Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

‘Sự tiến bộ xã hội lệ thuộc vào gia đình’ (Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo Châu Âu (FAFCE)

‘Sự tiến bộ xã hội lệ thuộc vào gia đình’ (Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo Châu Âu (FAFCE)

‘Sự hiệp nhất của tất cả các thành viên gia đình, và sự cam kết huynh đệ của gia đình với xã hội, là những đồng minh của thiện ích chung và của hòa bình, kể cả Châu Âu’
1 tháng Sáu, 2017
‘Sự tiến bộ xã hội lệ thuộc vào gia đình’ (Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo Châu  u (FAFCE)
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha sáng nay trước Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo Châu Âu (FAFCE) đến gặp gỡ Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm năm thứ 20. Đại diện cho các hiệp hội gia đình Công giáo từ 14 quốc gia Châu Âu, FAFCE có vai trò cộng tác với Hội đồng Châu Âu.
***
Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến các gia đình thân yêu thuộc liên đoàn này đang mừng kỷ niệm năm thứ hai mươi. Tôi xin cảm ơn ngài Chủ tịch, Antoine Renard, vì những lời chào tốt đẹp của ông.
Hai mươi năm chưa phải là quá nhiều thời gian để thử làm một đánh giá tổng thể, nhưng chắc chắn nó là một dịp rất tốt để tạ ơn vì sức sống và sự nhiệt thành mà anh chị em đã thực hiện trong cam kết mỗi ngày. Hiệp hội của anh chị em, “trẻ” về tinh thần và thời gian, được kêu gọi để thu hút những người khác trong công việc phục vụ các gia đình, để Châu Âu có thể tiếp tục xem gia đình là gia tài quý giá nhất của mình. Hình ảnh của “gia tài” này đã thể hiện trong buổi họp hôm qua của anh chị em, buổi họp mang các gia đình từ nhiều quốc gia Châu Âu đến Roma. Nó là một hình ảnh phản ánh đúng sự yêu mến mà tất cả chúng ta phải có trong gia đình. Trong thực tế, gia đình không phải là những tác phẩm của viện bảo tàng, nhưng qua gia đình, ơn sủng trở nên cụ thể trong những cam kết với nhau và sự mở lòng quảng đại với con cái, và cũng trong việc phục vụ xã hội. Gia đình vì thế là một loại men giúp làm cho thế giới trở nên nhân văn hơn và huynh đệ hơn, là nơi không một ai cảm thấy bị từ chối hay bị bỏ rơi.
1. Hàng loạt các hoạt động rộng khắp của anh chị em được tóm tắt trong sự phục vụ toàn diện gia đình, là một tế bào của xã hội, như gần đây tôi nhắc lại trước các giới chức của Liên minh Châu Âu nhóm họp nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma. Công cuộc của anh chị em, cả trong giáo hội và các khu vực dân sự, trước hết dường như để đáp lại cho rất nhiều những nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên thực tế nó đáp lại chính bằng sự phục vụ loan tin vui là gia đình. Trong Tông huấn Amoris Laetitia, tôi đã nhấn mạnh, trên nền tảng gia đình, cách chúng ta có thể biến ơn sủng thành cụ thể qua vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu thương nhau. Nhìn dưới ánh sáng này, hoạt động của anh chị em giúp nhắc mọi người nhớ rằng không có một đồng minh nào tốt hơn cho sự tiến bộ trọn vẹn của xã hội cho bằng cách đề cao sự hiện hữu của gia đình trong cấu trúc xã hội. Ngày nay cũng vậy, gia đình là nền tảng của xã hội và nó duy trì một cấu trúc phù hợp nhất để bảo đảm cho con người thiện ích trọn vẹn tối cần cho sự phát triển liên tục. Tôi muốn nhấn thật mạnh đến sự hiệp nhất của tất cả các thành viên gia đình, và sự cam kết huynh đệ của gia đình với xã hội, là những đồng minh của thiện ích chung và của hòa bình, kể cả Châu Âu.
