Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha động viên các Hoạt động bác ái ở Iraq, Syria, các quốc gia lân cận

Đức Thánh Cha động viên các Hoạt động bác ái ở Iraq, Syria, các quốc gia lân cận
© Vatican Media

Đức Thánh Cha động viên các Hoạt động bác ái ở Iraq, Syria, các quốc gia lân cận

‘Mỗi ngày trong lời cầu nguyện, tôi dâng lên Chúa sự đau khổ và thiếu thốn của các Giáo hội và các dân tộc trong những vùng đất thân yêu này, và cả những thiếu thốn của những người đang đi tìm cách giúp đỡ.’

14 tháng Chín, 2018 16:07

Ngày 14 tháng Chín, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Những xung đột đã gây đổ máu quá nhiều trong vùng đó suốt nhiều năm, và hoàn cảnh của các dân tộc Syria, Iraq và các quốc gia lân cận, tiếp tục thu hút sự quan tâm rất lớn. Mỗi ngày trong lời cầu nguyện, tôi dâng lên Chúa sự đau khổ và thiếu thốn của các Giáo hội và các dân tộc trong những vùng đất thân yêu này, và cả những thiếu thốn của những người đang đi tìm cách giúp đỡ. Và đúng như vậy: mỗi ngày.”

Lời của Đức Thánh Cha trong Mật Nghị Sảnh đường của Điện Tông tòa Vatican, tại đây ngài tiếp các người tham dự Đại hội Hợp tác giữa các Tổ chức Bác ái Công giáo lần Thứ Tư hoạt động tại Iraq, Syria và các quốc gia lân cận, do Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện tổ chức, đặc biệt có Phân bộ về Người Di cư và Tị nạn, cùng hợp tác với Phủ Quốc Vụ khanh và Bộ các Giáo hội Đông phương, đang diễn ra ngày 13 và 14 tháng Chín tại Đại học Giáo hoàng Urban.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến:


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào (buổi sáng) anh chị em!

Tôi gửi lời chào thân ái và lời cảm ơn đến toàn thể anh chị em đến tham dự Đại hội lần thứ tư về sự hợp tác trong Giáo hội để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Iraq, Syria và các quốc gia lân cận, đại hội năm nay cũng có Phân bộ về Người Di cư và Tị nạn.

Tôi đặc biệt xin cảm ơn Đức Hồng y Phê-rô Turkson và Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức đại hội này, cùng hợp tác với Phủ Quốc Vụ khanh và Bộ các Giáo hội Đông phương. Tôi cũng xin cảm ơn Ông Filippo Grandi, Cao ủy viên Liên hợp quốc về người Tị nạn, vì sự hiện diện của ông và công việc giúp đỡ những người tị nạn. Xin cảm ơn quý vị rất nhiều!

Những xung đột đã gây đổ máu quá nhiều trong vùng đó suốt nhiều năm, và hoàn cảnh của các dân tộc Syria, Iraq và các quốc gia lân cận, tiếp tục thu hút sự quan tâm rất lớn. Mỗi ngày trong lời cầu nguyện, tôi dâng lên Chúa sự đau khổ và thiếu thốn của các Giáo hội và các dân tộc trong những vùng đất thân yêu này, và cả những thiếu thốn của những người đang đi tìm cách giúp đỡ. Và đúng như vậy: mỗi ngày.

Với lần nghiên cứu thứ ba này liên quan đến việc cứu trợ nhân đạo của các tổ chức trong Giáo hội, anh chị em đang có một sự đóng góp quan trọng giúp hiểu rõ hơn về những nhu cầu của các dân tộc này đồng thời cung cấp những cứu trợ cho họ.

Như tôi đã nhiều lần nhắc lại, có một nguy cơ thật sự đó là sự hiện hữu của người Ki-tô giáo có thể bị biến mất trên mọi miền đất là nơi bắt đầu ánh sáng của Tin mừng. Cùng cộng tác với các Giáo hội khác, Giáo hội đang cố gắng bảo đảm tương lai cho các cộng đồng Ki-tô hữu ở đây.

Toàn thể Giáo hội đang hướng về những anh chị em trong đức tin ở nơi đây và động viên họ qua sự hiệp thông cầu nguyện và bác ái cụ thể, không đầu hàng trước bóng đêm của bạo lực nhưng giữ vững nguồn ánh sáng hy vọng. Những chứng tá tình yêu mà qua đó Giáo hội lắng nghe và đáp lời lại trước những tiếng kêu cầu giúp đỡ từ mọi người, khởi đầu từ những người hèn mọn nhất và nghèo khổ nhất, là một nguồn ánh sáng cho hiện tại và là một hạt giống hy vọng sẽ trổ sinh hoa trái trong tương lai.

