là rất khó – vì vậy ông vẫn chưa trở lại với đức tin Công giáo của tuổi thơ xưa kia.


Ngoài ra, ông muốn tránh trở thành một nhân chứng y khoa cho một biến cố phép lạ vì ông biết rằng nếu phép lạ được mọi người biết đến rộng rãi, nó sẽ phá hủy sự nghiệp của ông tại khoa y ở Đại học Lyons.

Tuy nhiên, sự chữa lành cho Marie Bailly là một phép lạ quá hiển nhiên (quá nhanh chóng, khỏi dứt hoàn toàn, và không thể giải thích được) đến mức nó trở nên nổi tiếng trên truyền thông ở Pháp và trên khắp thế giới. Các phóng viên tỏ ý rằng tiến sĩ Carrel không cho đó là một phép lạ, và điều đó buộc Carrel phải viết một bài trả lời trên báo chí nói rằng một bên (gồm một số tín hữu) vội vàng nhảy đến kết luận nó là một phép lạ quá nhanh, và một bên (cộng đồng y khoa) lại từ chối một cách vô lý không nhìn đến sự thật diễn ra như một phép lạ.

Không như tiến sĩ Carrel đã lo ngại, sự bảo vệ của ông cho phép lạ chữa lành chị Bailly sẽ đưa đến dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông tại khoa y ở đại học Lyons, thật trớ trêu nó lại có kết quả rất tốt cho tương lai của ông – vì nó dẫn ông đến Đại học Chicago và sau đó đến Đại học Rockefeller. Năm 1912, ông được trao giải Nobel cho công trình trong các kỹ thuật khâu mạch máu.

Tiến sĩ Carrel trở lại Lộ Đức nhiều lần, và trong một lần khác ông đã chứng kiến một phép lạ thứ hai – một sự chữa lành ngay lập tức một bé trai 18 tháng tuổi bị mù.

Dù chứng kiến hai phép lạ này, tiến sĩ Carrel vẫn không thể tự mình dứt khoát khẳng định thực tại của các phép lạ cho đến năm 1942, khi đó ông Carrel tuyên bố rằng ông tin Thiên Chúa, tin sự bất tử của linh hồn, và tin những giáo huấn của Giáo hội Công giáo.


Bài bày là một trích đoạn được biên tập từ bài viết của Cha Robert Spitzer, Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại được khoa học công nhận liên quan đến Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh Và Thánh Thể) xuất bản lần đầu bởi Magis Center, được phép tái xuất bản. Xin nhấp vào đây để đọc toàn văn mục viết của Cha Spitzer. 


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2018]