Gia đình là mối quan hệ tương quan cá nhân đặc biệt nhất, tới mức độ nó là sự kết hiệp giữa những con người với nhau. Những mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, làm cho mọi người có thể tìm được một vị trí trong gia đình nhân loại. Cách sống những mối quan hệ này được thể hiện bằng sự hiệp nhất, sức mạnh của lòng nhân ái và rao truyền phúc âm đích thực. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta nhìn thấy nhu cầu của một văn hóa gặp gỡ có thể tăng cường tình hiệp nhất trong sự đa dạng, tương thân tương ái và tình đoàn kết giữa các thế hệ. “Nguồn vốn gia đình” này có trách nhiệm phải thấm nhuần vào trong những mối quan hệ kinh tế, xã hội và chính trị của Đại lục Châu Âu. Con đường “sống gia đình” mà anh chị em muốn quảng bá không tùy thuộc vào hệ tư tưởng ngẫu nhiên, nhưng lấy nền tảng trong phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. Trên nền tảng của phẩm giá đó, Châu Âu sẽ có thể thực sự trở thành một gia đình các dân tộc (x. Diễn từ trước Quốc hội Châu Âu, Strasbourg, 25 tháng Mười Một, 2014).
2. Những khủng hoảng dưới nhiều hình thức khác nhau hiện nay đang xuất hiện ở Châu Âu, đặc biệt trong cơ cấu gia đình. Nhưng những sự khủng hoảng này là động cơ để hoạt động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, với lòng tin tưởng và hy vọng.
Tôi được biết những sáng kiến của anh chị em thúc đẩy các đường lối hành động cụ thể ưu tiên cho gia đình trong các lĩnh vực kinh tế và việc làm, và không chỉ có vậy, với mục tiêu tìm được việc làm đúng phẩm giá và phù hợp cho tất cả, đặc biệt cho giới trẻ là những người đang chịu đựng nạn thất nghiệp ở nhiều vùng của Châu Âu. Trong những sáng kiến này, cũng như trong những hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến môi trường luật pháp, những quan tâm thể hiện sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người luôn luôn chiếm ưu thế. Theo ý nghĩa này, văn hóa gặp gỡ luôn bao gồm một thái độ đối thoại trong đó lắng nghe là điều quan trọng. Nguyện xin cho sự đối thoại của anh chị em luôn đặt trên cơ sở những hành động, những chứng tá, những kinh nghiệm và lối sống lên tiếng nói mạnh mẽ hơn bất kỳ bài diễn văn hay chương trình nào. Việc này tuyệt đối không thể thiếu nếu gia đình đóng vai trò là “những vai diễn chính” mà Đấng Tiền nhiệm của tôi, Thánh Gio-an Phao-lô II đã đặt tên như vậy (Familiaris Consortio, 44).