Dự án Ki-tô giáo tuyệt vời này nhắc tôi nhớ đến một số câu trong lời cầu nguyện của Thánh Phanxico Assisi: “Để con đem yêu thương đến nơi đâu có oán thù … Để con đem trông cậy vào nơi có sự thất vọng.”

Trong số nhiều sáng kiến đáng khen ngợi mà anh chị em thực hiện, dự án rất quan trọng trong năm nay là hỗ trợ việc hồi hương của các cộng đoàn Ki-tô hữu về Đồng bằng Ninivê ở Iraq, đặc biệt qua dự án các Bệnh viện mở.

Anh chị em thân mến, nhờ ơn Chúa, chúng ta cùng hướng về tương lai. Tôi động viên anh chị em, những người hoạt động nhân danh Giáo hội, hãy tiếp tục cung cấp nền giáo dục cho thiếu nhi, cung cấp việc làm cho giới trẻ, sự gần gũi cho người già và những người bị tổn thương tâm lý; và không quên những vết thương tâm hồn, mà Giáo hội có trách nhiệm phải chữa lành: “Để con đem thứ tha và nơi đâu có sự xúc phạm. Để con đem sự hòa thuận vào nơi có tranh chấp.”

Cuối cùng, và vô cùng tha thiết, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không bỏ mặc những thiếu thốn của các nạn nhân trong cuộc khủng hoảng này, và trên hết hãy gạt qua một bên những lợi ích riêng để cùng phục vụ cho hòa bình, và chấm dứt chiến tranh.

Chúng ta không thể nhắm mắt trước những nguyên nhân đã buộc hàng triệu người dân phải rời bỏ quê hương của họ một cách đau đớn. Đồng thời, tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan, và cộng đồng quốc tế, hãy tái cam kết để bảo đảm sự hồi hương an toàn cho những người di tản được trở về nhà của họ. Cam kết bảo vệ và bảo đảm tương lai cho họ là một mệnh lệnh bắt buộc của thái độ văn minh. Chính việc lau khô những giọt lệ của trẻ em là những người không được chứng kiến điều gì khác ngoài những sự đổ nát, những cái chết và tàn phá, mà thế giới sẽ phục hồi lại giá trị của nó (x. Diễn từ tại buổi Bế mạc Đối thoại, Bari, 7 tháng Bảy 2018). Liên quan đến vấn đề này, tôi vô cùng cảm kích trước những nỗ lực to lớn của nhiều quốc gia trong vùng và nhiều tổ chức khác nhau, trong đó có những anh chị em đại diện đang có mặt ở đây, đang được thực hiện cho những người tị nạn.

Chúng ta hãy lấy lời Nguyện đó làm lời nguyện của riêng chúng ta: “Lạy Chúa, hãy biến con thành khí cụ hòa bình của Chúa [...]. Để con đem ánh sáng vào nơi tối tăm.” Trở thành những khí cụ hòa bình và ánh sáng: đây là điều tôi ước mong cho mỗi người anh chị em. Từ tận đáy lòng của tôi: tôi xin cảm ơn anh chị em vì mọi việc anh chị em đang làm mỗi ngày, cùng với rất nhiều những người thiện chí khác. Cảm ơn, cảm ơn anh chị em! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và Đức Mẹ đồng hành với anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/9/2018]


Đức Thánh Cha vinh danh vị linh mục bị sát hại với chuyến thăm Sicily tiếp nối bước chân của Đức Gioan Phaolo II

Đức Thánh Cha vinh danh vị linh mục bị sát hại bằng chuyến thăm Sicily tiếp nối bước chân của Đức Gioan Phaolo II

14 tháng Chín, 2018
Đức Thánh Cha vinh danh vị linh mục bị sát hại với chuyến thăm Sicily tiếp nối bước chân của Đức Gioan Phaolo II
© OR/CPP/CIRIC
08-10 mai 1993 : Jean Paul II en Sicile, Italie.

Cũng như Đức Giaon Phaolo II đã mạnh mẽ kết án mafia và cảnh báo về sự phán xét của Chúa, Đức Phanxico cũng mang đến thông điệp tương tự

Đức Thánh Cha Phanxico đang chuẩn bị chuyến đi đến khu tự trị Sicily ngày 15 tháng Chín, để tôn vinh Cha Giuseppe Puglisi, người đã bị ám sát một vài tháng sau chuyến thăm của Đức Gioan Phaolo II năm 1993. “Hãy hối cải! Sự phán xét của Chúa sẽ đến!” vị giáo hoàng người Ba lan đã mạnh mẽ gửi thông điệp đến cho nhóm Mafia địa phương.

Sau lần đầu tiên đến thăm Sicily vào tháng Chín năm 1982 trong hai ngày, Đức Gioan Phaolo II lại đến thăm một lần nữa, lần này kéo dài ba ngày, từ 8 tháng Năm đến 10 tháng Năm, 1993. Buổi tối ngày đầu tiên, đức giáo hoàng đến Agrigento, phía nam Sicily, tại đây giới trẻ trình diễn một vở kịch mô phỏng theo một bi kịch của Hy lạp gợi lên những việc độc ác của mafia.

“Những kẻ phải chịu trách nhiệm lương tâm với quá nhiều mạng sống con người phải hiểu rằng giết người vô tội là hoàn toàn không được phép!” đức giáo hoàng tuyên bố một cách dứt khoát trong cuối Thánh Lễ ngày hôm sau. Đức Karol Wojtyla sau đó lên án đích danh mafia, chịu trách nhiệm về 126 vụ sát hại ở Sicily từ đầu năm đó. Năm trước đó, hai chánh án chống Mafia người Ý, Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, cũng đã bị giết.

“Thiên Chúa đã nói, ‘Ngươi không được giết người: không một người nào, không một tổ chức con người nào, không nhóm mafia nào, có thể thay đổi và chà đạp lên quyền cực thánh này của Thiên Chúa!” Vị giáo hoàng Ba lan tuyên bố, đám đông hoan hô vang dậy. “Tôi nói với những người chịu trách nhiệm: Hãy hối cải! Sự phán xét của Chúa sẽ đến!”

Những lời này gợi nhớ lại những lời tuyên bố thẳng thắn của Đức Thánh Cha Phanxico vào tháng Sáu năm 2014 ở Calabria khi ngài nói rằng Mafiosos “không được dự phần với Thiên Chúa,” và họ bị “rút phép thông công.”

Đức Thánh Cha kêu lên, “N’drangheta là sự tôn thờ ác thần.”


Phục hồi “Con đường hối cải”

Tối 9 tháng Năm, điểm đến cuối cùng trong chuyến thăm của Đức Gioan Phaolo II là Caltanissetta, ở đó ngài tiếp chuyện người vợ của Chánh án Borsellino quá cố và cha mẹ của Rosario Civitano, một chánh án chống mafia khác, người cũng đã bị giết và tháng Chín, năm 1990.

Cuối cùng, ngài dâng Lễ trong thành phố tại trung tâm Sicily ngày 10 tháng Năm, trước khi đến thăm nhà tù địa phương. Buổi gặp gỡ của ngài đa phần là các tù nhân mafia, và ngài tiếp tục lời kêu gọi hối cải.

Đức Ki-tô “chiến thắng mọi bất công của con người; với lòng thương xót, Người chiến thắng sự ác và tội lỗi,” ngài nói. “Điều này chắc chắn làm cho tâm hồn con người có sức mạnh cần thiết để phục hồi lại con đường hối cải.” Những lời nói đã làm các tù nhân vỗ tay hoan hô vang dậy.

Chỉ một vài tháng sau chuyến thăm mục vụ của ngài, ngày 15 tháng Chín năm 1993, Cha Giuseppe Puglisi, một linh mục cam kết hoạt động chống mafia đã bị giết.

Trên đường đến Sicily nhân kỷ niệm ngày qua đời của ngài, Đức Thánh Cha Phanxico, tiếp nối bước chân của Đức Gioan Phaolo II, sẽ vinh danh tất cả những nạn nhân của Mafia. 