Bốn cuộc khủng hoảng hiện nay đang ảnh hưởng đặc biệt ở Châu Âu là: nhân khẩu, di cư, việc làm và giáo dục. Những khủng hoảng này có thể tìm được những kết quả tích cực chính trong văn hóa gặp gỡ, nếu những người giữ vai chính trong xã hội, kinh tế và chính trị sẵn lòng cùng hợp sức để thiết lập những chính sách ủng hộ gia đình. Trong bốn lĩnh vực này, anh chị em đang hoạt động để đưa ra những câu trả lời đáp ứng cho gia đình, nhìn thấy trong vấn đề sau cùng một nguồn lực và một đồng minh cho một con người và môi trường của người đó. Theo ý nghĩa này, nhiệm vụ của anh chị em thường xuyên là mời gọi tham gia vào một cuộc đối thoại xây dựng với những người nắm vai trò chính trong xã hội, nhưng không che đậy giá trị Ki-tô giáo của mình. Nhưng giá trị đó sẽ làm cho anh chị em luôn nhìn vượt xa hơn những hình thức bên ngoài và thời gian hiện tại. Như anh chị em đã nhấn mạnh, văn hóa của sự phù du đang kêu gọi phải một nền giáo dục cho tương lai.
3. Để thực hiện được công việc khó khăn này, gia đình không thể duy trì sự cách ly như một đơn tử. Gia đình cần phải thoát ra khỏi bản thân mình; họ cần phải đối thoại và gặp gỡ người khác, để xây dựng một sự hiệp nhất nhưng không phải một sự đồng dạng, và có thể tạo ra sự tiến bộ và phát triển thiện ích chung.
Các gia đình thân mến, các bạn đã đón nhận nhiều từ thế hệ đi trước. Họ là trí nhớ vĩnh viễn thúc giục chúng ta biết sử dụng sự khôn ngoan của con tim, không đơn thuần chỉ là sự chuyên môn về kỹ thuật khi đưa ra những sáng kiến về gia đình và cho gia đình. Họ là trí nhớ và những thế hệ trẻ là trách nhiệm đang đứng trước mặt các bạn. Ví dụ, bằng sự khôn ngoan này, sự phục vụ của các bạn cho tính thánh thiêng của sự sống mang lấy hình thức cụ thể trong thỏa ước giữa các thế hệ và trong việc phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt những người thiếu thốn, người khuyết tật và mồ côi. Nó mang lấy hình thức cụ thể của tình đoàn kết với những người di cư, của nghệ thuật kiên nhẫn trong giáo dục biết nhìn đến mỗi người trẻ như một chủ thể xứng đáng hưởng trọn sự yêu thương của gia đình, của sự bảo vệ quyền sự sống của thai nhi là những người không có tiếng nói, và của việc bảo đảm những điều kiện sống đúng phẩm giá cho người già.
Công việc trước mắt của các bạn rất lớn và phức tạp. Chỉ bằng cách củng cố hiệp hội của các bạn và mời gọi nhiều gia đình khác cùng tham gia với các bạn, thì công việc mới bớt gian khó hơn, vì sự liên kết tạo nên sức mạnh. Thường thường các bạn sẽ phải là muối men dạy cho những người khác biết cùng nhau hoạt động, biết tôn trọng những khác biệt và những cách tiếp cận pháp lý.
4. Để kết luận, tôi khuyến khích các bạn phát triển những phương pháp và những sáng kiến mới với tính sáng tạo, để gia đình có thể thực hành, cả trong phạm vi giáo hội và dân sự, trách nhiệm ba phía hỗ trợ cho thế hệ trẻ, đồng hành với con người trên những con đường cuộc sống thường đầy sỏi đá. Sứ mạng ba phía này có thể là một sự đóng góp đặc biệt mà Liên đoàn của các bạn, qua sự phục vụ hàng ngày, có thể đưa ra cho các gia đình ở Châu Âu.
Tôi ban phép lành cho các bạn và tôi cùng đồng hành với các bạn trong lời cầu nguyện, khẩn xin sự can thiệp của Gia đình Thánh Na-za-rét. Và tôi xin các bạn, đừng quên cầu nguyện cho tôi.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/06/2017]


Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa

Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa

(Phần Hai)

‘Một thế giới không còn biết được những giá trị, và giá trị, của việc làm thì cũng chẳng hiểu được Tiệc Thánh, lời cầu nguyện chân thành và khiêm nhường của những người công nhân và lao động’
29 tháng Năm, 2017
Hỏi và Đáp của Đức Thánh Cha với ‘Thế giới Lao động’ ở Genoa
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO

Lúc 7.30 sáng thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxico khởi hành bằng máy bay từ sân bay Ciampino của Roma để đi thăm mục vụ Tổng Giáo phận Genoa.

*************************************

Câu hỏi của Sergio, một công nhân đang theo khóa đào tạo của các cha Tuyên úy
Không phải là hiếm gặp trong những nơi làm việc, trong các cuộc thi, sự nghiệp, những khía cạnh kinh tế chiếm ưu thế, và công việc là một cơ hội đặc quyền để làm chứng tá và loan truyền Tin mừng, được sống qua thái độ biết chấp nhận tình huynh đệ, sự hợp tác, và tình liên đới. Chúng con xin Đức Thánh Cha cho lời khuyên làm sao để có bước đi tốt hơn trên hành trình tiến đến những lý tưởng này.
ĐTC Phanxico:
Những giá trị của công việc đang thay đổi rất nhanh, và nhiều trong số những giá trị mới này của các doanh nghiệp lớn và tài chính khổng lồ không phải là những giá trị đi đôi với chiều kích con người, và vì thế không đi đôi với nhân bản luận của Ki-tô giáo. Việc chú trọng đến sự cạnh tranh trong công ty, không những là một sai lầm xét theo nhân loại học và Ki-tô giáo, mà nó còn là một lỗi về kinh tế vì nó chối bỏ sự thật rằng doanh nghiệp trước hết là sự hợp tác, sự hỗ trợ lẫn nhau, và sự nhân nhượng lẫn nhau. Khi một doanh nghiệp theo khoa học tạo ra một hệ thống khích lệ cá nhân đưa nhân công vào sự cạnh tranh lẫn nhau, có lẽ về ngắn hạn sẽ đạt được một lợi thế, nhưng nó sẽ sớm dẫn đến việc làm xói mòn cơ cấu lòng tin là một cơ cấu linh hồn của bất kỳ tổ chức nào. Và vì thế, khi khủng hoảng xảy đến, công ty tự rã và nổ ra, vì không còn bất kỳ sợi dây nào gắn kết vào nhau. Điều cần phải được nói lên mạnh mẽ rằng loại văn hóa cạnh tranh giữa những công nhân với nhau trong một doanh nghiệp là một sai lầm, và vì thế là một tầm nhìn cần phải được thay đổi nếu chúng ta muốn điều tốt đẹp cho xí nghiệp, cho công nhân và cho nền kinh tế. Một “giá trị” khác mà thực tế lại phi giá trị là cái được gọi là “chế độ nhân tài.” Chế độ nhân tài nghe rất hấp dẫn vì nó sử dụng một cụm từ rất đẹp là: “công lao,” nhưng vì nó bị lợi dụng và bị sử dụng theo ý thức hệ, nó bị bóp méo và bị xuyên tạc. Chế độ nhân tài, vượt ra ngoài niềm tin tốt đẹp của nhiều người bám víu vào nó, đang trở thành một con đường để hợp thức hóa sự bất bình đẳng. Chủ nghĩa tư bản tân thời, qua chế độ nhân tài, khoác cho sự bất bình đẳng một lớp áo đạo đức, vì nó giải thích tài năng của con người không phải là một ân ban: tài năng không phải là một ân ban theo cách giải thích này: nó là một công lao, định đoạt cho một hệ thống gồm những lợi thế và bất lợi chồng chất. Vì thế, nếu hai đứa trẻ được sinh ra khác nhau theo những thuật ngữ tài năng hoặc những cơ hội về xã hội và kinh tế, thế giới kinh tế sẽ giải thích những tài năng khác nhau như là công lao và sẽ trả lương cho chúng hoàn toàn khác. Và vì vậy, khi hai đứa trẻ đó về hưu, sự bất bình đẳng giữa chúng sẽ nhân gấp lên nhiều lần. Một hậu quả thứ hai của điều được gọi là “chế độ nhân tài” là sự thay đổi về văn hóa của người nghèo. Người nghèo bị coi là không xứng đáng và vì thế phải đáng lên án. Và nếu cái nghèo là lỗi của người nghèo, thì người giàu được miễn không phải làm gì hết. Đây là luận lý cũ của những người bạn của ông Gióp, họ muốn thuyết phục ông tin rằng ông có tội về sự bất hạnh của ông. Nhưng đây không phải là luận lý của Tin mừng, nó không phải là luận lý của sự sống: chế độ nhân tài trong Tin mừng được tìm thấy trong hình ảnh người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta khinh miệt người em và nghĩ rằng đứa em vẫn phải chịu sự thất bại đó vì nó đáng như vậy; nhưng người cha lại nghĩ rằng không một đứa con nào xứng đáng ăn những thức ăn dành cho heo.