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/9/2018]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’

‘Việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở Lời nói nhưng phải được chứng minh bằng những lựa chọn và hành động cụ thể’

16 tháng Chín, 2018 15:31

THÀNH VATICAN, 16 Tháng Chín, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mc 8:27-35), quay trở lại với câu hỏi được tìm thấy xuyên suốt Tin mừng của Mác-cô: Chúa Giê-su là ai? Tuy nhiên, lần này chính Chúa Giê-su lại đặt câu hỏi đó cho môn đệ của Ngài, giúp họ dần dần giải quyết được câu hỏi căn bản về bản thân Chúa Giê-su. Trước khi hỏi trực tiếp nhóm Mười Hai, Chúa Giê-su muốn nghe các ông cho Ngài biết người ta nói Ngài là ai — và Ngài biết rõ rằng các môn đệ rất nhạy cảm với sự nổi tiếng của Thầy mình! Vì vậy, Ngài hỏi: “Người ta nói thầy là ai?” (c. 27). Câu trả cho biết rõ rằng người ta xem Ngài là một đại tiên tri. Nhưng trong thực tế, Ngài không quan tâm đến ý kiến hay lời đồn thổi của dân chúng. Ngài cũng chẳng quan tâm đến việc các môn đệ trả lời cho những câu hỏi của Ngài bằng những công thức soạn sẵn, dẫn chứng ra những nhân vật nổi tiếng trong Sách Thánh, vì đức tin mà chỉ thu hẹp theo công thức là một đức tin bị cận thị.

Chúa muốn các môn đệ của Ngài trong quá khứ và trong hiện tại phải thiết lập được một mối quan hệ riêng tư với Ngài, và từ đó đón nhận Ngài vào trung tâm của đời sống. Vì thế Ngài đặt các ông đứng trước một sự thật, và Ngài hỏi: “Người ta nói thầy là ai?” (c. 29). Hôm nay, Chúa Giê-su trực tiếp đặt câu hỏi rất riêng tư này với mỗi người chúng ta: “Con nói Ta là ai? Mọi người nói Ta là ai? Ta là gì cho con?” Trong thâm tâm, mỗi người hãy tự trả lời, hãy cho phép mình được soi sáng bởi ánh sáng mà Chúa Cha ban tặng cho chúng ta để biết được Con của Người, là Chúa Giê-su. Và chuyện cũng có thể xảy ra cho chúng ta, giống như Phê-rô, nhiệt thành tuyên xưng rằng: “Người là Đức Ki-tô.” Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su giải thích rõ cho chúng ta những gì Ngài đã nói với các môn đệ, tức là sứ mạng của Ngài được thi hành không phải trên con đường rộng thênh thang dẫn đến thành công, nhưng là trên con đường gian khổ của người Phục vụ nhẫn chịu, bị hạ nhục, bị từ chối và bị đóng đinh, và rồi như Thánh Phê-rô, chuyện cũng có thể xảy ra cho chúng ta, là chống lại và nổi loạn vì điều này đi ngược lại với những mong chờ của chúng ta. Trong những lúc như vậy, chúng ta cũng xứng đáng nhận lời quở trách rất hữu ích của Chúa Giê-su: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (c. 33).

Việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở Lời nói nhưng phải được chứng minh bằng những lựa chọn và hành động cụ thể, bằng một đời sống làm tỏ rạng tình yêu của Thiên Chúa, bằng một đời sống tuyệt vời, một đời sống dành thật nhiều sự yêu thương cho anh em. Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng nếu theo Ngài, trở thành những môn đệ của Ngài, thì điều quan trọng là phải từ bỏ bản thân (x. c. 34), nghĩa là, phải gạt bỏ những kiêu căng ích kỷ của chúng ta, và vác lấy thập giá của mình. Rồi Ngài cho tất cả chúng ta một nguyên tắc nền tảng. Nguyên tắc đó là gì? “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (c. 35). Trong cuộc sống, vì nhiều lý do, chúng ta thường bị lạc lối, chỉ đi tìm hạnh phúc nơi vật chất, hoặc nơi những con người mà chúng ta đối xử như đồ vật. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tìm được hạnh phúc khi tình yêu đích thực gặp gỡ chúng ta, làm chúng ta ngạc nhiên và biến đổi chúng ta. Tình yêu biến đổi mọi sự! Và tình yêu cũng biến đổi chúng ta, từng người chúng ta. Những chứng tá của các thánh đã chứng minh điều đó.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh, Đấng đã sống niềm tin trung thành với Chúa Giê-su, Con của Mẹ, giúp chúng ta bước theo trên con đường của Mẹ, quảng đại dành thời gian cho Ngài và cho anh em.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