Câu hỏi từ Vittoria, một người thất nghiệp
Chúng con bị thất nghiệp cảm thấy các cơ quan không chỉ quá xa cách, mà còn giống như các bà mẹ kế, chăm chú vào sự hỗ trợ thụ động hơn là cam kết tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc làm. Chúng con được an ủi bởi sự nồng hậu của nhiều người trong đó Giáo hội rất gũi với chúng con và sự chào đón mà mỗi người chúng con tìm được trong nhà của các Cha Tuyên Úy. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con có thể tìm thấy sức mạnh ở đâu để tiếp tục tin, và không bao giờ đầu hàng bất chấp tất cả những khó khăn này?
ĐTC Phanxico:
Đúng vậy đấy! Những ai đã mất việc làm và không thể tìm lại một công việc tốt, cảm thấy họ bị mất phẩm giá, cũng giống như những người bị bắt buộc do điều kiện phải chấp nhận những công việc tệ hại hoặc không phù hợp. Không phải tất cả mọi công việc đều tốt: vẫn có rất nhiều việc làm xấu xa không có phẩm giá, trong việc buôn bán vũ khí trái phép, khiêu dâm, đánh bạc và tất cả những doanh nghiệp không biết tôn trọng quyền của người lao động hay bản chất của lao động. Thật là tệ hại cho công việc của những người được trả lương nhiều khi họ không có thời gian biểu, không giới hạn, không có những ranh giới giữa công việc và cuộc sống vì công việc đã chiếm trọn cuộc sống. Một nghịch lý trong xã hội của chúng ta là sự lan rộng ngày càng nhiều những người muốn có việc làm nhưng lại không thể, trong khi những người khác làm việc quá mức, họ muốn làm bớt đi nhưng không thể vì họ đã được “mua” bởi các doanh nghiệp. Về một mặt, công việc phải trở thành “công việc đồng liêu” khi song song với nó phải có thời gian nghỉ ngơi, những ngày lễ nghỉ. Người nô lệ không có thời gian rảnh: không có ngày lễ nghỉ, công việc biến thành nô lệ, cho dù được trả tiền cao; và để được nghỉ lễ, chúng ta phải làm việc. Trong các gia đình không có việc làm, không bao giờ thực sự có ngày Chủ nhật và những ngày lễ đôi khi trở thành ngày buồn vì thứ Hai tới lại không có việc làm. Để mừng được ngày lễ nghỉ, bạn cần phải mừng sự lao động. Một cái đánh dấu nhịp độ và cái kia là nhịp điệu. Chúng luôn đi với nhau.
Tôi cũng tin rằng sự tiêu xài là một ngẫu thần trong thời đại của chúng ta. Sự tiêu xài là trung tâm của xã hội chúng ta, và trong đó có niềm vui thích mà sự tiêu xài hứa hẹn. Những đại cửa hàng, mở cửa 24 giờ một ngày, mọi ngày, những “đền thờ” hứa hẹn sự cứu rỗi, đời sống trường tồn; những sùng bái sự tiêu xài thuần túy và từ đó là sự vui thích thuần túy. Đây cũng là gốc rễ của khủng hoảng lao động trong xã hội của chúng ta: làm việc thì mệt mỏi, đổ mồ hôi. Kinh Thánh biết điều đó rất rõ và nhắc chúng ta nhớ về nó. Nhưng một xã hội hưởng lạc chỉ nhìn thấy và chỉ muốn tiêu xài, không hiểu được giá trị của sự mệt mỏi và đổ mồ hôi và do đó không hiểu được lao động. Tất cả mọi sự sùng bái ngẫu thần là những trải nghiệm của sự tiêu xài thuần túy: ngẫu thần không lao động. Việc làm là lao động: có những đau đớn trong việc xây dựng niềm vui cho những gì đã được tạo ra cùng với nhau. Nếu không lấy lại được một văn hóa biết tôn giá trị sự nhọc mệt và đổ mồ hôi, chúng ta sẽ không tìm thấy một sự tương quan mới với công việc và chúng ta