An chị em thân mến,

Hôm qua cha có chuyến Thăm mục đến Piazza Armerina và Palermo, ở Sicily, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày qua đời của Chân phước Pino Puglisi [mọi người vỗ tay]. Hãy dành một tràng vỗ tay thật lớn cho ngài Don Pino! Tôi chân thành cảm ơn các Giới chức dân sự và giáo hội, và tất cả những người góp phần giúp cho chuyến đi thành công. Tôi cảm ơn viên phi công lái máy bay rất giỏi và cả viên phi công lái máy bay trực thăng. Tôi đặc biệt cảm ơn các Đức Giám mục Rosario Gisana và Corrado Lorefice vì sự phục vụ mục vụ tuyệt vời của các ngài. Cha cảm ơn các bạn trẻ, các gia đình và tất cả mọi con người tuyệt vời, về vùng đất nên thơ Sicily, về sự tiếp đón nồng nhiệt của họ. Ước mong rằng tấm gương của ngài Don Puglisi tiếp tục soi sáng cho tất cả chúng ta và giúp chúng ta xác quyết rằng điều thiện luôn luôn mạnh hơn điều ác, yêu thương luôn luôn mạnh mẽ hơn sự thù hận. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em người Sicily và vùng đất của anh chị em! Hãy dành một tràng pháo tay cho anh chị em Sicily!

Anh chị em thân mến, cha gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người, người Roma và khách hành hương từ nhiều quốc gia: các gia đình, các nhóm giáo xứ và các hiệp hội.

Cha xin chào anh chị em tham dự hội nghị “Missio Giovani” của Hội Thừa sai Giáo hoàng và cha động viên anh chị em hãy là những chứng nhân của tình yêu thương xót của Chúa Giê-su.

Cha xin chào các thầy cô giáo và học sinh của trường Latinh “Corderius College” Amersfoort: Valete dilectissimi!

Cha chào các ứng sinh lớp Thêm sức Marsan (Vicenza) và các nhạc công Thụy sĩ đến từ Oron-la-Ville. Cha cũng nhìn thấy một nhóm anh chị em Nicaragua. Chào anh chị em!

Hôm nay, hai ngày sau Lễ Suy tôn Thánh giá, cha nghĩ cha phải tặng anh chị em, tất cả những người trong Quảng trường, mỗi người một thánh giá. Đây là thánh giá cha sẽ tặng [ngài đưa thánh giá lên]. Thánh giá là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa, qua Chúa Giê-su, đã hiến mạng sống cho chúng ta. Cha mời gọi anh chị em hãy nhận lấy món quà này và đem về gia đình, đưa vào phòng ngủ của con cái anh chị em, hoặc phòng của ông bà … hoặc ở bất kỳ nơi nào, nhưng là chỗ có thể dễ dàng nhìn thấy trong nhà. Chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh là chúng ta chiêm ngắm ơn cứu độ của mình. Không phải trả tiền cho thánh giá. Nếu có người nói rằng anh chị em phải trả tiền là người đó đang lừa anh chị em! Không, không phải trả tiền! Đây là quà tặng của giáo hoàng. Tôi cảm ơn các chị nữ tu, những người nghèo và người tị nạn bây giờ sẽ phân phát món quà nhỏ nhưng rất quý báu này! Niềm tin luôn đến từ những người nhỏ bé, từ những người khiêm nhường.

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’Huấn từ Kinh Truyền Tin: Câu hỏi: ‘Chúa Giê-su là ai?’

Xin chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/9/2018]


Nạn đói kinh hoàng có thể giết chết 600.000 trẻ em trong những vùng chiến sự năm nay

Nạn đói kinh hoàng có thể giết chết 600.000 trẻ em trong những vùng chiến sự năm nay
Một trẻ em tị nạn người Azerbaijan đến từ Karabakh - Wikimedia Commons

Nạn đói kinh hoàng có thể giết chết 600.000 trẻ em trong những vùng chiến sự năm nay

Nghiên cứu mới của tổ chức Save the Children (Hãy cứu lấy trẻ em)

11 tháng Chín, 2018 00:58

Hơn nửa triệu trẻ em trong những khu vực xung đột có thể chết vì nạn đói kinh hoàng trước cuối năm nay, nghiên cứu mới của Tổ chức Save the Children cho biết.

Tổ chức từ thiện ước tính có 4.500.000 trẻ em dưới 5 tuổi cần phải được điều trị tình trạng suy dinh dưỡng đe dọa đến mạng sống trong năm nay trong những khu vực xung đột nguy hiểm nhất đối với thiếu nhi, mức gia tăng gần 20% kể từ năm 2016.

Nhưng với những tỷ lệ hiện tại, cứ 2 trong số 3 em trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng này không có cơ hội được điều trị cứu mạng trong năm nay, với con số khoảng 590.000 có thể sẽ chết.

Tức là tính trung bình mỗi ngày có 1.600 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết vì nạn đói kinh hoàng, hoặc mỗi phút có một em chết.

Phân tích mới của Save the Children được đưa ra khi các tổ chức nhân đạo bị thiếu hụt quỹ trầm trọng trước những lời kêu gọi khẩn cấp của LHQ cho các khu vực đang xảy ra xung đột, và khi các bên tham chiến không tuân thủ luật nhân đạo quốc tế liên tục ngăn chặn những nguồn cứu trợ đến được với trẻ em đang cần giúp đỡ. [5][6]

Nạn đói toàn cầu đang trên đà gia tăng sau thời gian lắng dịu trong suốt hai thập kỷ, và LHQ cho biết xung đột là nguyên nhân chính dẫn đến sự đảo ngược này.

Suy dinh dưỡng nghiêm trọng, hay SAM, là một dạng thiếu ăn nguy hiểm và nghiêm trọng nhất. Các triệu chứng bao gồm xương sườn nhô lên và da nhăn nheo; hiện tượng sưng phồng lên ở các mắt cá, chân, và bụng, vì các mạch máu tiết dịch ra dưới da.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cũng có hệ thống miễn dịch suy giảm nghiêm trọng và có tỷ lệ bị nhiễm và chết vì những căn bệnh như viêm phổi, tả, và sốt rét cao hơn nhiều so với trẻ em khỏe mạnh. Ngay cả khi trẻ qua khỏi, thì những hậu quả của suy dinh dưỡng cũng để lại di chứng lâu dài và ảnh hưởng đến sự phát triển thể lý và tinh thần.

Helle Thorning-Schmidt, CEO của Save the Children Quốc tế, nói:

“Năm 2018 đáng lẽ không có trẻ em nào bị chết đói. Nhưng con số người bị đói trên hành tinh chúng ta bắt đầu gia tăng trở lại. Điều này thật đáng xấu hổ. Nạn đói là không tránh khỏi.

“Nhiều trẻ em trong số này đang ở trong những vùng chiến tranh. Chúng ta liên tục chứng kiến cảnh đói kém được sử dụng như là vũ khí cho chiến tranh khi những nguồn cung lương thực bị cản trở bởi các bên tham chiến trong những vùng như Yemen, Syria và Nam Sudan.

“Chúng ta phải chấm dứt tình trạng nguy hiểm này. Tất cả các bên tham chiến phải tuân thủ những quy định theo luật pháp quốc tế để cứu sinh mạng của trẻ em.”

Ước tính về con số tử vong của tổ chức từ thiện gồm cả 300.000 trẻ em trong nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đang bị chiến tranh xé nát, nơi đây các chương trình dinh dưỡng do các tổ chức cứu trợ và LHQ chỉ đáp ứng không đầy 10% theo nhu cầu.

Khoảng 35.000 trẻ em suy dinh dưỡng cũng có thể chết ở Yemen, đây là nơi mà tất cả các bên tham chiến đều ngăn cản các nguồn cung cấp lương thực và thuốc – bao gồm liên minh các nhà nước Ả-rập được hậu thuẫn và vũ trang bởi nước Anh – đã đẩy đất nước đến bờ vực của nạn đói.

Nhưng trong ba đất nước thuộc đông bắc Nigeria gánh chịu xung đột nặng nề nhất, Borno, Adamawa và Yobe, số trường hợp bị suy dinh dưỡng nặng không được điều trị hiện nay ước tính có khoảng 12.000 trẻ sau hai năm liên tục xung đột. Trong khi tình trạng vẫn còn đang phức tạp – khoảng 2.000 trong số các trẻ này có thể tử vong vì không được điều trị – nó cho thấy một sự giảm bớt mạnh so với những năm trước. Năm 2016, ước tính có khoảng 300.000 trường hợp không được điều trị và 60.000 trẻ đã chết trong ba đất nước.

Save the Children đang kêu gọi đóng góp để giúp các nhân viên cứu trợ và những đối tác chăm sóc sức khỏe địa phương tiếp cận được với nhiều trẻ em hơn qua những chương trình điều trị và cấp dinh dưỡng trong những vùng có chiến tranh trên khắp thế giới. Mất 150 bịch bột đậu phộng hỗn hợp giàu dinh dưỡng – giá tiền khoảng £30 – để cứu sống một đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng và giúp chúng phục hồi.

Cơ quan cứu trợ đang kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới bảo vệ trẻ em trong những vùng xung đột – và cả cứu khỏi nạn đói – và buộc trách nhiệm cho những ai ngăn chặn cứu trợ lương thực và thuốc điều trị.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/9/2018]