sẽ tiếp tục mơ đến việc tiêu xài mang tính vui thích thuần túy. Việc làm là trung tâm của mọi công ước xã hội: nó không phải là một phương tiện để tiêu xài, không. Nó là trung tâm của mọi công ước xã hội. Giữa việc làm và tiêu xài có rất nhiều điều, tất cả đều quan trọng và đẹp, được gọi là phẩm giá, tôn trọng, vinh dự, tự do, quyền, quyền của mọi người, phụ nữ, trẻ em, trẻ em, người già … Nếu chúng ta bán lao động cho sự tiêu xài, với công việc chẳng mấy lúc chúng ta sẽ bán đứng tất cả các từ ngữ liên quan đến nó: phẩm giá, tôn trọng, vinh dự, tự do. Chúng ta không được cho phép điều này xảy ra, và chúng ta phải tiếp tục đòi hỏi có việc làm, tạo ra nó, đánh giá nó, yêu nó. Chúng ta cũng phải cầu nguyện cho nó: rất nhiều những kinh cầu rất đẹp của cha ông chúng ta là những lời kinh cầu cho công việc, học và đọc trước khi, sau khi, và trong khi làm việc. Lao động là một người bạn của cầu nguyện, lao động hiện hữu mỗi ngày trong Tiệc Thánh, các lễ vật là hoa trái của bàn tay con người và lao động. Một thế giới không còn biết đến những giá trị, và giá trị, của lao động thì cũng không hiểu được Tiệc Thánh, không hiểu được lời cầu nguyện chân thành và khiêm nhường của bao nhiêu những người lao động. Những cánh đồng, biển cả, nhà máy đã và đang là “những bàn thờ” mà từ đó những lời kinh nguyện tuyệt đẹp và chân thành được dâng lên, những điều Thiên Chúa chấp nhận và đón lấy. Những lời kinh nguyện được dâng lên và đọc lên bởi những người hiểu và muốn cầu nguyện, và kể cả những lời kinh nguyện được đọc lên bằng đôi tay, bằng mồ hôi, bằng sự nhọc mệt của lao động của những người không biết cách cầu nguyện bằng lời. Thiên Chúa cũng đã chào đón họ và tiếp tục chào đón họ cho đến hôm nay.
Vì lý do này, tôi muốn kết thúc cuộc đối thoại này bằng một lời cầu nguyện: nó là một lời nguyện cổ xưa, “Thánh Thần, xin hãy đến” cũng là một lời cầu cho công việc và cho lao động.
“Thánh Thần, xin hãy đến,
xin gửi đến những ánh hào quang từ trời trong ánh sáng của Người.
Xin hãy đến, cha của những người nghèo,
Cha của những người lao động.
Xin hãy đến, Đấng ban tặng những món quà,
Xin hãy đến, ánh sáng của con tim.
Đấng an ủi lớn lao nhất,
vị khách ngọt ngào của tâm hồn,
nguồn an ủi dịu dàng.
Trong lao động, nghỉ  ngơi,
trong sức nóng, trong sự ôn hòa,
trong nước mắt, trong niềm an ủi.
Xin tẩy sạch những gì chưa tinh sạch,
xin tưới mát cho những gì khô cằn,
xin chữa lành những vết thương.
Xin nắn cho mềm những gì chai đá,
sưởi ấm những gì đang giá lạnh,
sửa lại những gì đã hư nát.
Xin ban ân cho nhân đức,
xin ban ơn giải thoát cứu độ,
xin ban niềm vui bất tận.
Amen”.
Cảm ơn anh chị em!
Và bây giờ, cha khẩn cầu Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em, ban phép lành cho toàn thể công nhân, doanh nhân, những người thất nghiệp. Mỗi người chúng ta, hãy nghĩ đến những doanh nhân là những người đang làm mọi cách để tạo ra việc làm; hãy nghĩ đến những người thất nghiệp, hãy nghĩ đến những người công nhân. Và nguyện xin ơn lành này đổ xuống trên tất cả chúng ta và tất cả những người đó.
[Phép lành]

Cảm ơn anh chị em rất nhiều!

[Văn phòng Báo chí Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/05/2017]